Các Chương Trình Phát Sóng Thường Niên
Các Sứ Giả của Tin Mừng


Các Sứ Giả của Tin Mừng

Buổi Phát Sóng Thường Niên của LGL&VGL năm 2023

Thứ Sáu, ngày 27 tháng Một năm 2023

Anh Chad H Webb: Thời xưa, người ta coi đó là một vinh dự to lớn khi được chọn làm sứ giả đưa tin mừng, nhất là được làm sứ giả báo tin chiến thắng trong trận chiến. Vào năm 490 trước Công Nguyên, một thanh niên tên là Pheidippides đã được chọn để vinh dự mang tin tức đến cho những công dân đang lo lắng ở Hy Lạp rằng quân đội của họ đã cứu quốc gia của họ bằng cách đánh bại quân xâm lược Ba Tư. Truyền thuyết nói rằng Pheidippides đã chạy suốt con đường từ Thung Lũng Marathon đến Athens để rao truyền tin mừng. Hơn 2.500 năm sau, những người có sức khỏe tốt hơn tôi tiếp tục kỷ niệm điều đó bằng việc chạy đua marathon.

Ê Sai đã đề cập đến ý tưởng về việc trở thành sứ giả của tin mừng khi ông nói:

“Và chính những vị này là những người đã rao truyền sự bình an, là những người đã đem lại tin lành về điều tốt, là những người đã rao truyền sự cứu rỗi, và đã nói với Si Ôn rằng: Thượng Đế của ngươi đang trị vì! …

“… Ôi trên các núi, gót chân của họ xinh đẹp dường nào!

“Và … trên các núi, xinh đẹp làm sao gót chân của những vị [vẫn đang] rao truyền sự bình an?”1

Những câu thánh thư đó đã thay đổi mọi thứ đối với tôi khi tôi còn là một người truyền giáo trẻ tuổi, nhớ nhà, và chán nản. Tinh thần của những câu thánh thư đó đã hướng tấm lòng và tâm trí tôi đến sự thật rằng tôi đã được tin tưởng để trở thành sứ giả đưa tin tức lớn lao nhất mà thế gian có thể nghe được. Nỗi tuyệt vọng và sự tủi thân được thay thế bằng niềm hy vọng và lòng biết ơn, và tôi không bao giờ quên buổi sáng đó khi lần đầu tiên tôi hiểu qua Đức Thánh Linh rằng tôi phải đại diện cho Đấng Cứu Rỗi trong việc mang lại tin lành về tình yêu thương vô song của Ngài, sự hy sinh chuộc tội của Ngài, và chiến thắng của Ngài đối với tội lỗi và cái chết.

Mỗi ngày khi bước vào lớp học, anh chị em là các sứ giả mang đến tin lành về phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. Xin cám ơn anh chị em đã rao truyền sự bình an trong một thế giới đầy chia rẽ và bất hòa và đã mang ánh sáng và lẽ thật vào một thế giới mà có thể cảm thấy tối tăm và đầy hoang mang. Đây là Giáo Hội chân chính của Chúa Giê Su Ky Tô. Các anh chị đã được chuẩn bị và lựa chọn để làm các sứ giả bình an đến với giới trẻ và những người thành niên trẻ tuổi trong Giáo Hội của Chúa. Thật là một vinh dự để đại diện cho Chúa Giê Su Ky Tô, giảng dạy phúc âm của Ngài, và cố gắng giảng dạy phúc âm theo cách của Ngài!

Năm ngoái, chúng ta đã có cơ hội học hỏi từ Anh Cả Dieter F. Uchtdorf khi ông giới thiệu sách hướng dẫn mới Giảng Dạy theo Cách của Đấng Cứu Rỗi. Tôi thích rằng sách hướng dẫn mới này tập trung vào tấm gương của Chúa Giê Su Ky Tô với tư cách là Đức Thầy. Như Anh Cả Uchtdorf đã nói: “Cách tốt nhất để trở thành một giảng viên hiệu quả hơn là hãy trở thành một môn đồ trung tín hơn của Chúa Giê Su Ky Tô.”2

Do đã có tài liệu Giảng Dạy theo Cách của Đấng Cứu Rỗi, chúng ta sẽ ngừng sử dụng Sách Hướng Dẫn Giảng Dạy và Học Tập Phúc Âm. Tài liệu Giảng Dạy theo Cách của Đấng Cứu Rỗi không phải là một tài liệu để huấn luyện; mục đích của tài liệu này là nhằm cung cấp những định nghĩa và lời giải thích về cách học hỏi và giảng dạy hữu hiệu. Các nguồn tài liệu huấn luyện đã và sẽ tiếp tục được tạo ra để giúp anh chị em áp dụng những nguyên tắc được giảng dạy trong tài liệu Giảng Dạy theo Cách của Đấng Cứu Rỗi. Các nguồn tài liệu này gồm có một số yếu tố trong Sách Hướng Dẫn Giảng Dạy và Học Tập Phúc Âm mà đã ban phước cho các học viên trong nhiều năm qua.

