“Vì Ta Sống thì Các Ngươi Cũng Sẽ Sống”
Nhờ vào Ngài, chính là Đấng Cứu Rỗi của chúng ta, Chúa Giê Su Ky Tô, nên các cảm nghĩ buồn phiền, cô đơn và thất vọng đó sẽ tan biến trong niềm vui trọn vẹn.
Trong khi phục vụ với tư cách là những người truyền giáo trẻ tuổi ở Chile, người bạn đồng hành của tôi và tôi gặp một gia đình bảy nguời trong chi nhánh. Người mẹ tham dự mỗi tuần với con cái của bà. Chúng tôi tưởng rằng họ là tín hữu lâu đời của Giáo Hội. Sau vài tuần, chúng tôi biết được rằng họ chưa được làm phép báp têm.
Chúng tôi lập tức liên lạc với gia đình đó và hỏi xem chúng tôi có thể đến nhà giảng dạy cho họ không. Người cha không thích học về phúc âm nhưng không phản đối việc chúng tôi giảng dạy gia đình của ông.
Chị Ramirez tiến triển rất nhanh qua các bài học. Chị khao khát học hỏi tất cả giáo lý mà chúng tôi giảng dạy. Một buổi chiều nọ, trong khi đang thảo luận về phép báp têm cho trẻ sơ sinh, thì chúng tôi giảng dạy rằng các trẻ nhỏ đều vô tội và không cần phải chịu phép báp têm. Chúng tôi mời chị đọc trong sách Mô Rô Ni:
“Này, cha nói cho con hay rằng, con phải giảng dạy về điều này: Sự hối cải và phép báp têm cho những ai hiểu biết trách nhiệm và có thể phạm tội được; phải, hãy giảng dạy cho các bậc cha mẹ biết rằng, họ phải hối cải và chịu phép báp têm, và biết hạ mình như các con trẻ của họ, rồi họ sẽ được cứu cùng với các con trẻ của họ.
“Và các con trẻ của họ không cần phải hối cải và cũng không cần phải chịu phép báp têm. Này, phép báp têm là đưa tới sự hối cải để làm tròn các lệnh truyền khiến đưa tới sự xá miễn tội lỗi.
“Còn trẻ thơ thì sống trong Đấng Ky Tô, ngay từ lúc thế gian mới được tạo dựng; nếu không thì Thượng Đế chỉ là một Thượng Đế thiên vị, và là một Thượng Đế hay thay đổi và vị nể; vì đã có biết bao trẻ thơ chết đi mà không được báp têm!”1
Sau khi đọc câu thánh thư này, Chị Ramirez bật khóc. Người bạn đồng hành của tôi và tôi lấy làm bối rối. Tôi hỏi: “Thưa Chị Ramirez, chúng tôi có nói hoặc làm điều gì xúc phạm đến chị không?”
Chị nói: “Ồ không, Anh Cả ơi, anh không có làm điều gì sai cả. Cách đây sáu năm, tôi có một đứa con trai. Nó chết trước khi chúng tôi có thể cho nó chịu phép báp têm. Vị linh mục của chúng tôi nói với chúng tôi rằng vì nó đã không được báp têm nên nó sẽ ở trong ngục giới suốt thời vĩnh cửu. Trong sáu năm, tôi đã mang nỗi đau đớn và tội lỗi đó. Sau khi đọc đoạn thánh thư này, tôi biết rằng qua quyền năng của Đức Thánh Linh điều này là có thật. Tôi cảm thấy đã trút được gánh nặng, và đây là những giọt nuớc mắt vui mừng.”
Tôi nhớ đến những lời giảng dạy của Tiên Tri Joseph Smith, ông đã giảng dạy về giáo lý đầy an ủi này: “Chúa cất đi nhiều người, ngay cả khi họ còn sơ sinh, để họ có thể thoát khỏi sự ganh tị của con người, và những nỗi buồn phiền và xấu xa của thế gian hiện nay; họ quá thanh khiết, quá yêu kiều để sống trên thế gian; do đó, nếu cân nhắc một cách đúng đắn, thay vì than khóc, chúng ta có lý do để hân hoan khi họ được giải thoát khỏi điều xấu xa, và chẳng bao lâu chúng ta cũng sẽ gặp lai họ.”2
Sau sáu năm chịu đựng nỗi buồn phiền và đau đớn hầu như không thể chịu nổi, thì giáo lý chân chính do Cha Thiên Thượng nhân từ đã mặc khải qua một vị tiên tri tại thế, đã mang đến sự bình an tuyệt diệu cho người phụ nữ với tâm trạng dày vò này. Không cần phải nói, Chị Ramirez và các con trên tám tuổi của chị đều đã chịu phép báp têm.
