Ngươi Là Joseph
Một Buổi Họp Tối với Anh Cả Kim B. Clark
Buổi Họp Đặc Biệt Devotional Toàn Cầu Dành Cho Các Thành Niên Trẻ Tuổi • Ngày 7 tháng Năm năm 2017 • Đại Thính Đường Salt Lake
Các em thân mến, tôi biết ơn được có mặt với các em buổi tối hôm nay. Tôi cảm thấy mình có một tình yêu thương bao la cho các em. Tôi đều cảm thấy được tình yêu thương và niềm vui bất cứ khi nào được ở bên những người thành niên trẻ tuổi của Giáo Hội này!
Buổi tối hôm nay, tôi mời các em đi cùng với tôi trên một cuộc hành trình mà tôi hy vọng sẽ là cuộc hành trình của sự khám phá, đức tin và sự soi dẫn. Tôi muốn đưa các em trở lại những ngày đầu tiên của Thời Kỳ Phục Hồi, khi Joseph Smith còn là một người thành niên trẻ tuổi. Tôi mời các em đến với một cuộc hành trình mà tôi đã tự mình thực hiện. Tôi đã dành phần lớn cuộc đời mình học tập và giảng dạy về các vị lãnh đạo và các tổ chức mà họ lãnh đạo. Tôi đã được phước để biết nhiều vị lãnh đạo vĩ đại và được làm việc cho nhiều tổ chức tốt nhất do con người tạo ra trên khắp thế giới. Nhưng cuộc hành trình này khi đi ngược về với những kinh nghiệm ban đầu của Joseph trong Thời Kỳ Phục Hồi đã củng cố sự tin chắc của tôi rằng các em và tôi là một phần của tổ chức phi thường nhất trên mặt đất, đó là Giáo Hội chân chính và hiện nay của Chúa.
Tôi muốn đưa các em trở về một thời điểm trong cuộc đời của Joseph khi ông phải đối phó với tình trạng bấp bênh và khó khăn. Đó là thời điểm mà ông học được ông là ai, và Chúa là ai, và Chúa sẽ làm việc với ông như thế nào.
Sẽ có một thời điểm mà Joseph trở thành vị tiên tri vĩ đại của Thời Kỳ Phục Hồi, khi ông khiển trách những người lính canh có vũ trang ở Ngục Thất Richmond với quyền năng mà những người lính canh này phải run sợ, khi ông thành lập Giáo Hội, làm các phép lạ lớn, thuyết giảng phúc âm bằng sự hiểu biết sâu sắc kỳ diệu, xây dựng các thành phố và đền thờ, và đặt nền móng cho sự quy tụ dân Y Sơ Ra Ên và công việc cứu rỗi ở cả hai bên bức màn che. Nhưng tôi muốn đưa các em trở lại thời gian trước đó nữa, khi Joseph vẫn chưa trở thành con người mà ông sẽ trở thành. Tôi muốn trở lại những ngày đó vì những ngày đó đối với Joseph cũng giống như những ngày hiện nay đối với các em. Tôi tin rằng có những bài học quan trọng để các em học hỏi về Chúa Giê Su Ky Tô và giáo lý của Ngài và về vị tiên tri của Ngài, Joseph Smith, từ những ngày Joseph còn là một thành niên trẻ tuổi. Tôi biết rằng khi các em lắng nghe buổi tối hôm nay với Thánh Linh của Chúa, thì tình yêu thương của các em đối với Chúa và đức tin của các em nơi Ngài và nơi Cha Thiên Thượng sẽ gia tăng và lời chứng của các em về Sự Phục Hồi và về Tiên Tri Joseph Smith sẽ được vững mạnh hơn.
Câu Chuyện
Tôi bắt đầu câu chuyện với các bảng khắc bằng vàng. Joseph Smith, 21 tuổi, nhận được các bảng khắc từ thiên sứ Mô Rô Ni vào tháng Chín năm 1827, cùng với hai viên đá nằm trong hai cái khung hình vòng cung bằng bạc, mà dân Nê Phi gọi là các dụng cụ phiên dịch, hoặc U Rim và Thu Mim.1 Vào cuối mùa thu đó, Joseph và vợ, Emma, dọn đến Harmony, Pennsylvania, quê nhà của Emma, vì sự ngược đãi dữ dội ở Palmyra, New York.2
Ở Harmony, Joseph chép lại các ký tự từ các bảng khắc và nghiên cứu chúng. Ông nhờ bạn của ông là Martin Harris tìm một người nào đó để phiên dịch các bảng khắc, nhưng Martin đã không thành công.3
Vào tháng Hai năm 1828, Joseph thấy rõ rằng ông sẽ phải tự phiên dịch biên sử đó với sự trợ giúp của các dụng cụ phiên dịch.4 Cuối cùng, Joseph học cách phiên dịch biên sử đó “nhờ ân tứ và quyền năng của Thượng Đế.”5
Chính Emma đang mang thai đứa con đầu lòng của họ là người biên chép đầu tiên cho Joseph. Bà và Joseph làm việc với biên sử đó cho đến tháng Tư năm 1828, khi Martin Harris đến Harmony để biên chép cho Joseph.
