Quyền Năng của Chúa Giê Su Ky Tô và Giáo Lý Thuần Khiết
Quyền Năng của Chúa Giê Su Ky Tô và Giáo Lý Thuần Khiết cùng với Anh Cả Neil L. Andersen
Chủ Nhật, ngày 11 tháng Sáu, năm 2023
Anh Cả Neil L. Andersen: Cảm ơn, Anh Cả Gilbert. Cảm ơn, Anh Webb. Họ là hai người bạn và đồng nghiệp thân yêu của tôi. Tôi yêu thương họ vô bờ.
Ca đoàn hát rất hay phải không nào? Họ cũng thật trang nghiêm! Mọi người đã có một màn trình diễn thật ấn tượng. Cảm ơn mọi người rất nhiều!
Tôi suy nghĩ về những lời đó khi ca đoàn hòa âm ở lời hát thứ ba: “Giê Su là sự sáng; luôn sức mạnh của tôi. Trong oai quyền Ngài ban tôi sẽ vượt muôn dặm.”1 Nếu như chúng ta có thể khắc sâu cảm nhận về những lời hát đó vào tận xương tủy của những người mà chúng ta giảng dạy thì cũng đã đủ để có thể giữ an toàn cho ai đó rồi.
Thật là tuyệt khi được ở trong Đại Thính Đường phải không nào? Chúng tôi không còn đến đây quá thường xuyên nữa. Một vài anh chị em có thể chưa từng đến đây bao giờ; các anh chị em còn quá trẻ. Một vài người trong chúng ta có nhiều kỷ niệm tại Đại Thính Đường lâu đời này. Bao nhiêu anh chị em ở đây có kỷ niệm đẹp về nơi này trước kia? (Giơ tay.)
Cách đây ba mươi năm, Anh Cả Christofferson và tôi được kêu gọi trong kỳ đại hội trung ương tháng Tư. Theo như tôi nhớ, lúc đầu chúng tôi đang ngồi ngay phía dưới đây trước khi bước lên và ngồi trên những chiếc ghế đỏ đó. Một trong các Vị Sứ Đồ, Anh Cả Marvin Ashton, bị ốm trong kỳ đại hội đó, và vì vậy Anh Cả Christofferson và tôi đã đưa ra lời chứng khiêm nhường của mình. Chúng tôi không có nhiều thời gian để chuẩn bị.
Có một kỷ niệm khác tại nơi đây mà tôi muốn chia sẻ với anh chị em.
Tôi đã không nói chuyện trong Đại Thính Đường này kể từ khi đưa ra lời chứng đó vào năm 1993. Lúc đó chúng tôi đang chuẩn bị tham dự kỳ đại hội cuối cùng được tổ chức tại Đại Thính Đường này; đó là vào tháng Mười năm 1999.
Có một chuyện đã xảy ra khiến tôi ngỡ ngàng. Đó là buổi sáng thứ Sáu trước khi diễn ra đại hội—lúc 7:30 sáng. Tôi đang ở trong văn phòng thì chuông điện thoại reo lên. Giọng nói ở đầu dây bên kia vang lên: “Anh Andersen, đây là Chủ Tịch Hinckley.” Tôi là một Vị Thẩm Quyền Trung Ương, nhưng tôi đã dành rất ít thời gian với Chủ Tịch Hinckley. Những lời đầu tiên ông nói với tôi—và đây hoàn toàn là sự thật—ông nói, “Anh chữa cháy giỏi đến mức nào?” Tôi thực sự không biết phải trả lời ông ra sao, nhưng tôi đã lẩm nhẩm điều gì đó. Chủ Tịch Hinckley nói tiếp: “Anh Cả Robert Hales bị ốm. Anh Cả ấy phải phẫu thuật vào thứ Hai và sẽ không thể nói chuyện sáng ngày mai. Chúng tôi muốn mời anh để nói chuyện thay cho Anh Cả ấy trong buổi sáng thứ Bảy. Có được không? Tạm biệt!” Điều đó làm tôi lo lắng trong nhiều giờ. Đó là kinh nghiệm duy nhất của tôi về việc được chỉ định để nói chuyện trong đại hội trung ương tại Đại Thính Đường này.
Giá mà chúng ta có thời gian, chúng tôi rất muốn nghe tất cả những kinh nghiệm của anh chị em.
