Ma Thi Ơ 5:1–12
Những Lời Chúc Phước
Để bắt đầu Bài Giảng tại trên Núi, Đấng Cứu Rỗi đã dạy cách mọi người có thể hạnh phúc và được ban phước. Chủ Tịch Harold B. Lee (1899–1973) nói rằng những lời giảng dạy này “trên thực tế là điều lệ cho một cuộc sống toàn hảo” (Teachings of Presidents of the Church: Harold B. Lee [năm 2000], trang 200). Bài học này sẽ giúp em nhận ra các thuộc tính giống như Đấng Ky Tô và lập kế hoạch phát triển các thuộc tính đó khi em tìm kiếm hạnh phúc và sự toàn hảo.
Gia tăng niềm hạnh phúc
-
Các em hạnh phúc nhất khi nào?
-
Hạnh phúc đó có kéo dài không? Các em nghĩ tại sao hạnh phúc đó đã kéo dài hoặc không kéo dài?
Khi Đấng Cứu Rỗi bắt đầu giáo vụ của Ngài, Ngài đã thuyết giảng gần Biển Ga Li Lê. Bài giảng này thường được gọi là Bài Giảng trên Núi và được ghi lại trong Ma Thi Ơ 5–7 . Khi Chúa hiện đến cùng dân Nê Phi, Ngài đã đưa ra một bài giảng tương tự (xin xem 3 Nê Phi 12–14).
Ma Thi Ơ 5:1–12 được gọi là Những Lời Chúc Phước, xuất phát từ một từ tiếng La-tinh có nghĩa là “được ban phước” hoặc “hạnh phúc”. Trong những câu này, Chúa Giê Su nêu ra các thuộc tính Ngài và Cha Ngài có, là các thuộc tính mà đưa đến hạnh phúc thật sự trong cuộc sống này và trong cuộc sống mai sau. Việc phát triển những thuộc tính này sẽ giúp các em trở nên giống như Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô hơn.
Hãy đọc Ma Thi Ơ 5:1–12 , tìm kiếm và đánh dấu các thuộc tính mà Đấng Cứu Rỗi đã dạy và các phước lành đã được hứa cho mỗi thuộc tính.
   
Một nguyên tắc mà chúng ta có thể nhận ra được từ những câu này là khi chúng ta phát triển các thuộc tính giống như Đấng Ky Tô, chúng ta sẽ thấy hạnh phúc gia tăng.
-
Em nghĩ cách sống của Đấng Cứu Rỗi góp phần vào hạnh phúc của Ngài như thế nào?
Tìm hiểu về một hoặc nhiều thuộc tính sau đây. Hãy suy ngẫm xem việc phát triển thuộc tính này và việc tiếp nhận phước lành đã được hứa từ thuộc tính đó có thể giúp em hạnh phúc ra sao.
Những Lời Chúc Phước | |
Phần Tham Khảo |
Thuộc Tính |
Có lòng khó khăn. Là khiêm nhường, hoặc “nhận ra với lòng biết ơn sự lệ thuộc của chúng ta vào Chúa—để hiểu rằng chúng ta luôn luôn cần đến sự hỗ trợ của Ngài. Sự khiêm nhường là việc thừa nhận rằng tài năng và khả năng của chúng ta là những ân tứ từ Thượng Đế” (Gospel Topics, “Humility,” topics.ChurchofJesusChrist.org). | |
Than khóc. Là cảm nhận và bày tỏ nỗi buồn rầu về điều gì đó. Một người có thể khóc than vì những thử thách của cuộc sống trần thế mà họ và những người khác trải qua. Một người cũng có thể khóc than vì sầu khổ do tội lỗi. | |
Nhu mì. Là “‘kính sợ Thượng Đế, ngay chính, khiêm nhường, dễ dạy và kiên nhẫn trong lúc thống khổ’ [Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, ‘Nhu Mì’, scriptures.ChurchofJesusChrist.org]. Những người có được thuộc tính này đều sẵn lòng đi theo Chúa Giê Su Ky Tô, họ có tính tình điềm tĩnh, ngoan ngoãn, khoan dung, và biết phục tùng” (Ulisses Soares, “Nhu Mì và Khiêm Tốn trong Lòng,” Liahona, tháng Mười Một năm 2013, trang 9). | |
