Những Sự Kêu Gọi trong Phái Bộ Truyền Giáo
Chương 12: Giúp Mọi Người Chuẩn Bị cho Phép Báp Têm và Lễ Xác Nhận


“Chương 12: Giúp Mọi Người Chuẩn Bị cho Phép Báp Têm và Lễ Xác Nhận,” Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta: Sách Hướng Dẫn Cách Chia Sẻ Phúc Âm của Chúa Giê Su Ky Tô (năm 2023)

“Chương 12,” Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta

Giăng Báp Tít Làm Phép Báp Têm cho Chúa Giê Su, tranh của Greg K. Olsen

Chương 12

Giúp Mọi Người Chuẩn Bị cho Phép Báp Têm và Lễ Xác Nhận

Hãy Suy Ngẫm về Những Câu Hỏi Này

  • Làm thế nào tôi có thể giúp mọi người chuẩn bị cho phép báp têm và lễ xác nhận?

  • Tôi thực hiện một cuộc phỏng vấn về phép báp têm như thế nào?

  • Lễ báp têm mà nâng cao tinh thần được hoạch định và thực hiện như thế nào?

  • Tại sao việc hoàn tất và nộp Mẫu Phép Báp Têm và Lễ Xác Nhận là quan trọng?

  • Tôi có thể hỗ trợ các tín hữu mới bằng cách nào?

Phép báp têm là một giáo lễ đầy niềm vui và hy vọng mà mang quyền năng của Thượng Đế vào cuộc sống của một người. Quyền năng đó có được qua việc tiếp nhận ân tứ Đức Thánh Linh. Quyền năng đó sẽ tiếp tục khi một người kiên trì đến cùng trong việc tuân giữ giao ước báp têm.

Mục đích của việc anh chị em giảng dạy là giúp những người khác phát triển đức tin của họ nơi Chúa Giê Su Ky Tô, hối cải tội lỗi của họ và chịu phép báp têm với một ước muốn chân thành để noi theo Đấng Ky Tô. Như Mặc Môn đã dạy: “thành quả đầu tiên của sự hối cải là phép báp têm” (Mô Rô Ni 8:25). Khi những người anh chị em giảng dạy tuân giữ những cam kết mà anh chị em mời họ lập, thì họ sẽ sẵn sàng lập và tuân giữ các giao ước với Thượng Đế và vui hưởng các phước lành đã được hứa.

Phép Báp Têm và lễ xác nhận không phải là điểm đến cuối cùng. Thay vì thế, những giáo lễ này là cánh cổng mà qua đó con cái của Thượng Đế bước vào con đường giao ước. Con đường này dẫn đến các giáo lễ, các giao ước, và các phước lành vui mừng của đền thờ—và cuối cùng dẫn đến cuộc sống vĩnh cửu (xin xem 3 Nê Phi 11:20–40).

Những Điều Kiện để Chịu Phép Báp Têm và Lễ Xác Nhận

Thượng Đế mời tất cả con cái của Ngài đến cùng Ngài qua phép báp têm và lễ xác nhận (xin xem 2 Nê Phi 26:33; 3 Nê Phi 27:20). Những điều kiện để chịu phép báp têm đều giống nhau đối với tất cả mọi người.

Từ Giáo Lý và Giao Ước 20:37:

  • Hạ mình trước Thượng Đế.

  • Mong muốn chịu phép báp têm.

  • Đến với một tấm lòng đau khổ và một tâm hồn thống hối.

  • Hối cải mọi tội lỗi của mình và cầu nguyện để được tha thứ.

  • Tình nguyện mang danh của Đấng Ky Tô.

  • Có quyết tâm phục vụ Đấng Ky Tô cho đến cùng.

  • Qua những việc làm của mình, hãy cho thấy rằng anh chị em đã nhận được Thánh Linh của Đấng Ky Tô để được xá miễn các tội lỗi của mình.

Từ sứ điệp của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn và Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ:

  • Trả lời một cách thích hợp cho các câu hỏi phỏng vấn về phép báp têm.

  • Tiếp nhận tất cả các bài học của người truyền giáo.

  • Gặp gỡ chủ tịch nhóm túc số các anh cả, chủ tịch Hội Phụ Nữ và vị giám trợ.

  • Tham dự một vài buổi lễ Tiệc Thánh.

Những điều kiện này là những yếu tố then chốt của tiến trình cải đạo phần thuộc linh. Khi mọi người hội đủ những điều kiện này, thì họ đã sẵn sàng cho các giáo lễ thiêng liêng của phép báp têm và lễ xác nhận.

Khi một người đã ấn định ngày chắc chắn làm phép báp têm:

  • Xem lại kỹ hồ sơ của người đó trong ứng dụng Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta để bảo đảm rằng anh chị em đã giảng dạy giáo lý và các lệnh truyền cần thiết.

  • Lập lịch trình cho các sự kiện cần thiết để chuẩn bị cho lễ báp têm và lễ xác nhận. Xem lại lịch trình này với người đó.

