“Chớ Sợ Hãi chi … trong Ta, Niềm Vui của Các Ngươi Trọn Vẹn” (GLGƯ 101:36)
Một Buổi Họp Tối với Anh Cả Quentin L. Cook
Buổi Họp Đặc Biệt Devotional Toàn Cầu Dành Cho Các Thành Niên Trẻ Tuổi • Ngày 11 tháng Chín năm 2016 • Trung Tâm Giáo Khu Washington D.C.
Tôi biết ơn được hiện diện với các em là các thành niên trẻ tuổi đang xem buổi họp devotional này từ các địa điểm trên khắp thế giới. Như đã được đề cập trước đây, buổi họp này được phát sóng từ ngôi giáo đường ngay bên cạnh Đền Thờ Washington D.C. Tôi cố tình chọn địa điểm này vì nó ở bên cạnh đền thờ. Tôi rất biết ơn rằng chúng ta sống trong một thời kỳ mà có các đền thờ được xây cất trên khắp thế giới. Chúng ta cần các phước lành của đền thờ trong những thời kỳ vô cùng khó khăn này.
Thế giới dường như thật sự đang biến động.1 Có một mức độ tranh chấp trên thế giới mà chưa từng xảy ra trước đây. Sự an tâm và cảm giác an toàn có thể dường như là khó có được và thậm chí còn không thể đạt được. Sứ điệp của tôi dành cho các em buổi tối hôm nay là chúng ta không nên sợ hãi ngay cả trong một thế giới nguy hiểm và rắc rối. Thánh thư bảo đảm với chúng ta rằng chúng ta có thể có được niềm vui trọn vẹn nhờ vào Đấng Cứu Rỗi.2
Có một số sự kiện tuyệt vời mà nhiều em đã khắc sâu vào tâm trí mình trong một cách rất tích cực. Các em có thể ghi nhớ từng chi tiết của sự kiện này. Các ví dụ có thể bao gồm việc mở phong bì trong đó có giấy kêu gọi đi truyền giáo, lễ gắn bó trong đền thờ với người phối ngẫu, việc thừa nhận rằng Đức Thánh Linh đã làm chứng với tâm hồn của các em về lẽ trung thực của Sách Mặc Môn. Đây là những sự kiện trân quý không những mang lại niềm vui mãn nguyện mà còn lâu dài nữa. Thật là thú vị khi các sự kiện riêng tư bằng bất kỳ một cách thức nào đó liên quan đến Đấng Cứu Rỗi thường là những sự kiện mang lại niềm vui lớn nhất.
Nhưng cũng có một số sự kiện làm cho choáng váng, gây đau buồn đến mức ảnh hưởng đến chúng ta một cách sâu đậm.
Sự sụp đổ của Bức Tường Berlin, vụ ám sát Tổng Thống Hoa Kỳ John F. Kennedy, và các cuộc tấn công khủng bố vào ngày 11 tháng 9 là các ví dụ về những sự kiện gây sửng sốt mà mọi người đều có thể nhớ chính xác họ đang ở nơi đâu và cảm nghĩ của họ như thế nào khi nghe các tin tức đó.
Hầu hết các em có lẽ còn khá nhỏ khi cuộc tấn công vào Trung Tâm Thương Mại Thế Giới ở New York City và Lầu Năm Góc, ở khu vực Washington D.C. này đây, đã xảy ra đúng vào ngày này, ngày 11 tháng Chín năm 2001, cách đây 15 năm. Tôi nghĩ rằng hầu hết các em (cho dù đang sống ở đâu trên thế giới) cũng đều có thể nhớ nơi mà các em đang ở lúc đó và những cảm nghĩ choáng váng và hoảng sợ của mình và của những người xung quanh các em. Đó là một sự kiện hủy diệt cảm giác bình an và gia tăng những cảm nghĩ nguy hại đối với nhiều người. Như tôi đã mô tả trước đây, sự kiện này có ý nghĩa đặc biệt đối với tôi và vợ tôi là Mary.
Con trai cả của chúng tôi và vợ nó đang mang thai đứa con đầu lòng ở cách Trung Tâm Thương Mại Thế Giới ba góc phố ở New York City khi chiếc máy bay đầu tiên bị những kẻ khủng bố cướp và đâm vào Tòa Tháp Phía Bắc. Chúng đi lên mái nhà của tòa nhà căn hộ nơi chúng ở và đã kinh hoàng khi nhìn thấy những hậu quả của điều mà chúng nghĩ là một tai nạn khủng khiếp. Khi chúng chứng kiến chiếc máy bay bị cướp thứ hai đâm vào Tòa Tháp Phía Nam, thì chúng nhận ra rằng đó không phải là tai nạn nữa và tin rằng khu vực nam Manhattan đang bị tấn công liên tục. Khi Tòa Tháp Phía Nam sập xuống, thì tòa nhà căn hộ của chúng chìm trong đống gạch vụn trút xuống khu vực nam Manhattan.
