Có Người Nào Lấy Chi mà Đổi Linh Hồn Mình Ư?
Chúng ta phải từ bỏ tất cả các tội lỗi của mình, dù lớn hay nhỏ, vì phần thưởng của Đức Chúa Cha về cuộc sống vĩnh cửu.
Đấng Cứu Rỗi có lần đã hỏi các môn đồ của Ngài câu hỏi sau đây: “Có người nào lấy chi mà đổi linh hồn mình ư?”1
Đây là câu hỏi cha tôi đã dạy cho tôi biết phải suy nghĩ kỹ, cách đây nhiều năm. Khi tôi lớn lên, cha mẹ tôi giao cho tôi làm những việc vặt trong nhà và trả cho tôi một số tiền tiêu vặt nhỏ cho công việc đó. Tôi thường dùng số tiền đó, hơn 50 xu một tuần, để đi xem phim. Lúc bấy giờ giá vé xem phim là 25 xu cho một đứa trẻ 11 tuổi. Như vậy tôi còn 25 xu để mua kẹo, giá 5 xu một cây kẹo. Đi xem phim với năm cây kẹo! Không có gì có thể tốt hơn như thế cả.
Mọi việc đều ổn thỏa cho đến khi tôi lên 12 tuổi. Một buổi chiều nọ, khi đứng xếp hàng, tôi mới nhận biết rằng giá vé cho một đứa trẻ 12 tuổi là 35 xu, và điều đó có nghĩa là ít hơn hai cây kẹo. Chưa hoàn toàn chuẩn bị cho sự hy sinh đó, tôi tự lý luận với mình: “Mình cũng trông cũng giống như cách đây một tuần mà.” Rồi, tôi bước tới và hỏi mua vé 25 xu. Người thu tiền không nhìn vào tôi và tôi đã mua năm cây kẹo như thường lệ thay vì ba cây.
Vui mừng với thành tích của mình, sau đó tôi chạy vội về nhà để kể cho cha tôi nghe về thắng lợi lớn đó. Trong khi tôi thao thao kể lại các chi tiết, cha tôi không nói gì. Khi tôi kể xong, ông chỉ nhìn tôi và nói: “Con trai ơi, con muốn bán linh hồn của mình với năm xu à?” Những lời ông nói xuyên thấu lòng của đứa trẻ 12 tuổi, đó là tôi. Đó là một bài học mà tôi không bao giờ quên.
Nhiều năm về sau, tôi thấy mình tự hỏi cũng cùng một câu hỏi này với một người nắm giữ Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc kém tích cực. Anh ấy là một người đàn ông tuyệt diệu và yêu thương gia đình mình. Tuy nhiên, anh ấy đã không đi nhà thờ trong nhiều năm. Anh có một đứa con trai có tài, chơi cho một đội thể thao chuyên nghiệp ưu tú đi giao đấu với các đội khác ở xa, đội của nó tập luyện và chơi thể thao vào ngày Chủ Nhật. Đội ấy đã thắng nhiều giải vô địch lớn. Khi chúng tôi gặp nhau, tôi đã nhắc anh ấy nhớ rằng là một người nắm giữ chức tư tế, anh ấy được hứa rằng nếu anh ấy làm vinh hiển lời thề và giao ước của mình, thì anh ấy sẽ nhận được “tất cả những gì Cha [chúng ta] có.”2 Rồi tôi hỏi anh ấy: “Giải vô địch quốc gia đáng giá hơn tất cả những gì Đức Chúa Cha có sao?” Anh ta từ tốn nói: “Tôi hiểu ý anh rồi” và rồi hẹn đến gặp với vị giám trợ của mình.
Ngày nay, thật là dễ dàng để dấn sâu vào những sự việc của thế gian—cho dù chúng ta có ý định tốt đi chăng nữa. Thế gian ngày nay gây áp lực với các anh chị em để “[nhìn] xa quá điểm nhắm.”3 Mới đây có người đã hỏi tôi: “Chỉ uống một ly rượu thì có sao không?” Các anh chị em có thể thấy đó là câu hỏi của kẻ nghịch thù không? Ca In hỏi: “Chúa là ai mà tôi phải biết đến?”4 và rồi đánh mất linh hồn của mình. Khi chúng ta tự biện minh cho việc phạm vào các tội nhỏ, thì Sa Tan đang chiến thắng. Sa Tan đã có thể trao đổi quyền trưởng nam và thừa kế với một chai sữa,5 một cái tên bị đánh vần sai,6 một nồi cháo,7.
