Những Sự Kêu Gọi trong Phái Bộ Truyền Giáo
Chương 2: Tra Cứu Thánh Thư và Khoác lên Bộ Áo Giáp của Thượng Đế


“Chương 2: Tra Cứu Thánh Thư và Khoác lên Bộ Áo Giáp của Thượng Đế,” Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta: Sách Hướng Dẫn Cách Chia Sẻ Phúc Âm của Chúa Giê Su Ky Tô (năm 2023)

“Tra Cứu Thánh Thư và Khoác lên Bộ Áo Giáp của Thượng Đế,” Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta

Joseph Smith Seeks Wisdom in the Bible (Joseph Smith Tìm Kiếm Sự Thông Sáng trong Kinh Thánh), tranh của Dale Kilbourn

Chương 2

Tra Cứu Thánh Thư và Khoác lên Bộ Áo Giáp của Thượng Đế

Hãy Suy Ngẫm về Những Câu Hỏi Này

  • Tại sao là điều quan trọng để thường xuyên nghiên cứu lời của Thượng Đế trong thánh thư?

  • Bằng cách nào tôi có thể làm cho việc học tập thánh thư của mình được hữu hiệu hơn?

  • Làm thế nào tôi có thể sử dụng công nghệ một cách ngay chính để giúp tôi làm tròn mục đích của mình?

  • Việc khoác lên bộ áo giáp của Thượng Đế có nghĩa là gì?

Tra Cứu Thánh Thư

Chúa Giê Su Ky Tô “là sự sống và là sự sáng của thế gian. Này, Ngài là lời nói của lẽ thật và sự ngay chính” (An Ma 38:9; xin xem thêm Giăng 1). Việc nghiên cứu lời của Thượng Đế trong thánh thư sẽ mang lại sự phong phú cho cuộc sống của anh chị em (xin xem Giăng 10:10). Những lời của Ngài sẽ làm cho anh chị em—và những người mà anh chị em giảng dạy—chan hòa ánh sáng và lẽ thật. Những lời này sẽ giúp anh chị em—và những người mà anh chị em giảng dạy—sống ngay chính và nhận được sự bảo vệ cũng như sức mạnh thiêng liêng. Những lời này sẽ giúp anh chị em tiến đến việc biết Ngài và nếm trải tình yêu thương của Ngài tức là tình yêu thương tuyệt vời hơn tất cả những gì tuyệt vời. Những lời của Ngài sẽ làm cho tâm hồn của anh chị em chan hòa niềm vui (1 Nê Phi 8:11–12; xin xem các câu 1–34).

Thánh thư là một sự ban cho từ thiên thượng. Một trong những phước lành lớn lao trong công việc truyền giáo của anh chị em là có một thời gian biểu để nghiên cứu thánh thư mỗi ngày.

Việc học hỏi phúc âm là một trong số các công việc thuộc linh bổ ích nhất mà anh chị em có thể làm. Việc này tiếp thêm sinh lực cả về phần tinh thần lẫn thuộc linh. Như An Ma đã dạy, khi anh chị em “gieo trồng” lời của Thượng Đế trong lòng mình, thì lời đó sẽ “soi sáng sự hiểu biết của [anh chị em]” và trở thành ngon ngọt đối với anh chị em (An Ma 32:28; xin xem thêm Ê Nót 1:3–4). Khi anh chị em tiếp tục nghiên cứu và áp dụng lời của Thượng Đế, thì lời ấy sẽ “mọc rễ và … trở thành một cây lớn mạnh cho tới cuộc sống vĩnh viễn” (An Ma 32:41; xin xem thêm các câu 42–43). Sự hiểu biết và chứng ngôn của anh chị em về phúc âm sẽ gia tăng. Ước muốn và khả năng chia sẻ phúc âm của anh chị em cũng sẽ gia tăng.

Việc học hỏi từ một giảng viên giỏi là điều quan trọng, nhưng còn điều quan trọng nữa là anh chị em có được những kinh nghiệm học tập đầy ý nghĩa từ việc nghiên cứu thánh thư của chính mình. Điều này cũng đúng với những người mà anh chị em giảng dạy.

