Những Tài Liệu Bổ Sung để Giảng Dạy Trẻ Em
Phụ Lục B: Dành Cho Thiếu Nhi—Chuẩn Bị Cho Trẻ Em Ở trên Con Đường Giao Ước của Thượng Đế Suốt Cuộc Đời


“Phụ Lục B: Dành Cho Thiếu Nhi—Chuẩn Bị Cho Trẻ Em Ở trên Con Đường Giao Ước của Thượng Đế Suốt Cuộc Đời,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Việc Học ở Nhà và ở Nhà Thờ: Sách Mặc Môn năm 2024 (năm 2023)

“Phụ Lục B,” Hãy Đến Mà Theo Ta—Dành Cho Việc Học ở Nhà và ở Nhà Thờ: năm 2024

Phụ Lục B

Dành Cho Thiếu Nhi—Chuẩn Bị Cho Trẻ Em Ở trên Con Đường Giao Ước của Thượng Đế Suốt Cuộc Đời

Vào những tháng có năm ngày Chủ Nhật, các giảng viên Hội Thiếu Nhi được khuyến khích thay thế đề cương của tài liệu Hãy Đến Mà Theo Ta đã được lên lịch cho ngày Chủ Nhật tuần thứ năm bằng ít nhất một trong các sinh hoạt học tập này.

Các Nguyên Tắc và Các Giáo Lễ trong Phúc Âm của Chúa Giê Su Ky Tô

Giáo lý của Đấng Ky Tô dạy chúng ta cách trở về cùng Thượng Đế.

Khi Chúa Giê Su Ky Tô hiện đến cùng dân chúng ở Châu Mỹ, Ngài đã giảng dạy cho họ giáo lý của Ngài. Ngài đã phán rằng chúng ta có thể vào vương quốc của Thượng Đế nếu chúng ta có đức tin, hối cải, chịu phép báp têm, tiếp nhận Đức Thánh Linh, và kiên trì đến cùng (xin xem 3 Nê Phi 11:31–40; Giáo Lý và Giao Ước 20:29). Các sinh hoạt dưới đây có thể giúp anh chị em giảng dạy các bé rằng các nguyên tắc và giáo lễ này sẽ giúp chúng ta đến gần Đấng Cứu Rỗi hơn trong suốt cuộc đời mình.

Để tìm hiểu thêm về giáo lý của Đấng Ky Tô, xin xem 2 Nê Phi 31.

Các Sinh Hoạt Khả Thi

  • Hãy đưa cho các bé những bức hình mô tả đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô, sự hối cải, phép báp têm, và lễ xác nhận (xin xem Sách Họa Phẩm Phúc Âm, các số 1, 111, 103, và 105). Cùng chúng đọc hoặc đọc thuộc lòng tín điều thứ tư, và bảo các bé giơ cao bức hình của chúng khi nguyên tắc hoặc giáo lễ đó được nói đến. Giúp chúng hiểu cách mà mỗi nguyên tắc và giáo lễ này giúp chúng ta trở nên giống như Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô hơn.

  • Làm thế nào anh chị em có thể giúp chúng hiểu rằng đức tin, sự hối cải, phép báp têm, và lễ xác nhận không phải là những sự kiện chỉ xảy ra một lần, mà sẽ còn ảnh hưởng đến sự phát triển thuộc linh trong suốt cuộc đời chúng ta? Ví dụ, anh chị em có thể cho các bé xem bức hình về một hạt giống và một cái cây to (hoặc vẽ những thứ này lên trên bảng). Giúp chúng nghĩ đến những điều giúp hạt giống này phát triển thành một cái cây to, chẳng hạn như nước, đất, và ánh sáng mặt trời. Hãy giúp chúng nhận ra rằng những điều này cũng giống như những việc chúng ta làm để đến gần Thượng Đế hơn trong suốt cuộc đời mình—đó là xây đắp đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô, hối cải mỗi ngày, sống theo các giao ước báp têm, và lắng nghe theo Đức Thánh Linh.

