Sự Thử Thách Đức Tin của Các Anh Chị Em
Giống như lửa nóng biến kim loại thành thép, nếu chúng ta cũng vẫn một lòng trung tín trong thử thách gay go về đức tin của mình, thì một sự tinh chế thuộc linh sẽ xảy ra và sức mạnh thuộc linh của chúng ta gia tăng.
Cách đây mười năm, trong khi vợ tôi là Kathy và tôi sống ở São Paulo, Brazil, Chủ Tịch David Marriott đang chủ tọa Phái Bộ Truyền Giáo Brazil São Paulo Interlagos. Ông và vợ ông là Neill, cùng các con trai của ông là Will, Wesley và Trace sống gần chúng tôi. Họ đã bỏ lại nhà cửa, công việc kinh doanh, và nhiều người trong gia đình họ để đáp ứng sự kêu gọi từ vị tiên tri để phục vụ truyền giáo.
Chủ Tịch Marriott gọi điện thoại cho tôi vào một buổi trưa nọ. Đứa con gái quý giá và ngay chính 21 tuổi của họ là Georgia, một sinh viên năm cuối học ngành biểu diễn vĩ cầm ở trường Indiana University, đã bị một chiếc xe tải tông vào trong khi cô ta đang đạp xe đạp về nhà sau một buổi họp nhà thờ. Báo cáo đầu tiên cho biết là Georgia khỏe khoắn. Nhiều giờ sau, tình trạng sức khỏe của cô ta đột ngột giảm sút nhanh chóng.
Gia đình và bạn bè bắt đầu nhịn ăn và cầu nguyện xin có được một phép lạ cho Georgia. Mẹ của cô ấy bay suốt đêm từ Brazil. Khi chị tới phi trường ở Indiana vào ngày hôm sau, thì các con cái của chị tới đón chị. Họ ôm chị và giải thích trong màn nước mắt là họ đã có mặt với Georgia khi cô ta lìa đời.
Tôi đã quan sát gia đình Marriott vào lúc xảy ra kinh nghiệm này và trong những năm tháng tiếp theo sau đó. Họ khóc, họ cầu nguyện, họ nói về Georgia, họ cảm thấy đau đớn và buồn bã vô ngần, nhưng đức tin của họ đã không hề dao động. Trong phiên họp buổi sáng hôm nay, chúng ta cũng đã nghe về đức tin tương tự trong cuộc sống tuyệt vời của gia đình Bowen và Wilberger.1
Ân tứ về đức tin là một sự ban cho thuộc linh vô giá. Chúa Giê Su đã cầu nguyện: “Vả, sự sống đời đời là nhìn biết Cha, tức là Đức Chúa Trời có một và thật, cùng Giê Su Ky Tô, là Đấng Cha đã sai đến.”2
Đức tin của chúng ta được tập trung vào Thượng Đế Đức Chúa Cha và vào Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, chính là Đấng Cứu Rỗi và Cứu Chuộc của chúng ta. Điều này đã được củng cố bởi sự hiểu biết của chúng ta rằng phúc âm đã được phục hồi trên thế gian; rằng Sách Mặc Môn là lời của Thượng Đế; và các vị tiên tri cùng sứ đồ ngày nay nắm giữ các chìa khóa của chức tư tế. Chúng ta trân quý đức tin của mình, cố gắng củng cố đức tin của mình, cầu nguyện để có được đức tin gia tăng, và làm hết khả năng của mình để bảo vệ và bênh vực đức tin của chúng ta.
Sứ Đồ Phi E Rơ nhận ra một điều mà ông gọi là “sự thử thách đức tin anh em.”3 Ông đã kinh nghiệm được điều đó. Hãy nhớ những lời của Chúa Giê Su:
“Hỡi Si Môn, … Quỉ Sa Tan đã đòi sàng sảy ngươi như lúa mì.
“Song ta đã cầu nguyện cho ngươi, hầu cho đức tin ngươi không thiếu thốn.”4
Về sau, Phi E Rơ khuyến khích những người khác: “Chớ lấy làm lạ,” ông nói: “khi anh em bị trong lò lửa thử thách, chớ lấy làm lạ như mình gặp một việc khác thường.”5
Những thử thách gai góc này là nhằm mục đích làm cho các anh chị em vững mạnh hơn, nhưng chúng cũng có tiềm năng để giảm bớt hoặc thậm chí còn hủy diệt sự tin cậy của các anh chị em nơi Vị Nam Tử của Thượng Đế và làm suy yếu quyết tâm của các anh chị em để giữ những lời hứa của mình với Ngài. Những thử thách này thường được ngụy trang, làm cho chúng càng khó được nhận ra. Chúng bắt đầu từ những yếu kém, tính dễ bị tổn thương, độ nhạy cảm của chúng ta hoặc từ những điều quan trọng nhất đối với chúng ta. Một thử thách thực tế nhưng dễ vượt qua đối với một người lại là một thử thách lớn đối với một người khác.
