“Ngày 23 tháng Bảy. Việc Làm một Môn Đồ của Chúa Giê Su Ky Tô Có Nghĩa Là Gì? Công Vụ Các Sứ Đồ 10–15,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Các Nhóm Túc Số Chức Tư Tế A Rôn và Các Lớp Học Hội Thiếu Nữ: Các Đề Tài Giáo Lý năm 2023 (năm 2022)
“Ngày 23 tháng Bảy. Việc Làm một Môn Đồ của Chúa Giê Su Ky Tô Có Nghĩa Là Gì?,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Các Nhóm Túc Số Chức Tư Tế A Rôn và Các Lớp Học Hội Thiếu Nữ: Các Đề Tài Giáo Lý năm 2023
Ngày 23 tháng Bảy
Việc Làm một Môn Đồ của Chúa Giê Su Ky Tô Có Nghĩa Là Gì?
Cùng Nhau Hội Ý
Được hướng dẫn bởi một thành viên trong chủ tịch đoàn lớp học hoặc nhóm túc số; khoảng 10–20 phút
Vào đầu buổi họp, hãy cùng nhau lặp lại Chủ Đề của Hội Thiếu Nữ hoặc Chủ Đề của Nhóm Túc Số Chức Tư Tế A Rôn. Sau đó, hãy hướng dẫn thảo luận về công việc cứu rỗi và tôn cao bằng cách sử dụng một hoặc nhiều câu hỏi dưới đây hoặc câu hỏi của riêng anh chị em (xin xem Sách Hướng Dẫn Tổng Quát, mục 10.2, 11.2). Hoạch định cách để hành động theo những gì anh chị em thảo luận.
-
Sống theo phúc âm. Chúng ta đã thấy được ảnh hưởng của Chúa trong cuộc sống của mình như thế nào?
-
Chăm sóc cho những người hoạn nạn. Làm thế nào chúng ta có thể hỗ trợ lẫn nhau trong những việc chúng ta đang trải qua?
-
Mời tất cả mọi người tiếp nhận phúc âm. Chúng ta có thể sử dụng tốt hơn công nghệ như một công cụ để chia sẻ phúc âm bằng cách nào?
-
Kết hợp các gia đình cho thời vĩnh cửu. Chúng ta đang làm gì để giúp gia đình mình đến cùng Đấng Ky Tô?
Vào cuối buổi học, hãy làm những điều sau đây khi thích hợp:
-
Làm chứng về các nguyên tắc đã được giảng dạy.
-
Nhắc các thành viên trong lớp học hoặc nhóm túc số nhớ về những kế hoạch và lời mời được đưa ra trong buổi họp.
Giảng Dạy Giáo Lý
Được hướng dẫn bởi một em giới trẻ hoặc một người lãnh đạo thành niên; khoảng 25–35 phút
Tự Chuẩn Bị về Phần Thuộc Linh
Chương 11 trong sách Công Vụ Các Sứ Đồ lưu ý rằng đó là lần đầu tiên “người ta bắt đầu xưng môn đồ là Ky Tô Hữu” (câu 26). Việc được biết đến với tư cách là một trong những môn đồ của Đấng Ky Tô và được gọi bằng danh Ngài là một đặc ân và trách nhiệm thiêng liêng. Như Chủ Tịch M. Russell Ballard đã nói: “Chúng ta có ý thức được rằng mình đã được phước biết bao để mang danh của Con Trai Yêu Dấu và Độc Sinh của Thượng Đế không? Chúng ta có hiểu điều đó quan trọng như thế nào không? Danh xưng của Đấng Cứu Rỗi là danh xưng duy nhất để nhờ đó loài người có thể được cứu” (“Tầm Quan Trọng của một Danh Xưng,” Liahona, tháng Mười Một năm 2011, trang 79).
Việc là một Ky Tô Hữu—một môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô—có ý nghĩa gì đối với anh chị em? Điều này có ý nghĩa gì đối với các học viên của anh chị em? Việc mang lấy danh Ngài ảnh hưởng đến anh chị em như thế nào? Anh chị em cũng có thể nghĩ về những lần mình được soi dẫn bởi tấm gương của một người nào đó đã hành động như một môn đồ chân chính của Đấng Ky Tô.
Khi anh chị em chuẩn bị giảng dạy, ngoài việc đọc Công Vụ Các Sứ Đồ 10–15, hãy cân nhắc đọc ít nhất một trong các sứ điệp đại hội trung ương trong phần “Các Nguồn Tài Liệu Hỗ Trợ.”
Cùng Nhau Học Hỏi
Để giúp các thành viên trong lớp học hoặc nhóm túc số của anh chị em hiểu ý nghĩa của việc là một môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô, anh chị em có thể mời họ hoàn thành câu sau đây: “Môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô là một người …” Họ có thể ôn lại Công Vụ Các Sứ Đồ 11:19–26 để tìm kiếm thêm ý kiến trong các câu 21, 23–24, 26 về cách mà các tín hữu này của Giáo Hội cho thấy rằng họ là những môn đồ. Việc là môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô ảnh hưởng đến suy nghĩ và hành vi của chúng ta như thế nào? Các sinh hoạt sau đây có thể bổ ích cho cuộc thảo luận này.