Xin cho phép tôi bày tỏ tình yêu thương của tôi và tình yêu thương của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn và Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ dành cho mỗi người trong số các anh chị em. Chúng tôi vô cùng kính trọng và ngưỡng mộ đức tin và lòng tận tụy của anh chị em đối với Đấng Cứu Rỗi Chúa Giê Su Ky Tô và công việc thánh thiện của Ngài. Đây là khoảng thời gian lịch sử tối quan trọng. Cuộc sống của hàng trăm ngàn Thánh Hữu Ngày Sau trẻ tuổi của chúng ta nằm trọn trong tầm ảnh hưởng của các anh chị em. Cho dù các anh chị em được kêu gọi với tư cách là giảng viên lớp giáo lý hay viện giáo lý trong tiểu giáo khu hoặc giáo khu của mình hay được chọn làm giảng viên tại một trong số 638 viện giáo lý của chúng ta trên khắp thế giới hoặc trong các lớp giáo lý tổ chức trong giờ học tôn giáo của chúng ta—tôi mới hỏi Anh Webb rằng chúng ta có bao nhiêu lớp học và anh ấy cho biết có lẽ khoảng 80.000 lớp giáo lý. Tất nhiên, các lớp giáo lý tổ chức trong giờ học tôn giáo hiện có ở miền Tây Hoa Kỳ, Canada và các trường học của Giáo Hội. Hoặc nếu anh chị em phục vụ trong bất kỳ vai trò nào nhằm hỗ trợ cho công việc của các Lớp Giáo Lý và Viện Giáo Lý, thì tôi xin thay mặt cho Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn và Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ chân thành cảm ơn anh chị em. Chúng tôi yêu thương anh chị em và chúng tôi cầu nguyện cho anh chị em. Chúng tôi coi anh chị em là những người đồng môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô khi chúng ta chuẩn bị một dân tộc ngay chính trên khắp các quốc gia, nền văn hóa và ngôn ngữ trên thế giới, để chuẩn bị cho sự trở lại đầy vinh quang của Đấng Cứu Rỗi trên thế gian.
Để vinh danh mỗi anh chị em và các giảng viên tiền nhiệm cao quý trong công việc vĩ đại này, gần đây tôi đã có một cuộc trò chuyện ngắn với Chủ Tịch Andy Diaz, một chủ tịch giáo khu tại Salt Lake City. Chúng tôi đã nói chuyện về một giảng viên lớp giáo lý sáng sớm của Chủ Tịch Diaz khi ông còn trẻ. Và đây là một sự kết nối rất thú vị. Sau khi gia nhập Giáo Hội vào năm 13 tuổi tại thành phố Tampa, Florida, một năm sau, Chủ Tịch Diaz bắt đầu tham dự lớp giáo lý sáng sớm cùng với người vợ tuyệt vời của tôi, Kathy. Anh chị em sẽ nhận ra ông ấy trông lớn tuổi hơn Kathy rất nhiều. Chúng ta trải đời theo những cách khác nhau. Người giảng viên chính là mẹ của Kathy, mẹ vợ tương lai của tôi, Chị Martha Williams. Hãy cùng lắng nghe cuộc trò chuyện ngắn này giữa tôi và Chủ Tịch Diaz.
[bắt đầu video]
Anh Cả Andersen: Hôm nay tôi có mặt ở đây cùng Chủ Tịch Andy Diaz, chủ tịch Giáo Khu Salt Lake Riverside. Chủ Tịch Diaz và tôi có 1 điểm chung là cùng quen biết 1 người, đó là vợ tôi, Kathy, đã học trong lớp giáo lý cùng ông hơn 50 năm trước, và hơn thế nữa, giảng viên của họ là mẹ của Kathy, Chị Martha Williams. Bà ấy là một người phụ nữ tuyệt vời. Tất nhiên, tôi rất hiểu bà ấy. Bà ấy đã qua đời. Nhưng tôi muốn lắng nghe một vài cảm nhận từ một người mà hơn 50 năm sau là chủ tịch giáo khu, người đã gia nhập Giáo Hội lúc 13 tuổi và sau đó tham gia lớp giáo lý một năm sau đó, về Chị Martha Williams. Chủ Tịch Diaz, hãy chia sẻ cho chúng tôi cảm nhận chung về người phụ nữ đã từng là giảng viên lớp giáo lý của anh.
Chủ Tịch Andy Diaz: Bà ấy có lẽ là một trong ba người phụ nữ có ảnh hưởng lớn nhất trong cuộc đời tôi—mẹ tôi, vợ tôi và Chị Williams.
Anh Cả Andersen: Anh không nói quá đấy chứ?
Chủ Tịch Diaz: Tôi không hề nói quá.
Anh Cả Andersen: Tại sao bà ấy lại quan trọng đối với anh như vậy?
