7
Phụ Lục
7.0
Lời Giới Thiệu
Hãy tuân theo những chỉ dẫn bổ sung được nêu trong bản phụ lục này khi cần thiết và phù hợp với những hoàn cảnh và phái bộ truyền giáo của anh chị em.
7.1
Các Trách Nhiệm của Người Lãnh Đạo Truyền Giáo Trẻ Tuổi
Các sự chỉ định và trách nhiệm của những người lãnh đạo truyền giáo trẻ tuổi bao gồm nhưng không bị giới hạn trong những điều liệt kê bên dưới.
Bạn Đồng Hành Trưởng
Một người truyền giáo trong mỗi cặp bạn đồng hành được chỉ định là người bạn đồng hành trưởng. Người bạn đồng hành trưởng:
-
Dẫn dắt cặp bạn đồng hành hoàn thành công việc trong khu vực giảng dạy được chỉ định.
-
Khuyến khích cặp bạn đồng hành học hỏi, cầu nguyện, tuân theo lịch trình hằng ngày, và lưu giữ hồ sơ chính xác.
-
Giúp đỡ bạn đồng hành của mình trở thành người truyền giáo tốt hơn.
-
Nhận biết và chỉ ra những kỹ năng, tài năng, và nỗ lực hiệu quả từ bạn đồng hành của mình.
-
Cho thấy cách làm việc hiệu quả với các vị lãnh đạo và tín hữu địa phương để phối hợp những nỗ lực truyền giáo.
Người Huấn Luyện
Một người truyền giáo được chỉ định để phục vụ với tư cách là người huấn luyện và là người bạn đồng hành trưởng cho mỗi người truyền giáo mới. Một người huấn luyện:
-
Cùng làm việc và huấn luyện người truyền giáo mới với tình yêu thương, sự kiên nhẫn, lòng bác ái, và sự cảm thông.
-
Tôn trọng những đóng góp và sự hiểu biết của người truyền giáo mới như là một người bạn đồng hành bình đẳng.
-
Dành thời gian huấn luyện bổ sung mỗi ngày trong giờ học chung với bạn đồng hành (xin xem ”Dành Cho Người Truyền Giáo Mới: Học Tập Thêm với Bạn Đồng Hành” trong “Phần Giới Thiệu: Làm Thế Nào Tôi Có Thể Sử Dụng “Thuyết Giản Phúc Âm của Ta” Một Cách Hữu Hiệu Nhất?” trong Thuyết Giản Phúc Âm của Ta [năm 2018], trang ix–x).
-
Học các tiêu chuẩn trong sách hướng dẫn này cùng với bạn đồng hành của mình hằng ngày.
-
Huấn luyện người truyền giáo mới về những đề tài tìm thấy trong các nguồn tài liệu Những Biện Pháp An Toàn Khi Sử Dụng Công Nghệ và Thích Nghi với Cuộc Sống của Người Truyền Giáo.
-
Cho thấy cách hiệu quả để phối hợp những nỗ lực truyền giáo với các vị lãnh đạo và tín hữu địa phương.
Lãnh Đạo Chi Bộ
Một anh cả được chỉ định để phục vụ với tư cách là người lãnh đạo chi bộ trong một chi bộ mà bao gồm nhiều khu vực giảng dạy. Người lãnh đạo chi bộ:
-
Hướng dẫn, huấn luyện, và hội ý với những người truyền giáo trong các hội đồng chi bộ hằng tuần.
-
Thực hiện các cuộc phỏng vấn về phép báp têm (xin xem mục 2.3.6).
-
Thực hiện những cuộc hoán đổi người bạn đồng hành với các anh cả trong chi bộ của mình (xin xem mục 2.3.1).
-
Làm việc với các vị lãnh đạo và tín hữu của tiểu giáo khu địa phương để phối hợp những nỗ lực truyền giáo.
-
Báo cáo trực tiếp lên người lãnh đạo khu bộ.
Các Chị Truyền Giáo Lãnh Đạo Huấn Luyện và Lãnh Đạo Khu Bộ
Hai chị truyền giáo được chỉ định để phục vụ trong một cặp bạn đồng hành với tư cách là hai chị truyền giáo lãnh đạo huấn luyện trong một hoặc nhiều khu bộ. Họ chịu trách nhiệm cho việc huấn luyện và sự an lạc của những chị truyền giáo được chỉ định cho họ. Họ cũng là những thành viên của các chi bộ cùng khu bộ và hỗ trợ chủ tịch phái bộ truyền giáo, các lãnh đạo khu bộ, và lãnh đạo chi bộ trong các buổi họp huấn luyện và đại hội khu bộ.
Hai anh cả được chỉ định để phục vụ trong một cặp bạn đồng hành với tư cách là người lãnh đạo khu bộ chỉ cho một khu bộ. Họ chịu trách nhiệm về việc huấn luyện và sự an lạc của tất cả những người truyền giáo được chỉ định cho khu bộ của họ. Họ cũng hỗ trợ chủ tịch phái bộ truyền giáo trong các buổi họp huấn luyện và đại hội khu bộ.
Các chị truyền giáo lãnh đạo huấn luyện và lãnh đạo khu bộ:
-
Hướng dẫn, huấn luyện, và thực hiện các cuộc hoán đổi người bạn đồng hành với những người truyền giáo trong khu bộ được chỉ định của mình hoặc trong các khu bộ. Các chị truyền giáo lãnh đạo huấn luyện thực hiện các cuộc hoán đổi người bạn đồng hành với các chị truyền giáo, và các lãnh đạo khu bộ thực hiện hoán đổi với các anh cả.
-
Làm việc với các vị lãnh đạo và tín hữu địa phương để phối hợp những nỗ lực truyền giáo.
-
Tham dự vào hội đồng lãnh đạo phái bộ truyền giáo.
-
Báo cáo trực tiếp lên chủ tịch phái bộ truyền giáo.
Các lãnh đạo khu bộ cũng thực hiện các cuộc phỏng vấn về báp têm (xin xem mục 2.3.6).
Các Phụ Tá cho Vị Chủ Tịch
Hai anh cả được chỉ định để phục vụ trong một cặp bạn đồng hành với tư cách là các phụ tá cho chủ tịch phái bộ truyền giáo. Các phụ tá:
-
Thực hiện các cuộc hoán đổi người bạn đồng hành với các lãnh đạo khu bộ và những anh cả khác (xin xem mục 2.3.1).
-
Thực hiện huấn luyện trong các hội đồng lãnh đạo phái bộ truyền giáo và các đại hội khu bộ khi được chủ tịch phái bộ truyền giáo yêu cầu.
-
Có thể cho ý kiến về sự thuyên chuyển người truyền giáo hoặc sự chỉ định lãnh đạo, nhưng họ không đưa ra quyết định cuối cùng.
-
Báo cáo trực tiếp lên chủ tịch phái bộ truyền giáo.
7.2
Những Chỉ Dẫn Phục Vụ
Hãy tuân theo những chỉ dẫn phục vụ được nêu ra trong phần phụ sau đây.
7.2.1
Các Sinh Hoạt Phục Vụ được Tổ Chức Chính Thức
Anh chị em có thể tìm thấy những cơ hội phục vụ thông qua các tổ chức như JustServe.org (nơi nào có sẵn), khi được chỉ dẫn từ các vị lãnh đạo phái bộ truyền giáo của mình.
Khi tham dự vào một sự kiện phục vụ có tổ chức, xin hãy lưu ý những tiêu chuẩn sau:
-
Giới hạn sự phục vụ trong thời gian ban ngày.
-
Tránh phục vụ trong khoảng thời gian tìm kiếm và giảng dạy hữu hiệu nhất trừ phi được hướng dẫn từ chủ tịch phái bộ truyền giáo.
-
Tham gia vào các dự án phục vụ cộng đồng khi có thể.
-
Tránh các sinh hoạt phục vụ trong ngày chuẩn bị hoặc trong khoảng thời gian trùng với hội đồng chi bộ hoặc đại hội khu bộ.
