Đại Hội Các Nhà Giáo Dục Tôn Giáo CES
Chúa Giê Su Phán Rằng: Ta Là Bánh của Sự Sống


32:50

Chúa Giê Su Phán Rằng: Ta Là Bánh của Sự Sống

Buổi Họp Tối với Anh Cả Gerrit W. Gong

Bài Nói Chuyện cùng Các Nhà Giáo Dục Tôn Giáo thuộc Hệ Thống Giáo Dục của Giáo Hội • Ngày 17 tháng Hai năm 2017 • Đại Thính Đường Salt Lake

Các anh chị em thân mến, thật là một đặc ân để quy tụ lại buổi tối hôm nay. Xin cám ơn các anh chị em về những sứ điệp tốt lành về tình yêu thương và sự khuyến khích. Buổi tối hôm nay, khi chúng ta nói về Đấng Ky Tô, hoan hỷ trong Đấng Ky Tô,1 học hỏi nơi Đấng Ky Tô, tôi cầu nguyện rằng chúng ta có thể cung kính đến gần Ngài hơn.

Thưa các anh chị em là những người trong gia đình và những người phối ngẫu, thật là hân hạnh được hiện diện với các anh chị em. Những người phối ngẫu mang hương vị đến cho cuộc đời của chúng ta. Các anh chị em dậy sớm, thức khuya, và các anh chị em sống với đức tin mỗi ngày. Xin cám ơn các anh chị em về con người của các anh chị em và những gì các anh chị em đang làm.

Tôi được chỉ định tham gia trong Buổi Họp Tối với một Vị Thẩm Quyền Trung Ương từ một lá thư do Chủ Tịch Thomas S. Monson, Chủ Tịch Henry B. Eyring, và Chủ Tịch Dieter F. Uchtdorf ký. Tôi cảm nhận được tình yêu thương của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn của chúng ta dành cho từng anh chị em khi họ cầu xin Chúa ban phước và soi dẫn các nỗ lực của chúng ta buổi tối hôm nay.

Khi mới vừa nhận được sự chỉ định này, tôi đã mời Anh Cả Kim B. Clark và Anh Chad Webb dạy cho tôi biết về các anh chị em—là các giảng viên lớp giáo lý và viện giáo lý, những người truyền giáo, và nhân viên Hệ Thống Giáo Dục của Giáo Hội trên khắp thế giới.

Tôi được biết có 45.731 giảng viên lớp giáo lý và viện giáo lý và người truyền giáo đã được kêu gọi giảng dạy ở 133 quốc gia: 34.527 anh chị em phục vụ ở bên ngoài Hoa Kỳ; 11.204 anh chị em phục vụ ở Hoa Kỳ. Nói chung, các anh chị em đóng góp 20.807.605 giờ phục vụ phúc âm mỗi năm. Xin cám ơn các anh chị em!

Tôi được biết có 2.878 nhân viên Lớp Giáo Lý và Viện Giáo Lý của chúng ta phục vụ ở 129 quốc gia: 1.849 anh chị em phục vụ ở Hoa Kỳ và 1.029 anh chị em ở bên ngoài Hoa Kỳ. Các anh chị em phục vụ một cách trung tín ở các quốc gia kể cả Albania, Botswana, Bulgaria, Hungary, Lithuania, và Mozambique, và nhiều quốc gia khác. Xin cám ơn các anh chị em!

Một số anh chị em đã đi dạy nhiều năm. Ví dụ, Chị Enid May, ở British Columbia, gần đây được giải nhiệm sau khi đã giảng dạy lớp giáo lý trong 35 năm. Chị May đã giảng dạy 9 trong số 10 đứa con của chị, 2 đứa cháu của chị, và luôn cả vị giám trợ hiện tại của chị. Chị May nói rằng chị đã cầu nguyện để chiếc xe của mình sẽ chạy tốt suốt mỗi năm học. Ngày cuối cùng mà Chị May giảng dạy lớp giáo lý, khi lái xe vào đường vào nhà của mình, thì cuối cùng hộp số xe của chị bị hỏng.

Các anh chị em khác thì chỉ mới bắt đầu đi dạy. Ví dụ, Chị Jang Dongran ở Hàn Quốc và Chị Johanna Mercader ở nước Cộng Hòa Dominic, là hai người bắt đầu giảng dạy trong năm nay sau khi làm tín hữu Giáo Hội chỉ mới được sáu tuần.

Chị Margaret Masai ở Kenya đã bắt đầu giảng dạy lớp giáo lý chỉ một vài tuần sau khi gia nhập Giáo Hội. Chị Masai khiêm nhường nói rằng học sinh của chị, nhiều em sinh ra trong Giáo Hội, đã dạy cho chị và giúp lập ra một nền tảng phúc âm mà đã ban phước cho 17 năm giảng dạy lớp giáo lý của chị.