  • Nếu có thể, hãy mời người đó tham dự một lễ báp têm trước lễ báp têm của chính họ.

Nghiên Cứu Thánh Thư

Nghiên cứu các câu thánh thư sau đây. Bằng cách nào anh chị em có thể giúp cho những người mình giảng dạy chuẩn bị cho lễ báp têm và lễ xác nhận? Ghi lại điều anh chị em đang học từ việc nghiên cứu thánh thư của mình.

Đấng Chữa Lành Cao Quý, tranh của Greg K. Olsen

Giúp Mọi Người Chuẩn Bị cho Cuộc Phỏng Vấn về Báp Têm của Họ

Cuộc phỏng vấn về phép báp têm là một bước quan trọng nhằm bảo đảm rằng một người hội đủ những điều kiện của Chúa để chịu phép báp têm. Chỉ lên lịch phỏng vấn về phép báp têm khi nào một người đã sẵn sàng.

Giúp mọi người chuẩn bị được phỏng vấn để họ cảm thấy thoải mái về cuộc phỏng vấn này. Hãy giải thích cuộc phỏng vấn sẽ như thế nào. Nói với họ rằng họ sẽ họp với một người truyền giáo khác giống như anh chị em.

Giải thích mục đích của cuộc phỏng vấn. Đó là cơ hội để họ làm chứng rằng họ đã “hối cải tất cả tội lỗi của mình [và] biểu lộ qua những việc làm của họ rằng họ đã nhận được Thánh Linh của Đấng Ky Tô để được xá miễn tội lỗi của mình” (Giáo Lý và Giao Ước 20:37).

Chia sẻ những câu hỏi mà người phỏng vấn sẽ hỏi (xem bên dưới). Điều này giúp cho người ấy chuẩn bị để trả lời những câu hỏi đó.

Hãy chắc chắn rằng người ấy hiểu điều anh chị em đã giảng dạy và giao ước mà người ấy sẽ lập tại lễ báp têm. Giao ước này là để:

  • Tình nguyện mang danh của Đấng Ky Tô.

  • Tuân giữ các giáo lệnh của Thượng Đế.

  • Phục vụ Thượng Đế và những người khác.

  • Kiên trì đến cùng. (Xin xem bài học 4.)

Chia sẻ chứng ngôn về các phước lành lớn lao có được từ việc chịu phép báp têm và được làm lễ xác nhận cùng tuân giữ giao ước báp têm. Những phước lành này gồm có sự xá miễn tội lỗi và ân tứ Đức Thánh Linh.

Thực Hiện Cuộc Phỏng Vấn về Phép Báp Têm

Mỗi người nào muốn chịu phép báp têm đều được phỏng vấn bởi một vị lãnh đạo có thẩm quyền của chức tư tế. Trong một phái bộ truyền giáo, người này là người lãnh đạo của chi bộ hoặc khu bộ truyền giáo. Người ấy thực hiện các cuộc phỏng vấn cho:

  • Những người từ 9 tuổi trở lên chưa bao giờ được làm phép báp têm và lễ xác nhận.

  • Trẻ em từ 8 tuổi trở lên có cha mẹ không phải là tín hữu của Giáo Hội.

  • Trẻ em từ 8 tuổi trở lên có cha hay mẹ cũng sẽ chịu phép báp têm và làm lễ xác nhận.

Những chỉ dẫn cho người phỏng vấn được tìm thấy bên dưới đây.

  • Tổ chức cuộc phỏng vấn ở một nơi thoải mái, riêng tư để Thánh Linh có thể được cảm nhận.

  • Khi phỏng vấn một đứa trẻ, một thanh thiếu niên hoặc một phụ nữ, người bạn đồng hành của người phỏng vấn nên ở gần đó trong một căn phòng, phòng đợi hoặc hành lang kế bên. Nếu người được phỏng vấn muốn, có thể mời một người thành niên khác tham dự cuộc phỏng vấn. Những người truyền giáo nên tránh mọi hoàn cảnh mà có thể bị hiểu lầm.

  • Bắt đầu bằng lời cầu nguyện.

  • Giúp người ấy cảm thấy thoải mái.

  • Làm cho cuộc phỏng vấn trở thành một kinh nghiệm nâng cao tinh thần.

  • Bảo đảm rằng người ấy hiểu mục đích của cuộc phỏng vấn.

  • Hỏi những câu hỏi phỏng vấn về phép báp têm được liệt kê dưới đây. Sửa lại các câu hỏi cho phù hợp với độ tuổi, mức chín chắn và hoàn cảnh của người ấy nếu cần.

  • Hãy giải đáp những thắc mắc của người ấy.

  • Xem lại thông tin trên Mẫu Phép Báp Têm và Lễ Xác Nhận để được chính xác. Nếu người ấy là trẻ vị thành niên, thì cha, mẹ hoặc người giám hộ cần ký tên vào mẫu đó trước khi làm lễ Báp Têm (xem phần “Phép Báp Têm và Lễ Xác Nhận: Hỏi và Đáp” trong chương này).

