Các Sách Hướng Dẫn và Các Chức Vụ Kêu Gọi
24. Giấy Giới Thiệu Người Truyền Giáo và Sự Phục Vụ Truyền Giáo


“24. Giấy Giới Thiệu Người Truyền Giáo và Sự Phục Vụ Truyền Giáo,” Sách Hướng Dẫn Tổng Quát: Phục Vụ trong Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô (Năm 2020).

“24. Giấy Giới Thiệu Người Truyền Giáo và Sự Phục Vụ Truyền Giáo,” Sách Hướng Dẫn Tổng Quát: Phục Vụ trong Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô.

những người truyền giáo đang tản bộ

24.

Giấy Giới Thiệu Người Truyền Giáo và Sự Phục Vụ Truyền Giáo

24.0

Lời Giới Thiệu

Vào thời xa xưa, Chúa đã ban cho mệnh lệnh phải quy tụ Y Sơ Ra Ên ở giữa “muôn dân, làm báp têm cho họ nhân danh Cha, Con và Thánh Linh” (Ma Thi Ơ 28:19; xin xem thêm câu 20). Chúa đã lặp lại mệnh lệnh đó trong những ngày sau này (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 39:11; 68:6–8; 112:28–30). Tất cả các tín hữu của Giáo Hội giao ước vào lúc chịu phép báp têm để làm nhân chứng của Thượng Đế và phục sự người khác (xin xem Mô Si A 18:8–10).

Việc phục vụ Chúa với tư cách là người truyền giáo là một đặc ân thiêng liêng. Việc này mang lại phước lành vĩnh cửu cho người đó và những người mà người đó phục vụ (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 18:14–16).

Những sự kêu gọi phục vụ truyền giáo gồm có một nhiệm vụ để giảng dạy phúc âm, hỗ trợ công việc của các phòng sở hay đơn vị của Giáo Hội, hoặc phục vụ trong cộng đồng địa phương.

Chúa yêu cầu mỗi thiếu niên xứng đáng, có khả năng hãy chuẩn bị và phục vụ truyền giáo. Đối với các thiếu niên Thánh Hữu Ngày Sau, công việc phục vụ truyền giáo là một trách nhiệm của chức tư tế (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 36:1, 4–7).

Chúa cũng hoan nghênh các thiếu nữ xứng đáng, có khả năng hãy phục vụ truyền giáo nếu muốn. Đối với các thiếu nữ, công việc truyền giáo là một cơ hội mạnh mẽ, nhưng không bắt buộc. Sự chuẩn bị cho công việc truyền giáo sẽ ban phước cho một thiếu nữ cho dù em ấy có quyết định phục vụ với tư cách là người truyền giáo hay không.

Những người truyền giáo cao niên cũng được cần đến và được khuyến khích chuẩn bị để phục vụ.

24.1

Sự Kêu Gọi Phục Vụ

Mỗi người truyền giáo đều được kêu gọi để trợ giúp Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô trong công việc của hai Ngài. Những người truyền giáo đại diện cho Chúa Giê Su Ky Tô và Giáo Hội phục hồi của Ngài. Họ phục vụ Chúa một cách vị tha trong công việc vì lòng yêu thương ở giữa các con cái của Ngài. Các công việc truyền giáo giảng dạy và công việc truyền giáo phục vụ đều ban phước cho người truyền giáo lẫn những người khác. (Xin xem Ma Thi Ơ 16:25; 22:36–40.)

Những sự kêu gọi phục vụ truyền giáo được đưa ra cho các tín hữu mong muốn được phục vụ, xứng đáng và có năng lực. Những tín hữu này cố gắng phục vụ Chúa với tất cả “tấm lòng, năng lực, tâm trí, và sức mạnh.” Họ phát triển “đức tin, hy vọng, lòng bác ái và tình yêu thương.” Họ luôn có “con mắt duy nhất hướng tới vinh quang của Thượng Đế.” Khi họ làm những điều này, Chúa sẽ cho họ hội đủ điều kiện cho công việc truyền giáo. (Giáo Lý và Giao Ước 4:2, 5; xin xem các câu 1–7.)

Những người truyền giáo đại diện cho Chúa và phải được kêu gọi bởi thẩm quyền hợp thức (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 42:11; Những Tín Điều 1:5). Sự kêu gọi phục vụ truyền giáo thường được đưa ra bởi Chủ Tịch của Giáo Hội. Đối với những người truyền giáo phục vụ cao niên, sự kêu gọi được chủ tịch giáo khu đưa ra.

24.2

Nhiệm Vụ của Người Truyền Giáo

Sự kêu gọi phục vụ với tư cách là người truyền giáo gồm có một nhiệm vụ cụ thể. Các nhiệm vụ này rất khác nhau. Các nhiệm vụ này thường gồm có:

  • Một hình thức phục vụ.

  • Một địa điểm.

  • Một khoảng thời gian phục vụ.

Mỗi nhiệm vụ được hướng dẫn bởi sự mặc khải do đó phù hợp với người truyền giáo và những nhu cầu của các con cái Thượng Đế.

Một nhiệm vụ có thể thay đổi bởi sự mặc khải liên tục khi hoàn cảnh thay đổi. Một nhiệm vụ cụ thể là rất quan trọng. Tuy nhiên, nhiệm vụ cụ thể chỉ là thứ yếu so với sự kêu gọi phục vụ với tư cách là người truyền giáo. (Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 80:3.)

24.2.1

Những Người Truyền Giáo Giảng Dạy Trẻ Tuổi

Hầu hết những người truyền giáo trẻ tuổi được chỉ định giảng dạy phúc âm ở xa nhà. Các nhiệm vụ này được đưa ra bởi sự mặc khải cho các Sứ Đồ. Những người truyền giáo này phục vụ dưới sự hướng dẫn của một chủ tịch phái bộ truyền giáo.

Những người nam độc thân từ 18 đến 25 tuổi có thể phục vụ với tư cách là những người truyền giáo giảng dạy. Họ thường phục vụ trong 24 tháng.

Những người nữ độc thân từ 19 đến 29 tuổi có thể phục vụ với tư cách là những người truyền giáo giảng dạy. Họ thường phục vụ trong 18 tháng.

24.2.2

Những Người Truyền Giáo Phục Vụ Trẻ Tuổi

Một số người truyền giáo trẻ tuổi được chỉ định phục vụ trong Giáo Hội và cộng đồng trong khi sống ở nhà. Những nhiệm vụ này được đưa ra bởi sự mặc khải cho các Sứ Đồ và được đưa ra cho những người xin đi truyền giáo mà có hoàn cảnh thích hợp nhất cho công việc truyền giáo phục vụ (xin xem đoạn 24.3.3).

Những cá nhân này có cùng tiêu chuẩn đối với việc chuẩn bị và sống xứng đáng như những người được chỉ định cho công việc truyền giáo giảng dạy. Tất cả những người trẻ tuổi xin đi truyền giáo đều được giới thiệu qua một tiến trình.

Những người truyền giáo phục vụ sẽ phục vụ ở địa phương dưới sự hướng dẫn của chủ tịch giáo khu. Mỗi người trong số họ nhận được các nhiệm vụ phù hợp với hoàn cảnh của họ và dựa trên các cơ hội phục vụ (xin xem đoạn 24.7.1). Họ phục vụ hết khả năng của mình.

Những người nam độc thân từ 18 đến 25 tuổi có thể phục vụ với tư cách là những người truyền giáo phục vụ. Họ thường phục vụ trong 6 đến 24 tháng.

Những phụ nữ độc thân từ 19 đến 29 tuổi có thể phục vụ với tư cách là những người truyền giáo phục vụ. Họ thường phục vụ trong 6 đến 18 tháng.

Hiện vẫn chưa có sẵn các công việc truyền giáo phục vụ dành cho những người truyền giáo trẻ tuổi ở tất cả các khu vực trên thế giới. Để biết bản liệt kê các khu vực nơi có các công việc truyền giáo phục vụ, xin xem ChurchofJesusChrist.org/service-missionary. Trang mạng đó cũng cung cấp thêm thông tin về các công việc truyền giáo phục vụ. Nơi nào không có sẵn các công việc truyền giáo phục vụ, các tín hữu trẻ tuổi có thể phục vụ trong chương trình người truyền giáo phục vụ cao niên (xin xem đoạn 24.2.4).