Thoạt đầu, việc hiểu thánh thư có thể là một thử thách. Tuy nhiên, khi anh chị em nhẫn nại kiên trì nghiên cứu lời của Thượng Đế thì sự hiểu biết của anh chị em sẽ phát triển. Anh chị em sẽ tiến đến việc biết quý trọng thời gian của mình với thánh thư. Anh chị em sẽ thiết tha mong đợi những gì mà anh chị em sẽ học hỏi và cảm nhận.

Việc biết và yêu thích thánh thư có thể là một phước lành lớn suốt đời cho công việc truyền giáo của anh chị em. Khi cảm nhận các phước lành của việc nghiên cứu thánh thư trong khi đi truyền giáo, thì anh chị em sẽ muốn tiếp tục nghiên cứu thánh thư cho đến hết cuộc đời của mình.

Anh Cả D. Todd Christofferson

“Mục đích chính yếu của tất cả thánh thư là làm tâm hồn chúng ta chan hòa đức tin nơi Thượng Đế Đức Chúa Cha và nơi Vị Nam Tử của Ngài là Chúa Giê Su Ky Tô—đức tin rằng hai Ngài hiện hữu; đức tin nơi kế hoạch của Đức Chúa Cha về sự bất diệt và cuộc sống vĩnh cửu của chúng ta; đức tin nơi Sự Chuộc Tội và Sự Phục Sinh của Chúa Giê Su Ky Tô làm cho kế hoạch hạnh phúc này thành sinh động; đức tin mà làm cho phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô thành lối sống của chúng ta; và đức tin để tiến đến việc ‘nhìn biết Cha, tức là Đức Chúa Trời có một và thật, cùng Chúa Giê Su Ky Tô, là Đấng Cha đã sai đến’ (Giăng 17:3)” (D. Todd Christofferson, “The Blessing of Scripture,” Liahona, tháng Năm năm 2010, trang 34).

Học Tập Riêng Cá Nhân

Hãy nhìn vào tấm ảnh của Joseph Smith ở phần đầu của chương này. Đọc Joseph Smith—Lịch Sử 1:11–13. Trả lời các câu hỏi sau đây vào trong nhật ký ghi chép việc học tập của anh chị em.

  • Làm thế nào việc Joseph Smith đọc và suy ngẫm về Gia Cơ 1:5 đã dẫn ông đến việc nhận được sự mặc khải?

  • Việc học tập của ông có ảnh hưởng gì đối với các thế hệ tương lai?

  • Quyết định học tập và tìm kiếm của ông đã có ảnh hưởng gì đến cuộc sống của anh chị em?

  • Việc nghiên cứu phúc âm của anh chị em đã ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống của anh chị em cũng như cuộc sống của những người khác?

Nghiên Cứu Thánh Thư

Anh chị em có thể học được điều gì từ những câu thánh thư sau đây về cách học hỏi phúc âm?

Tìm Kiếm Thánh Linh

Việc học hỏi phúc âm không chỉ là thu thập thông tin. Mà đó là một tiến trình thiêng liêng để áp dụng lẽ thật vĩnh cửu dưới sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh (xin xem Gia Cốp 4:8; Giáo Lý và Giao Ước 50:19–25). Tìm kiếm và tin cậy Thánh Linh sẽ dạy cho anh chị em khi anh chị em nghiên cứu thánh thư. Điều này sẽ xảy ra ở mức độ mà anh chị em áp dụng thánh thư cho chính mình với chủ ý thực sự để hành động theo điều anh chị em học được (xin xem 1 Nê Phi 19:23; Mô Rô Ni 10:4; Joseph Smith—Lịch Sử 1:18).