  • Mời người ấy chia sẻ chứng ngôn hoặc những cảm nghĩ của mình.

  • Bày tỏ lòng biết ơn vì đã có thể họp với người đó.

Xem Lại Các Câu Hỏi Phỏng Vấn về Phép Báp Têm

Các câu hỏi phỏng vấn về phép báp têm là như sau:

  1. Anh (chị, em) có tin rằng Thượng Đế là Đức Chúa Cha Vĩnh Cửu của chúng ta không? Anh (chị, em) có tin rằng Chúa Giê Su Ky Tô là Vị Nam Tử của Thượng Đế, Đấng Cứu Rỗi và Đấng Cứu Chuộc của thế gian không?

  2. Anh (chị, em) có tin rằng Giáo Hội và phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô đã được phục hồi qua Tiên Tri Joseph Smith không? Anh (chị, em) có tin rằng [Chủ Tịch hiện nay của Giáo Hội] là vị tiên tri của Thượng Đế không? Điều này có nghĩa gì đối với anh (chị, em)?

  3. Hối cải có nghĩa là gì đối với anh (chị, em)? Anh (chị, em) có cảm thấy rằng mình đã hối cải về các tội lỗi trong quá khứ chưa?

  4. Anh (chị, em) đã được giảng dạy rằng vai trò tín hữu trong Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô gồm có việc sống theo các tiêu chuẩn phúc âm. Anh (chị, em) hiểu gì về các tiêu chuẩn sau đây? Anh (chị, em) có sẵn lòng tuân theo các tiêu chuẩn này không?

    • Luật trinh khiết là luật nghiêm cấm bất cứ mối quan hệ tình dục nào bên ngoài vòng hôn nhân hợp pháp giữa một người nam và một người nữ

    • Luật thập phân

    • Lời Thông Sáng

    • Giữ ngày Sa Bát được thánh, kể cả dự phần Tiệc Thánh hằng tuần và phục vụ người khác

  5. Anh (chị, em) có từng phạm một trọng tội không? Nếu có, hiện giờ anh (chị, em) có đang bị quản chế hay bị án treo không?

  6. Anh (chị, em) có từng tham dự vào một vụ phá thai không? (Xin xem Sách Hướng Dẫn Tổng Quát, đoạn 38.6.1.)

  7. Khi chịu phép báp têm, anh (chị, em) giao ước với Thượng Đế rằng anh (chị, em) sẵn lòng mang lấy danh của Đấng Ky Tô, phục vụ người khác, đứng lên làm nhân chứng cho Thượng Đế bất cứ lúc nào và tuân giữ các giáo lệnh của Ngài trong suốt đời mình. Anh (chị, em) có sẵn sàng lập giao ước này và cố gắng trung thành với giao ước này không?

Để biết những chỉ dẫn nếu người đó trả lời có cho câu hỏi 5 hoặc 6, xin xem Sách Hướng Dẫn Tổng Quát, mục 38.2.8.738.2.8.8.

Làm quen với các chính sách và những chỉ dẫn liên quan đến phép báp têm và lễ xác nhận trong Sách Hướng Dẫn Tổng Quát, đoạn 38.2.8. Một số chính sách này liên quan đến các trường hợp đặc biệt mà anh chị em có thể gặp phải.

Sau cuộc phỏng vấn, người truyền giáo và ứng viên nhóm họp lại với những người truyền giáo khác. Nếu người đó sẵn sàng chịu phép báp têm, thì những người truyền giáo giải thích điều gì sẽ diễn ra tại lễ báp têm. Họ cũng giải thích rằng lễ xác nhận thường diễn ra trong một buổi lễ Tiệc Thánh của tiểu giáo khu nơi người đó thuộc vào.

Khi Nào Cần Phải Hoãn Lại Lễ Báp Têm

Đôi khi cần phải hoãn lại lễ báp têm vì có những thử thách về chứng ngôn hoặc sự xứng đáng. Khi điều này diễn ra, hãy giải quyết tình huống một cách tế nhị và kín nhiệm. Giúp người ấy hiểu cách chuẩn bị cho phép báp têm vào một ngày trong tương lai.

Khuyến khích người ấy và mang đến hy vọng nơi Đấng Ky Tô và Sự Chuộc Tội của Ngài. Yêu cầu các tín hữu trong tiểu giáo khu kết tình thân hữu với người ấy. Tiếp tục giảng dạy các nguyên tắc cơ bản của phúc âm cho đến khi người ấy sẵn sàng chịu phép báp têm và được làm lễ xác nhận. Hãy đợi đến thời điểm đó để hoạch định một ngày Báp Têm mới.

