Các Chương Trình Phát Sóng Thường Niên
Một Vị Tiên Tri trong Xứ: Những Lời Nhấn Mạnh Hiện Nay Từ Vị Tiên Tri gửi đến những Người Thành Niên Trẻ Tuổi


Một Vị Tiên Tri trong Xứ: Những Lời Nhấn Mạnh Hiện Nay Từ Vị Tiên Tri gửi đến những Người Thành Niên Trẻ Tuổi

Buổi Phát Sóng Thường Niên của LGL&VGL năm 2023

Thứ Sáu, ngày 27 tháng Một năm 2023

Lời Giới Thiệu

Thưa những nhà giáo dục tôn giáo của chúng tôi, tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn đến tất cả những điều mà anh chị em làm nhằm nâng đỡ giới trẻ và các thành niên trẻ tuổi trong khắp Giáo Hội. Tương lai của Giáo Hội thực sự là những người đang tham dự các lớp học của anh chị em, và cách thức mà anh chị em phục vụ và quan tâm tới các học viên của mình vẫn tiếp tục truyền cảm hứng cho tôi.

Tôi xin bắt đầu bằng việc chia sẻ với anh chị em một kinh nghiệm mà tôi đã có vào mùa thu này trên Đỉnh Malad, điểm cao nhất trên đoạn đường lái xe giữa Salt Lake City và Rexburg, Idaho. Trên đường đi công tác cho Giáo Hội, tôi đã cảm thấy ấn tượng rõ rệt để lắng nghe lại buổi họp đặc biệt dành cho người thành niên trẻ tuổi của Chủ Tịch Russell M. Nelson có tựa đề là “Những Sự Lựa Chọn cho Thời Vĩnh Cửu.” Khi lên đến đỉnh, tôi đã có hai cảm giác khác biệt. Thứ nhất, tôi trở nên choáng ngợp với một cảm giác yêu thương dành cho những người thành niên trẻ tuổi của Giáo Hội. Thứ hai, tôi cảm thấy kinh ngạc trước phép lạ có được một vị tiên tri tại thế được kêu gọi để giảng dạy những người thành niên trẻ tuổi này trong các thời kỳ khó khăn. Tôi dừng xe lại để ghi lại những ấn tượng ban đầu mà cuối cùng đã soi dẫn những lời mà tôi sẽ chia sẻ với anh chị em ngày hôm nay.

Chúng ta sống trong những thời kỳ hỗn loạn, nhưng Chúa đã phán rằng: “Ta ban cho các ngươi một mẫu mực cho mọi sự việc, để các ngươi khỏi bị lừa gạt; vì Sa Tan đang lan tràn khắp xứ, và nó đi khắp nơi để lừa gạt các quốc gia.”1 Nhưng như Chị Wendy W. Nelson đã dạy, trong khi Sa Tan đang đi khắp xứ, thì chúng ta cũng có một vị tiên tri trong xứ, là người chúng ta có thể hướng đến để có được lẽ thật và sự rõ ràng trong những ngày sau cùng này.2

Buổi tối hôm nay, tôi sẽ nhấn mạnh đến năm chủ đề tiên tri mà vị tiên tri và các sứ đồ đã nhấn mạnh, nhất là đối với những người thành niên trẻ tuổi của Giáo Hội. Nếu tôi dạy khóa học Những Lời Giảng Dạy của Các Vị Tiên Tri Tại Thế trong học kỳ tới, thì các chủ đề này sẽ là đề tài chính trong giáo trình. Bất kể anh chị em đang giảng dạy khóa học cụ thể nào, tôi hy vọng rằng anh chị em sẽ cho phép sứ điệp này chi phối giáo trình của anh chị em lẫn cách mà anh chị em giảng dạy và phục sự các học viên của mình.

