Các Người Có Cảm Thấy Như Vậy Ngay Giờ Phút Này Không?
Một số người trong Giáo Hội tin rằng họ không thể trả lời cho câu hỏi của An Ma với một tiếng “có” một cách dứt khoát. Họ không cảm thấy “như vậy ngay bây giờ”.
Thưa Chủ Tịch Monson, chúng tôi yêu mến, kính trọng và tán trợ chủ tịch! Lời loan báo đầy ý nghĩa lịch sử này về sự phục vụ truyền giáo thật là đầy soi dẫn. Tôi còn có thể nhớ nỗi phấn khởi vào năm 1960 khi tuổi của các thanh niên phục vụ được giảm từ 20 xuống 19 tuổi. Tôi đến Phái Bộ Truyền Giáo Anh với tư cách là một người 20 tuổi mới được kêu gọi đi truyền giáo. Người đầu tiên 19 tuổi trong phái bộ truyền giáo của chúng tôi là Anh Cả Jeffrey R. Holland, thật là tuyệt diệu có anh vào phái bộ truyền giáo chúng tôi. Anh ấy chỉ còn một vài tháng nữa là tròn 20 tuổi. Rồi, trong một năm, có nhiều người 19 tuổi đến. Họ là những người biết vâng lời, đầy trung tín và công việc tiến triển. Tôi tin rằng bây giờ mùa gặt càng to lớn hơn sẽ được hoàn thành khi những người truyền giáo ngay chính, đầy cam kết làm tròn lệnh truyền của Đấng Cứu Rỗi để thuyết giảng phúc âm của Ngài.
Theo quan điểm của tôi, các em trong thế hệ đang vươn lên đã chuẩn bị kỹ hơn bất cứ thế hệ nào trước đó. Sự hiểu biết của các em về thánh thư gây ấn tượng một cách đặc biệt. Tuy nhiên, những thử thách thế hệ các em đang đối phó trong khi các em chuẩn bị để phục vụ đều tương tự với những thử thách mà tất cả các tín hữu của Giáo Hội đang đối phó. Chúng ta đều ý thức rằng hầu hết văn hóa trên thế giới đều không dẫn đến sự ngay chính và sự cam kết thuộc linh. Trong suốt lịch sử, các vị lãnh đạo Giáo Hội đã cảnh giác các tín hữu và giảng dạy về sự hối cải. Trong Sách Mặc Môn, An Ma Con đã quan tâm đến việc không ngay chính và thiếu cam kết nhiều đến nỗi ông đã từ chức trưởng phán quan làm người lãnh đạo của dân Nê Phi, và tập trung nỗ lực của ông vào sự kêu gọi với tư cách là một vị tiên tri.1
Trong một trong số các câu thánh thư uyên thâm nhất trong tất cả thánh thư, An Ma nói: “Nếu các người có cảm thấy được một sự thay đổi trong lòng mình, và các người có muốn hát lên một bài ca về tình yêu cứu chuộc, tôi xin hỏi, các người có cảm thấy như vậy ngay giờ phút này không?”2.
Các vị lãnh đạo địa phương trên khắp thế giới báo cáo rằng nói chung các tín hữu Giáo Hội, nhất là giới trẻ của chúng ta, chưa bao giờ vững mạnh hơn. Nhưng họ gần như lúc nào cũng tạo ra hai mối quan tâm: thứ nhất, thử thách về sự bất chính đang gia tăng trên thế gian, và thứ hai, sự thờ ơ và thiếu cam kết của một số tín hữu. Họ tìm kiếm lời khuyên về cách giúp các tín hữu noi theo Đấng Cứu Rỗi cũng như đạt được một sự cải đạo chân thật và lâu dài.
Câu hỏi này “Các người có cảm thấy như vậy ngay giờ phút này không?” vẫn còn quan trọng qua bao thế kỷ. Với tất cả những gì chúng ta đã nhận được trong gian kỳ này—kể cả Sự Phục Hồi phúc âm trọn vẹn của Chúa Giê Su Ky Tô, việc trút xuống các ân tứ thuộc linh, và các phước lành không thể bác bỏ được của thiên thượng—thì điều An Ma thách thức đó chưa bao giờ quan trọng hơn cả.