Vào tháng 6, Joseph đã hoàn tất bản dịch của phần đầu biên sử, bao gồm phần mà ông gọi là sách Lê Hi. Martin Harris rất muốn mang tập bản thảo này đến New York để cho vợ và gia đình ông xem. Joseph đã hai lần xin phép Chúa, nhưng mỗi lần như vậy thì câu trả lời đều là không được. Martin vẫn nài nỉ, và Joseph hỏi xin Chúa lần thứ ba. Lần này, Chúa cho phép với điều kiện là Martin Harris phải hứa chỉ cho vợ ông và một vài người khác xem mà thôi. Martin hân hoan rời đi Palmyra ngay lập tức với tập bản thảo.
Tuy nhiên, Joseph đã lo lắng. Trong thời gian này Mô Rô Ni đã hiện đến cùng Joseph và khiển trách ông về những lời cầu xin lặp đi lặp lại của ông để cho phép Martin mang tập bản thảo đi. Joseph phải trao lại các dụng cụ phiên dịch và các bảng khắc cho Mô Rô Ni.6
Nỗi lo lắng không ngừng ở đó, Emma đã sinh một bé trai, nhưng đứa bé đã không sống được. Bản thân Emma cũng suýt chết, và Joseph dành hai tuần liên tục ở bên cạnh bà. Ngay khi bắt đầu cảm thấy khỏe hơn, Emma khuyên nhủ Joseph phải đi tìm hiểu điều gì đã xảy ra với Martin và tập bản thảo.
Ngày Joseph trở lại Palmyra, Martin Harris đã xác nhận nỗi sợ hãi to lớn nhất của Joseph—tập bản thảo đã bị mất. Mẹ của Joseph mô tả cảnh tượng đó như sau:
“Joseph … bật đứng dậy khỏi cái bàn và kêu lên: ‘Martin anh đã đánh mất tập bản thảo đó rồi chăng? …’
“Martin đáp: ‘Vâng; Nó mất rồi, và tôi không biết nó ở đâu cả.’
“Joseph nắm chặt tay lại và nói: ‘Ôi … ! tất cả đã mất rồi! Tất cả đã mất rồi! Tôi nên làm gì đây? Tôi đã phạm tội. ... Đáng lẽ tôi nên hài lòng với câu trả lời đầu tiên nhận được từ Chúa. …’ Con trai tôi nức nở khóc và rên rỉ và liên tục đi tới đi lui trên sàn nhà. …
“‘… Tôi còn không đáng được vị thiên sứ của Đấng Tối Cao quở trách nữa?’
“… Tôi có thể nói gì để an ủi con trai tôi, khi nó nhìn thấy tinh thần của cả gia đình cũng ở trong tình huống giống như nó; vì tiếng nức nở và rên rỉ, và những lời than khóc thảm thiết nhất đã nổi lên khắp nhà. … Và con trai tôi tiếp tục đi tới đi lui, khóc lóc và buồn rầu, cho đến khoảng xế chiều, khi được thuyết phục, nó đã ăn một chút thức ăn.
“Buổi sáng hôm sau, con trai tôi lên đường về nhà. Chúng tôi chia tay nhau mà lòng trĩu nặng, vì giờ đây dường như tất cả những gì chúng tôi đã thiết tha mong đợi ... trong một giây lát đã mất hết, và mất vĩnh viễn.”7
Cuộc hành trình kéo dài bốn ngày trở lại Harmony chắc hẳn là rất khó cho Joseph. Ông lo lắng về Emma, và ông vẫn còn đau buồn trước cái chết của đứa con đầu lòng của họ. Ông đã mất tập bản thảo và không còn các bảng khắc hay các dụng cụ phiên dịch nữa. Đó thật là một chuyến đi dài về nhà.