Các anh chị em giảng dạy và phục vụ ở mọi miền, trong mọi điều kiện, với học viên thuộc mọi trình độ, trong các lớp học đông hay vắng người.

Anh Benjamin Hadfield dạy ở North Pole, Alaska. Và Chị Lorena Tossen dạy ở Ushuaia, gần Nam Cực.

Hôm thứ Tư tại Viện Giáo Lý Salt Lake University, Anh Jared Halverson dạy gần 400 sinh viên. Tôi hỏi Anh Halverson làm thế nào anh làm được như vậy. Anh ấy nói: “Tôi dạy nguyên nhóm nhưng tiếp xúc riêng với từng cá nhân, với từng tin nhắn trên điện thoại một.”

Ở Ba Lan, Chị Dagmara Martyniuk, bản thân chị là một người thành niên trẻ tuổi độc thân, dậy sớm để đi làm tại tiệm bánh, rồi đi về muộn vì dạy viện giáo lý.

Lớp giáo lý của Chị Myra Flores-Aguilar ở Honduras, bắt đầu vào lúc 5 giờ sáng. Và lớp ở viện giáo lý của Anh Reuben Adrover ở San Juan, Argentina, bắt đầu lúc 10 giờ đêm.

Các anh chị em cũng giảng dạy và điều hành các lớp học tiểu học và trung học ở Mexico, Kiribati, Fiji, Tonga và Samoa.

Nhờ các anh chị em, nên có thêm nhiều em thuộc giới trẻ và thành niên trẻ tuổi đang đọc thánh thư và những lời của các vị tiên tri tại thế hơn bao giờ hết.

Nhờ các anh chị em, nên có thêm nhiều em thuộc giới trẻ đang học cách đạt được sự hiểu biết thuộc linh và trả lời các câu hỏi của các em bằng sự hiểu biết giáo lý.

Và nhờ các anh chị em, mà các khóa học Cornerstone trong khắp các trường học và các viện giáo lý của Giáo Hội đang mang sinh viên đến gần hơn với Chúa Giê Su Ky Tô, là Viên Đá Nền Chính.

Một lần nữa, chúng tôi thán phục con người của các anh chị em và cách mà các anh chị em phục vụ. Dù cho các anh chị em đang ở đâu, dù cho hoàn cảnh của các anh chị em như thế nào, thì cũng xin cám ơn các anh chị em đã quy tụ lại trong buổi tối hôm nay với tâm trí cởi mở—cho dù là một, hai, hoặc nhiều người hơn trong danh của Ngài.2

Có lần, sau một công việc chỉ định lâu ngày cùng nhau, khi chúng tôi sắp hạ cánh xuống sân bay Salt Lake, với một sự dự đoán đầy vui vẻ, Chủ Tịch Boyd K. Packer nói: “Gerrit này, Donna vợ tôi đang đặt bánh vào lò nướng bây giờ đấy. Bánh sẽ nóng giòn khi tôi về đến nhà.”

Các anh chị em có thể tưởng tượng ra hoặc nhớ tới một ổ bánh mì ngon không? Các anh chị em có thể ngửi được ổ bánh đó—còn nóng giòn không? Các anh chị em có thể nếm nó—có lẽ ngọt ngào một chút, hơi mặn một chút không?

Bánh mì là một loại lương thực chủ yếu và phổ quát. Người dân ở mọi thời kỳ và trong mọi hoàn cảnh đều đã ăn bánh mì. Dĩ nhiên với nhóm của chúng ta trên toàn thế giới, thì ổ bánh mì có đủ hình dạng, kích thước, và thành phần, ngay cả cái tên cũng khác nhau.

Có lẽ vì tất cả mọi người ở khắp mọi nơi đều hiểu và tùy thuộc vào bánh mì nên Đấng Cứu Rỗi của chúng ta đã phán: “Ta là bánh của sự sống.”3

Trên thế gian này, ở giữa chông gai thử thách, chúng ta làm đổ mồ hôi trán mới có bánh mà ăn, giống như A Đam và Ê Va vậy. Quyền tự quyết về mặt đạo đức đi kèm với những sự lựa chọn thực sự. Sự tăng trưởng của phần thuộc linh đến từ những thử thách thực sự. Nhưng Đấng Cứu Rỗi không bỏ mặc chúng ta để chỉ thấy gậy và đá, những giới hạn và những thứ khan hiếm của thế gian này. Đấng Cứu Rỗi ban phước cho chúng ta với bánh ma na, là bánh hằng ngày, là lời hứa trong Tiệc Thánh của Ngài để chúng ta có thể có được sự sống, niềm hy vọng, niềm vui, và có được những điều này một cách dồi dào hơn.4

Chúa phán:

“Ta, là Chúa, đã giương các tầng trời ra, và dựng lên trái đất, là những vật từ tay ta tạo ra; và tất cả những vật gì ở trên ấy cũng đều là của ta cả.

