Đại Hội Các Nhà Giáo Dục Tôn Giáo CES
Thông Thạo Giáo Lý và Học Hỏi Cặn Kẽ


Thông Thạo Giáo Lý và Học Hỏi Cặn Kẽ

Buổi Họp Tối với Anh Cả Gerrit W. Gong

Bài Nói Chuyện cùng với Các Nhà Giáo Dục Tôn Giáo HTGDCGH • Ngày 17 tháng Hai năm 2017 • Đại Thính Đường Salt Lake

Các anh chị em thân mến, tôi vui mừng với cơ hội được hiện diện với các anh chị em buổi tối hôm nay. Trước khi giới thiệu Anh Cả Gong, tôi muốn chia sẻ một ý nghĩ mà tôi hy vọng sẽ giúp ích cho các anh chị em và học viên của các anh chị em.

Trước hết, tôi muốn bày tỏ tình yêu thương của mình dành cho các anh chị em và lòng biết ơn của tôi về điều các anh chị em làm. Các anh chị em làm một công việc tuyệt vời trong vương quốc của Thượng Đế và trong đời sống của học viên của các anh chị em. Tôi yêu mến các anh chị em và cầu nguyện các phước lành chọn lọc nhất của Chúa sẽ được ban xuống cho các anh chị em và gia đình của các anh chị em.

Buổi tối hôm nay, tôi muốn nói về Sự Thông Thạo Giáo Lý. Điều tôi nói tuy sẽ áp dụng đặc biệt cho các anh chị em nào đang giảng dạy lớp giáo lý nhưng lại thực sự áp dụng cho tất cả chúng ta.

Sự Thông Thạo Giáo Lý là một chương trình trong lớp giáo lý với ba mục tiêu: trước hết, nhằm giúp học sinh của chúng ta biết cách đạt được sự hiểu biết thuộc linh; thứ hai, nhằm giúp học sinh biết và hiểu giáo lý của Đấng Cứu Rỗi---có nghĩa là phải biết giáo lý chân chính trong tâm trí họ lẫn hiểu giáo lý chân chính trong lòng họ, và chúng ta muốn giáo lý này phải ghi sâu vào lòng họ; và thứ ba, nhằm giúp học sinh biết cách áp dụng giáo lý trong cuộc sống của họ, sống theo lẫn sử dụng giáo lý đó để trả lời các câu hỏi mà bạn bè của họ có thể có hoặc để giảng dạy và giúp người khác biết được lẽ thật.

Sự Thông Thạo Giáo Lý đã được giới thiệu trên toàn thế giới vào mùa thu năm ngoái. Tôi muốn các anh chị em biết và cảm nhận trong lòng mình rằng chương trình này có được là nhờ vào sự mặc khải từ Chúa; đây là một phép lạ. Tôi đã thường suy ngẫm về việc chương trình này đã đến như thế nào, đến khi nào và tại sao đến. Tôi đã tiến đến việc nhận thức được Sự Thông Thạo Giáo Lý trong bối cảnh to lớn hơn của chương trình giáo dục của Giáo Hội và công việc vĩ đại của Chúa trên thế gian.

Tôi tin rằng Sự Thông Thạo Giáo Lý giúp học sinh của chúng ta phát triển sự hiểu biết về giáo lý và giúp họ học được cách sử dụng sự hiểu biết đó trong cuộc sống của họ. Nhưng chương trình này còn hữu ích hơn thế nữa, còn dạy cho học sinh của chúng ta cách thức của Chúa để học tập cặn kẽ trong bất cứ loại hiểu biết nào vào bất cứ thời gian nào trong cuộc sống của họ.