Joseph đã quyết định tìm tới Chúa.8 Ông mô tả điều đã xảy ra sau khi ông trở lại Harmony bằng những lời này:
“Ngay sau khi đến nơi, tôi bắt đầu hạ mình trong lời cầu nguyện mãnh liệt trước mặt Chúa, và ... Tôi đã [trút] hết tâm hồn mình vào lời cầu khẩn lên Thượng Đế rằng nếu được, tôi có thể có được lòng thương xót từ tay Ngài và được tha thứ về tất cả những gì tôi đã làm mà trái với ý muốn của Ngài.”9
“Tôi đang đi được một khoảng hơi xa một chút, thì ... vị sứ giả của thiên thượng trước đây đã hiện đến và trao lại cho tôi U Rim và Thu Mim [các dụng cụ phiên dịch]. ... Tôi cầu khẩn Chúa qua các dụng cụ phiên dịch này và nhận được điều mặc khải sau đây.”10
Điều mặc khải mà Joseph nhận được đã được ghi lại trong Giáo Lý và Giao Ước tiết 3. Đó là một lời khiển trách nghiêm khắc và một sự kêu gọi phải hối cải đi cùng một lời hứa. Trước hết là lời khiển trách:
“Và này, biết bao lần ngươi đã vi phạm các giáo lệnh và luật pháp của Thượng Đế, và đã tiếp tục nghe theo những lời thuyết phục của loài người.
“Vì này, lẽ ra ngươi không nên sợ loài người hơn sợ Thượng Đế. Dù loài người đã xem thường những lời khuyên dạy của Thượng Đế và khinh rẻ những lời nói của Ngài—
“Tuy nhiên, nếu ngươi đã trung thành thì hẳn Ngài đã dang tay ra chống đỡ tất cả những tên lửa của kẻ thù nghịch; và hẳn Ngài đã ở với ngươi trong mọi cơn hoạn nạn.”11
Joseph đã bị những lời thuyết phục và nỗi sợ hãi con người thúc đẩy khi ông liên tục cầu xin Chúa cho phép đưa tập bản thảo cho Martin Harris. Joseph đã bắt đầu hối cải, nhưng Chúa đã dạy ông là còn có nhiều việc hơn nữa phải làm:
“Này, ngươi là Joseph, và ngươi được chọn làm công việc của Chúa, nhưng vì sự phạm giới mà nếu ngươi không lưu ý thì ngươi sẽ sa ngã.
“Nhưng hãy ghi nhớ rằng, Thượng Đế đầy lòng thương xót; vậy hãy hối cải điều ngươi đã làm trái với giáo lệnh ta đã ban cho ngươi, thì ngươi vẫn được chọn và được kêu gọi lần nữa để làm công việc này.”12
Mô Rô Ni đã đòi hỏi Joseph phải trả lại các dụng cụ phiên dịch và các bảng khắc nhưng đã hứa với ông rằng: “Nếu ngươi khiêm nhường và ăn năn, thì có lẽ ngươi sẽ nhận được lại.”13 Joseph tiếp tục hối cải và không bao lâu sau thì nhận được các bảng khắc và các dụng cụ phiên dịch từ Mô Rô Ni.14
Về sau, vì lo lắng về tiến độ phiên dịch chậm trong mùa đông năm 1829, nên Joseph đã cầu xin Chúa gửi cho ông một người biên chép.15 Vào tháng Tư, Chúa đã gửi Oliver Cowdery đến Harmony để làm người biên chép cho Joseph theo sau sự cải đạo kỳ diệu của Oliver.16
Khi Oliver đến nơi, tiến trình phiên dịch tiến triển với một tiến độ đáng kể.
Công việc phiên dịch Sách Mặc Môn có đầy những phép lạ và phước lành cho Joseph.
Tuy nhiên, thắc mắc về việc phải làm gì với sách Lê Hi chắc chắn làm đã làm ông băn khoăn. Nếu không có biên sử của Lê Hi, thì sẽ không có phần tường thuật về gia đình của Lê Hi, cuộc hành trình đi tới vùng đất hứa, hoặc nguồn gốc của dân Nê Phi và dân La Man.