Hoang mang và sợ hãi trước những gì chúng đã chứng kiến, và lo lắng rằng sẽ có thêm các cuộc tấn công khác nữa, nên chúng đã đi đến một khu vực an toàn hơn và sau đó là nhà thờ Giáo Khu Manhattan tại Trung Tâm Lincoln. Khi đến nơi, chúng thấy có hàng chục tín hữu khác ở khu vực nam Manhattan cũng đã quyết định tương tự là cùng quy tụ lại tại trung tâm giáo khu. Chúng tôi đã thở phào nhẹ nhõm khi chúng gọi điện thoại cho chúng tôi biết nơi chúng đang ở và đang được an toàn. Chúng tôi không ngạc nhiên khi biết địa điểm mà chúng đang ở vì điều mặc khải cận đại dạy rằng các giáo khu Si Ôn là “để phòng vệ và dung thân khỏi cơn bão tố, cùng thoát khỏi cơn thịnh nộ khi nó được trút nguyên vẹn lên toàn thể thế gian.”3Chúng không được phép trở về căn hộ của chúng trong hơn một tuần và vô cùng đau buồn trước sự thiệt mạng của những người vô tội, nhưng bản thân chúng thì không bị thiệt hại nào về mặt thể chất.
Chiếc máy bay đâm vào Lầu Năm Góc ở gần nơi chúng ta đang ở buổi tối hôm nay, Washington D. C., cũng thuộc vào một cuộc tấn công tự sát do những tên khủng bố gây ra với những hậu quả tàn phá tương tự.
Mục đích của tôi buổi tối hôm nay không phải là muốn các em tập trung vào các sự kiện khủng khiếp của quá khứ. Tôi muốn các em chú trọng đến các loại sự kiện vui vẻ mà tôi đã mô tả ở phần đầu. Nhưng tôi cũng muốn giúp các em suy nghĩ về những thử thách, đau khổ, và nguy hiểm mà các em đang gặp phải hoặc nỗi sợ hãi mà các em sẽ phải gặp trong cuộc sống của cá nhân mình. Một số các sự kiện này có thể ảnh hưởng đến số đông người, những sự kiện khác sẽ chỉ dành riêng cho các em. Tôi đã quyết định sẽ nói về ba loại sự kiện: những sự kiện có liên quan đến những nguy hiểm về thể chất; những sự kiện có liên quan đến những thử thách đặc biệt, một vài sự kiện trong số đó là độc nhất vô nhị cho thời kỳ của các em; và, cuối cùng, những sự kiện có liên quan đến những nguy hiểm và thử thách thuộc linh.
Những Nguy Hiểm hoặc Thử Thách về Thể Chất
Những nguy hiểm về thể chất là dễ nhận thấy nhất. Cho dù các em truy cập tin tức hàng ngày bằng cách nào hoặc ở đâu, thì những nguy hiểm về thể chất, bạo lực, và thảm kịch đều được thông báo trước tiên—đặc biệt là trên truyền hình và Internet. Một lý do về điều này là bạo lực và cái chết đều rất bi thảm và thường rất dễ mô tả bằng thị giác cũng như bằng lời nói. Bạo lực và cái chết, cho dù gần hay xa, cũng đều làm cho chúng ta chú ý và có thể hủy hoại sự bình an và tĩnh lặng của chúng ta. Khi không cảm thấy an toàn về thể chất, bản thân chúng ta sẽ cảm thấy dễ bị tấn công.
Ngày 22 tháng Ba vừa qua, một tên khủng bố đã cho nổ một quả bom tự sát tại sân bay Brussels, Bỉ. Bốn người truyền giáo của chúng ta đang ở tại bàn làm thủ tục của hãng hàng không Delta trong phi trường. Tất cả họ đều bị thương nặng; một vài vết thương thì rất trầm trọng. Anh Cả Richard Norby, một người truyền giáo cao niên, đã bị thương rất trầm trọng. Mới đây, ông đã cho biết rằng mặc dù cuộc sống sẽ không bao giờ giống như trước nữa, nhưng “ông đã chọn để trông cậy vào Chúa và không sợ hãi.” Ông nói thêm: “Tôi sẽ sống cuộc sống của tôi, và tôi sẽ dạy cho con cháu của tôi biết rằng chúng ta [phải] đặt tin cậy nơi Thượng Đế.”4
Chúa đã nhấn mạnh rằng ngay cả những người bị mất mạng sống, nhưng trung thành với giao ước của họ, thì cũng “sẽ tìm lại được, ngay cả cuộc sống vĩnh cửu.”5
Tôi đã xúc động trước lời nói của Chị Fanny Clain, một người truyền giáo bị thương khác vì vụ nổ bom ở sân bay Brussels. Chị ấy nói: “Việc trải qua những khó khăn như thế này làm cho tôi hiểu rõ hơn về con người, vì người ta trải qua những điều rất khó khăn trong cuộc sống của họ, vì vậy bây giờ tôi cũng đã có những khó khăn nên tôi có thể hiểu thêm.” Trong khi cố gắng bình phục, chị nói: “Khi chọn để tin cậy nơi Thượng Đế, chúng ta có thể thấy cách Ngài giúp chúng ta và cách giúp đỡ này thì phi thường biết bao. Bây giờ tôi tin cậy Ngài nhiều hơn trước đây.” Đặc biệt chị ấy biết ơn rằng mình đã có thể tiếp tục công việc truyền giáo.6
Trong cuộc sống tiền dương thế của mình, chúng ta biết rằng cần phải có quyền tự quyết và sự tương phản để tăng trưởng, phát triển, và cuối cùng nhận được sự tôn cao.
Trong đại hội trên tiền dương thế ở trên thiên thượng, kế hoạch của Đức Chúa Cha gồm có quyền tự quyết là một yếu tố thiết yếu. Lu Xi Phe phản nghịch “và tìm cách hủy diệt quyền tự quyết của loài người,”7 Do đó, Sa Tan và những người theo nó đã bị khước từ đặc ân để có được một thể xác hữu diệt.