Việc thành tâm nghiên cứu thánh thư sẽ mở ra cánh cửa mặc khải để Thánh Linh nói với tâm trí của anh chị em. Ngài sẽ ban phước cho anh chị em với sự hướng dẫn, sự soi dẫn và câu trả lời cho những câu hỏi của anh chị em. Qua việc nghiên cứu thánh thư của anh chị em, Đức Thánh Linh sẽ củng cố và an ủi anh chị em. Ngài sẽ ban cho anh chị em kiến thức và lòng tin chắc mà sẽ ban phước cho cuộc sống của anh chị em và làm cho anh chị em có thể vĩnh viễn ban phước cho những người khác.

Nghiên Cứu Thánh Thư

Vai trò của Đức Thánh Linh trong việc giúp một người học hỏi phúc âm là gì?

Tìm Kiếm Câu Trả Lời cho Những Câu Hỏi

Là người truyền giáo, anh chị em sẽ được nghe nhiều câu hỏi. Anh chị em cũng sẽ có những câu hỏi của riêng mình. Việc tra cứu thánh thư và các nguồn tài liệu khác đã được chấp thuận để tìm câu trả lời cho những câu hỏi này là một cách hữu hiệu để học tập. Ghi lại các câu hỏi và điều anh chị em học được cũng như cảm nhận vào trong nhật ký ghi chép việc học tập của mình.

Sử dụng các nguồn tài liệu chính xác, đáng tin cậy trong việc nghiên cứu của anh chị em—chủ yếu là thánh thư, những lời của các vị tiên tri tại thế, và sách Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta. Sử dụng các nguồn tài liệu trong Thư Viện Phúc Âm, chẳng hạn như Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, Bible Dictionary, index to the triple combination, Các Đề Tài Phúc Âm, và Gospel Topics essays [Các Bài Tiểu Luận về Đề Tài Phúc Âm]. Tìm hiểu những nguồn tài liệu nào có sẵn bằng ngôn ngữ của những người mà anh chị em giảng dạy.

Chủ Tịch M. Russell Ballard

“Một điều tôi đã học được trong cuộc sống là Chúa trả lời các câu hỏi của chúng ta và ban cho chúng ta lời khuyên dạy qua thánh thư thường xuyên như thế nào. … Vậy thì chúng ta hãy đến với Chúa trong lời cầu nguyện, khẩn cầu sự giúp đỡ hoặc câu trả lời; và những câu trả lời đó sẽ đến khi chúng ta giở thánh thư ra và bắt đầu nghiên cứu thánh thư. Đôi khi, thể như một đoạn thánh thư cũ xưa hằng trăm hoặc hằng nghìn năm đã được quy định để trả lời cho câu hỏi của chúng ta một cách cụ thể” (M. Russell Ballard, “Be Strong in the Lord, and in the Power of His Might” [buổi họp đặc biệt fireside tại trường Brigham Young University, ngày 3 tháng Ba năm 2002], trang 5, speeches.byu.edu).

Sống Theo Điều Anh Chị Em Học Được

Khi cảm thấy niềm vui đến từ sự hiểu biết gia tăng về phúc âm, anh chị em sẽ muốn áp dụng những gì mà mình học được. Cố gắng sống phù hợp với điều mình học được. Làm như vậy sẽ củng cố đức tin, sự hiểu biết và chứng ngôn của anh chị em. Hành động theo những gì anh chị em học được sẽ mang lại thêm sự hiểu biết lâu dài. (Xin xem Giăng 7:17.)

Chủ Tịch Boyd K. Packer

“Giáo lý chân chính, nếu hiểu rõ, sẽ thay đổi thái độ và hành vi. Việc nghiên cứu [giáo lý] phúc âm sẽ cải thiện hành vi nhanh hơn là việc nghiên cứu hành vi sẽ cải thiện hành vi” (Boyd K. Packer, “Little Children,” Ensign, tháng Mười Một năm 1986, trang 17).

Học Tập Riêng Cá Nhân

Các câu thánh thư sau đây giảng dạy điều gì về việc học hỏi phúc âm?

