Người Chăm Sóc
Các chị em sẽ được củng cố và còn được soi dẫn để biết được mức độ khả năng phục vụ của mình.
Tôi biết ơn được hiện diện với các chị em trong buổi tối hôm nay. Các phụ nữ của Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô đã tiến bước để trở thành một hội đoàn của các chị em phụ nữ như được mô tả bằng lời của mẹ Tiên Tri Joseph Smith là Lucy Mack Smith: “Chúng ta cần phải quý mến nhau, trông nom nhau, an ủi nhau và nhận lời chỉ dạy, để chúng ta đều có thể được ngồi chung với nhau trên thiên thượng.”1
Có ba phần trong lời mô tả xuất sắc đó về những điều kiện cần có để được kết hợp trong một trạng thái hạnh phúc với Thượng Đế. Một là chăm sóc nhau. Phần kia là giảng dạy cho nhau và được giảng dạy. Và thứ ba là cùng nhau ngồi với Thượng Đế.
Mục đích của tôi buổi tối hôm nay là giúp các chị em cảm nhận được lời khen ngợi và sự biết ơn của Thượng Đế về điều các chị em đã làm để giúp nhau đạt được mục tiêu cao quý đó. Và, mục đích thứ hai của tôi là mô tả một số điều chưa xảy đến trong sự đoàn kết phục vụ của các chị em.
Giống như các chị em phụ nữ trong thời kỳ trước đây, các chị em đã đáp ứng lời kêu gọi của Chúa để đi trợ giúp những người khác. Vào năm 1856, Tiên Tri Brigham Young đã yêu cầu Các Thánh Hữu đi giúp đỡ những người tiền phong đẩy xe kéo bị kẹt trong tuyết trên núi. Trong lúc hoạn nạn đó, ông đã nói với các tín hữu trong đại hội trung ương: “Đức tin, tôn giáo và việc các anh chị em tự xưng về niềm tin nơi tôn giáo sẽ không bao giờ cứu linh hồn của các anh chị em trong thượng thiên giới của Thượng Đế, trừ phi các anh chị em hành động đúng theo nguyên tắc như tôi hiện đang giảng dạy cho các anh chị em. Hãy đi và mang về những người hiện đang ở trên các đồng bằng, và hãy cẩn thận chăm lo những thứ mà chúng ta gọi là vật chất, … nếu không thì đức tin của các anh chị em sẽ trở nên vô ích.”2
Hằng trăm phụ nữ ở Utah đã đáp ứng. Mặc dù họ sống trong cảnh nghèo khó, nhưng họ đã chất đầy các toa xe ngựa tất cả những gì họ có thể dành dụm được và tất cả những gì họ có thể thu góp được từ những người khác để trợ giúp những người đang khốn cùng. Một trong số các chị phụ nữ dũng cảm đó đã ghi lại: “Tôi chưa bao giờ cảm thấy hài lòng hơn cả và tôi có thể nói, là cảm giác hân hoan trong bất cứ công việc nào tôi đã từng làm trong cuộc sống của mình, đây quả là một cảm giác chung của mọi người.”3
Khi cuộc giải cứu đã hoàn tất và tuyết đã tan, thì cũng chị phụ nữ đó đã ghi lại câu hỏi cho tấm lòng trung tín của mình: “Còn điều gì nữa cho những người sẵn lòng giúp đỡ đây?4
Trong thời kỳ chúng ta, các nhóm chị em phụ nữ quả cảm trên khắp thế giới đã biến đức tin của họ thành hành động ở hàng trăm nơi. Và họ tự hỏi trong lòng mình và trong lời cầu nguyện cũng một câu hỏi đó về tương lai của cuộc sống phục vụ của họ.