24.2.3

Những Người Truyền Giáo Cao Niên

Các tín hữu đã kết hôn từ 40 tuổi trở lên có thể được gọi với tư cách là cặp vợ chồng truyền giáo cao niên nếu họ không có con cái còn phụ thuộc vào họ.

Phụ nữ độc thân từ 40 tuổi trở lên cũng có thể được gọi với tư cách là người truyền giáo cao niên nếu họ không có con cái còn sống ở nhà.

Những người nam độc thân từ 40 tuổi trở lên không thể phục vụ với tư cách là người truyền giáo cao niên. Tuy nhiên, họ có thể phục vụ với tư cách là những người truyền giáo phục vụ cao niên. (Xin xem đoạn 24.2.4.)

Tất cả những người truyền giáo cao niên được khuyến khích tìm người để giảng dạy và giúp họ chuẩn bị cho phép báp têm. Những người truyền giáo cao niên cũng có thể được chỉ định để hỗ trợ:

  • Các tín hữu và các vị lãnh đạo ở giáo vùng và địa phương.

  • Các phòng sở và cơ sở của Giáo Hội.

  • Các tổ chức từ thiện.

Những người truyền giáo cao niên thường phục vụ ở xa nhà từ 6 đến 23 tháng. Những người phục vụ bên ngoài quốc gia cư trú của họ thường phục vụ ít nhất 18 tháng.

Những người truyền giáo cao niên không được yêu cầu làm việc theo giờ giấc giống nhau, thực hiện tất cả các sinh hoạt giống nhau, hoặc đáp ứng những kỳ vọng giống như những người truyền giáo trẻ tuổi. Tuy nhiên, sự phục vụ của họ rất khó khăn. Vì lý do này, họ phải đủ sức khỏe để phục vụ. Họ cũng phải đáp ứng những điều kiện về tài chính (xin xem mục 24.3.4.2).

Các giám trợ, chủ tịch giáo khu và các vị lãnh đạo khác cân nhắc kỹ xem ai có thể phục vụ. Các giám trợ hoặc chủ tịch giáo khu có thể phỏng vấn các tín hữu này để xác định sự sẵn sàng của họ và mời họ chuẩn bị phục vụ.

Các nhiệm vụ dành cho những người truyền giáo cao niên được đưa ra bởi sự mặc khải cho các Sứ Đồ. Các vị lãnh đạo có thể đề nghị các loại nhiệm vụ dành cho những người truyền giáo cao niên. Tuy nhiên, các vị lãnh đạo không nên cam kết về nhiệm vụ mà họ sẽ nhận được. Những người xin đi truyền giáo có thể bày tỏ sự yêu thích đối với một nhiệm vụ nhưng nên sẵn lòng chấp nhận bất cứ nhiệm vụ nào.

Để biết thêm thông tin, xin xem trang mạng SeniorMissionary.ChurchofJesusChrist.org.

cặp vợ chồng truyền giáo đang giảng dạy người phụ nữ

24.2.4

Những Người Truyền Giáo Phục Vụ Cao Niên

Ngoài những sự kêu gọi trong tiểu giáo khu hoặc giáo khu nhà của họ ra, các tín hữu có thể phục vụ Chúa với tư cách là những người truyền giáo phục vụ cao niên. Những người truyền giáo này mang đến sự phục vụ đáng giá trong các phòng sở, cơ sở và phái bộ truyền giáo của Giáo Hội (xin xem đoạn 24.7.1). Họ sống tại nhà.

Những người nam và người nữ từ 26 tuổi trở lên có thể được kêu gọi với tư cách là những người truyền giáo phục vụ cao niên.

Ngoài ra, các thanh niên từ 18 đến 25 tuổi và thiếu nữ từ 19 đến 25 tuổi có thể phục vụ trong chương trình truyền giáo phục vụ cao niên nếu họ sống ở nơi không có các phái bộ truyền giáo phục vụ dành cho những người truyền giáo trẻ tuổi. Họ cũng có thể phục vụ nếu họ đã kết hôn hoặc đã từng phục vụ với tư cách là một người truyền giáo giảng dạy hoặc phục vụ trẻ tuổi.

Những người truyền giáo phục vụ cao niên được chủ tịch giáo khu kêu gọi. Họ phục vụ dưới sự hướng dẫn của ông. Khoảng thời gian họ phục vụ mỗi tuần tùy thuộc vào khả năng của họ, các cơ hội phục vụ trong giáo vùng của họ và sự hướng dẫn từ Chủ Tịch Đoàn Giáo Vùng.

Những người truyền giáo phục vụ cao niên được chủ tịch giáo khu của họ giao cho những nhiệm vụ. Ông hội ý với người truyền giáo và những người khác cùng thành tâm tìm kiếm sự mặc khải về mỗi nhiệm vụ. Ông có thể xem lại trang mạng SeniorMissionary.ChurchofJesusChrist.org khi quyết định các nhiệm vụ.

Để biết thêm thông tin về những người truyền giáo phục vụ cao niên, xin xem phần 24.7.

24.2.5

Tóm Tắt Các Nhiệm Vụ Truyền Giáo

Bảng sau đây tóm tắt các loại nhiệm vụ truyền giáo.

Người Truyền Giáo Giảng Dạy Trẻ Tuổi
(xin xem đoạn 24.2.1)

Người Truyền Giáo Phục Vụ Trẻ Tuổi
(xin xem đoạn 24.2.2)

Người Truyền Giáo Cao Niên
(xin xem đoạn 24.2.3)

Người Truyền Giáo Phục Vụ Cao Niên
(xin xem đoạn 24.2.4)

Được kêu gọi bởi

Người Truyền Giáo Giảng Dạy Trẻ Tuổi
(xin xem đoạn 24.2.1)

Chủ Tịch của Giáo Hội

Người Truyền Giáo Phục Vụ Trẻ Tuổi
(xin xem đoạn 24.2.2)

Chủ Tịch của Giáo Hội

Người Truyền Giáo Cao Niên
(xin xem đoạn 24.2.3)

Chủ Tịch của Giáo Hội

Người Truyền Giáo Phục Vụ Cao Niên
(xin xem đoạn 24.2.4)

Chủ tịch giáo khu

Được chỉ định bởi

Người Truyền Giáo Giảng Dạy Trẻ Tuổi
(xin xem đoạn 24.2.1)

Một Sứ Đồ

Người Truyền Giáo Phục Vụ Trẻ Tuổi
(xin xem đoạn 24.2.2)

Một Sứ Đồ

Người Truyền Giáo Cao Niên
(xin xem đoạn 24.2.3)

Một Sứ Đồ

Người Truyền Giáo Phục Vụ Cao Niên
(xin xem đoạn 24.2.4)

Chủ tịch giáo khu

Được phong nhiệm bởi

Người Truyền Giáo Giảng Dạy Trẻ Tuổi
(xin xem đoạn 24.2.1)

Chủ tịch giáo khu

Người Truyền Giáo Phục Vụ Trẻ Tuổi
(xin xem đoạn 24.2.2)

Chủ tịch giáo khu

Người Truyền Giáo Cao Niên
(xin xem đoạn 24.2.3)

Chủ tịch giáo khu

Người Truyền Giáo Phục Vụ Cao Niên
(xin xem đoạn 24.2.4)

Chủ tịch giáo khu hoặc cố vấn

Sống

Người Truyền Giáo Giảng Dạy Trẻ Tuổi
(xin xem đoạn 24.2.1)

Ở xa nhà

Người Truyền Giáo Phục Vụ Trẻ Tuổi
(xin xem đoạn 24.2.2)

Tại nhà

Người Truyền Giáo Cao Niên
(xin xem đoạn 24.2.3)

Ở xa nhà hoặc tại nhà

Người Truyền Giáo Phục Vụ Cao Niên
(xin xem đoạn 24.2.4)

Tại nhà

Vị lãnh đạo trong Giáo Hội

Người Truyền Giáo Giảng Dạy Trẻ Tuổi
(xin xem đoạn 24.2.1)

Chủ tịch phái bộ truyền giáo hoặc chủ tịch di tích lịch sử

Người Truyền Giáo Phục Vụ Trẻ Tuổi
(xin xem đoạn 24.2.2)

Chủ tịch giáo khu

Người Truyền Giáo Cao Niên
(xin xem đoạn 24.2.3)