Chủ Tịch Diaz: Bà ấy đã giúp tôi trưởng thành và học hỏi phúc âm, vì lúc đó tôi là một tín hữu 13 tuổi hoàn toàn mới của Giáo Hội, và sau đó vào năm 14 tuổi, tôi bắt đầu học lớp giáo lý. Về cơ bản thì bà ấy là người đã giúp tôi học hỏi phúc âm. Khi tôi còn là học sinh trung học, tôi có một công việc phải đi làm lúc hai giờ sáng, và tôi sẽ đi thẳng từ chỗ làm đến lớp giáo lý sáng sớm lúc sáu giờ vì tôi không muốn bỏ lỡ lớp học; lớp giáo lý rất quan trọng với tôi. Và anh biết đấy, bà ấy đã tạo ra một bầu không khí học hỏi để giúp học viên “có một kinh nghiệm thuộc linh,” và tôi muốn có những kinh nghiệm thuộc linh đó.
Anh Cả Andersen: Bà ấy có giữ vững sự thuần khiết của phúc âm và sự giản dị của phúc âm không hay là bà ấy—tôi nhớ cách đây 50 năm trong một vài lớp học của mình, chúng tôi đã khám phá ra những điều mà chúng tôi không hề biết trước đó.
Chủ Tịch Diaz: Bà ấy chắc chắn đã dạy tôi giáo lý thuần khiết của Đấng Ky Tô. Bà ấy nói về đức tin và sự hối cải cũng như những điều mà chúng ta cần phải làm để có thể trở về với Cha Thiên Thượng, kiên trì đến cùng.
Anh Cả Andersen: Bà ấy có giúp anh cải đạo cá nhân theo Đấng Cứu Rỗi Chúa Giê Su Ky Tô, điều mà sẽ tồn tại trong suốt cuộc đời của anh không?
Chủ Tịch Diaz: Có, bà ấy có làm như vậy. Vì bà ấy đã giúp tôi thiết lập mối quan hệ với Cha Thiên Thượng và với Đấng Cứu Rỗi. Tôi đã học hỏi về Đấng Cứu Rỗi từ bà ấy. Và từ tất cả những điều trong thánh thư mà bà ấy có thể hiểu và những giáo lý mà Đấng Cứu Rỗi đã giảng dạy. Bà ấy có một chứng ngôn, và bà ấy luôn—tôi nhớ rằng bà ấy luôn kết thúc lớp học với chứng ngôn của mình về phúc âm của Đấng Cứu Rỗi và về những điều mà bà ấy đang giảng dạy cho ngày hôm đó; điều đó thực sự quan trọng. Bà ấy là một người rất năng nổ; bà ấy sẽ bao bọc anh với tình yêu thương trong phúc âm mà bà ấy có. Khi tôi quan sát bà ấy, tôi luôn cố gắng bắt chước những gì bà ấy đang làm.
Anh Cả Andersen: Khi anh nhìn lại, nếu anh có thể nói một điều gì đó với các giảng viên lớp giáo lý và viện giáo lý—khi họ gặp một người như anh, mới gia nhập Giáo Hội—thì anh sẽ khuyến khích họ làm gì, Chủ Tịch Diaz?
Chủ Tịch Diaz: Hãy yêu thương học viên của anh chị em. Hãy cho họ biết rằng anh chị em yêu mến Cha Thiên Thượng và rằng Cha Thiên Thượng yêu thương họ. Rằng Đấng Cứu Rỗi yêu thương họ. Và rằng nếu họ tuân theo Thượng Đế và các vị tiên tri của Ngài, thì họ sẽ có thể quay trở lại và sống với Cha Thiên Thượng của chúng ta một lần nữa.
Anh Cả Andersen: Vâng, tôi chắc chắn rằng cha mẹ anh sẽ rất tự hào về anh. Và tôi biết rằng Chị Williams, người đã hoàn thành cuộc sống trần thế trên thế gian này 25 năm về trước, cũng sẽ rất tự hào về anh.
Chủ Tịch Diaz: Vâng, tôi rất hạnh phúc khi nghe điều đó.
Anh Cả Andersen: Cảm ơn anh rất nhiều. Cảm ơn anh đã chia sẻ những điều này với chúng tôi.
Chủ Tịch Diaz: Không có gì đâu.
[kết thúc video]
Anh Cả Andersen: Anh Chị Diaz đang ở đây với chúng ta tối nay. Anh Chị Diaz, anh chị có thể đứng dậy để chúng tôi có thể bày tỏ lòng biết ơn được không? Cảm ơn anh chị rất nhiều.
Chủ Tịch Diaz là đại diện tiêu biểu cho ảnh hưởng mà anh chị em đang có và sẽ tiếp tục có đối với thế hệ đang vươn lên nhờ vào đức tin của anh chị em nơi Đấng Cứu Chuộc và cách mà anh chị em giương cao ánh sáng của Ngài trong mọi điều anh chị em nói và làm.