Tôi biết nhiều người trong anh chị em đã dành ra một khoảng thời gian đáng kể để nghiên cứu tài liệu Giảng Dạy theo Cách của Đấng Cứu Rỗi và suy ngẫm về các câu hỏi đánh giá cá nhân. Xin cám ơn anh chị em về tất cả những gì mà anh chị em đang làm để trở thành những giảng viên về phúc âm phục hồi giống như Đấng Ky Tô.

Để cải thiện thêm các tài liệu huấn luyện của chúng tôi, tôi cũng muốn thông báo về một sự điều chỉnh cho lời phát biểu chính thức về mục tiêu của Lớp Giáo Lý và Viện Giáo Lý. Trước khi chia sẻ với anh chị em về thay đổi mới trong lời phát biểu về mục tiêu của chúng ta, tôi xin đưa ra một số bối cảnh. Trong hai năm qua, chúng ta đã tập trung vào việc mang lại trải nghiệm cho học viên để hướng đến sự cải đạo, sự liên quan, và thuộc vào, và giúp cho ngày càng nhiều giới trẻ và những người thành niên trẻ tuổi có được những trải nghiệm ấy. Chúng ta cần phải nhận ra rằng các nguyên tắc này không có giá trị ngang nhau. Mục đích cao nhất là để mang lại những trải nghiệm nhằm mời gọi các học viên của chúng ta học hỏi phúc âm và gia tăng sự cải đạo của họ theo Chúa Giê Su Ky Tô.

Sự liên quan và thuộc vào rất quan trọng, nhưng chúng chỉ là những kết quả gián tiếp. Chúng là các phương tiện để đạt được mục tiêu mà khi được sử dụng hữu hiệu có thể dẫn đến mục tiêu trực tiếp của chúng ta là sự cải đạo. Sự liên quan dẫn đến sự cải đạo không chỉ đơn giản là thảo luận về những điều khiến học viên quan tâm. Không có điều gì liên quan nhiều đến sự tiến triển và hạnh phúc vĩnh cửu của chúng ta hơn là Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm phục hồi của Ngài. Kế hoạch cứu rỗi là kế hoạch của Thượng Đế dành cho tất cả con cái của Ngài. Nó có tầm liên quan tức thì và vĩnh cửu đối với mỗi người con của Thượng Đế.

Sự liên quan dẫn đến sự cải đạo được thiết lập khi Đức Thánh Linh giúp các học viên hiểu kế hoạch của Thượng Đế, vai trò chính yếu của Chúa Giê Su trong kế hoạch đó, và tầm quan trọng của phúc âm trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Sự liên quan dẫn đến sự cải đạo giúp các học viên thấy cách mà thánh thư và lời giảng dạy của các vị tiên tri thời hiện đại có liên quan đến hoàn cảnh và nhu cầu của họ. Điều đó giúp họ nhận ra cách phúc âm giải đáp những thắc mắc trong tâm hồn họ. Điều đó xảy ra khi họ cảm thấy được soi dẫn để hành động với đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô và cảm nhận được sự làm tròn các phước lành được hứa từ Cha Thiên Thượng. Đó là sự liên quan dẫn đến sự cải đạo.

Điều này cũng đúng với sự thuộc vào rằng bản thân nó không phải là mục tiêu cuối cùng. Thực ra, cụm từ sự thuộc vào được sử dụng trong rất nhiều cách, nên đôi khi có thể bị hiểu lầm khi chúng ta sử dụng nó trong bối cảnh phúc âm. Nhiều người trong chúng ta đã cảm thấy được thuộc vào trong nhiều bối cảnh khác nhau. Khi lớn lên, điều đó đã xảy ra cho tôi trong các đội thể thao. Các đồng đội của tôi là những người bạn thân nhất của tôi, và tôi chắc chắn đã cảm thấy muốn cống hiến rất nhiều để chúng tôi được thành công. Loại thuộc vào đó là lành mạnh và thậm chí còn quan trọng nữa. Nhưng sự thuộc vào để dẫn đến sự cải đạo thì còn nhiều hơn thế.