“Và mục đích của ta là lo liệu cho các thánh hữu của ta. …

“Vì trái đất tràn đầy, và nó đầy đủ còn dư nữa.”5

Nói cách khác, thế giới gậy và đá không thuộc về Ngài. Thuộc về Ngài là một thế giới của bánh và cá.

Các anh chị em còn nhớ cách Chúa Giê Su cho đám đông ăn bằng một vài ổ bánh và mấy con cá không? Hãy xem và tưởng tượng là chúng ta đang có mặt ở đó nhé.

[Video]

Chúa Giê Su: “Này kìa đám đông.”

Môn đồ 1: “Ở đây vắng vẻ, và trời tối rồi. Xin thầy cho dân chúng về, để họ đi vào các làng đặng mua đồ ăn. Họ không có gì ăn cả.”

Chúa Giê Su: “Chính các ngươi hãy cho họ ăn.”

Môn đồ 2: “Chúng tôi sẽ đi mua đến hai trăm đơ-ni-ê bánh để cho họ ăn hay sao?”

Chúa Giê Su: “Các ngươi có bao nhiêu bánh?”

Môn đồ 1: “Năm cái bánh và hai con cá.”

Chúa Giê Su: “Hãy đem đây cho ta. Hãy bảo dân chúng ngồi từng chòm năm mươi người, để họ có thể được cho ăn. … Lạy Cha, Chúa của trời và đất, con tạ ơn Ngài về sự rộng rãi của Ngài. Amen.”6

Hết video

Bốn lời tường thuật trong Kinh Tân Ước7 mô tả Đấng Cứu Rỗi cho một đám đông 5.000 người ăn. Thêm hai lời tường thuật trong Kinh Tân Ước mô tả, 8 vào một dịp khác, Đấng Cứu Rỗi cho một đám đông 4.000 người ăn. Những đám đông người đó dường như bao gồm đàn ông, và thêm vào đó có cả đàn bà và trẻ em.9

Đôi khi chúng ta nói rằng Thượng Đế thật là tỉ mỉ. Mới gần đây, tôi đã tổng hợp lại những chi tiết trong thánh thư về việc Đấng Cứu Rỗi cho đám đông 5.000 người ăn từ các Sách Phúc Âm của Ma Thi Ơ, Mác, Lu Ca, và Giăng, kể cả các ghi chú trong Kinh Thánh, thành một bài tường thuật duy nhất, nguyên văn về thánh thư.

Xin các anh chị em hãy mời Đức Thánh Linh mở ra sự hiểu biết của chúng ta khi chúng ta nghiên cứu những lời tường thuật trong thánh thư và các nguyên tắc phúc âm được tìm thấy trong tấm gương của Đấng Cứu Rỗi.

Lời cầu nguyện của chúng ta là lòng biết ơn được gia tăng về giáo vụ của Đấng Cứu Rỗi sẽ mang chúng ta, gia đình chúng ta, và học viên của chúng ta đến gần Ngài hơn.

Sau đây là đoạn thánh thư tổng hợp của chúng ta:

“Các môn đồ nhóm lại cùng Đức Chúa Giê Su, thuật cho Ngài mọi điều mình đã làm và dạy.

“Ngài phán cùng các sứ đồ rằng: Hãy đi tẻ ra trong nơi vắng vẻ [tức là, một nơi hẻo lánh, yên tịnh], nghỉ ngơi một chút. Vì có kẻ đi người lại đông lắm, đến nỗi Ngài và sứ đồ không có thì giờ mà ăn. …

“Nhưng nhiều người thấy đi, thì nhìn biết; dân chúng từ khắp các thành đều chạy bộ đến nơi Chúa cùng sứ đồ vừa đi, và đã tới đó trước.

