Giăng 11:1–46, Phần 1
Chúa Giê Su Làm cho La Xa Rơ Sống Lại từ Cõi Chết
Ma Ri và Ma Thê xin Chúa Giê Su đến giúp đỡ người anh bị bệnh của họ là La Xa Rơ. Chúa Giê Su đã trì hoãn chuyến đi của Ngài và đến nơi bốn ngày sau khi La Xa Rơ chết. Chúa Giê Su bày tỏ lòng trắc ẩn của Ngài và khóc với hai chị em họ. Sau đó, Ngài làm cho La Xa Rơ sống lại từ cõi chết. Bài học này có thể giúp em nhận ra những lẽ thật về Chúa Giê Su Ky Tô và những nguyên tắc có thể hướng dẫn em vượt qua những thử thách trong cuộc sống.
Hãy nghĩ về một người thân nào đó của em. Tưởng tượng rằng họ bị ốm nặng đến nỗi tính mạng của họ đang gặp nguy hiểm.
-
Em có thể trải qua những cảm giác gì?
-
Em sẽ làm gì?
-
Em có thể có câu hỏi gì?
Trong Giăng 11 , Ma Ri, Ma Thê và La Xa Rơ đã phải đối mặt với hoàn cảnh này. Mặc dù kinh nghiệm của họ liên quan đến bệnh tật và cái chết, chúng ta có thể áp dụng các nguyên tắc mà chúng ta học được từ kinh nghiệm của họ cho bất kỳ thử thách nào mà chúng ta có thể phải đối mặt.
1. Hãy làm điều sau đây trong nhật ký ghi chép việc học tập của em:
Ở gần đầu tờ giấy, hãy viết “Những điều em cần biết khi đối mặt với thử thách.” Trong suốt bài học, hãy nghĩ về những thử thách em đang hoặc có thể sẽ gặp phải. Hãy tìm cách nhận ra những lẽ thật về Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm của Ngài mà em cảm thấy có thể hướng dẫn em và mang đến cho em hy vọng trong những thử thách đó. Hãy ghi lại những suy nghĩ của em vào tờ giấy. Hãy suy nghĩ kỹ về cách mà mỗi lẽ thật mà em nhận ra trong các lẽ thật này có thể giúp em cảm thấy tình yêu thương dành cho Đấng Cứu Rỗi cũng như tình yêu thương đến từ Ngài.
Tìm kiếm lẽ thật
Một kỹ năng học thánh thư có thể hữu ích trong việc nhận ra các nguyên tắc là tạm dừng khi em nhận thấy các chi tiết quan trọng để đặt những câu hỏi đơn giản, chẳng hạn như sau:
-
Cha Thiên Thượng có thể muốn tôi học được gì từ những câu này?
-
Câu chuyện này dạy cho tôi điều gì về Chúa Giê Su Ky Tô?
Hãy đọc Giăng 11:1–7 và tự hỏi bản thân những câu hỏi trước đó.
Có nhiều nguyên tắc khác nhau mà em có thể nhận ra từ những câu này. Sau đây là một vài ví dụ. Đối với mỗi nguyên tắc ví dụ, hãy cân nhắc đánh dấu các cụm từ hoặc chi tiết từ các câu em đã đọc mà hỗ trợ cho nguyên tắc đó.
Ngay cả khi chúng ta được Chúa Giê Su Ky Tô yêu thương, chúng ta vẫn sẽ trải qua những thử thách.
Ngay cả khi đã trung tín tuân theo Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta vẫn sẽ trải qua những thử thách.
Khi đối mặt với thử thách, chúng ta có thể tìm kiếm sự giúp đỡ của Chúa, và Ngài sẽ đáp lại theo kỳ định và cách thức riêng của Ngài.
Cân nhắc viết những nguyên tắc này lên tờ giấy của em.
-
Việc biết những lẽ thật này giúp ích như thế nào cho em?
Hai ngày sau khi nghe về bệnh tình của La Xa Rơ, Đấng Cứu Rỗi đã đến nhà của La Xa Rơ. Khi Ngài đến, La Xa Rơ đã được đem chôn trong mộ bốn ngày (xin xem Giăng 11:17).
Anh Cả Bruce R. McConkie (1915–1985) thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã giải thích ý nghĩa của bốn ngày.
Quá trình phân hủy chắc chắn đang diễn ra; cái chết từ lâu đã được coi là một điều chắc chắn tuyệt đối. … Đối với người Do Thái, thời hạn bốn ngày có ý nghĩa đặc biệt; họ thường tin rằng vào ngày thứ tư, linh hồn cuối cùng đã vĩnh viễn rời khỏi khu vực xung quanh cái xác.
(Bruce R. McConkie, Doctrinal New Testament Commentary, 3 tập [1965–1973], 1:533)
Hãy tiếp tục luyện tập việc nhận ra các nguyên tắc khi em đọc Giăng 11:18–46 . Thỉnh thoảng hãy tạm dừng và tự đặt câu hỏi khi em bắt gặp những chi tiết quan trọng, chẳng hạn như những điều Ma Ri và Ma Thê làm để cho thấy đức tin của họ nơi Chúa Giê Su Ky Tô hoặc phản ứng của Đấng Cứu Rỗi trong mỗi tình huống. Hãy thêm vào tài liệu của em các nguyên tắc mà em tìm thấy, đồng thời cân nhắc đánh dấu các chi tiết quan trọng và các ghi chú khác vào thánh thư của mình.