Tôi nhớ đã viết cho gia đình mình bày tỏ lòng biết ơn tôi đã nhận được về sự hiểu biết lẽ thật này cũng như rất nhiều lẽ thật minh bạch và quý báu khác của phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô. Tôi không bao giờ tưởng tượng được là nguyên tắc chân chính kỳ diệu này sẽ ảnh hưởng đến tôi như thế nào trong những năm sau này và chứng tỏ là phước lành và sự chữa lành có sẵn cho tôi.
Tôi xin được ngỏ lời với những người đã mất một đứa con và đã đặt ra câu hỏi: “Tại sao tôi lại là người phải hứng chịu điều này?” hoặc có lẽ còn nghi ngờ đức tin của mình nơi Cha Thiên Thượng nhân từ nữa. Tôi cầu nguyện rằng qua quyền năng của Đức Thánh Linh, tôi có thể mang đến một chút ít hy vọng, bình an và sự hiểu biết. Tôi mong muốn làm một công cụ để giúp phục hồi đức tin của các anh chị em nơi Cha Thiên Thượng nhân từ là Đấng biết mọi điều và cho phép chúng ta trải qua những thử thách để chúng ta có thể dần dần biết được và kính mến Ngài cùng hiểu rằng nếu không có Ngài, thì chúng ta không có gì cả.
Vào ngày 4 tháng Hai năm 1990, đứa con trai thứ ba và là đứa con thứ sáu trong gia đình chúng tôi ra đời. Chúng tôi đặt tên cho nó là Tyson. Nó là một đứa bé trai xinh xắn, và gia đình mở rộng lòng và vòng tay chào đón nó. Các anh chị của nó rất hãnh diện về nó. Chúng tôi đều nghĩ rằng nó là một đứa bé trai hoàn hảo nhất đã được sinh ra trên đời.
Khi Tyson được tám tháng, nó nuốt một viên phấn nó nhặt được trên thảm. Viên phấn kẹt trong cổ họng của Tyson, và nó ngừng thở. Anh trai của nó bế Tyson lên lầu, hoảng hốt la lên: “Em bé ngừng thở. Em bé ngừng thở.” Chúng tôi bắt đầu thực hiện phương pháp hồi sức và gọi số điện thoại cấp cứu 911.
Nhân viên cấp cứu đến và vội vã chở Tyson vào bệnh viện. Trong phòng chờ đợi, chúng tôi tiếp tục cầu nguyện khẩn thiết trong khi khẩn nài Thượng Đế ban cho một phép lạ. Sau một thời gian dường như là bất tận, vị bác sĩ bước vào phòng và nói: “Tôi rất tiếc. Chúng tôi không thể làm gì hơn được cả. Hãy dùng hết thời gian ông bà cần làm trong giờ phút này.” Rồi bà ấy đi ra.
Khi bước vào căn phòng nơi mà Tyson đang nằm, chúng tôi thấy niềm vui bé nhỏ của mình nằm bất động ở đó. Dường như nó có một vinh quang thiên thượng xung quanh thể xác bé nhỏ của nó. Nó trông thật rạng rỡ và thanh khiết.
Vào lúc ấy, chúng tôi có cảm tưởng như là ý nghĩa và mục đích của cuộc sống chúng tôi đã kết thúc. Làm thế nào chúng tôi có thể trở lại với mấy đứa con khác và cố gắng giải thích bằng cách nào đó rằng Tyson sẽ không về nhà nữa?
Tôi sẽ nói từ quan điểm của mình khi tôi kể về phần còn lại của kinh nghiệm này. Người vợ hiền lành của tôi và tôi đã cùng nhau trải qua thử thách này, nhưng tôi không thể nào diễn đạt nổi cảm nghĩ của người mẹ một cách thích đáng và tôi còn sẽ không cố gắng để làm như vậy.