Phép Báp Têm và Lễ Xác Nhận: Hỏi và Đáp

Tôi cần có sự cho phép để làm báp têm cho một trẻ vị thành niên không? Giáo Hội quan tâm đến sự an lạc của trẻ em và sự hòa hợp trong môi trường gia đình của chúng. Theo quy định của luật pháp địa phương, một đứa trẻ vị thành niên có thể chịu phép báp têm khi cả hai điều kiện sau đây được đáp ứng:

  1. Cha, mẹ giám hộ hoặc (các) người giám hộ hợp pháp cho phép bằng văn bản. Họ nên có một sự hiểu biết tổng quát về giáo lý mà con của họ sẽ được giảng dạy với tư cách là một tín hữu của Giáo Hội. Họ cũng nên sẵn lòng hỗ trợ con mình để lập và tuân giữ giao ước báp têm.

  2. Người thực hiện cuộc phỏng vấn nên nhận biết rõ rằng đứa trẻ hiểu được giao ước báp têm. Vị này nên cảm thấy tin tưởng rằng đứa trẻ sẽ cố gắng tuân giữ giao ước này bằng cách tuân theo các lệnh truyền kể cả việc tham dự các buổi họp của Giáo Hội.

Tôi có cần sự ưng thuận của người phối ngẫu để làm báp têm cho người chồng hoặc người vợ không? Có. Một người đã kết hôn cần phải có sự ưng thuận của người phối ngẫu của người ấy trước khi chịu phép báp têm.

Nếu người cha hoặc người mẹ trong gia đình chưa sẵn sàng chịu phép báp têm, tôi có nên làm báp têm cho những người khác trong gia đình hay đợi cho đến khi người cha hoặc người mẹ sẵn sàng? Tốt hơn là những người trong gia đình nên cùng chịu phép báp têm với nhau. Tuy nhiên, nếu một số người chưa sẵn sàng, thì từng người trong gia đình có thể chịu phép báp têm miễn là có được sự ưng thuận cần thiết.

Buổi lễ báp têm của những người trong gia đình nên bị hoãn lại cho đến khi người cha có thể nhận được Chức Tư Tế A Rôn và chính mình thực hiện phép báp têm không? Không. Các anh em mới chịu phép báp têm không nhận được Chức Tư Tế A Rôn vào ngày họ chịu phép báp têm. Trước hết, họ cần được vị giám trợ phỏng vấn và được các tín hữu trong tiểu giáo khu tán trợ.

Tôi có thể giảng dạy và làm phép báp têm cho một người đã từ bỏ hoặc rút bỏ tư cách tín hữu Giáo Hội không? Những người đã từ bỏ hoặc rút bỏ tư cách tín hữu Giáo Hội có thể được thu nhận lại bằng phép báp têm và lễ xác nhận. Nếu họ muốn được giảng dạy, thì hãy hội ý với các vị lãnh đạo chức tư tế địa phương và chủ tịch phái bộ truyền giáo của anh chị em về bất cứ vai trò nào anh chị em có thể có.

Trong một giáo khu, việc thu nhận lại bằng phép báp têm thuộc vào sự chỉ dẫn của vị giám trợ hoặc chủ tịch giáo khu. Trong một phái bộ truyền giáo, việc thu nhận lại thuộc vào sự chỉ dẫn của chủ tịch phái bộ truyền giáo. Các vị lãnh đạo này sẽ nhận được sự hướng dẫn của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn nếu cần. Những người truyền giáo không thực hiện các cuộc phỏng vấn này về phép báp têm hoặc điền vào Mẫu Phép Báp Têm và Lễ Xác Nhận. Tuy nhiên, một người truyền giáo có thể được mời thực hiện phép báp têm.

Các tín hữu cũ của Giáo Hội tái gia nhập không phải là người cải đạo. Tuy nhiên, đôi khi những người truyền giáo có thể có một vai trò quan trọng trong việc giúp họ vui hưởng lại các phước lành của vai trò tín hữu Giáo Hội.

Nếu một người đã có ngày chịu phép báp têm hoạch định rồi nhưng không tuân giữ tất cả các cam kết thì sao? Hãy chờ để sắp xếp một cuộc phỏng vấn về phép báp têm cho đến khi người ấy tuân giữ các cam kết và đáp ứng các điều kiện chịu phép báp têm. Xin xem “Khi Nào Cần Phải Hoãn Lại Lễ Báp Têm” trong chương này.

Nếu một cặp nam nữ muốn chịu phép báp têm nhưng đang sống chung với nhau thì sao? Một cặp nam nữ đang sống chung ngoài vòng hôn nhân hợp pháp giữa một người nam và một người nữ thì không thể được báp têm cho đến khi họ sống theo luật trinh khiết. Điều này có nghĩa là không còn sống chung với nhau nữa—dù đó là một cặp dị tính luyến ái hay đồng giới tính—hoặc, đối với một người nam và người nữ, điều đó có nghĩa là phải kết hôn với nhau. Điều này bao gồm việc thực hành đức tin đưa đến sự hối cải như được mô tả trong Giáo Lý và Giao Ước 20:37. Hôn nhân giữa một người nam và người nữ là một phần thiết yếu trong kế hoạch của Thượng Đế.

