2
Tổ Chức và Các Sinh Hoạt Truyền Giáo
2.0
Lời Giới Thiệu
Chúa đã phán rằng “Các người phải tự tổ chức và chỉ định cho mọi người công việc quản lý của họ” (Giáo Lý và Giao Ước 104:11). Phần này trong sách hướng dẫn này mô tả tổ chức phái bộ truyền giáo và giải thích cách hữu hiệu nhất để anh chị em có thể làm việc và sống cùng một người bạn đồng hành, tham gia các sinh hoạt trong công việc truyền giáo, hoạch định lịch trình hằng ngày, và phục vụ người khác với tình yêu thương thanh khiết của Đấng Ky Tô (xin xem Mô Rô Ni 7:44–47).
Để rõ ràng, các tiêu chuẩn này sử dụng cụm từ những người lãnh đạo truyền giáo trẻ tuổi để nói đến những người truyền giáo có sự chỉ định lãnh đạo, như là những người bạn đồng hành trưởng, các chị truyền giáo lãnh đạo huấn luyện, hoặc các lãnh đạo khu bộ. Các vị lãnh đạo phái bộ truyền giáo nói đến vị chủ tịch phái bộ truyền giáo của anh chị em, là người nắm giữ các chìa khóa chức tư tế, và vợ của ông.
Những tiêu chuẩn này cũng sử dụng các cụm từ vị giám trợ, vị chủ tịch giáo khu, tiểu giáo khu, và giáo khu. Hãy áp dụng những hướng dẫn liên quan phù hợp với chủ tịch chi nhánh, chủ tịch giáo hạt, các chi nhánh, và các khu vực tín hữu.
2.1
Vai Trò Lãnh Đạo trong Phái Bộ Truyền Giáo
Trách nhiệm quan trọng nhất của anh chị em, bất kể trong sự chỉ định lãnh đạo nào, là làm một người truyền giáo trung tín và tận tâm. Lời khuyên nhủ này từ Chúa được ghi lại trong Giáo Lý và Giao Ước cũng áp dụng cho anh chị em: “Điều quý giá nhất đối với ngươi sẽ là đi rao truyền sự hối cải cho [thế hệ] này, để ngươi có thể đem loài người về cùng ta” (Giáo Lý và Giao Ước 15:6).
2.1.1
Các Vị Lãnh Đạo Phái Bộ Truyền Giáo: Vợ Chồng Vị Chủ Tịch Phái Bộ Truyền Giáo của Anh Chị Em
Vợ chồng vị chủ tịch phái bộ truyền giáo của anh chị em cùng nhau phục vụ với tư cách là những người lãnh đạo phái bộ truyền giáo của anh chị em; họ đã được Thượng Đế kêu gọi và được sắc phong để lãnh đạo phái bộ truyền giáo này. Cùng với nhau, họ yêu thương và phục vụ anh chị em, giúp anh chị em đạt được mục đích của mình với tư cách là người truyền giáo, và giúp giữ cho anh chị em an toàn và hạnh phúc.
Những vị lãnh đạo phái bộ truyền giáo của anh chị em chia sẻ nhiều trách nhiệm đối với phái bộ truyền giáo. Họ sẽ cùng nhau làm việc để hỗ trợ và khích lệ anh chị em, lắng nghe những mối bận tâm của anh chị em, giải đáp các thắc mắc, đánh giá sự tiến triển, và cho lời khuyên bảo. Bởi vì vị chủ tịch phái bộ truyền giáo của anh chị em nắm giữ những chìa khóa chức tư tế nhất định, ông hành động với tư cách là một vị phán quan thông thường trong phái bộ truyền giáo. Sự phạm giới về tình dục và các tội lỗi nghiêm trọng khác cần phải được thú nhận với vị chủ tịch phái bộ truyền giáo của anh chị em (xin xem Mô Si A 26:29–30). Hãy hoàn toàn thành thật với ông. Ông sẽ giúp anh chị em hối cải (xin xem Cổ Vũ Sức Mạnh của Giới Trẻ [năm 2011], trang 28–29).
Anh chị em có thể mời vợ của vị chủ tịch phái bộ truyền giáo, một người truyền giáo trưởng, hoặc người bạn truyền giáo đồng hành của mình tham dự bất kỳ cuộc phỏng vấn nào với vị chủ tịch phái bộ truyền giáo. Quyết định của anh chị em để mời một ai đó cùng tham dự sẽ không làm giảm đi tình yêu thương, sự quan tâm, và lòng cảm phục của các vị lãnh đạo phái bộ truyền giáo dành cho anh chị em.
2.1.2
Chủ Tịch Đoàn Phái Bộ Truyền Giáo
Vị chủ tịch phái bộ truyền giáo chủ tọa phái bộ truyền giáo với các chìa khóa chức tư tế. Ông là một thành viên trong chủ tịch đoàn phái bộ truyền giáo cùng hai người cố vấn.
Những người cố vấn trong chủ tịch đoàn phái bộ truyền giáo giúp tổ chức và hỗ trợ công việc, giống như những người cố vấn trong chủ tịch đoàn giáo khu hoặc giám trợ đoàn. Những người cố vấn trong chủ tịch đoàn phái bộ truyền giáo không giải quyết các vấn đề về sự xứng đáng của người truyền giáo.
2.1.3
Tổ Chức Lãnh Đạo Phái Bộ Truyền Giáo
Vị chủ tịch phái bộ truyền giáo sử dụng sự mặc khải và các chìa khóa chức tư tế để tổ chức công việc. Ông chỉ định những người truyền giáo trẻ tuổi làm người huấn luyện, người bạn đồng hành trưởng, người lãnh đạo chi bộ, chị truyền giáo lãnh đạo huấn luyện, người lãnh đạo khu bộ, và những người phụ tá. Những người phụ tá, những người truyền giáo văn phòng, và những người truyền giáo khác không đưa ra sự chỉ định lãnh đạo truyền giáo hoặc chỉ định khu vực mà anh chị em phục vụ. Tuy nhiên, vị chủ tịch phái bộ truyền giáo có thể bàn bạc với vợ của ông hoặc những người phụ tá về các chỉ định dành cho người truyền giáo.
