“Mô Si A 4: ‘Luôn Luôn Được Xá Miễn Các Tội Lỗi của Mình’”, Sách Hướng Dẫn dành cho Giảng Viên về Sách Mặc Môn (năm 2024)
“Mô Si A 4”, Sách Hướng Dẫn dành cho Giảng Viên về Sách Mặc Môn
Mô Si A 4
“Luôn Luôn Được Xá Miễn Các Tội Lỗi của Mình”
Cuộc sống của em có thể khác đi như thế nào nếu em cảm thấy niềm vui và sự yên ổn trong lương tâm tăng lên? Dân Nê Phi, cảm thấy xúc động vì những lời dạy của Vua Bên Gia Min, đã “tràn đầy hân hoan” và cảm thấy “sự yên ổn trong lương tâm” khi họ hối cải và nhận được sự xá miễn các tội lỗi của mình (Mô Si A 4:3). Vua Bên Gia Min sau đó đã dạy họ cách để giữ được sự xá miễn các tội lỗi của mình. Bài học này có thể giúp em hiểu những điều em có thể làm để nhận và giữ được sự xá miễn các tội lỗi của mình.
Duy trì sự mạnh mẽ về mặt thuộc linh
Hãy nhìn vào hình ảnh sau đây và suy ngẫm xem người nào đó cần làm gì để giữ cho cái cây khỏe mạnh và phát triển.
-
Điều gì sẽ xảy ra với cây này nếu giữ nó trong một căn phòng tối hoặc không bao giờ tưới nước cho nó?
-
Điều này có thể liên quan như thế nào đến sức khỏe và các nhu cầu thuộc linh của chúng ta?
Giống như việc chăm sóc cho cây, việc giữ cho bản thân khỏe mạnh về mặt thuộc linh đòi hỏi nỗ lực kiên định. Trong Mô Si A 4, Vua Bên Gia Min đã dạy cho dân của ông những điều họ cần làm để giữ được sự mạnh mẽ về mặt thuộc linh. Trong khi học, hãy suy ngẫm về những lời dạy sẽ giúp em trong nỗ lực của mình để giữ được sự mạnh mẽ về mặt thuộc linh trong suốt cuộc đời và phát triển để trở nên giống như Đấng Cứu Rỗi hơn.
Giữ được sự xá miễn các tội lỗi của chúng ta
Hãy nhớ lại rằng trong bài nói chuyện của mình, Vua Bên Gia Min đã chia sẻ một sứ điệp mà ông nhận được từ một thiên sứ về sự hiện đến của Chúa Giê Su Ky Tô và tầm quan trọng của việc khắc phục bản chất sa ngã của chúng ta qua Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi (xin xem Mô Si A 3).
Đọc Mô Si A 4:1–3 và tìm kiếm những phước lành và cảm nghĩ mà dân của Vua Bên Gia Min đã có.
-
Em nhận thấy điều gì là nổi bật trong những câu này?
-
Em nghĩ dân chúng cần làm gì để giữ được trạng thái thanh khiết và hân hoan này?
Hãy tưởng tượng em cảm thấy ra sao nếu là một trong những người dân của Vua Bên Gia Min vào ngày hôm đó. Hãy suy ngẫm xem em nghĩ việc này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến những cảm nghĩ của em về Chúa Giê Su Ky Tô và, từ kinh nghiệm này, em sẽ muốn giữ lại được điều gì mãi mãi.
-
Nếu em cảm thấy sự xá miễn các tội lỗi của mình thường xuyên hơn thì nó có thể tạo ra sự khác biệt gì trong cuộc sống của em?
Phần còn lại trong những lời dạy của Vua Bên Gia Min trong Mô Si A 4 giúp chúng ta hiểu rằng sau khi chúng ta nhận được sự tha thứ của Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta phải nỗ lực để giữ được sự xá miễn các tội lỗi của chúng ta.
-
Em nghĩ sự khác biệt giữa việc nhận và việc giữ được sự xá miễn các tội lỗi của chúng ta là gì?
-
Em nghĩ tại sao điều quan trọng đối với chúng ta là cố gắng để được xá miễn những tội lỗi của mình trong suốt cuộc đời?
Hãy suy ngẫm xem lẽ thật này áp dụng như thế nào cho cuộc sống của em. Em cảm thấy em đang giữ được sự xá miễn các tội lỗi của mình ở mức độ nào? Khi tiếp tục nghiên cứu, hãy tìm kiếm những lẽ thật có thể giúp em hiểu những điều em có thể làm để giữ được sự xá miễn các tội lỗi của mình.
Đọc Mô Si A 4:9–16 và tìm kiếm những lời dạy của Vua Bên Gia Min mà giúp chúng ta hiểu cách chúng ta có thể giữ được sự xá miễn các tội lỗi của mình.
Những bước tiếp theo của tôi
Hãy suy ngẫm xem em đang áp dụng những lời dạy của Vua Bên Gia Min từ những câu này ở mức độ nào. Em có thể làm điều này bằng cách tập trung vào ba hoặc bốn hành vi mà em vừa nhận ra và tự hỏi bản thân các câu hỏi như:
-
Tôi đã nỗ lực ở mức nào để thực hiện những việc này?
-
Tôi làm điều này thường xuyên như thế nào?
-
Hôm nay tôi có những cảm nghĩ và ấn tượng nào mà có thể gợi ý cho tôi những lĩnh vực để tôi có thể cải thiện?
Hãy thành tâm lập một kế hoạch cụ thể để cải thiện trong một lĩnh vực. Suy ngẫm về bất kỳ trở ngại nào em có thể gặp phải khi cố gắng cải thiện trong lĩnh vực này và những điều em có thể làm để nhận được sự giúp đỡ của Chúa mà vượt qua những thử thách này. Có thể là hữu ích khi chia sẻ mục tiêu của em với một người trong gia đình hoặc người thân thiết có thể hỗ trợ em trong việc này. Em cũng có thể muốn kết hợp mục tiêu này vào những mục tiêu Trẻ Em và Giới Trẻ của mình.