Việc học tập được cặn kẽ khi nó gia tăng khả năng của chúng ta để làm ba điều: (1) biết và hiểu; (2) hành động hữu hiệu, ngay chính; và (3) trở nên giống như Cha Thiên Thượng và Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, hơn.1

Việc học tập cặn kẽ phải được thực hiện theo cách của Chúa, nhờ vào quyền năng của Đức Thánh Linh và qua việc tích cực học tập siêng năng cùng giảng dạy lẫn cho nhau, nhờ vào ân điển của Chúa Giê Su Ky Tô. Nguyên tắc này đúng cho bất cứ loại hiểu biết nào và cho bất cứ lúc nào trong cuộc đời.

Đây chính là điều chúng ta dạy cho học sinh của chúng ta trong Sự Thông Thạo Giáo Lý (và, tôi hy vọng trong tất cả mọi điều chúng ta dạy). Do đó, Sự Thông Thạo Giáo Lý là cách thức dẫn đến việc học tập cặn kẽ lâu dài.

Tôi muốn kết thúc bài nói chuyện của tôi với hai lời mời. Lời mời thứ nhất là dành cho các anh chị em nào đang giảng dạy lớp giáo lý. Các anh chị em thân mến trên khắp thế giới, tôi hy vọng học sinh của các anh chị em hiểu rằng chúng ta đang dạy họ học hỏi theo cách của Chúa. Hãy dạy cho họ biết rằng họ cần phải học hỏi cặn kẽ sự hiểu biết thuộc linh lẫn thế tục trong suốt cuộc sống của họ. Giúp họ thấy được việc tốt nghiệp lớp giáo lý không phải là kết thúc. Chúng ta muốn họ tốt nghiệp viện giáo lý, và chúng ta muốn họ theo đuổi thêm học vấn sau khi học hết phổ thông. Các anh chị em đang giúp họ làm những việc đó lẫn đặt nền móng cho việc học hỏi cặn kẽ suốt đời bằng cách dạy cho họ học hỏi theo cách của Chúa.

Lời mời thứ hai của tôi là dành cho các anh chị em nào đang dạy viện giáo lý. Các anh chị em thân mến, xin giúp sinh viên của các anh chị em học theo cách của Chúa. Xin giúp họ thấy được giá trị và khả năng của họ trong cuộc sống khi tốt nghiệp viện giáo lý. Sự tốt nghiệp viện giáo lý tượng trưng cho việc hoàn thành một nghiên cứu sâu rộng có hệ thống về phúc âm. Sự tốt nghiệp viện giáo lý sẽ củng cố sự hiểu biết của họ về phúc âm, gia tăng chứng ngôn và lòng cam kết của họ đối với Chúa, và sẽ giúp họ biết được và yêu mến Chúa Giê Su Ky Tô.

Tôi biết rằng nếu các anh chị em hành động theo những lời mời này thì Chúa và Đấng Cứu Rỗi sẽ ban phước cho các anh chị em lẫn học viên của các anh chị em. Tôi làm chứng rằng Cha Thiên Thượng của chúng ta hằng sống và yêu thương chúng ta. Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, là Đấng Cứu Rỗi và Đấng Cứu Chuộc của chúng ta. Tôi biết Ngài hằng sống. Tôi biết rằng nơi Ngài và qua Ngài chúng ta đều có thể học hỏi cặn kẽ trong suốt cuộc sống của mình, vì Ngài là Đường Đi, Lẽ Thật và Sự Sống. Trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Khuôn mẫu “biết, làm theo, trở thành” đã được sử dụng rộng rãi với tính cách là một cách thức phát triển sự lãnh đạo và trong cuộc thảo luận về kế hoạch của Chúa dành cho con cái của Ngài. Xin xem Thomas S. Monson, “Học Hỏi, Làm Theo, Trở Thành,” Ensign, hoặc Liahona, tháng Mười Một năm 2008, 60---62, 67---68; và Dallin H. Oaks, “Thử Thách để Trở Thành,” Ensign, tháng Mười Một năm 2000, 32--34. Để có được một sự hiểu biết cặn kẽ về mỗi yếu tố của khuôn mẫu này, hãy xem các loạt ba tập của David A. Bednar: Increase in Learning (2011), Act in Doctrine (2012), và Power to Become (2014).

In