Các vị lãnh đạo phái bộ truyền giáo của anh chị em và những người phụ tá, người lãnh đạo khu bộ, và các chị truyền giáo lãnh đạo huấn luyện là thành viên của hội đồng lãnh đạo phái bộ truyền giáo. Những người lãnh đạo này hội ý về cách đáp ứng các nhu cầu của những người truyền giáo và lập kế hoạch giúp đỡ phái bộ tiến triển và xúc tiến công việc.
2.1.4
Các Trách Nhiệm của Những Người Lãnh Đạo Truyền Giáo Trẻ Tuổi
Những người lãnh đạo truyền giáo trẻ tuổi, giống như mọi người truyền giáo khác, làm theo lời khuyên dạy của Chúa Giê Su Ky Tô để “phục vụ Thượng Đế với tất cả tấm lòng, năng lực, tâm trí, và sức mạnh” và “ghi nhớ đức tin, đức hạnh, sự hiểu biết, tính ôn hòa, lòng kiên nhẫn, tình thương yêu anh em, sự tin kính, lòng bác ái, sự khiêm nhường, sự cần mẫn” (Giáo Lý và Giao Ước 4:2, 6). Những sự chỉ định lãnh đạo không biểu lộ sự công nhận đặc biệt hoặc sự thăng tiến hay phản ánh giá trị của một người truyền giáo.
Những người lãnh đạo truyền giáo trẻ tuổi có trách nhiệm để:
-
Tìm kiếm, giảng dạy, báp têm, và gây dựng tình bạn.
-
Là tấm gương về những tiêu chuẩn hành xử của người truyền giáo (xin xem mục 3.0).
-
Huấn luyện những người truyền giáo khác và hướng dẫn những sự hoán đổi bạn đồng hành (xin xem mục 2.3.1).
-
Chia sẻ thông tin và phương hướng từ hội đồng lãnh đạo phái bộ cho những người truyền giáo mà họ hướng dẫn.
-
Yêu thương và giúp đỡ những người truyền giáo khác. Giúp họ nhận ra giá trị các nỗ lực của họ.
-
Lắng nghe những mối bận tâm của những người truyền giáo khác. Ủng hộ và cho lời khuyên.
-
Khi cần thiết, hãy chỉnh đốn những người truyền giáo khác một cách ân cần và kín đáo, sau đó bày tỏ “tình thương yêu gấp bội” (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 121:41–43).
-
Làm việc sát sao với những vị lãnh đạo và tín hữu tại địa phương.
Giống như mọi người truyền giáo, các anh cả và chị truyền giáo được chỉ định lãnh đạo cần luyện tập cách lãnh đạo giống như Đấng Ky Tô. Nếu cách hành xử của bất kỳ người truyền giáo nào, kể cả những người lãnh đạo truyền giáo trẻ tuổi, dường như trái với các lệnh truyền và các tiêu chuẩn của người truyền giáo, thì hãy thảo luận vấn đề này với người truyền giáo đó. Nếu vấn đề vẫn không được giải quyết, thì hãy chia sẻ mối bận tâm của anh chị em với những người lãnh đạo truyền giáo trẻ tuổi hoặc vị chủ tịch phái bộ truyền giáo mà không phải với những người truyền giáo khác, các tín hữu, hoặc bạn bè.
Để có thêm thông tin về những sự chỉ định và các trách nhiệm cụ thể của những người lãnh đạo truyền giáo trẻ tuổi (những người huấn luyện, người bạn đồng hành trưởng, người lãnh đạo chi bộ, chị truyền giáo lãnh đạo huấn luyện, người lãnh đạo khu bộ, và các phụ tá cho vị chủ tịch), xin xem mục 7.1 “Các Trách Nhiệm của Người Lãnh Đạo Truyền Giáo Trẻ Tuổi.”
2.1.5
Các Trách Nhiệm Cá Nhân
“[Hãy] làm vinh hiển chức vụ của [anh chị em] trong Chúa” (Gia Cốp 1:19), trở nên tự lực về mặt thuộc linh, và “hành động lấy một mình” (2 Nê Phi 2:16) bằng cách tin cậy Chúa và nghe theo Thánh Linh. Khi anh chị em có câu hỏi hoặc những lo lắng:
-
Hãy áp dụng lời giảng dạy “phải nghiên cứu kỹ trong tâm trí mình; rồi … hỏi ta xem điều đó có đúng không” (Giáo Lý và Giao Ước 9:8).
-
Hãy tìm kiếm sự hướng dẫn qua sự mặc khải cá nhân; lời cầu nguyện; và học hỏi thánh thư (đặc biệt là Sách Mặc Môn), Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta, những lời giảng dạy của các vị tiên tri tại thế, và những tiêu chuẩn này.
Nếu anh chị em cần thêm sự giúp đỡ sau khi đã áp dụng những nguyên tắc này, thì hãy hỏi người bạn đồng hành của mình hoặc những người lãnh đạo truyền giáo trẻ tuổi. Thường thì họ có thể giúp anh chị em tìm câu trả lời cho những câu hỏi của anh chị em và giải quyết những lo lắng của anh chị em. Nếu không thì hãy tìm đến hoặc những vị lãnh đạo phái bộ, cha mẹ, hoặc những vị lãnh đạo chức tư tế ở quê nhà của anh chị em. Xin đừng liên lạc với Giáo Hội trung ương. Nếu làm như vậy, thì anh chị em sẽ được chuyển lại cho vị chủ tịch phái bộ của mình xem xét.