  • Tại sao chúng ta cảm thấy vui mừng khi hối cải? Hãy chia sẻ với các bé về niềm vui và tình yêu thương mà anh chị em cảm thấy khi anh chị em cầu xin Cha Thiên Thượng tha thứ cho mình.

Phép Báp Têm

Chúa Giê Su Ky Tô đã nêu gương cho tôi khi Ngài chịu phép báp têm.

Mặc dù Chúa Giê Su không mang tội lỗi, Ngài vẫn chịu phép báp têm để làm một tấm gương hoàn hảo về sự vâng lời Cha Thiên Thượng (xin xem 2 Nê Phi 31:6–10).

Để tìm hiểu thêm về phép báp têm, xin xem Giáo Lý và Giao Ước 20:37.

Các Sinh Hoạt Khả Thi

  • Hãy trưng ra một bức hình về lễ báp têm của Đấng Cứu Rỗi và lễ báp têm của một người khác (hoặc xin xem Sách Họa Phẩm Phúc Âm, số 35 và số 103 hoặc số 104). Bảo các bé chia sẻ những điểm khác nhau và giống nhau giữa hai bức hình. Cùng nhau đọc Ma Thi Ơ 3:13–17 hoặc “Chương 10: Chúa Giê Su Chịu Phép Báp Têm” trong sách Các Câu Chuyện trong Kinh Tân Ước, trang 26–29.

    Cho chúng chỉ ra những điều trong các bức hình được đề cập trong phần đọc đó. Kể cho chúng nghe về tình thương yêu của anh chị em dành cho Đấng Cứu Rỗi và ước muốn của anh chị em để noi theo Ngài.

  • Lắng nghe hoặc hát một bài hát về phép báp têm. Chúng ta học được điều gì về phép báp têm từ bài hát này? Hãy đọc to 2 Nê Phi 31:9–10, và mời các bé lắng nghe tại sao Chúa Giê Su Ky Tô chịu phép báp têm. Mời chúng vẽ tranh về chính mình vào ngày chúng chịu phép báp têm.

Tôi có thể chọn để lập giao ước với Thượng Đế và chịu phép báp têm.

Việc chuẩn bị chịu phép báp têm có ý nghĩa nhiều hơn là chuẩn bị cho một sự kiện. Nó có nghĩa là chuẩn bị để lập một giao ước và rồi tuân giữ giao ước đó suốt cuộc đời. Hãy suy ngẫm làm thế nào anh chị em có thể giúp các bé hiểu về giao ước mà chúng sẽ lập với Cha Thiên Thượng khi chúng chịu phép báp têm, mà bao gồm những lời hứa Ngài lập với chúng và những lời hứa chúng lập với Ngài.

Các Sinh Hoạt Khả Thi

  • Hãy giải thích rằng giao ước là một lời hứa giữa một người và Cha Thiên Thượng. Khi chúng ta cố gắng giữ lời hứa của mình với Thượng Đế, thì Thượng Đế hứa sẽ ban phước cho chúng ta. Viết lên trên bảng Những Lời Tôi Hứa với Thượng ĐếNhững Lời Thượng Đế Hứa với Tôi. Cùng nhau đọc Mô Si A 18:10, 13Giáo Lý và Giao Ước 20:37, và giúp các bé liệt kê ra những lời hứa mà chúng tìm được vào dưới các tiêu đề thích hợp. Hãy chia sẻ về cách Cha Thiên Thượng đã ban phước cho anh chị em khi anh chị em cố gắng tuân giữ giao ước báp têm của mình.

  • Cho các bé xem các bức hình về những việc Chúa Giê Su Ky Tô đã làm khi Ngài ở trên thế gian (để có thêm ví dụ, xin xem Sách Họa Phẩm Phúc Âm, các số 33–49). Cho các bé nói về điều Chúa Giê Su đang làm trong mỗi bức hình. Hãy đọc Mô Si A 18:8–10, 13, và mời chúng lắng nghe những điều chúng hứa làm khi chịu phép báp têm. Những lời hứa này ảnh hưởng đến các hành động hằng ngày của chúng ta như thế nào? Mời các bé vẽ một bức tranh về bản thân chúng đang giúp đỡ người nào đó theo cách Chúa Giê Su sẽ làm. Hoặc anh chị em có thể làm cho chúng một cái bảng tên đơn giản với tên của Đấng Cứu Rỗi trên đó.

    cậu bé đang chịu phép báp têm

    Khi chúng ta chịu phép báp têm, chúng ta lập lời hứa với Thượng Đế và Ngài lập lời hứa với chúng ta.