Với sự phục vụ gương mẫu của anh chị em, lời cầu nguyện của tôi hôm nay là tôi có thể chia sẻ một hoặc hai hiểu biết sâu sắc mà sẽ giúp nâng đỡ tinh thần cho anh chị em đồng thời giúp củng cố sự phục vụ ngay chính mà anh chị em đang cống hiến theo cách thức đơn giản nhất.
Đây là điều đầu tiên anh chị em cần cân nhắc: Chúng ta hãy giảng dạy và làm chứng thường xuyên hơn và mạnh mẽ hơn về Chúa Giê Su Ky Tô.
Hãy suy nghĩ về những lời giảng dạy này của Chủ Tịch Russell M. Nelson trong đại hội trung ương tháng Tư vừa qua rất đúng thời điểm đối với các học viên mà anh chị em giảng dạy: “Bất cứ thắc mắc hoặc vấn đề nào anh chị em có, thì sự giải đáp luôn luôn được tìm thấy trong cuộc đời và những lời dạy của Chúa Giê Su Ky Tô. Hãy tìm hiểu thêm về Sự Chuộc Tội của Ngài, tình yêu thương của Ngài, lòng thương xót của Ngài, giáo lý của Ngài, và phúc âm phục hồi của Ngài về sự chữa lành và tiến triển. Hãy tìm đến Ngài! Hãy noi theo Ngài!”2
Khi tôi được kêu gọi với tư cách là Vị Thẩm Quyền Trung Ương cách đây 30 năm vào đầu những năm 1990, chín trong số mười người Mỹ trưởng thành được xác định là Ky Tô Hữu. Theo Trung Tâm Nghiên Cứu Pew, số lượng Ky Tô Hữu tại Mỹ hiện chiếm 64% dân số và rất có thể sẽ giảm xuống mức dưới 50% trong vòng vài thập kỷ tới. Các quốc gia khác cũng đã hoặc đang đối mặt với những thách thức tương tự về đức tin.
Dĩ nhiên, không phải tất cả các anh chị em tham dự ngày hôm nay đều đến từ các quốc gia mà Ky Tô Giáo là tôn giáo chính, và có nhiều anh chị em đến từ những vùng mà đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô vẫn còn rất mạnh mẽ. Nhưng dù chúng ta sinh sống ở bất cứ đâu, chúng ta nhận biết rằng con đường dẫn đến cuộc sống vĩnh cửu bắt đầu với sự cải đạo sâu sắc và vững vàng theo Đấng Cứu Rỗi của chúng ta với lòng tôn kính đối với cuộc đời và sứ mệnh thiêng liêng của Ngài.
“Thô Ma thưa rằng: Lạy Chúa, … làm sao biết đường được? Vậy Chúa Giê Su đáp rằng: Ta là đường đi, lẽ thật, và sự sống; chẳng bởi ta thì không ai được đến cùng Cha.”3
Trong sứ điệp mở đầu của sách Cổ Vũ Sức Mạnh của Giới Trẻ, Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn có viết: “Các em thực sự là những linh hồn chọn lọc của Cha Thiên Thượng, được gửi xuống thế gian vào thời điểm này để làm những điều quan trọng. … Hãy tìm đến Đấng Cứu Rỗi. Ngài là ‘sức mạnh của giới trẻ.’”4
Gần đây tôi đã đến tòa nhà lớp giáo lý của các cháu tôi. Tôi thấy ấn tượng với các bức tường có nhiều hình ảnh của Đấng Cứu Rỗi và những lời dạy của Ngài cũng như các câu thánh thư làm chứng về Ngài.
Anh Chad Webb đã dạy nguyên tắc này: “Cách thức quan trọng nhất mà chúng ta có thể thực hiện để gia tăng đức tin nơi thế hệ đang vươn lên là đặt Chúa Giê Su Ky Tô làm trọng tâm của việc giảng dạy và học hỏi của chúng ta một cách trọn vẹn hơn.”5
Chẳng phải chúng ta đã được ảnh hưởng sâu sắc trong đại hội trung ương tháng Tư khi Chủ Tịch Dallin H. Oaks trích dẫn lời dạy của Nê Phi, “Nuôi dưỡng những lời nói của Đấng Ky Tô; vì này, những lời nói của Đấng Ky Tô sẽ cho các người biết tất cả những gì các người phải làm,”6 và sau đó dành phần còn lại trong sứ điệp đầy quyền năng của ông để chia sẻ “một phần tuyển chọn những lời của Đấng Cứu Rỗi—những điều Ngài đã phán” trong Kinh Tân Ước lẫn Sách Mặc Môn. Chủ Tịch Oaks đã kết luận với lời tuyên bố giản dị mang tính tiên tri sau: “Tôi khẳng định lẽ thật của những lời dạy này trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.”7
Có một quyền năng siêu việt trong những lời dạy của Chúa Giê Su Ky Tô:
“Hãy cầu xin, rồi điều ấy sẽ được ban cho các ngươi; hãy tìm kiếm, rồi các ngươi sẽ gặp.”8
“Ta là sự sống lại và sự sống; kẻ nào tin ta thì sẽ sống, mặc dầu đã chết rồi.”9
“Này, ta là Giê Su Ky Tô, Con của Thượng Đế. … Ta là sự sáng và sự sống của thế gian.”10
Khi anh chị em băn khoăn không biết phải nói điều gì, hãy nói những lời của Đấng Cứu Rỗi. Nói về những kinh nghiệm của Ngài; nói về những câu chuyện ngụ ngôn của Ngài; hãy nói những lời trong thánh thư và của các vị tiên tri mà làm chứng về Ngài.