-
Không hủy hoặc đổi lịch các cuộc hẹn giảng dạy để tham dự các dự án phục vụ trừ khi được chủ tịch phái bộ truyền giáo hướng dẫn.
-
Ở cùng với người bạn đồng hành của mình trong khi anh chị em phục vụ.
-
Đeo bảng tên của mình nếu được cho phép và nếu thích hợp ngay cả khi anh chị em mặc quần áo lao động.
-
Không tham gia vào những sinh hoạt mà khiến anh chị em tốn tiền hoặc được trả tiền.
-
Không cam kết thực hiện những dự án dài hạn mà không có sự chấp thuận từ các vị lãnh đạo phái bộ truyền giáo của anh chị em.
7.2.2
Sự An Toàn trong Các Cơ Hội Phục Vụ
Vì sự an toàn của anh chị em trong các cơ hội phục vụ, hãy sử dụng óc xét đoán và tuân theo những thúc giục của Đức Thánh Linh và những chỉ dẫn sau:
-
Chỉ thực hiện những sinh hoạt mà anh chị em đủ sức khỏe để hoàn tất.
-
Không sử dụng các công cụ điện máy hoặc vận hành hoặc lái bất kỳ máy móc nào (như xe máy kéo, xe moóc, hoặc xe bán tải).
-
Mặc trang phục phù hợp (như găng tay hoặc áo tay dài).
-
Không làm việc ở những nơi mà anh chị em có thể té ngã từ trên cao xuống (chẳng hạn như trên nóc nhà hoặc trên cây).
-
Không làm việc ở những nơi mà anh chị em có thể bị mắc kẹt hoặc bị chấn thương trong không gian hẹp (như hào sâu).
-
Không phục vụ trong trường học, trung tâm giữ trẻ, hoặc bất kỳ nơi nào khác mà anh chị em phải ở riêng với trẻ em, bao gồm cả trong Hội Thiếu Nhi hoặc lớp ấu nhi (xin xem mục 3.5.2).
Hãy xem đoạn video sau để có thêm thông tin về việc phục vụ.
7.3
Tôn Trọng Người Khác
Hãy luôn luôn đối xử với người khác bằng sự tử tế và tôn trọng. Cũng hãy tuân theo những chỉ dẫn bổ sung trong phần này.
7.3.1
Các Chủ Đề Trò Chuyện nên Tránh
Để biểu hiện sự tôn trọng đối với người khác và để bảo vệ sự an toàn của anh chị em, hãy tránh những chủ đề trò chuyện có thể trở nên rắc rối. Các chủ đề nên tránh bao gồm chính trị tại địa phương và quốc gia của khu vực anh chị em phục vụ; cũng tránh đưa ra những lời tuyên bố chính trị ở nơi riêng tư hay công cộng. Thêm vào đó, đừng bao giờ:
-
Đùa giỡn về khủng bố hoặc những hành động khủng bố.
-
Đề nghị mọi người chuyển đến một đất nước khác—ngay cả khi vì công việc hoặc học hành.
-
Đưa ra hoặc hứa hẹn hỗ trợ về tài chính hoặc thị thực cho những người trong khu vực phái bộ truyền giáo của anh chị em, bao gồm việc làm, việc học, nhà cửa, và nhận con nuôi.
7.3.2
Luật Pháp và Văn Hóa Địa Phương
Tuân theo quy tắc và luật lệ địa phương về việc phân phối tài liệu, quy định hải quan và biên giới, và cũng như các yêu cầu về hộ chiếu và thị thực. Nếu anh chị em không quen với luật pháp, truyền thống, và những cách xử sự được chấp nhận của địa phương, hãy nhờ các vị lãnh đạo phái bộ truyền giáo giúp đỡ.
Hãy xem đoạn video này để có thêm thông tin về những hành vi phù hợp.
7.4
Tham Dự Đền Thờ
Khi anh chị em tham dự đền thờ, hãy nhớ những điều sau:
-
Đi cùng với bạn đồng hành của mình.
-
Tham dự vào bất kỳ giáo lễ nào được thực hiện trong đền thờ. Tuy nhiên, để tránh hiểu lầm những cảm giác thuộc linh là những cảm giác lãng mạn, không nên làm thay cho một người chồng hoặc người vợ trong buổi lễ gắn bó hoặc làm một nhân chứng trong buổi lễ thiên ân.
-
Đừng bận tâm về việc mang theo y phục đền thờ; y phục đền thờ sẽ được cung cấp miễn phí cho người truyền giáo tại đền thờ.
-
Tuân theo phép xã giao qua điện thoại. Anh chị em có thể mang điện thoại của mình vào đền thờ để in các tấm thẻ giáo lễ. Tuy nhiên, anh chị em không nên sử dụng chức năng chụp ảnh, nói chuyện trên điện thoại, hoặc gửi tin nhắn khi ở trong đền thờ.
-
Đừng mang máy chụp ảnh hoăc các tài liệu để đọc, bao gồm cả phước lành tộc trưởng, để dùng trong đền thờ.
-
Đừng tụ tập thành nhóm những người truyền giáo hoặc quỳ gối cầu nguyện trong phòng thượng thiên giới.
Hãy nhớ luôn luôn mặc trang phục đền thờ như được hướng dẫn. Nếu anh chị em có thắc mắc về việc mặc trang phục đền thờ hoặc về việc tham dự đền thờ, hãy hỏi các vị lãnh đạo phái bộ truyền giáo của mình.
7.5
Công Nghệ
Tuân theo các tiêu chuẩn về công nghệ được nêu ra trong các phần phụ sau đây.
7.5.1
Tuân Theo Các Tiêu Chuẩn Chung về Công Nghệ
Hãy tập trung vào con người chứ không phải công nghệ. Khi gặp gỡ trực tiếp, hãy dành trọn sự chú ý cho họ. Việc kiểm tra email, trả lời tin nhắn, hoặc lướt mạng xã hội khi đang ở cùng với người khác gây xao lãng và thiếu tôn trọng.
Anh chị em có thể sử dụng:
-
Wi-fi tại nhà hội và các cơ sở khác của Giáo Hội.
-
Máy tính công cộng, như ở thư viện và quán cafe internet.
-
Máy tính cá nhân của một người nào đó cho việc giảng dạy nếu người đó cho phép.
-
Tai nghe có thể được sử dụng cho những sinh hoạt truyền giáo được chấp thuận, như giao tiếp với gia đình hoặc tham gia các khóa học dành cho người truyền giáo.
Đừng quản lý công nghệ, trang mạng, blog, hoặc các tài khoản truyền thông xã hội của tiểu giáo khu hoặc giáo khu địa phương.
Hãy xem đoạn video này để có thêm thông tin về việc sử dụng thiết bị di động trong công việc truyền giáo.
7.5.2
Sử Dụng Công Nghệ Một Cách An Toàn
Anh chị em nên hoàn tất khóa học trực tuyến Những Biện Pháp An Toàn khi Sử Dụng Công Nghệ khi còn ở trong trung tâm huấn luyện truyền giáo. Những tiêu chuẩn sau đây cũng sẽ giúp anh chị em sử dụng công nghệ một cách an toàn và với mục đích của người truyền giáo:
-
Sử dụng công nghệ một cách có chủ ý. Hoạch định các sinh hoạt giúp đỡ anh chị em mời gọi những người khác đến cùng Đấng Cứu Rỗi.
-
Đừng sử dụng công nghệ để giảm bớt sự căng thẳng hoặc nỗi buồn chán.
-
Lắng nghe và tuân theo những thúc giục từ Đức Thánh Linh. Một sự kết nối mạnh mẽ đến Thánh Linh của Chúa là cách phòng thủ tốt nhất chống lại việc sử dụng công nghệ không thích hợp.
-
Luôn luôn ở trong vị trí mà anh chị em và bạn đồng hành của mình có thể thấy được màn hình của nhau. Đừng sử dụng thiết bị di động khi anh chị em ở một mình, chẳng hạn như đang ở trong phòng tắm.