Khi chúng ta suy nghĩ về những điều trao đổi mình có ý định để làm trong cuộc sống của mình, thì chúng ta có thể hoặc là tự biện minh cho các hành động của mình, giống như Ca In, hoặc tìm cách tuân phục theo ý muốn của Thượng Đế. Câu hỏi chúng ta cần suy xét là chúng ta có đang làm những điều mình cần sửa đổi hay không, vì chúng ta luôn luôn làm như vậy. Thay vì thế, câu hỏi phải là: chúng ta sẽ “lùi bước” hay “hoàn tất” sự kêu gọi linh hồn chúng ta để làm theo ý muốn của Đức Chúa Cha?8
Chúa yêu mến sự ngay chính của chúng ta nhưng đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục hối cải và tuân phục. Trong Kinh Thánh, chúng ta đọc rằng một thanh niên giàu có và tuân giữ các lệnh truyền đã quỳ xuống trước Đấng Cứu Rỗi và hỏi rằng mình cần phải làm gì để có được cuộc sống vĩnh cửu. Anh ta đã bỏ đi với lòng buồn bã khi Đấng Cứu Rỗi phán: “Nhưng ngươi còn thiếu một điều. Hãy đi, bán hết gia tài mình.”9
Nhưng cũng có một người giàu có và ham mê vật chất thế gian, đó là vua La Man, cha của La Mô Ni, cũng là người đã đặt ra cùng một câu hỏi về cuộc sống vĩnh cửu, khi nói rằng: “Vậy trẫm phải làm gì để trẫm có thể có được cuộc sống vĩnh cửu như khanh vừa nói đó? Phải, trẫm phải làm gì để trẫm có thể được Thượng Đế sinh ra, để cho ác linh này được nhổ ra khỏi lồng ngực trẫm, và để tiếp nhận Thánh Linh của Ngài? … Trẫm sẽ từ bỏ vương quốc của mình để trẫm có thể nhận được niềm vui lớn lao này.”10
Các anh chị em còn nhớ câu trả lời Chúa đã đưa ra cho nhà vua qua tôi tớ A Rôn của Ngài không? “Nếu bệ hạ biết hối cải tất cả những tội lỗi của mình và cúi mình trước mặt Thượng Đế, cùng cầu gọi danh Ngài trong đức tin, và tin tưởng rằng mình sẽ nhận được, thì lúc đó bệ hạ sẽ nhận được niềm hy vọng như bệ hạ mong muốn.”11
Khi hiểu những lời ấy về sự hy sinh cần có, nhà vua đã hạ mình và sấp mình xuống đất rồi cầu nguyện: “Hỡi Thượng Đế, … con [sẽ] từ bỏ tất cả mọi tội lỗi của con để chỉ biết có Ngài.”12
Đây là sự trao đổi mà Đấng Cứu Rỗi đang đòi hỏi chúng ta làm: chúng ta phải từ bỏ tất cả các tội lỗi của mình, dù lớn hay nhỏ, vì phần thưởng của Đức Chúa Cha về cuộc sống vĩnh cửu. Chúng ta cần phải quên đi những câu chuyện tự bào chữa, những lời biện minh, những điều lý luận, cách biện hộ, sự trì hoãn, diện mạo bề ngoài, tính kiêu căng của cá nhân, những ý nghĩ đầy phê phán, và làm theo cách của chúng ta. Chúng ta cần tự tách rời khỏi tất cả mọi vật chất thế gian và thụ nhận hình ảnh của Thượng Đế trong sắc mặt của mình.13
Thưa các anh chị em, hãy nhớ rằng lệnh truyền này còn có ý nghĩa nhiều hơn là chỉ không làm điều xấu. Vì kẻ thù của chúng ta đang hoạt động tích cực nên chúng ta cũng cần phải hành động chứ không ngồi “vô tâm kỳ dị.”14 Thụ nhận sắc mặt của Thượng Đế có nghĩa là phục vụ lẫn nhau. Có những tội lỗi vì những điều chúng ta làm là sai trái và những tội lỗi vì những điều chúng ta không làm mà đáng lẽ phải làm, và chúng ta phải tránh cả hai tội này.
Trong khi phục vụ với tư cách là chủ tịch phái bộ truyền giáo ở Châu Phi, tôi luôn luôn được giảng dạy lẽ thật lớn lao này. Trên đường đi đến một cuộc họp, tôi thấy một đứa bé trai đứng một mình bên đường và khóc lóc thảm thiết. Một tiếng nói vang lên trong tôi: “Hãy dừng lại và giúp đứa bé đó.” Ngay khi nghe tiếng nói này, tôi lý luận ngay: “Mình không thể dừng lại được. Mình sẽ trễ. Mình là chức sắc chủ tọa và không thể đi vào trễ được.”
Khi đi tới nhà hội, tôi nghe cũng tiếng nói đó đến với tôi: “Hãy đi giúp đứa bé đó.” Rồi tôi đưa chìa khóa xe của mình cho một tín hữu Giáo Hội tên là Afasi và yêu cầu người ấy mang đứa bé đó đến với tôi. Khoảng 20 phút sau, có một cái vỗ nhẹ trên vai tôi. Đứa bé đó đang ở bên ngoài.
