Khải Huyền 21–22
“Kẻ Nào Thắng Sẽ Được Những Sự Ấy Làm Cơ Nghiệp”
Em có thể tưởng tượng được cuộc sống với Thượng Đế trong vương quốc thượng thiên sẽ như thế nào không? Trong những cảnh cuối cùng của sự mặc khải vĩ đại của mình, Giăng đã nhìn thấy “trời mới và đất mới” và một thành phố thánh từ trời xuống (xin xem Khải Huyền 21:1–2). Ông làm chứng rằng Thượng Đế “sẽ ở với họ và họ sẽ làm dân Ngài” (Khải Huyền 21:3). Bài học này nhằm giúp em hiểu rằng cơ hội được sống với Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô trong vương quốc thượng thiên là đáng để em dốc hết mọi nỗ lực.
Kết quả cuối cùng
Hãy tưởng tượng rằng em là thành viên của một đội thể thao và em biết trước rằng đội của mình sẽ giành được danh hiệu vô địch vào cuối mùa giải. Tuy nhiên, em không biết mùa giải sẽ kéo dài bao lâu và huấn luyện viên hy vọng rằng tất cả các cầu thủ sẽ nỗ lực hết sức để tiếp tục ở lại đội.
-
Sự hiểu biết này có thể ảnh hưởng như thế nào đến cách em chuẩn bị và tham gia/chơi/thể hiện trong mỗi trận đấu? Tại sao?
-
Em sẽ phản ứng ra sao nếu đội của em thua một vài trận liên tiếp? Em có thể động viên đồng đội của mình như thế nào sau những trận thua này?
Bây giờ, hãy dành một chút thời gian để suy ngẫm về những ngày sau cùng và Ngày Tái Lâm.
-
Em tin tưởng đến mức nào rằng sự ngay chính cuối cùng sẽ chiến thắng điều tà ác? Điều gì có thể giúp em gia tăng sự tin tưởng?
-
Em có cảm thấy rằng việc noi theo Đấng Cứu Rỗi có đáng để mình luôn nỗ lực hết sức không? Tại sao có hoặc tại sao không?
Kết quả cuối cùng của trận chiến giữa điều thiện và điều ác đã được Thượng Đế mặc khải qua các vị tiên tri của Ngài: bên của Chúa sẽ chiến thắng. Trong Thời Kỳ Ngàn Năm, Sa Tan sẽ bị trói buộc và Chúa Giê Su Ky Tô sẽ trị vì trên thế gian trong sự bình yên trong một ngàn năm (xin xem Khải Huyền 20:1–4). Sau nghìn năm này, Sa Tan sẽ bị “bị quăng xuống hồ lửa và diêm” mãi mãi, và Sự Phán Xét Cuối Cùng sẽ diễn ra (xin xem Khải Huyền 20:7–15). Sau Sự Phán Xét Cuối Cùng, những người ngay chính và trung tín sẽ được thừa hưởng cuộc sống vĩnh cửu trong vương quốc thượng thiên.
Khi em nghiên cứu Khải Huyền 21–22, hãy tìm kiếm sự giúp đỡ của Cha Thiên Thượng để gia tăng mong muốn nỗ lực hết sức để phấn đấu cho cuộc sống vĩnh cửu và vinh quang thượng thiên.
Đầu tiên và cuối cùng
Một trong những sự kiện quan trọng được Giăng nhìn thấy trong khải tượng của mình là việc Chúa Giê Su Ky Tô chiến thắng Sa Tan vào ngày tận thế. Trong Khải Huyền 21–22, Giăng mô tả số phận của những người đã chiến đấu cùng với Đấng Cứu Rỗi để đánh bại sự tà ác.
Hãy đọc Khải Huyền 21:1–7 , tìm kiếm những phước lành mà Thượng Đế sẽ ban cho những người trung tín. Em có thể muốn đánh dấu các từ và cụm từ có ý nghĩa đối với mình.