Sử Dụng Thư Viện Phúc Âm

Thư Viện Phúc Âm là một nguồn tài liệu trực tuyến mà có thể giúp ích rất nhiều cho việc học tập và giảng dạy của anh chị em. Hãy làm quen với nhiều tính năng của nó. Một số lợi ích của việc sử dụng Thư Viện Phúc Âm như là một phần của việc học tập và giảng dạy của anh chị em được liệt kê dưới đây.

  • Thư Viện Phúc Âm cho phép anh chị em tiếp cận thánh thư, những lời của các vị tiên tri tại thế và nhiều nội dung khác của Giáo Hội bằng nhiều ngôn ngữ ở dạng văn bản, âm thanh và video.

  • Nếu anh chị em ghi lại trong Thư Viện Phúc Âm những gì mình học được và những ấn tượng mà mình đã nhận được, thì anh chị em có thể tiếp tục truy cập và được củng cố nhờ vào thông tin đó sau khi kết thúc công việc truyền giáo.

  • Điều đó cho phép anh chị em dễ dàng chia sẻ thánh thư, những câu trích dẫn từ các vị tiên tri tại thế và video với những người mà anh chị em đang giảng dạy.

  • Hầu hết những người mà anh chị em giảng dạy và làm phép báp têm sẽ sử dụng Thư Viện Phúc Âm để truy cập các nguồn tài liệu của Giáo Hội. Hãy làm quen với các tính năng của Thư Viện Phúc Âm để anh chị em có thể giúp họ học cách sử dụng.

Học Tập Riêng Cá Nhân

Xem lại “Phần Hướng Dẫn Người Dùng Thư Viện Phúc Âm.” Chọn một tính năng trong Thư Viện Phúc Âm để thử trong buổi học tập riêng cá nhân và học chung với bạn đồng hành tiếp theo của anh chị em. Tính năng này đã giúp đỡ như thế nào cho việc học tập của anh chị em? Anh chị em sẽ thử điều gì vào lần tới? Giảng dạy cho những người truyền giáo khác những gì anh chị em học được.

Sử Dụng Công Nghệ Một Cách Ngay Chính

Chúa và các vị tiên tri của Ngài đã giao phó cho anh chị em công nghệ để giúp hoàn thành công việc của Ngài. Công nghệ có thể giúp ích việc nghiên cứu thánh thư và sách Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta của anh chị em. Các tài liệu kỹ thuật số cũng có thể giúp anh chị em hoạch định. Chúng có thể giúp đỡ trong sự giảng dạy và trong nỗ lực của anh chị em để tìm những người để giảng dạy.

Việc sử dụng công nghệ một cách khôn ngoan và ngay chính có thể giúp anh chị em làm tròn mục đích truyền giáo của mình và sử dụng thời gian một cách hiệu quả. Sử dụng công nghệ một cách khôn ngoan và ngay chính cũng có thể giúp anh chị em tránh những tài liệu không phù hợp.

Tuân theo Thánh Linh về thời điểm và cách sử dụng công nghệ theo những cách mà sẽ giúp củng cố đức tin của anh chị em nơi Chúa Giê Su Ky Tô và đức tin của những người mà anh chị em phục vụ và giảng dạy.

Tuân Thủ Các Biện Pháp An Toàn khi Sử Dụng Công Nghệ

Bốn biện pháp an toàn được mô tả dưới đây sẽ giúp anh chị em sử dụng công nghệ một cách thích hợp. Việc tuân theo những biện pháp an toàn này là một cách quan trọng để anh chị em “mang lấy mọi khí giới của Đức Chúa Trời, để được đứng vững mà địch cùng mưu kế của ma quỉ” (Ê Phê Sô 6:11).