Anh Cả D. Todd Christofferson, trong đại hội trung ương mới nhất, đã dạy rằng giáo lý về sự thuộc vào có ba phần: sự quy tụ dân giao ước của Chúa, sự phục vụ và hy sinh, và trọng tâm của Chúa Giê Su Ky Tô trong sự thuộc vào.3 Những khái niệm này là trọng tâm của điều chúng ta muốn nói khi đề cập đến sự thuộc vào mà dẫn đến sự cải đạo. Chắc chắn là sự thuộc vào có bao gồm việc yêu thương và tôn trọng lẫn nhau. Nó cũng bao gồm các nguyên tắc mang chúng ta đến với Đấng Cứu Rỗi và tham gia vào chính nghĩa của Ngài khi chúng ta giúp đỡ lẫn nhau để bước đi trên con đường giao ước trở về với Ngài.

Các phước lành của sự thuộc vào thực sự có trọng tâm nơi phúc âm cũng gồm có những sự kết nối với giao ước. Sự thuộc vào như đã được định nghĩa qua ống kính của phúc âm phục hồi giúp chúng ta biết được nguồn gốc thật sự và mối quan hệ vĩnh cửu của mình với Cha Thiên Thượng. Các giao ước của chúng ta có thể đạt được là nhờ vào tình yêu thương của Ngài dành cho chúng ta và chúng kết nối chúng ta với Ngài, với gia đình chúng ta, và với một cộng đồng những tín đồ là những người đã hứa sẽ mang gánh nặng lẫn cho nhau. Loại thuộc vào này dẫn đến sự cải đạo theo Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm phục hồi của Ngài.

Giờ đây, tôi xin trở lại với sự thay đổi trong lời phát biểu về mục tiêu của chúng ta, mà đã được Hội Đồng Giáo Dục của Giáo Hội chấp thuận. Trong nỗ lực để đặt sự cải đạo làm mục tiêu trực tiếp cho tất cả các kinh nghiệm giảng dạy và học hỏi của chúng ta, lời phát biểu về mục tiêu của chúng ta giờ đây như sau: “Mục đích của chúng tôi là nhằm giúp giới trẻ và những người thành niên trẻ tuổi gia tăng sự cải đạo của họ theo Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm phục hồi của Ngài, hội đủ điều kiện để nhận được các phước lành của đền thờ, và chuẩn bị bản thân, gia đình và những người khác cho cuộc sống vĩnh cửu với Cha Thiên Thượng.” Sự điều chỉnh này sẽ giúp chúng ta tổ chức huấn luyện và nỗ lực để tạo ra những trải nghiệm học tập với hy vọng rằng chúng ta có thể giúp các học viên trở thành các môn đồ trọn đời của Chúa Giê Su Ky Tô. Các vai trò của một giảng viên được nêu ra trong tài liệu Giảng Dạy theo Cách của Đấng Cứu Rỗi sẽ vẫn giúp chúng ta hiểu rõ hơn vai trò của giảng viên trong việc giúp các học viên gia tăng sự cải đạo của họ. Chúng tôi cũng đã cập nhật các đoạn trong phần Sống, Giảng Dạy, và Điều Hành có liên quan đến chỉ thị của chúng tôi, mà các anh chị em có thể tìm thấy trên trang mạng của Lớp Giáo Lý & Viện Giáo Lý.

Dù cho có điều gì thay đổi hoặc có thể được nhấn mạnh trong các nỗ lực của chúng ta để giảng dạy phúc âm một cách hiệu quả, thì điều mà sẽ không bao giờ thay đổi là chúng ta sẽ luôn tập trung vào Đấng Ky Tô, tập trung vào học viên, và dựa trên thánh thư. Và chúng ta sẽ luôn cố gắng truyền lại những kinh nghiệm giảng dạy và học hỏi của mình với sự soi dẫn và làm chứng của Đức Thánh Linh. Tất cả những gì chúng ta làm cần gia tăng sự cải đạo theo Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm phục hồi của Ngài bởi vì Ngài chính là câu trả lời cho những thử thách và thắc mắc của họ. Ngài là Thượng Đế mang đến sự giải thoát và cứu chuộc cho họ.

