Lớp Giáo Lý
2 Nê Phi 32:8–9: “Các Người Phải Cầu Nguyện Luôn Luôn”


“2 Nê Phi 32:8–9: ‘Các Người Phải Cầu Nguyện Luôn Luôn’”, Sách Hướng Dẫn dành cho Giảng Viên về Sách Mặc Môn (năm 2024)

“2 Nê Phi 32:8–9”, Sách Hướng Dẫn dành cho Giảng Viên về Sách Mặc Môn

2 Nê Phi 32:8–9

“Các Người Phải Cầu Nguyện Luôn Luôn”

Hình Ảnh
giới trẻ đang cầu nguyện

Một trong những giáo lệnh cơ bản nhất mà chúng ta có là cầu nguyện lên Cha Thiên Thượng. Nhưng nhiều thứ có thể cản trở việc chúng ta cầu nguyện. Nê Phi cũng nhắc nhở người dân về tầm quan trọng của lời cầu nguyện và những phước lành đến từ việc thường xuyên giao tiếp với Cha Thiên Thượng của chúng ta. Bài học này có thể giúp em gia tăng mong muốn giao tiếp với Cha Thiên Thượng qua lời cầu nguyện.

Em cầu nguyện khi nào?

Hãy nghĩ ra nhiều cách để em có thể hoàn thành chính xác câu sau: Tôi cầu nguyện khi …

ChurchofJesusChrist.org

Hãy dành một chút thời gian để suy ngẫm xem em có thường xuyên cầu nguyện lên Cha Thiên Thượng không và lý do tại sao em cầu nguyện. Khi tiếp tục bài học, hãy suy ngẫm xem Cha Thiên Thượng đã ban phước cho em như thế nào nhờ những lời cầu nguyện của em, cũng như bất kỳ cách thức nào em cảm thấy Ngài có thể muốn em cải thiện sự giao tiếp với Ngài.

Những lời dạy của Nê Phi về lời cầu nguyện

Sau khi Nê Phi dạy dân ông đứng vững trên con đường chật và hẹp dẫn đến cuộc sống vĩnh cửu và nuôi dưỡng những lời nói của Đấng Ky Tô (xin xem 2 Nê Phi 31:19–20; 32:1–3), ông đã dạy cách để họ có thể biết những lời của Ngài là chân thật.

Đọc những lời của Nê Phi trong 2 Nê Phi 32:4, 7.

  • Một số người dân của Nê Phi không sẵn lòng làm điều gì?

  • Em nghĩ tại sao điều này lại làm Nê Phi nản lòng?

Sau đó, Nê Phi tiếp tục dạy về tầm quan trọng của lời cầu nguyện.

Đọc 2 Nê Phi 32:8–9 và tìm kiếm những điều Nê Phi đã dạy về lời cầu nguyện.

2 Nê Phi 32:8–9 là một đoạn thông thạo giáo lý.  Cân nhắc đánh dấu các đoạn thông thạo giáo lý theo một cách thức riêng biệt để em có thể dễ dàng tìm ra đoạn đó. Trong bài học tiếp theo, em sẽ có cơ hội tập áp dụng giáo lý được dạy trong đoạn này vào một câu hỏi hoặc một tình huống.

  • Em đã tìm thấy những lẽ thật nào?

Một số lẽ thật đã được Nê Phi dạy bao gồm:

  • Nếu chúng ta cầu nguyện luôn luôn, thì Cha Thiên Thượng sẽ thánh hóa nỗ lực của chúng ta vì sự an lạc cho tâm hồn chúng ta.

  • Cha Thiên Thượng muốn chúng ta cầu nguyện.

  • Sa Tan không muốn chúng ta cầu nguyện.

  • Chúng ta phải cầu nguyện luôn luôn.

Giao tiếp với Cha Thiên Thượng

  1. Đọc hết các sinh hoạt sau đây và hoàn thành ít nhất hai sinh hoạt mà em cảm thấy là có ý nghĩa nhất đối với mình.

Tìm Hiểu Thêm về Lời Cầu Nguyện

Hướng Dẫn Dạy Sách Mặc Môn dành cho Giảng Viên (năm 2024)—“2 Nê Phi 32:8–9: ‘Các Người Phải Cầu Nguyện Luôn Luôn”’

Sinh hoạt A

Những lý do nào khiến Cha Thiên Thượng muốn chúng ta cầu nguyện trong khi Sa Tan cám dỗ để chúng ta không cầu nguyện?

  • Sa Tan có thể cám dỗ để chúng ta không cầu nguyện bằng một số cách thức nào?

Một trong những cách Sa Tan có thể “dạy [chúng ta] đừng cầu nguyện” là cố gắng thuyết phục chúng ta với lời dối trá rằng vì đã phạm tội nên chúng ta không còn xứng đáng để cầu nguyện.