Sẵn Sàng Nghe Theo Những Thúc Giục của Thánh Linh

Nê Phi đã hứa: “Nếu các người đi vào bằng đường lối ấy, và nhận được Đức Thánh Linh thì Ngài sẽ chỉ dẫn cho các người tất cả mọi việc các người phải nên làm” (2 Nê Phi 32:5). Cha Thiên Thượng đã ban cho anh chị em hai ân tứ rất mạnh mẽ mà sẽ giúp đỡ anh chị em: quyền tự quyết về mặt đạo đức và ân tứ Đức Thánh Linh. Anh chị em có khả năng để chọn tuân theo sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh. Sự hướng dẫn của Ngài rất quan trọng trong việc giúp anh chị em làm điều tốt trong khi sử dụng công nghệ. Sự hướng dẫn này cũng giúp bảo vệ anh chị em khỏi điều xấu.

Tập Trung vào Mục Đích Truyền Giáo của Anh Chị Em

Chúa đã phán: “Nếu con mắt các ngươi chỉ duy nhất hướng về vinh quang của ta, thì thể xác các ngươi sẽ được tràn đầy ánh sáng, và sẽ chẳng có sự tối tăm nào trong các ngươi; và cái thể xác tràn đầy ánh sáng hiểu thấu được tất cả mọi vật” (Giáo Lý và Giao Ước 88:67). Việc để cho con mắt của anh chị em chỉ duy nhất hướng về vinh quang của Thượng Đế có nghĩa là hoàn toàn tập trung vào mục đích của Thượng Đế, mà cũng là mục đích của anh chị em với tư cách là người truyền giáo.

Việc anh chị em sử dụng công nghệ nên được tập trung vào mục đích của anh chị em. Chỉ bật thiết bị của anh chị em lên sau khi anh chị em đã xác định được mục đích truyền giáo mà anh chị em sẽ sử dụng thiết bị để hoàn tất. Sau đó tắt nó đi khi mục đích đó đã hoàn tất.

Có lẽ anh chị em dễ bắt gặp nội dung không phù hợp trên Internet hơn khi tình cờ lướt mạng mà trong đầu không có một mục đích cụ thể nào.

những người truyền giáo đang xem điện thoại

Hãy Có Kỷ Luật

Mặc Môn đã viết: “Tôi là một môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô, Vị Nam Tử của Thượng Đế. Tôi đã được Ngài kêu gọi để rao truyền lời của Ngài trong dân Ngài, để họ có thể có được cuộc sống vĩnh viễn” (3 Nê Phi 5:13). Giống như Mặc Môn, anh chị em cũng là một môn đồ của Đấng Tô. Việc phục vụ với tư cách là người truyền giáo toàn thời gian là một cơ hội đặc biệt để gia tăng vai trò môn đồ của anh chị em.

Các từ môn đồkỷ luật bắt nguồn từ cùng một từ gốc mà có nghĩa là “người học” hoặc “học trò.” Làm môn đồ của Đấng Ky Tô có nghĩa là chúng ta cố gắng noi theo Ngài và tuân giữ các lệnh truyền của Ngài. Điều đó có nghĩa là anh chị em không ngừng học hỏi và giảng dạy về Đấng Ky Tô.

Hãy có kỷ luật và đưa ra những lựa chọn ngay chính trong cách mà anh chị em sử dụng công nghệ. Chọn tuân theo các biện pháp an toàn. Khi anh chị em đang nói chuyện trực diện với người khác, đừng kiểm tra tin nhắn hoặc trả lời điện thoại. Hãy kiểm soát cách anh chị em sử dụng các thiết bị này. Đừng để chúng điều khiển anh chị em.

Chúa đã phán: “Kẻ nào nhận luật pháp của ta và làm theo nó, thì kẻ ấy là môn đồ của ta; còn kẻ nào bảo rằng mình đã nhận được luật pháp mà lại không làm theo nó, thì kẻ đó không phải là môn đồ của ta” (Giáo Lý và Giao Ước 41:5). Mặc dù không có ai là hoàn hảo, nhưng Chúa mong đợi nỗ lực kiên định, bền bỉ để noi theo Ngài.

Vẻ đẹp của phúc âm là chúng ta có thể được tha thứ khi hối cải—và Chúa muốn chúng ta hối cải ngay lập tức (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 109:21). Nếu anh chị em phạm sai lầm, bao gồm việc sử dụng công nghệ không thích hợp, thì hãy hối cải ngay lúc đó và tiếp tục cố gắng sống theo luật pháp của Ngài. Đây là một phần của vai trò làm môn đồ của Đấng Ky Tô.