-
Làm việc với người bạn đồng hành của anh chị em khi tìm kiếm hoặc giảng dạy trực tuyến. Xem xét bình luận và tin nhắn của nhau trước khi đăng hoặc gửi một tin nhắn để cả hai có thể chia sẻ ý kiến và có trách nhiệm đối với kết quả của cuộc giao tiếp. Ghi chú: Điều này không áp dụng cho việc liên lạc với gia đình của anh chị em (xin xem mục 3.9.1), văn phòng phái bộ truyền giáo, hoặc với vị chủ tịch phái bộ truyền giáo.
-
Tham khảo phần Những Biện Pháp An Toàn khi Sử Dụng Công Nghệ thường xuyên trong buổi học các nhân hoặc học chung với bạn đồng hành.
7.5.3
Tránh Hình Ảnh Sách Báo Khiêu Dâm
Hình ảnh sách báo khiêu dâm có thể ở nhiều dạng. Việc hoạch định trước và đưa ra những lựa chọn ngay chính có thể giúp anh chị em tránh hình ảnh sách báo khiêu dâm (xin xem Những Biện Pháp An Toàn khi Sử Dụng Công Nghệ). Khi anh chị em vô tình nhìn thấy hình ảnh sách báo khiêu dâm, hãy quay mặt đi, tắt thiết bị, và rời khỏi tình huống đó. Sau đây là một vài gợi ý để giúp anh chị em tránh hình ảnh sách báo khiêu dâm:
-
Tránh các trang mạng, tài liệu, và địa điểm nơi mà anh chị em có thể nghe, đọc, hoặc thấy tài liệu khêu gợi hoặc hình ảnh sách báo khiêu dâm.
-
Học cách nhận biết những thời điểm mà anh chị em dễ bị cám dỗ nhất để sử dụng công nghệ một cách không phù hợp, chẳng hạn như khi anh chị em mệt mỏi hoặc buồn chán.
-
Có một kế hoạch cho những gì anh chị em sẽ làm thay vì sử dụng công nghệ. Các vị lãnh đạo phái bộ truyền giáo của anh chị em có thể giúp đỡ. Anh chị em cũng có thể tìm thấy thông tin trên trang mạng ChurchofJesusChrist.org/addressing-pornography.
Bất kỳ ai tìm cách để tránh hoặc vượt qua hình ảnh sách báo khiêu dâm đều có thể tìm được sự giúp đỡ và chữa lành thông qua Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô. Nếu anh chị em đang vật lộn với điều đó, hãy nói chuyện với vị chủ tịch phái bộ truyền giáo của mình, người mà sẽ đưa ra sự hỗ trợ, lời khuyên dạy, và giúp đỡ đầy yêu thương.
7.5.4
Giảng Dạy với Công Nghệ
Khi được chấp thuận, hãy sử dụng công nghệ trực tuyến với các tín hữu và những người anh chị em giảng dạy để kết nối, giúp đỡ, và chia sẻ các sứ điệp phúc âm với họ.
-
Giúp đỡ người khác học cách hữu hiệu để chia sẻ phúc âm, và hỗ trợ các tín hữu của Giáo Hội khi họ sử dụng công nghệ trong những nỗ lực truyền giáo của mình.
-
Làm việc trực tuyến với những người anh chị em đang giảng dạy mà sống ngoài khu vực được chỉ định của mình, và giúp họ trong suốt quá trình cải đạo của họ.
-
Khi anh chị em giảng dạy một người nào đó mà sống ngoài khu vực của mình, hãy làm việc chặt chẽ với những người truyền giáo được chỉ định cho khu vực mà người được giảng dạy sinh sống. Hãy cùng nhau giúp người đó đến gần với Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô hơn.
-
Sử dụng hình ảnh, video, và phương tiện truyền thông khác từ trang Thư Viện Truyền Thông của Giáo Hội và các trang mạng chính thức khác của Giáo Hội trong những nỗ lực giảng dạy của anh chị em khi phù hợp. Trong những cuộc giao tiếp của anh chị em, đừng sử dụng phương tiện truyền thông mà Giáo Hội chưa chấp thuận (ví dụ, video được các tín hữu hoặc đơn vị địa phương tạo ra).
-
Khi đăng bài trên mạng xã hội, hãy chia sẻ những sứ điệp về phúc âm và kinh nghiệm truyền giáo của anh chị em thay vì tập trung vào việc di chuyển của mình.
Tuân theo những chỉ dẫn sau để bảo vệ sự riêng tư và thông tin cá nhân của người khác:
-
Biết rằng họ và tên, hình ảnh (xin xem mục 3.7), thông tin liên lạc, và hoàn cảnh cá nhân của những người anh chị em giảng dạy là kín mật. Việc chia sẻ hoặc đăng tải thông tin này có thể vi phạm luật bảo mật dữ liệu. Hãy đặc biệt thận trọng trong những gì anh chị em viết về cho gia đình, vì họ có thể đăng lên mạng các bức thư và thông điệp email.
-
Hãy xin phép bất cứ người nào có mặt trong một tấm hình hoặc đoạn video trước khi chia sẻ hình hoặc video đó với bất kỳ ai hoặc đăng lên mạng. Hãy xin phép cha mẹ trước khi chia sẻ hình ảnh hoặc video của trẻ em (xin xem mục 3.7).
Xem đoạn video này để có thêm thông tin về việc bảo vệ sự riêng tư của người khác.
7.5.5
Sử Dụng Email
Trong thời gian truyền giáo của mình, anh chị em được chỉ định một tài khoản email cá nhân để dùng thay cho tất cả những tài khoản email cá nhân khác. Hãy sử dụng tài khoản email này cho mọi việc liên lạc ngoại trừ thư gửi vị chủ tịch phái bộ truyền giáo hằng tuần, mà anh chị em sẽ gửi qua trang mạng Missionary Portal.
7.5.6
Sử Dụng Phương Tiện Truyền Thông Xã Hội
Phương tiện truyền thông xã hội có thể được sử dụng để chia sẻ phúc âm. Vì luật pháp về phương tiện truyền thông xã hội ở mỗi nước mỗi khác, hãy đảm bảo rằng anh chị em chỉ sử dụng các trang mạng truyền thông xã hội được chấp thuận cho phái bộ truyền giáo của mình.
Tuân theo bất kỳ tiêu chuẩn cụ thể nào dành cho phái bộ truyền giáo về phương tiện truyền thông xã hội cũng như những tiêu chuẩn sau đây:
-
Hãy đảm bảo các tài khoản phương tiện truyền thông xã hội của anh chị em phản ánh được mục đích và sự kêu gọi của mình với tư cách là một người truyền giáo.
-
Hãy chắc chắn rằng hình đại diện của anh chị em và những cá nhân cùng các nhóm mà mình theo dõi cho thấy rằng anh chị em là một trong những người truyền giáo của Chúa.
-
Đừng tạo một tài khoản thứ hai trên trang mạng truyền thông xã hội để tránh làm thay đổi tài khoản hiện hành. Việc này là sự vi phạm thỏa thuận của người dùng đối với nhiều trang mạng truyền thông xã hội.
-
Đừng sử dụng danh xưng “Anh Cả” hoặc “Chị Truyền Giáo” trong tên tài khoản. Các danh xưng này không được cho phép trên một vài nền tảng phương tiện truyền thông.
-
Tập trung vào những cuộc trò chuyện trực tiếp có ý nghĩa với từng người một thay vì nhận được nhiều lượt “thích” hoặc được nhiều người chia sẻ thông điệp của mình trực tuyến.
-
Đừng ngụ ý rằng bài đăng của anh chị em là những thông báo chính thức của Giáo Hội.
-
Bảo vệ sự riêng tư của chính anh chị em. Hãy cẩn thận khi chia sẻ lịch trình và địa điểm của anh chị em lên trên mạng. Hãy cẩn thận về những người mà anh chị em chấp nhận vào mạng xã hội của mình; một vài cá nhân sẽ lợi dụng những người truyền giáo.