Ngay sau khi Ezra Taft Benson được kêu gọi với tư cách là Sứ Đồ vào năm 1943, Chủ Tịch George Albert Smith3 đã dạy: “Sứ mệnh của anh là … cảnh báo các tín hữu … trong một cách càng nhân từ càng tốt rằng sự hối cải sẽ là liều thuốc chữa bách bệnh của thế gian này.”4 Khi lời phát biểu này được đưa ra, chúng ta đang ở trong cảnh xung đột lớn của Đệ Nhị Thế Chiến.
Ngày nay, sự suy đồi về mặt đạo đức đã gia tăng. Một nhà văn nổi tiếng mới vừa nói: “Mọi người đều biết văn hóa là nguy hiểm, và không một ai trông mong điều đó sẽ thay đổi.”5 Trong văn hóa hiện đại hằng ngày, điều liên tục được mô tả trong âm nhạc, giải trí, nghệ thuật, và các phương tiện truyền thông khác về bạo lực và sự vô luân thì chưa từng xảy ra trước đây. Một nhà thần học đạo Báp Tít được nhiều người kính trọng đã mô tả điều này một cách bi thảm khi ông nói: “Thái độ và niềm tin của nền văn minh chúng ta không còn có thể đối phó với điều ác một cách hữu hiệu như trước kia nữa.”6
Không có gì đáng ngạc nhiên khi một số người trong Giáo Hội tin rằng họ không thể trả lời cho câu hỏi của An Ma với một tiếng có một cách dứt khoát. Họ không “cảm thấy như vậy ngay bây giờ”. Họ cảm thấy rằng họ đang ở trong một tình trạng thiếu vắng Thánh Linh. Những người khác thì tức giận, bị tổn thương hoặc vỡ mộng. Nếu những điều được mô tả này áp dụng cho các anh chị em,7 thì điều quan trọng là phải đánh giá lý do tại sao các anh chị em không thể cảm thấy “như vậy ngay giờ phút này.”
Nhiều người đang ở trong tình trạng thiếu vắng Thánh Linh và thiếu cam kết là những người không nhất thiết phạm phải các tội lỗi nghiêm trọng hoặc những điều phạm giới, nhưng họ đã lựa chọn dại dột. Một số người không nghiêm túc trong việc tuân giữ các giao ước thiêng liêng của họ. Những người khác dành hầu hết thời giờ của họ cho những mục đích kém quan trọng hơn. Một số người để cho những quan điểm văn hóa hoặc chính trị làm cho suy yếu lòng trung thành của họ đối với phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. Một số người đã chú trọng vào những tài liệu trên Internet mà phóng đại, thổi phồng, và trong một vài trường hợp, bịa đặt những khiếm khuyết của các vị lãnh đạo ban đầu của Giáo Hội. Rồi họ rút ra những kết luận sai lạc có thể ảnh hưởng đến chứng ngôn. Bất cứ người nào đã chọn làm những điều này đều có thể hối cải và được đổi mới về phần thuộc linh.
Việc đắm mình trong thánh thư là thiết yếu cho sự nuôi dưỡng phần thuộc linh.8 Lời của Thượng Đế soi dẫn sự cam kết và hành động như là một nhũ hương để chữa lành những cảm nghĩ bị tổn thương, cơn tức giận hoặc vỡ mộng.9 Khi chúng ta ít cam kết hơn vì bất cứ lý do nào, thì một phần giải pháp là sự hối cải.10 Sự cam kết và hối cải liên hệ chặt chẽ với nhau.
C. S. Lewis, nhà văn Ky Tô hữu có tinh thần phấn đấu và rất thực tế, đã viết về vấn đề này một cách hùng hồn. Ông khẳng định rằng Ky Tô giáo bảo mọi người phải hối cải và hứa với họ sự tha thứ; nhưng cho đến khi nào người ta biết và cảm thấy rằng họ cần đến sự tha thứ, thì Ky Tô giáo không soi dẫn họ nữa. Ông nói: “Khi ta biết bị bệnh, ta sẽ nghe theo bác sĩ.”11
Tiên Tri Joseph đã nêu lên rằng trước khi phép báp têm của mình, các anh chị em có thể đứng trong vị trí trung lập giữa điều thiện và điều ác. Nhưng “khi gia nhập Giáo Hội này, các anh chị em đã đồng ý sẽ phục vụ Thượng Đế. Khi làm điều đó, các anh chị em đã rời bỏ vị trí trung lập, và có thể không bao giờ trở lại nữa.” Lời khuyên dạy của ông là chúng ta đừng bao giờ rời bỏ Đức Thầy.12
An Ma nhấn mạnh rằng qua Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô “cánh tay thương xót của Ngài đang dang ra” cho những người hối cải.13 Rồi Ngài đặt ra những câu hỏi sâu sắc và quan trọng chẳng hạn như: Chúng ta có sẵn sàng để gặp Thượng Đế không? Chúng ta có giữ mình không tì vết không? Chúng ta nên suy ngẫm những câu hỏi này. Kinh nghiệm riêng của An Ma trong việc không tuân theo người cha trung tín của mình rồi sau đó tiến đến một sự hiểu biết gây ấn tượng sâu sắc rằng ông cần được tha thứ biết bao và ý nghĩa của việc hát lên một bài ca về tình yêu cứu chuộc đều rất mạnh mẽ và hấp dẫn.