Khi chúng ta giảng dạy và làm chứng về Chúa Giê Su Ky Tô, Đức Thánh Linh sẽ xác nhận trong tấm lòng các môn đồ trẻ tuổi của chúng ta về lẽ thật của cuộc đời và những lời giảng dạy của Ngài với một quyền năng trường cửu hơn nhiều so với quyền năng giảng dạy của chính chúng ta.
Chúng ta hãy khiêm nhường xem xét liệu chúng ta có đang làm tất cả những gì mình nên làm trong việc giảng dạy và làm chứng, như Chủ Tịch Nelson đã yêu cầu, về Sự Chuộc Tội của Ngài, tình yêu thương của Ngài, lòng thương xót của Ngài, giáo lý của Ngài, và phúc âm phục hồi của Ngài về sự chữa lành và tiến triển hay không.
Do khuôn mẫu giảng dạy của chúng ta trong quá khứ có thể không đáp ứng được yêu cầu ngày nay và những điều sẽ đến trong tương lai, do đó chúng ta hãy mở rộng sự hiểu biết của mình và, như Chủ Tịch Nelson đã khuyên bảo, hãy tự mình “học hỏi thêm” và khuyến khích giới trẻ và những người thành niên trẻ tuổi của Giáo Hội “tìm hiểu thêm” về “cuộc đời và những lời dạy của Chúa Giê Su Ky Tô.”11
Bây giờ, điều cân nhắc thứ hai tôi muốn nói đến: Chúng ta hãy giữ cho giáo lý thuần khiết và đơn giản.
Điều chúng ta thực sự biết về Cha Thiên Thượng của chúng ta; Đấng Cứu Rỗi Chúa Giê Su Ky Tô của chúng ta; cuộc sống tiền dương thế của chúng ta; kế hoạch hạnh phúc của Đức Chúa Cha dành cho chúng ta; các nguyên tắc của đức tin và sự hối cải; các giáo lễ cứu rỗi, các giáo lệnh, giao ước, sự vâng lời và sự kiên trì; và các phước lành đã được hứa cho chúng ta mà vượt xa thế giới trần thế này—tất cả những điều này đều rất minh bạch, chúng ta sẽ không bao giờ cảm thấy cần phải “nhìn quá xa điểm nhắm”12 như thánh thư đã dạy.
Chúng ta đặt trọng tâm của việc giảng dạy vào Cha Thiên Thượng, Chúa Giê Su Ky Tô, và giáo lý đã được mặc khải của hai Ngài để giúp giới trẻ của chúng ta gia tăng đức tin nơi hai Ngài, được cải đạo theo hai Ngài và nhận được các phước lành đã được hứa từ hai Ngài.
Giáo lý của Đấng Ky Tô được tìm thấy trong thánh thư và trong những lời giảng dạy của các vị tiên tri, những người có trách nhiệm truyền đạt ý muốn của Chúa.