Hãy nói chuyện với vị chủ tịch phái bộ truyền giáo của anh chị em những vấn đề về sự xứng đáng. Hãy nói chuyện với một trong hai vị lãnh đạo phái bộ của anh chị em về những lo lắng về sự an toàn trước mắt, kể cả các vấn đề tấn công hoặc lạm dụng, hoặc các vấn đề khác mà không được giải quyết với những người truyền giáo khác.
Có những lúc trong thời gian truyền giáo khi anh chị em cảm thấy khó để tập trung vào công việc của mình bởi những thử thách hiện tại, những vấn đề cá nhân hoặc gia đình, hoặc thậm chí những kinh nghiệm trong quá khứ. Điều đó cũng dễ hiểu. Đừng ngần ngại để chia sẻ những lo lắng của anh chị em với người bạn đồng hành của mình, những người lãnh đạo truyền giáo trẻ tuổi, hoặc một trong hai vị lãnh đạo phái bộ của anh chị em và hãy tìm đến họ để được hỗ trợ.
Hãy ghi nhớ lời mời của Đấng Cứu Rỗi: “Hãy hướng về ta trong mọi ý nghĩ; chớ nghi ngờ, và chớ sợ hãi. Hãy nhìn xem những vết thương xuyên thủng sườn ta và những dấu đinh đóng trên tay và chân ta; hãy trung thành, hãy tuân giữ các giáo lệnh của ta, rồi các ngươi sẽ được thừa hưởng vương quốc thiên thượng. A Men” (Giáo Lý và Giao Ước 6:36–37).
2.2
Người Bạn Đồng Hành
Chúa kêu gọi những người truyền giáo đi thuyết giảng phúc âm Ngài theo từng cặp bạn đồng hành. “Họ phải đi từng cặp một, và họ phải thuyết giảng, trên đường đi khi tới mỗi hội chúng, làm phép báp têm bằng nước và làm phép đặt tay ngay bên bờ nước” (Giáo Lý và Giao Ước 52:10). Anh chị em sẽ làm việc với những người bạn đồng hành khác nhau trong suốt thời gian truyền giáo của mình. Những người bạn đồng hành:
-
Trở nên hiệp một trong công việc và cùng nhau làm chứng về Chúa Giê Su Ky Tô.
-
Hỗ trợ cho sức khỏe thuộc linh, cảm xúc, và thể chất của nhau.
-
Cố gắng giữ cho nhau an toàn.
-
Chịu trách nhiệm với nhau trong việc tuân giữ các tiêu chuẩn của người truyền giáo.
2.2.1
Hỗ Trợ Lẫn Nhau
Các cặp bạn đồng hành nên giúp nhau học hỏi, phát triển, và trau dồi những thuộc tính giống như Đấng Ky Tô (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 4 và “Làm Thế Nào Tôi Phát Triển Các Thuộc Tính Giống Như Đấng Ky Tô?” trong Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta [năm 2018], chương 6). Việc học tính kiên nhẫn và tình yêu thương, luyện tập cách để tha thứ, và chấp nhận những sự khác biệt trong tính cách của mỗi người sẽ ban phước cho anh chị em trong suốt cuộc sống của mình.
Là những người bạn đồng hành, hãy:
-
Yêu thương, tôn trọng, và củng cố lẫn nhau.
-
Cùng nhau học tập mỗi ngày và cùng nhau cầu nguyện thường xuyên trong ngày.
-
Khiêm nhường và ghi nhận những ưu điểm của nhau.
-
Đối xử với nhau theo cách anh chị em muốn được đối xử.
-
Tránh chỉ trích và bất hòa.
-
Tránh nói những điều tiêu cực về nhau cho những người truyền giáo khác, các tín hữu Giáo Hội, hoặc gia đình và bạn bè tại quê nhà.
Nếu anh chị em nhận thấy bất kỳ tình huống hoặc hành vi không phù hợp nào, thì hãy trao đổi điều đó với người bạn đồng hành của mình. Nếu vấn đề không được giải quyết, hoặc nếu người bạn đồng hành trở nên ngược đãi anh chị em, thì hãy dũng cảm và yêu thương người bạn đồng hành của mình để xin sự giúp đỡ từ vị chủ tịch phái bộ truyền giáo (xin xem mục 3.9.2).
2.2.2
Ở Cùng Nhau
Việc ở cùng người bạn đồng hành của anh chị em sẽ giúp mang lại sự bảo vệ khỏi những mối nguy hiểm thế tục và thuộc linh, những lời cáo buộc oan, và sự cô đơn. Hãy vâng theo tiêu chuẩn này của người truyền giáo ở mọi nơi và mọi lúc. Đừng bao giờ ở một mình.
-
Anh chị em cần có thể thấy được và nghe được người bạn đồng hành của mình mọi lúc trừ khi ở trong phòng tắm, khi phỏng vấn với một vị lãnh đạo phái bộ truyền giáo, hoặc khi đang thực hiện một cuộc phỏng vấn về phép báp têm (xin xem mục 2.3.6).
-
Anh chị em cần phải ngủ trong cùng một phòng nhưng không cùng một giường.
-
Khi làm những việc cá nhân ở trong nhà của mình, hãy sử dụng óc phán đoán để bảo vệ bản thân và tuân theo các tiêu chuẩn về hành vi của người truyền giáo (xin xem mục 3.0).
-
Đừng tạo ra thời gian để ở một mình. Ví dụ, đừng thức khuya hơn hoặc dậy sớm hơn người bạn đồng hành của anh chị em.
-
Nếu anh chị em và người bạn đồng hành bị tách rời nhau, thì hãy liên lạc với vị chủ tịch phái bộ truyền giáo ngay lập tức.