Năm lời nhấn mạnh hiện nay từ vị tiên tri mà chúng tôi muốn anh chị em suy ngẫm gồm có:

  1. Hiểu biết nguồn gốc thiêng liêng của anh chị em.

  2. Sử dụng quyền năng của Chúa Giê Su Ky Tô và các giao ước của anh chị em.

  3. Hãy để Thượng Đế ngự trị, và noi theo vị tiên tri của Ngài.

  4. Giảng dạy lẽ thật với tình yêu thương.

  5. Chịu trách nhiệm đối với chứng ngôn của anh chị em.

1. Hiểu Biết Nguồn Gốc Thiêng Liêng của Anh Chị Em

Nếu tôi đang cố gắng hiểu được sự nhấn mạnh của vị tiên tri về những người thành niên trẻ tuổi, thì tôi sẽ bắt đầu với buổi họp toàn cầu mới đây của ông với những người thành niên trẻ tuổi và sứ điệp của ông có tựa đề là “Những Sự Lựa Chọn cho Thời Vĩnh Cửu.” Nhiều người thành niên trẻ tuổi ngày nay đang gặp khó khăn vì họ không hiểu nguồn gốc thực sự của họ. Chủ Tịch Nelson đã hỏi:

Các em là ai?

“Trước hết và trên hết, các em là con cái của Thượng Đế.

“Thứ hai, là tín hữu của Giáo Hội, các em là con cái giao ước. Và thứ ba, các em là môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô.”3

Xin lưu ý rằng Chủ Tịch Nelson giảng dạy với lòng cảm thông và tình yêu thương, nhưng ông vẫn giảng dạy lẽ thật chính yếu về nguồn gốc thiêng liêng. Hãy lắng nghe phần tham khảo sau đây từ bài nói chuyện của ông.

[Bắt đầu video]

Chủ Tịch Russell M. Nelson: “Dĩ nhiên đây là nhiều biệt danh khác nhau mà có thể rất quan trọng đối với các em. Xin đừng hiểu sai ý tôi. Tôi không nói rằng các tên gọi và danh hiệu khác là không quan trọng. Tôi chỉ nói rằng không có danh hiệu nào nên chiếm chỗ, thay thế, hoặc ưu tiên hơn ba tên gọi vĩnh cửu này: “con của Thượng Đế,” “con của giao ước,” và “môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô.”

Bất kỳ danh hiệu nào không phù hợp với ba tên gọi cơ bản này thì cuối cùng sẽ làm cho các em thất vọng. Với thời gian, những biệt danh khác rồi sẽ làm các em thất vọng vì chúng không có quyền năng để dẫn dắt các em hướng tới cuộc sống vĩnh cửu trong vương quốc thượng thiên của Thượng Đế.”4

[Kết thúc video]

Sự nhấn mạnh đầu tiên của vị tiên tri dành cho những người thành niên trẻ tuổi mà chúng ta đang nhấn mạnh là hãy giúp họ biết nguồn gốc thiêng liêng của họ. Tôi hết lòng khuyến khích anh chị em sử dụng bài nói chuyện đầy đủ của Chủ Tịch Nelson “Những Lựa Chọn cho Thời Vĩnh Cửu” làm nguồn tài liệu chính yếu với tư cách là một nhà giáo dục tôn giáo đang làm việc với các thành niên trẻ tuổi và giới trẻ của Giáo Hội.

2. Sử Dụng Quyền Năng của Chúa Giê Su Ky Tô và Các Giao Ước của Anh Chị Em

Thứ hai, để gìn giữ nguồn gốc thiêng liêng, chúng ta cần phải giảng dạy những người thành niên trẻ tuổi của mình biết cách sử dụng quyền năng của Chúa Giê Su Ky Tô bằng cách tuân giữ các giao ước của họ. Chủ Tịch Nelson đã dạy: “Mọi điều được giảng dạy trong đền thờ, qua sự chỉ dẫn và qua Thánh Linh, gia tăng sự hiểu biết của chúng ta về Chúa Giê Su Ky Tô. Các giáo lễ thiết yếu của Ngài kết nối chúng ta với Ngài qua các giao ước của chức tư tế thiêng liêng. Rồi khi chúng ta tuân giữ các giao ước của mình, Ngài sẽ ban cho chúng ta quyền năng chữa lành và củng cố của Ngài. Và ôi, chúng ta sẽ cần quyền năng của Ngài biết bao trong những ngày sắp tới.”5

Năm ngoái, tôi đã đưa ra bài nói chuyện tại buổi họp đặc biệt devotional tại trường BYU có tựa đề “Finding Christ’s Peace in Perilous Times [Tìm Kiếm Sự Bình An của Đấng Ky Tô trong Thời Kỳ Khó Khăn],” trong đó tôi đã trích dẫn lời của Chủ Tịch Nelson nhiều lần.6 Sau buổi họp, một trong các chủ nhiệm khoa của chúng tôi nói rằng chị ấy thích câu trích dẫn từ Chủ Tịch Nelson mà tôi luôn sử dụng. Tôi giải thích rằng thực sự có bốn câu trích dẫn khác nhau, tất cả đều có cấu trúc tương tự.