-
Bảo vệ sự riêng tư của người khác. Nếu anh chị em muốn đăng một điều gì đó về một người nào đó mà anh chị em đang làm việc cùng, anh chị em cần hỏi ý kiến của người ấy (hoặc bằng lời nói hoặc văn bản) trước khi đăng bất cứ điều gì đề cập đến tên hoặc có ảnh của người ấy (xin xem mục 3.7). Bởi vì luật quyền riêng tư của địa phương, trong một số phái bộ truyền giáo, người truyền giáo không được phép chia sẻ công khai hình ảnh của những người họ đang giảng dạy.
Xem đoạn video này để có thêm thông tin về việc bảo vệ sự riêng tư của người khác.
7.6
Các Tình Huống Khó Khăn
Hãy tuân theo những chỉ dẫn bên dưới về cách đối phó với những tình huống khó khăn.
7.6.1
Đối Phó với Những Tình Huống Tiêu Cực
Giống như Đấng Cứu Rỗi, các vị tiên tri, và nhiều người truyền giáo đi trước, với tư cách là một người truyền giáo, anh chị em sẽ trải qua việc bị từ chối và thậm chí có thể là những hình thức thiếu tôn trọng khác. Những chỉ dẫn sau sẽ giúp anh chị em xử lý sự từ chối:
-
Đừng phớt lờ những cảm xúc của mình.
-
Hãy nhận biết rằng việc bày tỏ sự thất vọng và chán nản với bạn đồng hành, những người lãnh đạo truyền giáo trẻ tuổi, các vị lãnh đạo phái bộ truyền giáo, người thân trong gia đình của mình là bình thường.
-
Hãy hiểu rằng việc đôi khi nói về những tình huống tiêu cực có thể giúp vượt qua cảm xúc đó.
-
Đừng bận lòng với những tình huống tiêu cực hoặc để cho chúng thay đổi thái độ của mình quá lâu.
-
-
Hiểu đúng tình huống của sự từ chối.
-
Hãy biết rằng những tình huống tiêu cực không xác định anh chị em là người như thế nào, anh chị em được kêu gọi để làm gì, hoặc anh chị em có thể làm điều đó tốt như thế nào.
-
Hãy cố gắng không đưa ra những lời khẳng định khái quát thái quá như “Người ta không bao giờ lắng nghe.”
-
Hãy hiểu rằng quyền tự quyết cho phép các cá nhân chấp nhận hoặc từ chối sứ điệp của anh chị em.
-
Nhận biết rằng cuộc sống và hoàn cảnh của con người thay đổi. Sự từ chối không phải lúc nào cũng có nghĩa là người đó sẽ không bao giờ quan tâm đến phúc âm phục hồi.
-
-
Đối xử với bản thân mình và người khác với lòng trắc ẩn.
-
Hãy tìm sự an ủi trong lời cầu nguyện. Nên nhớ rằng Chúa biết anh chị em, tình huống, và các nhu cầu của anh chị em.
-
Đừng chỉ trích bản thân, tình huống, hoặc những người liên quan.
-
Hãy cố gắng hết sức mình để trở nên lạc quan.
-
-
Hãy học hỏi từ kinh nghiệm đó. Hãy cân nhắc điều gì anh chị em có thể làm khác đi trong lần tới.
7.6.2
Đối Phó với Những Người hay Tranh Cãi
Anh chị em có thể gặp những người tiêu cực hoặc hiếu chiến. Nếu một người nào đó thô lỗ, thì hãy lịch sự và rời khỏi tình huống đó. Nếu anh chị em cảm thấy nguy hiểm, thì hãy bỏ đi ngay lập tức. Sự an toàn của bản thân và người bạn đồng hành (xin xem mục 4.5) là ưu tiên trên hết của anh chị em.
Những người hay tranh cãi và những sự giao tiếp tiêu cực đều gây căng thẳng. Hãy thực hiện theo các bước mà anh chị em cần làm để đối phó với sự căng thẳng (xin xem mục 4.3) và chăm sóc cho chính bản thân mình về cảm xúc lẫn thuộc linh.
Hãy biết rằng bất kỳ hình thức lạm dụng ngược đãi bằng lời nói, cảm xúc, hoặc thể xác nào từ bất kỳ ai, bao gồm cả từ một người bạn đồng hành, đều không chấp nhận được. Điều này có thể bao gồm cả lời nói, cử chỉ, hoặc hành động mà đe dọa hay lạm dụng ngược đãi một người nào khác.
Hãy liên lạc ngay với chủ tịch phái bộ truyền giáo của anh chị em, vợ của ông ấy, hoặc một người lãnh đạo đáng tin cậy nào đó nếu anh chị em gặp phải, thấy, hoặc nghe về bất cứ hành vi quấy rối, tấn công, hoặc đe dọa tình dục hoặc thể xác nào (xin xem các mục 7.8.2–7.8.4).
7.7
Các Vấn Đề về Sức Khỏe Thể Chất và Tinh Thần
Hãy tuân theo những chỉ dẫn về sức khỏe được nêu ra trong phần phụ sau đây.
7.7.1
Liên Lạc với Văn Phòng Phái Bộ Truyền Giáo về Các Vấn Đề Y Tế
Đừng dựa vào sự chẩn đoán của chính mình hoặc ý kiến của những người khác. Mặc dù lời khuyên y tế từ người bạn đồng hành, các tín hữu khác của Giáo Hội, gia đình, hoặc bè bạn có thể hữu ích, nhưng hãy liên lạc với người điều phối y tế của phái bộ truyền giáo khi anh chị em có bất kỳ thắc mắc hoặc mối bận tâm nào, đặc biệt về chấn thương nghiêm trọng hoặc các vấn đề sức khỏe. Chủ tịch phái bộ truyền giáo của anh chị em sẽ liên lạc với chủ tịch giáo khu và gia đình của anh chị em về những chấn thương nghiêm trọng và các vấn đề sức khỏe.
Hãy liên lạc với người điều phối y tế của phái bộ truyền giáo nếu anh chị em gặp bất kỳ vấn đề sức khỏe nào sau đây:
-
Bệnh nặng hơn các bệnh cảm sốt thông thường hoặc những triệu chứng cảm sốt kéo dài.
-
Chấn thương nghiêm trọng.
-
Nhịp đập tim nhanh (trên 100 nhịp trong một phút) khi anh chị em không tập thể dục.
-
Bất cứ cơn sốt nào cao hơn 101°F (38.3°C), cơn sốt 101°F (38.3°C) kéo dài hơn hai ngày, hay cơn sốt mà thuốc hạ sốt không có tác dụng.
-
Tăng hoặc giảm cân nhanh hay cực độ.
-
Khát nước hoặc đi tiểu nhiều.
-
Ói mửa, nhức đầu, chóng mặt, ho, hoặc phát ban dai dẳng.
-
Sưng bàn chân, cẳng chân, bụng, hoặc mặt.
-
Mất máu hoặc phân có máu.
-
Kiết lị hoặc tiêu chảy kéo dài hơn hai ngày.
-
Đau răng.
-
Móng chân mọc ngược.
7.7.2
Chăm Sóc Sức Khỏe Thể Chất
Anh chị em sẽ có một trải nghiệm truyền giáo thú vị và có thể phục vụ Chúa tốt hơn khi anh chị em chăm sóc sức khỏe thể chất của mình. Hãy siêng năng trong những nỗ lực truyền giáo của mình, nhưng đừng buộc bản thân làm quá sức có thể.
Để giúp giữ gìn sức khỏe thể chất của anh chị em, hãy đảm bảo:
-
Tập thể dục thường xuyên.
-
Ngủ đủ giấc.
-
Ăn các bữa ăn lành mạnh với nhiều rau cải, trái cây, và các loại ngũ cốc.
-
Uống nhiều nước.
-
Rửa tay thường xuyên.
-
Sử dụng kem chống nắng và thuốc chống côn trùng khi cần thiết.
-
Tìm cách để thư giãn.
-
Vui chơi với những hoạt động giải trí lành mạnh trong ngày chuẩn bị.
7.7.3
Chăm Sóc Sức Khỏe Tinh Thần
Việc đôi khi cảm thấy buồn, lo lắng, nhớ nhà, và thất vọng trong khi phục vụ truyền giáo là bình thường. Tuy nhiên, những cảm xúc và hành vi mà ngăn anh chị em làm việc hiệu quả cần được giải quyết. Những tình trạng này có thể bao gồm:
-
Tâm trạng thay đổi thất thường.