2.2.3
Làm Việc trong Khu Vực của Anh Chị Em
“[Hãy] đi làm việc với hết sức lực của mình” (Gia Cốp 5:72), và tập trung những nỗ lực của anh chị em vào khu vực được chỉ định để giảng dạy của mình. Hãy tập trung công việc của anh chị em vào những nơi mà anh chị em có nhiều khả năng giúp người khác lập và tuân giữ các giao ước hơn. Ví dụ, hãy tập trung vào khu vực dân cư ở gần tòa nhà giáo hội hoặc trong khu vực nơi có các tín hữu trung tín sinh sống. Hãy nhớ lời hứa này của Chúa: “Kẻ nào tiếp nhận các ngươi thì ta cũng sẽ ở đó” (Giáo Lý và Giao Ước 84:88).
Anh chị em có thể rời khỏi khu vực được chỉ định của mình để hoán đổi người bạn đồng hành (xin xem mục 2.3.1) hoặc để thuyên chuyển (xin xem mục 2.3.2). Nếu cần rời khỏi khu vực của mình vì lý do khác, thì hãy xin phép người lãnh đạo chi bộ của anh chị em để ra khỏi khu vực của mình mà vẫn ở trong chi bộ, hoặc xin phép những người lãnh đạo khu bộ nếu anh chị em cần phải đi ra bên ngoài chi bộ của mình. Anh chị em cần sự cho phép từ vị chủ tịch phái bộ truyền giáo của mình, hoặc người mà ông ủy thác, để rời khỏi khu bộ của mình.
Nếu anh chị em cần rời khỏi khu vực được chỉ định của mình bởi lý do khẩn cấp, như là thiên tai hoặc bị tấn công hoặc để tìm sự chữa trị y tế khẩn cấp, thì hãy ưu tiên cho sự an toàn hoặc sự chăm sóc y tế trước, và rồi liên lạc với vị chủ tịch phái bộ truyền giáo hoặc những người lãnh đạo truyền giáo trẻ tuổi của mình ngay khi có thể.
2.2.4
Làm Việc với Những Người ở Bên Ngoài Khu Vực của Anh Chị Em
Trong công việc truyền giáo của mình, anh chị em sẽ có khả năng gặp những người sống bên ngoài khu vực được chỉ định cho mình. Nếu họ có hứng thú với việc học hỏi về phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô, thì anh chị em có thể:
-
Chia sẻ một sứ điệp với họ.
-
Kết nối với họ qua phương tiện truyền thông xã hội đã được phê duyệt (xin xem mục 7.5.6).
-
Giới thiệu họ với những người truyền giáo tại nơi họ sinh sống và chia sẻ thông tin về họ cho những người truyền giáo được chỉ định (xin xem mục 2.3.4).
-
Với sự cho phép của vị chủ tịch phái bộ truyền giáo, hãy sử dụng công nghệ (xin xem mục 7.5.4) để làm việc với những người truyền giáo ở nơi những người đó sống để giúp giảng dạy và hỗ trợ họ. Anh chị em cũng có thể mời gia đình và bạn bè của chính mình giúp giảng dạy họ, khi được cho phép (xin xem mục 3.9.5).
Khi làm việc với những người truyền giáo hoặc tín hữu ở cả bên trong và bên ngoài khu vực hoặc phái bộ của anh chị em:
-
Hãy cùng nhau bàn bạc để biết cách giúp đỡ tốt nhất cho người đang mong muốn đến gần Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô hơn.
-
Hãy tôn trọng thời gian của các tín hữu hoặc những người truyền giáo khác.
-
Để cho những người truyền giáo được chỉ định trong khu vực nơi người đó sinh sống chịu trách nhiệm giảng dạy càng sớm càng tốt.
2.3
Các Sinh Hoạt của Công Việc Truyền Giáo
Những người truyền giáo tham gia vào nhiều sinh hoạt đa dạng để làm tròn lệnh truyền của Chúa là “chuẩn bị mọi điều cần thiết” (Giáo Lý và Giao Ước 88:119) nhằm hoàn thành công việc của Ngài. Những sinh hoạt này gồm có việc tham gia vào những sự hoán đổi người bạn đồng hành và thuyên chuyển, làm việc cùng các tín hữu, hồi đáp lại những lời giới thiệu, giảng dạy, tham gia vào các hội đồng và cuộc họp, và phục vụ. Các anh cả cũng có thể thực hiện các cuộc phỏng vấn về phép báp têm như là một phần các sinh hoạt truyền giáo của họ.
2.3.1
Hoán Đổi Người Bạn Đồng Hành
Khi hoán đổi người bạn đồng hành, một người lãnh đạo truyền giáo trẻ tuổi, như là chị truyền giáo lãnh đạo huấn luyện hoặc người phụ tá cho chủ tịch, sẽ làm việc cùng một người truyền giáo khác. Trong thời gian hoán đổi, người lãnh đạo sẽ giảng dạy, huấn luyện, và học hỏi từ người truyền giáo kia. Người lãnh đạo sẽ tuân theo lời khuyên nhủ của Chúa được tìm thấy trong Giáo Lý và Giao Ước để củng cố người truyền giáo kia “trong mọi ngôn từ, trong mọi lời cầu nguyện, trong mọi lời khuyên nhủ, và trong mọi hành vi của mình” (Giáo Lý và Giao Ước 108:7).
Những người lãnh đạo truyền giáo trẻ tuổi chịu trách nhiệm hoạch định sự hoán đổi với những người truyền giáo mà họ lãnh đạo. Các chị truyền giáo tổ chức hoán đổi với những chị truyền giáo khác, và các anh cả tổ chức hoán đổi với những anh cả khác.
Trong phần lớn các phái bộ, những người lãnh đạo truyền giáo trẻ tuổi thường tổ chức hoán đổi bạn đồng hành một lần trong mỗi đợt thuyên chuyển.
