Những Sự Kêu Gọi trong Phái Bộ Truyền Giáo
3. Tư Cách của Người Truyền Giáo


dân chúng đang thờ phượng Chúa Giê Su

3

Tư Cách của Người Truyền Giáo

3.0

Lời Giới Thiệu

Phần này mô tả những tiêu chuẩn về hành vi của người truyền giáo và các phẩm chất giống như Đấng Ky Tô mà anh chị em được kỳ vọng để luyện tập và phát triển trong công việc truyền giáo của mình khi anh chị em trở thành một môn đồ tận tụy hơn của Chúa Giê Su Ky Tô. Như tiên tri Mô Rô Ni đã khuyên nhủ: “[Hãy] nhớ tới lời Thượng Đế đã phán rằng: Qua những việc làm của họ, các ngươi sẽ biết được họ, vì nếu những việc làm của họ tốt thì họ cũng tốt” (Mô Rô Ni 7:5).

3.1

Hành Vi Giống Đấng Ky Tô

Hãy cầu nguyện và nỗ lực phát triển các thuộc tính giống như Đấng Ky Tô như được mô tả trong thánh thư và trong Thuyết Giảng Phúc Âm của ta, gồm có lòng biết ơn, sự tử tế, tình yêu thương, sự khiêm nhường, sự kiên nhẫn, sự thấu hiểu, và sự vâng lời. Với sự giúp đỡ của Đấng Cứu Rỗi và những nỗ lực chân thành, chuyên tâm của mình, anh chị em có thể phát triển những thuộc tính giống như Đấng Cứu Rỗi (xin xem Mô Si A 3:19).

Hãy tử tế, tích cực, và luôn nâng đỡ người khác. Hãy nghĩ cho hoàn cảnh của mỗi người, tự hỏi mình những câu như sau:

  • Có quá sớm hoặc quá muộn bây giờ để liên lạc với người này không? Việc này có gây bất tiện và làm gián đoạn thời gian với gia đình hoặc thời gian riêng tư của họ không?

  • Tôi có thể giúp ích bằng cách nào trong tình huống này?

  • Hành động hay lời nhận xét này liệu có làm cho ai đó xấu hổ, cảm thấy bị đe dọa, hay bị xúc phạm không?

  • Điều này có phù hợp với văn hóa ở đây không?

Anh chị em là một người khách tại khu vực mình phục vụ và nên đối xử với mọi người và nơi đây với sự tôn trọng và cảm kích. Hãy luôn luôn tôn trọng phong tục, tập tục, tín ngưỡng, và những địa điểm thiêng liêng trong khu vực của anh chị em. Hãy thận trọng để những hành động của anh chị em không xúc phạm bất cứ ai. Hãy nhớ rằng, điều anh chị em nói và làm có thể được nghe thấy, nhìn thấy, và ghi lại.

Để có thêm thông tin, xin xem mục 7.3, “Tôn Trọng Người Khác.”

3.2

Sự Xứng Đáng để Vào Đền Thờ

Chúa Giê Su Ky Tô mời anh chị em “tự chuẩn bị, và tự thánh hóa mình; phải, hãy làm cho tâm hồn mình được thanh khiết, và hãy tẩy sạch tay chân các ngươi trước mặt ta, để ta có thể làm cho các ngươi được thanh sạch” (Giáo Lý và Giao Ước 88:74). Một phần của sự chuẩn bị này bao gồm việc tuân giữ các giao ước đền thờ của anh chị em.

3.2.1

Các Giao Ước Đền Thờ

Việc tuân giữ các giao ước đền thờ về sự vâng lời, hy sinh, và dâng hiến sẽ mang sức mạnh đến cho anh chị em và giúp anh chị em trở nên giống Đấng Cứu Rỗi hơn.

Ngay cả khi không có một đền thờ trong phái bộ của mình, hãy giữ một giấy giới thiệu đi đền thờ có hiệu lực để giúp nhắc nhở anh chị em về những giao ước của mình. Hãy xin vị chủ tịch phái bộ truyền giáo của anh chị em phỏng vấn xin giấy giới thiệu đi đền thờ trước khi giấy giới thiệu của anh chị em hết hạn.

3.2.2

Thờ Phượng trong Đền Thờ

Nếu có một đền thờ ở gần, thì vị chủ tịch phái bộ truyền giáo có thể cho phép anh chị em và những người truyền giáo khác thỉnh thoảng tham dự vào ngày chuẩn bị.

