2010–2019
Đặt Nền Móng cho một Công Việc Lớn Lao
Tháng Mười năm 2018


11:11

Đặt Nền Móng cho một Công Việc Lớn Lao

Các bài học được giảng dạy qua các truyền thống mà chúng ta thiết lập trong nhà của mình, dù nhỏ nhặt tầm thường, nhưng càng ngày càng quan trọng trong thế giới ngày nay.

Là cha mẹ ở Si Ôn, chúng ta có trách nhiệm thiêng liêng để giúp con cái chúng ta đạt được một ước mơ mãnh liệt và sự cam kết đối với niềm vui, ánh sáng và các lẽ thật của phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. Trong khi nuôi dạy con cái, chúng ta thiết lập những truyền thống trong nhà của mình và chúng ta tạo nên các mẫu mực giao tiếp và hành vi ở bên trong các mối quan hệ gia đình của chúng ta. Khi làm như vậy, các truyền thống mà chúng ta thiết lập sẽ ăn sâu vào những đặc tính mạnh mẽ, vững chắc về lòng nhân từ nơi con cái chúng ta mà sẽ mang lại sức mạnh để đương đầu với những thử thách của cuộc sống.

Trong nhiều năm, gia đình chúng tôi đã vui hưởng truyền thống đi cắm trại hằng năm ở vùng cao trên dãy Núi Uintah ở phía đông bắc Utah. Chúng tôi đi 32 kilômét trên một con đường đất đầy đá để đến một thung lũng xanh tươi tuyệt đẹp với vách núi cao chót vót và một dòng sông nước trong vắt và lạnh, chảy ngang qua đó. Mỗi năm, khi hy vọng sẽ lặp lại giá trị của giáo lý và những thực hành phúc âm trong lòng con cháu của mình, Susan và tôi yêu cầu mỗi đứa con trong số sáu đứa con trai và gia đình của chúng chuẩn bị một thông điệp ngắn về một đề tài mà chúng cảm thấy là một yếu tố quan trọng trong nền móng của một gia đình đặt Đấng Ky Tô làm trọng tâm. Sau đó chúng tôi quy tụ lại để tổ chức một buổi họp gia đình đặc biệt ở một nơi hẻo lánh, và mỗi gia đình của các con trai chúng tôi sẽ trình bày thông điệp của chúng.

Các thông điệp được viết lên trên đá

Năm nay, các cháu nội của chúng tôi viết đề tài của thông điệp của chúng lên trên đá, và sau đó, từng đứa cháu một, chôn các tảng đá đó bên cạnh nhau, tượng trưng cho một nền móng chắc chắn mà trên đó một cuộc sống hạnh phúc được thiết lập. Gồm vào trong cả sáu thông điệp của chúng là lẽ thật vĩnh cửu, bất biến rằng Chúa Giê Su Ky Tô là đá góc nhà của nền móng đó.

Theo lời của Ê Sai: “Vậy nên, Chúa Giê Hô Va phán như vầy: Nầy, ta đặt tại Si-ôn một hòn đá để làm nền, là đá đã thử nghiệm, là đá góc quí báu, là nền bền vững.”1 Chúa Giê Su Ky Tô là đá góc nhà quý báu trong nền móng Si Ôn. Chính Ngài đã tiết lộ cho Tiên Tri Joseph Smith: “Vậy nên, chớ mệt mỏi khi làm điều thiện, vì các ngươi đang đặt nền móng cho một công việc lớn lao. Và từ những việc nhỏ sẽ đưa lại những việc lớn.”2

Các bài học được giảng dạy qua các truyền thống mà chúng ta thiết lập trong nhà của mình, dù nhỏ nhặt tầm thường, nhưng càng ngày càng quan trọng trong thế giới ngày nay. Những chuyện nhỏ nhặt tầm thường nào, mà khi được thiết lập, sẽ thực hiện một công việc vĩ đại trong cuộc sống của con cái chúng ta?

Chủ Tịch Russell M. Nelson mới đây đã ngỏ lời với một giáo đoàn lớn ở Toronto, Canada, và đã xúc động nhắc nhở các bậc cha mẹ về trách nhiệm thiêng liêng mà chúng ta phải dạy cho con cái của mình. Trong số các trách nhiệm thiết yếu đã được nhận ra, Chủ Tịch Nelson nhấn mạnh đến các trách nhiệm mà cha mẹ phải dạy con cái chúng ta hiểu lý do tại sao chúng ta dự phần Tiệc Thánh, ý nghĩa của việc sinh ra trong giao ước, và tầm quan trọng của việc chuẩn bị và tiếp nhận một phước lành tộc trưởng, và ông đã khuyến khích cha mẹ hướng dẫn việc đọc thánh thư chung với gia đình.3 Qua những nỗ lực này, vị tiên tri yêu dấu của chúng ta khuyến khích chúng ta làm cho nhà mình thành “nơi tôn nghiêm của đức tin.”4