Vào tháng Năm năm 1829, Chúa đã mặc khải cho Joseph biết một kế hoạch, thực hiện nhiều thế kỷ, để thay thế sách Lê Hi bằng cái mà bây giờ chúng ta biết là các bảng khắc nhỏ của Nê Phi. Các bảng khắc này chứa đựng một bản tóm lược về sách Lê Hi và những lời tiên tri cùng những lời giảng dạy của Nê Phi và các vị tiên tri khác. Những bài viết này, được chứa đựng trong Sách Mặc Môn từ Sách Nê Phi Thứ Nhất đến Lời Mặc Môn đã được Thượng Đế soi dẫn, được bảo tồn hàng trăm năm, và được Mặc Môn thêm vào biên sử dưới sự chỉ dẫn của Chúa.17
Joseph và Oliver đã không dịch lại sách Lê Hi. Chúa đã cảnh cáo Joseph rằng những kẻ ác đã thay đổi bản thảo gốc và đang rình chờ để phá hoại công việc của Chúa. Joseph đã dịch các bảng khắc nhỏ của Nê Phi và đặt bản dịch này ở phần đầu Sách Mặc Môn.
Bản dịch Sách Mặc Môn mang lại những kinh nghiệm kỳ diệu. Chức tư tế đã được phục hồi, và Joseph và Oliver đã chịu phép báp têm và tiếp nhận ân tứ Đức Thánh Linh.18 Mười một nhân chứng đã nhìn thấy các bảng khắc và làm chứng về sự chân thực của các bảng khắc này.
Sách Mặc Môn, với chứng ngôn của các nhân chứng, đã được xuất bản vào năm 1830. Martin Harris, một trong số các nhân chứng, đã cầm cố nông trại của ông để trả tiền cho việc ấn loát.
Tôi mang theo tôi hai kho báu từ các bộ sưu tập lịch sử của Giáo Hội mà tôi muốn cho các em thấy. Đầu tiên là một trang bản thảo gốc của Sách Mặc Môn. Trang này có bản dịch 1 Nê Phi 3:7 bằng tiếng Anh:
“Con sẽ đi và làm những gì Chúa đã truyền lệnh, vì con biết Chúa không ban ra một lệnh truyền nào cho con cái loài người mà Ngài lại không chuẩn bị sẵn một đường lối để họ có thể thực hiện được những điều Ngài phán truyền.”
Kho báu thứ hai là ấn bản đầu tiên của Sách Mặc Môn.
Điều mà Joseph nhận được qua sự mặc khải được in ra ở Palmyra và ở ngay đây trong Sách Mặc Môn. Câu chuyện mà tôi đã kể cho các em nghe về Joseph khi còn là một người thành niên trẻ tuổi, về Emma, Martin Harris, Oliver Cowdery, Mô Rô Ni, và Sách Mặc Môn là chân chính.
Điều Này Có Ý Nghĩa Gì đối với Các Em
Các em thân mến, tôi mời các em xem kinh nghiệm của các em theo bối cảnh của câu chuyện này. Chúa chuẩn bị và dạy cho các em, cũng như Ngài đã làm cho Joseph khi ông còn là người thành niên trẻ tuổi. Có những bài học quan trọng cho các em trong kinh nghiệm của Joseph. Buổi tối hôm nay tôi muốn tập trung vào ba điều: đức tin và sự tin cậy nơi Chúa Giê Su Ky Tô, sự hối cải, và quyền năng thuộc linh của Sách Mặc Môn.
Bài Học số 1: Đức Tin và Sự Tin Cậy nơi Chúa Giê Su Ky Tô
Tôi bắt đầu với bài học số 1: Đức tin và sự tin cậy nơi Chúa Giê Su Ky Tô.
Tôi muốn các em suy nghĩ một lát về hoàn cảnh của Joseph khi Martin Harris yêu cầu Joseph cầu xin Chúa lần thứ ba. Chúa đã hai lần nói không rồi. Lời yêu cầu thứ ba của Martin đã tạo ra tình trạng tiến thoái lưỡng nan cho Joseph. Đó là một thử thách cho đức tin của ông.
Hãy thử nghĩ về điều đó. Một mặt, Joseph có đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô và được ban phước với nhiều kinh nghiệm thuộc linh phi thường. Ông đã nhìn thấy và nói chuyện với Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử. Ông đã được gặp Mô Rô Ni và các vị tiên tri khác. Ông mới vừa trải qua công việc phiên dịch kỳ diệu Sách Lê Hi bằng cách sử dụng các dụng cụ phiên dịch và viên đá tiên kiến của Ngài.19
Mặt khác, Joseph mới 22 tuổi và có nhiều điều phải lo lắng. Ông đã có một người vợ tuyệt vời, đang mang thai đứa con đầu lòng của họ. Ông không có tiền, không học thức và không có phương tiện để lo liệu cho gia đình ông. Ông bị những người hoài nghi và những người ngược đãi vây quanh và chỉ có một vài người bạn. Không có chuyên gia tư vấn nào để hỏi, không có ban giám đốc nào, và không có chủ ngân hàng nào cho ông tiền bạc và lời khuyên. Ông biết rằng ông phải cho xuất bản biên sử, nhưng ông không biết làm sao để trả tiền cho việc ấn loát nếu Martin Harris bỏ rơi ông. Cuộc đời của ông đầy bấp bênh.
