“Sử dụng tài liệu Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Các Nhóm Túc Số Chức Tư Tế A Rôn và Các Lớp Học Hội Thiếu Nữ,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Các Nhóm Túc Số Chức Tư Tế A Rôn và Các Lớp Học Hội Thiếu Nữ: Các Đề Tài Giáo Lý Năm 2021 (năm 2020)
“Sử dụng tài liệu Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Các Nhóm Túc Số Chức Tư Tế A Rôn và Các Lớp Học Hội Thiếu Nữ,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Các Nhóm Túc Số Chức Tư Tế A Rôn và Các Lớp Học Hội Thiếu Nữ: Các Đề Tài Giáo Lý Năm 2021
Sử dụng tài liệu Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Các Nhóm Túc Số Chức Tư Tế A Rôn và Các Lớp Học Hội Thiếu Nữ
Mục đích của các buổi họp nhóm túc số và lớp học của chúng ta là gì?
Chúa đã ban cho các em một sự tin cậy thiêng liêng: Ngài đã kêu gọi các em phục vụ trong một chủ tịch đoàn nhóm túc số Chức Tư Tế A Rôn hoặc lớp học Hội Thiếu Nữ. Một phần trách nhiệm của các em là dẫn dắt và điều khiển các buổi họp nhóm túc số hoặc lớp học vào ngày Chủ Nhật. Để làm điều này, chúng ta cần hiểu lý do tại sao chúng ta có những buổi họp này.
Các buổi họp nhóm túc số Chức Tư Tế A Rôn và lớp học Hội Thiếu Nữ thì khác với các lớp học của Giáo Hội như Trường Chủ Nhật hoặc lớp giáo lý. Trong các buổi họp nhóm túc số hoặc lớp học, chúng ta làm nhiều điều hơn là chỉ nghiên cứu về một đề tài phúc âm. Chúng ta tìm hiểu về công việc mà Thượng Đế đã ban cho chúng ta, và chúng ta tổ chức các thành viên trong nhóm túc số và lớp học để làm công việc đó ở nhà, ở nhà thờ, và trong cộng đồng của mình. Ví dụ, chúng ta hoạch định cách để làm tròn vai trò của mình với tư cách là một phần trong đạo quân trẻ tuổi của Chúa để giúp quy tụ Y Sơ Ra Ên. Trong các buổi họp này, chúng ta không chỉ thảo luận về công việc—mà chúng ta còn lập kế hoạch để thực hiện công việc đó.
Nhưng việc chú trọng vào công việc đó không có nghĩa là chúng ta hoàn toàn dành các cuộc thảo luận về giáo lý cho Trường Chủ Nhật. Thực ra, việc học giáo lý trong các buổi họp nhóm túc số và Hội Thiếu Nữ là thiết yếu—nó giúp chúng ta hiểu về lý do chúng ta làm công việc này. Khi cùng nhau nghiên cứu phúc âm, các lẽ thật mà chúng ta học được có thể làm thay đổi tấm lòng của mình. Chúng ta có thể nhận được những thúc giục về cách để “khôn ngoan càng thêm, thân hình càng lớn, càng được đẹp lòng Đức Chúa Trời và người ta” (Lu Ca 2:52). Khi trở nên được cải đạo hơn theo Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm của Ngài, chúng ta sẽ mong muốn giúp đỡ người khác trên con đường giao ước, kể cả gia đình, bạn bè, và những thành viên trong cùng nhóm túc số và lớp học của chúng ta.
Ai hướng dẫn các buổi họp này?
Thượng Đế đã kêu gọi các em với tư cách là các chủ tịch đoàn nhóm túc số và lớp học và ban cho các em thẩm quyền để lãnh đạo. Đó là lý do tại sao mỗi buổi họp nhóm túc số hoặc lớp học của các em nên được điều khiển bởi một thành viên trong chủ tịch đoàn nhóm túc số hoặc lớp học của mình. Những người lãnh đạo thành niên nên hướng dẫn và hỗ trợ, nhưng họ không nên làm thay cho các em. Xin xem phần có tựa đề “Cùng Nhau Hội Ý” ở phần đầu của mỗi đại cương trong tài liệu này để có thêm ý tưởng nhằm giúp các em biết cách dẫn dắt một buổi họp và đạt được các mục tiêu thực sự của nó. Sử dụng các buổi họp chủ tịch đoàn để hoạch định cách mà các em sẽ điều khiển các buổi họp này vào ngày Chủ Nhật.