“Bấy giờ Đức Chúa Giê Su ở thuyền bước ra, thấy đoàn dân đông lắm, thì Ngài động lòng thương xót đến, vì như chiên con không có người chăn.”10

“Chúa Giê Su tiếp đãi dân chúng, giảng cho họ về nước Đức Chúa Trời, và chữa cho những kẻ cần được lành bệnh.”11

“Đến chiều tối, môn đồ tới gần Ngài mà thưa rằng: Ở đây vắng vẻ, và trời tối rồi, xin thầy cho dân chúng về”12 “để họ đi các nơi nhà quê và các làng gần đâu đặng mua đồ ăn. [Họ không có gì ăn cả].”13

“Đức Chúa Giê Su phán rằng: Không cần họ phải đi; chính các ngươi hãy cho họ ăn.”14

“Môn đồ thưa rằng: chúng tôi sẽ đi mua đến 200 đơ niê bánh để cho họ ăn hay sao?”15

“Một môn đồ, là Anh Rê, em của Si Môn Phi E Rơ, thưa rằng:

“Đây có một đứa con trai, có năm cái bánh mạch nha và hai con cá; nhưng đông người dường này, thì ngần ấy có thấm vào đâu?”16

“Ngài phán rằng: Hãy đem đây cho ta.”17

“Ngài bèn truyền cho môn đồ biểu [dân] chúng ngồi xuống hết thảy từng chòm trên cỏ xanh.”18 “Vả, trong nơi đó có nhiều cỏ.”19 “[Dân chúng] ngồi xuống từng hàng, hàng thỉ một trăm, hàng thì năm chục.”20

“Đoạn, Đức Chúa Giê Su lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, chúc tạ, rồi bẻ ra,”21 “bèn”22 “đưa cho môn đồ, môn đồ phát cho dân chúng”23 “lại cũng chia hai con cá cho họ nữa”24 “ai muốn [ăn] bao nhiêu mặc ý.”25

“Ai nấy đều ăn”26 “no.”27

“Khi [dân chúng] đã ăn được no nê, Ngài phán với môn đồ rằng: Hãy lượm những miếng còn thừa, hầu cho không mất chút nào.”28

“[Môn đồ] thâu được”29 “[chứa đầy mười hai giỏ] những miếng thừa của năm cái bánh mạch nha”30 “và cá còn thừa lại”31 “sau khi người ta đã ăn rồi.”32

“Số người ăn ước chừng năm ngàn, không kể đàn bà con nít.”33

“Ngài chào từ giã dân chúng rồi, thì lên núi cầu nguyện.”34

“Những người đó thấy phép lạ Đức Chúa Giê Su đã làm, thì nói rằng: Người này thật là đấng tiên tri phải đến thế gian.”35

Các anh chị em đã thấy, cảm nhận và biết gì khi Chúa Giê Su cho mỗi người chúng ta, và tất cả chúng ta, ăn với năm cái bánh và hai con cá nhỏ? Những ổ bánh này có giống như ma na, ngọt như hột ngò và mật ong không?36 Làm thế nào mà chúng ta ăn—no nê—được hai con cá nhỏ?

Đây là chín điều tôi đã nhận thấy và cảm nhận được. Chín điều này giúp chúng ta hiểu rõ Đấng Cứu Rỗi hơn, mang chúng ta đến gần Ngài hơn, và mời gọi chúng ta trở nên giống như Ngài hơn.

Chủ đề 1: Đấng Cứu Rỗi động lòng trắc ẩn.

Nhiều phép lạ của Đấng Cứu Rỗi bắt đầu với sự hiểu biết và lòng trắc ẩn của Ngài. Đấng Cứu Rỗi biết rõ tấm lòng và hoàn cảnh của chúng ta. Lòng Ngài đầy trắc ẩn cho niềm hy vọng và đau khổ, ước muốn và nhu cầu của chúng ta.

Đó là một thời gian đầy đau đớn. Giăng Báp Tít bị chặt đầu, đầu của ông được đặt lên một cái mâm, lời hứa của một vị vua tồi tệ với đứa con gái giỏi nhảy múa của một người mẹ độc ác. Đấng Cứu Rỗi và các môn đồ của Ngài đã đi đến một nơi hẻo lánh để nghỉ ngơi. Tuy nhiên, Đấng Cứu Rỗi đã cảm thấy như thế nào khi thấy đám đông người như vậy? Ngài “động lòng thương xót.” 37 Ngài đón nhận họ. Ngài giảng dạy họ. Ngài chữa lành cho họ. Và, trong một cách rất thực tế, Ngài biết là “họ không có gì để ăn cả.”38

Qua giáo vụ của Ngài, Đấng Cứu Rỗi đã động lòng trắc ẩn—lòng trắc ẩn đối với người mắc bệnh phung,39 lòng trắc ẩn đối với đứa con trai bị quỷ ám của một người đàn ông,40 lòng trắc ẩn đối với một người mẹ góa có đứa con trai độc nhất qua đời.41 Đấng Cứu Rỗi dạy chúng ta phải giống như người Sa Ma Ri đã có lòng trắc ẩn đối với người đàn ông bị thương và bị bỏ lại bên đường cho chết.42

Tương tự như vậy, người cha của đứa con hoang phí đã có lòng trắc ẩn và chạy tới đứa con trai của mình khi nó “còn ở đàng xa.”43 Thú vị thay, khi nói về bánh, khi đứa con hoang phí “tỉnh ngộ,” anh nhận ra rằng “Tại nhà cha ta, biết bao người làm mướn được bánh ăn dư dật.”44

Đấng Cứu Rỗi bắt đầu với lòng trắc ẩn. Ngài kết thúc với lòng nhân từ độ lượng.