Lễ Xác Nhận

Khi tôi được làm lễ xác nhận, tôi trở thành một tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô.

Việc trở thành một tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô mang đến nhiều phước lành, bao gồm những cơ hội để trẻ em tích cực tham gia vào công việc của Thượng Đế.

Để tìm hiểu thêm về lễ xác nhận và ân tứ Đức Thánh Linh, xin xem Gary E. Stevenson, “Đức Thánh Linh Giúp Đỡ Các Anh Chị Em Bằng Cách Nào?,” Liahona, tháng Năm năm 2017, trang 117–120.

Các Sinh Hoạt Khả Thi

  • Mời một ai đó gần đây vừa được làm phép báp têm và lễ xác nhận đến lớp học và chia sẻ về việc được làm lễ xác nhận. Việc trở thành một tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô có ý nghĩa như thế nào đối với người này? Hãy giúp các bé nghĩ về những cách chúng có thể tuân giữ giao ước báp têm của chúng với tư cách là các tín hữu của Giáo Hội (chẳng hạn như phục vụ người khác, mời người khác tìm hiểu thêm về Chúa Giê Su, cầu nguyện trong các buổi nhóm họp, v.v.). Chia sẻ cách mà những việc này đã giúp anh chị em cảm nhận niềm vui được làm tín hữu trong Giáo Hội của Đấng Ky Tô.

  • Cho xem một bức hình về dân chúng tại Dòng Suối Mặc Môn (xin xem Sách Họa Phẩm Phúc Âm, số 76), và bảo các bé mô tả điều chúng thấy trong bức hình đó. Ôn lại câu chuyện về An Ma và dân của ông được làm phép báp têm tại đó (xin xem Mô Si A 18:1–17; “Chương 15: An Ma Giảng Dạy và Làm Phép Báp Têm” (Các Câu Chuyện trong Sách Mặc Môn, trang 43–44).

    Ôn lại Mô Si A 18:8–9 và mời các bé làm những hành động để giúp chúng nhớ lại những điều dân chúng sẵn lòng thực hiện với tư cách tín hữu trong Giáo Hội của Đấng Ky Tô. Chia sẻ một kinh nghiệm khi anh chị em chứng kiến các tín hữu Giáo Hội phục vụ trong những cách thức này.

Khi được làm lễ xác nhận, tôi nhận được ân tứ Đức Thánh Linh.

Khi chúng ta được làm phép báp têm và lễ xác nhận, Cha Thiên Thượng hứa rằng chúng ta “có thể luôn được Thánh Linh của Ngài ở cùng [chúng ta]” (Giáo Lý và Giao Ước 20:77). Ân tứ tuyệt vời này từ Thượng Đế được gọi là ân tứ Đức Thánh Linh.

Các Sinh Hoạt Khả Thi

  • Hãy đọc Giáo Lý và Giao Ước 33:15, và bảo các bé lắng nghe ân tứ đặc biệt mà Cha Thiên Thượng ban cho chúng ta khi chúng ta được làm phép báp têm và lễ xác nhận. Để giúp chúng tìm hiểu thêm về cách mà ân tứ Đức Thánh Linh sẽ giúp đỡ chúng, hãy cùng nhau ôn lại Giăng 14:26; Ga La Ti 5:22–23; 2 Nê Phi 32:5; 3 Nê Phi 27:20.

  • Trước giờ học, hãy mời cha mẹ của một hoặc vài em chia sẻ về cách họ đã được ban phước nhờ có ân tứ Đức Thánh Linh. Ngài giúp đỡ họ như thế nào? Bằng cách nào họ nghe được giọng nói của Ngài?