Làm thế nào các anh chị em vẫn một lòng “vững chắc không lay chuyển”6 khi trải qua một thử thách đức tin? Các anh chị em chú tâm vào những điều thật sự đã giúp xây đắp cốt lõi đức tin của mình—các anh chị em sử dụng đức tin nơi Đấng Ky Tô, cầu nguyện, suy ngẫm thánh thư, hối cải và tuân giữ các lệnh truyền.
Khi gặp một thử thách đức tin—làm gì thì làm, nhưng các anh chị em hãy đừng rời xa Giáo Hội! Việc rời xa vương quốc của Thượng Đế trong một thử thách đức tin cũng giống như rời xa sự an toàn của một hầm trú ẩn kiên cố khi bão táp đang ở trước mặt.
Sứ Đồ Phao Lô nói: “Dường ấy anh em chẳng phải là người ngoại, cũng chẳng phải là kẻ ở trọ nữa, nhưng là người đồng quốc với các thánh đồ, và là người nhà của Đức Chúa Trời.”7 Chúng ta bảo vệ đức tin của mình bên trong nơi trú ẩn của Giáo Hội, là gia đình của Thượng Đế. Khi nhóm họp lại với những người khác cũng có cùng niềm tin, chúng ta cầu nguyện, thờ phượng qua âm nhạc, và chia sẻ chứng ngôn về Đấng Cứu Rỗi. Chúng ta nhận được các phước lành của chức tư tế, dự phần Tiệc Thánh, và tham dự đền thờ. Chúa phán: “Trong các giáo lễ …, quyền năng của sự tin kính được biểu hiện rõ rệt.”8 Khi gặp phải một thử thách đức tin—hãy vẫn một lòng ở bên trong sự an toàn của gia đình của Thượng Đế. Ở đó sẽ luôn luôn có một chỗ cho các anh chị em. Không có một thử thách nào quá lớn mà các anh chị em không thể cùng nhau khắc phục được.9
Chủ Tịch Thomas S. Monson đã nói: “Đạo đức của xã hội tiến triển rất nhanh. Ngày xưa có nhiều hành vi không thích hợp và trái đạo đức, nhưng hiện tại nhiều người chấp nhận được.”10
Có nhiều người thành niên độc thân trong Giáo Hội đã vượt quá tuổi thanh xuân của họ. Mặc dù cuộc sống hiện tại của họ khác với điều họ đã mong đợi, nhưng họ vẫn tuân giữ luật trinh khiết.11 Điều đó có thể là một thử thách đối với đức tin của họ. Tôi bày tỏ lòng kính trọng và vô cùng ngưỡng mộ đối với các môn đồ này của Đấng Ky Tô.
“Thượng Đế đã truyền lệnh rằng những khả năng thiêng liêng về sự sinh sản chỉ được sử dụng giữa người nam và người nữ đã cưới hỏi hợp pháp như chồng và vợ.”12 Trong Kinh Tân Ước, Đấng Cứu Rỗi đã nâng cao tiêu chuẩn đạo đức cho các tín đồ của Ngài khi Ngài phán: “Hễ ai ngó đàn bà mà động tình tham muốn, thì trong lòng đã phạm tội tà dâm cùng người rồi.”13 Ngài đã dạy chúng ta chớ kết án người khác, nhưng không sợ phải nói thẳng, Ngài phán: “Hãy đi, đừng phạm tội nữa.”14
Gia đình chúng tôi có một người bạn. Các anh chị em có lẽ cũng biết một người nào đó giống như chị này, hoặc các anh chị em có thể cũng giống như chị này. Chị ấy luôn luôn trung tín, phục vụ một cách cao quý trong Giáo Hội, được khâm phục trong nghề nghiệp, được gia đình của mình yêu mến, và trong khi chị mong đợi hôn nhân và con cái, thì chị vẫn độc thân. Chị nói: “Tôi đã quyết định sẽ tin cậy … vào Chúa Giê Su Ky Tô. Việc thường xuyên đi đền thờ giúp tôi giữ cho mình tập trung vào vĩnh cửu nhiều hơn và nhắc tôi nhớ rằng tôi không bao giờ cô đơn một mình. Tôi tin rằng không có một phước lành nào sẽ bị giữ lại … nếu tôi … vẫn một lòng trung tín với các giao ước của mình, kể cả luật trinh khiết.”15