Mỗi chị em đều ở trong một hoàn cảnh riêng biệt trên cuộc hành trình dẫn đến cuộc sống vĩnh cửu. Một số chị em có nhiều năm kinh nghiệm, và những người khác còn là môn đồ mới trên trần thế. Mỗi chị em đều có một tiểu sử và những thử thách riêng. Nhưng tất cả các chị em đều là chị em với nhau và là con gái yêu dấu của Cha Thiên Thượng là Đấng biết và trông nom mỗi chị em.
Điều mà các chị em đã cùng nhau làm một cách thật giỏi giang là quý mến, chăm sóc, và an ủi lẫn nhau. Chỉ cách đây một tháng, tôi là nhân chứng về phép lạ có ba phần đó trong việc các chị em phục vụ một chị phụ nữ của mình. Là cha của chị phụ nữ ấy, tôi xin cám ơn các chị em và tôi xin cám ơn Thượng Đế đã hướng dẫn một giảng viên thăm viếng.
Con gái của chúng tôi tên là Elizabeth, sống ở một tiểu bang khác và khác múi giờ với chúng tôi, nó đang ở nhà với đứa con gái ba tuổi. Đứa con kia của nó mới nhập học lớp mẫu giáo được một tuần. Elizabeth mang thai sáu tháng và đang mong chờ sự ra đời của đứa con gái thứ ba. Joshua chồng của nó đang đi làm.
Khi thấy là mình đang ra huyết và càng lúc càng ra nhiều, thì nó gọi điện thoại cho chồng nó. Chồng nó bảo hãy gọi xe cứu thương và sẽ gặp nó ở bệnh viện ở cách nhà 25 phút. Trước khi nó có thể gọi điện thoại, nó nghe một tiếng gõ ở cửa trước.
Nó ngạc nhiên thấy người bạn đồng hành thăm viếng giảng dạy của Hội Phụ Nữ ở ngoài cửa. Họ không có hẹn buổi sáng ấy. Người bạn đồng hành của nó chỉ cảm thấy là chị ấy nên đến thăm Elizabeth.
Chị ấy giúp Elizabeth vào xe. Họ đến bệnh viện chỉ vài phút trước khi Joshua đến từ sở làm. Chưa đầy 20 phút, các bác sĩ đã quyết định mổ để lấy đứa bé ra để cứu Elizabeth và đứa bé. Thế là một đứa bé gái tí xíu chào đời, khóc to, sinh sớm 15 tuần. Nó cân nặng 765 gram. Nhưng đứa bé đó và Elizabeth đều sống.
Những lời của Lucy Mack Smith đã được ứng nghiệm môt phần vào ngày đó. Một thành viên trung tín của Hội Phụ Nữ, được Đức Thánh Linh thúc giục, đã chăm sóc, quý mến và an ủi người chị em phụ nữ của mình trong vương quốc của Thượng Đế. Người ấy và hằng chục ngàn người khác đã đưa ra sự phục vụ đầy soi dẫn như vậy trong nhiều thế hệ đã không những nhận được lời cám ơn từ những người họ giúp đỡ và những người thân yêu của họ mà cũng từ Chúa nữa.
Các chị em còn nhớ lời cám ơn của Ngài cho những người đã được ghi nhận rất ít về lòng nhân từ của họ: “Vua sẽ trả lời rằng: Quả thật, ta nói cùng các ngươi, hễ các ngươi đã làm việc đó cho một người trong những người rất hèn mọn nầy của anh em ta, ấy là đã làm cho chính mình ta vậy.”5
Nhưng phép lạ về một chị trong Hội Phụ Nữ đã đến giúp đỡ đúng lúc được làm tăng lên nhiều lần qua quyền năng của một hội các chị em phụ nữ đoàn kết. Đây chỉ là một đoạn trích dẫn ngắn của lời nhắn của vị giám trợ gửi cho Elizabeth và Joshua tại bệnh viện sau khi đứa bé sinh ra được vài giờ: “Chủ tịch Hội Phụ Nữ đã làm chủ tình hình. Chúng tôi đã lập ra một kế hoạch tương lai để phụ giúp mấy đứa con gái của anh chị ở nhà để Elizabeth có thể đi tới lui bệnh viện trong khi đứa bé xinh xắn chưa đặt tên vẫn còn ở đó. Chúng tôi đã từng làm như vậy trước đây, trong thời gian dài, và các tín hữu [của chúng ta] đều vui vẻ trông đợi cơ hội giúp đỡ đó.”