Giờ đây, tôi muốn thông báo về một điều khác mà Hội Đồng Giáo Dục của Giáo Hội đã chấp thuận. Một lần nữa, tôi muốn giải thích bối cảnh trước khi đưa ra thông báo, lần này bằng cách sử dụng một nguyên tắc do Đấng Cứu Rỗi giảng dạy. Gần đây tôi nhận thấy rằng trong truyện ngụ ngôn về người gieo giống, Chúa Giê Su đã nói rằng một số hạt giống sinh ra một trăm, một số hạt sinh ra sáu chục, và một số hạt sinh ra ba chục. Điều quan trọng đối với tôi trong phần đọc này là mỗi hạt giống trong số này đều phát triển từ nơi mà Đấng Cứu Rỗi gọi là đất tốt. Đó chẳng phải là lối đi, những nơi đầy đá sỏi, hay là hạt giống ở giữa bụi gai; đây là đất tốt.

Điều đó khiến tôi tự hỏi liệu phương pháp hiện tại của chúng ta để đòi hỏi tín chỉ cho khóa học có tương tự như việc chỉ ghi nhận những người đã tiến triển một trăm lần, trong khi không ghi nhận và biết ơn về những nỗ lực và đóng góp của những người đã tiến triển được sáu mươi hoặc ba mươi lần. Mỗi học viên đều có một mức độ khác nhau về sự hỗ trợ từ gia đình, sự hiểu biết phúc âm, và cam kết cá nhân. Chắc chắn là chúng ta nên có những kỳ vọng cao, nhưng chúng ta cũng nên cẩn thận để không làm nản lòng những người đang làm hết sức mình trong hoàn cảnh của họ.

Những câu này làm cho chúng ta tự hỏi liệu có thể duy trì các tiêu chuẩn cao và tìm cách để cá nhân hóa cách tiếp cận của mình không. Chúng ta có thể tìm ra cách để khuyến khích và ghi nhận sự tăng trưởng và tiến triển ở mọi cấp độ dọc theo con đường giao ước và giúp tất cả các học viên của chúng ta thành công không? Chúng ta có thể hỗ trợ các học viên khi họ nỗ lực học thánh thư và học hỏi phúc âm với các mục tiêu do tự họ có động lực đặt ra, để các học viên phát triển các thói quen và mẫu mực lâu dài ngay cả khi họ ở ngoài lớp học của chúng ta không?

Với ý nghĩ đó, tôi muốn thông báo những điều sau đây cho lớp giáo lý: bài đánh giá việc học tập sẽ chuyển từ một bài đánh giá cá nhân sang một bài đánh giá nhóm, để bảo đảm rằng các học viên đã thông hiểu nội dung được trình bày. Những người đã thông thạo nội dung có thể giúp đỡ người khác để tất cả đều được ban cho cơ hội để gia tăng sự hiểu biết của họ. Các phần của bài đánh giá liên quan đến niềm tin và sự áp dụng sẽ vẫn là một bài đánh giá cá nhân nhằm tạo ra một cơ hội để tự suy ngẫm. Yêu cầu về phần đọc cũng sẽ thay đổi và sẽ không còn đòi hỏi 75 phần trăm ngày đọc trong mỗi học kỳ.

Sắp tới đây, để nhận được tín chỉ của khóa học để tốt nghiệp, các học viên lớp giáo lý sẽ được đòi hỏi phải đọc các đoạn đã được chọn ra từ sách thánh thư trong mỗi học kỳ. Ví dụ, trong học kỳ đầu tiên của khóa học Giáo Lý và Giao Ước—Lịch Sử Giáo Hội, các học viên sẽ đọc Joseph Smith—Lịch Sử. Sau đó, họ sẽ được yêu cầu tự mình chủ động đặt ra thêm một mục tiêu đọc cá nhân với những kỳ vọng cao để tăng trưởng. Các mục tiêu cá nhân này nên phản ánh những khả năng của học viên và ghi nhận nỗ lực và sự tiến triển cá nhân.

Các giảng viên cũng sẽ khuyến khích các học viên theo dõi sự tiến triển của các mục tiêu cá nhân của họ và khuyến khích họ hoàn thành các mục tiêu ấy. Họ sẽ khuyến khích các học viên đọc các đoạn thánh thư đã được chỉ định trong tài liệu Hãy Đến Mà Theo Ta trong tuần lễ của lớp giáo lý, riêng cá nhân hoặc chung với gia đình của họ. Họ cũng khuyến khích các học viên nên kiên định học Sách Mặc Môn riêng cá nhân hoặc chung với gia đình của họ. Trong tương lai gần, thông tin bổ sung sẽ được gửi tới anh chị em về cả hai thay đổi này, bao gồm các chi tiết và thời gian tiến hành và điều gì cần làm cho các học kỳ trước khi các yêu cầu chưa được đáp ứng.