Một người bạn khác đã phục vụ truyền giáo một cách xuất sắc, tiếp theo là sự đào tạo học tập nghiêm túc. Anh ta hy vọng có được một gia đình. Thử thách đức tin của anh ta: có những cảm nghĩ đối với sự thu hút cùng phái tính. Mới đây, anh ta có viết cho tôi: “Tôi đã được hứa trong phước lành tộc trưởng là tôi sẽ có gia đình riêng của mình một ngày nào đó. Cho dù điều đó sẽ xảy ra trong cuộc sống này hay cuộc sống mai sau, tôi không biết. Nhưng điều tôi thật sự biết là tôi không muốn làm bất cứ điều gì mà sẽ gây nguy hại cho các phước lành Thượng Đế đã hứa ban cho tôi lẫn dòng dõi tương lai của tôi. … Việc sống theo [luật trinh khiết] là một thử thách, nhưng không phải chúng ta đến thế gian để đối phó với những thử thách mà cho Thượng Đế thấy tình yêu thương và lòng kính trọng của mình đối với Thượng Đế bằng cách tuân giữ các lệnh truyền của Ngài hay sao? Tôi được ban phước với sức khỏe tốt, phúc âm, một gia đình yêu thương và những người bạn trung thành. Tôi biết ơn về nhiều phước lành của mình.”16
Thế gian phản đối: “Làm thế nào Ngài có thể đòi hỏi nhiều như thế được?” Chúa đáp:
“Ý tưởng ta chẳng phải ý tưởng các ngươi, đường lối các ngươi chẳng phải đường lối ta. …
“Vì các từng trời cao hơn đất bao nhiêu, thì đường lối ta cao hơn đường lối các ngươi, ý tưởng ta cao hơn ý tưởng các ngươi cũng bấy nhiêu.”17
Hai người môn đồ này của Đấng Ky Tô và hằng chục ngàn người khác giống như họ đã cảm nhận được lời hứa của Đấng Cứu Rỗi: “Ta để sự bình an lại cho các ngươi; ta ban sự bình an ta cho các ngươi; ta cho các ngươi sự bình an chẳng phải như thế gian cho. Lòng các ngươi chớ bối rối và đừng sợ hãi.”18
Đây là một thử thách khác trong thời chúng ta. Lúc nào cũng có một vài người muốn làm mất uy tín Giáo Hội và hủy diệt đức tin. Ngày nay họ sử dụng Internet.
Một số thông tin về Giáo Hội, cho dù có sức thuyết phục đến mấy đi nữa, cũng hoàn toàn không đúng. Vào năm 1985, tôi nhớ có một người đồng nghiệp đi vào văn phòng kinh doanh của tôi ở Florida. Người ấy có bài báo đăng trong tạp chí Time có tựa đề là “Thách Thức Nguồn Gốc của Đạo Mặc Môn”. Bài báo nói về một bức thư mới vừa được khám phá, được người ta cho rằng do Martin Harris viết, có mâu thuẫn với câu chuyện của Joseph Smith về việc tìm ra các bảng khắc của Sách Mặc Môn.19
Người đồng nghiệp của tôi hỏi thông tin mới này sẽ phá hoại Giáo Hội Mặc Môn không. Bài báo trích dẫn lời một người nói rằng người ấy rời bỏ Giáo Hội vì tài liệu đó. Về sau, có nhiều người khác được báo cáo là đã rời bỏ Giáo Hội.20 Tôi chắc rằng đây là một thử thách đức tin của họ.
Một vài tháng sau, các chuyên gia khám phá ra (và người giả mạo bức thư ấy thú nhận) rằng bức thư ấy là một trò lừa gạt hoàn toàn. Tôi nhớ đã thật sự hy vọng rằng những người đã rời bỏ Giáo Hội vì trò lừa gạt này sẽ trở lại với Giáo Hội.
Một vài người nghi ngờ về đức tin của mình khi bắt gặp một lời phát biểu của một vị lãnh đạo Giáo Hội đưa ra cách đây nhiều thập niên dường như không phù hợp với giáo lý của chúng ta. Trong đó có một nguyên tắc quan trọng chi phối giáo lý của Giáo Hội. Giáo lý này đã được tất cả 15 thành viên trong Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn và Nhóm Túc Số Mười Hai giảng dạy. Giáo lý này không ẩn khuất trong một đoạn văn tối nghĩa của một bài nói chuyện. Các nguyên tắc chân chính đều được nhiều người giảng dạy thường xuyên. Giáo lý của chúng ta không khó để tìm ra.