Các bài tường thuật về phúc âm nói rằng sau khi Chúa Giê Su cho đám đông ăn xong, Ngài “cho dân chúng về.” Nhưng phần cước chú trong sách Mác nói rõ hơn. Thay vì Ngài “cho dân chúng về,” cước chú nói là Ngài “chào từ giã mọi người.”45 Các anh chị em không thể nghe thấy Chúa Giê Su đã chào từ giã mọi người với lòng trắc ẩn khi họ ra về sau khi Ngài đã cho họ ăn sao?

Chủ đề 2: Đấng Cứu Rỗi bắt đầu với những gì họ có..

Vì muốn cho đám đông ăn nên Đấng Cứu Rỗi bắt đầu bằng cách hỏi các môn đồ là họ có cái gì ăn không. Ngài là Đấng Sáng Tạo của thế gian, Chúa của trời và đất, nhưng Ngài bắt đầu với những gì họ có, từ nơi mà họ đang đứng.

“Đây có một đứa con trai, có năm cái bánh mạch nha và hai con cá.” 46

Đấng Cứu Rỗi bắt đầu với những gì họ có: “Hãy đem đây cho ta.” 47

Các anh chị em có bao giờ nhìn xem mình là ai, xem điều gì hoặc người nào mà các anh chị em có để giảng dạy, và tự hỏi làm thế nào mà những gì các anh chị em có lại có thể là đủ không? Có lẽ, giống như các môn đồ, chúng ta nhìn vào một vài ổ bánh nhỏ và cá của mình và ngạc nhiên: “nhưng đông người dường này, thì ngần ấy có thấm vào đâu?”48

Là giảng viên, chúng ta mời mỗi học viên đóng góp trong lớp. Một số học viên đóng góp nhiều hơn, một số khác thì ít hơn. Là học viên và giảng viên (và chúng ta đều là cả hai), chúng ta bắt đầu với những gì chúng ta có, với con người hiện tại của chúng ta. Rồi Ngài làm vinh hiển và nhân lên các nỗ lực của chúng ta. Nguyên tắc phát triển từ nơi chúng ta đang đứng phản ảnh lẽ thật trong Sách Mặc Môn rằng chúng ta được cứu rỗi bởi ân điển “sau khi chúng ta đã làm tất cả những gì chúng ta có thể làm.”49

Ngài hài lòng khi chúng ta mang lại những gì mình có và con người chúng ta và đến với Ngài.

Chủ đề 3: Đấng Cứu Rỗi tiến hành một cách có trật tự.

Các anh chị em có bao giờ bị kẹt trong một đám đông đang xô đẩy và giành giật một thứ gì đó chưa? Tôi đã từng bị đấy. Những người ở phía trước không quan tâm về những người ở phía sau. Tôi e rằng nếu có ai bị ngã xuống thì họ sẽ bị dẫm đạp lên.

Trái lại, Đấng Cứu Rỗi “truyền cho môn đồ biểu [dân] chúng ngồi xuống hết thảy từng chòm trên cỏ xanh.”50 Những chòm người này ngồi theo “từng hàng, hàng thì một trăm, hàng thì năm chục.”51

Trong Giáo Hội, chúng ta nói về một nhóm người tiền phong. Chúng ta nói về một đoàn người thờ phượng trong đền thờ. Đối với chúng ta, từ chòm người chỉ một nhóm người có trật tự với một mục đích chung cao hơn.

Và, mặc dù nơi đó được gọi là một nơi vắng vẻ, nhưng Chúa cũng không bắt đám đông ngồi trên mặt đất trần trụi bụi bặm. Ngài cho các chòm người ngồi “trên cỏ xanh.”52 Ngài đã chọn một nơi mà “trong nơi đó có nhiều cỏ.”53

Chủ đề 4: Đấng Cứu Rỗi bày tỏ lòng biết ơn.

Ngài lấy mấy ổ bánh và cá, và “ngước mắt lên trời, chúc tạ, rồi bẻ ra.”54

Đấng tạo dựng trời và đất, Vua của các vua cảm tạ trước khi Ngài chia bánh và cá và nhân số bánh và cá lên cho tất cả bọn họ, “ai muốn [ăn] bao nhiêu mặc ý”.55

Chủ đề 5: Đấng Cứu Rỗi cho các môn đồ ăn và bảo họ cho đám đông ăn.