Trong khi bất cứ điều gì làm giảm bớt sự cam kết đều là quan trọng để suy xét thì có hai thử thách liên quan thường xảy ra rất nhiều. Thử thách thứ nhất là tính tàn nhẫn, bạo lực và ngược đãi trong nhà. Thứ hai là sự vô luân về mặt tình dục và những ý nghĩ không thanh sạch. Hai điều này thường đến trước và là nguyên nhân của việc lựa chọn để ít cam kết hơn.
Cách chúng ta đối xử với những người thân cận với mình thật là vô cùng quan trọng. Bạo lực, sự ngược đãi, thiếu lễ độ, và sự vô lễ trong nhà đều không thể nào chấp nhận được—không thể chấp nhận được đối với người lớn và không thể chấp nhận được đối với thế hệ đang vươn lên. Tuy cha tôi không tích cực trong Giáo Hội, nhưng ông là một tấm gương sáng một cách đặc biệt, nhất là trong cách ông đối xử với mẹ tôi. Ông thường nói: “Thượng Đế sẽ bắt những người đàn ông chịu trách nhiệm về mỗi giọt nước mắt họ làm cho vợ họ phải đổ ra.” Khái niệm này cũng được nhấn mạnh trong “Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới.” Bản tuyên ngôn ấy nói rằng: “[Những cá nhân nào] ngược đãi người hôn phối hay con cái … một ngày kia sẽ đứng chịu trách nhiệm trước mặt Thượng Đế.”14 Cho dù chúng ta lớn lên trong xứ sở nào đi nữa, và cho dù cha mẹ chúng ta có hoặc không ngược đãi chúng ta đi nữa, thì chúng ta cũng không được ngược đãi bất cứ người nào khác về mặt thể xác, tình cảm hoặc bằng lời nói.15
Nhu cầu để có tinh thần lễ độ trong xã hội chưa bao giờ quan trọng hơn. Nền tảng của lòng nhân từ và lễ độ bắt đầu trong nhà của chúng ta. Không là điều ngạc nhiên khi thái độ chung của con người suy tàn với cảnh đổ vỡ của gia đình. Gia đình là nền tảng cho tình yêu thương và cho sự duy trì nếp sống thuộc linh. Gia đình thúc đẩy một bầu không khí để cho việc tuân giữ đạo có thể phát triển. Quả thật “giờ có mến yêu trong nhà tôi, giờ tươi đẹp khắp nơi.”16
Sự vô luân về mặt tình dục và những ý nghĩ không trong sạch vi phạm tiêu chuẩn đã được Đấng Cứu Rỗi lập ra.17 Chúng ta đã được cảnh cáo vào lúc bắt đầu gian kỳ này rằng sự vô luân về mặt tình dục có lẽ sẽ là thử thách gay go nhất.18 Nếu không có sự hối cải, hành vi như vậy sẽ làm cho mất Thánh Linh và mất cam kết. Phim ảnh, truyền hình và Internet thường truyền đạt những thông điệp và hình ảnh suy đồi. Mới đây, Chủ Tịch Dieter F. Uchtdorf và tôi đã tới một ngôi làng trong khu rừng Amazon và quan sát những cái dĩa ăng ten của hệ thống vệ tinh có ngay ở trong một số chòi nhỏ dựng lên sơ xài. Chúng tôi hân hoan trước thông tin tuyệt diệu có sẵn trong khu vực hẻo lánh này. Chúng tôi cũng nhận ra là hầu như chỗ nào trên thế giới cũng có thể có ảnh hưởng của hình ảnh dâm ô, vô luận và kích dục. Đây là một lý do tại sao hình ảnh sách báo khiêu dâm đã trở thành một tai họa như vậy trong thời kỳ chúng ta.