-
Cũng có thể hữu ích khi thảo luận xem làm môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô là như thế nào (xin xem phát biểu của Anh Cả Robert D. Hales trong phần “Các Nguồn Tài Liệu Hỗ Trợ”). Anh chị em có thể mời giới trẻ chia sẻ một số lời giảng dạy của Chúa Giê Su Ky Tô mà soi dẫn họ và một số điều họ đã học được từ tấm gương của Ngài. Họ có thể tra cứu một số đoạn thánh thư trong phần “Các Nguồn Tài Liệu Hỗ Trợ,” hoặc những câu thánh thư khác họ biết, để có thêm ý kiến. Họ có thể liệt kê lên trên bảng những điều họ biết về Đấng Cứu Rỗi từ những đoạn thánh thư này. Sau đó họ có thể nói về các cách thức để có thể chân thành làm theo những lời giảng dạy và ví dụ được liệt kê trên bảng.
-
Mời các học viên nghĩ về ý nghĩa của việc là một Ky Tô Hữu. Họ có thể liệt kê ra các phẩm chất mà họ mong đợi thấy được trong cuộc sống của một người noi theo Chúa Giê Su Ky Tô (ví dụ, xin xem Giăng 13:34–35). Anh chị em có thể chia các em giới trẻ thành hai nhóm và mời mỗi nhóm đọc một trong những sứ điệp sau đây để tìm kiếm thêm các phẩm chất mà họ có thể bổ sung vào danh sách của họ: Anh Cả Terence M. Vinson, “Các Môn Đồ Chân Chính của Đấng Cứu Rỗi” (Liahona, tháng Mười Một năm 2019, trang 9–11) và Anh Cả Massimo De Feo, “Tình Yêu Thương Thanh Khiết: Dấu Hiệu Thực Sự của Mỗi Môn Đồ Chân Chính của Chúa Giê Su Ky Tô” (Liahona, tháng Năm năm 2018, trang 81–83). Mời giới trẻ suy ngẫm về một điều trong danh sách của họ mà họ muốn cải thiện.
-
Anh chị em có thể hỏi các học viên xem việc được gọi theo danh của Chúa Giê Su Ky Tô có ý nghĩa gì đối với họ. Có lẽ các em có thể chia sẻ những kinh nghiệm họ có được khi một ai đó biết rằng họ là những tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô. Chúng ta cảm thấy như thế nào về việc được biết đến với tư cách là các môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô và là tín hữu thuộc Giáo Hội của Ngài? Giới trẻ cũng có thể nghiên cứu một vài câu thánh thư hoặc một trong các sứ điệp trong phần “Các Nguồn Tài Liệu Hỗ Trợ,” nhằm hiểu thêm về những điều mà sẽ soi dẫn họ để sống sao cho xứng đáng với danh của Chúa Giê Su Ky Tô, mà họ đã mang lấy. Việc được gọi theo danh của Chúa Giê Su Ky Tô ảnh hưởng đến những quyết định của chúng ta như thế nào?
Hành Động theo Đức Tin
Hãy khuyến khích các thành viên trong lớp học hoặc nhóm túc số suy ngẫm và ghi lại những điều họ sẽ làm để hành động theo những ấn tượng mà họ nhận được hôm nay. Nếu muốn, họ có thể chia sẻ ý kiến của họ. Mời họ suy nghĩ xem việc hành động theo các ấn tượng của họ sẽ củng cố mối quan hệ của họ với Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô như thế nào.
Các Nguồn Tài Liệu Hỗ Trợ
-
Ma Thi Ơ 5:38–47; 6:19–21; 7:1–5; 25:31–40; Lu Ca 10:25–37; Giăng 13:34–35; 14:15 (Những lời dạy của Chúa Giê Su Ky Tô)
-
Ma Thi Ơ 4:1–11; Mác 6:35–44; Lu Ca 4:16–19; 22:39–42; 23:33–34; Công Vụ Các Sứ Đồ 10:38 (Tấm gương của Chúa Giê Su Ky Tô)
-
Giê Rê Mi 15:16; Mô Si A 5:7–15; An Ma 46:12–15; 3 Nê Phi 27:3–8 (Việc mang lấy danh của Đấng Cứu Rỗi)
-
Lisa L. Harkness, “Tôn Vinh Danh Ngài,” Liahona, tháng Mười Một năm 2019, trang 60–62
-
Paul B. Pieper, “Tất Cả Đều Phải Mang Danh đã được Đức Chúa Cha Ban Cho,” Liahona, tháng Mười Một năm 2018, trang 43–45
-
Anh Cả Robert D. Hales đã dạy: “Làm môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô có nghĩa là gì? Một môn đồ là người đã chịu phép báp têm và sẵn lòng mang danh của Đấng Cứu Rỗi và noi theo Ngài. Một môn đồ cố gắng để trở thành giống như Ngài bằng cách tuân giữ các lệnh truyền của Ngài trên trần thế, cũng giống như một người học việc tìm cách trở thành giống như người thầy của mình.
Nhiều người nghe đến từ môn đồ và nghĩ rằng từ đó chỉ có nghĩa là ‘tín đồ.’ Nhưng môn đồ thật sự là một lối tư duy. Từ này gợi ra nhiều ý nghĩa hơn so với chỉ học tập và áp dụng một bản liệt kê các thuộc tính cá nhân. Môn đồ phải sống sao cho các đặc tính của Đấng Ky Tô trở thành một phần mạnh mẽ trong cá tính của họ.” (“Trở Thành một Môn Đồ của Chúa Giê Su Ky Tô,” Liahona, tháng Năm năm 2017, trang 46).