Trong Sách Mặc Môn, Ê Nót ghi lại lòng biết ơn sâu đậm mà ông cảm thấy về tấm gương của cha mình, là người “đã dạy [ông] bằng ngôn ngữ của ông và theo sự dưỡng dục cùng sự khuyên răn của Chúa.” Ê Nót đã xúc động kêu lên: “Phước thay danh Thượng Đế của tôi về vấn đề này.”5

Tôi trân quý những truyền thống nhỏ nhặt tầm thường mà chúng tôi đã thiết lập trong nhà mình trong suốt 35 năm chúng tôi kết hôn. Nhiều truyền thống của chúng tôi là nhỏ nhặt nhưng đầy ý nghĩa. Ví dụ:

  • Vào những buổi tối khi tôi xa nhà, tôi luôn luôn biết rằng đứa con trai lớn nhất của chúng tôi đang có mặt ở nhà sẽ tự nhận trách nhiệm, mà không cần được yêu cầu, để hướng dẫn gia đình trong việc học thánh thư và cầu nguyện chung gia đình.6

  • Một truyền thống khác nữa––chúng tôi không bao giờ ra khỏi nhà hoặc kết thúc một cuộc chuyện trò qua điện thoại mà không nói lời yêu thương nhau.

  • Cuộc sống của chúng tôi đã được ban phước bằng cách thường xuyên dành ra thời gian để vui hưởng các cuộc phỏng vấn cá nhân với mỗi đứa con trai của chúng tôi. Trong một cuộc phỏng vấn, tôi hỏi con trai chúng tôi về những ước muốn và sự chuẩn bị của nó để phục vụ truyền giáo. Sau một lúc thảo luận, có một giây phút im lặng suy ngẫm, rồi nó nghiêng người về phía trước và thận trọng nói: “Cha có nhớ khi con còn nhỏ và chúng ta bắt đầu cuộc phỏng vấn của người cha không?” Tôi nói: “Cha có nhớ.” Nó nói: “Vâng, con đã hứa với cha lúc ấy là con sẽ phục vụ truyền giáo, và cha và mẹ đã hứa với con là cha mẹ sẽ phục vụ truyền giáo khi lớn tuổi.” Rồi sau đó có một sự im lặng nữa. “Cha mẹ đang có vấn đề gì đó mà sẽ ngăn cản cha mẹ phục vụ truyền giáo à—vì có lẽ con có thể giúp đỡ được?”

Những truyền thống lành mạnh, kiên định trong gia đình gồm có sự cầu nguyện, đọc thánh thư, buổi họp tối gia đình, và tham dự các buổi họp của Giáo Hội, mặc dù dường như nhỏ nhặt tầm thường nhưng tạo nên một nền văn hóa yêu thương, kính trọng, đoàn kết và an toàn. Trong tinh thần đi kèm theo các nỗ lực này, con cái chúng ta trở nên được bảo vệ khỏi những mũi tên lửa của kẻ nghịch thù đã được gắn sâu vào trong nền văn hóa của thế gian của thời kỳ chúng ta.

Chúng ta nhớ tới lời dạy khôn ngoan của Hê La Man cho các con trai của ông: “Hãy nhớ rằng các con phải xây dựng nền móng của mình trên đá của Đấng Cứu Chuộc chúng ta, tức là Đấng Ky Tô, Vị Nam Tử của Thượng Đế; để cho khi nào quỷ dữ tung những ngọn gió mạnh của nó ra, phải, những mũi tên trong cơn gió lốc của nó, phải, khi những trận mưa đá và những cơn bão tố mãnh liệt của nó tới tấp đổ xuống trên các con, thì nó sẽ không có quyền năng nào để lôi kéo các con xuống vực thẳm khốn cùng và đau thương bất tận được, vì nhờ đá mà các con được xây cất trên đó, đá ấy là một nền móng vững chắc, là một nền móng mà nếu loài người xây dựng trên đó họ sẽ không thể nào đổ ngã được.”7