Để có thêm thông tin, xin xem mục 7.4, “Tham Dự Đền Thờ.”

3.3

Luật Trinh Khiết

Một giao ước đền thờ mà anh chị em đã lập đó là tuân giữ luật trinh khiết. Hãy làm mọi cách có thể để bảo vệ bản thân, bạn đồng hành, và những người khác khỏi sự cám dỗ tình dục mà có thể dẫn đến việc vi phạm giao ước thiêng liêng này. Việc thực hiện những điều vi phạm luật trinh khiết thậm chí bị xem là phạm pháp trong một số khu vực.

Anh chị em cần tránh bất kỳ ý nghĩ hoặc hành động nào mà sẽ tách anh chị em ra khỏi Thánh Linh của Thượng Đế. Điều này bao gồm nhưng không giới hạn trong những hành vi như ngoại tình; gian dâm; sinh hoạt tình dục đồng giới; quan hệ tình dục qua đường miệng; kích thích cảm giác tình dục; sờ soạn; gửi hoặc nhận những tin nhắn, hình ảnh, hay video có tính đồi bại hoặc nhục dục; thủ dâm; và xem hoặc sử dụng hình ảnh sách báo khiêu dâm (xin xem mục 7.5.3). Xin xem Cổ Vũ Sức Mạnh cho Giới Trẻ (năm 2011), “Sự Hối Cải,” trang 28–29, để có thêm thông tin.

Chúa đã dạy rằng “Sa Tan đang tìm cách hủy diệt” (Giáo Lý và Giao Ước 132:57) và làm cho anh chị em “đau khổ như nó vậy” (2 Nê Phi 2:27). Nó sẽ sử dụng con người, những phương tiện truyền thông có nội dung không phù hợp, và những cám dỗ khác để đánh lừa, giăng bẫy, đe dọa, và làm cho anh chị em xấu hổ. Ví dụ, hãy đặc biệt thận trọng với những người có thể đòi tiền để họ không tiết lộ các hình ảnh và tin nhắn khiếm nhã hoặc không phù hợp mà anh chị em có thể đã gửi cho họ.

Nếu anh chị em gặp khó khăn để tuân giữ các tiêu chuẩn này hoặc nếu một ai đó đang đe dọa anh chị em, thì hãy ngay lập tức cầu xin Chúa giúp đỡ và nói chuyện với vị chủ tịch phái bộ truyền giáo của mình.

3.4

Tính Trung Thực

Sự xứng đáng để vào đền thờ bao gồm việc lương thiện trong mọi mối giao thiệp của anh chị em với những người khác. Trong sự phục vụ truyền giáo, điều đó bao gồm:

  • Nói sự thật, đặc biệt với vị chủ tịch phái bộ truyền giáo về tư cách, chứng ngôn, thói quen làm việc, và sức khỏe về cảm xúc và thể chất của anh chị em.

  • Báo cáo chính xác trong các bản báo cáo hằng tuần về công việc và cách anh chị em sử dụng thời gian trong tuần .

  • Sử dụng có trách nhiệm ngân quỹ truyền giáo và nộp lại đầy đủ các hóa đơn.

  • Là người đáng tin cậy và không bao giờ báo cáo sai hoặc đưa ra thông tin sai về bất kỳ người nào, kể cả bạn đồng hành của mình.

  • Tôn trọng những người khác bằng cách không mượn, lấy, hoặc sử dụng các vật dụng cá nhân (bao gồm quần áo, sách vở, các thiết bị điện tử, và đồ trang sức) của bất kỳ ai khi không có sự cho phép.

3.5

Sự Giao Thiệp với Người Khác

Đấng Cứu Rỗi đã dạy rằng: “Điều răn của Ta đây này: Các ngươi hãy yêu nhau, cũng như Ta đã yêu các ngươi” (Giăng 15:12). Hãy chọn để noi theo tấm gương của Đấng Cứu Rỗi và hành động một cách lịch sự, an toàn, và phù hợp với tình huống.

3.5.1

Những Tiêu Chuẩn Chung khi Tiếp Xúc với Người Thành Niên

Hãy xây dựng các mối quan hệ đầy tin tưởng và có ý nghĩa với những người anh chị em phục vụ, kể cả những người anh chị em giảng dạy, những người truyền giáo khác, và các tín hữu địa phương. Hãy chuyên nghiệp và tử tế, và tuân thủ các tiêu chuẩn này:

  • Luôn luôn ở cùng người bạn đồng hành của anh chị em.