Chủ tịch phái bộ truyền giáo, đền thờ hoặc di tích lịch sử; hay Chủ Tịch Giáo Vùng

Người Truyền Giáo Phục Vụ Cao Niên
(xin xem đoạn 24.2.4)

Chủ tịch giáo khu

Báo cáo cho

Người Truyền Giáo Giảng Dạy Trẻ Tuổi
(xin xem đoạn 24.2.1)

Chủ tịch phái bộ truyền giáo hoặc chủ tịch di tích lịch sử

Người Truyền Giáo Phục Vụ Trẻ Tuổi
(xin xem đoạn 24.2.2)

Người lãnh đạo truyền giáo phục vụ

Người Truyền Giáo Cao Niên
(xin xem đoạn 24.2.3)

Chủ tịch phái bộ truyền giáo, đền thờ hoặc di tích lịch sử; Chủ Tịch Giáo Vùng; giám đốc trung tâm thăm viếng; hoặc một người quản lý phòng sở hay cơ sở của Giáo Hội

Người Truyền Giáo Phục Vụ Cao Niên
(xin xem đoạn 24.2.4)

Người quản lý nhiệm vụ phục vụ

Những điều kiện về tuổi tác

Người Truyền Giáo Giảng Dạy Trẻ Tuổi
(xin xem đoạn 24.2.1)

Từ 18 đến 25 tuổi (nam)
Từ 19 đến 29 tuổi (nữ)

Người Truyền Giáo Phục Vụ Trẻ Tuổi
(xin xem đoạn 24.2.2)

Từ 18 đến 25 tuổi (nam)
Từ 19 đến 29 tuổi (nữ)

Người Truyền Giáo Cao Niên
(xin xem đoạn 24.2.3)

40 tuổi trở lên nếu đã kết hôn hoặc nếu là một người chị em độc thân

Người Truyền Giáo Phục Vụ Cao Niên
(xin xem đoạn 24.2.4)

Từ 26 tuổi trở lên

24.3

Chuẩn Bị và Hội Đủ Điều Kiện để Phục Vụ Truyền Giáo

Những người truyền giáo tương lai được khuyến khích phục vụ truyền giáo vì tình yêu thương của họ dành cho Chúa và con cái của Ngài. Họ nên quen thuộc với các câu hỏi phỏng vấn giới thiệu người truyền giáo.

24.3.1

Cải Đạo theo Chúa Giê Su Ky Tô

Những người truyền giáo tương lai cố gắng củng cố sự cải đạo của họ theo Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm phục hồi của Ngài. Họ:

  • Cố gắng củng cố đức tin của họ nơi Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô.

  • Củng cố chứng ngôn của họ về phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô (xin xem An Ma 5:45–47).

  • Sống theo giáo lý của Đấng Ky Tô bằng cách “chọn hối cải và làm điều ngay chính” (An Ma 13:10; xin xem thêm 2 Nê Phi 31:9–21).

  • Cầu nguyện, nghiên cứu thánh thư (nhất là Sách Mặc Môn) và những lời giảng dạy của các vị tiên tri tại thế và tuân giữ các giáo lệnh (xin xem An Ma 17:2–3).

  • Tham gia công việc đền thờ và lịch sử gia đình (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 109:22).

  • Tham gia lớp giáo lý hoặc viện giáo lý (dành cho giới trẻ và những người thành niên trẻ tuổi).

24.3.2

Đáp Ứng các Tiêu Chuẩn về Sự Xứng Đáng

Những người truyền giáo tương lai cố gắng sống xứng đáng với sự đồng hành của Thánh Linh. Điều này là cần thiết cho sự phục vụ truyền giáo hữu hiệu (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 42:13–14). Việc hội đủ điều kiện cho sự đồng hành của Thánh Linh gồm có sự tẩy sạch khỏi tội lỗi (xin xem Hê La Man 4:24; Giáo Lý và Giao Ước 38:42).

24.3.2.1

Sự Hối Cải

Sự hối cải và sự tha thứ tội lỗi là các ân tứ dành sẵn cho tất cả con cái của Thượng Đế. Các ân tứ này có thể được thực hiện nhờ vào quyền năng cứu chuộc của Chúa Giê Su Ky Tô. Sự hối cải đòi hỏi phải thực hành đức tin nơi Đấng Ky Tô, có chủ ý thực sự và tuân giữ các lệnh truyền. Sự hối cải gồm có việc thú nhận và từ bỏ tội lỗi. Đối với những tội lỗi nghiêm trọng, sự hối cải đòi hỏi phải thú tội với vị giám trợ hoặc chủ tịch giáo khu.

Một người hối cải được tha thứ và được sạch tội nhờ vào Sự Chuộc Tội và ân điển của Chúa Giê Su Ky Tô. Chúa sẽ không nhớ đến tội lỗi đó nữa. (Xin xem Ê Sai 43:25; Gia Cốp 6:5; An Ma 34:15–17; Hê La Man 5:10–11; Giáo Lý và Giao Ước 58:42–43. Xin xem thêm phần 32.1 trong sách hướng dẫn này.)

Các tín hữu nào mong muốn phục vụ truyền giáo nên hướng tới Đấng Cứu Rỗi khi họ hối cải và chuẩn bị phục vụ. Họ cũng có thể tìm kiếm sự giúp đỡ đầy yêu thương của những người trong gia đình và các vị lãnh đạo Giáo Hội ở địa phương.

Một người xin đi truyền giáo cần phải hối cải về tội lỗi nghiêm trọng trước khi chủ tịch giáo khu có thể nộp giấy giới thiệu của người ấy (xin xem 32.6–32.8; xin xem thêm đoạn 24.4.4). Tiến trình hối cải gồm có đủ thời gian để người đó cho thấy qua việc sống ngay chính rằng người ấy đã nhận được Thánh Linh của Đấng Ky Tô để được xá miễn các tội lỗi.

24.3.2.2

Những Lời Thú Tội Chậm Trễ

Một người nhận được sự kêu gọi phục vụ truyền giáo hoặc bắt đầu công việc truyền giáo mà không hối cải tội lỗi nghiêm trọng thì có thể cần phải ở nhà hoặc trở về nhà. Tùy thuộc vào hoàn cảnh, người đó có thể phục vụ sau khi hối cải (xin xem mục 24.6.3.2).

24.3.3

Sức Khỏe Thể Chất, Tinh Thần và Cảm Xúc

Công việc truyền giáo có nhiều thử thách. Những đòi hỏi về thể chất, tinh thần và cảm xúc có thể gây căng thẳng. Những người truyền giáo thường làm việc trong những điều kiện không quen thuộc. Sức khỏe có thể bị ảnh hưởng do thay đổi chế độ ăn uống, khí hậu hoặc điều kiện sống. Lịch trình truyền giáo cũng đòi hỏi rất khắt khe. (Xin xem An Ma 17:5; 26:27–28, 30.) Những người truyền giáo giảng dạy trẻ tuổi phải tận tâm và có năng lực về thể chất, tinh thần và cảm xúc để làm việc theo lịch trình truyền giáo đầy đủ. (Xin xem Các Tiêu Chuẩn Truyền Giáo dành cho Môn Đồ của Chúa Giê Su Ky Tô [Năm 2019], phần 2.4.)

Những người truyền giáo tương lai chuẩn bị phục vụ bằng cách củng cố sức khỏe thể chất, tinh thần và cảm xúc của họ. Họ cũng cố gắng phát triển khả năng nhạy bén và tự lực.

Các vị lãnh đạo có thể cần phải khuyên bảo một cách tế nhị với một người xin đi truyền giáo về những thử thách của người ấy trước khi nộp giấy giới thiệu. Một số người xin đi truyền giáo có thể cần có sự chăm sóc chuyên môn cho những thử thách về sức khỏe của họ (xin xem đoạn 31.3.6). Một người đi truyền giáo đã được kê đơn thuốc cần phải cam kết dùng thuốc trong suốt thời gian phục vụ của mình theo như chỉ dẫn của chuyên gia chăm sóc sức khỏe.

những người truyền giáo đang giảng dạy cho một gia đình

24.3.4

Tài Chính

Sự hy sinh về tài chính là một phần của công việc phục vụ truyền giáo (xin xem Mác 1:17–18; An Ma 15:16). Những người truyền giáo và gia đình của họ có trách nhiệm chính là đóng góp tài chính cho công việc phục vụ truyền giáo. Họ nên chuẩn bị và hy sinh một cách phù hợp. Họ phải tự lực về mặt tài chính trong khả năng của mình để đáp ứng những cam kết đóng góp.