Mặc dù có nhiều kinh nghiệm thuộc linh dồi dào, nhưng Joseph vẫn “sợ loài người hơn sợ Thượng Đế”20 và chọn cầu xin lần thứ ba, do đó làm Chúa không hài lòng và bắt đầu những sự kiện dẫn đến việc mất tập bản thảo. Nhưng Chúa đã thương xót Joseph. Ngài đã giúp Joseph hối cải bằng cách dựa vào đức tin mà Joseph đã có, và Ngài đã chuẩn bị phương tiện để khắc phục việc mất tập bản thảo.
Hoàn cảnh của các em cũng giống như của Joseph trong nhiều phương diện. Các em là thành niên trẻ tuổi với những điều lo lắng và bấp bênh về hôn nhân và gia đình, về học vấn và việc làm, về việc tìm kiếm chỗ đứng của mình trên thế gian và trong vương quốc của Chúa. Có thể có những thử thách và vấn đề khác trong cuộc sống của các em nữa.
Giống như Joseph, các em đã có những phương tiện và kinh nghiệm thuộc linh. Các em đã cảm nhận được Thánh Linh của Chúa trong lời cầu nguyện, trong thánh thư, trong sự phục vụ người khác. Các em đã trải qua tình yêu thương, ân điển, và quyền năng của Chúa Giê Su Ky Tô trong sự hối cải, trong Tiệc Thánh, và trong đền thờ thánh.
Khi các em gặp những thử thách, và chắc chắn các em sẽ gặp, thì đừng để nỗi sợ ảnh hưởng những quyết định của các em hoặc dựa vào lời thuyết phục của con người. Thay vì thế, tôi mời các em làm những điều Chúa đã giúp Joseph làm. Tôi hứa với các em rằng những điều này sẽ mang sức mạnh thuộc linh vào cuộc sống của các em.
Thứ nhất, hãy rút ra những kinh nghiệm và phương tiện thuộc linh mà các em đã có để tìm cách gia tăng đức tin và sự tin cậy nơi Chúa Giê Su Ky Tô. Hãy trông cậy vào các phước lành thuộc linh mà các em đã cảm nhận và kinh nghiệm để có được sức mạnh tiến tới với đức tin nơi Đấng Cứu Rỗi. Ngài là phước lành quan trọng nhất trong tất cả các phước lành. Tình yêu thương của Ngài không bao giờ thất bại. Ngài sẽ ở bên các em trong mọi lúc khó khăn.
Thứ hai, hãy trông đợi với con mắt đức tin để thấy Đấng Cứu Rỗi tác động trong cuộc sống của các em như thế nào. Hãy ghi nhớ cách Chúa đã chuẩn bị cho Oliver Cowdery để làm người biên chép của Joseph và giúp Joseph khắc phục việc mất 116 trang với các bảng khắc nhỏ của Nê Phi.21 Chúa đã tác động trong cuộc sống của Joseph, và Ngài cũng tác động trong cuộc sống của các em. Các em có một lai lịch và mục đích vĩnh cửu và một số mệnh thiêng liêng. Chúa đang tác động trong cuộc sống của các em ngay bây giờ đây. Ngài đang ở trước mặt các em, tác động để mở các cánh cửa, chuẩn bị người khác để giúp đỡ các em và mở con đường trước mặt các em.
Bài Học số 2: Sự Hối Cải
Bây giờ tôi sẽ nói về bài học số 2: Sự hối cải.
Chúng ta hãy trở lại thời điểm mà Joseph khám phá ra tập bản thảo đã mất. Joseph biết rằng mình đã phạm tội đối với Chúa và vi phạm các lệnh truyền của Ngài. Lòng ông tràn ngập cảm giác tội lỗi và đau buồn. Nhưng Joseph đã tìm đến Chúa và tìm thấy phép lạ của sự tha thứ và niềm vui của sự cứu chuộc.