-
Lo lắng hoặc mặc cảm tội lỗi thái quá.
-
Tâm trạng chán nản.
-
Các chế độ ăn uống không lành mạnh.
-
Khó kiểm soát các cảm giác tình dục.
Hãy hiểu rằng không có gì là hổ thẹn để nhận ra và điều trị bất kỳ vấn đề nào về sức khỏe, bao gồm cả những mối bận tâm về cảm xúc hoặc tâm thần. Nếu anh chị em cảm thấy mình hay người bạn đồng hành của mình cần sự giúp đỡ, thì hãy nói chuyện với vị chủ tịch phái bộ truyền giáo của mình, vợ của ông ấy, hoặc với người điều phối y tế. Họ tiếp cận được nhiều nguồn hỗ trợ sức khỏe tâm thần. Anh chị em cũng có thể tìm thấy lời khuyên hữu ích trong phần Thích Nghi với Cuộc Sống của Người Truyền Giáo.
7.7.4
Chăm Sóc Các Vết Cắn Từ Động Vật và Côn Trùng
Các vết cắn từ động vật và côn trùng có thể gây ra những căn bệnh nghiêm trọng và đôi khi gây tử vong. Nếu một vết cắn từ côn trùng sưng tấy hoặc trở nên đau khác thường, hãy lập tức gọi điện cho văn phòng phái bộ truyền giáo.
Biện Pháp Ngăn Ngừa
Anh chị em có thể ngăn ngừa vết cắn từ bọ chét, muỗi, và những con côn trùng khác bằng cách thực hiện theo những chỉ dẫn sau đây:
-
Tránh khu vực ao tù và vũng nước đọng, nơi muỗi thường sinh sống.
-
Tránh những địa hình cây cối và bụi cây um tùm, nơi nhiều bọ chét sinh sống.
-
Mặc quần áo che phủ tay chân, ngay cả ở nơi thời tiết ấm.
-
Xem đoạn video về Phòng Ngừa Những Căn Bệnh do Muỗi Gây Ra.
-
Xịt thuốc đuổi muỗi lên vùng da để trần và thuốc diệt côn trùng trên bề mặt của quần áo.
Cách Điều Trị
Nếu anh chị em bị cắn hoặc bị vết xước từ bọ chét hay muỗi hoặc bất kỳ con côn trùng hoặc động vật nào, hãy làm theo những lời chỉ dẫn sau đây:
-
Điều trị những vết cắn nhẹ từ côn trùng bằng đá hoặc thuốc không cần kê toa.
-
Đến gặp chuyên viên y tế để lấy bọ chét ra khỏi da của anh chị em một cách an toàn và làm xét nghiệm bệnh Lyme.
-
Rửa vết cắn hoặc vết thương do động vật gây ra bằng xà phòng và nước (tốt nhất là trong 15 phút), và gọi cho văn phòng phái bộ truyền giáo. Xác định người chủ của con vật đó nếu có thể, để văn phòng phái bộ truyền giáo có thể giúp xác định rằng con vật đó không có bệnh dại hoặc những căn bệnh nghiêm trọng khác.
-
Nếu một vết cắn từ bọ chét hoặc côn trùng hoặc động vật mà sưng tấy, trở nên đau khác thường, hoặc chuyển sang phát ban mắt bò hoặc ngứa bất thường, thì hãy liên lạc ngay với văn phòng phái bộ truyền giáo.
Xem đoạn video này để có thêm thông tin về việc bảo vệ bản thân khỏi các vết cắn từ côn trùng và động vật.
7.8
Các Tình Huống Nguy Hiểm
Hãy tuân theo những chỉ dẫn an toàn được nêu ra trong phần phụ sau đây.
7.8.1
Chuẩn Bị cho Các Tình Huống Nguy Hiểm
Những chỉ dẫn sau có thể giúp anh chị em chuẩn bị và ứng phó với những tình huống nguy hiểm:
-
Hãy cầu nguyện để được Chúa bảo vệ hằng ngày.
-
Lắng nghe và tuân theo những thúc giục của Thánh Linh mà có thể cảnh báo anh chị em về mối nguy hiểm.
-
Hãy làm quen với kế hoạch hành động trong tình huống khẩn cấp của phái bộ truyền giáo của anh chị em. Tuân theo những bước chỉ dẫn để biết cách hành động trong những tình huống khẩn cấp.
-
Nhập thông tin của các số liên lạc khẩn cấp trong khu vực và quốc gia vào trong điện thoại của anh chị em. Giữ điện thoại còn pin bên người vào mọi lúc.
-
Tránh những khu vực mà phái bộ truyền giáo của anh chị em đã xác định là nguy hiểm.
-
Đừng tạo ấn tượng rằng anh chị em có những món đồ giá trị (ví dụ, mang một giỏ xách cồng kềnh).
-
Hãy quan sát bất kỳ điều gì khác thường, chẳng hạn như một người nào đó đang theo dõi anh chị em, đặt ra những câu hỏi cá nhân, hoặc bám theo anh chị em.
-
Hãy cố gắng dùng ngôn ngữ cơ thể để tỏ ra là anh chị em tự tin và không sợ.
-
Sử dụng một từ hoặc cụm từ để làm mật mã ra hiệu với người bạn đồng hành rằng anh chị em muốn rời đi. Hãy sử dụng mật mã đó nếu anh chị em thấy mình ở trong tình huống mà cảm thấy không an toàn.
Hãy thực hành những chỉ dẫn này một cách kiên định, ngay cả khi người khác (bao gồm cả những người truyền giáo khác) khuyên anh chị em đặt sự an toàn của mình vào tình thế nguy hiểm nhằm làm tròn công việc truyền giáo.
7.8.2
Nhận Biết Các Tình Huống Nguy Hiểm
Lập tức liên hệ với một trong những vị lãnh đạo phái bộ truyền giáo hoặc một người lãnh đạo đáng tin cậy khác nếu anh chị em trải qua, chứng kiến, hoặc nghe về bất kỳ hành vi sai trái nào về thể xác hoặc tình dục dưới bất kỳ hình thức nào. Điều này có thể bao gồm sự tấn công, đe dọa, hoặc quấy rối. Mặc dù những mối nguy hiểm sau có thể được luật pháp địa phương định nghĩa khác nhau, nhưng hãy báo cáo bất kỳ điều gì khiến anh chị em lo lắng:
-
Sự tấn công bao gồm bất kỳ hành động thể xác hoặc tình dục nào mà ép buộc một người khác. Các ví dụ gồm có bất kỳ sự đụng chạm thân thể gượng ép, sờ soạng, hoặc bạo lực thể xác.
-
Sự đe dọa thể xác xảy ra khi một người nào đó gieo nỗi sợ hãi về chấn thương thân thể hoặc cái chết. Các ví dụ gồm có những đe dọa bằng lời nói hoặc hành vi dưới bất kỳ hình thức nào.
-
Sự quấy rối tình dục bao gồm những lời nói hoặc cử chỉ dung tục, những yêu cầu về trả ơn bằng tình dục, hoặc bất kỳ hành động cưỡng ép tình dục nào. Các ví dụ gồm có rình rập (bám theo với ý định đe dọa hoặc quấy rầy) hoặc phô bày các vùng kín trên thân thể.
7.8.3
Ứng Phó với Sự Tấn Công, Đe Dọa, hoặc Quấy Rối
Hãy làm những điều sau đây nếu anh chị em hoặc bạn đồng hành của mình bị cướp:
-
Hãy lập tức bỏ lại tài sản. Điều này có thể khiến cho tên cướp bỏ đi mà không làm hại anh chị em. Tính mạng và sự an nguy của anh chị em đáng giá hơn tài sản của mình.
-
Cố gắng không mất bình tĩnh hoặc phản ứng một cách tiêu cực. Điều này có thể làm mọi việc trở nên tồi tệ hơn.