24.3.4.1

Tài Trợ cho Những Người Truyền Giáo Trẻ Tuổi Phục Vụ ở Xa Nhà

Những người trẻ tuổi xin đi truyền giáo đã chuẩn bị tùy theo khả năng của mình không nên trì hoãn việc phục vụ vì lý do tài chính. Những người nào cần giúp đỡ tài chính để đáp ứng những cam kết đóng góp như được kỳ vọng có thể nhận được tài chính từ thân quyến và bạn bè.

Nếu vẫn còn nhu cầu, vị giám trợ hoặc chủ tịch giáo khu có thể yêu cầu các tín hữu trong tiểu giáo khu hoặc giáo khu đóng góp vào quỹ truyền giáo của tiểu giáo khu.

Không được sử dụng ngân sách của đơn vị địa phương và các quỹ của lễ nhịn ăn.

Sự cam kết đóng góp hằng tháng. Những người truyền giáo giảng dạy trẻ tuổi và gia đình của họ đóng góp một số tiền cụ thể mỗi tháng để giúp trang trải các chi phí cho chương trình truyền giáo. Số tiền được thiết lập theo một trong hai cách:

  • Những người truyền giáo từ một số quốc gia tham gia vào chương trình đóng góp bằng nhau. Điều này có nghĩa là số tiền như nhau được đóng góp cho mỗi người truyền giáo bất kể người ấy phục vụ ở đâu. Trụ sở Giáo Hội xác định số tiền là bao nhiêu. Các vị lãnh đạo có thể liên lạc Sở Truyền Giáo (xin xem đoạn 24.9.3) hoặc văn phòng giáo vùng để biết bản liệt kê các quốc gia trong chương trình này và số tiền bằng nhau.

  • Ở các quốc gia khác, vị giám trợ, chủ tịch giáo khu, người truyền giáo và gia đình cùng hội ý với nhau về số tiền đóng góp hằng tháng. Vị giám trợ và chủ tịch giáo khu xem xét sự hướng dẫn từ Chủ Tịch Đoàn Giáo Vùng. Họ khuyến khích sự hy sinh và tự lực về tài chính dựa trên hoàn cảnh của người truyền giáo và gia đình của người ấy. Họ đồng ý về số tiền đóng góp và ghi vào giấy giới thiệu của người truyền giáo. Người truyền giáo và gia đình của người ấy cam kết phải tuân theo đúng. Những người khác cũng có thể đóng góp vào số tiền này chỉ khi họ sống ở quê hương của người truyền giáo (xin xem “Quỹ Truyền Giáo Tiểu Giáo Khu” ở phần sau trong phần này).

Những khoản đóng góp vào quỹ truyền giáo tiểu giáo khu. Các giám trợ kiểm chứng rằng các quỹ đều được đóng góp mỗi tháng. Không nên đóng góp trước các khoản tiền vượt quá số tiền hằng tháng. Quỹ đã đóng góp trước không thể được hoàn trả nếu một người truyền giáo trở về nhà sớm.

Các khoản chi tiêu nơi phục vụ truyền giáo. Mỗi tháng, những người truyền giáo trẻ tuổi nhận được quỹ từ phái bộ truyền giáo để cung cấp cho thực phẩm, phương tiện di chuyển và các chi phí sinh hoạt khác. Những quỹ này rất thiêng liêng. Những người truyền giáo chỉ sử dụng các quỹ này vì các mục đích liên quan đến công việc truyền giáo. Không được sử dụng cho các chi phí cá nhân, để dành hoặc gửi cho những người trong gia đình hoặc những người khác. Những người truyền giáo trả lại cho phái bộ truyền giáo bất cứ khoản tiền nào mà họ không cần.

Những người truyền giáo sử dụng quỹ cá nhân để trang trải các chi phí khác. Những chi phí cá nhân này nên phải là tối thiểu. (Xin xem Các Tiêu Chuẩn Truyền Giáo dành cho Môn Đồ của Chúa Giê Su Ky Tô, phần 4.8.)

24.3.4.2

Tài Trợ Những Người Truyền Giáo Cao Niên Phục Vụ ở Xa Nhà

Sự cam kết đóng góp hằng tháng. Những người truyền giáo cao niên đang phục vụ ở xa nhà đều đóng góp vào quỹ truyền giáo tiểu giáo khu nhà của họ mỗi tháng. Những khoản đóng góp này giúp trang trải chi phí nhà ở và xe cộ (xin xem thêm “Các khoản chi phí thêm” ở phần sau của phần này). Các khoản đóng góp có thể nhiều hơn giá trị của nhà ở hoặc xe cộ do Giáo Hội cung cấp.

  • Những người truyền giáo cao niên từ các quốc gia tham gia vào chương trình đóng góp bằng nhau đều đóng góp một số tiền ấn định được liệt kê trong bộ tài liệu kêu gọi.

  • Ở các quốc gia khác, vị giám trợ, chủ tịch giáo khu và người truyền giáo cùng hội ý với nhau về số tiền đóng góp hằng tháng. Các vị lãnh đạo khuyến khích sự hy sinh về tài chính dựa trên hoàn cảnh của người truyền giáo. Họ đồng ý về số tiền đóng góp và ghi vào giấy giới thiệu của người truyền giáo. Số tiền này ít nhất phải là số tiền được quy định cho những người truyền giáo cao niên bởi Chủ Tịch Đoàn Giáo Vùng (khi hội ý với Sở Truyền Giáo). Những người khác sống ở quê hương của người truyền giáo cũng có thể đóng góp vào số tiền này.

Các giám trợ kiểm chứng rằng các quỹ đều được đóng góp mỗi tháng. Không nên đóng góp trước các khoản tiền vượt quá số tiền hằng tháng.

Những khoản chi phí thêm. Ngoài sự cam kết đóng góp hằng tháng mà giúp trang trải chi phí nhà ở và xe cộ, những người truyền giáo cao niên phải trang trải đầy đủ mọi chi phí khác, kể cả thực phẩm.

24.3.4.3

Tài Trợ Những Người Truyền Giáo Phục Vụ tại Nhà

Những người truyền giáo phục vụ tại nhà chịu trách nhiệm về tất cả các nhu cầu tài chính của họ. Những người nào cần sự giúp đỡ về tài chính có thể nhận được từ những người trong gia đình và bạn bè. Không thể sử dụng các quỹ của tiểu giáo khu hoặc giáo khu cho các nhu cầu liên quan đến công việc truyền giáo.

24.3.4.4

Bảo Hiểm và Chi Phí Y Tế

Tất cả những người truyền giáo được đặc biệt khuyến khích nên giữ bảo hiểm y tế hiện có của họ nếu có thể được, kể cả những người truyền giáo giảng dạy trẻ tuổi.

Những người truyền giáo phục vụ tại nhà phải tự cung cấp bảo hiểm y tế và bảo hiểm khác của họ. Những người truyền giáo cao niên phục vụ ở xa nhà cũng phải cung cấp bảo hiểm này. Những người truyền giáo cao niên sẽ phục vụ ở bên ngoài quê hương của họ có thể nhận được bảo hiểm qua Senior Service Medical Plan (Chương Trình Y Tế Dịch Vụ Cao Niên).

24.3.5

Vai Trò của Những Người trong Gia Đình và Các Vị Lãnh Đạo trong Việc Chuẩn Bị Những Người Truyền Giáo

Những người trong gia đình, các vị giám trợ, và các vị lãnh đạo khác giúp giới trẻ chuẩn bị để phục vụ truyền giáo. Các giám trợ mời mỗi thiếu niên, cũng như mỗi thiếu nữ nào mà có ước muốn phục vụ, hãy trở thành một người truyền giáo.

  • Giúp họ trở thành tín hữu truyền giáo hữu hiệu trong việc chia sẻ phúc âm trước khi họ nhận được sự kêu gọi đi phục vụ.

  • Tạo cơ hội cho họ phục vụ và giảng dạy.

  • Sắp xếp cơ hội cho họ đi với những người truyền giáo toàn thời gian.

