Giăng 14–16
Sứ Mệnh của Đức Thánh Linh
Trong suốt giáo vụ của Đấng Cứu Rỗi, Các Vị Sứ Đồ vui hưởng quyền năng của Đức Thánh Linh, nhưng họ vẫn chưa nhận được ân tứ Đức Thánh Linh, là điều sẽ cho phép họ, qua sự ngay chính của mình, có được sự đồng hành liên tục của Đức Thánh Linh (xin xem Bible Dictionary, “Holy Ghost”). Chúa Giê Su Ky Tô đã hứa ban phước cho họ với ân tứ của Đức Thánh Linh sau khi Ngài thăng thiên. Bài học này có thể giúp em nhận ra cách Đức Thánh Linh thực hiện các vai trò khác nhau của Ngài trong cuộc sống của em.
Đức Thánh Linh có thể giúp đỡ em như thế nào?
-
Em hiểu gì về cách Đức Thánh Linh có thể giúp đỡ em?
-
Em đã có những kinh nghiệm nào với Đức Thánh Linh?
Xem video sau đây, có trên trang ChurchofJesusChrist.org, từ mã thời gian 1:58 đến 3:10 về Anh Cả Gary E. Stevenson chia sẻ kinh nghiệm của ông khi còn niên thiếu.
-
Em có câu hỏi nào về vai trò của Đức Thánh Linh trong cuộc sống của chúng ta?
Khi em học, hãy tìm câu trả lời cho những câu hỏi của mình về Đức Thánh Linh và cách mà vai trò của Đức Thánh Linh có thể giúp em với các nhu cầu cá nhân của mình.
Chúa Giê Su dạy Các Sứ Đồ của Ngài về Đức Thánh Linh
Sau khi Đấng Cứu Rỗi thực hiện Tiệc Thánh, và biết rằng Ngài sẽ sớm phải chịu đựng vì những đau đớn, cám dỗ và tội lỗi của chúng ta và rồi bị đóng đinh trên thập tự giá, Ngài tiếp tục giảng dạy cho Các Sứ Đồ của Ngài.
Đọc Giăng 14:16–17 , tìm kiếm những điều mà Đấng Cứu Rỗi đã hứa ban cho Các Sứ Đồ của Ngài.
-
Em nghĩ tại sao Chúa Giê Su Ky Tô đã hứa với Các Sứ Đồ của Ngài rằng họ sẽ nhận được ân tứ Đức Thánh Linh ngay sau khi Ngài rời khỏi?
Vẽ biểu đồ sau đây vào nhật ký ghi chép việc học tập của em. Để trống cột thứ ba để em sẽ thêm vào cột này sau. Điền vào biểu đồ với những điều em tìm thấy trong các câu đã liệt kê.
(Các) Câu |
Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô gửi Đức Thánh Linh đến cho chúng ta để … |
1. Trả lời các câu hỏi sau đây trong nhật ký ghi chép việc học tập của em:
-
Em sẽ tóm tắt như thế nào về những điều Đấng Cứu Rỗi đã dạy về lý do Ngài và Đức Chúa Cha gửi Đức Thánh Linh đến cho chúng ta?
-
Làm thế nào mà những lời hứa và lẽ thật này có thể giúp em trong cuộc sống của mình ngay bây giờ?
-
Làm thế nào việc biết rằng Đức Thánh Linh được Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô gửi đến lại giúp em biết rằng hai Ngài yêu thương em? Điều đó cho em thấy rằng hai Ngài mong muốn điều gì ở em?
Sự làm chứng từ Đức Thánh Linh
Đấng Cứu Rỗi đã dạy rằng Đức Thánh Linh sẽ làm chứng và tôn vinh Ngài (xin xem Giăng 15:26 ; 16:13–14).
Chủ Tịch Russell M. Nelson đã nhận xét:
Lẽ thật quan trọng nhất mà Đức Thánh Linh sẽ làm chứng cho anh chị em là Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô, Vị Nam Tử của Thượng Đế hằng sống.
(Russell N. Nelson,“Sự Mặc Khải cho Giáo Hội, Sự Mặc Khải cho Cuộc Đời Chúng Ta,” Liahona,tháng Năm năm 2018, trang 96)
2. Trả lời ít nhất một trong số các câu hỏi sau đây trong nhật ký ghi chép việc học tập của em:
-
Có khi nào em cảm thấy Đức Thánh Linh giảng dạy và làm chứng cho mình về Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô không? Đức Thánh Linh đã giảng dạy và làm chứng cho em bằng cách nào?
-
Mọi người có thể làm gì để mời Đức Thánh Linh giảng dạy cho họ về Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô? (xin xem Giăng 7:17;14:13).
Những kinh nghiệm cá nhân với Đức Thánh Linh
Thêm cột thứ ba vào biểu đồ của em và ghi là “Cách mà Đức Thánh Linh đã làm điều này cho tôi hoặc một người nào đó mà tôi biết.” Đối với mỗi đoạn thánh thư trong biểu đồ, hãy nghĩ đến và viết về bất kỳ kinh nghiệm nào mà em, một người trong gia đình, hoặc một người nào đó trong thánh thư đã được Đức Thánh Linh làm trọn vẹn vai trò đó. Nếu em không nhận ra hoặc không nhớ một kinh nghiệm cá nhân đối với từng vai trò của Đức Thánh Linh mà Đấng Cứu Rỗi đã nhấn mạnh trong những câu này, thì cũng không sao. Khi em cố gắng trung tín và tìm kiếm những kinh nghiệm này trong cuộc sống của mình, Cha Thiên Thượng sẽ giúp em nhận biết được những kinh nghiệm đó.