Các linh hồn khác trên tiền dương thế sử dụng quyền tự quyết của họ trong việc tuân theo kế hoạch của Cha Thiên Thượng. Các linh hồn được phước để sinh ra trên thế gian này sẽ tiếp tục có được quyền tự quyết. Chúng ta được tự do lựa chọn và hành động nhưng không được tự do để kiểm soát những hậu quả của sự lựa chọn của mình. Do đó, những lựa chọn của chúng ta xác định chúng ta sẽ hạnh phúc hay đau khổ trong cuộc sống này và trong cuộc sống mai sau. “Những lựa chọn theo điều tốt lành và ngay chính dẫn đến hạnh phúc, bình an và cuộc sống vĩnh cửu, trong khi những lựa chọn theo điều tội lỗi và xấu xa cuối cùng dẫn đến đau buồn và khổ sở.”8
Chúng ta không thể đổ lỗi cho hoàn cảnh hoặc người khác khi chọn một quyết định hành động trái với các giáo lệnh của Thượng Đế. Chúng ta đều có trách nhiệm và chịu trách nhiệm với Thượng Đế về cách chúng ta phát triển các thuộc tính, tài năng, và khả năng giống như Đấng Ky Tô, và chúng ta có trách nhiệm về cách chúng ta sử dụng thời gian của mình trong cuộc sống này.
Giáo lý về sự tương phản có liên quan chặt chẽ và đôi khi được xem là một phần của giáo lý về quyền tự quyết. Nhưng vì sự tương phản thường xuất phát từ các nguồn bên ngoài hoặc những người khác, nên là điều hữu ích để suy ngẫm về điều đó một cách riêng biệt. Giáo lý này được tiên tri Lê Hi giải thích rõ ràng và ngắn gọn trong 2 Nê Phi 2:11: “Vì cần phải có sự tương phản trong mọi sự việc. Nếu không thì, … sự ngay chính không thể có được, và cũng không thể có sự độc ác hay sự thánh thiện, không có sự khốn cùng, hay điều phải lẽ quấy.”
Lê Hi giải thích tiếp rằng giáo lý này quan trọng đến đỗi nếu không có nó, thì “đã không có mục đích gì trong … [sự] sáng tạo” và “sự thông sáng của Thượng Đế và những mục đích vĩnh cửu của Ngài, cùng quyền năng, lòng thương xót, và công lý của Thượng Đế”sẽ bị hủy diệt.9
Lê Hi nói tiếp: “Vậy nên, Đức Chúa Trời đã cho loài người được hành động lấy một mình.”10
Chúng ta biết rằng trong cuộc sống tiền dương thế việc sử dụng quyền tự quyết có thể dẫn đến sự tương phản và xung đột—cuộc chiến tranh trên thiên thượng là bằng chứng của sự thật này. Chúng ta biết rằng ngoài chiến tranh và bạo lực ra còn sẽ có hành vi tội lỗi lan tràn trên khắp thế giới. Chúng ta cũng biết rằng Chúa Giê Su Ky Tô đã sẵn lòng trả giá cho những tội lỗi này. Nỗi đau khổ của Ngài, mà vượt quá sự hiểu biết, sẽ dẫn đến chiến thắng tội lỗi và cái chết thuộc linh. Sự Phục Sinh của Ngài sẽ khắc phục cái chết thể xác. Chúng ta tin rằng sau cái chết hữu diệt chúng ta sẽ đều sống lại. Như chúng ta đọc trong sách Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta:
“Chiến thắng này của Chúa Giê Su Ky Tô đối với cái chết thuộc linh nhờ vào nỗi đau khổ của Ngài và đối với cái chết thể xác nhờ vào Sự Phục Sinh của Ngài được gọi là Sự Chuộc Tội. …
“Khi chúng ta trông cậy vào Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô, thì Ngài có thể giúp chúng ta chịu đựng nỗi thử thách, bệnh tật và đau đớn của chúng ta. Chúng ta có thể được tràn đầy niềm vui, bình an và an ủi. Tất cả điều nào là không công bằng về cuộc sống đều có thể được làm lại cho đúng nhờ vào Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô.”11
Những kinh nghiệm khủng khiếp của các tín hữu của chúng ta ngay sau khi Giáo Hội được thiết lập ở Missouri cho thấy rõ ràng những nguyên tắc này của Sự Chuộc Tội. Các giá trị của giáo lý của chúng ta trái ngược với những người định cư ở Missouri mà không cùng tín ngưỡng với chúng ta. Nhiều người dân ở Missouri coi Những Người Mỹ Da Đỏ như kẻ thù truyền kiếp và muốn họ phải bị đuổi ra khỏi xứ. Ngoài ra, nhiều người định cư ở Missouri là chủ của những người nô lệ và cảm thấy bị đe dọa bởi những người chống lại chế độ nô lệ. Nhiều người đi tìm kiếm đất đai, của cải và ngay cả quyền lực.