-
Những người lãnh đạo chi bộ tổ chức hoán đổi với từng anh cả trong chi bộ của họ.
-
Những người lãnh đạo khu bộ tổ chức hoán đổi với từng người lãnh đạo chi bộ và khi cần thì với những anh cả khác trong khu bộ của họ.
-
Những chị truyền giáo lãnh đạo huấn luyện tổ chức hoán đổi với từng chị truyền giáo trong một hoặc các khu bộ được chỉ định cho họ.
-
Những người phụ tá cho vị chủ tịch tổ chức hoán đổi với những người lãnh đạo khu bộ hoặc những anh cả khác khi được hướng dẫn bởi vị chủ tịch phái bộ truyền giáo.
-
Sự hoán đổi bạn đồng hành thường kéo dài khoảng 24 giờ. Trong mỗi lần hoán đổi bạn đồng hành, người lãnh đạo truyền giáo trẻ tuổi cần:
-
Tổ chức hoán đổi bạn đồng hành trong khu vực của người lãnh đạo truyền giáo trẻ tuổi đó. Thỉnh thoảng, những sự hoán đổi có thể được tổ chức trong khu vực của người truyền giáo kia khi thích hợp.
-
Hoạch định trước sự hoán đổi.
-
Cùng nhau làm việc để đặt mục tiêu cùng với người truyền giáo kia về những điều cần hoàn thành trong lần hoán đổi. Tham gia vào mọi phần của công việc truyền giáo, gồm có tìm kiếm, giảng dạy, học với bạn đồng hành, học ngôn ngữ (nếu có), hoạch định hằng ngày, và gây dựng tình bạn.
-
Huấn luyện bằng thánh thư và những nguyên tắc trong Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta.
-
Xem lại và thảo luận về những người mà người truyền giáo đang làm việc cùng hoặc những người mà họ đang giảng dạy.
-
Cho người truyền giáo những góp ý cụ thể, hữu ích, bao gồm điều người truyền giáo làm tốt và cách mà người truyền giáo có thể cải thiện.
-
Cởi mở nhận góp ý từ người truyền giáo về các lĩnh vực cần cải thiện.
-
Xem lại và thảo luận điều mà mỗi người truyền giáo đã học trong lần hoán đổi bạn đồng hành.
-
Báo cáo về sự hoán đổi bạn đồng hành trong lá thư hằng tuần gửi cho vị chủ tịch phái bộ truyền giáo.
-
2.3.2
Thuyên Chuyển
Văn phòng phái bộ truyền giáo sẽ sắp xếp chuyến đi cho anh chị em khi có thuyên chuyển sao cho anh chị em không ở một mình. Trong một vài trường hợp, do khoảng cách xa xôi và những lý do khác, vị chủ tịch phái bộ truyền giáo có thể chỉ dẫn khác đi. Trong những hoàn cảnh đó, hãy đặc biệt cẩn trọng, sử dụng óc xét đoán, và làm theo Thánh Linh.
Khi anh chị em được thuyên chuyển:
-
Hãy đi thẳng đến khu vực mới của mình để gặp người bạn đồng hành mới.
-
Đừng ăn uống bất cứ món gì mà anh chị em đã lơ là không để mắt đến trong chuyến đi.
-
Trong chuyến đi, hãy đảm bảo là điện thoại của anh chị em có đủ pin. Nếu đi một mình hơn ba giờ đồng hồ, hãy liên lạc với văn phòng phái bộ truyền giáo theo định kỳ.
Nếu người bạn đồng hành của anh chị em được thuyên chuyển và anh chị em ở lại, thì hãy làm việc với những người truyền giáo khác, theo sự chỉ định của những người lãnh đạo truyền giáo trẻ tuổi của mình, cho đến khi người bạn đồng hành mới đến nơi.
2.3.3
Cơ Hội để Giảng Dạy với Tín Hữu
Hãy mời các tín hữu tham gia cùng anh chị em theo những cách thức đơn giản và tự nhiên khi anh chị em tìm kiếm, giảng dạy, báp têm, và gây dựng tình bạn. Hãy khuyến khích và giúp các tín hữu làm bạn với những người anh chị em đang giảng dạy và mời những người đó tham dự các sinh hoạt của tiểu giáo khu và gia đình. Mời các tín hữu chia sẻ những kinh nghiệm cá nhân phù hợp và chứng ngôn của họ.
Những người truyền giáo cần phải luôn ở cùng nhau theo cặp bạn đồng hành. Không có sự hoán đổi người truyền giáo với các tín hữu. Tuy nhiên, những tín hữu nữ (ít nhất 16 tuổi, nhưng hãy tuân theo các chỉ dẫn dựa trên luật pháp địa phương) có thể đi cùng và giảng dạy với hai hoặc nhiều chị truyền giáo hơn. Những tín hữu nam (ít nhất 16 tuổi, nhưng hãy tuân theo các chỉ dẫn dựa trên luật pháp địa phương) có thể đi cùng và giảng dạy với hai hoặc nhiều anh cả truyền giáo hơn. Những cặp vợ chồng có thể giảng dạy với các anh cả hoặc chị truyền giáo.
2.3.4
Sự Giới Thiệu
Sự giới thiệu là khi một ai đó mời người truyền giáo liên lạc với người đó.
Khi làm việc với những người được giới thiệu cho mình, thì hãy:
-
Liên lạc với những người truyền giáo, tín hữu, hoặc các cá nhân mà đã gửi lời giới thiệu, nếu được. Hội ý với họ về cách để giúp người được giới thiệu.
-
Cố gắng liên lạc với người được giới thiệu càng sớm càng tốt, thường là trong 24 giờ.
-
Lắng nghe và nhận biết cách để giúp người được giới thiệu.
-
Giao tận tay các tài liệu được yêu cầu.
-
Giảng dạy theo nhu cầu và những mối quan tâm của người đó.