Hai câu hỏi 5 và 6 trong cuộc phỏng vấn về phép báp têm hỏi liệu một người có từng phạm tội nghiêm trọng hoặc tham gia một vụ phá thai hay không. Tôi nên làm gì nếu một ai đó trả lời “có” cho một trong hai câu hỏi này? Nếu anh chị em biết về một trong những tình huống này trong lúc phỏng vấn về phép báp têm thì đừng hỏi chi tiết. Đừng hứa rằng người ấy sẽ được chấp thuận để chịu phép báp têm. Thay vì thế, hãy bày tỏ tình yêu thương của anh chị em và giải thích một cách tử tế rằng một ai đó già dặn và có kinh nghiệm hơn sẽ nói chuyện và giúp đỡ người ấy.

Gửi một lời yêu cầu phỏng vấn về phép báp têm đến chủ tịch phái bộ truyền giáo của anh chị em. Ông ấy hoặc một trong các cố vấn của ông sẽ họp với người ấy. Xin xem Sách Hướng Dẫn Tổng Quát, các mục 38.2.8.738.2.8.8.

Tôi nên làm gì nếu hồ sơ tín hữu đã được lập ra trước khi tôi nộp Mẫu Phép Báp Têm và Lễ Xác Nhận? Hãy liên lạc với chủ tịch phái bộ truyền giáo của anh chị em để nhận được những chỉ dẫn.

Học Tập Riêng Cá Nhân

Hãy suy nghĩ về cảm giác của anh chị em nếu anh chị em đang được phỏng vấn. Hãy xem xét những câu hỏi sau đây và ghi lại những ấn tượng của anh chị em.

  • Cuộc phỏng vấn có thể dường như không thoải mái như thế nào đối với anh chị em? Người phỏng vấn có thể làm gì hoặc nói gì để giúp anh chị em được thoải mái?

  • Anh chị em muốn người phỏng vấn tương tác với anh chị em như thế nào?

  • Anh chị em muốn người phỏng vấn đáp ứng như thế nào nếu anh chị em bày tỏ sự nghi ngờ hoặc hiểu lầm hay nếu anh chị em thú nhận những tội lỗi nghiêm trọng?

phép báp têm

Lễ Báp Têm

Lễ báp têm và lễ xác nhận cần phải là những cơ hội thuộc linh đáng nhớ cho một tín hữu mới. Lễ báp têm nên được sắp xếp ngay sau khi một người hội đủ điều kiện để chịu phép báp têm. Giải thích điều đang được hoạch định và lý do tại sao. Thảo luận về cách ăn mặc phù hợp, kể cả cách một người sẽ được mặc quần áo trắng để chịu phép báp têm.

Buổi lễ báp têm dành cho người cải đạo được hoạch định dưới sự hướng dẫn của giám trợ đoàn. Người lãnh đạo công việc truyền giáo của tiểu giáo khu (nếu có một người được kêu gọi) hoặc một thành viên trong chủ tịch đoàn nhóm túc số các anh cả là người dẫn đầu trong kế hoạch làm công việc truyền giáo và điều khiển các buổi lễ này. Người này phối hợp với những người truyền giáo toàn thời gian. Buổi lễ báp têm cần phải đơn giản, ngắn gọn và nâng cao tinh thần.

Mời một thành viên của giám trợ đoàn, một thành viên của chủ tịch đoàn Hội Phụ Nữ, và một thành viên của chủ tịch đoàn nhóm túc số các anh cả (nếu người này không điều khiển) tham dự lễ báp têm. Khi thích hợp, hãy mời các vị lãnh đạo của tổ chức khác, những người lãnh đạo giới trẻ và những người anh em và chị em phục sự (nếu được chỉ định). Làm việc với người chịu phép báp têm để mời bạn bè và họ hàng đến dự lễ báp têm và lễ xác nhận.

Cân nhắc việc mời những người khác mà anh chị em đang giảng dạy. Những kinh nghiệm này sẽ giúp họ cảm nhận được Thánh Linh và học hỏi thêm về phúc âm. Sau buổi lễ, hãy theo dõi để thảo luận về kinh nghiệm của họ và mời họ để được giảng dạy.

Một buổi lễ báp têm có thể gồm có những điều sau đây:

  1. Nhạc dạo mở đầu

  2. Vị lãnh đạo chức tư tế là người đang điều khiển buổi lễ đưa ra lời chào mừng ngắn gọn (nếu có thể được, một thành viên của giám trợ đoàn nên chủ tọa)

  3. Một bài thánh ca và lời cầu nguyện mở đầu

  4. Một hoặc hai bài nói chuyện ngắn về các đề tài phúc âm, chẳng hạn như phép báp têm và ân tứ Đức Thánh Linh

  5. Một bài hát tuyển chọn

  6. Phép báp têm

  7. Một thời gian nghiêm trang trong khi những người đã tham gia vào phép báp têm thay quần áo khô. (Có thể chơi nhạc hoặc hát các bài thánh ca hoặc các bài ca Thiếu Nhi trong thời gian này. Hoặc những người truyền giáo có thể đưa ra một phần trình bày ngắn gọn về phúc âm.)