  • Mời những người truyền giáo hiện đang phục vụ hoặc những người khác đã từng phục vụ truyền giáo chia sẻ các kinh nghiệm giảng dạy và phục vụ của họ.

  • Yêu thương và truyền cảm hứng cho mỗi người sẵn sàng phục vụ truyền giáo.

  • Khuyến khích họ dành ra thêm thời gian để cầu nguyện và nghiên cứu thánh thư, nhất là Sách Mặc Môn.

  • Tổ chức một khóa học chuẩn bị truyền giáo.

Những người trong gia đình và các vị lãnh đạo khuyến khích các tín hữu cao niên suy nghĩ về công việc phục vụ truyền giáo của người cao niên. Điều này có thể gồm có việc giúp họ:

  • Xem xét năng lực thể chất và tài chính của họ để phục vụ truyền giáo, hoặc ở xa nhà hoặc trong khi sống tại nhà.

  • Nhận ra các cơ hội truyền giáo mà họ có thể thực hiện.

  • Trở thành các tín hữu truyền giáo hữu hiệu trong việc chia sẻ phúc âm trước khi họ nhận được sự kêu gọi phục vụ.

  • Hiểu được rằng công việc phục vụ truyền giáo sẽ là phước lành cho gia đình họ (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 31:5–6).

Những người trong gia đình và các vị lãnh đạo khuyến khích tất cả những người xin đi truyền giáo phải nghiên cứu:

Những người trong gia đình và các vị lãnh đạo giúp tất cả những người xin đi truyền giáo cam kết tuân theo các tiêu chuẩn truyền giáo. Họ khuyến khích những người xin đi truyền giáo nên nghiên cứu sách hướng dẫn các tiêu chuẩn truyền giáo liên quan đến nhiệm vụ có thể thuộc về họ:

24.4

Giới Thiệu Những Người Truyền Giáo

Một số người xin đi truyền giáo đã không sống liên tục trong tiểu giáo khu trong ít nhất một năm. Trong những tình huống này, vị giám trợ hội ý sớm với vị giám trợ của tiểu giáo khu trước đó của người ấy trong tiến trình giới thiệu.

24.4.1

Đánh Giá Sức Khỏe

Công việc truyền giáo đòi hỏi nhiều về thể chất, tinh thần và cảm xúc. Tất cả những người xin đi truyền giáo cần phải có các chuyên gia y tế đánh giá mức độ sẵn sàng về sức khỏe của họ.

Sự đánh giá sức khỏe được xem xét bởi văn phòng giáo vùng và Sở Truyền Giáo. Đôi khi, những lo lắng về sức khỏe có thể ảnh hưởng đến khả năng phục vụ ở xa nhà của một người. Trong một số tình huống, giấy giới thiệu có thể bị gửi lại kèm theo những chỉ dẫn về cách người đó có thể cải thiện sự sẵn sàng về sức khỏe của mình.

24.4.2

Các Mẫu Giấy Phỏng Vấn và Giới Thiệu

Vị giám trợ và chủ tịch giáo khu thực hiện những cuộc phỏng vấn kỹ lưỡng, thấu đáo về sự sẵn sàng phần thuộc linh cùng nâng cao tinh thần với mỗi người xin đi truyền giáo. Họ sử dụng các câu hỏi phỏng vấn để giới thiệu người truyền giáo. Họ thảo luận về những điều sau đây của người xin đi truyền giáo:

  • Chứng ngôn về Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm phục hồi của Ngài (xin xem đoạn 24.3.1).

  • Đáp ứng các tiêu chuẩn về sự xứng đáng (xin xem 24.3.2).

  • Sự sẵn sàng về sức khỏe thể chất, tinh thần và cảm xúc (xin xem đoạn 24.3.3).

  • Sự sẵn sàng về tài chính (xin xem đoạn 24.3.4).

Vị giám trợ và chủ tịch giáo khu cũng xem xét thông tin về các tiêu chuẩn về sự xứng đáng và sự sẵn sàng về sức khỏe trong Hệ Thống Giới Thiệu Trực Tuyến Người Truyền Giáo. Nếu một chủ tịch giáo khu ở Hoa Kỳ hoặc Canada có thắc mắc thì ông liên lạc Sở Truyền Giáo (xin xem đoạn 24.9.3). Ở những nơi khác, ông liên lạc với văn phòng giáo vùng. Vị giám trợ và chủ tịch giáo khu không thêm vào bất cứ tiêu chuẩn đủ điều kiện nào. Họ cũng không thay đổi các câu hỏi phỏng vấn.

Thông tin trong mẫu giấy giới thiệu góp phần vào tiến trình mặc khải của những sự kêu gọi đi truyền giáo. Các vị lãnh đạo bảo đảm rằng mọi câu hỏi đều được giải đáp đầy đủ.

Nếu vị giám trợ và chủ tịch giáo khu lo ngại về việc một người xin đi truyền giáo có đáp ứng các tiêu chuẩn về sự xứng đáng hoặc về sự sẵn sàng về sức khỏe của người đó không, thì họ sẽ cùng hội ý với nhau và với người đó. Với sự cho phép của một người trẻ tuổi xin đi truyền giáo, họ cũng có thể hội ý với cha mẹ của người đó. Vị giám trợ và chủ tịch giáo khu không nên nộp một giấy giới thiệu cho đến khi người đó đã hối cải tội lỗi nghiêm trọng (xin xem mục 24.3.2.1). Tùy thuộc vào sức khỏe thể chất, tinh thần hoặc cảm xúc của người đó, họ có thể thảo luận về việc có thể được chỉ định làm người truyền giáo phục vụ.

Trong những trường hợp khẩn cấp khi vị giám trợ hoặc chủ tịch giáo khu không có mặt, ông có thể cho phép một trong các cố vấn của ông thực hiện các cuộc phỏng vấn này.

Trong các giáo hạt, chủ tịch phái bộ truyền giáo hoặc một cố vấn được chỉ định phỏng vấn và giới thiệu những người xin đi truyền giáo. Chủ tịch giáo hạt không thực hiện các cuộc phỏng vấn này.

những người truyền giáo đang nói chuyện với người đàn ông

24.4.3

Đệ Trình Giấy Giới Thiệu

Chủ tịch giáo khu có thể nộp giấy giới thiệu cho một người trẻ tuổi xin đi phục vụ truyền giáo tối đa là 120 ngày trước ngày người đó sẵn sàng ra đi phục vụ. Chủ tịch giáo khu có thể nộp giấy giới thiệu cho một người cao niên xin đi phục vụ truyền giáo để tối đa là chín tháng trước ngày người đó sẵn sàng ra đi phục vụ. Ngày sẵn sàng ra đi phục vụ phải là lúc mà tất cả các điều kiện sau đây được đáp ứng:

  • Người đó đã đến tuổi đủ điều kiện để phục vụ.

  • Người đó đã là tín hữu Giáo Hội được làm lễ xác nhận trong ít nhất một năm.

  • Người đó đã hoàn tất hoặc không còn học trung học hoặc tương đương. (Điều này áp dụng cho những người trẻ tuổi xin đi truyền giáo mà đã tròn 18 tuổi.)

Những người trẻ tuổi xin đi truyền giáo và chủ tịch giáo khu của họ hoạch định lúc nào chủ tịch giáo khu nên nộp giấy giới thiệu. Họ có thể sử dụng Submission Planning Tool (Công Cụ Hoạch Định Để Nộp)Mission Release Date Planning Tool (Công Cụ Hoạch Định Ngày Giải Nhiệm Công Việc Truyền Giáo) để được giúp đỡ.

Các giấy giới thiệu người truyền giáo thường được nộp qua tiểu giáo khu và giáo khu nhà. Các giám trợ của các tiểu giáo khu xa nhà, chẳng hạn như một tiểu giáo khu của người thành niên trẻ tuổi độc thân, có thể tiến hành một giấy giới thiệu người truyền giáo. Trước tiên họ phải hội ý với vị giám trợ từ tiểu giáo khu nhà. Tiểu giáo khu nhà nên được liệt kê là tiểu giáo khu tài trợ.