-
Cha Thiên Thượng có lẽ muốn chúng ta học được điều gì từ câu chuyện này?
Câu chuyện này dạy cho em điều gì về Chúa Giê Su Ky Tô?
Hãy tự hỏi bản thân một số hoặc tất cả các câu hỏi sau đây và xem liệu những câu hỏi đó có giúp em nhận ra các nguyên tắc bổ sung mà em có thể thêm vào tài liệu của mình hay không.
-
Ma Ri và Ma Thê đã làm gì để thực hành đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô trong thử thách của họ?
-
Lời đáp của Đấng Cứu Rỗi dành cho họ dạy cho em điều gì về Ngài?
-
Những yếu tố nào trong câu chuyện này dạy cho em tin cậy nơi Đấng Cứu Rỗi nhiều hơn?
-
Việc tạm dừng khi em tìm thấy những chi tiết quan trọng và đặt câu hỏi giúp ích gì cho em trong việc học?
2. Làm điều sau đây trong nhật ký ghi chép việc học tập của em:
Hãy tưởng tượng rằng em có cơ hội nói chuyện với một người đang trải qua một thử thách khó khăn. Chọn một trong những nguyên tắc mà em đã nhận ra từ Giăng 11:1–46 và chia sẻ xem nguyên tắc đó có thể giúp ích như thế nào cho các em. Hãy gồm vào suy nghĩ của em về những điều mà nguyên tắc này có thể giúp người này hiểu về Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô cũng như mong muốn của Hai Ngài dành cho chúng ta.
3. Làm điều sau đây trong nhật ký ghi chép việc học tập của em.
Đọc qua các nguyên tắc mà em đã viết trên tờ giấy “Những điều em cần biết khi đối mặt với thử thách”. Ở cuối tờ giấy, hãy thêm câu trả lời của em cho các câu hỏi sau đây.
-
Em cần chú trọng vào nguyên tắc nào nhất trong cuộc sống của chính mình lúc này? Tại sao?
-
Em đã học được điều gì về Cha Thiên Thượng và Đấng Cứu Rỗi mà giúp em cảm thấy tình yêu thương dành cho Hai Ngài và tình yêu thương từ Hai Ngài?
-
Em cảm thấy đã được soi dẫn để làm gì dựa trên những điều em đã học được và cảm nhận hôm nay? Em sẽ làm vậy bằng cách nào?
Tùy Chọn: Muốn Học Hỏi Thêm?
Tại sao tôi đau khổ khi đang cố gắng trở nên ngay chính?
Anh Cả Matthew S. Holland thuộc Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi đã dạy:
Có một Đấng hiểu trọn vẹn những gì anh chị em đang trải qua, một Đấng “có quyền năng mạnh mẽ hơn tất cả thế gian” [1 Nê Phi 4:1] và Đấng “có thể làm trổi hơn vô cùng mọi việc [anh chị em] cầu xin hoặc suy tưởng” [Ê Phê Sô 3:20]. Quá trình sẽ xảy ra theo cách thức của Ngài và theo kỳ định của Ngài, nhưng Đấng Ky Tô luôn sẵn sàng để chữa lành cho anh chị em một cách trọn vẹn.
Khi anh chị em để cho Ngài làm vậy thì anh chị em sẽ khám phá ra rằng nỗi đau khổ của mình không phải vô ích. … Anh chị em thấy đấy, chính thiên tính của Thượng Đế và mục đích cuộc sống trần thế của chúng ta là sự hạnh phúc, nhưng chúng ta không thể trở thành những cá thể hoàn hảo với niềm vui thiêng liêng nếu không có những kinh nghiệm thử thách chúng ta, đôi khi đến tận cùng khả năng của chúng ta. Phao Lô nói rằng chính Đấng Cứu Rỗi được vĩnh viễn “nhờ sự đau đớn mà nên trọn lành [hoặc hoàn hảo]” [Hê Bơ Rơ 2:10]. Vì vậy, hãy đề phòng chống lại tiếng thì thầm của Sa Tan rằng nếu anh chị em là người tốt hơn thì anh chị em sẽ tránh khỏi những thử thách như vậy.
Anh chị em cũng phải kháng cự lại lời nói dối có liên quan rằng những sự đau khổ của anh chị em, theo một cách nào đó, gợi ý rằng anh chị em không thuộc vào trong số những con cái chọn lọc của Thượng Đế, là những người dường như được ban cho phước lành hết lần này sang lần khác. …
Thưa anh chị em, việc chịu đau khổ trong sự ngay chính giúp anh chị em hội đủ điều kiện để trở thành, thay vì làm cho anh chị em khác biệt khỏi, những người chọn lọc của Thượng Đế.
(Matthew S. Holland, “Ân Tứ Lớn Lao về Vị Nam Tử”, Liahona, tháng Mười Một năm 2020, trang 46–47)