Hãy Hiệp Làm Một

Chúa phán: “Hãy hiệp làm một; và nếu các ngươi không hiệp làm một thì các ngươi không phải là của ta” (Giáo Lý và Giao Ước 38:27). Hãy giúp phái bộ truyền giáo của anh chị em phát triển một văn hóa đoàn kết, tin cậy, có trách nhiệm giải trình và lòng trắc ẩn để anh chị em có thể củng cố và hỗ trợ lẫn nhau.

Tất cả những người truyền giáo nên cảm thấy thoải mái để yêu cầu được giúp đỡ khi cần. Một người truyền giáo mạnh mẽ trong Thánh Linh có thể giúp đỡ một người đang cảm thấy yếu kém (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 84:106). Nếu anh chị em cảm thấy bị cám dỗ, thì hãy yêu cầu bạn đồng hành của mình hoặc vị lãnh đạo trong phái bộ truyền giáo để được giúp đỡ.

Hầu như tất cả những thử thách liên quan tới Internet hoặc với hình ảnh sách báo khiêu dâm đều xảy ra trong khi ở một mình. Chỉ sử dụng các thiết bị khi anh chị em có thể thấy được màn hình của nhau. Hãy can đảm và chịu trách nhiệm lẫn cho nhau.

Chúa tin tưởng nơi mỗi người truyền giáo mà Ngài đã kêu gọi, trong đó có anh chị em. Ngài đã gửi đến những người bạn đồng hành và các vị lãnh đạo để giúp bảo vệ và hỗ trợ anh chị em. Cũng giống như An Ma đã hỗ trợ người bạn đồng hành của ông là A Mu Léc, hãy tìm cách củng cố lẫn nhau (xin xem An Ma 15:18).

Anh Chị Em Nên Làm Gì Nếu Cảm Thấy Dễ Bị Tổn Thương hoặc Dễ Nhạy Cảm?

Việc học cách tuân theo bốn biện pháp an toàn này đòi hỏi nỗ lực, kỷ luật và sự thực hành. Ngay cả sau khi các biện pháp an toàn đã trở thành một phần tự nhiên trong lối suy nghĩ và hành động của anh chị em, sẽ có những lúc anh chị em có thể cảm thấy bị cám dỗ hoặc dễ nhạy cảm. Có lẽ anh chị em đã có những thói quen xấu trong việc sử dụng công nghệ trước khi đi truyền giáo mà rất khó để khắc phục. Một số người truyền giáo đã vật lộn với vấn đề hình ảnh sách báo khiêu dâm trước khi được kêu gọi đi truyền giáo và có thể bị cám dỗ để quay trở lại với những lề thói của hành vi cũ.

Các nguyên tắc dưới đây sẽ giúp anh chị em sống theo các biện pháp an toàn và củng cố bản thân mình chống lại cám dỗ:

  • Nhận biết những ý nghĩ, cảm nghĩ, và hành vi của mình. Hiểu được cách những điều này có thể làm cho anh chị em dễ bị tổn thương khi sử dụng công nghệ một cách không thích đáng.

  • Chọn để hành động. Đối phó bằng những cách thức ngay chính, có hiệu quả đối với điều anh chị em đang cảm thấy.

  • Học hỏi, hối cải và cải thiện. Sử dụng những kinh nghiệm của anh chị em để tiếp tục học hỏi và cải thiện.

Anh chị em không cần phải vượt qua thử thách một mình. Hãy trông cậy vào sức mạnh có được nhờ vào Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi và các giao ước mà anh chị em đã lập với Ngài. Chúa biết những thử thách mà anh chị em gặp phải, và Ngài sẽ giúp đỡ anh chị em trong công việc vĩ đại này.