Giáo lý được các vị tiên tri giảng dạy và ghi chép trong thánh thư bao gồm nguyên tắc về việc có nhiều nhân chứng, một nguyên tắc mà các anh chị em thường nghe trong đại hội trung ương và là nguyên tắc mà tôi đã chia sẻ cách đây hơn 10 năm: “Một vài người nghi ngờ về đức tin của mình khi bắt gặp một lời phát biểu của một vị lãnh đạo Giáo Hội đưa ra cách đây nhiều thập niên dường như không phù hợp với giáo lý của chúng ta. Trong đó có một nguyên tắc quan trọng chi phối giáo lý của Giáo Hội. Giáo lý này đã được tất cả 15 thành viên trong Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn và Nhóm Túc Số Mười Hai giảng dạy. Giáo lý này không ẩn khuất trong một đoạn văn tối nghĩa của một bài nói chuyện. Các nguyên tắc chân chính đều được nhiều người giảng dạy thường xuyên. Giáo lý của chúng ta không khó để tìm ra.”13
Anh chị em có thể thấy tầm quan trọng của việc thường xuyên áp dụng lời giảng dạy của các vị tiên tri và sứ đồ trong các cuộc thảo luận trong lớp học của mình không? Sự chỉ dẫn của Chúa cho các câu hỏi và mối bận tâm trong thế giới hiện đại của chúng ta đến từ những người đã được sắc phong với thẩm quyền của vị sứ đồ. Nếu niềm tin nơi các vị tiên tri và sứ đồ đang suy giảm, thì những điều gây sao lãng, những đường lối sai lạc, và những lời ngụy biện của thế gian có thể khiến một người bị tách rời khỏi nền móng thuộc linh của mình. Hãy háo hức chờ đợi đại hội trung ương và thảo luận về những lời giảng dạy quan trọng trong đại hội. Xác định rõ ràng vai trò thiêng liêng của những tôi tớ được xức dầu của Chúa. Khi thế gian ngày càng nghịch lại các giáo lệnh của Thượng Đế, thì vai trò của Các Vị Sứ Đồ sẽ trở nên ngày càng quan trọng hơn.
Để giữ cho giáo lý của Chúa thuần khiết và dễ hiểu, hãy cẩn thận ở trong giới hạn mà Chúa đã thiết lập, tránh những sai lầm do suy đoán và những ý tưởng cá nhân phi giáo lý. Những ý tưởng như vậy có thể rất hấp dẫn đối với một số người nhưng chúng không có sức mạnh của lẽ thật để củng cố đức tin.
Tôi thích bài học mà Chủ Tịch Dallin H. Oaks đã dạy cho con trai của ông khi cậu bé hỏi một câu hỏi mà không được giải thích rõ ràng trong giáo lý của Đấng Ky Tô. Ông trả lời như sau: “Con trai, cha không biết câu trả lời cho câu hỏi đó, nhưng hãy để cha trả lời một câu hỏi mà cha biết câu trả lời.” Sau đó, ông làm chứng về Tiên Tri Joseph Smith và Khải Tượng Thứ Nhất. Anh chị em hãy sẵn sàng nói, “Tôi không biết điều đó, nhưng đây là điều mà tôi biết.”
Hãy xem xét các câu hỏi và câu trả lời sau:
“Anh Jones, mối liên hệ giữa Vụ Nổ Big Bang và A Đam và Ê Va là gì?” “Tôi không biết câu trả lời cho câu hỏi đó, nhưng hãy để tôi chia sẻ cho anh/chị hiểu biết của chúng tôi về A Đam và Ê Va.”
“Chị Gonzales, tại sao chúng ta lại không biết nhiều hơn về Mẹ Thiên Thượng?” “Tôi không biết câu trả lời cho câu hỏi đó, nhưng tôi biết rằng chị là ‘con gái yêu dấu của cha mẹ thiên thượng với thiên tính và số mệnh vĩnh cửu.’14”
Hãy nghĩ về cách mà anh chị em có thể biến những câu hỏi hay, nhưng lại là những câu hỏi kích thích sự suy đoán, thành những câu trả lời mà giúp xây đắp đức tin nơi Đấng Cứu Rỗi Chúa Giê Su Ky Tô của chúng ta. Và đây là một thử thách dành cho anh chị em. Hãy giúp học viên của anh chị em thấm nhuần quan điểm sâu sắc rằng không phải mọi câu hỏi đều có tính chất giống nhau. Sự hiểu biết và trưởng thành thuộc linh giúp tách biệt những câu hỏi quan trọng khỏi những câu hỏi thú vị.
Với tính chính xác, rõ ràng và đơn giản, chúng ta mời gọi sự làm chứng xác nhận của Đức Thánh Linh. “Khi nào Đấng Yên Ủi sẽ đến, … tức là Thần lẽ thật, … Ngài sẽ làm chứng về ta.”15
Chủ Tịch Brigham Young đã mô tả những lời giảng dạy của Tiên Tri Joseph Smith theo cách này: “Nói theo nghĩa bóng, ông ấy đã mang thiên thượng xuống thế gian; sau đó lại đưa trái đất lên thiên thượng và khai mở những sự việc của Thượng Đế một cách rõ ràng và đơn giản.”16
Hãy đảm bảo rằng những lời kể và câu chuyện mà anh chị em được nghe kể đều không có sự thêm thắt trong đó. Hãy cố gắng đảm bảo rằng những câu thánh thư hoặc câu nói mà anh chị em đang trích dẫn nằm trong ngữ cảnh phù hợp với nội dung của chúng.
Chúng ta rất dễ bị thu hút bởi một điều gì đó mới mẻ hoặc cực kỳ hấp dẫn mà vượt quá tầm hiểu biết của chúng ta. Hãy ở trong vùng an toàn của giáo lý thuần khiết và đơn giản.