Cách đây nhiều năm, trong khi tôi đang phục vụ với tư cách là một giám trợ trẻ, một người đàn ông lớn tuổi đã xin gặp tôi. Ông ta đã mô tả việc ông rời bỏ Giáo Hội và những truyền thống ngay chính của cha mẹ ông trong thời niên thiếu của ông. Ông ta mô tả chi tiết nỗi đau khổ mà ông đã trải qua trong cuộc đời mình trong khi tìm kiếm một cách vô ích niềm vui lâu dài, giữa hạnh phúc tạm thời mà thế gian đã mang đến. Giờ đây, trong những năm cuối đời mình, ông đã trải qua những cảm giác dịu dàng, đôi khi là những lời mách bảo dai dẳng của Thánh Linh của Thượng Đế nhắc nhở ông về những bài học, những lối thực hành, cảm nghĩ và sự an toàn về tinh thần của thời niên thiếu. Ông bày tỏ lòng biết ơn đối với các truyền thống của cha mẹ mình, và bằng lời nói hiện đại, ông lặp lại lời tuyên bố của Ê Nót: “Phước thay danh Thượng Đế của tôi về vấn đề này.”

Theo kinh nghiệm của tôi, sự trở lại của người này với phúc âm cũng tương tự như kinh nghiệm của nhiều người khác và thường được lặp lại trong số các con cái của Thượng Đế, là những người đã bỏ đi một thời gian, và chỉ để trở về với những lời giảng dạy và lối thực hành trong tuổi thanh xuân của họ. Trong những giây phút đó, chúng ta chứng kiến sự thông sáng của tác giả châm ngôn, là người khuyên nhủ các bậc cha mẹ: “Hãy dạy cho trẻ thơ con đường nó phải theo: dầu khi nó trở về già, cũng không hề lìa khỏi đó.”8

Mỗi bậc cha mẹ phải đối phó với những giây phút thất vọng và nhiều mức độ quyết tâm và sức lực khác nhau trong khi nuôi dạy con cái. Tuy nhiên, khi cha mẹ thực hành đức tin bằng cách dạy dỗ con cái một cách kiên định, thành thật, trìu mến và làm hết sức mình để giúp đỡ chúng trong cuộc đời, thì họ nhận được nhiều hy vọng hơn rằng chúng sẽ chấp nhận các nguyên tắc mà họ đã dạy cho chúng.

Môi Se hiểu rõ sự cần thiết cơ bản của việc liên tục dạy dỗ. Ông dạy: “Khá ân cần dạy dỗ [những lời này] cho con cái ngươi và phải nói đến, hoặc khi ngươi ngồi trong nhà, hoặc khi đi ngoài đường, hoặc lúc ngươi nằm, hay là khi chổi dậy.”9

Chúng ta quỳ xuống bên cạnh con cái mình trong lúc cầu nguyện chung gia đình, chúng ta chăm sóc cho chúng qua những nỗ lực của mình để có buổi đọc thánh thư chung gia đình một cách có ý nghĩa, chúng ta kiên nhẫn, yêu thương chăm sóc chúng trong khi chúng ta cùng tham gia buổi họp tối gia đình với nhau, và chúng ta lo lắng cho chúng trong khi cầu nguyện lên thiên thượng. Ôi chúng ta thật sự mong muốn con cái mình chịu chấp nhận các nguyên tắc đúng đắn mà chúng ta đã dạy chúng.

Tôi tin rằng không cần phải lo lắng là con cái của chúng ta có “hiểu được hết” trong lúc chúng ta giảng dạy hay không, chẳng hạn như trong khi cố gắng đọc thánh thư hoặc có buổi họp tối gia đình hay tham gia Hội Hỗ Tương và các buổi họp khác của Giáo Hội. Không cần phải lo lắng là liệu trong những giây phút đó chúng có hiểu được tầm quan trọng của các sinh hoạt đó hay không mà điều quan trọng là liệu chúng ta, với tư cách là cha mẹ, có đang thực hành đủ đức tin để tuân theo lời dạy của Chúa để siêng năng sống theo, dạy dỗ, khuyên nhủ, và đặt ra những kỳ vọng được soi dẫn bởi phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. Đó là một nỗ lực thúc đẩy bởi đức tin của chúng ta––chúng ta tin rằng một ngày nào đó con cái mình sẽ tiếp nhận và sống theo các nguyên tắc mà chúng ta đã dạy chúng trong tuổi thanh xuân của chúng.

Những điều chúng ta nói đến, những điều chúng ta thuyết giảng và dạy dỗ xác định cho những điều sẽ xảy ra ở giữa chúng ta. Khi chúng ta thiết lập những truyền thống lành mạnh giảng dạy giáo lý của Đấng Ky Tô, thì Đức Thánh Linh làm chứng về lẽ trung thực của sứ điệp của chúng ta và nhấn mạnh các nguyên tắc mà chúng ta đã dạy cho con cái mình bằng những nỗ lực của mình trong suốt cuộc đời. Tôi làm chứng như vậy trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.