  • Đừng đưa ra lời khuyên dành cho những người thành niên về các vấn đề cá nhân. Hãy hướng dẫn họ đến gặp vị giám trợ của họ nếu họ cần lời khuyên. Nếu anh chị em cảm thấy một ai đó thuộc một tôn giáo khác cần giúp đỡ về các vấn đề cá nhân, thì hãy nói với vị chủ tịch phái bộ truyền giáo của mình.

  • Hãy tránh các tình huống có thể trở nên nguy hiểm về thể chất hoặc thuộc linh hoặc có thể bị hiểu nhầm.

  • Đừng tán tỉnh hoặc có bất kỳ mối giao thiệp không phù hợp nào với bất kỳ ai.

  • Hãy luôn luôn đảm bảo rằng có một người trưởng thành cùng giới tính với anh chị em ở cùng với anh chị em và người bạn đồng hành trong khi giảng dạy (trực tiếp) hoặc trong khi đi cùng với một người nào đó khác giới tính.

  • Hãy giữ cho ngôn từ của mình có phẩm cách và tránh dùng tiếng lóng. Sử dụng danh xưng phù hợp khi nói đến những người khác. Ví dụ, hãy dùng danh xưng “Anh Cả” hoặc “Chị” khi nói đến những người truyền giáo khác để tỏ lòng tôn trọng sự kêu gọi của họ.

3.5.2

Những Tiêu Chuẩn Chung khi Tiếp Xúc với Trẻ Em

Vì sự an toàn của anh chị em cũng như của các trẻ em, hãy tuân thủ nghiêm ngặt các hướng dẫn sau đây:

  • Luôn luôn ở cùng người bạn đồng hành của anh chị em.

  • Không bao giờ ở một mình với bất kỳ ai nhỏ hơn 18 tuổi.

  • Hãy thận trọng khi chơi với một nhóm các trẻ em, như là chơi đá bóng hoặc các trò chơi khác. Đừng làm bất cứ điều gì khiến người khác có thể hiểu sai các hành động của anh chị em.

  • Bất cứ khi nào có thể, hãy xin phép cha hoặc mẹ trước khi tiếp xúc với đứa trẻ.

  • Đừng cù léc trẻ em, thay tã, ẵm bồng, hoặc cho phép trẻ ngồi lên đùi anh chị em. Những hành động này hoặc các hành động khác có thể dường như không phù hợp hoặc bị hiểu lầm.

  • Hãy lịch sự từ chối trông giữ trẻ em ở bất kỳ độ tuổi nào.

  • Đừng tham gia vào các sinh hoạt phục vụ ở nơi mà anh chị em sẽ phải ở một mình với trẻ em (xin xem mục 7.2.2).

3.6

Giải Trí

Anh chị em có thể học cách yêu thương những người anh chị em phục vụ một cách trọn vẹn hơn khi chân thành quan tâm đến văn hóa, lịch sử, vùng miền, và truyền thống của họ qua những chuyến tham quan các địa danh địa phương, chủ yếu vào ngày chuẩn bị (xin xem mục 2.5).

Hãy xin những người anh chị em gặp giới thiệu về các địa danh tham quan phù hợp và an toàn. Chọn các sinh hoạt nâng cao tinh thần và giúp anh chị em thư giãn. Những nơi phù hợp để tham quan có thể bao gồm (nhưng không bị giới hạn trong) những nơi sau đây:

  • Các địa điểm lịch sử và văn hóa

  • Các bảo tàng và nhà triển lãm

  • Các vườn thú và công viên

3.6.1

Những Tiêu Chuẩn Chung về Giải Trí

Hãy tránh tụ tập thành nhóm đông những người truyền giáo ở nơi công cộng. Thường thì điều này có nghĩa là anh chị em không nên tụ tập thành nhóm đông hơn chi bộ của mình. Việc làm như thế có thể thu hút sự chú ý không cần thiết hoặc làm người khác cảm thấy bị đe dọa.

Hãy sử dụng các phương tiện đi lại của phái bộ trong các hoạt động được vị chủ tịch phái bộ cho phép.

Hãy tập thể dục và năng động để giữ cho cơ thể anh chị em được khỏe mạnh cho công việc truyền giáo. Chơi thể thao theo những cách mà tránh thương tích hoặc đuối sức.