Chúa đã đặt Joseph ở một tiêu chuẩn đạo đức rất cao, một cách tuyệt đối. Ngài xem Joseph như là vị tiên tri vĩ đại mà Ngài muốn Joseph trở thành. Joseph sợ con người hơn sợ Thượng Đế. Ông đã tin cậy nơi sự hiểu biết của mình chứ không phải nơi Thượng Đế. Đối với Joseph, sự hối cải không phải là chỉ nói rằng: “Con đã phạm lỗi lầm. Con xin lỗi đã làm mất tập bản thảo.” Joseph cần phải khắc phục những thái độ, nỗi sợ hãi, và ý định trong cuộc sống của ông, những điều mà chính là nguyên nhân tội lỗi của ông. Và ông cần phải tăng trưởng, học hỏi và thay đổi tất cả trong suốt cuộc đời ông.
Joseph cần một sự thay đổi trong lòng mà chỉ có thể có được nhờ vào lòng thương xót, tình yêu thương và quyền năng của Chúa Giê Su Ky Tô. Đó chính là điều mà Joseph nhận được. Chúa biết rõ tiềm năng của đặc tính cao quý của Joseph. Khi Ngài phán cùng Joseph rằng: “Ngươi là Joseph. ... Hãy hối cải … , thì ngươi vẫn được chọn,”22 thì các em có thể nghe những lời đó mà Đấng Cứu Rỗi ban cho Joseph với tình yêu thương và lòng thương xót của Ngài, mong muốn Joseph thay đổi.
Các em cũng có thể nghe Chúa dạy cho Joseph biết thực sự ông là ai. Ông có thể đã lớn lên là một thiếu niên nghèo, không có học thức, nhưng đó không phải là con người thật sự của ông. Ông là Tiên Tri Joseph, một vị tiên kiến chọn lọc mà qua ông, Chúa Giê Su Ky Tô sẽ phục hồi phúc âm trọn vẹn của Ngài trên thế gian.
Khi Chúa kêu gọi Joseph hối cải, thì đó là lời kêu gọi Joseph phải có những thay đổi cần thiết để vươn lên nhằm đạt tới tiềm năng của ông và trở thành con người thật sự của ông qua quyền năng của Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô. Đấng Cứu Rỗi đã chịu đựng tất cả những gì Joseph đã trải qua, những điều có thật, khó khăn và đầy lo lắng. Chúa Giê Su Ky Tô đã ban cho Joseph cách tha thứ và cứu chuộc. Qua nhiều ngày, nhiều tuần, và nhiều tháng, Joseph đã tìm kiếm sự tha thứ của Chúa và quyền năng cứu chuộc của Ngài, và ông đã nhận được những điều đó.
Các em thân mến, Chúa cũng đặt các tiêu chuẩn đạo đức rất cao cho các em, một cách tuyệt đối. Ngài cư xử với các em như là người môn đồ dũng cảm, đầy lòng trắc ẩn mà Ngài muốn các em trở thành như vậy. Nhưng Ngài cũng yêu thương các em, như Ngài đã yêu thương Joseph. Thỉnh thoảng, chúng ta đều thất bại, và mỗi chúng ta cần các phước lành về sự hối cải.
Như các em có thể thấy trong kinh nghiệm của Joseph, sự hối cải còn có ý nghĩa nhiều hơn việc nói với Chúa và vị giám trợ của mình là mình đã làm điều gì đó sai. Phạm tội là xa lánh Chúa. Hối cải là quay lại với Ngài. Sự hối cải đòi hỏi một sự thay đổi trong lòng và tâm trí, một sự thay đổi cuộc sống phù hợp với hoàn cảnh cá nhân của các em.
Hơn nữa, sự hối cải ban phước cho các em một cách liên tục. Đó chính là cách mà Chúa giúp chúng ta làm tốt hơn và trở nên tốt hơn trong suốt cuộc sống của mình. Đó là cách mà các em vươn lên để đạt tới tiềm năng của mình và trở thành con người vĩnh cửu của mình với tư cách là các con trai và con gái của Thượng Đế và các tín đồ chân chính của Chúa Giê Su Ky Tô.
Các em thân mến, những lời hứa là có thật. Hãy hướng tới Chúa Giê Su Ky Tô, hối cải tội lỗi của các em và tuân giữ các lệnh truyền của Ngài. Ngài có lòng thương xót vô hạn,23 và như Joseph đã dạy về sau rằng: “Cha Thiên Thượng của chúng ta ... rộng lượng trong lòng thương xót và các phước lành của Ngài, hơn hẳn việc chúng ta sẵn sàng để tin tưởng hay tiếp nhận.”24 Chúa Giê Su Ky Tô đã chọn để chịu đau khổ cho những tội lỗi của các em và tất cả những nỗi đau khổ và buồn phiền của các em để Ngài có thể tha thứ, chữa lành, thay đổi, củng cố và ban phước cho các em với niềm vui. Ngài thật sự là Đấng Cứu Rỗi và Đấng Cứu Chuộc.