Hãy cẩn thận khi anh chị em lựa chọn phương tiện truyền thông, câu chuyện cá nhân và bài học minh họa bằng đồ vật. Khi được sử dụng một cách hiệu quả, chúng giúp gia tăng ham muốn học hỏi và chiều sâu. Nếu được nhấn mạnh quá mức, chúng có thể khiến học viên mất tập trung vào sự giảng dạy của anh chị em. Phương pháp có thể làm lu mờ đi thông điệp.
Tiên tri An Ma đã làm chứng rằng tin lành về phúc âm “đã được loan báo cho chúng ta bằng những lời rất rõ ràng để chúng ta có thể hiểu, ngõ hầu chúng ta không thể sai lầm.”17
“Lại nếu kèn trổi tiếng lộn xộn, thì ai sửa soạn mà ra trận?”18
Hãy suy nghĩ xem những câu thánh thư này rõ ràng đến nhường nào:
“Hãy đến cùng ta.”19
“Nếu ai muốn theo ta, phải tự bỏ mình đi, [mỗi ngày] vác thập tự giá mình mà theo ta.”20
“Vả, nếu các ngươi tha lỗi cho người ta, thì Cha các ngươi ở trên trời cũng sẽ tha thứ các ngươi.”21
“Và chúng ta sẽ thử thách họ bằng phương tiện này, để xem họ sẽ làm theo tất cả những gì Chúa, Thượng Đế của họ, sẽ truyền lệnh cho họ chăng.”22
“Điều răn của ta đây này: Các ngươi hãy yêu nhau, cũng như ta đã yêu các ngươi.”23
Trong bài giảng đầy quyền năng “Hãy Nghe Lời Người,” Chủ Tịch Nelson đã nói: “[Cha Thiên Thượng] giao tiếp một cách đơn giản, lặng lẽ, và với sự minh bạch thật rõ ràng đến mức chúng ta không thể hiểu lầm Ngài được.”24
Rõ ràng, chính xác, đơn giản là cách thức giảng dạy thiêng liêng.
Hãy khôn ngoan khi anh chị em cân bằng giáo lý mà mình giảng dạy. Hãy cân nhắc tầm quan trọng thích hợp cho một điểm giáo lý trong bối cảnh bao gồm các lẽ thật liên quan khác. Hãy ghi nhớ lời khuyên của Đấng Cứu Rỗi về việc giảng dạy các lệnh truyền: “Đó là những điều các ngươi phải làm, mà cũng không nên bỏ sót những điều kia.”25
Anh Cả Neal A. Maxwell đã giải thích: “Các nguyên tắc phúc âm được đan kết với nhau thành một tấm vải giúp chúng kiểm soát và cân bằng lẫn nhau.”26
Hãy nghĩ mà xem: tình yêu thương và luật pháp của Thượng Đế, sự tha thứ và hối cải, tình yêu thương dành cho Thượng Đế và tình yêu thương dành cho những người lân cận, quyền tự quyết và trách nhiệm giải trình.
Như đã nói đến nhiều lần, chúng ta giảng dạy không chỉ để được hiểu, mà chúng ta giảng dạy để mình không bị hiểu lầm.
Cuối cùng, như tất cả chúng ta đều đã biết rất rõ, những lẽ thật này phải được chia sẻ trong một bầu không khí chào đón và mời Thánh Linh. Chúng ta không thể ép buộc Thánh Linh. Chúng ta cầu nguyện và mời Thánh Linh, nhưng chúng ta không cố gắng tự mình thêu dệt nên một kinh nghiệm thuộc linh.
Cách đây hơn 30 năm, Chủ Tịch Dallin H. Oaks đã kể cho tôi nghe về một kinh nghiệm với con gái của ông là Jenny, lúc đó vẫn còn là một thiếu nữ. Ông đã nói những lời sau: “Jenny đã tham dự một lớp học hoặc sinh hoạt của Hội Thiếu Nữ khi con bé còn là một thiếu nữ. Khi con bé trở về nhà, tôi và vợ tôi hỏi con bé buổi sinh hoạt đó diễn ra như thế nào, giống như các bậc cha mẹ vẫn thường hỏi. Jenny nói, “Dạ, giảng viên của con nói rằng tối nay lớp học sẽ có một kinh nghiệm thuộc linh. Nếu mọi người nắm tay nhau trong vòng tròn, chúng ta sẽ có một kinh nghiệm thuộc linh.””