Đói khát sự công bình. Là có một mong muốn lớn lao để biết và làm theo ý muốn của Thượng Đế. | |
Thương xót. Là trở nên “trắc ẩn, tôn trọng, tha thứ, dịu nhàng và kiên nhẫn, ngay cả khi chúng ta biết được những thiếu sót của người khác” (Gospel Topics, “Mercy,” topics.ChurchofJesusChrist.org). | |
Có lòng trong sạch. Là được kể đến trong số những người “yêu thương Chúa, những người tìm cách noi theo Ngài và tuân giữ các lệnh truyền của Ngài, những người đang cố gắng sống cuộc sống đức hạnh và trung tín kiên trì đến cùng. Những người có lòng trong sạch là những người kiểm soát được suy nghĩ của mình để giữ cho mình không bị ảnh hưởng bởi những ảo tưởng và hành vi trái đạo đức” (Sheldon F. Child, “Words of Jesus: Chastity,” Ensign hoặc Liahona, tháng Một năm 2003, trang 44). | |
Làm cho người hòa thuận. “[Là giúp] cho người ta thấy được điểm chung khi họ có quan điểm khác nhau” (Henry B. Eyring, “Học Hỏi trong Chức Tư Tế”, Liahona, tháng Năm năm 2011, trang 63). | |
Chịu bắt bớ vì sự công bình. Là sẵn sàng vâng theo và bảo vệ Chúa Giê Su Ky Tô và những lời giảng dạy của Ngài, ngay cả khi chúng ta có thể bị nhạo báng hoặc ngược đãi vì làm như vậy. |
1.
-
Đấng Cứu Rỗi đã nêu gương về một hoặc nhiều thuộc tính này trong thánh thư hoặc trong cuộc sống của em như thế nào?
-
Em nghĩ làm thế nào mà việc phát triển thuộc tính hoặc những thuộc tính mà em đã chọn sẽ làm gia tăng mức độ hạnh phúc của mình? Tại sao?
Nhận ra các thuộc tính giống như Đấng Ky Tô trong chính bản thân mình
Hãy làm bài khảo sát sau đây. Bài khảo sát này nhằm giúp em nhận ra những thuộc tính mà em thể hiện và những thuộc tính mà em có thể phát triển trọn vẹn hơn.
Đặt một số từ 1 đến 5 bên cạnh mỗi thuộc tính giống như Đấng Ky Tô sau đây (1 có nghĩa là “không phát triển lắm” và 5 có nghĩa là “phát triển nhiều”).
__ Tôi có lòng khó khăn.__ Tôi cảm thấy buồn rầu cho người khác khi họ than khóc và cảm thấy buồn rầu theo ý Chúa khi tôi phạm tội.__ Tôi nhu mì.__ Tôi đói khát sự công bình.__ Tôi hay thương xót.__ Tôi có lòng trong sạch.__ Tôi làm cho người hòa thuận.__ Tôi trung tín khi chịu bắt bớ vì niềm tin của mình.
Hãy nhận ra những thuộc tính mà em đang phát triển tốt và tạ ơn Thượng Đế cho những tiến triển mà em đang đạt được để trở nên giống như Ngài và Chúa Giê Su Ky Tô hơn. Hãy suy ngẫm về những thuộc tính mà em muốn phát triển trọn vẹn hơn và cầu xin Thượng Đế giúp em phát triển những thuộc tính đó.
Nếu em gặp khó khăn trong việc nhận ra những thuộc tính nào mà em đang làm tốt hoặc cần phải nỗ lực hơn thì có thể là hữu ích để nói chuyện với cha mẹ hoặc những người đáng tin cậy khác. Hãy hỏi những người này giúp xác định những thuộc tính giống như Đấng Ky Tô mà họ nhận ra ở em và những thuộc tính mà em có thể phát triển hơn.