Mới gần đây, tôi có một cuộc chuyện trò sâu sắc với một em 15 tuổi nắm giữ Chức Tư Tế A Rôn. Em ấy đã giúp tôi hiểu rằng thật là dễ dàng biết bao cho những người trẻ tuổi trong thời đại Internet này tình cờ bị tiếp cận với những hình ảnh không trong sạch và thậm chí cả khiêu dâm. Em ấy nêu lên rằng đối với hầu hết các nguyên tắc Giáo Hội giảng dạy, thì có ít nhất một điều được công nhận trong xã hội nói chung rằng việc vi phạm các nguyên tắc này có thể có hậu quả tàn phá đối với sức khỏe và sự an lạc. Em ấy đề cập đến việc những người trẻ tuổi hút thuốc, sử dụng ma túy, và uống rượu. Nhưng em ấy cũng lưu ý rằng không có sự phản đối kịch liệt hoặc thậm chí cả một lời cảnh cáo quan trọng thích hợp từ xã hội nói chung về hình ảnh sách báo khiêu dâm và tình trạng vô luân.
Các anh chị em thân mến, điều em thiếu niên này phân tích thật đúng. Câu trả lời là gì? Trong nhiều năm, các vị tiên tri và sứ đồ đã giảng dạy tầm quan trọng của việc tuân giữ đạo trong nhà.19
Thưa các bậc cha mẹ, đã từ lâu việc tích cực tham dự đều đặn các buổi họp và chương trình trong Giáo Hội, mặc dù thiết yếu, có thể làm tròn trách nhiệm thiêng liêng của mình nhằm dạy dỗ con cái mình sống một cuộc sống đạo đức, ngay chính và bước đi ngay thẳng trước mặt Chúa. Với lời loan báo của Chủ Tịch Monson vào buổi sáng hôm nay, thì điều thiết yếu là việc này phải được thực hiện một cách trung tín trong nhà là nơi trú ẩn mà thường có lòng nhân từ, sự tha thứ, lẽ thật và sự ngay chính. Cha mẹ cần phải có can đảm để thanh lọc hoặc theo dõi việc tiếp cận với Internet, truyền hình, phim ảnh và âm nhạc. Cha mẹ phải có can đảm để nói không được, bênh vực lẽ thật, và chia sẻ chứng ngôn vững mạnh. Con cái của các anh chị em cần phải biết rằng các anh chị em có đức tin nơi Đấng Cứu Rỗi, kính mến Cha Thiên Thượng, và tán trợ các vị lãnh đạo của Giáo Hội. Sự trưởng thành về phần thuộc linh cần phải phát triển trong nhà của các anh chị em. Tôi hy vọng rằng không một ai sẽ ra về từ đại hội này mà không hiểu rằng những vấn đề đạo đức của thời kỳ chúng ta cần phải được bàn thảo trong gia đình. Các vị giám trợ và các vị lãnh đạo chức tư tế và tổ chức bổ trợ cần phải hỗ trợ gia đình và chắc chắn rằng các nguyên tắc thuộc linh phải được giảng dạy. Các thầy giảng tại gia và giảng viên thăm viếng có thể phụ giúp, nhất là với con cái của các cha mẹ độc thân.
Em thiếu niên tôi vừa đề cập đến đã nghiêm túc hỏi rằng Các Sứ Đồ có biết việc giảng dạy và bảo vệ chống lại hình ảnh sách báo khiêu dâm cũng như những ý nghĩ không trong sạch cần phải bắt đầu sớm nhất vào lúc nào trong cuộc đời. Em ấy hùng hồn nói rằng ở một số nơi ngay cả trước khi giới trẻ tốt nghiệp Hội Thiếu Nhi, điều này cũng không phải là quá sớm.
Giới trẻ đã bị tiếp cận với hình ảnh vô luân vào lúc còn rất nhỏ đã sợ hãi rằng chúng có thể đã tự thấy mình không hội đủ điều kiện cho việc phục vụ truyền giáo và các giáo lễ thiêng liêng. Do đó, đức tin của chúng có thể bị giảm bớt một cách trầm trọng. Tôi muốn trấn an các em trẻ tuổi rằng, như An Ma đã giảng dạy, các em có thể hội đủ điều kiện để nhận được tất cả các phước lành của thiên thượng qua sự hối cải.20 Đó là nhờ vào Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi. Xin hãy nói chuyện với cha mẹ các em hoặc một người cố vấn có thể tin cậy được và thảo luận với vị giám trợ của các em.