  8. Các tín hữu mới chia sẻ chứng ngôn, nếu muốn

  9. Một bài thánh ca và lời cầu nguyện kết thúc

  10. Nhạc dạo kết thúc

Nếu anh chị em sắp xếp một lễ báp têm vào ngày Chủ Nhật, thì hãy chọn một thời điểm ít gây trở ngại cho những buổi họp thường lệ của ngày Chủ Nhật.

lễ xác nhận

Lễ xác nhận

Một người nhận được giáo lễ xác nhận sau khi đã chịu phép báp têm (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 20:41). Một người mới cải đạo được xem là tín hữu của Giáo Hội sau khi cả hai giáo lễ báp têm và xác nhận được hoàn tất và ghi lại đúng cách.

Lễ xác nhận được thực hiện theo sự chỉ dẫn của vị giám trợ. Tuy nhiên, vị giám trợ không thực hiện một cuộc phỏng vấn riêng cho lễ xác nhận.

Làm việc chặt chẽ với vị giám trợ và người lãnh đạo công việc truyền giáo của tiểu giáo khu (nếu một người được kêu gọi) để bảo đảm rằng những người mới cải đạo đều được làm lễ xác nhận. Lễ xác nhận nên diễn ra càng sớm càng tốt nếu có thể được ngay sau lễ báp têm, tốt nhất là vào ngày Chủ Nhật tới. Tuy nhiên, vị giám trợ có thể cho phép lễ xác nhận diễn ra tại lễ báp têm như là một ngoại lệ (xin xem Sách Hướng Dẫn Tổng Quát, phần 18.8).

Những người cải đạo thường được làm lễ xác nhận trong một buổi lễ Tiệc Thánh ở tiểu giáo khu nơi họ thuộc vào. Vị giám trợ thường mời các anh cả truyền giáo đang phục vụ trong tiểu giáo khu tham gia lễ xác nhận. Nếu một người truyền giáo thực hiện lễ xác nhận, thì người ấy cũng cần có sự chấp thuận của chủ tịch phái bộ truyền giáo (xin xem Sách Hướng Dẫn Tổng Quát, đoạn 18.8.1). Ít nhất một thành viên của giám trợ đoàn tham gia vào giáo lễ này.

Hoàn Tất Mẫu Phép Báp Têm và Lễ Xác Nhận

Điều thiết yếu là hồ sơ tín hữu phải được lập ngay lập tức sau khi một người chịu phép báp têm và được làm lễ xác nhận. Khi nói về những hồ sơ như vậy vào thời của ông, Mô Rô Ni đã viết rằng các tín hữu mới “được kể là dân của giáo hội của Đấng Ky Tô; và tên họ được ghi nhận, ngõ hầu họ được nhớ tới và được nuôi dưỡng bằng lời nói tốt lành của Thượng Đế, để giữ họ đi con đường đúng” (Mô Rô Ni 6:4).

Khi anh chị em giảng dạy một người nào đó đang chuẩn bị chịu phép báp têm, hãy bắt đầu điền vào Mẫu Phép Báp Têm và Lễ Xác Nhận trong ứng dụng Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta. Giải thích rằng mẫu này sẽ được sử dụng để lập một hồ sơ tín hữu. Hồ sơ này sẽ gồm có thông tin quan trọng về các giáo lễ mà người đó nhận được. Khi các tín hữu Giáo Hội dọn đi, hồ sơ tín hữu của họ được chuyển đến tiểu giáo khu mới của họ để các vị lãnh đạo và các tín hữu địa phương có thể hỗ trợ họ.

Ngay sau khi người tín hữu mới chịu phép báp têm và được làm lễ xác nhận, hãy cập nhật mẫu này với thông tin về mỗi giáo lễ, kể cả người thực hiện giáo lễ đó. Khi anh chị em đã điền xong mẫu này, hãy ghi lại thông tin trong ứng dụng Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta và nộp mẫu này bằng điện tử cho thư ký tiểu giáo khu. Ngay sau khi người thư ký đã nhận được mẫu này, người ấy xem lại mẫu này và lập ra một hồ sơ tín hữu.

Sau khi đã lập ra hồ sơ tín hữu, một thư ký chuẩn bị một Giấy Chứng Nhận Phép Báp Têm và Lễ Xác Nhận. Giấy chứng nhận này do vị giám trợ ký vào và đưa cho người thụ lễ.

Tên và phái tính trong hồ sơ tín hữu và giấy chứng nhận phải đúng với tên trong giấy khai sinh, giấy đăng ký khai sinh dân sự hoặc tên hợp pháp hiện hành.

Học Tập Riêng Cá Nhân hay Học Tập Chung Với Bạn Đồng Hành

Nghiên cứu Mô Si A 6:1–3Mô Rô Ni 6:1–4. Những đoạn này liên quan như thế nào đến việc lưu giữ chính xác hồ sơ báp têm và lễ xác nhận?