Chủ Tịch Nelson thường sử dụng một câu đối có hai vế, ở vế bên trái của mỗi câu, ông nói về nỗi khó khăn, nguy hiểm, lo lắng, và sự náo động của những ngày sau. Ở vế bên phải của câu, ông tuyên bố với sự tin tưởng và hy vọng rằng qua Chúa Giê Su Ky Tô và việc tuân giữ các giao ước của chúng ta nơi Ngài, chúng ta có thể khắc phục những thử thách này. Tôi đếm không ít hơn bảy câu đối như thế này trong các sứ điệp đại hội trung ương của Chủ Tịch Nelson kể từ khi ông trở thành vị tiên tri. Chúng ta hãy lắng nghe hai câu trong số này từ bài nói chuyện của ông “Đền Thờ và Nền Móng Thuộc Linh của Anh Chị Em.”

Câu Trích Dẫn #1: “Anh chị em thân mến, đây những ngày sau. Nếu anh chị em và tôi phải chống chọi với những nguy cơ và áp lực sắp tới, thì điều bắt buộc là mỗi người chúng ta phải có một nền móng thuộc linh vững vàng được xây dựng trên đá của Đấng Cứu Chuộc chúng ta, Chúa Giê Su Ky Tô.”7

Câu Trích Dẫn #2: “Chúa đã phán rằng bất chấp những thử thách mới mẻ của ngày nay, những người nào xây dựng nền móng của họ dựa trên Chúa Giê Su Ky Tô và đã học cách tiếp cận quyền năng của Ngài, đều không cần phải nhượng bộ những lo lắng độc nhất chỉ có trong thời đại này.”8

Một lần nữa, trong cả hai câu này, vị tiên tri bắt đầu bằng cách thừa nhận những thử thách chúng ta sẽ gặp phải trong những ngày sau. Rồi ông tiếp tục với lời hứa rằng chúng ta có thể khắc phục những thử thách đó và những nỗi lo âu liên quan khi chúng ta tìm đến Đấng Cứu Rỗi và học cách sử dụng quyền năng của Ngài.

Khi lần đầu tiên nhận ra khuôn mẫu này, tôi nghĩ rằng việc đề cập đến Chúa Giê Su Ky Tô có nghĩa là nếu tôi giữ vững chứng ngôn của mình nơi Đấng Cứu Rỗi, thì tôi có thể chống lại những thử thách sắp đến trong những ngày sau cùng. Nhưng, ngày càng nhiều, tôi cũng tin rằng Chủ Tịch Nelson đang kêu gọi chúng ta hãy trở nên giống như Đấng Cứu Rỗi.

Có lẽ đây là điều mà Anh Cả Jeffrey R. Holland đã nói đến khi ông bảo chúng ta phải “trở nên ‘một thánh hữu nhờ sự chuộc tội của Đấng Ky Tô, là Chúa’” trong sứ điệp của ông dành cho những người thành niên trẻ tuổi tại trường BYU.

[Bắt đầu video]

Anh Cả Jeffrey R. Holland: “Vua Bên Gia Min đã dạy rằng mục tiêu cơ bản của cuộc sống trần thế—có lẽ mục tiêu cơ bản duy nhất của cuộc sống trần thế—là trở nên ‘một thánh hữu nhờ sự chuộc tội của Đấng Ky Tô, là Chúa’, mà sẽ đòi hỏi chúng ta—khi ông nói tiếp—phải trở thành ‘như trẻ nhỏ, phục tùng, nhu mì, khiêm nhường, kiên nhẫn, đầy sự yêu thương, sẵn sàng chấp nhận tất cả những điều gì Chúa thấy cần gán cho mình, chẳng khác chi trẻ con thuần phục cha mình vậy’ [Mô Si A 3:19, sự nhấn mạnh được thêm vào].”9

[Kết thúc video]