Ngược lại, giáo lý của chúng ta tôn trọng những Người Mỹ Da Đỏ và ước muốn của chúng ta là giảng dạy cho họ phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. Đối với chế độ nô lệ, thánh thư của chúng ta nói rõ rằng không có một người nào phải làm nô lệ cho người khác. Vào thời đó, có rất ít các tín hữu da đen đầu tiên của chúng ta thờ phượng chung với các tín hữu da trắng, giống như ngày nay. Cuối cùng, mục đích của chúng ta là không phải đạt được sự giàu có mà là thiết lập các cộng đồng anh chị em yêu thương lẫn nhau và sống theo các nguyên tắc mà Đấng Cứu Rỗi đã dạy. Những người định cư khác ở Missouri cảm thấy bị đe dọa khi một số đông Các Thánh Hữu tuân theo những lời mặc khải của Chúa và dọn đến Missouri.12
Điều này đưa đến cuộc xung đột lớn và sự ngược đãi các tín hữu của Giáo Hội. Những người chống đối Các Thánh Hữu phá hoại mùa màng và một số tòa nhà, cướp gia súc và tài sản cá nhân, và đuổi họ ra khỏi nhà. Một số Thánh Hữu bị trét hắc ín và lông gà, bị quất roi, hoặc bị đánh đập. Khi viết thư cho Joseph Smith đang sống ở Kirtland, Ohio, William W. Phelps cho biết: “Thật là một thời gian kinh khiếp, đàn ông, phụ nữ và trẻ em đang chạy trốn, hoặc chuẩn bị [chạy trốn] khắp mọi hướng.”13 Trong cảnh hỗn loạn của tình trạng trục xuất, các gia đình đôi khi bị chia lìa và nhiều Thánh Hữu thiếu thức ăn và các đồ tiếp liệu khác. Các tín hữu Giáo Hội khó có thể hiểu lý do tại sao họ đã bị đuổi đi sau khi Chúa đã truyền lệnh cho họ đến quy tụ ở Missouri. Sau khi nhận được tin dữ, Joseph Smith đã cầu nguyện để hiểu. Chúa đã trả lời với sứ điệp đầy an ủi này, hiện được ghi lại trong Giáo Lý và Giao Ước 101:35–36:
“Và tất cả những ai bị ngược đãi vì danh ta, và kiên trì trong đức tin, mặc dù họ được kêu gọi phải bỏ mạng sống của mình vì ta, họ sẽ được dự phần vào tất cả vinh quang này.
“Vậy nên, chớ sợ hãi chi dù phải chết; vì trong thế gian này, niềm vui của các ngươi không trọn vẹn, nhưng trong ta, niềm vui của các ngươi trọn vẹn.”
Chúa cũng đã hứa với chúng ta rằng phần thưởng của sự ngay chính là “sự bình an trong đời này và cuộc sống vĩnh cửu trong thế giới mai sau.”14
Như vậy Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi cho phép chúng ta có được bình an và yên tĩnh ngay cả khi tính mạng lâm nguy.
Những Thử Thách Đặc Biệt, Một Số Thử Thách Đó Chỉ Có trong Thời Kỳ của Các Em
Là những người thành niên trẻ tuổi, ngoài những thử thách vật chất, các em còn có những thử thách đặc biệt, và một số thử thách đó chỉ có trong thời kỳ của các em mà thôi. Các em lo lắng về những quyết định liên quan đến học vấn, việc làm, hôn nhân và gia đình. Các nguyên tắc giáo lý về các quyết định này đã được thảo luận trong nhiều bài nói chuyện và được hiểu khá rõ. Khi chuộc tội lỗi của chúng ta, Đấng Cứu Rỗi đã không làm giảm miễn trách nhiệm cá nhân của chúng ta về cách chúng ta sống cuộc sống của mình. Giá trị của công việc làm, tính cần cù, làm việc với sức mạnh của chúng ta, cải thiện tài năng của chúng ta, và lo liệu cho gia đình đã được giảng dạy khắp nơi trong thánh thư từ đầu. Trong sách Sáng Thế Ký, Chúa đã phán: “Ngươi sẽ làm đổ mồ hôi trán mới có mà ăn, cho đến ngày nào ngươi trở về đất, là nơi mà có ngươi ra; vì ngươi là bụi, ngươi sẽ trở về bụi.”15
Tôi tin rằng những khái niệm về giáo lý này được các tín hữu chấp nhận rộng rãi. Tuy nhiên, trong một thế giới phức tạp, lại có nhiều hoang mang về cách áp dụng các nguyên tắc này.
Trong bài nói chuyện đầu tiên của tôi tại đại hội trung ương, cách đây 20 năm, tôi đã chia sẻ một câu chuyện cá nhân có phần hài hước có liên quan trực tiếp đến những vấn đề này.16
Khi con cái chúng tôi còn nhỏ, tôi và vợ tôi là Mary, quyết định tuân theo một truyền thống mà cha tôi đã dạy khi tôi còn nhỏ. Ông thường nói chuyện riêng với tôi và các anh chị em của tôi để giúp chúng tôi đặt ra mục tiêu trong các khía cạnh khác nhau về cuộc sống của chúng tôi và dạy chúng tôi cách mà Giáo Hội, trường học, và các sinh hoạt ngoài giờ học sẽ giúp chúng tôi đạt được các mục tiêu này. Ông có ba nguyên tắc:
-
Chúng ta cần có các mục tiêu xứng đáng.
-
Chúng ta có thể thay đổi các mục tiêu của mình bất cứ lúc nào.
-
Chúng ta phải siêng năng làm việc hướng tới bất cứ mục tiêu nào mà chúng tôi đã chọn.
Vì được hưởng truyền thống này, nên Mary và tôi quyết định tiếp tục truyền thống này với con cái chúng tôi. Khi Larry, con trai của chúng tôi, lên năm tuổi, tôi hỏi nó là muốn làm nghề gì khi lớn lên. Nó nói rằng nó muốn trở thành bác sĩ như Bác Joe của nó.17 Larry đã trải qua một cuộc phẫu thuật nghiêm trọng và khâm phục các bác sĩ rất nhiều, nhất là Bác Joe của nó. Tôi tiếp tục nói với Larry về tất cả những điều xứng đáng nó đang làm sẽ giúp nó chuẩn bị để làm công việc của một người thầy thuốc.
