Kinh Cựu Ước năm 2022
Ngày 28 tháng Tám. Làm Thế Nào Đấng Cứu Rỗi Có Thể Giúp Tôi trong Các Thử Thách? Thi Thiên 102–103; 110; 116–119; 127–128; 135–139; 146–150


“Ngày 28 tháng Tám. Làm Thế Nào Đấng Cứu Rỗi Có Thể Giúp Tôi trong Các Thử Thách? Thi Thiên 102–103; 110; 116–119; 127–128; 135–139; 146–150”, Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Các Nhóm Túc Số Chức Tư Tế A Rôn và Các Lớp Học Hội Thiếu Nữ: Các Đề Tài Giáo Lý Năm 2022 (năm 2021)

“Ngày 28 tháng Tám. Làm Thế Nào Đấng Cứu Rỗi Có Thể Giúp Tôi trong Các Thử Thách?” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Các Nhóm Túc Số Chức Tư Tế A Rôn và Các Lớp Học Hội Thiếu Nữ: Các Đề Tài Giáo Lý Năm 2022

Hình Ảnh
em thiếu nữ đang mỉm cười

Ngày 28 tháng Tám

Làm Thế Nào Đấng Cứu Rỗi Có Thể Giúp Tôi trong Các Thử Thách?

Thi Thiên 102–103; 110; 116–119; 127–128; 135–139; 146–150

Hình Ảnh
biểu tượng cùng nhau hội ý

Cùng Nhau Hội Ý

Được hướng dẫn bởi một thành viên trong chủ tịch đoàn nhóm túc số hoặc lớp học; 10–20 phút

Vào đầu buổi họp, hãy cùng nhau ôn lại Chủ Đề của Hội Thiếu Nữ hoặc Chủ Đề của Nhóm Túc Số Chức Tư Tế A Rôn. Sau đó, hướng dẫn thảo luận về công việc cứu rỗi và tôn cao bằng cách sử dụng một hoặc nhiều câu hỏi dưới đây hoặc câu hỏi của riêng anh chị em (xin xem Sách Hướng Dẫn Tổng Quát 10.2, 11.2, ChurchofJesusChrist.org). Hoạch định cách để hành động theo những gì anh chị em thảo luận.

  • Sống theo phúc âm. Những kinh nghiệm nào gần đây đã mang chúng ta đến gần Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô hơn?

  • Chăm sóc cho những người hoạn nạn. Gần đây có người nào đó chuyển đến tiểu giáo khu của chúng ta hoặc gia nhập Giáo Hội không? Làm cách nào chúng ta có thể giúp họ cảm thấy được chào đón?

  • Mời tất cả mọi người tiếp nhận phúc âm. Các sinh hoạt sắp tới mà chúng ta có thể mời gọi bạn bè của mình tham dự là gì?

  • Kết hợp các gia đình cho thời vĩnh cửu. Chúng ta có thể thực hiện những nỗ lực nào để ghi lại lịch sử của riêng mình?

Vào cuối buổi học, hãy làm những điều sau đây khi thích hợp:

  • Làm chứng về các nguyên tắc đã được giảng dạy.

  • Nhắc các thành viên trong lớp học hoặc nhóm túc số nhớ về những kế hoạch và lời mời được đưa ra trong buổi họp.

Giảng Dạy Giáo Lý

Được hướng dẫn bởi một em giới trẻ hoặc một người lãnh đạo thành niên; 25–35 phút

Tự Chuẩn Bị về Phần Thuộc Linh

Những thử thách mà chúng ta gặp phải có thể khiến chúng ta cảm thấy mệt mỏi, thất vọng, thất bại và đơn độc. Các tác giả Thi Thiên đã hiểu được những cảm nghĩ đó và bày tỏ điều này một cách mạnh mẽ: “Lòng tôi bị đánh đập, khô héo như cỏ; … Tôi thao thức, tôi giống như chim sẻ hiu quạnh trên mái nhà” (Thi Thiên 102:4, 7). Nhưng cũng mạnh mẽ như vậy, họ đã làm chứng rằng việc quay về với Đấng Cứu Rỗi sẽ mang lại sự khuây khỏa: “Hỡi linh hồn ta, hãy ngợi khen Đức Giê Hô Va, Chớ quên các ân huệ của Ngài. Ấy là Ngài tha thứ các tội ác ngươi, Chữa lành mọi bệnh tật ngươi, Cứu chuộc mạng sống ngươi khỏi chốn hư nát, Lấy sự nhân từ và sự thương xót mà làm mão triều đội cho ngươi” (Thi Thiên 103:2–4).

Hãy nghĩ về các phước lành sẽ đến với các thành viên trong lớp học hoặc nhóm túc số của anh chị em khi họ hiểu trọn vẹn hơn về cách Đấng Cứu Rỗi có thể giúp họ trong những thử thách. Đấng Cứu Rỗi đã giúp đỡ anh chị em như thế nào? Khi chuẩn bị giảng dạy, anh chị em có thể xem lại sứ điệp của Chủ Tịch Henry B. Eyring “Được Thử Thách, Chứng Tỏ và Trui Rèn” (Liahona, tháng Mười Một năm 2020, trang 96–99) (topics.ChurchofJesusChrist.org).