-
Tiếp tục làm việc với những người truyền giáo, tín hữu, hoặc các cá nhân mà đã gửi lời giới thiệu (xin xem mục 2.2.4).
Để có thêm thông tin về những sự giới thiệu, xin xem phần “Những Sự Giới Thiệu qua Tín Hữu, Người Truyền Giáo, và Trụ Sở Giáo Hội” trong “Bằng Cách Nào Tôi Tìm Kiếm Những Người để Giảng Dạy?” trong Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta, chương 9.
2.3.5
Các Buổi Họp và Hội Đồng
Những người truyền giáo hội ý cùng nhau khi họ đưa ra và tiếp nhận sự huấn luyện và khi họ hoạch định và phối hợp trong công việc truyền giáo. Các buổi họp và hội đồng nên có Thánh Linh của Chúa và là một thời gian cho sự mặc khải (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 6:32). Thêm vào đó, việc quy tụ với tư cách là những người truyền giáo sẽ mang đến cho anh chị em cơ hội để gây dựng lẫn nhau và hân hoan trong sự lao nhọc cùng nhau (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 43:8; 50:22).
Các buổi họp được tổ chức bởi những cặp đồng hành truyền giáo, những người lãnh đạo truyền giáo trẻ tuổi, và các vị lãnh đạo phái bộ truyền giáo bao gồm như sau:
-
Các phiên họp hoạch định hằng tuần và hằng ngày
-
Các buổi họp hội đồng chi bộ
-
Các đại hội giáo khu
-
Các buổi họp hội đồng lãnh đạo phái bộ truyền giáo
Các buổi họp được tổ chức bởi những vị lãnh đạo địa phương gồm có như sau:
-
Các buổi họp phối hợp với người truyền giáo
-
Các buổi họp hội đồng tiểu giáo khu
2.3.6
Các Cuộc Phỏng Vấn về Phép Báp Têm
Khi thực hiện một cuộc phỏng vấn về phép báp têm, các anh cả cần phải:
-
Xem lại điều Chúa đã phán trong Giáo Lý và Giao Ước 20:37.
-
Làm theo sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh.
-
Hỏi những câu hỏi phỏng vấn về phép báp têm được tìm thấy trong phần “Phép Báp Têm và Lễ Xác Nhận: Câu Hỏi và Câu Trả Lời” trong chương 12 của Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta.
-
Điều chỉnh những câu hỏi này cho phù hợp với độ tuổi và mức độ chín chắn của cá nhân được phỏng vấn.
-
Thông báo cho chủ tịch nhóm túc số các anh cả hoặc người lãnh đạo truyền giáo tiểu giáo khu về cuộc phỏng vấn về phép báp têm.
Nếu người xin được báp têm mong muốn, thì người ấy có thể mời cha mẹ, người phối ngẫu, hoặc người lớn khác tham gia cuộc phỏng vấn về phép báp têm. Hãy nhạy cảm với những cảm nghĩ của một người về người phối ngẫu của người ấy hoặc về con cái ở tuổi vị thành niên đang được phỏng vấn. Hãy làm theo những hướng dẫn trong Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta về cách phỏng vấn và xin sự chấp thuận để làm phép báp têm cho người phối ngẫu hoặc con cái ở tuổi vị thành niên (xin xem “Cách Tiến Hành Cuộc Phỏng Vấn” trong “Làm Thế Nào Tôi Chuẩn Bị Cho Người Khác về Phép Báp Têm và Lễ Xác Nhận?” trong Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta, chương 12).
Những người lãnh đạo chi bộ phỏng vấn người xin được báp têm do những người truyền giáo trong chi bộ họ giảng dạy, kể cả những người được giảng dạy bởi các phụ tá của chủ tịch, những người lãnh đạo khu bộ, và các chị truyền giáo lãnh đạo huấn luyện trong chi bộ đó.
Những người lãnh đạo khu bộ phỏng vấn người xin được báp têm do những người lãnh đạo chi bộ giảng dạy trong khu bộ của họ.
Nếu những người lãnh đạo chi bộ và khu bộ được chỉ định không thể phỏng vấn được, thì vị chủ tịch phái bộ truyền giáo có thể chỉ định một anh cả khác để tiến hành cuộc phỏng vấn.
2.3.7
Phép Báp Têm
Hãy làm việc với chủ tịch nhóm túc số các anh cả hoặc người lãnh đạo truyền giáo tiểu giáo khu để sắp xếp các buổi lễ báp têm (xin xem phần “Buổi Lễ Báp Têm” trong “Làm Thế Nào Tôi Chuẩn Bị Cho Người Khác về Phép Báp Têm và Lễ Xác Nhận?” trong Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta, chương 12). Hãy bắt đầu chuẩn bị buổi lễ báp têm càng sớm càng tốt.
2.4
Các Sinh Hoạt và Lịch Trình Hằng Ngày
Hãy hoạch định lịch trình của anh chị em để làm tròn mục đích của người truyền giáo và tập trung vào nhu cầu của người khác. Hãy ghi nhớ điều Chúa hứa với những ai được kêu gọi để thuyết giảng phúc âm: “Và nếu các ngươi phải lao nhọc suốt đời để rao truyền sự hối cải cho dân này, và chỉ đem được một người về cho ta thôi, thì sự vui mừng của các ngươi cùng với kẻ đó trong vương quốc của Cha ta sẽ lớn lao biết bao!” (Giáo Lý và Giao Ước 18:15).
2.4.1
Những Sinh Hoạt Tiêu Biểu Hằng Ngày
Hãy gồm những sinh hoạt sau đây vào lịch trình hằng ngày của anh chị em:
-
Đặt ra và xem lại các mục tiêu cá nhân, mục tiêu với bạn đồng hành, và mục tiêu của phái bộ truyền giáo.
-
Hoạch định lịch trình của anh chị em cho ngày đó.