Vài tháng sau, tôi hỏi nó một lần nữa là nó muốn làm gì khi lớn lên. Lần này nó nói rằng nó muốn trở thành phi công. Việc thay đổi mục tiêu cũng không sao, vì vậy tôi bắt đầu giải thích nhiều sinh hoạt khác nhau của nó sẽ giúp nó để đạt được mục tiêu này. Trước khi kết thúc cuộc nói chuyện, tôi nói: “Larry à, lần trước chúng ta nói chuyện, con muốn trở thành bác sĩ. Điều gì đã thay đổi tâm trí của con vậy?” Nó đáp: “Con nghĩ rằng việc làm bác sĩ sẽ là điều tốt, nhưng con thấy rằng Bác Joe làm việc vào sáng thứ Bảy, và con sẽ không muốn bỏ lỡ phim hoạt hình chiếu vào sáng thứ Bảy đâu.”
Kể từ lúc đó gia đình chúng tôi đã gọi sự sao lãng khỏi một mục tiêu xứng đáng là phim hoạt hình chiếu vào buổi sáng thứ bảy.
Có hai nguyên tắc mà tôi muốn nhấn mạnh từ câu chuyện có thật này. Nguyên tắc đầu tiên là cách các em hoạch định và chuẩn bị để đạt được các mục tiêu xứng đáng trong thế giới ngày nay, và nguyên tắc thứ hai là ảnh hưởng của mạng Internet và các phương tiện truyền thông xã hội đối với các mục tiêu ngay chính của chúng ta. Mỗi một ảnh hưởng này có thể là chương trình hoạt hình chiếu vào buổi sáng thứ bảy mà làm chúng ta sao lãng khỏi niềm vui chúng ta mong muốn.
Tôi đặc biệt quan tâm đến bao nhiêu người thành niên trẻ tuổi đã không đặt ra các mục tiêu ngay chính hoặc có một kế hoạch để đạt được các mục tiêu này. Tôi cũng lo lắng rằng nhiều người đánh giá thấp và xem thường tài năng và khả năng của bản thân họ. Việc giải quyết được hai vấn đề này sẽ mang lại nhiều niềm vui cho cuộc sống của các em.
Một cuốn sách mới đây của Giáo Sư Angela Duckworth, có tựa đề là Grit, trình bày một lý lẽ đầy thuyết phục rằng nhiều người, nếu không phải là hầu hết mọi người, đánh giá cao cái gọi là khả năng bẩm sinh và đánh giá thấp sự làm việc siêng năng và quyết tâm. Tác giả giải thích rằng sự thành công đủ loại được đánh dấu bằng một tinh thần làm việc siêng năng hơn là hoàn toàn bằng trí thông minh hoặc khả năng. Bà nêu ra rằng những người có quyết tâm và hướng đi (mà bà cũng gọi là niềm đam mê và tính kiên trì) thì luôn luôn làm việc giỏi hơn những người có khả năng bẩm sinh mà không có cùng một quyết tâm đó.18
Khi còn nhỏ, tôi vô tình biết được điểm thi về khả năng trí tuệ của một học sinh khác là dưới trung bình một chút. Tôi quan sát bạn ấy trong trường mà không nói gì với ai cả. Bạn ấy học lớp khó và học hành siêng năng. Ở trường đại học, bạn ấy đôi khi thường tham gia vào hai hoặc ba nhóm học chung cho cùng một lớp học. Cuối cùng, bạn ấy nhận được một bằng cấp cao trong một lãnh vực mà đòi hỏi nhiều cố gắng và sự chính xác cùng đạt được những phát minh trong lĩnh vực chuyên môn của bạn ấy.
Tôi không cho rằng tất cả mọi người cần phải đạt được thành tích học tập, nhưng tôi đề nghị rằng các em có thể đáp ứng nhiều mục tiêu xứng đáng ngay chính của mình với việc hoạch định, quyết tâm vững vàng, nhất là nếu các em loại bỏ những điều sao lãng vô bổ trong cuộc sống. Các em cũng có thể tìm thấy nhiều niềm vui và hạnh phúc hơn trong cuộc sống.
Tôi muốn bảo đảm với các em rằng các em có thể làm được những điều khó. Anh Cả John B. Dickson, hiện là một Thầy Bảy Mươi danh dự đáng khâm phục, đã phục vụ một cách xuất sắc trên khắp thế giới. Ông đã cho thấy điều này trong một cách thú vị và bất thường. Anh Cả Dickson được kêu gọi phục vụ với tư cách là một người truyền giáo Thánh Hữu Ngày Sau ở Mexico vào năm 1962. Trước khi đi, ông được chẩn đoán mắc bệnh ung thư xương ở cánh tay phải. Ông không trông mong là có thể sống được hơn một tháng. Tuy nhiên, 10 tháng sau đó, ông ra đi phục vụ truyền giáo như đã được chỉ định, với cánh tay bị cắt cụt.19 Tôi sẽ không bao giờ quên cách ông đã giảng dạy những người truyền giáo tại Trung Tâm Huấn Luyện Truyền Giáo là họ có thể làm được những điều khó. Ông mời bốn người truyền giáo lên đứng trên bục giảng và thi thắt cà vạt với ông. Hãy nghĩ cách thắt cà vạt với một cánh tay thì như thế nào! Gần đây tôi đã yêu cầu Anh Cả Dickson biểu diễn cho thấy. Chúng ta cùng xem nào.