Vị giám trợ nói tiếp “Chúng tôi còn đến bệnh viện và ngồi với mấy đứa nhỏ trong phòng chơi khi những người mẹ không muốn để chúng ở một nơi nào khác.”
Và rồi: “Dĩ nhiên, chúng tôi sẽ không thi hành kế hoạch của mình nếu không có sự phối hợp và thỏa thuận của anh chị. Chúng tôi chỉ muốn cho anh chị biết là đừng lo lắng về những điều chúng tôi có thể [và sẽ] làm được.”
Điều họ đã làm cho con gái tôi đã cho phép nó có thể có được giây phút quý báu khi bế đứa con gái bé tí xíu lần đầu tiên.
Và rồi vị giám trợ kết thúc lời nhắn cho Joshua và Elizabeth bằng lời mà các chị em phụ nữ thường gửi cho nhau trên khắp thế gian qua lòng cam kết của họ để phục vụ những người khác thay cho Đức Thầy: “Hãy giữ vững đức tin.”
Với tất cả những điểm khác biệt về hoàn cảnh cá nhân và về kinh nghiệm đã qua của các chị em, tôi có thể nói cho các chị em biết một điều mà sẽ đến trong tương lai của các chị em. Khi giữ vững đức tin của mình, các chị em sẽ thấy mình được Chúa nhiều lần mời gọi để phục vụ một người nào đó trong cơn hoạn nạn khi điều đó dường như không tiện lợi đối với mình. Có thể dường như đó là một công việc nhọc nhằn và có lẽ không thể thực hiện được. Khi sự kêu gọi được đưa ra, thì dường như họ không cần các chị em trợ giúp nữa, hay một người nào khác có thể đã ra tay giúp đỡ rồi.
Hãy nhớ rằng khi Chúa để cho chúng ta bắt gặp một người đang trong cảnh khốn khổ, thì chúng ta ngợi khen người Sa Ma Ri nhân lành về việc người ấy đã không làm lẫn việc người ấy đã làm. Người ấy đã không tránh qua bên kia đường mặc dù người lữ hành bị đánh đập ở trên đường là một người lạ và có lẽ là một kẻ thù. Người ấy đã làm những gì trong khả năng của mình dành cho kẻ bị đánh đập rồi còn đặt ra một kế hoạch cụ thể cho những người khác để làm thêm. Người ấy đã làm như thế vì đã hiểu rằng việc giúp đỡ có thể đòi hỏi nhiều hơn khả năng của một người có thể làm.
Các bài học trong câu chuyện đó có thể hướng dẫn các chị em trong bất cứ điều gì sẽ xảy ra cho các chị em trong tương lai. Các bài học đó cũng có sẵn trong thời thơ ấu và những kinh nghiệm gần đây của các chị em.
Ít nhất một lần, hay có thể thường xuyên, các chị em ngạc nhiên khi bắt gặp một người đang cần được chăm sóc. Có thể đó là một người cha hay mẹ, một người ông hay bà, một người chị, hoặc một đứa con, một người anh em hay một người chị em mắc bệnh hay có khuyết tật. Những cảm nghĩ trắc ẩn của các chị em khắc phục được nguyện vọng của con người các chị em. Vậy nên các chị em bắt đầu giúp đỡ.
Giống như người bộ hành trong câu chuyện thánh thư về người Sa Ma Ri nhân từ, dường như sự giúp đỡ cần thiết kéo dài thời gian hơn một mình ta có thể giúp đỡ. Người Sa Ma Ri cần phải chuyển sự chăm sóc người bộ hành cho chủ quán. Việc cùng nhau hợp tác làm việc để phục vụ những người đang hoạn nạn là một phần kế hoạch của Chúa.