3. Hãy để Thượng Đế Ngự Trị, và Noi Theo Vị Tiên Tri của Ngài

Để giúp những người thành niên trẻ tuổi biết nguồn gốc thiêng liêng của họ và sử dụng quyền năng của Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta cần phải dạy họ đặt Thượng Đế lên trên hết và noi theo vị tiên tri của Ngài. Không ở đâu mà sứ điệp này được giảng dạy một cách mạnh mẽ hơn trong lời kêu gọi của Chủ Tịch Nelson hãy “để Thượng Đế ngự trị.” Như thể đang thực hiện một cuộc phỏng vấn với toàn thể Giáo Hội, vị tiên tri hỏi chúng ta sáu câu hỏi sau đây:

  • Anh chị em có sẵn lòng để cho Thượng Đế ngự trị trong cuộc sống của mình không?

  • Anh chị em có sẵn lòng để cho Thượng Đế là ảnh hưởng quan trọng nhất trong cuộc sống của mình không?

  • Anh chị em có chịu để cho những lời của Ngài, các giáo lệnh của Ngài và các giao ước của Ngài ảnh hưởng đến điều anh chị em làm mỗi ngày không?

  • Anh chị em có chịu để cho tiếng nói của Ngài được ưu tiên hơn bất cứ tiếng nói nào khác không?

  • Anh chị em có sẵn lòng để cho bất cứ điều gì Ngài cần anh chị em làm phải quan trọng hơn mọi tham vọng khác không?

  • Anh chị em có sẵn lòng để cho ý muốn của mình lọt vào trong ý muốn của Ngài không?”10

Cách đây nhiều năm, tôi đã kinh nghiệm được ý nghĩa của việc để cho Thượng Đế ngự trị trong cuộc sống của mình. Sau việc học ban đầu ở bờ biển phía đông, rõ ràng là Chúa đã chuẩn bị một con đường khác mà sẽ dẫn tôi và gia đình tôi đến Rexburg, Idaho. Vào lúc đó, tôi than với vợ mình: “Anh cảm thấy giống như người trai trẻ giàu có, chỉ có anh mới biết câu chuyện ngụ ngôn kết thúc như thế nào, vì vậy anh sẽ đi theo con đường mà chúng ta đang được dẫn dắt.”

Đó hầu như không phải là thái độ tốt nhất mà tôi có thể đã chọn. Ngay sáng hôm sau tại một buổi họp giới lãnh đạo giáo khu, một trong những người nói chuyện đã thảo luận cùng một câu chuyện ngụ ngôn mà tôi đã đề cập với vợ tôi đêm hôm trước. Ông nói rằng ông cảm thấy rất tiếc cho người trai trẻ giàu có, như được mô tả trong bức tranh của Heinrich Hoffman về câu chuyện ngụ ngôn. Ông mô tả cách mà người trai trẻ dường như đang nhìn đi hướng khác như thể anh ấy đang nghĩ về tất cả những thứ mà anh phải từ bỏ. Chính việc nhìn đi hướng khác này đã làm cho anh ấy không nhìn thấy con đường tốt hơn mà Đấng Cứu Rỗi đang hướng anh ấy đến. Mỗi khi chúng ta để cho Thượng Đế ngự trị trong cuộc sống của mình, thì chúng ta đang hy sinh bản thân mình vì một điều gì đó tốt hơn trong Chúa Giê Su Ky Tô.

Mẫu mực của việc để Thượng Đế ngự trị cũng đòi hỏi chúng ta phải tìm kiếm và nhận được sự mặc khải cá nhân. Chủ Tịch Nelson đã dạy điều này trong sứ điệp của ông “Sự Mặc Khải cho Giáo Hội, Sự Mặc Khải cho Cuộc Đời Chúng Ta.”11 Sự hướng dẫn từ Thiên Thượng không những đến trong sự phục vụ Giáo Hội của ông mà còn đến trong những lựa chọn của ông về nơi ở, học vấn, kết hôn với ai, công việc chuyên môn của ông, và trong việc nuôi dạy con cái. Việc học hỏi mẫu mực này để tiếp nhận sự mặc khải cá nhân là bước đầu tiên để cho Thượng Đế ngự trị trong cuộc sống của chúng ta. Nó cũng sẽ giúp những người thành niên trẻ tuổi của chúng ta tìm kiếm và nhận được sự mặc khải mà sẽ ban phước cho họ trong thời kỳ quan trọng để đưa ra quyết định này.