  • Hát cùng với nhau một bài hát về Đức Thánh Linh, chẳng hạn như “Thánh Linh của Thượng Đế” (Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, số 28). Giúp các bé hiểu điều mà bài hát này dạy chúng ta về cách Đức Thánh Linh có thể giúp chúng ta.

Đức Thánh Linh có thể ngỏ lời cùng tôi trong nhiều cách.

Những đứa trẻ nào có thể nhận ra tiếng nói của Thánh Linh sẽ được chuẩn bị để nhận sự mặc khải cá nhân nhằm hướng dẫn chúng trong suốt cuộc đời. Hãy dạy cho chúng rằng có nhiều cách để Đức Thánh Linh có thể ngỏ lời cùng chúng ta.

Các Sinh Hoạt Khả Thi

  • Hãy giúp các bé nghĩ về những cách khác nhau để chúng ta có thể trò chuyện với một người bạn sống ở xa, chẳng hạn như viết thư, gửi email, hoặc nói chuyện qua điện thoại. Dạy cho chúng rằng Cha Thiên Thượng có thể ngỏ lời với chúng ta qua Đức Thánh Linh.

  • Chia sẻ một kinh nghiệm khi Đức Thánh Linh giao tiếp với anh chị em, qua những suy nghĩ trong tâm trí của anh chị em hoặc qua một cảm giác trong lòng anh chị em (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 6:22–23; 8:2–3). Làm chứng với các bé rằng Đức Thánh Linh có thể giúp chúng trong những cách tương tự.

  • Giúp các bé nghĩ về những lần chúng có thể đã cảm nhận Thánh Linh—ví dụ, khi hát một bài hát về Đấng Cứu Rỗi hoặc khi làm điều gì đó tử tế cho người khác. Giúp chúng nhận ra những cảm nghĩ thuộc linh mà Đức Thánh Linh mang đến. Anh chị em nghĩ tại sao Đức Thánh Linh ban cho chúng ta những cảm nghĩ đó? Giúp các bé nghĩ về những việc chúng ta cần làm để lắng nghe Đức Thánh Linh ngỏ lời cùng chúng ta. Hãy nói về những điều mà anh chị em làm để lắng nghe Thánh Linh rõ ràng hơn.

Tiệc Thánh

Khi dự phần Tiệc Thánh, tôi tưởng nhớ đến sự hy sinh của Đấng Cứu Rỗi và tái lập các giao ước của mình.

Đấng Cứu Rỗi ban cho chúng ta Tiệc Thánh để giúp chúng ta tưởng nhớ đến sự hy sinh của Ngài cho chúng ta và giúp chúng ta tái lập các giao ước của mình. Nhờ có giáo lễ hằng tuần này, chúng ta có thể tiếp tục vui hưởng các phước lành đến từ phép báp têm trong suốt cuộc đời mình.

Để tìm hiểu thêm, xin xem Ma Thi Ơ 26:26–30; 3 Nê Phi 18:1–12; Giáo Lý và Giao Ước 20:77, 79.

Các Sinh Hoạt Khả Thi

  • Mời các bé tô màu “Chúa Giê Su Giới Thiệu Tiệc Thánh cho Dân Nê Phi” trong Sách Tô Màu Những Câu Chuyện Thánh Thư: Sách Mặc Môn (năm 2019), trang 26. Yêu cầu chúng chỉ vào điều dân chúng đang nghĩ đến trong bức tranh. Đọc cho chúng nghe những phần trong 3 Nê Phi 18:1–12 hoặc “Chương 45: Chúa Giê Su Ky Tô Giảng Dạy về Tiệc Thánh và Sự Cầu Nguyện,” Các Câu Chuyện trong Sách Mặc Môn, trang 126–127. Chúng ta có thể làm gì để tưởng nhớ Chúa Giê Su Ky Tô trong lễ Tiệc Thánh?