Hãy làm những điều sau nếu anh chị em hoặc người bạn đồng hành của mình cảm thấy bị đe dọa hoặc quấy rối và cả tính mạng lẫn tài sản gặp nguy hiểm:
-
Chỉ mình anh chị em mới có thể quyết định cách tốt nhất để ứng phó trong tình huống đó. Anh chị em có thể chọn để bỏ chạy, phòng vệ bản thân, hoặc đáp ứng theo. Ví dụ:
-
Nếu bỏ chạy, anh chị em có thể tránh được một cuộc tấn công.
-
Nếu phòng vệ bản thân, thì anh chị em có thể bảo vệ thân thể mình bằng cách gào thét, đánh trả, cào cấu, cắn xé, đá, hoặc cầu nguyện.
-
Nếu anh chị em bất động và chọn đáp ứng theo, điều mà có thể là một sự ứng phó bình thường, thì xin đừng đổ lỗi cho bản thân sau này.
-
-
Hãy cân nhắc tìm kiếm sự giúp đỡ hoặc sự chú ý từ một người nào khác. Ví dụ:
-
Anh chị em có thể nhờ người khác giúp đỡ, đặc biệt từ một người nào đó mà có thẩm quyền (như tài xế lái xe buýt chẳng hạn) nơi anh chị em đang ở.
-
Nếu anh chị em đang ở một nơi công cộng với nhiều người xung quanh và không thể thoát khỏi một sự tấn công thể xác hoặc tình dục (ví dụ, khi anh chị em đang đi trên phương tiện giao thông công cộng), thì hãy cân nhắc nói chuyện một cách quyết đoán để ngăn người đó không hành động lấn tới hoặc quấy rối. Ví dụ, anh chị em có thể dùng ngôn ngữ cơ thể mạnh mẽ, nhìn thẳng vào kẻ quấy rối, và nói lớn tiếng. Anh chị em có thể nói thẳng với người đó, đề cập đến hành vi xúc phạm, và nói điều gì anh chị em muốn người đó phải làm, ví dụ, “Này, ông/bác/chú/bà/cô/chị áo vàng, không được chạm vào tôi nữa. Tránh xa tôi ra!”
-
Nếu không có ai ở gần, thì anh chị em có thể gào thét, hét, hoặc cố gắng thu hút sự chú ý; một người nào đó có thể nhận thấy và có thể giúp đỡ.
-
7.8.4
Báo Cáo Sự Tấn Công, Đe Dọa, hoặc Quấy Rối
Nếu anh chị em bị bất kỳ người nào tấn công, đe dọa, hoặc quấy rối (xin xem mục 7.8.2), hãy lập tức liên hệ với các vị lãnh đạo phái bộ truyền giáo, một người nào đó trong văn phòng phái bộ truyền giáo, hoặc một người lãnh đạo đáng tin cậy nào khác. Các vị lãnh đạo phái bộ truyền giáo của anh chị em có những nguồn hỗ trợ để giúp anh chị em về chăm sóc y tế, tư vấn chuyên môn, di dời, hoặc những sự hỗ trợ cần thiết nào khác. Hãy nhận biết rằng anh chị em có thể bị sốc sau sự kiện đó và rằng anh chị em cũng có thể trải qua những dấu hiệu chấn thương tâm lý. Một khi anh chị em cảm thấy an toàn, hãy cố gắng ghi lại bất kỳ điều gì anh chị em nhớ về sự cố đó.
Hãy hiểu rằng nếu anh chị em bị tấn công, bất kể anh chị em đang làm gì, thì cuộc tấn công đó không phải lỗi của anh chị em. Anh chị em luôn luôn có sự lựa chọn để tham vấn với một người nào đó mà mình tin tưởng và cảm thấy an tâm, như chủ tịch phái bộ truyền giáo của mình, vợ của ông ấy, các nhà chức trách địa phương hoặc những người trong gia đình. Có báo cho cảnh sát hay không thì đó là quyết định của anh chị em.
Việc tự hỏi bản thân và điều gì anh chị em hoặc người bạn đồng hành của mình có thể đã làm khác đi là điều bình thường. Hãy tin tưởng rằng anh chị em đã làm tốt nhất có thể trong tình huống khủng hoảng đó. Mọi người xử lý những kinh nghiệm chấn thương tâm lý một cách khác nhau. Chúa sẽ giúp anh chị em khi anh chị em được chữa lành.
Xem đoạn video sau để có thêm thông tin về việc chuẩn bị, nhận ra, và kiểm soát những tình huống nguy hiểm và các mối đe dọa.
7.9
An Toàn về Nhà Ở
Hãy theo những lời chỉ dẫn sau đây để giữ cho nhà ở của anh chị em được riêng tư, an toàn, và sạch sẽ.
7.9.1
Sự Riêng Tư và An Toàn
Hãy tuân theo những lời chỉ dẫn sau đây để đảm bảo rằng nhà ở của anh chị em được riêng tư và an toàn:
-
Lắp đặt và bảo trì thiết bị báo khói và khí cacbon monoxit (khí CO). Thực hiện kiểm tra và thay pin như đã được người điều phối nhà ở cho phái bộ truyền giáo lên lịch. Đừng vô hiệu hóa những thiết bị cứu sinh này.
-
Đừng đốt nến dưới bất cứ hình thức nào.
-
Khóa cửa ngoài và cửa sổ. Nếu cần thiết, các vị lãnh đạo phái bộ truyền giáo của anh chị em có thể đề nghị những lựa chọn để cho gió bên ngoài vào.
-
Luôn luôn đóng màn hoặc tấm che nắng khi trời tối.
-
Đừng chia sẻ địa chỉ của mình một cách công khai hoặc với những người anh chị em đang giảng dạy.
-
Đừng mở cửa nếu anh chị em không quen biết người gõ cửa hoặc nếu anh chị em cảm thấy không an tâm với người đó.
-
Đừng bao giờ giảng dạy người khác trong nhà ở của anh chị em hoặc mời người khác vào nhà trừ phi họ là những người truyền giáo hoặc các vị lãnh đạo Giáo Hội địa phương mà đã được các vị lãnh đạo phái bộ truyền giáo chấp thuận cho viếng thăm.
-
Đừng bao giờ sống trong một ngôi nhà nơi mà có người chưa kết hôn hoặc người khác giới sinh sống hoặc nơi mà người phối ngẫu cùng giới tính với anh chị em thường xuyên vắng mặt.
-
Lập tức báo cáo cho văn phòng phái bộ truyền giáo biết về bất cứ mối quan ngại nào về sự an toàn, bao gồm bất kỳ người nào mà rình rập nhà của anh chị em và khiến anh chị em cảm thấy không an toàn.
-
Chỉ cho phép những người truyền giáo khác có cùng giới tính trong những cuộc hoán đổi bạn đồng hành được chấp thuận ngủ qua đêm trong nhà của anh chị em.
-
Chi trả những khoản cần thiết để giữ cho nhà ở của mình được an toàn. Ví dụ, thay bóng đèn bị đứt bóng khi cần thiết.
7.9.2
Vệ Sinh và Bảo Trì
Hãy giữ cho nhà của mình được sạch sẽ và ngăn nắp:
-
Dọn dẹp trong ngày chuẩn bị (xin xem mục 2.5.1) và hằng ngày nếu cần thiết.
-
Thực hiện các bước để ngăn côn trùng (xin xem mục 7.7.4) vào nhà của anh chị em.
-
Biết cách để sử dụng các thiết bị một cách an toàn, đặc biệt là bếp lò và máy sưởi.
-
Không được nuôi thú cưng dưới bất kỳ hình thức nào.
Nhà của anh chị em sẽ được kiểm tra thường xuyên để đảm bảo rằng nó đầy đủ, an toàn, và được bảo trì tốt.
Xem hai đoạn video này để có thêm thông tin về an toàn nhà ở.
7.10
Phương Tiện Di Chuyển An Toàn
Hãy tuân theo những chỉ dẫn an toàn được nêu ra trong phần phụ sau đây.