Giờ đây, tôi muốn chia sẻ với các anh chị em một điều gì đó mà Chủ Henry B. Eyring đã nói khi sự thay đổi này được thảo luận. Ông nói: “Để làm tốt điều này cần có sự chú tâm nhiều hơn từ cá nhân các giảng viên. Nó sẽ thêm gánh nặng, nhưng đó là một gánh nặng mà các giảng viên nên vui vẻ mang lấy bởi vì giáo vụ cá nhân của họ cũng quan trọng như việc học giảng dạy trong lớp học. Nếu ai cũng có thể làm điều đó, thì các giảng viên của anh chị em cũng có thể làm được. Họ rất tuyệt vời.”

Tôi đồng ý với Chủ Tịch Eyring; anh chị em thật là tuyệt vời. Tôi cũng nhận biết rằng việc ngưng áp dụng các tiêu chuẩn cứng nhắc lên các mục tiêu cá nhân sẽ đòi hỏi nhiều thời gian và sự chú ý hơn từ các anh chị em. Nhưng chúng ta có thể làm gì để ban phước cho các học viên của mình nhiều hơn là giúp họ tạo ra một thói quen học thánh thư cá nhân hằng ngày mà được thúc đẩy bởi những lý do đúng đắn?

Cuối cùng, yêu cầu về việc tham dự sẽ vẫn giữ nguyên. Xin giúp các học viên thấy rằng những trải nghiệm của họ trong lớp học giúp gia tăng sự hiểu biết phúc âm và đức tin của họ. Đó là lý do tại sao họ muốn tham dự, chứ không phải chỉ để nhận tín chỉ. Học viên nào hiểu được điều này sẽ luôn muốn tham dự lớp học đầy đủ.

Trong viện giáo lý, chúng ta sẽ tiếp tục với những đòi hỏi tương tự về tín chỉ, nhưng chúng ta sẽ nhấn mạnh đến những lý do giúp học viên tự có động lực tham dự và tham gia vào tiến trình học tập. Những lý do như gia tăng đức tin, đến gần Đấng Cứu Rỗi hơn, và việc học hỏi giáo lý của Ngài giúp các học viên hiểu lý do tại sao, giúp họ đặt mục tiêu để mang họ đến gần Ngài hơn, và khuyến khích họ chịu trách nhiệm trước Ngài.

Nhiều học viên của chúng ta mới vừa bắt đầu cuộc hành trình của họ và được mời, có lẽ là lần đầu tiên, để dành chỗ cho hạt giống đức tin trong cuộc sống mình. Thay vì lo lắng rằng họ chưa trải qua tất cả những gì mà một học viên chín chắn hơn đã trải qua, chúng ta nên biết ơn vì họ có ước muốn để tin. Khi họ thấy trái tốt, chúng ta nên vui mừng với họ và ăn mừng ân tứ đó từ Cha Thiên Thượng. Sau đó, chúng ta có thể cùng nhau kiên nhẫn chờ đợi cái ngày mà hạt giống trở thành một cái cây lớn mạnh vươn đến cuộc sống vĩnh cửu.

Tôi mời anh chị em hãy tiếp tục nghiên cứu kỹ tài liệu Giảng Dạy theo Cách của Đấng Cứu Rỗi và cân nhắc xem Chúa sẽ dạy anh chị em thêm điều gì nữa về sự cải đạo, sự liên quan, và sự thuộc vào. Cũng xin hãy cân nhắc kỹ các nguyên tắc đằng sau những thay đổi đối với lời phát biểu về mục tiêu và những điều kiện đòi hỏi về khóa học của chúng ta. Hãy thận trọng kết hợp những thay đổi này theo những cách mà sẽ soi dẫn và ban phước cho tất cả học viên của anh chị em.

Cuối cùng, tôi mời anh chị em hãy tiếp tục tập trung vào Chúa Giê Su Ky Tô trong mọi nỗ lực của mình. Hãy thành tâm cân nhắc cách anh chị em có thể học hỏi từ Ngài, học cách noi theo tấm gương của Ngài với tư cách là Đức Thầy, và học cách trông cậy nhiều hơn vào ân điển và tình yêu thương của Ngài khi anh chị em cố gắng ban phước cho những người mình yêu thương. Tôi làm chứng rằng Ngài chính là con đường. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.