3.6.2

Các Sinh Hoạt Không Được Phép

Hãy luôn luôn giữ an toàn và sử dụng óc phán đoán khi tham gia các hoạt động giải trí. Bởi vì có những người truyền giáo đã từng bị thương nặng trong khi tham gia các sinh hoạt mạo hiểm, anh chị em không nên tham gia vào các sinh hoạt trong công việc truyền giáo mà mang tính rủi ro cao. Những sinh hoạt này bao gồm nhưng không giới hạn trong số các sinh hoạt sau đây:

  • Các môn thể thao va chạm, thể dục dụng cụ, các môn thể thao mùa đông và dưới nước (kể cả bơi lội)

  • Trèo núi mạo hiểm và leo vách núi đá

  • Đi xe phân khối lớn và cưỡi ngựa

  • Đi tàu thuyền hoặc máy bay riêng

  • Sử dụng súng ống

  • Sử dụng pháo bông hoặc bất kỳ loại chất cháy nổ nào

Xin xem video này để có thêm thông tin về giải trí an toàn.

3.6.3

Phương Tiện Truyền Thông

Hãy chọn những phương tiện truyền thông đã được cho phép và phù hợp. Nói chung, việc này có nghĩa là tránh những điều sau đây:

  • Các mạng xã hội, các ứng dụng di dộng, và phương tiện truyền thông trực tuyến mà không được sử dụng cho việc giảng dạy phúc âm hoặc liên lạc với gia đình anh chị em (xin xem mục 3.9)

  • Ti-vi, phim ảnh, trò chơi điện tử, và các video không được cho phép

  • Sách nói, âm nhạc, và các tài liệu đọc mà không đáp ứng các tiêu chuẩn truyền giáo

Xin tham khảo các tiêu chuẩn về công nghệ của người truyền giáo để có thêm thông tin (xin xem mục 7.5). Hãy thảo luận các thắc mắc về phương tiện truyền thông với những vị lãnh đạo phái bộ của anh chị em.

3.6.4

Nhạc Cụ

Nếu được vị chủ tịch phái bộ truyền giáo chấp thuận, thì anh chị em có thể mang một nhạc cụ đến khu vực phục vụ truyền giáo. Nhạc cụ đó không nên mắc tiền, dễ vận chuyển, và có thể đáp ứng các yêu cầu đối với hành lý. Loại nhạc cụ đó cần phù hợp với các buổi họp ngày Chủ Nhật (xin xem Sách Hướng Dẫn Tổng Quát, mục 19.4.2).

Anh chị em có thể luyện chơi nhạc cụ đó vào ngày chuẩn bị hoặc vào các thời gian khác do vị chủ tịch phái bộ truyền giáo chỉ định. Khi chơi nhạc cụ, hãy nghĩ cho hàng xóm của mình và những người truyền giáo khác, và cách mà họ có thể bị ảnh hưởng. Loại nhạc mà anh chị em chơi bằng nhạc cụ đó cần mang tính thiêng liêng, thanh cao, và phù hợp với công việc truyền giáo.

3.7

Hình Ảnh và Video

Những tấm ảnh có thể giúp anh chị em chia sẻ kinh nghiệm truyền giáo của mình cho mọi người ở nhà và có thể là những vật đầy ý nghĩa, nhắc nhở anh chị em về công việc truyền giáo của mình. Khi chụp hình hoặc quay video, hãy thận trọng để không làm bất kỳ ai xấu hổ, kể cả những người truyền giáo khác và những người gặp khó khăn với các thử thách về mặt kinh tế, xã hội, hoặc thể chất. Một số người có thể không muốn anh chị em hoặc người khác thấy, chia sẻ, hoặc được nhắc về những gì được thể hiện trong bức ảnh. Hãy xin phép trước khi chụp và chia sẻ ảnh hoặc video. Trong một số phái bộ truyền giáo, anh chị em có thể không được phép chia sẻ công khai ảnh của bất kỳ ai mà anh chị em đang giảng dạy bởi vì luật bảo vệ sự riêng tư ở địa phương.

Việc chụp một số bức ảnh nhất định có thể xúc phạm hoặc là bất hợp pháp trong một số văn hóa và tại một số nơi. Một vài ví dụ bao gồm việc chụp hình:

  • Các tòa nhà của chính quyền và quân đội.

  • Các khu vực an ninh tại sân bay, nơi kiểm tra hộ chiếu, cửa khẩu, các tòa nhà đại sứ quán và lãnh sự quán.

  • Người thi hành pháp luật hoặc quân nhân.

  • Con người, các tòa nhà, hoặc sinh hoạt của những tôn giáo khác.