7.10.1
Đi Bộ
Khi đi bộ:
-
Nếu có thể, hãy đi ngược hướng xe lưu thông.
-
Đi trong vùng được chiếu sáng khi trời tối.
-
Thay đổi lộ trình và thời gian anh chị em đi lại trong khu vực của mình. Tuân theo những thúc giục thuộc linh để thay đổi lộ trình hoặc thói quen hằng ngày.
Hãy xem đoạn video này để có thêm thông tin về an toàn khi đi bộ.
7.10.2
Đi Xe Đạp
Khi đi xe đạp:
-
Tuân theo những chỉ dẫn và luật an toàn khi đi xe đạp, bao gồm cả việc đội một chiếc nón bảo hiểm được chứng nhận an toàn, sử dụng đồ phản quang, và sử dụng tín hiệu bằng tay khi phù hợp.
-
Đừng bao giờ cho rằng anh chị em có quyền ưu tiên.
-
Cố gắng tránh đi xe đạp khi thời tiết xấu, lưu lượng giao thông dày đặc, hoặc sau khi trời tối. Tránh đạp xe dàn hàng ngang hoặc quá gần nhau.
-
Hãy giữ khoảng cách an toàn với người bạn đồng hành của anh chị em nhưng vẫn ở trong tầm nhìn.
-
Giữ cho xe đạp của anh chị em trong tình trạng tốt, bao gồm cả đèn pha, đèn sau xe, và miếng phản quang bên hông và phía sau xe.
-
Khóa xe đạp của anh chị em lại khi không sử dụng.
Hãy xem đoạn video này để có thêm thông tin về an toàn khi đi xe đạp.
7.10.3
Sử Dụng Phương Tiện Di Chuyển
Nếu anh chị em được chỉ định để lái xe trong phái bộ truyền giáo của mình, thì chỉ vận hành xe của phái bộ truyền giáo mà thôi. Để lái một chiếc xe của phái bộ truyền giáo, anh chị em phải có bằng lái hợp pháp trong đất nước nơi mà anh chị em đang phục vụ, cho thấy rằng anh chị em hiểu những tiêu chuẩn xe cộ của phái bộ truyền giáo, và đã được các vị lãnh đạo phái bộ truyền giáo chấp thuận. Hãy tuân theo những chỉ dẫn sau đây:
-
Hãy hiểu rằng cả anh chị em lẫn người bạn đồng hành của mình đều có trách nhiệm cho sự an toàn, bất kể người nào lái xe.
-
Cài dây an toàn, lái xe một cách cẩn thận, bật đèn pha ngày hay đêm, và tỉnh táo cùng cảnh giác dù cho anh chị em là hành khách hay người lái xe.
-
Nếu anh chị em lái xe, thì đừng bị phân tâm vì bất cứ điều gì, bao gồm cả việc sử dụng thiết bị di động hay hệ thống âm thanh trong xe.
-
Nếu anh chị em là hành khách, thì hãy luôn tỉnh táo để hỗ trợ người lái xe.
-
Nếu anh chị em là hành khách, hãy đứng ở một khoảng cách an toàn bên ngoài xe để hướng dẫn người lái xe khi người ấy lùi xe lại.
-
Vì lý do an toàn và trách nhiệm pháp lý, anh chị em không được chở bất kỳ người nào khác ngoại trừ những người truyền giáo trọn thời gian cùng giới tính với mình.
-
Hạn chế lái xe trong số dặm (kilômét) được cho phép.
-
Đừng sửa đổi kim đồng hồ hoặc bất kỳ thiết bị an toàn nào đã được lắp đặt trong xe.
-
Giữ cho xe được sạch sẽ và vận hành tốt.
-
Nếu anh chị em bị tai nạn, thì hãy tham khảo bộ tài liệu Việc Cần Làm Nếu Anh Chị Em bị Tai Nạn, mà có trong ngăn đựng đồ gần vô lăng xe. Liên lạc với người điều phối xe của phái bộ truyền giáo ngay khi an toàn để liên lạc.
Hãy xem đoạn video này để có thêm thông tin về an toàn xe cộ.
7.10.4
Sử Dụng Phương Tiện Giao Thông Công Cộng
Khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng:
-
Chỉ sử dụng phương tiện giao thông công cộng được phái bộ truyền giáo của anh chị em chấp thuận.
-
Hãy quen với các tuyến đường giao thông công cộng và khu vực nơi anh chị em đi lại.
-
Ngồi gần người lái xe nếu được. Đặt túi xách trước mặt anh chị em nếu an toàn để làm vậy.
7.11
Các Giáo Lễ và Các Phước Lành của Chức Tư Tế
Hãy sử dụng những chỉ dẫn tổng quát này cho việc thực hiện các giáo lễ và ban các phước lành chức tư tế. Thông tin trong phần này được tóm lược lại từ chương 20 của Handbook 2: Administering the Church (năm 2010).
Ghi Chú: Như đã được giải thích trong những phần sau đây, một vài giáo lễ phải được cho phép bởi vị thẩm quyền chủ tọa là người nắm giữ các chìa khóa thích hợp.
7.11.1
Phục Sự trong Chức Tư Tế: Các Hướng Dẫn Tổng Quát dành cho Người Nắm Giữ Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc
Những người nắm giữ Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc phải luôn nỗ lực để xứng đáng và được hướng dẫn bởi Đức Thánh Linh. Họ cần thực hiện mỗi giáo lễ hoặc ban phước lành một cách nghiêm túc, đảm bảo rằng việc đó đáp ứng những yêu cầu sau đây:
-
Giáo lễ hoặc phước lành cần được thực hiện trong danh của Chúa Giê Su Ky Tô.
-
Giáo lễ hoặc phước lành cần được thực hiện bởi thẩm quyền của chức tư tế.
-
Giáo lễ hoặc phước lành cần được thực hiện theo bất kỳ thủ tục nào cần thiết, như sử dụng những lời lẽ được quy định hoặc sử dụng dầu đã được thánh hóa.
-
Giáo lễ hoặc phước lành cần phải được sự cho phép của vị thẩm quyền chủ tọa là người nắm giữ các chìa khóa thích hợp (thường là vị giám trợ, chủ tịch giáo khu, hoặc chủ tịch phái bộ truyền giáo), nếu cần, dựa theo những chỉ dẫn trong chương này.
Những người ban các phước lành chức tư tế nói những lời ban phước lành (“Tôi [hoặc chúng tôi] ban phước cho anh/chị/em rằng …”) thay vì nói một lời cầu nguyện (“Thưa Cha Thiên Thượng, xin Cha ban phước cho người này rằng …”).
Khi có nhiều anh em tham gia vào một giáo lễ hoặc phước lành, thì mỗi người đặt nhẹ tay phải của mình lên trên đầu của người thụ lễ (hoặc ở bên dưới đứa bé đang được ban phước) và đặt tay trái lên trên vai của người đứng ở bên trái mình.
Chỉ có các anh em nắm giữ chức tư tế cần thiết và là người xứng đáng mới có thể thực hiện một giáo lễ hoặc ban phước lành. Như được hướng dẫn bởi Thánh Linh, các vị giám trợ và chủ tịch giáo khu có toàn quyền để mời các anh em chức tư tế (mà không hoàn toàn xứng đáng để đi đền thờ) thực hiện hoặc tham gia trong vài giáo lễ và lễ ban phước lành (xin xem Handbook 2: Administering the Church, mục 20.1.2).
Việc mời gọi một số đông gia đình, bạn bè, và các vị lãnh đạo để hỗ trợ trong một giáo lễ hoặc lễ ban phước lành không được khuyến khích vì điều đó có thể hơi kỳ lạ cho một số người và có thể khiến mọi người cảm thấy bất tiện khi thực hiện giáo lễ.
7.11.2
Làm Phép Báp Têm
Chủ tịch phái bộ truyền giáo nắm giữ các chìa khóa để làm lễ báp têm cho những người cải đạo. Dưới sự hướng dẫn của vị thẩm quyền chủ tọa, một thầy tư tế hoặc một người nắm giữ Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc xứng đáng có thể thực hiện giáo lễ báp têm. Để thực hiện phép báp têm, người ấy:
-
Đứng trong nước với người chịu phép báp têm.