Tôi không thể nào mô tả những cảm nghĩ lẫn lộn của tôi vào thời điểm đó trong cuộc sống của mình. Hầu như lúc nào tôi cũng cảm thấy thể như tôi đang ở trong một cơn ác mộng và tôi sẽ sớm thức dậy rồi cơn ác mộng khủng khiếp này sẽ chấm dứt. Nhiều đêm tôi không ngủ được. Tôi thường đi lang thang trong đêm từ phòng này đến phòng khác để chắc chắn rằng mấy đứa con khác của chúng tôi đều được an toàn.
Những cảm nghĩ tội lỗi dày vò tâm hồn tôi. Tôi cảm thấy rất tội lỗi. Tôi cảm thấy nhơ bẩn. Tôi là cha của nó; tôi cần làm nhiều hơn để bảo vệ nó. Ước gì tôi đã làm điều này hoặc điều khác. Đôi khi ngay cả vào ngày hôm nay, 22 năm sau, những cảm nghĩ đó cũng bắt đầu len lỏi vào tâm hồn tôi, và tôi cần phải nhanh chóng tống khứ những cảm nghĩ đó vì chúng có thể rất nguy hại.
Khoảng một tháng sau khi Tyson qua đời, tôi có một cuộc phỏng vấn với Anh Cả Dean L. Larsen. Ông đã dành thời giờ ra để lắng nghe tôi, và tôi sẽ luôn luôn biết ơn về lời khuyên dạy và tình yêu thương của ông. Ông nói: “Tôi không nghĩ rằng Chúa sẽ muốn anh tự trừng phạt mình vì cái chết của đứa con trai nhỏ của anh đâu.” Tôi cảm nhận được tình yêu thương của Cha Thiên Thượng qua một trong số các tôi tớ chọn lọc của Ngài.
Tuy nhiên, những ý nghĩ dằn vặt tiếp tục quấy rầy tâm trí tôi, và chẳng bao lâu, tôi bắt đầu cảm thấy tức giận. Điều này không hợp lý! Làm thế nào Thượng Đế lại có thể làm điều này cho tôi? Tại sao tôi lại là người hứng chịu nghịch cảnh này? Tôi đã làm gì để lãnh chịu như vậy? Tôi còn cảm thấy tức giận với những người đang cố gắng an ủi chúng tôi. Tôi nhớ có những người bạn đã nói: “Tôi biết anh cảm thấy như thế nào.” Tôi tự nghĩ: “Anh không hề biết được cảm nghĩ của tôi đâu. Xin để cho tôi yên.” Chẳng bao lâu tôi thấy rằng việc tự thương hại mình cũng có thể rất nguy hại. Tôi hổ thẹn về bản thân mình vì đã có những ý nghĩ không tốt về bạn bè thân yêu, là những người đã cố gắng để giúp đỡ.
Khi cảm thấy tội lỗi, cơn tức giận và sự tự thương hại đang cố gắng nhấn chìm mình, tôi cầu nguyện rằng tâm hồn của tôi có thể thay đổi. Qua những kinh nghiệm thiêng liêng rất riêng tư, Chúa ban cho tôi một tâm hồn mới, và mặc dù tâm hồn tôi vẫn còn cô đơn và đau khổ, nhưng toàn bộ quan điểm của tôi đã thay đổi. Tôi được ban cho sự hiểu biết rằng tôi đã không bị cướp đoạt mà thay vì thế có một phước lành to lớn đang chờ đợi tôi nếu tôi chịu chứng tỏ là sẽ trung tín.
Cuộc sống của tôi bắt đầu thay đổi, và tôi đã có thể nhìn tới phía trước với hy vọng thay vì nhớ lại với nỗi tuyệt vọng. Tôi làm chứng rằng cuộc sống này không phải là kết thúc. Thế giới linh hồn là có thật. Những lời giảng dạy của các vị tiên tri về cuộc sống sau khi chết là có thật. Cuộc sống này chỉ là một bước tiến tạm thời trong cuộc hành trình của chúng ta trở lại cùng Cha Thiên Thượng.