Hãy suy ngẫm về những phước lành mà Sa Tan có thể đang cố gắng ngăn chúng ta nhận được khi em làm những điều sau đây:

  • Dành chút thời gian nghiên cứu về lời cầu nguyện. Em có thể tra cứu về lời cầu nguyện trong Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, hoặc tìm kiếm các bài nói chuyện ở đại hội trung ương mà đề cập đến lời cầu nguyện. Khi em nghiên cứu, hãy tìm kiếm những phước lành của lời cầu nguyện. Em cũng có thể muốn suy ngẫm về những phước lành mà em đã có được từ việc cầu nguyện trong cuộc sống của mình. Dựa trên sự học tập và kinh nghiệm của em, hãy suy ngẫm lý do tại sao Cha Thiên Thượng muốn chúng ta cầu nguyện và tại sao Sa Tan cám dỗ để chúng ta không cầu nguyện.

ChurchofJesusChrist.org

Hãy viết ra ít nhất hai lẽ thật mà em đã học được về lời cầu nguyện. Bao gồm lý do tại sao em nghĩ rằng Cha Thiên Thượng muốn chúng ta cầu nguyện và Sa Tan cám dỗ để chúng ta không cầu nguyện.

Sinh hoạt B

Cầu nguyện luôn luôn có nghĩa là gì?

Cân nhắc đánh dấu cụm từ “cầu nguyện luôn luôn, và đừng chán nản” (2 Nê Phi 32:9).

Đọc An Ma 34:21, 27 và tìm kiếm những hiểu biết sâu sắc về ý nghĩa của việc cầu nguyện luôn luôn.

  • Tại sao việc cầu nguyện “sáng, trưa, chiều” (An Ma 34:21) lại là một phước lành?

  • Làm thế nào chúng ta có thể hướng lòng mình đến Thượng Đế, ngay cả khi chúng ta không cầu nguyện?

Anh Cả David A. Bednar thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã đưa ra một ví dụ về ý nghĩa của việc cầu nguyện luôn luôn:

Hội ý với Cha Thiên Thượng trong lời cầu nguyện vào buổi sáng. …

Trong ngày, chúng ta giữ một lời cầu nguyện trong lòng mình để tiếp tục có được sự giúp đỡ và hướng dẫn. …

Vào cuối ngày của mình, một lần nữa chúng ta quỳ xuống và tường trình lên Cha Thiên Thượng. Chúng ta duyệt xét lại những sự kiện trong ngày và bày tỏ lời biết ơn chân thành về các phước lành và sự giúp đỡ mà chúng ta nhận được. Chúng ta hối cải và, với sự giúp đỡ của Thánh Linh của Chúa, nhận ra những cách thức mà chúng ta có thể làm và trở nên tốt hơn vào ngày mai. Như vậy, lời cầu nguyện vào buổi tối của chúng ta xây đắp và là một sự tiếp tục của lời cầu nguyện buổi sáng của chúng ta. Và lời cầu nguyện vào buổi tối của chúng ta cũng là một sự chuẩn bị cho lời cầu nguyện đầy ý nghĩa vào buổi sáng hôm sau. (David A. Bednar, “Phải Cầu Nguyện Luôn Luôn”, Liahona, tháng Mười Một năm 2008, trang 41–42)

Hãy viết theo cách của riêng em những điều em nghĩ về ý nghĩa của việc cầu nguyện luôn luôn.

Sinh hoạt C

Cha Thiên Thượng sẽ thánh hóa những nỗ lực của chúng ta cho sự an lạc, hoặc lợi ích, của tâm hồn chúng ta như thế nào?

Nê Phi đã hướng dẫn “các người phải cầu nguyện lên Đức Chúa Cha trong danh Đấng Ky Tô, để Ngài sẽ thánh hóa việc làm của các người cho chính các người, ngõ hầu việc làm của các người có thể giúp ích cho sự an lạc của tâm hồn các người” (2 Nê Phi 32:9). Thánh hóa có nghĩa là làm cho thiêng liêng hoặc cung hiến.

Hãy nghĩ ra ít nhất một ví dụ về việc Cha Thiên Thượng đã ban phước cho người nào đó khi họ cầu nguyện và cố gắng làm những điều Ngài muốn. Đây có thể là một kinh nghiệm cá nhân, một ví dụ thời hiện đại hoặc em có thể tìm một câu chuyện trong thánh thư (sử dụng Sách Hướng Dẫn Thánh Thư để tìm ví dụ nếu cần).

Viết ra ví dụ và những điều ví dụ đó đã dạy cho em về cách Cha Thiên Thượng sẽ ban phước cho những nỗ lực của chúng ta để hoàn thành ý muốn của Ngài khi chúng ta cầu nguyện.

Điều tôi muốn ghi nhớ

Hãy suy ngẫm về những điều em đã học được hôm nay. Cân nhắc viết xuống những điều em muốn ghi nhớ hoặc làm theo. Ví dụ, em có thể muốn gia tăng số lần cầu nguyện, nỗ lực để nhận ra cách Chúa sẽ ban phước cho em khi em cầu nguyện và hành động, hoặc nỗ lực vượt qua bất kỳ những cám dỗ nào làm em không cầu nguyện.

In