Lớp Giáo Lý
2 Nê Phi 9:1–26: “Sự Chuộc Tội Vô Hạn”


“2 Nê Phi 9:1–26: ‘Sự Chuộc Tội Vô Hạn’”, Sách Hướng Dẫn dành cho Giảng Viên về Sách Mặc Môn (năm 2024)

“2 Nê Phi 9:1–26”, Sách Hướng Dẫn dành cho Giảng Viên về Sách Mặc Môn

2 Nê Phi 9:1–26

“Sự Chuộc Tội Vô Hạn”

Hình Ảnh
He Lives (Ngài Hằng Sống), tranh của Simon Dewey

Gia Cốp dạy dân Nê Phi về tình cảnh mà toàn thể nhân loại phải đối mặt vì Sự Sa Ngã của A Đam và Ê Va. Ông đã làm chứng rằng chỉ có Chúa Giê Su Ky Tô và quyền năng cứu chuộc của Ngài mới có thể giúp nhân loại vượt qua cái chết thuộc linh và cái chết thể xác. Bài học này có thể giúp học viên cảm thấy biết ơn nhiều hơn cho vai trò của Chúa Giê Su Ky Tô trong việc giúp chúng ta vượt qua tội lỗi và cái chết.

Những Sinh Hoạt Học Tập Khả Thi

Một tình huống khó khăn

Hãy suy ngẫm xem em sẽ phản ứng như thế nào với các trường hợp sau:

Vào ngày 5 tháng Tám năm 2010, 33 thợ mỏ người Chile đã bị mắc kẹt trong một vụ sập hầm nghiêm trọng sau khi đá bên trong hầm mỏ sụp xuống. Họ bị giới hạn trong một khu vực an toàn nhỏ và các đường hầm bên dưới chỗ bị sập, cách mặt đất700 m.

Tình hình có vẻ ảm đạm. Họ bị chia cắt khỏi nhà cửa và gia đình bởi gần một cây số đất đá không thể được di dời bên trên, và họ chỉ còn ít thức ăn và nước uống. Mặc dù có công cụ và kiến thức, nhưng vì hầm mỏ không vững chắc, họ không thể tự cứu lấy mình. Cơ hội duy nhất của họ là được tìm thấy và giải cứu. (Connie Goulding, “Seeking Rescue”, Ensign, tháng Sáu năm 2015, trang 63)

  • Nếu em ở trong tình huống này, em có thể có những suy nghĩ hoặc cảm nhận gì?

  • Chúng ta cần một số điều gì để được giải cứu khi chúng ta không thể tự mình vượt qua?

Bởi vì Sự Sa Ngã của A Đam và Ê Va, mỗi người chúng ta sẽ trải qua cái chết thể xác và cái chết thuộc linh. Cái chết thuộc linh đề cập đến sự tách rời khỏi Thượng Đế mà chúng ta trải qua như là kết quả của tội lỗi.

Đọc 2 Nê Phi 9:10, tìm kiếm những điều Gia Cốp đã so sánh với cái chết thể xác và cái chết thuộc linh.

  • Em nghĩ tại sao Gia Cốp mô tả cái chết (cái chết thể xác) và địa ngục (cái chết linh hồn là kết quả của tội lỗi mà không chịu hối cải), như một “con yêu quỷ ghê gớm”?

Hãy nghĩ xem cuộc sống sẽ như thế nào nếu chúng ta không được giải cứu khỏi cái chết thể xác và cái chết thuộc linh. Hãy suy ngẫm xem làm thế nào em có thể truyền đạt cho người nào đó về nhu cầu khẩn thiết của chúng ta để cần một Đấng Cứu Chuộc giải cứu chúng ta khỏi cái chết thể xác và cái chết thuộc linh. Khi em tiếp tục nghiên cứu, hãy suy ngẫm về cảm nhận của mình dành cho Chúa Giê Su Ky Tô, Đấng giúp chúng ta khắc phục những tình cảnh này qua Sự Chuộc Tội của Ngài.