Ai nên dạy bài học?
Những người lãnh đạo thành niên, một thành viên trong chủ tịch đoàn của nhóm túc số hoặc lớp học, hoặc bất kỳ thành viên nào khác trong nhóm túc số hoặc lớp học đều có thể dạy các bài học. Với tư cách là chủ tịch đoàn nhóm túc số hoặc lớp học, hãy hội ý với những người lãnh đạo thành niên của các em về người nào nên được chỉ định để dạy các bài học. Hãy nhớ rằng những người lãnh đạo thành niên của các em có thể đưa ra nhiều lời khuyên dạy. Hãy cố gắng học hỏi từ kinh nghiệm và chứng ngôn của họ. Yêu cầu các em giới trẻ giảng dạy cũng đem lại nhiều lợi ích—việc giảng dạy có thể giúp gia tăng sự cải đạo và giúp xây đắp những mối quan hệ gắn bó hơn với các thành viên khác trong nhóm túc số hoặc lớp học. Vậy nên hãy cho họ các cơ hội phù hợp để dạy một phần hoặc toàn bộ một bài học, nhưng hãy lưu ý đến các nhu cầu và khả năng của những người trong nhóm túc số hoặc lớp học của các em. Ví dụ, những người lãnh đạo thành niên có thể thường xuyên giảng dạy trong các nhóm túc số hoặc lớp học mà có các em trẻ tuổi hơn hoặc có ít kinh nghiệm hơn trong việc giảng dạy phúc âm. Khi các em giới trẻ được mời giảng dạy, cha hoặc mẹ hoặc một người cố vấn thành niên nên giúp đỡ họ chuẩn bị nếu cần.
Những người được chỉ định giảng dạy có thể sử dụng phần có tựa đề “Giảng Dạy Giáo Lý” trong mỗi đại cương trong tài liệu này để giúp họ chuẩn bị. Phần này gồm có những đề nghị cho việc giảng dạy và thảo luận giáo lý trong tuần đó, nhưng các giảng viên không nên cảm thấy bị giới hạn chỉ sử dụng những đề nghị này mà thôi. Khi Thánh Linh hướng dẫn, các giảng viên có thể điều chỉnh những ý kiến này cho phù hợp hoặc sử dụng ý kiến của riêng họ để giảng dạy sao cho đáp ứng một cách tốt nhất các nhu cầu của các thành viên trong nhóm túc số và lớp học và giúp họ hiểu được giáo lý.
Chúng ta sẽ thảo luận những đề tài giáo lý nào trong các buổi họp?
Đề tài của đại cương cho mỗi tuần là một nguyên tắc giáo lý đã được chọn để kết hợp với phần đọc Sách Giáo Lý và Giao Ước đã được đề nghị cho tuần đó, được tìm thấy trong tài liệu Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Cá Nhân và Gia Đình. Bằng cách này, những cuộc thảo luận về giáo lý trong các buổi họp nhóm túc số và lớp học sẽ hỗ trợ những điều mà các em giới trẻ đang học ở nhà.
Mặc dù các đại cương nên được giảng dạy vào những Ngày Chủ Nhật cụ thể, các em vẫn có sự lựa chọn để thảo luận các đề tài giáo lý khác tùy theo các nhu cầu trong nhóm túc số và lớp học của mình.
Tài liệu này bao gồm các đại cương cho mỗi tuần khi các buổi họp nhóm túc số Chức Tư Tế A Rôn và các lớp học Hội Thiếu Nữ được tổ chức. Thỉnh thoảng, các em có thể cần phải bỏ qua một bài học nếu có đại hội giáo khu hoặc vì các lý do khác.
Vai trò của những người lãnh đạo thành niên của chúng ta là gì?
Những người lãnh đạo thành niên của các em đóng vai trò quan trọng trong các nhóm túc số Chức Tư Tế A Rôn và các lớp học Hội Thiếu Nữ. Họ sẽ khuyên bảo và hướng dẫn các em trong những chức vụ lãnh đạo được kêu gọi của các em. Họ sẽ hỗ trợ và khích lệ các em khi các em làm công việc của nhóm túc số hoặc lớp học. Họ sẽ dạy giáo lý cho các em, và họ sẽ ban phước cho các em qua tấm gương, kinh nghiệm, và chứng ngôn của họ.