Anh Cả John B. Dickson:[Đang thắt cà vạt.]Các em biết rằng chúng ta đều gặp phải những khó khăn thử thách trong cuộc sống của mình. Đôi khi đó là những thử thách về mặt thể chất hoặc tình cảm hoặc kinh tế hoặc nhiều loại thử thách khác, và nếu chúng ta chỉ cần lạc quan và tuân theo các luật lệ, có đức tin nơi Chúa, có sự tự tin, thì chúng ta có thể đương đầu với bất cứ điều gì xảy ra. Tôi đoán rằng chúng ta còn có thể thắt cà vạt nữa. Có ai muốn chạy đua hay là thi đấu vật không?
Cám ơn John.
Tại Trung Tâm Huấn Luyện Truyền Giáo, Anh Cả Dickson thắng tất cả bốn người truyền giáo, bằng cách dùng răng, vai và ngực của mình một cách đáng khâm phục. Hãy biết rằng các em cũng có thể khắc phục nghịch cảnh và làm được những việc khó.
Giáo Sư Duckworth lưu ý rằng “nhiệt tình là rất phổ biến. Nhưng khả năng chịu đựng thì hiếm.”20
Một trong những cuộc nghiên cứu mà bà trích dẫn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc chuẩn bị tích cực cho cuộc sống, kể cả tính kiên trì, bền bỉ, kiên quyết, và khuynh hướng không từ bỏ nhiệm vụ khi gặp phải trở ngại.”21
Bà cũng tán dương việc có được một mục đích cao quý hơn mà đóng góp vào sự an lạc của người khác.22 Bà nói:
“Những người quả thật may mắn khi có một mục tiêu cao quý mà quan trọng đối với thế gian đến nỗi mục tiêu đó thêm vào một ý nghĩa sâu sắc cho tất cả mọi thứ họ làm, cho dù việc làm đó có nhỏ nhặt hoặc nhàm chán đến đâu đi nữa. Hãy suy nghĩ về truyện ngụ ngôn về những người thợ nề:
“Ba người thợ nề được hỏi: ‘Mấy ông đang làm gì vậy?’
“Người thứ nhất nói: ‘Tôi đang xây gạch.’
“Người thứ hai nói: ‘Tôi đang xây một nhà thờ.’
“Và người thứ ba nói: ‘Tôi đang xây nhà của Thượng Đế.’
“Người thợ nề thứ nhất có một công việc làm. Người thứ hai có một nghề nghiệp. Người thứ ba có một sự kêu gọi.”23
Buổi tối hôm nay, tôi mời các em xem xét các mục tiêu của mình và xác định xem các mục tiêu nào sẽ cho phép các em làm tròn nghĩa vụ gia đình và giữ cho các em ở trên con đường giao ước của mình cùng cho phép các em có được niềm vui mà Chúa muốn các em có. Hãy nhớ rằng, việc có được một mục tiêu cho phép các em để dành thời giờ và nỗ lực bằng cách lập kế hoạch trước và không bỏ lỡ những điều kiện tiên quyết và thời hạn quan trọng.
Giờ đây tôi sẽ nói về ảnh hưởng của mạng Internet và các phương tiện truyền thông xã hội đối với các quyết định.
Mạng Internet và các phương tiện truyền thông xã hội đóng góp rất nhiều điều tốt lành cho xã hội hiện đại của chúng ta. Các phương tiện này có giá trị rất lớn! Chúng cũng có thể giống như các chương trình hoạt hình chiếu vào sáng thứ Bảy mà làm cho chúng ta sao lãng việc đạt được mục đích thật sự của mình trong cuộc sống trần thế.
Lời khẩn nài tha thiết của tôi là tất cả chúng ta sẽ đánh giá cách thức và thời gian chúng ta sử dụng Internet và các phương tiện truyền thông xã hội. Cuộc trắc nghiệm nên là: Liệu điều đó có hỗ trợ các mục tiêu xứng đáng và quan trọng khác của chúng ta, hoặc điều đó có cản trở nặng nề sự tiến bộ của chúng ta không? Chúng ta có bị ám ảnh bởi các phương tiện truyền thông xã hội vì sợ sẽ bỏ lỡ thông tin mới nếu chúng ta không liên tục theo dõi nó không? Liệu lời khen mà người ta tự có qua việc sử dụng một số phương tiện truyền thông xã hội có tạo ra cho chúng ta cảm giác tự nghi ngờ và cảm thấy không thích hợp không? Tệ hơn nữa, mạng Internet có dẫn dắt chúng ta đến những hình ảnh và nội dung nhơ bẩn, không thích hợp, hoặc chứa đựng sự lừa gạt làm hủy hoại đức tin không? Chúng ta có bao giờ che giấu gốc tích của mình và đưa ra những lời phê bình hay ý kiến không tử tế với những người khác không? Các phương tiện truyền thông xã hội có xen vào thời gian chúng ta thường dành ra cho sinh hoạt tôn giáo trong nhà hoặc thời gian đặc biệt dành cho gia đình không? Số lượng thời giờ trên mạng Internet với các trò chơi và trò thi đố có ngăn cản chúng ta theo đuổi một cách hiệu quả các mục tiêu nghiêm trọng không? Tôi xin mời mỗi người chúng ta nên suy nghĩ về những câu hỏi này, hãy điều chỉnh, và hối cải khi cần để ban phước cho cuộc sống của chúng ta.
