“Mô Si A 18: Giao Ước Báp Têm”, Sách Hướng Dẫn dành cho Giảng Viên về Sách Mặc Môn (năm 2024)
“Mô Si A 18”, Sách Hướng Dẫn dành cho Giảng Viên về Sách Mặc Môn
Mô Si A 18
Giao Ước Báp Têm
Một số quyết định quan trọng đến mức có thể ảnh hưởng đến tất cả những điều khác trong cuộc sống của chúng ta. Việc lập một giao ước với Thượng Đế qua giáo lễ của phép báp têm là một trong những quyết định đó. An Ma đã dạy cho dân của ông bên dòng suối Mặc Môn về giao ước mà chúng ta lập với Thượng Đế khi chúng ta chịu phép báp têm. Bài học này có thể giúp em hiểu rõ hơn về giao ước báp têm và việc giao ước đó có thể ảnh hưởng như thế nào đến mối quan hệ của em với Thượng Đế và những người khác.
Lễ báp têm của em
Để bắt đầu buổi học hôm nay, hãy suy nghĩ về lễ báp têm của em và cố gắng nhớ lại các chi tiết về ngày hôm đó. Nếu em chưa chịu phép báp têm, hãy suy ngẫm về những điều em biết về phép báp têm hoặc những điều em nhớ được khi tham dự một lễ báp têm.
-
Em có những kỷ niệm yêu thích nào trong ngày hôm đó? Em đã cảm thấy như thế nào?
-
Quyết định chịu phép báp têm của em ảnh hưởng như thế nào đến mối quan hệ của em với Thượng Đế và những người khác?
An Ma giảng dạy những lời của A Bi Na Đi
Mô Si A 18 kể lại câu chuyện của An Ma, người đã từng là một trong những thầy tư tế của Vua Nô Ê, dạy những lời của A Bi Na Đi cho những người khác. An Ma buộc phải bí mật giảng dạy vì Vua Nô Ê muốn giết ông vì ông tin vào chứng ngôn của A Bi Na Đi về Chúa Giê Su Ky Tô.
Đọc Mô Si A 18:1–7 và tìm kiếm những điều An Ma đã dạy cho dân chúng.
-
An Ma đã dạy gì về Đấng Cứu Rỗi sau khi nghe chứng ngôn của A Bi Na Đi?
-
Em nghĩ tại sao An Ma chọn dạy những điều ông đã dạy trong các câu này?
Giao ước báp têm
Sau khi dạy cho dân chúng về sự cứu chuộc qua Chúa Giê Su Ky Tô, An Ma đã dạy về tầm quan trọng của phép báp têm. Từ những lời giảng dạy của ông, chúng ta có thể biết rằng khi chúng ta chịu phép báp têm thì chúng ta bước vào một giao ước với Thượng Đế. Khi em tiếp tục học những lời giảng dạy của An Ma, hãy suy ngẫm những điều em biết về giao ước chúng ta lập ở lễ báp têm và tái lập mỗi lần chúng ta dự phần Tiệc Thánh, cũng như bất kỳ câu hỏi nào em có thể có. Thành tâm tìm cách hiểu rõ hơn xem giao ước này có thể ảnh hưởng như thế nào đến mối quan hệ của em với Thượng Đế và những người khác.
Anh Cả D. Todd Christofferson thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã giải thích giao ước là gì:
Giao ước là một thỏa thuận giữa Thượng Đế và con người, một thỏa thuận có các điều khoản do Thượng Đế đặt ra (xin xem Bible Dictionary, “Covenant”, trang 651). Trong những thỏa thuận thiêng liêng này, Thượng Đế ràng buộc chính Ngài để tán trợ, thánh hóa và tôn cao chúng ta, đổi lại, chúng ta cam kết sẽ phục vụ Ngài và tuân giữ các giáo lệnh của Ngài. (D. Todd Christofferson, “The Power of Covenants”, , tháng Năm năm 2009, trang 20)
Trong Mô Si A 18:8–10, An Ma đã mô tả giao ước phép báp têm. Đọc Mô Si A 18:8–10 và cân nhắc đánh dấu những điều chúng ta cam kết làm khi chúng ta chịu phép báp têm và đánh dấu những phước lành mà Cha Thiên Thượng ban cho chúng ta bằng một màu hoặc một kiểu khác.
-
Em nghĩ “than khóc với những ai than khóc” và “an ủi những ai cần được an ủi” có nghĩa là gì? (câu 9).
-
Chúng ta có thể “đứng lên làm nhân chứng cho Thượng Đế bất cứ lúc nào, trong bất cứ việc gì, và ở bất cứ nơi đâu” bằng một số cách thức nào? (câu 9). Em có biết người nào là một tấm gương sáng đã làm điều này?
-
Em đã thấy Thượng Đế ban phước như thế nào cho mình hoặc những người khác với những lời hứa của Ngài qua phép báp têm?
Tuân giữ giao ước báp têm của em
Để giúp em nhận thấy cách tuân giữ giao ước báp têm của mình hiệu quả hơn, em có thể muốn xem video sau đây và tìm kiếm các ví dụ về việc giữ những lời hứa mà An Ma đã mô tả trong Mô Si A 18:8–10. Video này có trên trang ChurchofJesusChrist.org.
-
“Mắt để Thấy” (từ phút 4:55 đến 6:53)
-
Em thấy những từ và cụm từ nào trong câu 8–10 được thể hiện qua video này?
Chọn ít nhất một trong những lời hứa chúng ta lập tại lễ báp têm mà An Ma đã chia sẻ trong Mô Si A 18:8–10. Ví dụ, em có thể chọn “mang gánh nặng lẫn cho nhau” (câu 8) hoặc “tuân giữ các lệnh truyền của Ngài” (câu 10).
Hãy dành một chút thời gian để ghi lại trong nhật ký cảm nhận của em về mức độ em giữ những lời hứa báp têm mà An Ma đã chia sẻ trong Mô Si A 18:8–10. Em đã thành công giữ được một số lời hứa này ra sao? Em có thể quyết tâm hơn để giữ một trong số lời hứa đó trong những tình huống nào? Em nghĩ việc đó sẽ ảnh hưởng như thế nào đến mối quan hệ của em với Chúa và với những người khác nếu em làm như vậy?