24.4.4

Những Người Không Thể Phục Vụ với tư cách là Những Người Truyền Giáo Toàn Thời Gian

Đôi khi một tín hữu mong muốn phục vụ lại có thể không được kêu gọi với tư cách là người truyền giáo toàn thời gian. Điều này có thể là do những thử thách về sức khỏe, không đáp ứng các tiêu chuẩn về sự xứng đáng, các vấn đề pháp lý hoặc các hoàn cảnh khác. Vị giám trợ và chủ tịch giáo khu bày tỏ tình yêu thương và lòng biết ơn đối với sự sẵn lòng phục vụ của người tín hữu. Chủ tịch giáo khu có thể miễn cho người đó khỏi công việc phục vụ truyền giáo toàn thời gian.

Chủ tịch giáo khu và vị giám trợ khuyến khích người tín hữu đó tiến bước trên con đường giao ước với tư cách là môn đồ suốt đời của Chúa Giê Su Ky Tô. Họ cũng khuyến khích việc theo đuổi những nỗ lực quan trọng khác, chẳng hạn như học vấn hoặc việc làm đối với các tín hữu trẻ tuổi.

24.5

Sau Khi Nhận Được một Sự Kêu Gọi Phục Vụ Truyền Giáo

Những người truyền giáo mới được kêu gọi được khuyến khích nên đọc hoặc đọc đi đọc lại Sách Mặc Môn trước khi bắt đầu công việc truyền giáo của họ. Họ tuân theo lời dạy của Vua Bên Gia Min là “hãy coi chừng bản thân, suy nghĩ, lời nói và việc làm của mình” (Mô Si A 4:30).

Họ đáp ứng nhanh chóng với những chỉ dẫn được đưa ra cùng với sự kêu gọi. Họ cũng nên xem lại quyển sách nhỏ Adjusting to Missionary Life (Thích Nghi với Cuộc Sống Truyền Giáo) hoặc Adjusting to Service Missionary Life: Resource Booklet (Thích Nghi với Cuộc Sống Truyền Giáo Phục Vụ: Tập Tài Liệu). Họ và những người trong gia đình cũng nên nghiên cứu các điều kiện mà họ sẽ phục vụ.

Những người trong gia đình và các vị lãnh đạo hỗ trợ những người truyền giáo trong các nỗ lực này. Họ cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc làm điều thiện và luôn xứng đáng với Thánh Linh.

24.5.1

Lễ Thiên Ân trong Đền Thờ và Sự Phục Vụ trong Đền Thờ

Nếu những người truyền giáo mới được kêu gọi mà chưa nhận được giáo lễ thiên ân trong đền thờ, thì họ nên làm như vậy trước khi bắt đầu công việc truyền giáo nơi nào có thể được (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 43:15–16; 105:33). Điều này gồm có những người truyền giáo phục vụ nếu thích hợp với hoàn cảnh của họ. Để biết thông tin về việc tiếp nhận được lễ thiên ân, xin xem phần 27.2.

Những người truyền giáo mới được kêu gọi là những người đã được làm lễ thiên ân có thể phục vụ với tư cách là những người làm việc trợ giúp giáo lễ đền thờ trước khi họ bắt đầu công việc phục vụ truyền giáo nếu thích hợp (xin xem phần 25.5).

24.5.2

Các Buổi Lễ Tiệc Thánh

Giám trợ đoàn mời những người truyền giáo mới được kêu gọi để nói chuyện trong buổi lễ Tiệc Thánh trước khi họ bắt đầu công việc truyền giáo của họ. Đây là một buổi lễ Tiệc Thánh thường lệ. Nên tập trung vào Tiệc Thánh và Đấng Cứu Rỗi. Người truyền giáo nên được mời nói chuyện về Chúa Giê Su Ky Tô, phúc âm phục hồi của Ngài, và niềm vui của việc chia sẻ phúc âm và phục vụ người khác.

Những người trong gia đình và bạn bè của người truyền giáo thường không được mời nói chuyện. Đừng kéo dài thời gian thường lệ của buổi lễ Tiệc Thánh.

Các tín hữu và các vị lãnh đạo nên tránh bất cứ điều gì mà có thể làm sao lãng tính chất thiêng liêng của một sự kêu gọi đi truyền giáo hoặc tạo ra chi phí không cần thiết. Ví dụ, họ không nên:

  • In các chương trình lễ Tiệc Thánh đặc biệt.

  • Cho khách mời xếp hàng để gặp gỡ sau lễ Tiệc Thánh.

  • Tổ chức tiệc tùng mời mọi người đến ngoại trừ những buổi họp mặt gia đình. Nếu một buổi họp mặt gia đình được tổ chức, thì xin đề nghị là nó không nên trùng với các buổi họp ngày Chủ nhật.

24.5.3

Phong Nhiệm Những Người Truyền Giáo

Chủ tịch của giáo khu nhà phong nhiệm mỗi người truyền giáo càng gần ngày bắt đầu công việc truyền giáo của họ càng tốt. Trong những trường hợp khẩn cấp khi chủ tịch giáo khu không có mặt, ông ấy có thể cho phép một trong các cố vấn của ông phong nhiệm những người truyền giáo. Ông ấy cũng có thể giao phó cho một cố vấn trách nhiệm phong nhiệm những người truyền giáo phục vụ cao niên.

Chủ tịch phái bộ truyền giáo hoặc một trong số các cố vấn của ông phong nhiệm những người truyền giáo nào đã được kêu gọi từ các giáo hạt trong phái bộ truyền giáo của ông. Chủ tịch giáo hạt không phong nhiệm những người truyền giáo.

Một người anh em sẽ phục vụ ở xa nhà phải đã nhận được Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc trước khi được phong nhiệm với tư cách là người truyền giáo. Một người anh em sẽ phục vụ với tư cách là người truyền giáo phục vụ nên nắm giữ Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc nếu phù hợp với hoàn cảnh của người ấy. Để biết những chỉ dẫn về lễ sắc phong cho một chức phẩm trong Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc, xin xem phần 18.10.

Ngay trước khi một người truyền giáo được phong nhiệm, chủ tịch giáo khu hoặc một cố vấn được chỉ định phỏng vấn người ấy. Nếu người truyền giáo ấy không đáp ứng các tiêu chuẩn về sự xứng đáng hay nếu có những vấn đề về sức khỏe thì người đó sẽ không được phong nhiệm. Chủ tịch giáo khu liên lạc với Sở Truyền Giáo (xin xem đoạn 24.9.3) hoặc văn phòng giáo vùng để được hướng dẫn.

Lễ phong nhiệm phải là một kinh nghiệm đặc biệt. Những người trong gia đình và bạn bè thân thiết có thể tham dự. Chủ tịch giáo khu giúp họ hiểu và cảm nhận được sự thiêng liêng và tầm quan trọng của sự kêu gọi để phục vụ với tư cách là người đại diện của Chúa Giê Su Ky Tô và Giáo Hội phục hồi của Ngài.

Không nên ghi lại sự phong nhiệm và lời ban phước kèm theo. Tuy nhiên, người truyền giáo được khuyến khích nên viết nhật ký của mình về kinh nghiệm đó và ghi lại những phần của phước lành mà đặc biệt có ý nghĩa.

Chủ tịch giáo khu giải thích rằng người đó nên tuân theo các tiêu chuẩn của người truyền giáo sau khi đã được phong nhiệm.

Lễ phong nhiệm của một người truyền giáo là cho sự kêu gọi phục vụ chứ không phải cho một nhiệm vụ truyền giáo cụ thể. Nếu nhiệm vụ của một người truyền giáo bị thay đổi thì người đó sẽ không được phong nhiệm một lần nữa. Nếu một người truyền giáo đã được giải nhiệm trở về nhà và về sau được chấp thuận để trở lại phục vụ (xin xem mục 24.6.3.2), thì người đó được phong nhiệm một lần nữa với tư cách là một người truyền giáo.

24.6

Phục Vụ ở Xa Nhà

24.6.1

Lên Đường Truyền Giáo

Giáo Hội chi trả cho những người truyền giáo giảng dạy trẻ tuổi đến và đi từ trung tâm huấn luyện truyền giáo (MTC) và nhiệm vụ truyền giáo. Giáo Hội cũng trả những chi phí này cho những người truyền giáo cao niên phục vụ ở xa nhà trong hơn một năm.

Thân quyến có thể đưa một người truyền giáo đến MTC. Tuy nhiên, họ không được kỳ vọng sẽ làm như vậy. MTC không có buổi họp dành cho gia đình để nói lời từ biệt với những người truyền giáo của họ.