  • Bảo các bé kể cho anh chị em một số điều mà chúng nhớ phải luôn làm, chẳng hạn như cột dây giày hoặc rửa tay trước khi ăn. Tại sao việc nhớ những điều này là quan trọng? Đọc cho các bé nghe Mô Rô Ni 4:3, và mời chúng lắng nghe điều chúng ta hứa luôn luôn ghi nhớ khi chúng ta dự phần Tiệc Thánh. Tại sao việc tưởng nhớ đến Chúa Giê Su Ky Tô là quan trọng? Hãy giúp các bé hiểu làm thế nào mà bánh mì và nước của lễ Tiệc Thánh giúp chúng ta nhớ về những gì mà Chúa Giê Su đã làm cho chúng ta (xin xem Mô Rô Ni 4:3; 5:2).

  • Viết lên trên bảng “Tôi hứa sẽ …” Đọc những lời cầu nguyện Tiệc Thánh cho các bé nghe (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 20:77, 79). Khi chúng nghe được một lời hứa mà chúng ta lập với Thượng Đế, hãy dừng lại và giúp chúng hoàn thành câu trên bảng bằng lời hứa chúng đã nghe. Giúp chúng hiểu rằng khi dự phần Tiệc Thánh, chúng ta cũng đang hứa những lời hứa đã lập tại lễ báp têm.

  • Việc chúng ta mang lấy danh của Chúa Giê Su Ky Tô có nghĩa gì? Để giúp các bé trả lời câu hỏi này, hãy chia sẻ ví dụ về một vật gì đó mà chúng ta ghi tên của mình lên. Tại sao chúng ta ghi tên của mình lên những vật này? Tại sao Chúa Giê Su Ky Tô muốn chúng ta mang danh Ngài? Cân nhắc chia sẻ lời giải thích này từ Chủ Tịch Russell M. Nelson: “Việc chúng ta mang danh của Đấng Cứu Rỗi gồm có việc tuyên bố và làm chứng với người khác—qua hành động và lời nói của chúng ta—rằng Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô” (“Tên Đúng của Giáo Hội,” Liahona, tháng Mười Một năm 2018, trang 88).

Quyền Năng, Thẩm Quyền và Các Chìa Khóa của Chức Tư Tế

Thượng Đế ban phước cho con cái của Ngài qua quyền năng của chức tư tế.

Tất cả các con cái của Thượng Đế—cả nam lẫn nữ, cả già lẫn trẻ—đều nhận được quyền năng của Thượng Đế khi họ tuân giữ các giao ước họ đã lập với Ngài. Chúng ta lập các giao ước này khi chúng ta tiếp nhận các giáo lễ chức tư tế chẳng hạn như phép báp têm (xin xem Sách Hướng Dẫn Tổng Quát: Phục Vụ trong Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô, phần 3.5, ChurchofJesusChrist.org). Để tìm hiểu thêm, xin xem Russell M. Nelson, “Những Kho Báu Thuộc Linh,” Liahona, tháng Mười Một năm 2019, trang 76–79; “Các Nguyên Tắc của Chức Tư Tế,” chương 3 trong Sách Hướng Dẫn Tổng Quát.

Các Sinh Hoạt Khả Thi

  • Hãy giúp các bé nhận ra những phước lành mà chúng nhận được nhờ vào chức tư tế.

  • Cân nhắc liệt kê các phước lành này lên trên bảng. Tại sao các phước lành này là quan trọng đối với chúng ta? Làm chứng rằng các phước lành này đến với chúng ta nhờ có Chúa Giê Su Ky Tô và quyền năng chức tư tế của Ngài.

  • Viết các tiêu đề sau đây lên trên bảng: Quyền năng của Thượng ĐếQuyền năng và thẩm quyền của Thượng Đế được ban cho những người nam trên thế gian. Bảo các bé đặt các bức hình dưới tiêu đề đầu tiên mà giúp chúng ta hiểu về cách Thượng Đế sử dụng quyền năng của Ngài để ban phước cho chúng ta, chẳng hạn như sáng tạo thế gian, hướng dẫn và dẫn dắt chúng ta, cho chúng ta thấy rằng Ngài thương yêu và biết rõ chúng ta, và lắng nghe và đáp lại lời cầu nguyện của chúng ta (xin xem Sách Họa Phẩm Phúc Âm, các số 3, 68, 90111). Bảo chúng đặt các bức hình dưới tiêu đề thứ hai mà giúp chúng ta hiểu cách những người nam xứng đáng trên thế gian sử dụng quyền năng và thẩm quyền của Thượng Đế để ban phước cho chúng ta, chẳng hạn như ban phước cho người bệnh, làm phép báp têm, làm lễ xác nhận, cử hành lễ Tiệc Thánh, và làm lễ gắn bó cho các gia đình (xin xem Sách Họa Phẩm Phúc Âm, các số 46, 104, 105, 107120). Chia sẻ tại sao anh chị em biết ơn chức tư tế và các phước lành mà chức tư tế mang lại.