Sau Phép Báp Têm và Lễ Xác Nhận

Tiếp Tục Phục Sự

Tiếp tục kết tình thân hữu và hỗ trợ các tín hữu mới sau khi họ chịu phép báp têm và được làm lễ xác nhận. Giúp họ tham dự nhà thờ và xây đắp mối quan hệ với các tín hữu. Đọc Sách Mặc Môn với họ và giúp họ chia sẻ phúc âm với những người trong gia đình và bạn bè. Giới thiệu với họ quyển sách nhỏ Con Đường Giao Ước của Tôi. Tiếp tục sử dụng ứng dụng Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta để ghi lại sự tiến triển của họ, chẳng hạn như việc họ tham dự lễ Tiệc Thánh và các bài học họ đã nhận được.

những người đàn ông ôm nhau

Sau lễ xác nhận, hãy dạy lại các bài học của người truyền giáo. Anh chị em dẫn đầu trong việc giảng dạy. Tuy nhiên, hãy phối hợp với các vị lãnh đạo tiểu giáo khu để những người truyền giáo hoặc các tín hữu khác trong tiểu giáo khu đều tham gia. Khi anh chị em giảng dạy, hãy khuyến khích các tín hữu mới tuân giữ tất cả mọi cam kết trong các bài học.

Trong các buổi họp điều phối hằng tuần, hãy khuyên bảo về cách các tín hữu có thể hỗ trợ những người mới cải đạo và giúp họ tiếp tục tích cực tham gia vào Giáo Hội. Hãy hoạch định xem ai sẽ giới thiệu họ với những người lãnh đạo nhóm túc số hoặc tổ chức. Điều phối sự tham gia của các tín hữu khác khi anh chị em dạy lại các bài học. Yêu cầu chỉ định những anh em phục sự (và những chị em phục sự cho các chị em phụ nữ).

Sau khi đã được làm lễ xác nhận, một người nam hội đủ điều kiện để tiếp nhận Chức Tư Tế A Rôn nếu người ấy ít nhất 12 tuổi tính đến cuối năm. Các lễ sắc phong Chức Tư Tế A Rôn đều thuộc vào sự chỉ dẫn của vị giám trợ (xin xem Sách Hướng Dẫn Tổng Quát, mục 38.2.9.1).

Khi thích hợp, hãy giữ liên lạc trong suốt cuộc đời của anh chị em với những người mà anh chị em đã giảng dạy. Hỗ trợ họ trong việc tiếp nhận tất cả các phước lành của phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô.

Anh Cả Gerrit W. Gong

“Khi đến với tấm lòng đau khổ và tâm hồn thống hối, chúng ta có thể tìm thấy tiếng nói nơi Chúa Giê Su Ky Tô, được bao bọc trong vòng tay an toàn thấu hiểu của Ngài. Các giáo lễ thiêng liêng mang đến sự thuộc về giao ước và ‘quyền năng của sự tin kính’ để thanh tẩy ý định trong lòng và hành động bên ngoài [Giáo Lý và Giao Ước 84:20]. Với tình yêu thương nhân từ và sự nhịn nhục của Ngài, Giáo Hội của Ngài trở thành nơi chúng ta chào đón mọi người” (Gerrit W. Gong, “Có Đủ Chỗ trong Giáo Hội của Ngài,” Liahona, tháng Năm năm 2021, trang 27).

Giúp Các Tín Hữu Mới Tham Gia vào Các Phước Lành của Đền Thờ

Các tín hữu mới ở độ tuổi thích hợp có thể nhận được giấy giới thiệu đi đền thờ mà cho phép họ chịu phép báp têm thay cho những người đã qua đời trong gia đình họ (xin xem Sách Hướng Dẫn Tổng Quát, đoạn 26.4.2). Họ nhận được giấy giới thiệu này từ vị giám trợ. Khuyến khích và giúp các tín hữu mới nhận được giấy giới thiệu đi đền thờ càng sớm càng tốt khi hợp lý. Nếu một đền thờ ở gần đó, thì hãy cân nhắc việc đưa ra lời mời trong một thời gian cụ thể để các tín hữu mới thực hiện phép báp têm cho tổ tiên đã qua đời.

Trong các buổi họp điều phối hằng tuần, hãy hoạch định xem ai sẽ giới thiệu các tín hữu mới với người lãnh đạo về công việc đền thờ và lịch sử gia đình trong tiểu giáo khu. Người lãnh đạo này có thể giúp họ chuẩn bị tiếp nhận các phước lành của đền thờ bằng cách lập các giao ước đền thờ của họ.


Những Ý Kiến để Học Tập và Áp Dụng

Học Tập Riêng Cá Nhân

  • Liệt kê những thử thách mà một ứng viên sẽ chịu phép báp têm có thể gặp phải. Tại sao việc một người cảm nhận được tình yêu thương và tình bằng hữu của các tín hữu Giáo Hội là điều quan trọng?