-
Chuẩn bị các bài học.
-
Học thánh thư, Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta, những lời giảng dạy của các vị tiên tri và sứ đồ tại thế, và những nguồn tài liệu đã được chấp thuận khác (xin xem mục 2.4.4).
-
Xem lại một chủ đề về sức khỏe hoặc sự an toàn hoặc một trong những biện pháp an toàn khi sử dụng công nghệ (xin xem mục 4.0–4.7).
-
Tìm người để giảng dạy.
-
Làm việc với những vị lãnh đạo và tín hữu địa phương.
-
Phục vụ người khác trong các sinh hoạt đã hoạch định hoặc đột xuất.
-
Chăm sóc cho các nhu cầu cá nhân, như ăn uống và chuẩn bị cho ngày đó.
2.4.2
Lịch Trình Mẫu Hằng Ngày
Lịch trình hằng ngày cho công việc truyền giáo của anh chị em có thể giống như lịch trình sau đây. Các lịch trình hằng ngày có thể được điều chỉnh bởi vị chủ tịch phái bộ đối với những ngày lễ Tết, những sự kiện đặc biệt trong phái bộ, v.v.
6:30 sáng. |
Bắt đầu thức dậy. |
6:30–10:00 sáng. |
Cầu nguyện. Tập thể dục (30 phút). Tắm, ăn sáng, và chuẩn bị cho ngày mới. Học tập cá nhân (60 phút). Hoạch định (30 phút). |
10:00 sáng–9:00 tối. |
Tìm kiếm, giảng dạy, và phục vụ người khác.* Cập nhật hồ sơ kỹ thuật số hoặc hồ sơ giấy trong ngày. Xem lại nhanh một chủ đề sức khỏe hoặc sự an toàn hoặc một trong những biện pháp an toàn khi sử dụng công nghệ. Học tập với bạn đồng hành và chuẩn bị các bài học (30 phút). Học các tài liệu bổ sung dành cho những người truyền giáo mới và những người huấn luyện trong 12 tuần đầu tiên trong khu vực (30–60 phút, nếu có). Học ngôn ngữ truyền giáo của anh chị em (30–60 phút, nếu có). Ăn trưa và tối (không nhiều hơn tổng cộng 2 giờ). |
9:00 tối. |
Quay trở về nhà, trừ khi anh chị em có một cuộc hẹn giảng dạy; nếu có, hãy trở về nhà trước 9:30 tối. |
9:00–9:30 tối. |
Viết nhật ký, chuẩn bị đi ngủ, và cầu nguyện. |
9:30–10:30 tối. |
Đi ngủ. |
*Những sinh hoạt hằng ngày của anh chị em nên tập trung vào việc giao thiệp với người khác. Hãy dàn trải các sinh hoạt hoạch định và học tập trong suốt cả ngày để tránh ở trong căn hộ của mình trong thời gian dài. Nếu thời gian và quãng đường cho phép, thì anh chị em có thể đi đi về về căn hộ nhiều lần trong ngày để đáp ứng những nhu cầu này.
Lịch trình đã được chấp thuận cho phái bộ của anh chị em sẽ cho phép thời gian làm việc, nghỉ ngơi, và tái tập trung. Điều quan trọng là nghỉ ngơi đủ và nạp đủ dinh dưỡng cho sức khỏe thuộc linh, cảm xúc, và thể chất của anh chị em.
2.4.3
Các Phiên Họp Đặt Mục Tiêu và Hoạch Định
Hãy tiến hành các phiên họp hoạch định hằng ngày và hằng tuần với bạn đồng hành của anh chị em. Xem xét nhu cầu của những người anh chị em đang giảng dạy và cách làm việc với các tín hữu khi anh chị em xem lại sự tiến triển, đặt mục tiêu, và lên kế hoạch cho cả ngày và cả tuần (xin xem “Cách Thức Đặt Ra Các Mục Tiêu,” “Phiên Họp Hoạch Định Hằng Tuần,” và “Phiên Họp Hoạch Định Hằng Ngày” trong “Tôi Sử Dụng Thời Giờ Một Cách Khôn Ngoan Như Thế Nào?” trong Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta, chương 8).
2.4.4
Các Phiên Học Tập
Hãy sử dụng thời gian học tập cá nhân và với bạn đồng hành để tập trung vào các thánh thư (đặc biệt là Sách Mặc Môn), Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta, những lời giảng dạy của các vị tiên tri tại thế (có trong Thư Viện Phúc Âm), và những tiêu chuẩn này. Những nguồn tài liệu đã được phê chuẩn này có thể củng cố sự hiểu biết và chứng ngôn của anh chị em về phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô và giúp anh chị em chuẩn bị để đáp ứng nhu cầu của những người anh chị em giảng dạy.
Nếu anh chị em được chỉ định để học một ngôn ngữ mới, thì hãy học và thực hành hằng ngày.
Nếu anh chị em là một người truyền giáo mới, thì hãy học với người huấn luyện của anh chị em thêm 30 đến 60 phút mỗi ngày trong 12 tuần đầu tiên trong khu vực truyền giáo (xin xem “Dành Cho Người Truyền Giáo Mới: Học Tập Thêm với Bạn Đồng Hành” trong “Phần Giới Thiệu: Làm Thế Nào Tôi Có Thể Sử Dụng Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta Một Cách Hữu Hiệu Nhất?” trong Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta).
2.4.5
Bữa Ăn với Người Khác
Nếu phù hợp, vị chủ tịch phái bộ và chủ tịch giáo khu địa phương sẽ cung cấp sự hướng dẫn về việc lên lịch ăn cùng mọi người trong phái bộ của anh chị em. Khi các tín hữu hoặc những người khác chuẩn bị các bữa ăn:
-
Hãy tôn trọng hoàn cảnh riêng và thời gian của họ.