Các vị lãnh đạo của Giáo Hội đều chân thật nhưng cũng là những người không hoàn hảo. Hãy nhớ lời của Mô Rô Ni: “Chớ chỉ trích tôi về những khuyết điểm của tôi; chớ chỉ trích cha tôi về những khuyết điểm của ông …; mà trái lại các người hãy tạ ơn Thượng Đế, vì Ngài đã biểu lộ cho các người thấy những khuyết điểm của chúng tôi, để các người có thể học hỏi và trở nên khôn ngoan hơn chúng tôi.”21
Joseph Smith nói: “Tôi chưa hề nói với các anh chị em là tôi hoàn hảo—nhưng không có lỗi lầm nào trong những điều mặc khải mà tôi đã giảng dạy.”22 Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô là một công việc kỳ diệu của Thượng Đế, và phép lạ của lịch sử và vận mệnh của Giáo Hội sẽ chỉ được hiểu trọn vẹn qua sự cầu vấn thiêng liêng mà thôi. Chủ Tịch Ezra Taft Benson nói: “Cuối cùng rồi mọi [người] sẽ đi đến một thời điểm mà họ cần phải trông cậy vào đức tin của họ và lúc đó họ cần phải chấp nhận hay khước từ phúc âm.”23 Đừng ngạc nhiên khi điều này xảy ra cho các anh chị em!
Theo định nghĩa, thì những thử thách sẽ là khó khăn. Thử thách đó có thể là nỗi thống khổ, hoang mang, những đêm mất ngủ, và áo gối thấm đầy nước mắt. Nhưng các thử thách của chúng ta không cần phải gây tai hại cho phần linh hồn. Những thử thách đó không cần phải làm cho chúng ta làm ngơ các giao ước của mình và lánh xa gia đình Thượng Đế.
“Hãy nhớ rằng các con phải xây dựng nền móng của mình trên đá của Đấng Cứu Chuộc chúng ta, tức là Đấng Ky Tô, Vị Nam Tử của Thượng Đế; để cho khi nào quỷ dữ tung những ngọn gió mạnh của nó ra, phải, những mũi tên trong cơn gió lốc của nó, phải, khi những trận mưa đá và những cơn bão tố mãnh liệt của nó tới tấp đổ xuống trên các con, thì nó sẽ không có quyền năng nào để lôi kéo các con xuống vực thẳm khốn cùng và đau thương bất tận được, vì nhờ đá mà các con được xây cất trên đó, đá ấy là một nền móng vững chắc, là một nền móng mà nếu loài người xây dựng trên đó họ sẽ không thể nào đổ ngã được.”24
Giống như lửa nóng biến kim loại thành thép, nếu chúng ta cũng vẫn một lòng trung tín trong thử thách gay go về đức tin của mình, thì một sự tinh chế thuộc linh sẽ xảy ra và sức mạnh thuộc linh của chúng ta gia tăng.
Anh Cả D. Todd Christofferson đã giải thích điều ông đã học được từ một thử thách cá nhân: “Mặc dù lúc đó tôi rất khổ sở nhưng giờ đây khi nhìn lại, tôi biết ơn đã không có một cách giải quyết nhanh chóng cho vấn đề của tôi. Việc tôi bắt buộc phải tin cậy vào Thượng Đế để giúp đỡ hầu như mỗi ngày trong một thời kỳ nhiều năm kéo dài đã dạy tôi thật sự về cách cầu nguyện và nhận được câu trả lời cho lời cầu nguyện và dạy tôi trong một cách thực tiễn để có đức tin nơi Thượng Đế. Tôi bắt đầu biết Đấng Cứu Rỗi và Cha Thiên Thượng của tôi trong một cách thức và một mức độ mà có thể đã không xảy ra trong tình huống khác hoặc tôi có thể mất thời gian rất lâu để hoàn tất. … Tôi học cách hết lòng tin cậy Chúa. Tôi học cách bước đi với Ngài ngày này qua ngày khác.”25
Phi E Rơ đã mô tả những kinh nghiệm này là “quí hơn vàng.”26 Mô Rô Ni nói thêm rằng một lời chứng đi theo sau khi “đức tin của các người đã được thử thách.”27
Khi bắt đầu, tôi đã nói về gia đình Marriott. Tuần rồi, Kathy và tôi đã cùng với họ đến thăm mộ của Georgia. Mười năm đã trôi qua. Những người trong gia đình và bạn bè đã nói về tình yêu thương và kỷ niệm của họ đối với Georgia. Một người trong gia đình mang theo những quả bong bóng màu trắng để kỷ niệm cuộc sống của cô ta. Giữa làn nước mắt, mẹ của Georgia dịu dàng nói về đức tin và sự hiểu biết gia tăng bà đã nhận được, và cha của Georgia đã nói cho tôi nghe về sự làm chứng được hứa đã đến với ông.
Những thử thách đức tin đến với đức tin, làm cho đức tin gia tăng. Lời trấn an đầy an ủi của Chúa đối với Tiên Tri Joseph Smith cũng chính là lời hứa mà Ngài đã lập với các anh chị em trong thử thách đức tin của các anh chị em: “Hãy tiếp tục … chớ sợ hãi chi … vì Thượng Đế sẽ ở với ngươi mãi mãi và đời đời.”28 Tôi chia sẻ sự làm chứng thiêng liêng của mình về điều này trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.