  • Một trong những cách thức chính để chúng ta tiếp nhận các phước lành từ quyền năng của Thượng Đế trong cuộc sống của mình là qua các giáo lễ chức tư tế (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 84:20). Để giúp các bé học lẽ thật này, anh chị em có thể liệt kê những câu thánh thư sau đây lên trên bảng: 3 Nê Phi 11:21–26, 33 (phép báp têm); Mô Rô Ni 2 (lễ xác nhận); Mô Rô Ni 4–5 (lễ Tiệc Thánh). Mỗi bé có thể chọn một trong những đoạn thánh thư này và chỉ ra giáo lễ mà đoạn thánh thư đó miêu tả. Mời chúng chia sẻ về việc cá nhân chúng đã được ban phước như thế nào nhờ tiếp nhận các giáo lễ chức tư tế.

  • Giúp chúng hiểu rằng chúng sẽ nhận được quyền năng từ Thượng Đế khi chúng được làm phép báp têm và tuân giữ giao ước báp têm của chúng. Hỏi các bé xem quyền năng này có thể giúp đỡ chúng như thế nào.

Công việc của Thượng Đế được hướng dẫn bởi các chìa khóa chức tư tế và được hoàn thành bởi thẩm quyền chức tư tế.

Các nam tín hữu xứng đáng của Giáo Hội có thể được sắc phong một chức phẩm trong chức tư tế. Ngoài ra, bất cứ khi nào một người được phong nhiệm cho một sự kêu gọi hoặc được chỉ định để giúp đỡ trong công việc của Thượng Đế, thì người đó có thể sử dụng thẩm quyền của chức tư tế đã được ủy nhiệm. Việc sử dụng tất cả thẩm quyền chức tư tế trong Giáo Hội được hướng dẫn bởi những người nắm giữ các chìa khóa của chức tư tế, chẳng hạn như chủ tịch giáo khu, giám trợ, và các chủ tịch nhóm túc số. Các chìa khóa của chức tư tế là thẩm quyền để hướng dẫn việc sử dụng chức tư tế làm công việc của Chúa.

Các Sinh Hoạt Khả Thi

  • Cùng các bé đọc Mác 3:14–15, và cho chúng xem một bức hình về một sự kiện được miêu tả trong đó (chẳng hạn như Sách Họa Phẩm Phúc Âm, số 38). Hỏi các bé xem liệu chúng đã từng thấy ai đó được sắc phong một chức phẩm chức tư tế hoặc được phong nhiệm cho một sự kêu gọi hay chưa (hoặc kể cho chúng nghe về những kinh nghiệm anh chị em đã có). Điều này tương tự với điều Đấng Cứu Rỗi đã làm cho các Sứ Đồ của Ngài như thế nào? Giúp các bé liệt kê lên trên bảng các chức phẩm chức tư tế hoặc những sự kêu gọi mà có thể được đưa ra cho tín hữu Giáo Hội, chẳng hạn như giảng viên hoặc lãnh đạo trong một tổ chức. Bên cạnh mỗi chức phẩm hoặc sự kêu gọi, anh chị em có thể viết ra điều mà một ai đó với chức phẩm hoặc sự kêu gọi đó có thẩm quyền để làm. Nói cho các bé biết xem làm thế nào việc được phong nhiệm bởi một ai đó dưới sự hướng dẫn của các chìa khóa chức tư tế đã giúp anh chị em phục vụ.