Tyson vẫn luôn luôn là một phần tử quan trọng trong gia đình chúng tôi. Sau nhiều năm, thật là kỳ diệu để thấy được lòng thương xót và nhân từ của Cha Thiên Thượng yêu dấu, là Đấng đã cho phép gia đình chúng tôi cảm nhận được ảnh hưởng của Tyson trong một cách rất hiển nhiên. Tôi làm chứng rằng bức màn che rất mỏng. Những cảm nghĩ giống như thế về lòng trung thành, tình yêu thương và đoàn kết đó trong gia đình không kết thúc khi những người thân của chúng ta bước qua thế giới bên kia; đúng hơn, những cảm nghĩ đó càng mãnh liệt hơn.
Đôi khi người ta sẽ hỏi: “Ta sẽ mất bao lâu mới hết đau khổ đối với nghịch cảnh này?” Sự thật là các anh chị em sẽ không bao giờ hoàn toàn hết đau khổ cho đến khi các anh chị em được gặp lại những người thân đã qua đời của mình. Tôi sẽ không bao giờ có được niềm vui trọn vẹn cho đến khi chúng tôi được đoàn tụ vào buổi sáng Phục Sinh Đầu Tiên.
“Vì loài người là linh hồn. Các nguyên tố thì vĩnh cửu, và linh hồn cùng nguyên tố, khi kết hợp nhau một cách không thể tách rời được, nhận được niềm vui trọn vẹn;
“Và khi bị tách rời, loài người không thể nhận được niềm vui trọn vẹn.”3
Nhưng trong khi chờ đợi, như Đấng Cứu Rỗi đã dạy, chúng ta có thể vững lòng tiếp tục.4
Tôi đã biết được rằng nỗi đau cay đắng, hầu như không thể chịu nổi có thể trở nên tuyệt vời khi ta tìm tới Cha Thiên Thượng và khẩn nài niềm an ủi của Ngài, điều đó có được nhờ vào kế hoạch của Ngài; Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô; và Đấng An Ủi của Ngài chính là Đức Thánh Linh.
Thật là một phước lành vinh quang trong cuộc sống của chúng ta. Điều đó sẽ bi thảm không nếu chúng ta không cảm nhận được nỗi sầu khổ lớn lao khi mất một đứa con? Tôi biết ơn biết bao đối với Cha Thiên Thượng đã cho phép chúng ta yêu thương mãnh liệt và yêu thương vĩnh viễn. Tôi biết ơn biết bao về gia đình vĩnh cửu. Tôi biết ơn biết bao rằng Ngài đã mặc khải một lần nữa qua các vị tiên tri tại thế của Ngài về kế hoạch cứu chuộc đầy vinh quang.
Hãy nhớ rằng khi các anh chị em tham dự tang lễ của người thân của mình, những cảm nghĩ trong lòng của các anh chị em khi lái xe ra khỏi nghĩa trang và nhìn lại thấy cỗ quan tài đó nằm cô đơn một mình—và tự hỏi lòng mình có đau đớn không.
Tôi làm chứng rằng nhờ vào Ngài, chính là Đấng Cứu Rỗi của chúng ta, Chúa Giê Su Ky Tô, nên các cảm nghĩ buồn phiền, cô đơn và thất vọng đó sẽ tan biến trong niềm vui trọn vẹn. Tôi làm chứng rằng chúng ta có thể trông cậy vào Ngài, và khi Ngài phán:
“Ta không để cho các ngươi mồ côi đâu, ta sẽ đến cùng các ngươi.
“Còn ít lâu, thế gian chẳng thấy ta nữa, nhưng các ngươi sẽ thấy ta; vì ta sống thì các ngươi cũng sẽ sống.”5
Tôi làm chứng rằng, như đã được ghi trong sách Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta, “khi chúng ta trông cậy vào Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô, Ngài có thể giúp chúng ta chịu đựng những thử thách, bệnh tật, và đau đớn của chúng ta. Lòng của chúng ta có thể được tràn đầy niềm vui, sự bình an, và an ủi. Tất cả những gì không hợp lý về cuộc sống có thể được làm cho đúng qua Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô.”6
Tôi làm chứng rằng vào buổi sáng rực rỡ vinh quang đó của Sự Phục Sinh Đầu Tiên, những người thân của các anh chị em và của tôi sẽ tiến ra từ mộ phần như chính Chúa đã hứa, và chúng ta sẽ có được niềm vui trọn vẹn. Vì Ngài sống, nên họ và chúng ta cũng sẽ sống. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.