Bài Học số 3: Quyền Năng Thiêng Liêng của Sách Mặc Môn
Bây giờ tôi sẽ nói về bài học số 3: Quyền năng thiêng liêng của Sách Mặc Môn.
Ngay khi Joseph đã được tha thứ tội lỗi của mình, thì ông vui mừng nhận lại được các bảng khắc và các dụng cụ phiên dịch.25 Kinh nghiệm của ông với tập bản thảo bị mất đã khắc sâu vào tâm khảm của ông tầm quan trọng của Sách Mặc Môn trong công việc của Chúa. Sứ điệp chính yếu của các vị tiên tri trong Sách Mặc Môn là chứng ngôn của họ về Chúa Giê Su Ky Tô và giáo lý của Ngài. Có quyền năng thiêng liêng trong sách đó.
Chúng ta có thể thấy được quyền năng đó trong kinh nghiệm phiên dịch của Joseph. Công việc phiên dịch không phải được làm một cách máy móc. Đó là một kinh nghiệm thuộc linh, và đã dạy cho Joseph biết những tác động của Chúa và Đức Thánh Linh. Sách Mặc Môn là một kinh nghiệm mặc khải cho Joseph từ đầu đến cuối. Sách Mặc Môn đã dạy cho Joseph biết về giáo lý của Chúa Giê Su Ky Tô, và Chúa đã kêu gọi ông phải sống theo giáo lý đó—hành động với đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô, hối cải, chịu phép báp têm, và tiếp nhận Đức Thánh Linh.26
Chúa đã ban phước cho Joseph với quyền năng thiêng liêng được gia tăng trong những kinh nghiệm này. Ví dụ như sau khi chịu phép báp têm, ông nói rằng ông đã được “dẫy đầy Đức Thánh Linh,” và “ý tưởng và nghĩa thật của [thánh thư] được sáng tỏ đối với [sự hiểu biết của ông].”27
Chúa đã dùng sự ra đời của Sách Mặc Môn để dựng lên Joseph và mang Joseph đến gần Ngài hơn. Chúa đã giảng dạy cho Joseph và củng cố ông trong việc cho ra mắt sách đó bằng quyền năng của Đức Thánh Linh.
Sách Mặc Môn có thể là một kinh nghiệm mặc khải cho các em, cũng giống như cho Joseph.
Các vị tiên tri viết Sách Mặc Môn đã nhìn thấy thời kỳ của chúng ta. Họ đã viết cho chúng ta. Những lời của họ nói cho thời kỳ chúng ta, các nhu cầu, và mục đích của chúng ta. Nếu lòng các em rộng mở khi đọc và cầu nguyện về Sách Mặc Môn, thì Đức Thánh Linh28 sẽ “biểu lộ lẽ thật của điều này cho các [em].”29 Các em sẽ biết rằng Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Cứu Rỗi và Đấng Cứu Chuộc của các em và Joseph Smith là Vị Tiên Tri của Thời Kỳ Phục Hồi.
Cho dù các em chưa phải là tín hữu của Giáo Hội hay đã là tín hữu trong một thời gian dài hay ngắn, thì tôi cũng mời các em hãy làm điều Joseph đã làm—đọc Sách Mặc Môn, cầu nguyện về sách đó, hành động với đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô để hối cải, chịu phép báp têm, và tiếp nhận Đức Thánh Linh. Sau đó tiến lên để tiếp nhận và tuân giữ tất cả các giáo lễ và giao ước cứu rỗi, kể cả giáo lễ gắn bó trong đền thờ.
Tôi biết được quyền năng của Sách Mặc Môn từ rất nhiều kinh nghiệm cá nhân. Tôi muốn chia sẻ một trong số các kinh nghiệm này với các em buổi tối hôm nay mà đã xảy ra khi tôi còn là một thành niên trẻ tuổi. Tôi đã phục vụ truyền giáo ở Đức được hai tháng. Đó là hai tháng đầy khó khăn, và tôi đã nản lòng. Một buổi sáng nọ, tôi đã quỳ xuống cầu nguyện và thưa với Cha Thiên Thượng về những rắc rối của tôi. Tôi đã thưa với Ngài: “Thưa Cha Thiên Thượng, xin Ngài giúp con.” Trong khi cầu nguyện, tôi đã nghe một tiếng nói rất rõ ràng như thể ai đó đang đứng bên cạnh tôi. Tiếng nói đó là: “Hãy tin nơi Thượng Đế.”