Hãy luôn nhớ rằng Đấng Cứu Rỗi có thể giúp anh chị em sử dụng công nghệ một cách ngay chính. Hãy trung thành với sự tin cậy mà Ngài đã ban cho anh chị. Quyết tâm “bước đi ngay thẳng trước mặt Ngài” (An Ma 53:21; xin xem thêm câu 20). Cảm nghĩ biết ơn về tất cả những gì Ngài và Đức Chúa Cha đã làm cho anh chị em sẽ giúp cho anh chị em có những lựa chọn đúng về cách sử dụng các nguồn tài liệu kỹ thuật số.

Công việc truyền giáo của anh chị em là một cơ hội tuyệt vời để học cách sử dụng công nghệ một cách khôn ngoan. Sự cam kết và những thói quen tốt mà anh chị em phát triển trong khi đi truyền giáo sẽ mang lại lợi ích cho anh chị em trong suốt quãng đời còn lại của mình.

Khoác lên Bộ Áo Giáp của Thượng Đế

Khả năng của anh chị em để chống lại cám dỗ sẽ gia tăng khi anh chị em nghiên cứu và áp dụng thánh thư, những lời của các vị tiên tri tại thế, sách Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta, Các Tiêu Chuẩn Truyền Giáo dành cho Các Môn Đồ của Chúa Giê Su Ky Tô, và các biện pháp an toàn được mô tả trong chương này.

những người truyền giáo đang chào hỏi người đàn ông

Bằng cách mặc lấy “mọi khí giới của Đức Chúa Trời”, anh chị sẽ có thể phân biệt được lẽ thật với sai lầm. Anh chị em sẽ xỏ chân bằng “tin lành bình an.” Việc mặc lấy “giáp bằng sự công bình” sẽ bảo vệ anh chị em. Với “đức tin làm khiên,” anh chị em sẽ có thể dập tắt được các tên lửa của kẻ nghịch thù. Anh chị em sẽ cầm “gươm của Thánh Linh [Ngài]” để giảng dạy lẽ thật với quyền năng và thẩm quyền. Anh chị em sẽ được thêm sức để chống lại những ảnh hưởng của thế gian mà có thể dẫn dắt anh chị em trở nên lạc lối, cô lập và thậm chí xa lánh. (Xin xem Ê Phê Sô 6:10–18; xin xem thêm 1 Nê Phi 8:20, 30; 15:24–25; Hê La Man 3:29–30; Giáo Lý và Giao Ước 27:15–18; Joseph Smith—Ma Thi Ơ 1:37; 2 Ti Mô Thê 3:15–17.)

Học Tập Riêng Cá Nhân

Thành tâm nhận ra một trong các biện pháp an toàn để tập trung vào tuần này. Tìm kiếm sự giúp đỡ của Chúa. Ghi vào những cảm nghĩ của anh chị em và những gì anh chị em đang học.


Những Ý Kiến để Học Tập và Áp Dụng

Học Tập Riêng Cá Nhân

  • Hãy thử một số đề nghị sau đây để cải thiện việc học tập của anh chị em:

    • Đọc thầm những câu thánh thư với các câu hỏi và thắc mắc.

    • Chia sẻ điều anh chị em học được với những người truyền giáo khác và với những người mình giảng dạy. Giải thích một giáo lý hay nguyên tắc mà sẽ giúp anh chị em ghi nhớ và hiểu rõ ràng.

    • Nghiên cứu theo đề tài. Tập trung vào các đề tài mà sẽ giúp anh chị em và những người mà anh chị em giảng dạy.

    • Hãy tự hỏi: “Tác giả đang nói gì? Sứ điệp chính là gì? Sứ điệp này áp dụng cho tôi như thế nào? Làm thế nào sứ điệp này có thể giúp cho một người nào đó mà chúng ta đang giảng dạy?”

    • Hình dung hoặc vẽ điều anh chị em đang học tập. Ví dụ, hãy tưởng tượng Am Môn đứng trước mặt vua La Man là như thế nào.

    • Viết ra ý chính của một đoạn thánh thư trong một câu hoặc một đoạn văn ngắn.