Vai trò của Đấng Cứu Rỗi trong việc phát triển các thuộc tính giống như Đấng Ky Tô
Chúng ta phải có sự giúp đỡ của Đấng Cứu Rỗi để phát triển các thuộc tính giống như Đấng Ky Tô. Anh Cả Dieter F. Uchtdorf thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã giải thích:
Các thuộc tính giống như Đấng Ky Tô là ân tứ từ Thượng Đế. và không thể phát triển nếu không có sự giúp đỡ của Ngài. Một sự giúp đỡ mà chúng ta đều cần được ban cho chúng ta một cách rộng rãi qua Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô. Việc có đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô và nơi Sự Chuộc Tội của Ngài có nghĩa là hoàn toàn trông cậy nơi Ngài—tin tưởng nơi quyền năng vô hạn, trí tuệ và tình yêu thương của Ngài. Các thuộc tính giống như Đấng Ky Tô đến với cuộc sống của chúng ta khi chúng ta sử dụng quyền tự quyết của mình một cách ngay chính. Đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô dẫn đến hành động. Khi có đức tin nơi Đấng Ky Tô, chúng ta tin cậy Chúa đủ để noi theo các lệnh truyền của Ngài—ngay cả khi chúng ta không hoàn toàn hiểu các lý do về chúng. Trong khi cố gắng trở nên giống như Đấng Cứu Rỗi hơn, chúng ta cần phải đánh giá lại cuộc sống của mình một cách thường xuyên và, qua con đường chân thành hối cải, trông cậy vào công lao của Chúa Giê Su Ky Tô và các phước lành của Sự Chuộc Tội của Ngài.
(Dieter F. Uchtdorf, “Các Thuộc Tính Giống Như Đấng Ky Tô—Quyền Năng Nâng Đỡ Chúng Ta,” Liahona, tháng Mười Một năm 2005, trang 102–103)
-
Em nhận thấy điều gì trong lời phát biểu này có thể giúp em phát triển các thuộc tính giống như Đấng Ky Tô?
Hãy lập ra một kế hoạch
2. Hãy hoàn tất bài tập sau đây trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của em.
Hãy xây dựng một kế hoạch hành động để trở nên giống Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô hơn. Hãy gồm vào các việc làm cụ thể em có thể thực hiện hàng ngày mà em cảm thấy sẽ hữu ích. Hãy nhớ tìm kiếm sự giúp đỡ của Đấng Cứu Rỗi. Cân nhắc nhờ gia đình hoặc bạn bè đáng tin cậy hỗ trợ em trong nỗ lực của mình. Em cũng có thể muốn ghi lại kế hoạch hành động của mình trong Sách Hướng Dẫn Giới Trẻ hoặc trong nhật ký ghi chép việc học tập.
Tùy Chọn: Muốn Học Hỏi Thêm?
Đấng Cứu Rỗi dạy cho chúng ta về cá tính của Ngài trong Bài Giảng trên Núi bằng cách nào?
Chủ Tịch Harold B. Lee (1899–1973) dạy:
Đấng Ky Tô không chỉ đến thế gian để chuộc tội cho những tội lỗi của nhân loại mà còn để nêu gương trước thế gian về tiêu chuẩn hoàn hảo của luật pháp của Thượng Đế và sự vâng lời Đức Chúa Cha. Trong Bài Giảng trên Núi, Đức Thầy đã tiết lộ cho chúng ta phần nào về cá tính của Ngài, một cá tính hoàn hảo, … và khi làm như vậy đã cho chúng ta một mẫu mực cho cuộc sống của chính chúng ta.
(Teachings of Presidents of the Church: Harold B. Lee [năm 2000], trang 199–200)
Việc những người khát khao sự ngay chính sẽ được đầy dẫy có nghĩa là gì?
Khi Đấng Cứu Rỗi đưa ra Bài Giảng trên Núi ở Châu Mỹ, Ngài tuyên phán rằng những kẻ đói khát sự ngay chính “sẽ được đầy dẫy Đức Thánh Linh” ( 3 Nê Phi 12:6).