Tôi xin tiếp tục trích dẫn lời của Chủ Tịch Oaks: “Tôi đã hỏi Jenny: ‘Con cảm thấy thế nào?’ Và cô bé nói, ‘Con cảm thấy khó chịu!’” (Có lẽ ngày nay, sau 30 năm, chúng ta sẽ nói, “Tôi cảm thấy khó chịu.” Không chắc từ đúng ở đây là gì.) Chủ Tịch Oaks nói tiếp: “Tôi đã nói: ‘Cha rất vui vì khi nghe được một điều như thế này, cha cũng cảm thấy khó chịu.’” Sau đó, Chủ Tịch Oaks nói: “Tôi đã dạy cho con bé biết rằng các kinh nghiệm thuộc linh không được sắp xếp sẵn theo lịch trình, chúng xảy ra khi chúng ta đang kiếm tìm ảnh hưởng đến từ Thánh Linh của Chúa.”
Anh chị em còn nhớ tình yêu thương mà Chủ Tịch Diaz cảm nhận được từ giảng viên lớp giáo lý của mình, Chị Williams chứ? Chúng ta mời Thánh Linh khi giảng dạy với tình yêu thương, sự bình an, dịu dàng, nhu mì và đức tin.
Anh chị em đều biết câu thánh thư này: “Kẻ nào nhận được lời của ta qua Thánh Linh của lẽ thật thì đã nhận được lời ấy như là được Thánh Linh của lẽ thật thuyết giảng. … Vậy nên, người thuyết giảng và người nhận hiểu được nhau, và cả hai được gây dựng và cùng nhau vui vẻ.”27
Vì vậy, điều này không chỉ phụ thuộc vào anh chị em mà còn phụ thuộc vào học viên trong lớp học. Học viên của chúng ta sẽ học được từ anh chị em rằng chỉ qua sự vâng lời và luôn luôn tưởng nhớ tới Ngài thì họ mới có thể liên tục được Thánh Linh của Ngài ở cùng họ.
Sau đây là những lời của Chủ Tịch Eyring:
“Giáo lý đạt được quyền năng của nó khi Đức Thánh Linh xác nhận rằng giáo lý đó là chân chính. Chúng ta làm hết khả năng của mình để chuẩn bị cho những người mà chúng ta giảng dạy để nhận được những thúc giục âm thầm của tiếng nói êm nhẹ. Điều đó cần phải có một chút ít đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô. Điều đó cần phải có một chút ít sự khiêm nhường, một chút ít sự sẵn lòng để tuân phục ý muốn của Đấng Cứu Rỗi dành cho chúng ta. Những người mà các anh chị em sẽ giúp đỡ có thể có một ít đức tin hoặc sự khiêm nhường, nhưng các anh chị em có thể khuyến khích để họ muốn tin. Hơn thế nữa, các anh chị em có thể nói về sự tin tưởng của người khác về quyền năng của giáo lý. Lẽ thật có thể chuẩn bị đường lối cho một người chấp nhận lẽ thật đó. Chỉ cần nghe những lời giáo lý cũng có thể gieo vào lòng hạt giống đức tin. Và ngay cả một hạt giống đức tin nhỏ nơi Chúa Giê Su Ky Tô cũng mời Thánh Linh được.”28
Những lời dạy tuyệt vời. Chà, các anh chị em đã rất trang nghiêm hôm nay. Cảm ơn rất nhiều vì đã cho phép tôi dành thời gian này với anh chị em. Chúng tôi yêu mến anh chị em, và chúng tôi cảm ơn anh chị em vì tất cả những gì anh chị em đang làm để củng cố giới trẻ và những người thành niên trẻ tuổi độc thân của chúng ta cũng như củng cố đức tin của họ nơi Chúa Giê Su Ky Tô.
Với tư cách là tôi tớ của Chúa, và với thẩm quyền sứ đồ của tôi, tôi ban phước cho anh chị em rằng tâm trí và tấm lòng của anh chị em sẽ tràn đầy tình yêu thương, lòng thương xót, những lời giảng dạy và lòng tôn kính sâu sắc đối với sự hy sinh chuộc tội không gì so sánh được của Chúa Giê Su Ky Tô của chúng ta. Tôi ban phước cho anh chị em rằng khả năng của anh chị em để giảng dạy giáo lý của Đấng Ky Tô với sự thuần khiết và quyền năng sẽ gia tăng, nếu đó thực sự là ước muốn của anh chị em, và rằng anh chị em sẽ thấy và cảm nhận được lời chứng xác nhận của Đức Thánh Linh về các học viên tuyệt vời của mình.
Tôi để lại với anh chị em lời chứng chắc chắn và vững vàng rằng Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô. Và tôi làm chứng với anh chị em về lời hứa của Ngài khi Ngài phán, “Bởi đó, ai xưng ta ra trước mặt thiên hạ, thì ta cũng sẽ xưng họ trước mặt Cha ta ở trên trời.”29 Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.