  • Các chủ đề nhạy cảm về văn hóa, kể cả con người trong trang phục truyền thống.

  • Những người đang chật vật vì đói nghèo, bệnh tật, hoặc khuyết tật.

Nói chung, đừng chụp ảnh các đồ vật, nơi chốn, hoặc con người được liệt kê phía trên. Hãy thảo luận bất kỳ thắc mắc nào mà anh chị em có thể có với các vị lãnh đạo phái bộ của mình.

Giáo Hội cũng có các chính sách cụ thể về việc chụp hình tại các nhà hội:

  • Không chụp ảnh hoặc quay video trong các giáo đường của nhà hội.

  • Không chụp ảnh, gửi, hoặc quay lại các giáo lễ thiêng liêng, kể cả lễ Tiệc Thánh, và lễ báp têm, cùng lễ xác nhận.

Hãy xem video này để có thêm thông tin về những hướng dẫn chụp ảnh và quay video.

3.8

Sử Dụng Công Nghệ

Chúa đã tuyên phán rằng: “Này, ta sẽ gấp rút làm công việc của Ta vào đúng kỳ của nó” (Giáo Lý và Giao Ước 88:73). Công nghệ có thể là một công cụ để chia sẻ những lời giảng dạy phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô và cần phải được sử dụng một cách ngay chính.

Để có thêm thông tin, xin xem mục 7.5, “Công Nghệ.”

3.9

Liên Lạc với Gia Đình, Các Vị Lãnh Đạo Phái Bộ Truyền Giáo, và Bạn Bè

Gia đình, các vị lãnh đạo phái bộ truyền giáo, và bạn bè có thể là một nguồn hỗ trợ lớn cho anh chị em trong công việc truyền giáo. Hãy dành một phần trong ngày chuẩn bị của anh chị em để liên lạc với họ, các tín hữu, và những người mới cải đạo ở các khu vực khác.

Hãy ưu tiên thời gian của anh chị em trong ngày chuẩn bị để liên lạc với cha mẹ trước tiên, kế đó là với vị chủ tịch phái bộ truyền giáo của mình.

Anh chị em có thể đọc bất kỳ thư từ liên lạc nào mà mình nhận được trong tuần vào bất cứ lúc nào anh chị em có thời gian phù hợp. Anh chị em nên hồi âm những thư từ liên lạc từ gia đình chỉ vào ngày chuẩn bị, trừ khi có trường hợp khẩn cấp.

3.9.1

Gia Đình

Anh chị em có thể liên lạc với gia đình mình vào ngày chuẩn bị mỗi tuần qua thư từ, email, tin nhắn điện thoại, tin nhắn trực tuyến, cuộc gọi điện thoại, và cuộc gọi video.

Hãy sử dụng cách thức liên lạc được chấp thuận hữu hiệu nhất cho anh chị em và gia đình mình mà tiết kiệm chi phí để anh chị em có thể không vượt quá ngân sách hằng tháng của mình. Điều này sẽ thay đổi tùy theo hoàn cảnh, địa điểm, và lịch trình.

Nếu cha mẹ của anh chị em sống ở những nơi khác nhau, thì anh chị em có thể liên lạc riêng với cả cha lẫn mẹ vào ngày chuẩn bị. Anh chị em không bắt buộc phải gọi điện thoại hoặc gọi video cho cha mẹ mình mỗi tuần.

Anh chị em cũng được khuyến khích liên lạc với gia đình mình vào các dịp đặc biệt khác, như là Giáng Sinh, Ngày của Mẹ, Ngày của Cha, ngày sinh nhật của cha mẹ, và các ngày lễ quan trọng khác tại quê hương hoặc văn hóa của mình.

Anh chị em nên chủ động bắt đầu tất cả những cuộc trò chuyện bằng tin nhắn điện thoại, tin nhắn trực tuyến, các cuộc gọi điện thoại, và các cuộc gọi video. Nếu gia đình của anh chị em cần liên lạc với anh chị em, thì họ nên liên lạc với vị chủ tịch phái bộ truyền giáo trước.

Khi trò chuyện với gia đình mình bằng điện thoại hoặc gọi video, hãy cân nhắc để định rõ thời gian các cuộc gọi của anh chị em. Khi đưa ra những quyết định này, hãy nghĩ cho người bạn đồng hành của mình và ghi nhớ mục đích việc phục vụ truyền giáo của anh chị em.