Khi đề cập đến những điều ở trên, tôi hoàn toàn nhận thức rõ về những lợi ích to lớn mà các phương tiện truyền thông xã hội có thể mang lại khi được sử dụng đúng cách. Sự đóng góp của phương tiên truyền thông xã hội chỉ vào lịch sử gia đình không thôi cũng làm cho tôi thấy rõ rằng Chúa đã soi dẫn công nghệ này.
Sau khi nói chuyện xong, tôi sẽ đăng phần này của bài nói chuyện của tôi lên trên trang Facebook của tôi. Tôi muốn các em chia sẻ với tôi những mối quan tâm của các em về các phương tiện truyền thông xã hội, cũng như cách mà phương tiện truyền thông xã hội đang ban phước cho cuộc sống của các em.
Tôi cũng muốn chia sẻ với các em thêm một ý kiến nữa về đề tài này. Chúng ta nghe rất nhiều về sự xác thực trong các phương tiện truyền thông xã hội. Việc chân thành sống giống như Đấng Ky Tô là một mục tiêu còn quan trọng hơn là sự xác thực. Tôi xin được nói lại một lần nữa: Việc chân thành sống giống như Đấng Ky Tô là một mục tiêu còn quan trọng hơn là sự xác thực.
Những Thử Thách Thuộc Linh
Bây giờ tôi quay sang những thử thách thuộc linh.
Một trong những trách nhiệm thiết yếu nhất trong cuộc sống này là lập và tuân giữ các giao ước thiêng liêng với Thượng Đế. Điều này đòi hỏi chúng ta phải xem xét những ước muốn không xứng đáng và rời bỏ chúng. Chúng ta cũng xem xét những kỳ vọng không thích hợp mà chúng ta cố ý hay vô tình đặt nơi Thượng Đế. Chúng ta thường xuyên tìm cách tìm hiểu ý muốn của Thượng Đế dành cho chúng ta. Chúng ta liên tục tái tập trung vào đức tin, sự hối cải, và các giáo lễ cứu rỗi. Đấng Cứu Rỗi đã trả cái giá cho tất cả chúng ta, là cái giá mà vượt quá sự thấu hiểu của chúng ta. Đấng Cứu Rỗi đã không hoàn tất Sự Chuộc Tội để chúng ta có thể tập trung vào những mục tiêu vật chất hơn là các mục tiêu vĩnh cửu thế gian , cũng như thú vui và trò chơi phù phiếm chỉ nhằm cho chúng ta hưởng thụ mà thôi. Hãy nghĩ về mục đích của Chúa khi Ngài phán: “Vì này, đây là công việc của ta và sự vinh quang của ta—là để mang lại sự bất diệt và cuộc sống vĩnh cửu cho loài người.”24
Một số người dường như nói hay có ý nói rằng: “Cha Thiên Thượng nhân từ sẽ hài lòng không nếu tôi là con người yếu kém hơn con người mà đáng lẽ tôi nên trở thành? Ngài sẽ thực sự khước từ tôi các phước lành chỉ vì tôi thích uống rượu và cà phê không?” Rủi thay, đó là câu hỏi sai và cho thấy sự thiếu hiểu biết về kế hoạch của Đức Chúa Cha. Câu hỏi thực sự là “Làm thế nào tôi có thể là người ngay chính, nhân từ mà Đức Chúa Cha và Đấng Cứu Rỗi muốn tôi trở thành?” Thánh thư dạy rằng: “Vì kẻ nào được ban cho nhiều thì sẽ được đòi hỏi nhiều.”25
Trong một thế giới mà các phần thưởng và giải thưởng thường được tiếp nhận vì chỉ có sự tham gia, thì các tiêu chuẩn và kỳ vọng có thể dường như không công bằng hoặc thậm chí còn tàn nhẫn nữa. Điều này đặc biệt đúng đối với những người cứ khăng khăng đi theo con đường riêng của họ mà không tuân theo kế hoạch của Đức Chúa Cha, bất kể hậu quả ra sao.
Nhiều người biện minh cho hành vi tội lỗi và sử dụng câu này để chống đỡ: “Chúa Giê Su dạy chúng ta yêu thương mọi người.” Dĩ nhiên, điều này là sự thật, nhưng thường những người ủng hộ quan điểm này dường như có khuynh hướng bỏ qua lời dạy quan trọng không kém của Ngài: “Nếu các ngươi yêu mến ta, thì giữ gìn các điều răn ta.”26
Thật là điều không thích hợp khi chúng ta dàn xếp các điều kiện về mối quan hệ của chúng ta với Thiên Chủ Đoàn. Việc có “một tấm lòng đau khổ và một tâm hồn thống hối” là điều kiện đầu tiên để bắt đầu đi trên con đường giao ước được khởi xướng bằng phép báp têm. Chúng ta cần phải khiêm nhường cầu nguyện lên Thượng Đế. Như chúng ta đã được Vua Bên Gia Min dạy: “Vì này, chẳng phải chúng ta toàn là những kẻ hành khất cả hay sao? Chẳng phải tất cả chúng ta đều tùy thuộc vào một Đấng, tức là Thượng Đế, về mọi vật chất mà chúng ta đang có … hay sao?”27
Những thử thách của chúng ta có thể rất là khó khăn, và một số thậm chí còn có thể là không công bằng nữa. Những điều đó làm chúng ta đau lòng và đồng cảm với người khác. Điều này đúng với sự yếu đuối và bệnh tật mà ảnh hưởng rất nhiều đến cơ thể chúng ta. Nó bao gồm những người vô tội và đã bị lạm dụng. Nó bao gồm sự nghèo đói và bạo lực đầy dẫy trong môi trường nơi chúng ta được sinh ra. Nó bao gồm sự thôi thúc và khuynh hướng mà có lẽ chúng ta đã không chọn. Chúng ta cảm thấy buồn phiền trước thói nghiện ngập chỉ từ một lựa chọn xấu mà ra; có nhiều điều có thể là không công bằng hay bất công trong thế giới này.