-
Giữ cổ tay phải của người chịu phép báp têm bằng bàn tay trái của mình (để cho thuận tiện và an toàn); người chịu phép báp têm nắm lấy cổ tay trái của người nắm giữ chức tư tế bằng bàn tay trái của mình.
-
Giơ cánh tay phải của mình lên thành hình góc vuông.
-
Đọc rõ họ và tên đầy đủ của người thụ lễ và nói: “Với tư cách là người đã được Chúa Giê Su Ky Tô phong quyền, tôi làm phép báp têm cho anh (chị, em) trong danh của Đức Chúa Cha, và của Đức Chúa Con, và của Đức Thánh Linh. A Men” (Giáo Lý và Giao Ước 20:73).
-
Cho phép người thụ lễ bịt mũi của mình lại bằng bàn tay phải (để cho thuận tiện). Người nắm giữ chức tư tế đặt bàn tay phải của mình trên lưng của người thụ lễ và dìm người đó xuống dưới nước hoàn toàn, bao gồm cả quần áo của người đó.
-
Giúp người ấy ra khỏi nước.
Như được mô tả trong Handbook 2: Administering the Church, mục 20.3.7, hai nhân chứng đảm bảo rằng mỗi phép báp têm được thực hiện một cách chính xác. Phép báp têm cần phải được làm lại nếu lời lẽ không được nói chính xác theo như điều đã được nêu trong Giáo Lý và Giao Ước 20:73 hoặc một phần cơ thể hay quần áo của người thụ lễ không được dìm hoàn toàn xuống dưới nước.
7.11.3
Làm Lễ Xác Nhận
Chủ tịch phái bộ truyền giáo nắm giữ các chìa khóa để làm lễ xác nhận cho những người cải đạo. Tuy nhiên, vị giám trợ giám sát việc thực hiện tất cả các lễ xác nhận. Ông đảm bảo rằng những người cải đạo đều được làm lễ xác nhận trong một buổi lễ Tiệc Thánh ở trong tiểu giáo khu nơi họ sinh sống, tốt hơn hết là vào ngày Chủ Nhật ngay sau lễ báp têm của họ. Người cải đạo không được làm lễ xác nhận tại buổi lễ báp têm.
Một hoặc nhiều người nắm giữ Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc có thể tham gia lễ xác nhận. Họ đặt nhẹ tay lên đầu của người thụ lễ. Rồi người thực hiện giáo lễ:
-
Nói rõ họ và tên đầy đủ của người thụ lễ.
-
Nói rõ rằng giáo lễ này được thực hiện bởi thẩm quyền của Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc.
-
Xác nhận người thụ lễ là tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô.
-
Sử dụng những từ “Hãy tiếp nhận Đức Thánh Linh” (chứ không phải là “hãy tiếp nhận ân tứ Đức Thánh Linh”).
-
Đưa ra lời ban phước theo như Thánh Linh hướng dẫn.
-
Kết thúc trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô.
7.11.4
Thánh Hóa Dầu
Một hoặc nhiều hơn những người nắm giữ Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc cần phải thánh hóa dầu ô liu trước khi được sử dụng để xức dầu cho người bệnh hoặc người đau khổ. Không được sử dụng loại dầu nào khác. Để thánh hóa dầu, một người nắm giữ chức tư tế:
-
Cầm một bình đựng dầu ô liu đã mở nắp.
-
Thưa cùng Cha Thiên Thượng.
-
Nói rõ rằng mình đang hành động bởi thẩm quyền của Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc.
-
Thánh hóa dầu (chứ không phải cái bình đựng) và biệt riêng nó ra cho việc xức dầu và ban phước cho người bệnh và người đau khổ.
-
Kết thúc trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô.
7.11.5
Ban Phước cho Người Bệnh và Người Đau Khổ
Chúa Giê Su truyền giao thẩm quyền chức tư tế cho các Vị Sứ Đồ của Ngài “[để chữa lành bệnh, và] ban cho quyền phép đuổi quỉ” (Mác 3:15). Những Người Nắm Giữ Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc có cùng thẩm quyền đó. Hãy sử dụng ân tứ này một cách thích hợp và thường xuyên.
Chỉ có những người nắm giữ Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc mới có thể ban phước cho người bệnh hoặc người đau khổ. Thông thường hai hoặc nhiều hơn hai người nắm giữ chức tư tế ban phước cho người bệnh, nhưng nếu cần thiết thì một người có thể một mình thực hiện cả hai việc xức dầu lẫn ấn chứng lễ xức dầu.
Nếu không có dầu đã được thánh hóa, một phước lành vẫn có thể được ban cho bởi thẩm quyền của chức tư tế mà không có lễ xức dầu.
Một người cha nắm giữ Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc thường ban phước cho những người bị bệnh trong gia đình mình.
Các anh em nên ban phước cho người bệnh khi nhận được yêu cầu từ người bệnh hoặc từ những người thân cận của người bệnh để cho phước lành này sẽ tùy thuộc vào đức tin của họ. Những người nắm giữ Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc đến thăm người bệnh ở bệnh viện không nên nài xin cơ hội để ban phước cho người đó.
Nếu một người đề nghị nhiều hơn một phước lành cho cùng một căn bệnh, thì người nắm giữ chức tư tế không cần xức dầu sau lần ban phước đầu tiên. Thay vào đó, người ấy ban cho một phước lành bằng phép đặt tay lên đầu và bởi thẩm quyền của chức tư tế.
Việc ban phước cho người bệnh có hai phần: (1) xức dầu với dầu đã được thánh hóa và (2) ấn chứng lễ xức dầu.
Xức Dầu với Dầu Đã Được Thánh Hóa
Lễ xức dầu được thực hiện bởi một người nắm giữ Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc. Người ấy:
-
Nhỏ một giọt dầu đã được thánh hóa lên trên đầu của người bệnh.
-
Đặt nhẹ tay lên trên đầu của người bệnh và gọi người thụ lễ bằng họ và tên đầy đủ của người ấy.
-
Nói rõ rằng mình đang hành động bởi thẩm quyền của Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc.
-
Nói rõ rằng mình đang xức dầu mà đã được thánh hóa để xức dầu và ban phước cho người bệnh và người đau khổ.
-
Kết thúc trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô.
Ấn Chứng Lễ Xức Dầu
Thông thường, hai hoặc nhiều hơn hai người nắm giữ Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc đặt nhẹ tay của mình lên đầu của người thụ lễ để ấn chứng lễ xức dầu; tuy nhiên, nếu cần thiết, một người nắm giữ Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc có thể thực hiện một mình. Khi ấn chứng lễ xức dầu, người nắm giữ Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc:
-
Gọi người thụ lễ bằng họ và tên đầy đủ của người ấy.
-
Nói rõ rằng mình đang ấn chứng lễ xức dầu bởi thẩm quyền của Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc.
-
Đưa ra những lời ban phước theo như Thánh Linh hướng dẫn.
-
Kết thúc trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô.
7.11.6
Ban Các Phước Lành An Ủi và Khuyên Bảo
Những người nắm giữ Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc có thể ban các phước lành để an ủi và khuyên bảo cho người khác khi họ yêu cầu. Để thực hiện ban phước lành này, một hoặc nhiều người nắm giữ Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc đặt nhẹ tay lên đầu của người thụ lễ. Sau đó người nắm giữ chức tư tế mà ban phước:
-
Gọi người thụ lễ bằng họ và tên đầy đủ của người ấy.
-
Nói rõ rằng phước lành này được thực hiện bởi thẩm quyền của Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc.
-
Đưa ra những lời ban phước theo như Thánh Linh hướng dẫn.
-
Kết thúc trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô.
Những người truyền giáo mà ban các phước lành cho tín hữu nên trực tiếp báo cáo các phước lành lên vị giám trợ của tín hữu hoặc thông qua chủ tịch nhóm túc số các anh cả hoặc người lãnh đạo truyền giáo tiểu giáo khu, là người mà sau đó sẽ báo cho vị giám trợ.