3.9.2

Vị Chủ Tịch Phái Bộ Truyền Giáo

Hãy viết một bức thư cho vị chủ tịch phái bộ truyền giáo của anh chị em vào ngày chuẩn bị mỗi tuần. Thông thường, anh chị em sẽ gửi bức thư của mình cho ông qua Missionary Portal.

Chỉ có vị chủ tịch phái bộ xem được các lá thư hằng tuần của anh chị em. Hãy cởi mở và thành thật để ông có thể hiểu được bất kỳ mối bận tâm nào mà anh chị em có và đưa ra những lời khuyên và phản hồi thích hợp. Xin hãy lưu ý rằng ông sẽ đọc, nhưng không thể hồi âm cho từng lá thư một.

Nếu anh chị em nhận được tin tức quan trọng từ quê nhà mà cần trả lời ngay lập tức, thì hãy thông báo cho vị chủ tịch phái bộ và xin phép ông trước khi liên lạc với gia đình mình vào những ngày mà không phải là ngày chuẩn bị hoặc là những dịp đặc biệt.

3.9.3

Liên Lạc với Những Người trong Phái Bộ Truyền Giáo của Anh Chị Em

Khi anh chị em liên lạc với những người ở các khu vực khác trong phái bộ truyền giáo của mình, hãy đảm bảo là sự liên lạc của anh chị em tập trung vào việc làm tròn mục đích truyền giáo của mình. Hãy tuân theo các tiêu chuẩn trong mục 3.5.1, “Những Tiêu Chuẩn Chung khi Tiếp Xúc với Người Thành Niên,” và trong Những Biện Pháp An Toàn khi Sử Dụng Công Nghệ, và nhớ gồm cả người bạn đồng hành của mình vào trong khi có những cuộc trò chuyện, liên lạc đó.

3.9.4

Bưu Kiện và Thư Từ

Một số phái bộ truyền giáo có thể sử dụng địa chỉ văn phòng phái bộ để nhận thư và bưu kiện và để làm địa chỉ gửi trả của anh chị em. Cách này có thể bảo vệ an toàn cho anh chị em và giúp ngăn ngừa việc thư từ bị trộm hoặc thất lạc do thuyên chuyển. Xin làm theo mọi hướng dẫn anh chị em nhận được trong những trường hợp như vậy.

3.9.5

Các Kinh Nghiệm của Người Truyền Giáo với Những Người ở Quê Nhà

Anh chị em có thể biết một người ở quê nhà mà có những kinh nghiệm cá nhân có thể giúp một ai đó mà anh chị em đang giảng dạy trong công việc truyền giáo của mình. Anh chị em nên xin phép vị chủ tịch phái bộ của mình để người đó có thể chia sẻ kinh nghiệm và chứng ngôn của người đó. Hãy hội ý với người đó về công nghệ giao tiếp tốt nhất để sử dụng.

Nếu gia đình hoặc bạn bè của anh chị em ở quê nhà muốn học thêm về phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô, thì vị chủ tịch phái bộ có thể cho phép anh chị em dạy họ qua công nghệ (xin xem mục 7.5.4).

3.9.6

Cuộc Thăm Viếng Trực Tiếp từ Gia Đình và Bè Bạn

Thông thường, gia đình và bạn bè không nên đến thăm anh chị em trong công việc truyền giáo của mình. Tuy nhiên, trong những hoàn cảnh đặc biệt, vị chủ tịch phái bộ truyền giáo của anh chị em có thể cho phép một ngoại lệ. Những cuộc thăm viếng này nên ngắn gọn và không làm cản trở các bổn phận truyền giáo của anh chị em. Một cuộc thăm viếng không nên gây bất tiện cho bạn đồng hành của anh chị em, những người truyền giáo khác, hoặc những người anh chị em giảng dạy. Hãy cẩn thận không cho bất kỳ cuộc thăm viếng nào như vậy làm anh chị em mất tập trung vào công việc phục vụ của mình hoặc mang lại rắc rối tài chính cho gia đình anh chị em.

3.9.7

Trường Hợp Khẩn Cấp

Nếu gia đình anh chị em báo với anh chị em về một trường hợp khẩn cấp ở quê nhà, thì hãy thông báo cho những vị lãnh đạo phái bộ truyền giáo biết để họ có thể hỗ trợ anh chị em. Các vị lãnh đạo truyền giáo sẽ liên lạc với gia đình anh chị em nếu anh chị em gặp tình huống khẩn cấp.