Tùy Chọn: Muốn Học Hỏi Thêm?
Đức Thánh Linh làm gì?
Chủ Tịch Dallin H. Oaks đã dạy:
Đấng thứ ba trong Thiên Chủ Đoàn là Đức Thánh Linh, [còn gọi là] Thánh Linh của Chúa và Đấng An Ủi. Ngài là Đấng trong Thiên Chủ Đoàn, là tác nhân của sự mặc khải cá nhân. Là một Đấng linh hồn (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 130:22), Ngài có thể ngự trong chúng ta và thực hiện vai trò thiết yếu của Đấng truyền đạt giữa Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử cùng các con cái của Thượng Đế trên thế gian. Nhiều thánh thư dạy rằng sứ mệnh của Ngài là làm chứng về Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử (xin xem Giăng 15:26 ; 3 Nê Phi 28:11 ; Giáo Lý và Giao Ước 42:17). Đấng Cứu Rỗi đã hứa rằng Đấng An Ủi sẽ dạy dỗ mọi sự, nhắc lại cho chúng ta nhớ mọi điều, và hướng dẫn chúng ta đến với mọi lẽ thật (xin xem Giăng 14:26 ; 16:13). Như vậy, Đức Thánh Linh giúp chúng ta phân biệt giữa sự thật và sự giả mạo, hướng dẫn chúng ta trong những quyết định trọng đại của mình, và giúp chúng ta vượt qua những thử thách trên trần thế. Ngài cũng là phương tiện mà qua đó chúng ta được thánh hóa, nghĩa là được thanh tẩy và thanh sạch khỏi tội lỗi (xin xem 2 Nê Phi 31:17 ; 3 Nê Phi 27:20 ; Mô Rô Ni 6:4).
(Dallin H. Oaks, “Thiên Chủ Đoàn và Kế Hoạch Cứu Rỗi”, Liahona, tháng Năm năm 2017, trang 102)
Tại sao điều quan trọng là chúng ta nhận biết Đức Thánh Linh đang phán bảo chúng ta?
Chủ Tịch Dallin H. Oaks thuộc Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn đã dạy:
Đường dây liên lạc cá nhân này với Cha Thiên Thượng qua Đức Thánh Linh là nguồn chứng ngôn của chúng ta về lẽ thật, về sự hiểu biết và hướng dẫn từ Cha Thiên Thượng đầy lòng nhân từ. Đó là một đặc điểm thiết yếu của kế hoạch phúc âm kỳ diệu của Ngài, mà cho phép mỗi con cái của Ngài nhận được một chứng ngôn cá nhân về lẽ thật của kế hoạch đó.
(Dallin H. Oaks, “Hai Đường Dây Liên Lạc”, Liahona, tháng Mười Một năm 2010, trang 83)
Giăng 14:27 . Làm thế nào tôi có thể cảm nhận được sự bình an từ Đức Thánh Linh nếu tôi đang gặp khó khăn với sức khỏe tâm lý?
Nếu em gặp những thử thách về sức khỏe tâm lý như lo lắng hoặc căng thẳng, em có thể cảm thấy rất khó mà cảm nhận được Đức Thánh Linh. Đây không phải là lỗi của em. Cha Thiên Thượng của chúng ta và Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô biết những khó khăn này và hai Ngài muốn giúp em. Hãy cân nhắc xem lại một hoặc hai nguồn tài liệu sau đây để biết thêm thông tin về cách cảm nhận được sự bình an từ Đức Thánh Linh khi em đang gặp khó khăn với các vấn đề về sức khỏe tâm lý.
-
Reyna I. Aburto, “Dẫu Khi Nắng Mưa Xin ở Cùng Với Tôi Hoài!”, Liahona, tháng Mười Một năm 2019, trang 57–60
Giăng 16:7 . Đấng Cứu Rỗi có ý gì khi Ngài nói: “Nếu ta không đi, Đấng Yên Ủi sẽ không đến cùng các ngươi đâu”?
Vì một số lý do không được giải thích đầy đủ trong thánh thư, Đức Thánh Linh đã không hoạt động một cách trọn vẹn giữa những người Do Thái trong những năm Chúa Giê Su còn ở trên trần gian ( Giăng 7:39 ; 16:7). Những câu trong Kinh Tân Ước nói về việc Đức Thánh Linh chỉ đến sau khi Chúa Giê Su phục sinh chỉ áp dụng cho gian kỳ cụ thể đó, vì rõ ràng là Đức Thánh Linh đã hoạt động trong những gian kỳ trước đó. Ngoài ra, sách cũng đề cập chỉ có ân tứ Đức Thánh Linh là không hiện diện, bởi vì quyền năng của Đức Thánh Linh đã có tác dụng trong các giáo vụ của Giăng Báp Tít và Chúa Giê Su; nếu không thì sẽ không ai nhận được một chứng ngôn về các lẽ thật mà những vị này đã dạy ( Ma Thi Ơ 16:16–17 ; xin xem thêm 1 Cô Rinh Tô 12:3).
(Bible Dictionary, “ Holy Ghost ”)