Đó là trật tự, nhưng đó không chỉ là trật tự. Đó còn là củng cố người chăn chiên để người chăn chiên có thể củng cố chiên chăn. Đó còn là giảng dạy giảng viên để giảng viên có thể giảng dạy cho học viên. Đó là một mô hình thiêng liêng trong Kinh Thánh, trong Sách Mặc Môn, và trong Giáo Hội phục hồi của Ngài: Và Ngài “đưa cho môn đồ, môn đồ phân phát cho dân chúng.”56

Đó là ân tứ quan trọng của việc cho và nhận Thánh Linh. Việc biết rằng chúng ta sẽ dạy giúp chúng ta học hỏi. Khi dạy cho người khác học, chúng ta học cách để dạy. Tấm gương học tập và giảng dạy của chúng ta giúp học viên biết cách họ cũng có thể học và dạy.

Chủ đề 6: Đấng Cứu Rỗi cùng lúc cho 5.000 người và mỗi cá nhân ăn.

Trong một cách kỳ diệu, bánh và cá được chia ra và sau đó nhân lên cho mỗi một người trong đám đông: “Ai nấy đều ăn”57 “no.”58

Đây là một phép lạ mà chúng ta là giảng viên tìm kiếm—để giảng dạy cho cả lớp học và mỗi một người trong lớp. Điều này đòi hỏi sự chăm sóc cho 5.000 người và cho mỗi một người. Điều này mời gọi việc giải quyết các mối quan tâm chung và những nhu cầu cá nhân. Và, ngoài sự cân bằng, nó còn mời gọi phép lạ thiêng liêng đó để những gì chúng ta mở đầu lớp học thì sẽ trở thành đủ.

Chủ đề 7: Đấng Cứu Rỗi bảo đảm sẽ không có điều gì bị mất cả.

“Khi [dân chúng] đã ăn được no nê, Ngài phán với môn đồ rằng: Hãy lượm những miếng còn thừa, hầu cho không mất chút nào.”59

Một phần của việc bắt đầu với lòng biết ơn đối với những gì chúng ta có được là bảo đảm không có gì bị mất khi chúng ta kết thúc. Cơ cấu tổ chức của thiên thượng không lãng phí. Mọi thứ được sử dụng khi bắt đầu, không có gì được để mất vào lúc cuối.

Anh Cả Richard G. Scott đã chia sẻ cách chúng ta có thể ghi lại các ấn tượng và tìm hiểu xem có gì thêm nữa không.60 Tiến trình lặp đi lặp lại về việc cầu xin, nhận được, ghi lại, suy ngẫm, tuân theo, cầu vấn xem còn có điều gì thêm nữa không phản ảnh lời phán của Đấng Cứu Rỗi rằng “[kẻ nào nghe sẽ] được thêm vào đó nữa”61

Còn nữa. Trong lời tự mô tả Ngài là bánh sự sống, Đấng Cứu Rỗi phán: “Vả, ý muốn của Đấng đã sai ta đến, là hễ sự gì Ngài đã ban cho ta, thì ta chớ làm mất.”62 Ngài giữ những gì mà Đức Chúa Cha ban cho Ngài không bị mất. Là giảng viên, những người truyền giáo, nhân viên, chúng ta làm mọi thứ trong đức tin và khả năng của mình để giữ cho những người được giao phó cho chúng ta chăm sóc không ai bị thất lạc cả.

Chủ đề 8:Với Đấng Cứu Rỗi, chúng ta kết thúc với nhiều hơn so với lúc chúng ta bắt đầu.

Với lòng biết ơn về sự bảo đảm là không ai bị thất lạc, các môn đồ nhận được một phép lạ khác: “[Môn đồ] thâu được”63 “[chứa đầy mười hai giỏ] những miếng thừa của năm cái bánh mạch nha”64 “và cá còn thừa lại”65 “sau khi người ta đã ăn rồi.”66

Một phép lạ về việc nhân lên phần thuộc linh là, với Đấng Cứu Rỗi, chúng ta kết thúc với nhiều hơn so với lúc chúng ta bắt đầu. Chúng ta kết thúc với nhiều tình yêu hơn, nhiều sự học hỏi hơn, nhiều sự soi dẫn hơn, nhiều sự tử tế hơn so với lúc chúng ta bắt đầu. Sự giảng dạy tràn đầy Thánh Linh trở lại như bánh trên nước—giống như bánh và cá, nhiều hơn so với lúc chúng ta bắt đầu.