Chúng ta phản ứng ra sao? Chúng ta phải nhân từ và có lòng trắc ẩn cùng xử sự với mọi người với lòng tôn trọng, ngay cả khi họ chọn con đường mà chúng ta biết là không phù hợp với kế hoạch của Đức Chúa Cha và những lời dạy của Đấng Cứu Rỗi. Nhưng nếu thực sự muốn là người tốt, chúng ta cũng phải giảng dạy về sự hối cải. Khi chúng ta kiềm chế việc thúc giục những người mình yêu thương phải thay đổi cuộc sống của họ và chấp nhận Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi, thì đó là điều không tốt cũng như chúng ta không giúp được cho ai cả. Có các phước lành vĩnh cửu, kỳ diệu đang chờ đợi những người biết hối cải.
Chính Đấng Cứu Rỗi đã giảng dạy rõ ràng nguyên tắc này cho dân Nê Phi khi Ngài phán về những người sẽ hối cải: “Kẻ đó sẽ được xem như vô tội trước mặt Cha ta vào ngày ta đứng phán xét thế gian.”28 Ngài phán tiếp: “Và không một vật gì ô uế có thể vào được vương quốc của Ngài; vậy nên, không một ai có thể bước vào chốn an nghỉ của Ngài nếu người đó không tẩy sạch y phục của mình bằng máu của ta, nhờ đức tin, nhờ sự hối cải mọi tội lỗi của mình, và trung kiên cho đến cùng .”29
Xin biết rằng các em có thể trở nên trong sạch. Các em có thể tìm thấy niềm vui mà các em mong muốn trong cuộc đời này. Không một người nào ra về từ buổi họp devotional này mà nên cảm thấy là không thể được cứu chuộc. Các em vẫn có thể được cứu chuộc. Về cơ bản, các em là con cái của Thượng Đế. Các em có thể hy vọng và có được niềm vui. Các em có thể thay đổi tấm lòng và hối cải. Các em có thể tha thứ và được tha thứ.
Sự hối cải là thiết yếu đối với kế hoạch của Đức Chúa Cha. Trong Sách Mặc Môn, chúng ta học được mối quan hệ giữa lòng thương xót và công lý. Đấng Ky Tô thiết lập cách hỗ trợ lẫn nhau của lòng thương xót và công lý.30
Tôi thích những lời lạc quan do Eliza R. Snow viết:
Ôi vĩ đại, vinh quang, hoàn chỉnh biết bao,
Đại kế hoạch cứu chuộc,
Nơi có công lý, tình yêu thương và lòng thương xót liên kết với nhau
Trong sự hòa hợp thiêng liêng!31
Kế hoạch vinh quang của hạnh phúc là công bình và thương xót. Chúng ta biết là chúng ta từ đâu đến, tại sao chúng ta ở đây trong cuộc sống này, và chúng ta sẽ đi đâu sau khi chết.
Các em là một thế hệ tuyệt vời. Thánh thư nói rõ rằng trong những ngày sau cùng sẽ có “những điều tà ác và khả ố.” 32 Tuy nhiên, mặc dù là số ít và sống rải rác trên khắp mặt đất, nhưng Các Thánh Hữu sẽ được "trang bị bằng sự ngay chính và bằng quyền năng của Thượng Đế trong vinh quang vĩ đại.”33 Chúa hứa rằng Ngài sẽ "bảo tồn người ngay chính” và chúng ta “không cần phải sợ hãi.”34
Các em không cần phải sợ hãi, bất chấp nguy hiểm và thử thách mà các em sẽ gặp. Các em sẽ được ban phước và bảo vệ khi các em tìm kiếm các mục tiêu ngay chính, xứng đáng. Hãy lập kế hoạch và làm việc với quyết tâm vững vàng, hãy tránh việc sử dụng không thích hợp các phương tiện truyền thông xã hội và mạng Internet, và trông cậy cùng tập trung vào đức tin, sự hối cải, các giáo lễ cứu rỗi, và sự hy sinh chuộc tội của Đấng Cứu Rỗi trong khi các em kiên trì đến cùng. Việc tập trung vào đền thờ sẽ giúp các em đạt được các mục tiêu này.
Như Rô Ma 12:12đã nói: “Hãy vui mừng trong sự trông cậy, nhịn nhục trong sự hoạn nạn, bền lòng mà cầu nguyện.” Các em có thể tránh các chương trình hoạt hình sáng thứ bảy trong cuộc sống để tận hưởng cùng đạt được tất cả những gì mà Đấng Cứu Rỗi đã hứa cho chúng ta.
Tôi long trọng làm chứng về thiên tính của Chúa Giê Su Ky Tô. Nhờ Ngài mà chúng ta không cần phải sợ hãi, vì trong Ngài niềm vui của chúng ta được trọn vẹn. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.
© 2016 by Intellectual Reserve, Inc. All rights reserved. Bản tiếng Anh chuẩn nhận: 6/16. Bản dịch chuẩn nhận: 6/16. Bản dịch “‘Fear Not … in Me Your Joy Is Full’ (GLGƯ 101:36).” Vietnamese. PD60002153 435