  • Mời chúng nghĩ về một thứ gì đó cần đến một chìa khóa, chẳng hạn như một chiếc xe hơi hoặc một cánh cửa. Điều gì xảy ra khi chúng ta không có chìa khóa? Cùng nhau đọc Giáo Lý và Giao Ước 65:2, và chia sẻ chứng ngôn của anh chị em về tầm quan trọng của việc có các chìa khóa chức tư tế trên thế gian.

  • Mời một ai đó trong tiểu giáo khu mà nắm giữ các chìa khóa đến lớp học và chia sẻ với các bé về ý nghĩa của việc nắm giữ các chìa khóa chức tư tế. Mời người đó miêu tả các trách nhiệm của mình. Người ấy hướng dẫn những phần nào trong công việc của Chúa? Đấng Cứu Rỗi giúp người ấy như thế nào?

Gia Đình và Kế Hoạch Hạnh Phúc Vĩ Đại

Đền thờ là nhà của Chúa.

Đền thờ là một phần trong kế hoạch của Cha Thiên Thượng dành cho con cái của Ngài. Trong đền thờ, chúng ta lập các giao ước thiêng liêng với Ngài, được ban cho quyền năng chức tư tế, tiếp nhận sự mặc khải, thực hiện giáo lễ cho các tổ tiên đã qua đời của chúng ta, và được làm lễ gắn bó với gia đình chúng ta cho suốt thời vĩnh cửu. Tất cả những điều này có thể thực hiện được là nhờ vào Chúa Giê Su Ky Tô và sự hy sinh chuộc tội của Ngài.

Làm thế nào anh chị em có thể giúp những trẻ em mà mình giảng dạy nhận ra sự thiêng liêng của ngôi nhà của Chúa và chuẩn bị bản thân chúng để xứng đáng tham gia vào các giáo lễ đền thờ? Cân nhắc ôn lại những tài liệu này: Giáo Lý và Giao Ước 97:15–17; Russell M. Nelson, “Lời Bế Mạc,” Liahona, tháng Mười Một năm 2019, trang 120–122.

giới trẻ ở bên ngoài một đền thờ

Đền thờ là một phần trong kế hoạch của Cha Thiên Thượng dành cho con cái của Ngài.

Các Sinh Hoạt Khả Thi

  • Trưng ra một hoặc nhiều bức hình đền thờ. Hỏi các bé xem điều gì làm cho đền thờ trở thành một nơi đặc biệt. Chỉ ra rằng những dòng chữ này được khắc trên mỗi đền thờ: “Thánh cho Chúa: Nhà của Chúa.” Hỏi các bé xem chúng nghĩ rằng “Thánh cho Chúa” có nghĩa là gì. Tại sao đền thờ được gọi là nhà của Chúa? Điều này dạy chúng ta điều gì về đền thờ? Nếu có bất kỳ đứa trẻ nào đã đến đền thờ thì chúng cũng có thể chia sẻ về cảm nhận của chúng khi ở đó. Nếu anh chị em đã đến đền thờ, hãy chia sẻ xem anh chị em cảm nhận như thế nào về sự hiện diện của Chúa ở đó, và nói về lý do tại sao đền thờ là một nơi thiêng liêng đối với anh chị em.

  • Cùng nhau đọc Giáo Lý và Giao Ước 97:15–17. Bảo các bé tìm kiếm điều mà Chúa mong đợi những người bước vào ngôi nhà thánh của Ngài. Tại sao chúng ta cần phải xứng đáng để bước vào ngôi nhà của Ngài? Trong cuộc thảo luận này, hãy nói cho các bé biết về giấy giới thiệu đi đền thờ, kể cả cách để nhận được giấy đó. Anh chị em có thể mời một thành viên trong giám trợ đoàn đến để chia sẻ với chúng về buổi phỏng vấn xin giấy giới thiệu đi đền thờ và các câu hỏi được đặt ra trong buổi phỏng vấn đó.

Trong đền thờ, chúng ta lập giao ước với Thượng Đế.

Chủ Tịch Russell M. Nelson đã dạy: “Chúa Giê Su Ky Tô mời gọi chúng ta đi theo con đường giao ước để trở về nhà với Cha Mẹ Thiên Thượng và ở bên những người chúng ta yêu thương” (“Hãy Đến Mà Theo Ta,” Liahona, tháng Năm năm 2019, trang 91). Hãy giúp các bé hiểu rằng con đường giao ước bao gồm phép báp têm, lễ xác nhận, lễ thiên ân và lễ gắn bó trong đền thờ.