4. Giảng Dạy Lẽ Thật với Tình Yêu Thương

Nếu anh chị em đã quan sát cách các vị tiên tri và sứ đồ của chúng ta giảng dạy, thì anh chị em sẽ nhận thấy một khuôn mẫu giảng dạy lẽ thật, ngay cả khi đối mặt với sự chỉ trích. Họ làm điều này với tình yêu thương, sự cảm thông, và mối quan tâm giống như Đấng Ky Tô đối với người khác, nhưng họ vẫn giảng dạy các lẽ thật mà họ được truyền lệnh phải giảng dạy. Chủ Tịch Nelson đã cho thấy mẫu mực giảng dạy lẽ thật với tình yêu thương này khi ông giảng dạy về tầm quan trọng của nguồn gốc vĩnh cửu trong sứ điệp toàn cầu của ông dành cho những người thành niên trẻ tuổi.12 Ông đã làm điều này khi giảng dạy về mối quan hệ giữa tình yêu thương và luật pháp của Thượng Đế.13 Chủ tịch Dallin H. Oaks nói về trách nhiệm này trong bài nói chuyện của ông với những người thành niên trẻ tuổi tại trường Ensign College năm ngoái.

[Bắt đầu video]

Chủ Tịch Dallin H. Oaks: “Việc cho thấy lòng kính trọng không có nghĩa là chúng ta từ bỏ niềm tin và giáo lý cơ bản của mình về gia đình và tầm quan trọng của nó đối với kế hoạch của Thượng Đế dành cho số mệnh vĩnh cửu của con cái Ngài như đã được mặc khải trong Bản Tuyên Ngôn Về Gia Đình.

“Xin hãy nhớ đến trách nhiệm mà chúng ta, các thành viên trong Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn và Nhóm Túc Số Mười Hai, có với tư cách là Các Sứ Đồ của Chúa Giê Su Ky Tô. Chúng ta cần phải tuyên bố lẽ thật như Thượng Đế đã mặc khải lẽ thật đó. Chúng ta không được tùy ý lựa chọn những lẽ thật nào mà chúng ta muốn thuyết giảng và bênh vực.” 14

[Kết thúc video]

Trong cùng bài nói chuyện đó, Chủ Tịch Oaks đã mô tả năm cách thức chúng ta có thể giảng dạy lẽ thật với tình yêu thương:

  1. Hãy tránh những bối cảnh gây nhiều tranh cãi.

  2. Yêu thương người khác, tìm những điểm tương đồng, ngay cả khi chúng ta không đồng ý.

  3. Hãy trung thành với lẽ thật, ngay cả trong khi chúng ta tiếp cận với người khác.

  4. Hãy là ánh sáng cho thế gian.

  5. Giữ chứng ngôn mạnh mẽ nơi Chúa Giê Su Ky Tô.

Một số người sẽ tranh luận rằng muốn yêu thương người khác thì chúng ta phải xem nhẹ các lẽ thật của Thượng Đế. Nhưng hãy lưu ý đến lời khuyên dạy của Chủ Tịch Oaks để trung thành với lẽ thật ngay cả trong khi chúng ta tiếp cận với người khác. Nói cách khác, các lựa chọn này không cạnh tranh với nhau. Hãy lắng nghe lời khuyên dạy của Anh Cả Holland về điều này khi ông nói chuyện với các giảng viên và nhân viên của trường BYU về tầm quan trọng của việc cân bằng các lựa chọn này.