Nếu em muốn tìm hiểu thêm về Tân Giê Ru Sa Lem được đề cập đến trong câu 2 , hãy cân nhắc tra cứu mục này trong Sách Hướng Dẫn Thánh Thư .
Lưu ý rằng trong câu 2 , người chồng là biểu tượng cho Đấng Cứu Rỗi, và cô dâu là biểu tượng cho Giáo Hội, hoặc những người trung tín noi theo Ngài.
Trong câu 7 , con trai hoặc con gái của Đấng Ky Tô là người tuân giữ các giao ước của họ với Ngài.
1. Trả lời các câu hỏi sau đây trong nhật ký ghi chép việc học tập của em:
-
Thượng Đế sẽ ban cho người trung tín những phước lành nào mà có ý nghĩa nhất đối với em? Tại sao?
-
Em có thể học được điều gì về Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô từ những câu này? Tại sao là điều quan trọng cho em để hiểu những điều này về Hai Ngài?
Thừa hưởng vương quốc thượng thiên
Một số lẽ thật được dạy trong những câu này bao gồm như sau: Trong vương quốc thượng thiên, Thượng Đế sẽ ở cùng và an ủi dân Ngài, và họ sẽ không còn phải trải qua cái chết, nỗi buồn hay sự đau đớn nữa; và những người trung tín vượt qua những thử thách của cuộc sống trần thế sẽ được thừa hưởng những phước lành trong cuộc sống vĩnh cửu.
Hãy tưởng tượng rằng một trong những người bạn của em không nghĩ rằng việc cố gắng bước vào vương quốc thượng thiên là xứng đáng với tất cả những gì được đòi hỏi.
Chuẩn bị một câu trả lời ngắn mà em có thể chia sẻ với bạn bè của mình để có thể giúp họ hiểu rằng vương quốc thượng thiên xứng đáng với bất kỳ nỗ lực nào cần thiết để sống theo phúc âm. Em có thể muốn sử dụng một số nguồn tài liệu sau đây và trả lời những câu hỏi sau để giúp em chuẩn bị câu trả lời của mình:
Anh Cả L. Tom Perry (1922–2015) thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy:
Tôi tin rằng nếu chúng ta tạo ra trong tâm trí của mình một hình ảnh rõ ràng và chính xác về cuộc sống vĩnh cửu, thì chúng ta sẽ bắt đầu cư xử khác. Chúng ta sẽ không cần phải được thúc đẩy để làm nhiều điều liên quan đến việc kiên trì đến cùng, giống như việc giảng dạy tại gia hoặc thăm viếng giảng dạy, tham dự các buổi họp của chúng ta, đi đền thờ, sống cuộc sống đạo đức, dâng lời cầu nguyện của mình, hoặc đọc thánh thư. Chúng ta sẽ muốn làm tất cả những điều này và còn làm nhiều hơn nữa vì chúng ta nhận thức rằng những điều này sẽ chuẩn bị cho chúng ta đi đến một nơi nào đó mà chúng ta mong mỏi được đến.
(L. Tom Perry, “Phúc Âm của Chúa Giê Su Ky Tô”, Liahona, tháng Năm năm 2008, trang 44)
Giáo Lý và Giao Ước 76:51–52, 59–60, 69–70
Một số câu hỏi sau đây có thể giúp định hướng suy nghĩ của em khi em suy ngẫm câu trả lời của mình:
-
Điều gì khiến em hào hứng khi nghĩ về việc sống trong vương quốc thượng thiên?
-
Em đã học được điều gì về việc Đấng Cứu Rỗi thúc đẩy em noi theo Ngài và cố gắng vào được vương quốc thượng thiên?
-
Em đã có những kinh nghiệm nào với Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô mà làm gia tăng mong muốn được sống với Hai Ngài một lần nữa?
-
Làm thế nào mà tình yêu thương của Hai Ngài dành cho em đã giúp em cảm thấy rằng vương quốc thượng thiên là có thể đạt được?