Gia Cốp dạy về vai trò của Đấng Cứu Rỗi trong việc giải cứu chúng ta khỏi tội lỗi và cái chết

Hình Ảnh
biểu tượng, ghi chép
  1. Hoàn thành sinh hoạt học tập sau đây

Tạo một bảng biểu với các đề mục sau trong nhật ký ghi chép việc học tập của em. Nghiên cứu các câu được liệt kê trong mỗi cột và ghi lại sự hiểu biết sâu sắc của em vào bảng biểu của mình. Tiếp tục thêm những hiểu biết sâu sắc vào bảng biểu của em trong suốt bài học.

Nếu không có Đấng Cứu Rỗi … (2 Nê Phi 9:7–9)

Bởi vì có một Đấng Cứu Rỗi … (2 Nê Phi 9:10–13)

Cân nhắc thêm những hiểu biết sâu sắc bổ sung của em vào bảng biểu.

  • Em đã có những suy nghĩ hoặc cảm nhận gì về Chúa Giê Su Ky Tô khi nghiên cứu những câu này?

Một lẽ thật tóm tắt những lời dạy của Gia Cốp trong các câu em đã nghiên cứu là qua Sự Chuộc Tội của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô giúp chúng ta vượt qua tội lỗi và cái chết.

  • Việc hiểu được lẽ thật này có thể ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống của em?

  • Khi nào sự hiểu biết về chiến thắng của Chúa Giê Su Ky Tô trước tội lỗi và cái chết có ý nghĩa nhất đối với em?

Lựa chọn chấp nhận được giải cứu

Nhắc lại câu chuyện về các thợ mỏ người Chile từ đầu bài học. Khi em tìm hiểu về phần còn lại trong câu chuyện của họ, hãy suy ngẫm về những điểm tương đồng giữa kinh nghiệm của họ và sự giải cứu chúng ta khỏi cái chết thể xác và cái chết thuộc linh.

Hơn hai tuần sau khi các thợ mỏ bị mắc kẹt, những người cứu hộ đã tìm ra cách cung cấp cho họ thực phẩm, nước uống, và đồ dùng. Gần hai tháng sau, cuối cùng thì những người cứu hộ đã có thể tạo ra một lỗ mở đủ lớn để đưa xuống một cái khoang nhỏ có thể cứu từng người thợ mỏ một. Từng người thợ mỏ bước vào khoang và chọn giao phó số phận cho kế hoạch cứu hộ và những người cứu hộ để được giải cứu. Sau khi bị mắc kẹt trong tổng cộng 69 ngày, mỗi người thợ mỏ đã được cứu (xin xem Connie Goulding, “Seeking Rescue”, Ensign, tháng Sáu năm 2015, trang 63–65).

  • Em thấy có những điểm tương đồng nào giữa câu chuyện này và việc Đấng Cứu Rỗi cứu chúng ta khỏi tội lỗi và cái chết?

  • Em có suy nghĩ gì nếu một trong những thợ mỏ bị kẹt từ chối bước vào khoang thoát hiểm? Tại sao?

Trong khi sự giải thoát khỏi cái chết thể xác là một ân tứ mà Đấng Cứu Rỗi ban cho toàn thể nhân loại, sự giải thoát chúng ta khỏi cái chết thuộc linh phụ thuộc phần nào vào mong muốn và hành động của chúng ta.

Đọc 2 Nê Phi 9:21–24 và tìm kiếm những lựa chọn mà chúng ta phải đưa ra để Đấng Cứu Rỗi cứu chúng ta khỏi cái chết thuộc linh. Cân nhắc ghi thêm những hiểu biết sâu sắc em có được về Đấng Cứu Rỗi vào cột thứ hai trong bảng biểu của em.

  • Em đã học được gì về những điều chúng ta phải làm để Đấng Cứu Rỗi cứu chúng ta khỏi cái chết thuộc linh?

  • Em nghĩ tại sao chúng ta “không thể được cứu rỗi trong vương quốc của Thượng Đế” nếu chúng ta không làm những điều này?

Hãy suy ngẫm một chút về những điều em đã học được ngày hôm nay về Chúa Giê Su Ky Tô và những điều Ngài đã làm cho em. Em có thể muốn ghi chép bất kỳ suy nghĩ hoặc ấn tượng nào em đã có hoặc ghi vào sự biết ơn của em dành cho Đấng Cứu Rỗi nhân từ của chúng ta.

In