[Bắt đầu video]

Anh Cả Holland: “Chúng ta phải cẩn thận rằng tình yêu thương và sự cảm thông không bị hiểu lầm là sự dung thứ và ủng hộ. Hoặc sự chính thống và lòng trung thành với nguyên tắc không bị hiểu lầm là không tử tế hoặc thiếu trung thành với người khác. Với những gì tôi biết, Đấng Ky Tô chưa từng một lần từ chối tình yêu thương của Ngài đối với bất cứ ai, nhưng Ngài cũng không bao giờ phán với bất cứ ai rằng: ‘Vì ta yêu thương các ngươi, nên các ngươi được miễn tuân giữ các giáo lệnh của ta.’ Chúng ta có nhiệm vụ phải cố gắng tìm kiếm sự cân bằng khó khăn và nhạy cảm đó trong cuộc sống của mình.”15

[Kết thúc video]

Khi phớt lờ các lẽ thật của Thượng Đế, chúng ta thực ra có thể hạn chế khả năng của mình để cho thấy tình yêu thương lớn lao nhất đối với con cái của Ngài. Anh Cả D. Todd Christofferson giải thích lý do cho những người thành niên trẻ tuổi tại trường BYU:

“Việc ưu tiên cho giáo lệnh thứ nhất không làm giảm bớt hoặc hạn chế khả năng của chúng ta để tuân giữ giáo lệnh thứ hai. Ngược lại, nó củng cố và gia tăng giáo lệnh thứ hai. Điều đó có nghĩa là chúng ta gia tăng tình yêu thương của mình bằng cách đặt tình yêu thương đó vào mục đích và quyền năng thiêng liêng. … Tình thương yêu Thượng Đế gia tăng khả năng của chúng ta để yêu thương người khác một cách trọn vẹn và hoàn hảo hơn vì về cơ bản chúng ta cộng tác với Thượng Đế trong việc chăm sóc con cái của Ngài.”16

5. Chịu Trách Nhiệm đối với Chứng Ngôn Của Anh Chị Em

Lời nhấn mạnh cuối cùng của vị tiên tri đối với những người thành niên trẻ tuổi có liên quan đến việc chịu trách nhiệm đối với chứng ngôn của anh chị em. Nếu anh chị em muốn noi theo vị tiên tri, hãy chú ý đến những điều ông lặp lại, chú ý kỹ khi ông sử dụng cụm từ “Tôi khẩn nài với anh chị em.” Trong bài nói chuyện của ông tại đại hội trung ương có tựa đề “Thắng Thế Gian và Tìm Sự Yên Nghỉ,” Chủ Tịch Nelson đã nói: “Tôi đưa ra cho các tín hữu của toàn thể Giáo Hội một trách nhiệm giống như tôi đã đưa ra cho những người thành niên trẻ tuổi của chúng ta vào tháng Năm vừa qua. Tôi đã khuyên nhủ họ lúc ấy—và tôi khẩn nài với anh chị em bây giờ—hãy chịu trách nhiệm đối với chứng ngôn của chính anh chị em về Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm của Ngài.”17

Chúng ta hãy lắng nghe cùng một lời giáo huấn đó như đã được đưa ra cho những người thành niên trẻ tuổi trong bài nói chuyện của ông “Những Sự Lựa Chọn cho Thời Vĩnh Cửu.”

[Bắt đầu video]

Chủ Tịch Nelson: “Tôi khẩn nài các em hãy chịu trách nhiệm đối với chứng ngôn của mình. Hãy nỗ lực cho chứng ngôn đó. Hãy sở hữu chứng ngôn đó. Hãy chăm sóc cho chứng ngôn đó. Hãy nuôi dưỡng chứng ngôn đó để nó sẽ phát triển. Hãy nuôi dưỡng chứng ngôn đó bằng lẽ thật. Đừng để cho chứng ngôn đó mất đi tính thiêng liêng với những triết lý sai lầm của những người không tin và rồi tự hỏi tại sao chứng ngôn của các em lại suy yếu.”18

[Kết thúc video]

Việc chịu trách nhiệm đối với chứng ngôn có nghĩa là chúng ta khuyến khích những người thành niên trẻ tuổi nên giải quyết những thắc mắc của họ một cách trung tín. Một khuôn mẫu cho việc đặt câu hỏi được đề ra trên trang Thông Thạo Giáo Lý của Lớp Giáo Lý & Viện Giáo Lý có tựa đề “Đạt Được Sự Hiểu Biết Thuộc Linh.” Anh Cả Lawrence E. Corbridge đã thảo luận đề tài này, trích dẫn sự khác biệt giữa các câu hỏi chính và câu hỏi phụ.19 Các câu hỏi chính là trọng tâm của chứng ngôn. Chúng gồm có việc hiểu biết Thượng Đế là Đức Chúa Cha của chúng ta, Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô, và Sách Mặc Môn là chân chính. Các câu hỏi phụ gồm có các câu hỏi về chi tiết của lịch sử Giáo Hội, chế độ đa thê, và thẩm quyền chức tư tế. Các câu hỏi phụ có thể và nên được trả lời, nhưng chúng nhiều vô tận và hiếm khi dẫn đến chứng ngôn nếu không có lòng tin chắc vào các câu hỏi chính.