Hình Ảnh
đại hội giới trẻ

Đấng Cứu Rỗi sẽ giúp đỡ và an ủi chúng ta trong những thử thách của mình.

Cùng Nhau Học Hỏi

Anh chị em có thể bắt đầu bằng cách yêu cầu các thành viên trong lớp học hoặc nhóm túc số xem lại Thi Thiên 102, 103, và 116, tìm kiếm cách Đấng Cứu Rỗi giúp chúng ta trong những nỗ lực của mình để vượt qua thử thách. Họ có thể làm việc riêng cá nhân hoặc theo nhóm để viết một vài câu về những điều họ tìm được, sau đó chia sẻ những điều họ đã viết. Hãy chọn một hoặc nhiều sinh hoạt sau đây để giúp họ hiểu sâu sắc hơn về đề tài này.

  • Các bài thánh ca có thể mời Thánh Linh và giảng dạy giáo lý một cách mạnh mẽ. Cân nhắc xem lại một bài thánh ca về cách Đấng Cứu Rỗi giúp chúng ta trong những thử thách, như “Tìm Đâu Cho Thấy một Nền Vững Vàng” (Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 6). Bài thánh ca đó giảng dạy điều gì về sự giúp đỡ mà Đấng Cứu Rỗi có thể ban cho chúng ta? Giới trẻ có thể xem lại các đoạn thánh thư trong “Các Nguồn Tài Liệu Hỗ Trợ.” Họ có thể có được lợi ích khi ghi lại một cụm từ trong bài thánh ca hoặc một trong những câu thánh thư nhắc họ nhớ tìm kiếm Đấng Cứu Rỗi trong những nghịch cảnh.

  • Sứ điệp của Chủ Tịch Henry B. Eyring “Được Thử Thách, Chứng Tỏ và Trui Rèn” có thể giúp những người mà anh chị em giảng dạy hiểu rõ hơn về những câu hỏi như sau: Một số mục đích của những thử thách hữu diệt của chúng ta là gì? Đấng Cứu Rỗi sẽ giúp chúng ta như thế nào với những thử thách của chúng ta? Chúng ta có thể làm gì để trông cậy vào sự trợ giúp và quyền năng của Đấng Cứu Rỗi? Cân nhắc viết những câu hỏi này lên trên bảng. Các thành viên trong lớp học hoặc nhóm túc số có thể tìm kiếm câu trả lời trong sứ điệp của Chủ Tịch Eyring. Ví dụ: chúng ta học được gì từ những câu chuyện về mẹ của Chủ Tịch Eyring ở đầu và cuối sứ điệp? Anh chị em có thể yêu cầu mỗi em suy ngẫm về cách họ có thể áp dụng những điều họ học được vào các thử thách của chính họ. Một số thanh thiếu niên, thiếu nữ có thể sẵn sàng chia sẻ suy nghĩ của họ.

  • Chị Lisa L. Harkness liên hệ đến câu chuyện Đấng Cứu Rỗi làm lặng yên cơn bão để dạy rằng Ngài có thể làm lặng những cơn bão trong cuộc sống của chúng ta (xin xem Mác 4:35–41; “Hãy Êm Đi, Lặng Đi,” Liahona, tháng Mười Một năm 2020, trang 80–82). Anh chị em có thể mời một thành viên trong lớp học hoặc nhóm túc số chuẩn bị trước buổi học để chia sẻ những điều họ đã học được về Đấng Cứu Rỗi qua câu chuyện thánh thư này. Em này cũng có thể cho xem một bức tranh (xin xem Sách Họa Phẩm Phúc Âm, số 40). Sau đó, giới trẻ có thể xem lại những điều Chị Harkness đã dạy về cách Đấng Cứu Rỗi “bước lên trong thuyền của chúng ta” khi chúng ta đương đầu với thử thách. Anh chị em có thể mời các cá nhân chia sẻ xem Đấng Cứu Rỗi đã giúp họ như thế nào trong những thử thách của họ, bao gồm cả cách Ngài đã giúp họ qua những người khác. Khuyến khích giới trẻ chia sẻ kinh nghiệm của họ với người mà họ biết là cần sự bình an của Đấng Cứu Rỗi.

Hành Động theo Đức Tin

Hãy khuyến khích các thành viên trong lớp học hoặc nhóm túc số suy ngẫm và ghi lại những điều họ sẽ làm để hành động theo những ấn tượng mà họ nhận được hôm nay. Nếu muốn, họ có thể chia sẻ ý kiến của họ. Mời họ suy nghĩ về việc hành động theo các ấn tượng của họ sẽ củng cố mối quan hệ của họ với Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô như thế nào.

Các Nguồn Tài Liệu Hỗ Trợ

Giảng Dạy theo Cách của Đấng Cứu Rỗi

“Việc đặt ra những câu hỏi khuyến khích học viên chia sẻ chứng ngôn về các nguyên tắc đã được giảng dạy, có thể là một cách mạnh mẽ để mời Thánh Linh đến. … Chứng ngôn của họ—và chứng ngôn của những người khác trong lớp—sẽ tăng trưởng khi Thánh Linh làm chứng về lẽ thật” (Giảng Dạy theo Cách của Đấng Cứu Rỗi, trang 32).

In