Các vị giám trợ và các chủ tịch Hội Phụ Nữ luôn luôn mời những người trong gia đình nên giúp đỡ lẫn nhau khi có nhu cầu. Có nhiều lý do về nguyên tắc đó. Lý do quan trọng nhất là tạo cơ hội cho nhiều người hưởng được phước lành của tình yêu thương gia tăng qua việc phục vụ nhau.
Các chị em đã chứng kiến và cảm nhận được phước lành đó. Bất cứ lúc nào các chị em chăm sóc một người nào đó cho dù chỉ một giây phút ngắn ngủi thôi, thì các chị em cũng đã cảm nhận được tình yêu thương đối với người mình phục vụ. Khi sự chăm sóc kéo dài hơn, thì những cảm nghĩ yêu thương lại thường gia tăng hơn.
Vì chúng ta là người trần thế, nên tình yêu thương gia tăng đó có thể bị gián đoạn bởi những cảm nghĩ bực bội và mệt mỏi. Đó là một lý do khác tại sao Chúa để cho chúng ta có được sự giúp đỡ của những người khác trong khi chúng ta phục vụ những người đang gặp hoạn nạn. Đó là lý do tại sao Chúa đã lập ra hội những người chăm sóc.
Cách đây một vài tuần, tôi có mặt trong một buổi lễ Tiệc Thánh khi có một thiếu nữ đứng dậy để được tán trợ với tư cách là người phụ tá phối hợp chương trình thăm viếng giảng dạy. Tôi tự hỏi không biết chị ấy có biết lời khen ngợi của Chúa dành cho chị như thế nào không. Nhưng vì đứa con nhỏ trong tay của chị phụ nữ ấy bắt đầu quấy nên chị phải rời buổi họp trước khi tôi có thể nói cho chị ấy biết Chúa yêu thương và biết ơn chị ấy về sự giúp đỡ để phối hợp các nỗ lực của môn đồ của Ngài.
Việc chăm sóc những người hoạn nạn đòi hỏi một nhóm người, một hội nhân từ và đoàn kết. Đó là điều Chúa đang xây dựng ở giữa các chị em. Ngài yêu thương các chị em trong bất cứ vai trò nào của các chị em.
Một bằng chứng về sự biết ơn của Ngài là Thượng Đế cho phép các chị em cảm nhận được tình yêu thương gia tăng đối với những người mình phục vụ. Đó là lý do tại sao các chị em khóc trước cái chết của một người mà các chị em đã từng phục vụ rất lâu. Việc mất cơ hội chăm sóc cho họ có thể cảm thấy còn đớn đau hơn sự chia ly tạm thời. Mới đây tôi có nghe một chị phụ nữ—mà tôi đã quen biết từ lâu—chia sẻ chứng ngôn vào cái tuần người chồng chị qua đời, về lòng biết ơn có được cơ hội phục vụ người chồng đến lúc cuối đời của anh ấy. Người ta tuy không thấy nước mắt của chị ấy nhưng họ lại thấy nụ cuời vui vẻ của chị.
Mặc dù việc phục vụ những người khác một cách lâu dài và đầy nhân từ đều được thưởng công dồi dào, nhưng các chị em đã biết rằng có những giới hạn về phần vật chất, tình cảm và tài chính trong việc giúp đỡ này. Người chăm sóc lâu thì có thể trở thành người cần được chăm sóc.