Anh Cả Robert S. Wood đã chia sẻ con đường riêng của ông trong việc dựa vào đáp án cho các câu hỏi chính ngay cả khi ông cố gắng trả lời các câu hỏi phụ.20 Trong một buổi họp đặc biệt devotional với các sinh viên trường BYU–Idaho, Anh Cả Wood đã mô tả việc thức suốt đêm đọc Sách Mặc Môn và lần đầu tiên ông đạt được chứng ngôn rõ ràng về tính chân thực của sách đó. Tuần kế tiếp, một người bạn học nói với ông rằng người ấy có bằng chứng rằng Sách Mặc Môn không đúng sự thật và liệt kê ra nhiều lỗi sai niên đại trong sách. Anh Cả Wood nói với người bạn của mình rằng người ấy đã quá trễ và rằng ông đã có chứng ngôn rồi. Nói cách khác, ông đã có câu trả lời cho câu hỏi chính. Nhưng ông đã đề nghị nhận bản liệt kê này và cố gắng trả lời các câu hỏi ấy. Một số câu hỏi đó được giải đáp ngay lập tức, và những câu khác thì mất nhiều thời gian hơn.

Trong khi chờ đợi, Anh Cả Wood đã phục vụ trong Giáo Hội, kết hôn trong đền thờ, học hành, và nuôi nấng gia đình ông trong phúc âm. Một vài năm sau khi ông được kêu gọi với tư cách là Thầy Bảy Mươi Có Thẩm Quyền Trung Ương, lỗi niên đại cuối cùng trong bản liệt kê của ông đã được giải đáp bởi một giáo sư tại trường Đại Học Cornell. Anh chị em có thể tưởng tượng việc Anh Cả Wood chờ đợi để trả lời tất cả các câu hỏi phụ trước khi ông tiến bước với đức tin không?

Chủ Tịch Nelson giải thích với những người thành niên trẻ tuổi về cách để giải quyết thắc mắc của họ.

[Bắt đầu video]

Chủ Tịch Nelson: “Nếu các em có thắc mắc—và tôi hy vọng là các em có—thì hãy tìm kiếm câu trả lời với ước muốn tha thiết để tin tưởng. Học hỏi tất cả những gì các em có thể về phúc âm và hãy chắc chắn tìm đến những nguồn lẽ thật để được hướng dẫn. Chúng ta sống trong gian kỳ khi mà ‘không có một điều gì bị giữ lại cả’ [Giáo Lý và Giao Ước 121:28]. Vì thế, khi đến kỳ định, Chúa sẽ giải đáp hết những thắc mắc của chúng ta.”21

[Kết thúc video]

Kết Luận

Thưa anh chị em, chúng ta sống trong những thời kỳ khó khăn.22 Nhưng Chúa đã chuẩn bị một khuôn mẫu cho tất cả mọi điều để chúng ta khỏi bị lừa gạt. Một phần của khuôn mẫu đó là sự hiện diện của một vị tiên tri trong xứ để giảng dạy lẽ thật cho chúng ta. Chúng ta có lắng nghe không, và việc đó có ảnh hưởng đến cách chúng ta giảng dạy và phục sự học viên của mình không?

Buổi tối hôm nay, tôi đã nêu ra năm lời nhấn mạnh hiện nay của vị tiên tri mà chúng tôi muốn anh chị em suy ngẫm trong vai trò của mình với tư cách là nhà giáo dục tôn giáo. Các chủ đề này và những bài nói chuyện chính yếu của họ được tóm lược trong bảng sau đây:

Những Lời Nhấn Mạnh Hiện Nay Từ Vị Tiên Tri gửi đến những Người Thành Niên Trẻ Tuổi