Vì lý do an ninh sân bay và các lý do khác, các gia đình và những người khác không được gặp những người truyền giáo tại sân bay khi những người truyền giáo rời MTC đến nơi phục vụ truyền giáo của họ.

cặp vợ chồng truyền giáo đang giảng dạy các phụ nữ

24.6.2

Nơi Truyền Giáo

24.6.2.1

Cắt Cử Những Người Truyền Giáo

Các chủ tịch giáo khu và phái bộ truyền giáo hội ý về sự cần có những người truyền giáo trong các tiểu giáo khu và chi nhánh cụ thể. Không đòi hỏi phải chỉ định những người truyền giáo cho mọi đơn vị. Một số đơn vị có thể có nhiều hơn hai người truyền giáo đồng hành. Chủ tịch phái bộ truyền giáo quyết định việc cắt cử những người truyền giáo.

24.6.2.2

Sự Phục Vụ của Tín Hữu và Cộng Đồng

Các chủ tịch giáo khu và phái bộ truyền giáo hội ý về cách những người truyền giáo có thể phục vụ cho các tín hữu và cộng đồng. Họ có thể sử dụng trang mạng JustServe.org nơi nào có sẵn.

24.6.2.3

Chỗ Ăn Ở và Phương Tiện Đi Lại

Các chủ tịch giáo khu và chủ tịch phái bộ truyền giáo xác định xem các tín hữu địa phương có nên cung cấp chỗ ăn ở và đến mức độ nào cho những người truyền giáo hay không. Việc cung cấp chỗ ăn ở không nên tạo gánh nặng cho các tín hữu địa phương.

Các tín hữu không được kỳ vọng thường xuyên cung cấp phương tiện đi lại cho những người truyền giáo, những người họ đang giảng dạy, hoặc những người mới vừa chịu phép báp têm.

Chủ Tịch Đoàn Giáo Vùng có thể đưa ra sự hướng dẫn để cung cấp chỗ ăn ở và phương tiện đi lại cho những người truyền giáo trong giáo vùng.

24.6.2.4

biểu tượng, những chỉ dẫn để thích ứng
Những Người Truyền Giáo trong Các Chức Vụ của Chi Nhánh

Trong những trường hợp hiếm hoi, những người truyền giáo phục vụ ở xa nhà có thể được chỉ định phục vụ trong các chức vụ của chi nhánh. Nếu một chi nhánh nằm trong một giáo khu, thì người truyền giáo được phong nhiệm dưới sự hướng dẫn của chủ tịch đoàn giáo khu, với sự chấp thuận của chủ tịch phái bộ truyền giáo.

Nếu một chi nhánh nằm trong một giáo hạt thì người truyền giáo không được phong nhiệm. Thẩm quyền để phục vụ trong một đơn vị đã được chỉ định cho phái bộ truyền giáo được gồm vào trong lễ phong nhiệm với tư cách là người truyền giáo. Nếu các anh cả thực hiện một chức năng mà đòi hỏi các chìa khóa chức tư tế, thì họ sẽ làm như vậy với thẩm quyền được giao phó từ chủ tịch phái bộ truyền giáo.

24.6.2.5

Yêu Cầu Hỗ Trợ cho Người Khác về Tài Chính hoặc Đi Học hay Di Cư

Những người truyền giáo và gia đình của họ không nên hỗ trợ tài chính cho những người sống ở nơi những người truyền giáo đang phục vụ, kể cả hỗ trợ tài chính cho việc đi học. Những người truyền giáo và gia đình của họ cũng không nên bảo trợ cho những người muốn di cư sang các nước khác (xin xem đoạn 38.8.19).

24.6.2.6

Thuốc Men

Những người truyền giáo chịu trách nhiệm về bất cứ loại thuốc men nào họ có thể cần. Những người trong gia đình hoặc những người khác không được gửi hoặc giao thuốc cho những người truyền giáo. Nếu không có thuốc men trong phái bộ truyền giáo, người truyền giáo sẽ tham khảo ý kiến của chủ tịch phái bộ truyền giáo.

24.6.2.7

Sự Qua Đời của một Người Thân trong Gia Đình

Nếu một người thân trong gia đình của người truyền giáo qua đời thì người truyền giáo có thể chọn tạm thời trở về nhà để dự tang lễ. Tuy nhiên, người truyền giáo thường được khuyên bảo là nên ở lại nơi truyền giáo. Khi có thể được, người đó có thể xem tang lễ qua mạng trực tuyến.

Nếu một người truyền giáo chọn trở về nhà để dự tang lễ, thì chủ tịch phái bộ truyền giáo liên lạc với Sở Truyền Giáo.

24.6.2.8

Hồ Sơ Tín Hữu và Tiền Thập Phân

Tiểu giáo khu nhà của một người truyền giáo lưu giữ hồ sơ tín hữu. Tiểu giáo khu nhà cũng ghi lại tình trạng thập phân của người đó. Những người truyền giáo không đóng tiền thập phân cho các quỹ hỗ trợ mà họ nhận được từ công việc truyền giáo. Tuy nhiên, họ phải đóng tiền thập phân nếu họ có bất cứ thu nhập cá nhân nào.

24.6.3

Trở Về Nhà từ Công Việc Truyền Giáo

24.6.3.1

Trở Về Nhà từ Công Việc Truyền Giáo theo Lịch Trình Ban Đầu

Những người truyền giáo và những người trong gia đình của họ không nên yêu cầu được giải nhiệm sớm hoặc gia hạn thêm thời gian phục vụ để thuận tiện cho cá nhân.

Những người truyền giáo trẻ tuổi nên đi thẳng về nhà từ phái bộ truyền giáo của họ. Chỉ được chấp thuận cho bất cứ chuyến đi nào khác nếu người truyền giáo đi kèm với ít nhất một người cha, mẹ hay người giám hộ.

Những người truyền giáo không được giải nhiệm cho đến khi họ trình báo với chủ tịch giáo khu của họ. Họ tuân theo các tiêu chuẩn của người truyền giáo cho đến thời điểm đó.

24.6.3.2

Trở Về Nhà Sớm

Một số người truyền giáo được giải nhiệm sớm vì sức khỏe, sự xứng đáng hoặc các lý do khác. Các giám trợ và chủ tịch giáo khu đưa ra sự hỗ trợ đặc biệt cho những người truyền giáo trở về này. Các vị lãnh đạo giúp họ làm việc để phục hồi lại sức khỏe hoặc trở lại phục vụ nếu có thể được.

Đối với những người truyền giáo đã sẵn sàng trở lại phục vụ, chủ tịch giáo khu liên lạc với Sở Truyền Giáo để đề nghị điều này (xin xem đoạn 24.9.3). Một số người truyền giáo trở lại phục vụ có thể được tái chỉ định cho một nhiệm vụ giảng dạy khác hoặc một nhiệm vụ phục vụ.

Khi không thể trở lại phục vụ, các vị lãnh đạo khuyến khích người tín hữu đó tiến bước trên con đường giao ước với tư cách là môn đồ suốt đời của Chúa Giê Su Ky Tô. Các vị lãnh đạo cũng khuyến khích theo đuổi những nỗ lực quan trọng khác, chẳng hạn như học vấn hoặc công việc làm đối với những người truyền giáo trẻ tuổi.

24.7

Các Công Việc Truyền Giáo Phục Vụ

24.7.1

Nhận Ra Các Cơ Hội cho Những Người Truyền Giáo Phục Vụ

Vị giám trợ, chủ tịch giáo khu và người truyền giáo phục vụ cùng hội ý với nhau để nhận ra các cơ hội phục vụ ở địa phương. Đối với những người truyền giáo phục vụ trẻ tuổi, một người lãnh đạo truyền giáo phục vụ và cha mẹ hoặc người giám hộ của người truyền giáo tham gia vào cuộc thảo luận.

Các cơ hội dành cho những người truyền giáo phục vụ trẻ tuổi sẽ được nhận ra sau khi họ được kêu gọi phục vụ. Các cơ hội dành cho những người truyền giáo phục vụ cao niên có thể được nhận ra trước hoặc sau khi họ được gọi.