  • Nghiên cứu Mô Rô Ni 6Giáo Lý và Giao Ước 20:68–69. Anh chị em có thể học được điều gì từ những câu này về việc giúp người khác chuẩn bị cho phép báp têm và lễ xác nhận? Viết xuống điều anh chị em học được. Chia sẻ những ý nghĩ của anh chị em với người bạn đồng hành của mình trong khi cùng học tập chung với bạn đồng hành.

Học Tập Chung với Bạn Đồng Hành và Hoán Đổi Bạn Đồng Hành

  • Chủ Tịch Henry B. Eyring đã giải thích lý do tại sao các tiêu chuẩn phúc âm là quan trọng. Thảo luận lời khuyên bảo sau đây. Làm cách nào anh chị em có thể khuyến khích người khác có ước muốn hội đủ các tiêu chuẩn này?

    “Chúa đặt ra các tiêu chuẩn của Ngài để Ngài có thể ban phước cho chúng ta. Hãy nghĩ về các phước lành đó: Ngài hứa với những người hội đủ tiêu chuẩn sẽ nhận được sự giúp đỡ của Đức Thánh Linh. Ngài hứa ban cho sự bình an cá nhân. Ngài hứa ban cho cơ hội để tiếp nhận các giáo lễ thiêng liêng trong nhà của Ngài. Và Ngài hứa với những người nào kiên trì sống theo các tiêu chuẩn của Ngài rằng họ sẽ có được cuộc sống vĩnh cửu. …

    “Bởi vì chúng ta yêu thương những người mà chúng ta phục vụ, nên tất cả chúng ta đều muốn được hữu hiệu hơn trong việc nâng đỡ con cái của Cha Thiên Thượng để đạt được sự trung tín và thanh khiết mà họ cần phải có hầu nhận được tất cả các phước lành của Chúa. …

    “… Anh chị em bắt đầu bằng cách tuân giữ các tiêu chuẩn của Chúa một cách rõ ràng và mạnh dạn. Và thế gian càng xa rời và chế nhạo các tiêu chuẩn này thì chúng ta càng cần phải mạnh dạn hơn khi tuân giữ các tiêu chuẩn” (“Standards of Worthiness,” Buổi Họp Đầu Tiên Huấn Luyện Giới Lãnh Đạo Toàn Cầu, tháng Một năm 2003, trang 10–11).

  • Xem lại các câu hỏi phỏng vấn về phép báp têm. Cân nhắc cách anh chị em sẽ giải quyết các tình huống như sau:

    • Người ấy không nói với anh chị em biết rằng người ấy đang bị quản chế vì phạm tội.

    • Người ấy chưa nhận được sự đáp ứng cho lời cầu nguyện rằng Joseph Smith là một vị tiên tri.

    • Người ấy đã hút một điếu thuốc cách đây hai ngày.

    • Người ấy không chắc rằng mình đã nhận được sự đáp ứng cho những lời cầu nguyện của mình.

    • Gia đình cảm thấy áp lực từ bạn bè và không chắc rằng họ đã sẵn sàng chịu phép báp têm.

  • Xem lại Mẫu Phép Báp Têm và Lễ Xác Nhận. Tại sao thông tin anh chị em cung cấp phải chính xác và đầy đủ?

Buổi Họp Hội Đồng Chi Bộ, Các Đại Hội Khu Bộ, và Buổi Họp Hội Đồng Lãnh Đạo Phái Bộ

  • Xem lại tầm quan trọng của cuộc phỏng vấn về phép báp têm. Thảo luận về cách những người truyền giáo có thể giúp mọi người chuẩn bị cho cuộc phỏng vấn.

  • Thảo luận về cách sử dụng các lễ báp têm và lễ xác nhận để tìm kiếm cơ hội truyền giáo.

Các Vị Lãnh Đạo Phái Bộ Truyền Giáo và Các Cố Vấn Phái Bộ Truyền Giáo

  • Làm việc với các vị lãnh đạo chức tư tế và tổ chức địa phương để bảo đảm rằng họ đang sử dụng bản báo cáo Sự Tiến Triển trên Con Đường Giao Uớc một cách hiệu quả.

  • Dạy cho những người lãnh đạo chi bộ, những người lãnh đạo khu bộ và những người lãnh đạo huấn luyện chị em truyền giáo cách chuẩn bị mọi người cho cuộc phỏng vấn về phép báp têm. Mời họ huấn luyện những người truyền giáo khác để chuẩn bị mọi người cho cuộc phỏng vấn này.

  • Dạy những người lãnh đạo chi bộ và khu bộ cách thực hiện các cuộc phỏng vấn về phép báp têm.

  • Dạy cách trả lời trong một cuộc phỏng vấn về phép báp têm khi một người tiết lộ rằng đã phạm tội nghiêm trọng.

  • Khi nào có thể được, hãy tham dự các buổi lễ báp têm dành cho các tín hữu mới. Nói chuyện với các tín hữu mới và tìm hiểu về những kinh nghiệm cải đạo của họ. Chia sẻ điều các anh em học được với người bạn đồng hành của mình và với những người truyền giáo.