Các Sinh Hoạt Khả Thi

  • Bảo các bé giúp anh chị em ôn lại giao ước mà chúng ta lập với Thượng Đế khi chịu phép báp têm và việc chúng ta tái lập giao ước đó khi dự phần Tiệc Thánh (xin xem Mô Si A 18:10; Giáo Lý và Giao Ước 20:77, 79). Cho xem bức hình về một đền thờ và giải thích rằng Cha Thiên Thượng có nhiều phước lành hơn nữa mà Ngài muốn ban cho chúng ta trong đền thờ.

  • Vẽ một cánh cổng dẫn đến một con đường. Hỏi các bé xem chúng nghĩ tại sao việc có một con đường để bước đi là hữu ích. Cùng nhau đọc 2 Nê Phi 31:17–20, khi Nê Phi so sánh giao ước báp têm với một cánh cổng và mời chúng ta tiếp tục đi trên con đường đó sau khi chịu phép báp têm. Còn nhiều giao ước khác để lập sau lễ báp têm, bao gồm các giao ước được lập trong đền thờ. Hãy giải thích rằng Chủ Tịch Nelson đã gọi con đường này là “con đường giao ước.”

Trong đền thờ, chúng ta có thể chịu phép báp têm và làm lễ xác nhận cho các tổ tiên đã qua đời.

Phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô giúp cho tất cả các con cái của Thượng Đế có thể trở về sống cùng Ngài, ngay cả nếu họ qua đời mà không biết về phúc âm. Trong đền thờ, chúng ta có thể chịu phép báp têm và được xác nhận là tín hữu của Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô thay cho họ.

Các Sinh Hoạt Khả Thi

  • Hãy nghĩ về khi ai đó làm cho anh chị em một điều gì đó mà anh chị em không thể tự mình làm được. Mời các bé chia sẻ những kinh nghiệm tương tự. Giải thích rằng khi chúng ta đi đền thờ, chúng ta có thể nhận được các giáo lễ thiêng liêng như phép báp têm cho những người đã chết. Làm thế nào chúng ta trở nên giống như Chúa Giê Su khi chúng ta làm công việc cho những người chết? Đấng Cứu Rỗi đã làm cho chúng ta điều gì mà chúng ta không thể tự mình làm được?

  • Mời một hoặc nhiều em giới trẻ đã chịu phép báp têm thay cho tổ tiên mình chia sẻ kinh nghiệm của các em. Hỏi các em cảm thấy ra sao khi ở trong đền thờ. Khuyến khích các em chia sẻ về cảm nhận của mình khi làm công việc này cho tổ tiên.

  • Vẽ một cái cây lên trên bảng, có cả rễ lẫn cành. Bảo các bé suy nghĩ xem một gia đình cũng giống như một cái cây ra sao. Chú thích cho rễ cây là Tổ Tiên, cho những cành cây là Con Cháu, cho thân cây là Em. Cùng nhau đọc câu này từ Giáo Lý và Giao Ước 128:18: “Vì không có [các tổ tiên của mình] thì chúng ta không thể đạt đến sự hoàn hảo, mà không có chúng ta thì họ cũng không thể đạt đến sự hoàn hảo được.” Hỏi những câu hỏi như sau: “Tại sao chúng ta cần các tổ tiên của mình? Tại sao con cháu của chúng ta cần chúng ta? Các bậc cha mẹ, ông bà, và các tổ tiên khác đã giúp đỡ chúng ta như thế nào?” Mời các bé tra cứu phần còn lại trong Giáo Lý và Giao Ước 128:18 để tìm kiếm một cụm từ miêu tả cách chúng ta có thể giúp đỡ các tổ tiên của mình.

  • Hãy cân nhắc làm việc với cha mẹ của mỗi đứa trẻ để tìm kiếm tên của một người tổ tiên cho chúng mang đến đền thờ (xin xem FamilySearch.org).