Trong bốn đến năm câu, hãy viết những điều em sẽ nói với người bạn của mình.
2. Trong bốn đến năm câu, hãy viết vào nhật ký ghi chép việc học tập những điều em sẽ nói với người bạn của mình.
Hãy suy ngẫm trong vài phút về tình thương yêu của Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô và việc Hai Ngài mong muốn em nhận được cuộc sống vĩnh cửu. Suy ngẫm cách em có thể bày tỏ lòng biết ơn của mình đối với lòng thương xót và ân điển của Hai Ngài.
Tùy Chọn: Muốn Học Hỏi Thêm?
Cha Thiên Thượng có thực sự tạo điều kiện cho tôi để được sống trong vương quốc thượng thiên không?
Câu trả lời ngắn gọn và chính xác là chắc chắn có! Nhưng nếu em muốn tìm hiểu thêm, hãy cân nhắc đọc “Em Có Thể Làm Được!” của Eric B. Murdock trên tạp chí Cổ Vũ Sức Mạnh của Giới Trẻ số tháng Bảy năm 2021 (trang 24–26).
Làm thế nào tôi có thể tìm hiểu thêm về vương quốc thượng thiên trông như thế nào?
Em cũng có thể đọc “Vương quốc thượng thiên trông ra sao?” trong số tháng Bảy năm 2021 của tạp chí Cổ Vũ Sức Mạnh của Giới Trẻ (trang 31).
Khải Huyền 21:6 . Khi Chúa Giê Su gọi chính Ngài là “An Pha và Ô Mê Ga” thì có nghĩa là gì?
An Pha là chữ cái đầu tiên trong bảng chữ cái Hy Lạp. An Pha có nghĩa là “đầu tiên” hoặc “khởi đầu”. Ô Mê Ga có nghĩa là “phần cuối cùng của bất kỳ chuỗi nào” hoặc “cuối cùng”. Khi anh chị em đặt hai từ, An Pha và Ô Mê Ga , với nhau, chúng có nghĩa là “từ đầu đến cuối” hoặc “từ đầu tiên đến cuối cùng”. Khi Chúa Giê Su được gọi là An Pha và Ô Mê Ga, điều đó có nghĩa là Ngài đã có từ đầu và sẽ ở cuối trong mọi sự; Ngài là vĩnh cửu.
(Dorothy Leon, “By These Names”, Liahona, tháng Tư năm 1996)
Một trong những phương diện chúng ta có thể coi Chúa Giê Su Ky Tô là An Pha và Ô Mê Ga là Ngài là thành viên của Thiên Chủ Đoàn và đã sáng tạo ra thế gian (xin xem Mô Si A 3:8 ; Môi Se 1:33 ; 2:1). Ngài cũng đồng ý trở thành Đấng Cứu Rỗi của chúng ta trong tiền dương thế (xin xem Môi Se 4:2). Nhờ Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta sẽ được phục sinh (xin xem 1 Cô Rinh Tô 15:20–22 ; An Ma 11:42–44), và Ngài sẽ là Đấng Phán Xét và Đấng Biện Hộ của chúng ta trước Đức Chúa Cha (xin xem Rô Ma 14:10–12 ; An Ma 33:22 ; 3 Nê Phi 27:14–16 ; Giáo Lý và Giao Ước 45:3–5).
Có phải Khải Huyền 22:18–19 có ý nói không thể có bất cứ thánh thư nào khác ngoài Kinh Thánh không?
Một số người đã trích dẫn Khải Huyền 22:18–19 làm lý do để khước từ Sách Mặc Môn và các thánh thư ngày sau khác. Anh Cả Jeffrey R. Holland thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã giải thích tại sao lập luận này không chính xác trong sứ điệp của ông “Lời của Ta … Không Bao Giờ Chấm Dứt” (Liahona, tháng Năm năm 2008, trang 91–94).