Về phương diện đạo đức, một số người lớn tin rằng việc tuân thủ chỉ một dự án hoặc nguyên tắc quan trọng, nhân đạo thì sẽ vô hiệu hóa sự cần thiết để tuân theo những lời giảng dạy của Đấng Cứu Rỗi. Họ tự bảo rằng tội tà dâm “là một tội nhỏ … [nếu tôi là] một người nhân từ và bác ái.”21 Lối suy nghĩ như vậy là một lời dối trá khủng khiếp đối với bản thân mình. Một số người trẻ tuổi cho tôi biết rằng trong xã hội hiện nay của chúng ta, việc cố gắng quá nhiều trong nhiều lãnh vực, kể cả việc hoàn toàn sống theo các nguyên tắc ngay chính không phải là điều phổ biến.22 Xin đừng tin vào những ý kiến nguy hiểm như vậy.
Tại lễ báp têm, chúng ta hứa sẽ mang “danh [Chúa] Giê Su Ky Tô và quyết tâm phục vụ Ngài cho tới cùng.”23 Một giao ước như vậy đòi hỏi nỗ lực can đảm, sự cam kết và tính liêm khiết nếu chúng ta chịu tiếp tục hát lên một bài ca về tình yêu cứu chuộc và một tấm lòng thật sự cải đạo.
Một tấm gương lịch sử về lòng cam kết để được vững vàng và không dao động cho mọi lứa tuổi đã được một Vận Động Viên Thế Vận Hội người Anh thể hiện, ông đã tranh tài tại Thế Vận Hội năm 1924 ở Paris, Pháp.
Eric Liddell là con trai của một người Scotland đi truyền giáo ở Trung Quốc và là một người ngoan đạo. Ông đã làm cho giới lãnh đạo Thế Vận Hội Anh nổi giận vì đã từ chối chạy trong một cuộc đua vòng ngoài 100 mét vào ngày Chủ Nhật, mặc dù bị áp lực nặng nề. Cuối cùng, ông đã chiến thắng trong cuộc đua 400 mét. Tấm gương của Liddell đã từ chối chạy đua vào ngày Chủ Nhật thật là một tấm gương đặc biệt soi dẫn.
Người ta đã nhắc đến lời nói đầy cảm ứng của Ê Sai khi mô tả và tưởng nhớ đến ông: “Nhưng ai trông đợi Đức Giê Hô Va thì chắc được sức mới, cất cánh bay cao như chim ưng; chạy mà không mệt nhọc, đi mà không mòn mỏi.”24
Tư cách đáng ngưỡng mộ của Liddell có một ảnh hưởng lớn đối với quyết định của đứa con trai út của chúng tôi để không tham gia vào những trận đấu thể thao vào ngày Chủ Nhật và quan trọng hơn nữa, để nó tự tách rời khỏi hành vi không ngay chính của thế gian. Nó sử dụng lời trích dẫn của Ê Sai khi viết cho cuốn lưu bút hằng năm của trường nó. Liddell đã để lại một tấm gương mạnh mẽ về quyết tâm và sự cam kết với nguyên tắc.
Nếu chúng ta đều sống theo các nguyên tắc mà Đấng Cứu Rỗi đã giảng dạy và chuẩn bị để gặp Thượng Đế,25 thì chúng ta sẽ thắng một cuộc đua còn quan trọng nhiều hơn nữa.26 Chúng ta sẽ có Đức Thánh Linh làm Đấng hướng dẫn chúng ta tìm kiếm hướng đi thuộc linh. Đối với những người nào có cuộc sống không được hoàn chỉnh thì hãy nhớ rằng không bao giờ là quá trễ để làm cho Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi trở thành nền tảng cho đức tin và cuộc sống của chúng ta.27
Bằng những lời của Ê Sai: “Dầu tội các ngươi như hồng điều, sẽ trở nên trắng như tuyết; dầu đỏ như son, sẽ trở nên trắng như lông chiên.”28
Tôi chân thành cầu nguyện rằng mỗi người chúng ta sẽ có bất cứ hành động cần thiết nào để cảm nhận được Thánh Linh ngay bây giờ để chúng ta có thể hát lên với cả tâm hồn mình một bài ca về tình yêu cứu chuộc. Tôi làm chứng về quyền năng của Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.