Các Bài Nói Chuyện Chính Yếu

1. Hiểu biết nguồn gốc thiêng liêng của anh chị em.

Russell M. Nelson, “Những Lựa Chọn cho Thời Vĩnh Cửu” (buổi họp đặc biệt devotional toàn cầu dành cho những người thành niên trẻ tuổi, ngày 15 tháng Năm năm 2022), ChurchofJesusChrist.org

2. Sử dụng quyền năng của Chúa Giê Su Ky Tô và các giao ước của anh chị em.

Russell M. Nelson, “Đền Thờ và Nền Tảng Thuộc Linh Của Anh Chị Em,” Liahona, tháng Mười Một năm 2021, trang 93–96

Jeffrey R. Holland, “A Saint Through the Atonement of Christ the Lord” (buổi họp đặc biệt devotional tại trường Brigham Young University, ngày 18 tháng Một năm 2022), speeches.byu.edu

3 . Hãy để Thượng Đế ngự trị, và noi theo vị tiên tri của Ngài.

Russell M. Nelson, “Hãy Để Cho Thượng Đế Ngự Trị”, Liahona, tháng Mười Một năm 2020, trang 92–95

Russell M. Nelson, “Sự Mặc Khải cho Giáo Hội, Sự Mặc Khải cho Cuộc Đời Chúng Ta,” Liahona, tháng Năm năm 2018, trang 93–96

4. Giảng dạy lẽ thật với tình yêu thương.

Dallin H. Oaks và Clark G. Gilbert, “Fast with Love in Proclaiming Truth” (Buổi họp đặc biệt devotional tại trường Ensign College, ngày 17 tháng Năm năm 2022), ensign.edu

D. Todd Christofferson, “The First Commandment First” (buổi họp đặc biệt devotional tại trường Brigham Young University, ngày 22 tháng Ba năm 2022), speeches.byu.edu

5. Chịu trách nhiệm đối với chứng ngôn của anh chị em.

Russell M. Nelson, “Những Lựa Chọn cho Thời Vĩnh Cửu” (buổi họp đặc biệt devotional toàn cầu dành cho những người thành niên trẻ tuổi, ngày 15 tháng Năm năm 2022), ChurchofJesusChrist.org

Lawrence E. Corbridge, “Stand Forever” (Buổi họp đặc biệt devotional tại trường Brigham Young University, ngày 22 tháng Một năm 2019), speeches.byu.edu

Xin xem Robert S. Wood, “Be Ye Transformed by the Renewal of Your Mind” (buổi họp đặc biệt devotional tại trường Brigham Young University–Idaho, ngày 13 tháng Năm năm 2003), byui.edu/devotionals

“Đạt Được Sự Hiểu Biết Thuộc Linh”, phần Thông Thạo Giáo Lý của Lớp Giáo Lý & Viện Giáo Lý

Khi xác định những chủ đề này, chúng tôi đã tập trung vào sứ điệp chính yếu của vị tiên tri: “Những Sự Lựa Chọn cho Thời Vĩnh Cửu.” Nhiều sứ điệp khác được đưa ra trong bối cảnh mà các vị tiên tri và sứ đồ đang trực tiếp ngỏ lời với những người thành niên trẻ tuổi trong khắp Hệ Thống Giáo Dục của Giáo Hội. Mỗi chủ đề này đã được xác định qua việc xem xét kỹ với các chủ tịch trường đại học trong Hệ Thống Giáo Dục của Giáo Hội, kể cả quản trị viên của Lớp Giáo Lý & Viện Giáo Lý, Anh Chad Webb, cũng như giới lãnh đạo của Ủy Ban Chấp Hành của Hội Đồng Giáo Dục của Giáo Hội. Chúng tôi khuyến khích anh chị em hãy nghiên cứu các bài nói chuyện chính yếu được đề cập này. Hãy hiểu rõ chúng. Kết hợp chúng vào việc giảng dạy và chương trình giảng dạy của anh chị em. Quan trọng hơn hết, hãy kết hợp chúng vào cách các anh chị em giải đáp thắc mắc và phục sự cho nhu cầu của học viên của mình.

Tôi biết rằng một vị tiên tri của Thượng Đế đang dẫn dắt chúng ta trong những thời kỳ khó khăn này. Cầu xin cho chúng ta tuân theo điều này và những lời khuyên dạy khác của vị tiên tri mà chúng ta tiếp tục nhận được là lời cầu nguyện của tôi trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.