    • Ghi nhớ những câu thánh thư mà giải thích và hỗ trợ các nguyên tắc mà anh chị em giảng dạy.

  • Đánh giá bản thân về những điều sau (1=không bao giờ, 3=thỉnh thoảng và 5=hầu như luôn luôn).

    • Tôi đang tăng trưởng trong đức tin của mình và tiến đến việc biết Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô rõ hơn.

    • Tôi nghĩ về những người tôi đang giảng dạy khi tôi học tập.

    • Trong suốt cả ngày, tôi nghĩ về những gì tôi đã học tập vào buổi sáng.

    • Khi tôi học tập, trong tâm trí tôi nảy ra những ý tưởng mà trước đây tôi chưa từng nghĩ tới.

    • Tôi ghi lại những ấn tượng và ý nghĩ thuộc linh vào một nơi thích hợp.

    • Tôi tỉnh táo khi tôi học tập.

    • Tôi mong đợi được học tập riêng cá nhân.

    • Tôi mong đợi được học tập chung với bạn đồng hành.

    Xem lại bảng trả lời của anh chị em. Anh chị em đang làm tốt điều gì? Anh chị em có thể cải thiện bằng cách nào? Đặt một hoặc hai mục tiêu để cải thiện chất lượng học tập của anh chị em.

Học Tập Chung với Bạn Đồng Hành và Hoán Đổi Bạn Đồng Hành

Buổi Họp Hội Đồng Chi Bộ, Các Đại Hội Khu Bộ, và Buổi Họp Hội Đồng Lãnh Đạo Phái Bộ

  • Yêu cầu những người truyền giáo viết một hoặc hai câu hỏi về phúc âm từ một bài học trong chương 3. Những câu hỏi này có thể là riêng của cá nhân hoặc từ những người mà họ giảng dạy. Mời những người truyền giáo chia sẻ những câu hỏi của họ với nhóm. Đối với mỗi câu hỏi, hãy thảo luận những điều sau đây:

    • Việc trả lời câu hỏi này có thể ban phước như thế nào cho cuộc sống của người truyền giáo?

    • Việc này có thể ban phước như thế nào cho cuộc sống của những người mà người truyền giáo đó đang giảng dạy?

    • Một người truyền giáo có thể tìm ra câu trả lời bằng cách nào?

  • Chia những người truyền giáo ra thành các nhóm và chỉ định cho mỗi nhóm nghiên cứu một trong bốn biện pháp an toàn và các câu thánh thư kèm theo. Mời những người truyền giáo chia sẻ điều họ đã học được và các biện pháp an toàn đã giúp họ như thế nào.

Các Vị Lãnh Đạo Phái Bộ Truyền Giáo và Các Cố Vấn Phái Bộ Truyền Giáo

  • Thỉnh thoảng tham gia cùng những người truyền giáo trong buổi học tập chung với bạn đồng hành của họ.

  • Trong các cuộc phỏng vấn hoặc các buổi trò chuyện, hãy hỏi một số câu hỏi sau đây:

    • Gần đây anh chị em đã có những ấn tượng nào trong việc nghiên cứu thánh thư của mình?

    • Chương hoặc phần nào trong sách Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta đã giúp anh chị em nhiều nhất trong hai tuần qua? Chương hoặc phần đó đã giúp anh chị em như thế nào?

    • Anh chị em đang làm gì trong buổi học tập riêng cá nhân của mình mà giúp anh chị em học hỏi?

  • Trong các cuộc phỏng vấn, hãy cân nhắc việc xem xét các biện pháp an toàn để sử dụng công nghệ và hỏi những người truyền giáo xem họ đang học hỏi điều gì khi áp dụng chúng.

  • Chia sẻ những hiểu biết thấu đáo từ việc học tập riêng cá nhân của anh chị em. Chia sẻ các mục từ nhật ký ghi chép việc học tập của anh chị em và chứng ngôn của anh chị em về tầm quan trọng của việc nghiên cứu phúc âm.