Chúng ta hãy tóm lược lại cuộc thảo luận của chúng ta cho đến bây giờ nhé:

Đấng Cứu Rỗi hiểu được tấm lòng và hoàn cảnh của chúng ta. Ngài động lòng trắc ẩn để ban phước đầy đủ cho chúng ta trong mọi cách.

Ngài bắt đầu từ nơi chúng ta đang đứng, với những gì chúng ta có, ngay cả chấp nhận một ít ổ bánh và cá từ một đứa con trai.

Ngài tiến hành một cách có trật tự.

Ngài biết ơn. Ngài ngước nhìn lên trời trước khi ban phước và bẻ bánh.

Ngài chia sẻ đầu tiên với các môn đồ, rồi bảo các môn đồ mang đến cho dân chúng.

Ngài biết cách chăm sóc và giảng dạy cho 5.000 người và mỗi một người cùng một lúc.

Ngài tập trung lại những gì chúng ta có một cách biết ơn, để chẳng mất gì cả.

Ngài giúp chúng ta hiểu rằng chúng ta đã kết thúc với nhiều hơn so với lúc chúng ta bắt đầu.

Còn nữa. Việc cho đám đông ăn không phải là lần đầu tiên cũng như lần cuối cùng mà Đấng Cứu Rỗi sử dụng bánh và cá để giảng dạy và làm chứng về sự dồi dào của Ngài.

Do đó chủ đề thứ chín của chúng ta là:

Chủ đề 9: Đối với những người có mắt để thấy và tai để nghe, thì Đấng Cứu Chuộc giảng dạy và làm chứng về sự phong phú của Tiệc Thánh.

“Những người đó thấy phép lạ Đức Chúa Giê Su đã làm, thì nói rằng: Người này thật là đấng tiên tri phải đến thế gian”67

Về sau, khi đặc biệt đề cập đến bánh và cá, Đấng Cứu Rỗi hỏi các môn đồ của Ngài:

“Các ngươi lại không nhớ hay sao?

“Khi ta bẻ năm cái bánh cho năm ngàn người, các ngươi thâu được mấy giỏ đầy bánh vụn? Thưa: Mười hai giỏ.

“Còn khi ta bẻ bảy cái bánh cho bốn ngàn người, các ngươi thâu được bấy giỏ đầy bánh vụn? Thưa: Bảy giỏ”68

Tôi lặp lại: thế giới của Ngài là một thế giới đầy bánh và cá.

Với người đàn bà bên bờ giếng, với một ý nghĩa đặc biệt trong một vùng đất khô cằn, Đấng Cứu Rỗi phán Ngài chính là nước sự sống. Chúa Giê Su phán cùng người này: “[Ai] uống nước ta sẽ cho, thì chẳng hề khát nữa. Nước ta cho sẽ thành một mạch nước trong người đó văng ra cho đến sự sống đời đời.”69

Đối với những người hỏi Chúa Giê Su: “Tổ phụ chúng tôi đã ăn ma na trong đồng vắng, thầy có thể cho chúng tôi ăn bánh từ trên trời xuống không?”70 Chúa Giê Su đáp: “Cha ta ban cho các ngươi… bánh từ trên trời xuống.”71 “Ta là bánh của sự sống.”72 “Hễ ai tin thì được sự sống đời đời.”73

Không có gì cơ bản hơn, thiết yếu hơn, hoặc phổ quát hơn bánh và nước. Chúng ta nhận được gì khi bánh sự sống và nước sự sống đến với nhau? Dĩ nhiên, chúng ta nhận được Tiệc Thánh.

Vào cuối giáo vụ trần thế của Ngài, trong một khuôn mẫu mà các môn đồ đã thấy trước đó, Đấng Cứu Rỗi “cầm lấy bánh, tạ ơn xong, bẻ ra phân phát cho môn đồ, mà phán rằng: … hãy làm sự này để nhớ đến ta.”74

Vào thời gian bắt đầu giáo vụ phục sinh của Ngài, để cho thấy một khuôn mẫu quen thuộc một lần nữa, Đấng Cứu Rỗi đã thiết lập Tiệc Thánh ở giữa dân Nê Phi, đàn chiên khác của Ngài:

Ngài truyền lệnh cho các môn đồ của Ngài mang đến bánh và rượu.

Ngài bảo đám đông ngồi trên đất.

Ngài lấy bánh, bẻ ra và ban phước bánh.

Ngài đưa cho các môn đồ và truyền lệnh cho họ phải ăn.

Và khi các môn đồ đã ăn no nê rồi, Ngài truyền lệnh cho các môn đồ mang đến cho đám đông.

