“4 Nê Phi: ‘Được Cải Đạo theo Chúa’”, Sách Hướng Dẫn dành cho Giảng Viên về Sách Mặc Môn (năm 2024)
“4 Nê Phi”, Sách Hướng Dẫn dành cho Giảng Viên về Sách Mặc Môn
4 Nê Phi
“Được cải đạo theo Chúa”
Trong cả ngàn năm, các cá nhân, gia đình và xã hội đã tìm kiếm những lý tưởng như sự hòa hợp, bình an và đoàn kết. Những điều này có vẻ ngoài tầm với, nhưng chúng thật sự tồn tại. Câu chuyện trong 4 Nê Phi là một ví dụ về điều đó. Một chìa khóa để có được những phước lành này là chúng ta hết lòng cải đạo theo Chúa và có tình yêu thương của Thượng Đế trong lòng chúng ta. Bài học này có thể giúp em cảm thấy yêu thương Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô nhiều hơn để có thể cải đạo theo hai Ngài hoàn toàn hơn.
Một khả năng thiên thượng
Hãy tưởng tượng điều đó sẽ như thế nào nếu em và những người xung quanh đều yêu thương và đang cố gắng noi theo Chúa Giê Su Ky Tô.
-
Cộng đồng của em sẽ khác biệt ra sao?
-
Trường học hoặc nhà thờ của em sẽ khác biệt như thế nào?
-
Nhà của em sẽ khác biệt ra sao?
Sách 4 Nê Phi chứa đựng câu chuyện về những người sống sau chuyến viếng thăm của Đấng Cứu Rỗi đến Châu Mỹ. Khi em nghiên cứu những kinh nghiệm của họ, hãy tìm kiếm ảnh hưởng của Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm của Ngài đối với những người này. Hãy suy nghĩ xem những lời dạy này có thể ảnh hưởng như thế nào đến cách em chọn sống cuộc sống của mình.
Ảnh hưởng từ phúc âm của Đấng Cứu Rỗi
Hãy đọc 4 Nê Phi 1:1–2, tìm kiếm ảnh hưởng của Đấng Cứu Rỗi và những lời giảng dạy của Ngài đối với dân chúng.
-
Em đã nhận thấy điều gì?
Em có thể muốn đánh dấu cụm từ “tất cả dân chúng khắp nơi trong xứ đều được cải đạo theo Chúa” trong câu 2.
Được cải đạo theo Chúa có nghĩa là “sự thay đổi tín ngưỡng, niềm tin, tấm lòng và cuộc sống của một người để chấp nhận và làm theo ý muốn của Thượng Đế … [và] trở thành một môn đồ của Đấng Ky Tô” (Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Cải Đạo, Cải Hóa,” scriptures.ChurchofJesusChrist.org).
Những phước lành của sự cải đạo
Dân Nê Phi và dân La Man đã nhận được những phước lành đáng kinh ngạc nhờ sự cải đạo của họ theo Chúa Giê Su Ky Tô. Trong nhật ký ghi chép việc học tập, em hãy viết “Những Phước Lành từ Sự Cải Đạo” ở giữa trang.
Hãy đọc 4 Nê Phi 1:2–18 và đánh dấu các từ hoặc cụm từ minh họa những phước lành mà các em đã nhận được. Trên giấy của em, hãy viết những từ hoặc cụm từ này xung quanh tiêu đề “Những Phước Lành từ Sự Cải Đạo”. (Có thể là hữu ích khi biết ý nghĩa của một số từ trong câu 16. Xung đột đề cập đến sự náo động hoặc bạo loạn trong công chúng, tà dâm đề cập đến tội lỗi tình dục và dâm dật đề cập đến thói dâm đãng và ưa thích nhục dục.)
Hãy nghĩ về những phước lành nào mà em mong muốn có được nhiều hơn trong cuộc sống của chính mình. Hãy cân nhắc khoanh tròn các từ đó trong trang nhật ký ghi chép việc học tập của em.
Một lẽ thật mà chúng ta có thể nhận ra từ những câu này là khi chúng ta cải đạo theo Chúa, thì chúng ta được ban phước với hạnh phúc và sự hiệp nhất với tư cách là con cái của Đấng Ky Tô.
-
Em nghĩ tại sao việc được cải đạo theo Chúa Giê Su Ky Tô và sống theo phúc âm của Ngài có thể tạo ra những phước lành như vậy?
-
Việc hiểu được lẽ thật này có thể ảnh hưởng như thế nào đến các hành động hằng ngày của chúng ta?
Tình yêu thương của Thượng Đế
Anh Cả Jeffrey R. Holland thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Sứ Đồ đã chia sẻ quan sát sau đây về lý do tại sao những người này có thể sống trong trạng thái hạnh phúc và hiệp nhất như vậy.
Điểm then chốt trong bước đột phá để có cuộc sống vui vẻ hạnh phúc là gì? Điều đó được viết trong câu thánh thư sau đây: “Tình thương yêu của Thượng Đế … đã ở trong lòng mọi người dân.” [4 Nê Phi 1:15]. Khi tình thương yêu của Thượng Đế giúp định hình cho chính cuộc sống chúng ta, cho những mối quan hệ của chúng ta với nhau và cuối cùng là cho cảm nghĩ của chúng ta đối với nhân loại, thì những khác biệt, hạn chế, và chia rẽ giả tạo ngày xưa sẽ bắt đầu mất đi, và hòa bình gia tăng. Đó chính xác là điều đã xảy ra trong ví dụ Sách Mặc Môn của chúng ta. Đã không còn dân La Man, dân Gia Cốp, dân Giô Sép, hoặc dân Giô Ram nữa. Cũng không có một sắc dân riêng biệt nào nữa. Dân chúng đã mang lấy chỉ một danh tính siêu việt. Tất cả bọn họ đều được biết đến như các “con cái của Đấng Ky Tô” [4 Nê Phi 1:17]. (Jeffrey R. Holland, “Của Cải Lớn Lao Nhất”, Liahona, tháng Mười Một năm 2021, trang 9)
Hãy cân nhắc đánh dấu cụm từ trong câu 15 về việc tình yêu thương của Thượng Đế đã ở trong lòng mọi người dân. Có được tình yêu thương của Thượng Đế trong lòng mình có thể có nghĩa là cảm nhận được tình yêu thương mà Thượng Đế dành cho chúng ta và cho những người khác. Điều đó cũng có thể có nghĩa là cảm nhận được tình yêu thương đối với Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô.
-
Chúng ta có thể thực hiện một số hành động nào để giúp chúng ta cảm nhận được tình yêu thương lớn lao hơn dành cho Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô?
Một cách thức để chúng ta có thể cảm nhận được tình yêu thương lớn lao hơn dành cho Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô là học hỏi và tìm hiểu về hai Ngài trong thánh thư.
Hãy dành thời gian để nghiên cứu các đoạn thánh thư về Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô mà có thể giúp em cảm thấy yêu thương hai Ngài nhiều hơn. Hãy chú ý đến những điều em học được về các thuộc tính, mong muốn và vai trò của hai Ngài. Em có thể tìm kiếm các thuật ngữ như “Cha Thiên Thượng” hoặc “Chúa Giê Su Ky Tô” bằng cách sử dụng các công cụ nghiên cứu như Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, hoặc chức năng tìm kiếm trong Thư Viện Phúc Âm.