Sự phục vụ có thể được đưa ra trực tiếp hoặc sử dụng công nghệ từ xa. Các vị lãnh đạo có thể sử dụng các nguồn tài liệu sau đây để tìm thông tin về các cơ hội phục vụ:

24.7.2

Nhà Ở và Phương Tiện Đi Lại

Những người truyền giáo phục vụ sống tại nhà riêng của họ hoặc với một người khác trong gia đình đã được Văn Phòng Truyền Giáo Phục Vụ chấp thuận. Họ tự cung cấp hoặc sắp xếp phương tiện đi đến nơi phục vụ của họ nếu cần.

24.7.3

Huấn Luyện và Giám Sát

Những người truyền giáo phục vụ được huấn luyện và giám sát tại nơi họ phục vụ. Họ cũng có thể được huấn luyện và giám sát bởi người lãnh đạo truyền giáo phục vụ. Họ nhận được sự hướng dẫn hằng ngày về nhiệm vụ của họ từ người lãnh đạo truyền giáo phục vụ (dành cho những người truyền giáo phục vụ trẻ tuổi) hoặc người quản lý nhiệm vụ phục vụ của họ (đối với những người truyền giáo phục vụ cao niên).

Chủ tịch giáo khu là vị lãnh đạo trong Giáo Hội của người truyền giáo. Ông cũng giúp người truyền giáo hiểu và tuân theo các tiêu chuẩn dành cho truyền giáo phục vụ (xin xem Các Tiêu Chuẩn Truyền Giáo dành cho Môn Đồ của Chúa Giê Su Ky Tô—Công Việc Truyền Giáo Phục Vụ).

24.7.4

Những Người Truyền Giáo Phục Vụ trong Các Chức Vụ Kêu Gọi của Tiểu Giáo Khu hoặc Giáo Khu

Vị giám trợ hoặc chủ tịch giáo khu có thể đưa ra những sự kêu gọi trong tiểu giáo khu hoặc giáo khu cho những người truyền giáo phục vụ nếu những sự kêu gọi không cản trở nhiệm vụ hoặc lịch trình truyền giáo. Đối với những người truyền giáo phục vụ trẻ tuổi, các vị lãnh đạo này phối hợp với người lãnh đạo truyền giáo phục vụ.

24.7.5

Kết Thúc một Công Việc Truyền Giáo Phục Vụ

Chủ tịch giáo khu, người lãnh đạo truyền giáo phục vụ (dành cho những người truyền giáo trẻ tuổi) và người truyền giáo phục vụ cùng hội ý với nhau để xác định khi nào người truyền giáo sẽ hoàn tất sự phục vụ của mình.

Công việc truyền giáo phục vụ của những người truyền giáo trẻ tuổi không lâu hơn 24 tháng đối với nam giới. Công việc truyền giáo phục vụ này không lâu hơn 18 tháng đối với nữ giới.

Những người truyền giáo phục vụ cao niên có thể gia hạn sự phục vụ của họ đến một ngày mà chủ tịch giáo khu và người truyền giáo đều đồng ý.

người phụ nữ nói chuyện trước bục giảng

24.8

Sau Công Việc Phục Vụ Truyền Giáo

24.8.1

Giấy Giới Thiệu Đi Đền Thờ

24.8.1.1

Những Người Truyền Giáo Trẻ Tuổi Phục Vụ ở Xa Nhà

Để có những chỉ dẫn về giấy giới thiệu đi đền thờ dành cho những người truyền giáo trẻ tuổi được giải nhiệm trở về nhà, xin xem đoạn 26.5.3.

24.8.1.2

Những Người Truyền Giáo Cao Niên Phục Vụ ở Xa Nhà

Chủ tịch phái bộ truyền giáo có thể thực hiện một cuộc phỏng vấn giấy giới thiệu đi đền thờ khi cần thiết. Nếu người truyền giáo xứng đáng thì chủ tịch phái bộ truyền giáo cấp cho một giấy thiệu mới sẽ hết hạn sau hai năm.

24.8.1.3

Những Người Truyền Giáo Phục Vụ

Những người truyền giáo phục vụ nên sắp xếp với các vị lãnh đạo địa phương các cuộc phỏng vấn để gia hạn giấy giới thiệu đi đền thờ (xin xem đoạn 26.3.1).

24.8.2

Cuộc Phỏng Vấn để Giải Nhiệm Người Truyền Giáo

Chủ tịch giáo khu giải nhiệm những người truyền giáo và điều khiển một cuộc phỏng vấn giải nhiệm. Một trong các cố vấn của ông có thể giải nhiệm những người truyền giáo phục vụ cao niên. Trong các giáo hạt, chủ tịch phái bộ truyền giáo hoặc một cố vấn được chỉ định giải nhiệm những người truyền giáo. Để biết các trường hợp ngoại lệ, xin xem phần 6.3.

Những chỉ dẫn sau đây cho cuộc phỏng vấn này có thể là hữu ích.

  • Khen ngợi họ vì đã phục vụ truyền giáo.

  • Mời họ chia sẻ những kinh nghiệm truyền giáo của họ.

  • Khuyến khích họ nên tiếp tục tư cách môn đồ suốt đời của Chúa Giê Su Ky Tô.

  • Khuyên bảo họ nên tạo những thói quen tốt mà họ đã phát triển khi là người truyền giáo.

  • Khuyến khích họ tuân theo Thánh Linh hằng ngày và sống một cuộc sống cao quý.

  • Khuyến khích họ xem xét và chuẩn bị cho tương lai, kể cả học vấn và công việc làm dành cho những người truyền giáo trẻ tuổi. Giúp họ đặt mục tiêu và lập kế hoạch khi cần. Cùng những người truyền giáo trẻ tuổi xem lại Kế Hoạch của Tôi.

  • Tránh hứa hẹn các phước lành cụ thể như là một phần thưởng cho công việc truyền giáo.

  • Khuyến khích họ luôn sống xứng đáng với giấy giới thiệu đi đền thờ.

24.8.3

Các Báo Cáo của Người Truyền Giáo và Nói Chuyện trong Lễ Tiệc Thánh

Các chủ tịch giáo khu và giáo hạt mời những người truyền giáo mới được giải nhiệm để báo cáo về sự phục vụ của họ trong một buổi họp hội đồng thượng phẩm hoặc hội đồng giáo hạt. Điều này bao gồm cả những người truyền giáo phục vụ. Các giám trợ cũng có thể mời những người truyền giáo mới được giải nhiệm báo cáo trong một buổi họp của hội đồng tiểu giáo khu.

Nơi nào thích hợp với khoảng cách đường đi hoặc các hoàn cảnh khác, những người truyền giáo mới được giải nhiệm có thể cung cấp các báo cáo của họ bằng cách sử dụng công nghệ hoặc chỉ trong một buổi họp hội đồng tiểu giáo khu.

Giám trợ đoàn sắp xếp thời gian cho những người truyền giáo mới được giải nhiệm đến nói chuyện trong một buổi lễ Tiệc Thánh. Điều này bao gồm cả những người truyền giáo phục vụ. Buổi lễ này là một buổi lễ Tiệc Thánh thường lệ. Giám trợ đoàn bảo đảm rằng các nguyên tắc mô tả trong đoạn 24.5.2 phải được tuân theo.

Những người truyền giáo mới được giải nhiệm có thể nói chuyện trong các buổi lễ Tiệc Thánh ở các tiểu giáo khu khác khi được một thành viên của chủ tịch đoàn giáo khu hoặc giáo hạt mời. Họ cũng có thể được mời bởi một thành viên của hội đồng thượng phẩm hoặc hội đồng giáo hạt.

24.8.4

Những Sự Kêu Gọi

Các vị lãnh đạo nhanh chóng đưa ra những nhiệm vụ phục sự và những sự kêu gọi cho những người truyền giáo mới được giải nhiệm. Điều này gồm có việc được cân nhắc phục vụ với tư cách là những người làm việc phụ giúp giáo lễ đền thờ nếu thích hợp (xin xem phần 25.5).

24.9

Các Nguồn Tài Liệu về Giấy Giới Thiệu và Sự Phục Vụ Truyền Giáo

24.9.1

Các Sách Học và Các Mẫu

24.9.2

Các Trang Mạng

24.9.3

Thông Tin Liên Lạc cho Sở Truyền Giáo

  • Số Điện Thoại: 1-801-240-2222 hoặc 1-800-453-3860, số máy nhánh 2-2222