Đứa bé khoảng 10 tuổi. Chúng tôi biết được rằng cha nó đã chết và mẹ nó ở trong tù. Nó sống trong các khu nhà ổ chuột ở Accra với một người giám hộ, người ấy cho nó thức ăn và chỗ ngủ. Để nhận được những thứ này, nó đi bán cá khô trên đường phố. Nhưng sau ngày bán rong hôm đó, khi nó thò tay vào túi thì thấy cái túi bị thủng. Nó mất hết số tiền kiếm được. Afasi và tôi biết ngay rằng nếu nó trở về mà không có tiền, thì nó sẽ bị cho là nói láo, có lẽ nó sẽ bị đánh đập, rồi bị đuổi ra ngoài đường. Tôi đã thấy nó vào đúng giây phút hoảng sợ đó của nó. Chúng tôi trấn an nó, cho nó tiền để bù vào số tiền đã mất và rồi chở nó về nhà với người trông coi nó.
Khi đi về nhà vào buổi tối hôm đó, tôi nhận ra hai lẽ thật lớn lao. Trước hết, tôi biết như chưa từng biết trước đây, rằng Thượng Đế quan tâm đến mỗi người chúng ta và sẽ không bao giờ bỏ rơi chúng ta; và thứ hai, tôi biết rằng chúng ta cần phải luôn luôn lắng nghe tiếng nói của Thánh Linh bên trong chúng ta và đi “tức thì”15 đến bất cứ nơi đâu, bất kể những nỗi sợ hãi của chúng ta là gì hoặc bất cứ sự bất tiện nào.
Vào một ngày nọ, các môn đồ đã hỏi Đấng Cứu Rỗi ai là người quan trọng nhất trong vương quốc thiên thượng. Ngài phán bảo họ phải được cải đạo, khiêm nhường và tuân phục như trẻ nhỏ. Rồi Ngài phán: “Vì Con người đã đến cứu sự đã mất.”16 Chỉ với câu đó, Ngài đã định nghĩa sứ mệnh của chúng ta. Chúng ta phải đi giải cứu—người bị lạc đường, người bị xem là cuối cùng, và người thấp kém. Việc tránh điều ác là không đủ; chúng ta còn cần phải “vác thập tự giá của Ngài.”17 và “thiết tha nhiệt thành với chính nghĩa,”18 giúp những người khác cải đạo. Với lòng trắc ẩn và tình yêu thương, chúng ta là những người trông nom các anh chị em của mình,19 đáp ứng tiếng than khóc của những kẻ mồ côi đang bị rối loạn tinh thần, lời nài xin của những kẻ trong bóng tối và tuyệt vọng,20 và lời kêu cầu đau khổ của gia đình đang gặp hoạn nạn. Anh Cả Neal A. Maxwell nói: “Sa Tan không cần phải làm cho mọi người giống như Ca In hay Giu Đa đâu. Nó chỉ cần khéo léo làm cho những người có khả năng … tự thấy mình là những người trung lập.”21
Sau một đại hội giáo khu mới gần đây, một thiếu niên đến gần tôi và hỏi: “Thượng Đế có thương cháu không ạ?” Cầu xin cho cuộc sống phục vụ của chúng ta luôn luôn khẳng định rằng Thượng Đế không từ bỏ một ai cả.
Đối với câu hỏi: “Có người nào lấy chi mà đổi linh hồn mình ư?” Sa Tan sẽ muốn chúng ta bán linh hồn của mình cho những cây kẹo và giải vô địch của thế gian này. Tuy nhiên, Đấng Cứu Rỗi kêu gọi chúng ta, nhưng không ban cho những phần thưởng của thế gian để trao đổi những tội lỗi của chúng ta, phải thụ nhận diện mạo của Ngài cũng như giúp đỡ những người khác trong khả năng của mình. Vì như vậy, chúng ta có thể nhận được tất cả những gì Thượng Đế có, mà chúng ta được cho biết những điều đó là lớn lao hơn tất cả những kho báu được kết hợp lại của thế gian này.22 Các anh chị em có thể nào tưởng tượng nổi không?
Trong một chuyến đi mới đây đến Nicaragua, tôi thấy có một tấm bảng trong nhà của một gia đình nghèo mà chúng tôi đến thăm. Tấm bảng ấy có ghi rằng: “Chứng ngôn của tôi là tài sản quý báu nhất của tôi.” Đối với tôi cũng thế. Chứng ngôn của tôi là kho báu của linh hồn tôi, và trong tấm lòng liêm khiết của tôi, tôi để lại cho các anh chị em lời chứng của tôi rằng Giáo Hội này là Giáo Hội chân chính của Thượng Đế, rằng Đấng Cứu Rỗi lãnh đạo và hướng dẫn Giáo Hội này qua vị tiên tri được chọn của Ngài. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.