Tôi ngồi trên giường và mở Sách Mặc Môn tới sách Mô Si A, chương 4, các câu 9 và 10, và đọc những lời của Vua Bên Gia Min:
“Hãy tin nơi Thượng Đế; hãy tin là Ngài hằng hữu, và Ngài đã sáng tạo vạn vật, cả trên trời lẫn dưới đất; hãy tin rằng Ngài có mọi sự thông sáng, mọi quyền năng, cả trên trời lẫn dưới đất; …
“… Hãy tin rằng, các người cần phải hối cải tội lỗi của mình và hãy từ bỏ những tội lỗi ấy đi, hãy biết hạ mình trước mặt Thượng Đế; … và giờ đây, nếu các người tin tất cả những điều này, thì các người hãy chú tâm thi hành những điều này đi.”30
Khi đọc những lời đó, tôi đã cảm thấy như thể Vua Bên Gia Min đang nói chuyện với tôi. Tôi cảm thấy quyền năng của Đức Thánh Linh trong lòng mình. Tôi biết đây là sự đáp ứng cho lời cầu nguyện của tôi. Tôi cần phải tin cậy Chúa, hối cải và đi làm việc. Từ ngày đó đến nay, Sách Mặc Môn đã trở thành nguồn quyền năng thuộc linh trong cuộc sống của tôi.
Các em thân mến, tôi biết Sách Mặc Môn sẽ dẫn các em đến với Chúa Giê Su Ky Tô và giáo lý của Ngài. Hãy đọc, nghiên cứu Sách Mặc Môn, cầu nguyện về sách đó, hãy tích trữ trong tâm trí mình sách đó mỗi một ngày, như Chủ Tịch Monson đã khuyên dạy chúng ta phải làm. Mỗi lần trong đời các em, Chúa và Đấng Cứu Rỗi của chúng ta sẽ phán sự bình an cho tâm hồn của các em, nâng đỡ và củng cố các em, và mang các em càng ngày càng đến gần Ngài hơn, trong sách đó, bằng quyền năng của Đức Thánh Linh.
Chứng ngôn
Ba bài học này từ những năm của Joseph khi còn là người thành niên trẻ tuổi làm chứng về quyền năng của Chúa Giê Su Ky Tô và giáo lý của Ngài. Tôi làm chứng rằng Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô, Vị Nam Tử hằng sống của Thượng Đế hằng sống. Có một Đấng Cứu Chuộc. Ngài hằng sống!
Tôi hy vọng và cầu nguyện rằng các em sẽ học hỏi từ cuộc đời của Joseph. Mặc dù ông đã gặp khó khăn trong những năm trưởng thành của mình, nhưng ông tin cậy nơi Chúa, và Chúa đã ban phước cho ông để trở thành vị tiên tri vĩ đại của Sự Phục Hồi. Joseph đã làm công việc thiêng liêng của Thượng Đế. Sự Phục Hồi là có thật! Hãy nhớ điều này: Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô, và Joseph là vị tiên tri của Ngài. Có một chuỗi nguyên vẹn các chìa khóa, thẩm quyền và quyền năng của chức tư tế mà liên kết Joseph Smith với Thomas S. Monson. Chủ Tịch Monson là vị tiên tri của Chúa trên thế gian ngày nay. Đó là tất cả sự thật.
Các em thân mến của tôi ở khắp nơi trên thế giới, buổi tối hôm nay, tôi nói với các em hãy tin cậy nơi Chúa Giê Su Ky Tô. Ngài biết rõ tên của Joseph; Ngài biết rõ tên của các em. Ngài yêu thương các em và tác động trong cuộc sống của các em. Qua lòng thương xót, ân điển và tình yêu thương của Ngài, các em có thể vươn lên và, giống như Tiên Tri Joseph, khắc phục mọi thử thách và trở thành con người mà các em đã được trù định từ trước, ấy là: Các Thánh Hữu Ngày Sau dũng cảm, trung thành, các vị lãnh đạo trong gia đình vĩnh cửu của mình và trong Giáo Hội chân chính và tại thế của Ngài, các môn đồ chân thật của Chúa Giê Su Ky Tô, đầy ánh sáng và tình yêu thương của Ngài, đã sẵn sàng để đón nhận Đấng Cứu Rỗi khi Ngài tái lâm. Tôi làm chứng như thế trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.
© 2015 by Intellectual Reserve, Inc. All rights reserved. English approval: 3/17. Bản dịch chuẩn nhận: 3/17. Bản dịch “Thou Art Joseph.” Vietnamese. PD60003848 435