Chúa, là Đức Thầy nuôi dưỡng người hoạn nạn, đưa ra lời dạy đầy soi dẫn cho những người chăm sóc mệt mỏi qua những lời được ghi lại trong Sách Mặc Môn: “Để hằng ngày gìn giữ sự xá miễn các tội lỗi cho các người …, tôi mong rằng, các người nên san xẻ những của cải của mình cho người nghèo khó, mỗi người tùy theo những gì mình có, như đem thức ăn cho kẻ đói, đem áo quần cho kẻ thiếu mặc, thăm viếng kẻ bệnh, và trợ giúp họ về tinh thần lẫn vật chất, tùy theo nhu cầu của họ.”6
Nhưng rồi Ngài lại cảnh cáo những chị em có thể đã không đáp ứng rằng các chị em đã phục vụ nhân từ quá nhiều và quá lâu là thật hiển nhiên: “Và hãy chú tâm làm tất cả những việc ấy một cách sáng suốt và có trật tự; vì không bắt buộc con người phải chạy mau hơn sức mình có thể chạy được. Và lại nữa, con người cần phải chuyên tâm, để nhờ đó mà họ có thể chiếm được phần thưởng; vậy nên, mọi việc cần phải được thi hành một cách trật tự.”7
Lời khuyên dạy đó có thể khó áp dụng khi phải cân nhắc giữa ước muốn để hết lòng giúp đỡ người khác đồng thời khôn ngoan lo liệu cho nhu cầu của cá nhân mình để các chị em vẫn còn có khả năng để phục vụ. Các chị em có lẽ đã chứng kiến những người khác vất vả với sự lựa chọn khó khăn như vậy. Một ví dụ là sự lựa chọn nên chăm sóc cho một người đang gần kề đoạn đường cuối của cuộc đời ở nhà hay ở trung tâm chăm sóc khi mà các chị em có thể gần kiệt sức.
Sự hiểu biết của các chị em về kế hoạch cứu rỗi có thể hướng dẫn các chị em trong những lựa chọn khó khăn như vậy. Đó là một trong các lý do tại sao Lucy Mack Smith đã sáng suốt khi nói rằng các chị em phụ nữ phải “nhận lời chỉ dẫn.”
Là điều hữu ích để có được lòng tin chắc về mục đích mà Chúa có cho mỗi người con của Thượng Đế trong kinh nghiệm khó khăn của cuộc sống trần thế. Ngài đã dạy nền tảng của kế hoạch cứu rỗi cho Tiên Tri Joseph cách này khi ông cố gắng để hiểu và đương đầu với những thử thách dường như bất tận của ông: “Và rồi, nếu ngươi biết kiên trì chịu đựng, thì Thượng Đế sẽ nâng ngươi lên cao.”8
Sự lựa chọn của chúng ta để giúp đỡ người khác một cách hữu hiệu nhất để vượt qua những thử thách khó khăn thì trở thành: “Tôi nên theo hướng đi nào mà sẽ giúp người tôi yêu thương một cách hữu hiệu để người ấy ‘kiên trì chịu đựng’?” Mục đích của chúng ta là làm cho họ có thể sử dụng đức tin nơi Đấng Ky Tô, giữ một niềm hy vọng sáng lạn về cuộc sống vĩnh cửu, và thể hiện lòng bác ái, tình yêu thương thanh khiết của Đấng Ky Tô, cho đến cuối đời họ.
Tôi đã chứng kiến các chị phụ nữ trong vương quốc đã chú tâm vào Đấng Cứu Rỗi và mục đích của Ngài. Hãy nghĩ tới những lần các chị em bước vào căn phòng nơi mà Hội Phụ Nữ hoặc Hội Thiếu Nhi hay Hội Thiếu Nữ đã họp.
Một tấm ảnh của Đấng Cứu Rỗi hoặc lời của Ngài có thể không hiển nhiên, nhưng các chị em biết rằng một người nào đó đã cảm nhận được chứng ngôn về sự xác thực và giá trị của Sự Chuộc Tội của Ngài trong lúc đó. Có thể không có một tấm hình đền thờ thánh hoặc dòng chữ “Gia Đình Có Thể Sống Vĩnh Viễn với Nhau,” nhưng các chị em có thể thấy được niềm hy vọng trong nụ cười của họ.