Đám đông ăn no nê.75

Về sau, Chúa thực hiện Tiệc Thánh một lần nữa với dân Nê Phi, lần này Ngài ban cho bánh và rượu một cách kỳ diệu:

“Bấy giờ, [không có] bánh và rượu nho… ;

“Nhưng quả thật Ngài đã đưa bánh cho họ ăn và đưa rượu nho cho họ uống.”76

Ngài hứa rằng những người ăn bánh và uống rượu để linh hồn của họ “sẽ luôn luôn được no đủ; không bao giờ còn bị đói hay khát nữa.”77

Quả thật, “khi dân chúng ăn và uống xong, này, họ đều được dẫy đầy Thánh Linh.”78

Đây là sự làm tròn lời hứa quan trọng về Tiệc Thánh cho những người nam và người nữ ở mọi thời kỳ, trong mọi hoàn cảnh, để mỗi người chúng ta mà có cuộc sống phụ thuộc vào bánh và nước: “Phước thay cho những kẻ đói khát sự ngay chính, vì họ sẽ được dẫy đầy Đức Thánh Linh.”79

Thưa các anh chị em, cám ơn các anh chị em vì đã là các học viên và giảng viên phi thường trong một thế giới đói khát sự việc thuộc linh! Cám ơn các anh chị em đã giúp làm cho mỗi bài học, mỗi sự giao tiếp với học viên, giống như một bữa tiệc tinh thần với bánh và cá!

Thưa các anh chị em, tôi đã cảm thấy một suối nguồn của nước sự sống dâng tràn trong tôi với tình yêu thương trọn vẹn của Đấng Cứu Rỗi.

Mới gần đây, khi tôi có được đặc ân để chuyền bánh và nước, tôi đã cảm nhận được tình yêu thương bao la của Đấng Cứu Rỗi dành cho những người đang tiếp nhận những biểu tượng thiêng liêng đó. Tôi cũng cảm thấy biết ơn sâu xa Đấng Cứu Rỗi đã thiết lập giáo lễ Tiệc Thánh.

Thỉnh thoảng, khi tôi suy ngẫm (kể cả vào ngày Sa Bát), tôi cảm thấy sự tán thành thầm lặng rằng tôi đang làm hết khả năng của mình vào thời điểm này. Thường xuyên hơn, tôi cảm thấy một sự hy vọng và khích lệ rằng tôi có thể “đến cùng Đấng Ky Tô để được toàn thiện trong Ngài,”80 bất kể những khiếm khuyết của tôi.

Tôi hy vọng rằng các anh chị em sẽ nhìn bánh và cá, bánh và nước theo một cách mới.81

Tôi hy vọng rằng các anh chị em sẽ tìm thấy một sự vui thích, sự phiêu lưu, và sự soi dẫn nơi sự tổng hợp lại của những lời tường thuật trong thánh thư, các nguyên tắc phúc âm, và những lời của các vị sứ đồ và tiên tri tại thế khi các anh chị em làm tròn sự tin cậy thiêng liêng của mình để giúp các học viên của chúng ta biết rõ Đấng Cứu Rỗi hơn, và cung kính đến với Ngài.

Tôi hy vọng rằng các anh chị em sẽ nhớ rằng “thế gian là của Chúa và sự trọn vẹn của nó.”82 Thế giới của Ngài là một thế giới đầy bánh và cá. Những lời hứa của Ngài trong Tiệc Thánh là có sự dư dật.

Tôi làm chứng với lòng biết ơn về Thượng Đế, Đức Chúa Cha Vĩnh Cửu; Vị Nam Tử Thánh của Ngài, Đấng Cứu Rỗi, Chúa Giê Su Ky Tô; và Đức Thánh Linh. Tôi làm chứng với lòng biết ơn về các lẽ thật đã được phục hồi và thẩm quyền liên tục của chức tư tế từ Tiên Tri Joseph đến Chủ Tịch Thomas S. Monson ngày nay, về các thánh thư, và sự an ủi, hướng dẫn, và niềm vui chúng ta có thể nhận được khi chúng ta có Thánh Linh của Ngài ở cùng chúng ta khi chúng ta luôn luôn tưởng nhớ đến Ngài.

Cho dù các anh chị em đang ở đâu đi nữa, bất kể hoàn cảnh của các anh chị em ra sao, cho dù những niềm vui và thử thách của các anh chị em là gì đi nữa thì tôi cũng hy vọng rằng các anh chị em đã cảm nhận được trong buổi tối này với nhau là Chúa và Giáo Hội của Ngài yêu thương các anh chị em biết bao. Ngài quả thật yêu thương các anh chị em. Chúng tôi yêu thương các anh chị em. Trong thánh danh của Chúa và Đấng Cứu Rỗi của chúng ta là Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.