-
Hãy biết ơn về thức ăn mà họ mời anh chị em ăn.
-
Xin phép dạy một bài học 15 hoặc 20 phút trước hoặc sau bữa ăn để củng cố những người anh chị em đến thăm và để cho anh chị em một cơ hội cải thiện khả năng giảng dạy bởi Thánh Linh.
Một người trưởng thành cùng giới tính với anh chị em nên hiện diện cùng anh chị em và bạn đồng hành khi dùng bữa với một người khác giới tính.
2.5
Ngày Chuẩn Bị
Vị chủ tịch phái bộ của anh chị em sẽ chỉ định một ngày trong tuần làm ngày chuẩn bị. Ngày chuẩn bị cho phép anh chị em có thời gian để nạp lại năng lượng về mặt thể chất, thuộc linh, và cảm xúc khi anh chị em “đứng lên làm nhân chứng cho Thượng Đế bất cứ lúc nào, trong bất cứ việc gì, và ở bất cứ nơi đâu” (Mô Si A18:9). Ngày này cũng cho anh chị em và bạn đồng hành các cơ hội để gặp những người truyền giáo khác trong chi bộ và cùng nhau vui hưởng những sinh hoạt giải trí lành mạnh (xin xem mục 3.6).
Xin ghi nhớ những lời cảnh báo hợp lý của Chúa: “Chớ chạy nhanh hơn hoặc làm quá hơn sức lực [của mình]” (Giáo Lý và Giao Ước 10:4), và “hãy lên giường sớm, để các ngươi không thể bị mệt mỏi; hãy thức dậy sớm, để thể xác các ngươi và tinh thần các ngươi có thể được tráng kiện” (Giáo Lý và Giao Ước 88:124).
2.5.1
Các Sinh Hoạt trong Ngày Chuẩn Bị
Các sinh hoạt trong ngày chuẩn bị có thể bao gồm (nhưng không bị giới hạn trong) những sinh hoạt sau đây:
2.5.2
Lịch Trình Mẫu Ngày Chuẩn Bị
Một ngày chuẩn bị có lịch trình có thể giống như sau:
6:30 sáng. |
Bắt đầu thức dậy. |
6:30–8:00 sáng. |
Cầu nguyện. Tắm, ăn sáng, và chuẩn bị cho ngày mới. Hoạch định (30 phút). Học tập cá nhân (30 phút). |
8:00 sáng–6:00 tối. |
Thực hiện những sinh hoạt cho ngày chuẩn bị (xin xem mục 2.5.1). Lưu Ý: Tất cả những sinh hoạt cho ngày chuẩn bị cần được hoàn tất trước 6:00 tối. |
6:00–9:00 tối. |
Tìm kiếm, giảng dạy, và phục vụ người khác. |
9:00 tối. |
Quay về nhà. Nếu anh chị em có cuộc hẹn giảng dạy, thì hãy quay về trước 9:30 tối. |
9:00–9:30 tối. |
Viết nhật ký, chuẩn bị đi ngủ, và cầu nguyện. |
9:30–10:30 tối. |
Đi ngủ. |
2.6
Các Sinh Hoạt vào Ngày Sa Bát
Hãy hoạch định các sinh hoạt vào ngày Sa Bát mà giúp anh chị em làm tròn mục đích của người truyền giáo là tìm kiếm, giảng dạy, báp têm, và giúp người khác học hỏi và trở nên giống Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô hơn. Hãy ghi nhớ những lời giảng dạy của Chúa về ngày Sa Bát trong Giáo Lý và Giao Ước 59:13–19, và ghi chú những từ và cụm từ gợi ý về ngày Sa Bát thật sự, bao gồm niềm vui, tấm lòng vui sướng, và gương mặt hớn hở.
Những sinh hoạt vào ngày Sa Bát bao gồm tham dự nhà thờ, đại hội trung ương, các phiên họp chung ngày Chủ Nhật hoặc đại hội giáo khu, và các buổi họp bổ sung như hội đồng tiểu giáo khu khi được mời. Các sinh hoạt này cũng bao gồm việc tham dự vào ngày nhịn ăn hằng tháng.
Trong các nỗ lực truyền giáo của anh chị em, Chúa không đòi hỏi anh chị em phải nhịn ăn uống, ngoại trừ những lần nhịn ăn thường lệ hằng tháng, hoặc hy sinh giấc ngủ để trở thành một người truyền giáo tận tụy hơn. Anh chị em có thể thỉnh thoảng nhịn ăn vì một lý do đặc biệt, nhưng đừng nhịn ăn quá 24 giờ mỗi lần.
2.7
Phục Vụ trong Cộng Đồng
Anh chị em có thể học cách trở thành một môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô qua việc phục vụ như Ngài đã làm. Hãy tìm những cơ hội để phục vụ bạn đồng hành của mình, những người anh chị em đang giảng dạy, các tín hữu, và những người khác trong cộng đồng, “để [anh chị em] hiểu rằng, khi mình phục vụ đồng bào mình, thì tức là mình phục vụ Thượng Đế của mình vậy” (Mô Si A 2:17).
Anh chị em nên phục vụ với một ước muốn chân thành để giúp đỡ người khác mà không mong đợi bất kỳ kết quả nào. Hãy tuân theo những quy tắc của dự án phục vụ (xin xem mục 7.2), đặc biệt là bất kỳ quy tắc nào về việc không giảng dạy trong lúc phục vụ và không phục vụ khi anh chị em phải ở riêng một mình với trẻ em. Nếu một ai đó bày tỏ sự hứng thú với sứ điệp của anh chị em, thì hãy đáp lại ngắn gọn và sắp xếp để gặp họ vào một thời gian và địa điểm khác để chia sẻ sứ điệp.
Để có thêm thông tin, xin xem mục 7.2, “Những Chỉ Dẫn Phục Vụ.”