Và các chị em cũng như tôi đã thấy một giảng viên thăm viếng đầy sáng suốt đã có lòng tin tưởng đối với một chị phụ nữ đang gặp khó khăn rằng sự phục vụ của chị cho một người nào khác vẫn là cần thiết và quý báu. Các chủ tịch tuyệt vời của Hội Phụ Nữ tìm ra cách để đặt những người cần được chăm sóc trong sự chăm sóc của những người khác. Họ tạo ra những cơ hội cho các chị em phụ nữ để biết kiên trì chịu đựng những thử thách trong khi họ chăm sóc cho nhau trong tình yêu thương thanh khiết của Đấng Ky Tô. Điều đó có thể gồm có sự thôi thúc dịu dàng cho người chăm sóc quá mệt mỏi nên nghỉ ngơi và chấp nhận sự giúp đỡ của người khác.
Các chị phụ nữ làm cho điều đó có thể thực hiện được bằng cách chậm xét đoán những người đang trải qua thử thách. Hầu hết những người mang gánh nặng bắt đầu nghi ngờ về bản thân và giá trị của mình. Chúng ta làm nhẹ gánh của họ khi chúng ta kiên nhẫn với sự yếu kém của họ và ngợi khen bất cứ điều tốt lành nào có thể thấy nơi họ và đề nghị giúp đỡ họ. Chúa làm như thế. Và chúng ta có thể noi theo gương Ngài là Đấng nuôi dưỡng vĩ đại nhất của những người hoạn nạn.
Chúng ta thường nói về sức mạnh của nhóm các chị em phụ nữ trong Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô. Chúng ta sẽ học cách nhận ra rằng Đấng Cứu Rỗi luôn luôn ở bên trong nhóm này khi chúng ta mời Ngài đến.
Càng ngày chúng ta sẽ càng thấy các con gái của Thượng Đế mời các chị em phụ nữ vào nhóm với họ. Trong khi các chị em phụ nữ đến một buổi họp và tìm kiếm một chỗ ngồi thì họ sẽ nghe thấy lời nói dịu dàng: “Xin đến ngồi với tôi.”
Chúng ta sẽ nghe những lời đó trong ngày tương lai mà Lucy Mack Smith đã thấy trước khi các chị em phụ nữ sẽ “ngồi chung với nhau trên thiên thượng.” Chúng ta không thể chuẩn bị cho ngày đó trong một khoảnh khắc. Ngày đó sẽ đến từ những ngày và những năm chăm sóc lẫn nhau và mang những lời của sự sống đời đời thật sâu vào lòng mình.
Tôi cầu nguyện rằng nhiều người chúng ta sẽ có mặt chung với nhau trong tương lai vinh quang trước mắt mình. Tôi làm chứng cùng các chị em rằng niềm hy vọng của các chị em cho những ngày đó sẽ được chứng minh là đúng. Qua Sự Chuộc Tội vô hạn của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô đã làm cho điều đó có thể thực hiện được cho mỗi chị em. Cha Thiên Thượng nghe thấu và đáp ứng những lời cầu nguyện với đức tin của các chị em để cầu xin sự hướng dẫn và giúp đỡ nhằm mục đích kiên trì chịu đựng trong sự phục vụ Ngài của các chị em.
Đức Thánh Linh được gửi đến các chị em và đến những người mà các chị em chăm sóc với cả tấm lòng và sức mạnh giới hạn của mình. Các chị em sẽ được củng cố và còn được soi dẫn để biết được mức độ về khả năng phục vụ của các chị em. Thánh Linh sẽ an ủi các chị em khi các chị em tự hỏi: “Tôi có làm đủ không?”
Tôi làm chứng rằng Chúa sẽ ở với các chị em và Ngài sẽ chuẩn bị cùng đánh dấu con đường của các chị em khi các chị em phục vụ những người Ngài yêu thương trong lúc họ gặp hoạn nạn và bị thử thách. Trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.