2010–2019
Mang Lấy Danh của Chúa Giê Su Ky Tô
Tháng Mười năm 2018


10:25

Mang Lấy Danh của Chúa Giê Su Ky Tô

Cầu xin cho chúng ta sẽ trung tín mang lấy danh của Chúa Giê Su Ky Tô—bằng cách thấy như Ngài thấy, bằng cách phục vụ như Ngài đã phục vụ, và bằng cách tin tưởng rằng ân điển của Ngài là đủ.

Thưa anh chị em thân mến của tôi, gần đây, khi suy ngẫm về lời đề nghị của Chủ Tịch Russell M. Nelson để gọi Giáo Hội bằng tên đã được mặc khải, tôi đã tìm kiếm trong thánh thư khi mà Đấng Cứu Rỗi hướng dẫn dân Nê Phi về tên của Giáo Hội.1 Khi đọc những lời của Đấng Cứu Rỗi, tôi cảm thấy kinh ngạc bởi cách Ngài cũng bảo dân chúng rằng “ngươi phải mang lấy danh của Đấng Ky Tô.”2 Điều này khiến tôi nhìn lại bản thân mình và tự hỏi: “Tôi có đang mang lấy danh của Đấng Cứu Rỗi theo cách Ngài muốn tôi làm như vậy không?”3 Hôm nay, tôi muốn chia sẻ một vài ấn tượng tôi nhận được trong sự đáp ứng cho câu hỏi của tôi.

Thứ nhất, việc mang lấy danh của Đấng Ky Tô có nghĩa là chúng ta cố gắng một cách trung tín để thấy như Thượng Đế thấy.4 Thượng Đế nhìn thấy như thế nào? Joseph Smith đã nói: “Trong khi một phần nhân loại phê phán và kết tội phần nhân loại khác một cách không thương xót, thì Đấng Phụ Thân Vĩ Đại của vũ trụ nhìn xuống toàn thể gia đình nhân loại với một mối quan tâm và tình yêu thương của một người cha,” vì “tình yêu thương của Ngài [rất] bao la không thể hiểu nổi.”5

Cách đây một vài năm, chị của tôi đã qua đời. Chị ấy đã có một cuộc đời đầy gian truân. Chị gặp khó khăn với phúc âm và chưa bao giờ thực sự tích cực cả. Chồng của chị từ bỏ cuộc hôn nhân của họ và bỏ đi, để lại cho chị bốn đứa con nhỏ phải nuôi lớn. Vào buổi tối hôm chị ấy mất, trong căn phòng với sự có mặt của các con của chị, tôi đã ban cho chị một phước lành để trở về nhà một cách bình yên. Ngay tại thời điểm đó, tôi nhận ra rằng mình đã luôn thường định nghĩa cuộc đời của chị bằng những thử thách và việc chị kém tích cực. Khi đặt tay lên đầu của chị vào buổi tối hôm đó, tôi đã nhận được một sự sửa phạt khắt khe từ Thánh Linh. Tôi đã nhận thức được một cách sâu sắc sự tốt lành của chị và được phép thấy chị như Thượng Đế thấy chị—không phải là một người gặp khó khăn với phúc âm và cuộc sống nhưng là một người đã phải đối mặt với những vấn đề khó khăn mà tôi đã không phải đối mặt. Tôi đã thấy chị là một người mẹ tuyệt vời, mặc cho những chướng ngại lớn lao, đã nuôi lớn bốn người con xinh đẹp và tuyệt vời. Tôi đã thấy chị là một người bạn của mẹ chúng tôi, đã dành thời gian để chăm sóc và làm một người bạn đồng hành của bà sau khi cha chúng tôi qua đời.

Trong suốt buổi tối cuối cùng đó với chị của mình, tôi tin rằng Thượng Đế đã hỏi tôi: “Con không thấy rằng mỗi một người xung quanh con là một cá thể thiêng liêng sao?”

Chủ Tịch Brigham Young đã dạy:

“Tôi muốn thúc đẩy các Thánh Hữu … để hiểu những người nam và người nữ bằng con người của họ chứ không phải hiểu họ bằng con người của anh chị em.”6

“Chúng ta thường nghe—‘Người đó đã làm sai và không thể là một Thánh Hữu được.’ … Chúng ta nghe một vài người nói tục và nói dối … [hoặc] không tuân giữ ngày Sa Bát. … Đừng phán xét những người như vậy, vì anh chị em không biết kế hoạch của Chúa dành cho họ. … [Thay vào đó,] hãy nhẫn nhịn với họ.”7

Có ai trong số anh chị em có thể tưởng tượng rằng Đấng Cứu Rỗi để cho anh chị em và những gánh nặng của anh chị em thoáng qua Ngài mà không để ý đến không? Đấng Cứu Rỗi nhìn người Sa Ma Ri, người phạm tội thông dâm, người thu thuế, người bị bệnh phong, người bị bệnh tâm thần, và những người phạm tội với cùng một ánh mắt. Tất cả đều là con cái của Cha Ngài. Tất cả đều có thể được cứu chuộc.

Anh chị em có thể tưởng tượng được Ngài quay lưng lại với một ai đó đang nghi ngờ về vị trí của họ trong vương quốc của Thượng Đế hoặc bị đau khổ theo bất cứ cách thức nào không?8 Tôi thì không thể tưởng tượng được. Trong mắt của Đấng Ky Tô, mỗi linh hồn đều có giá trị vô tận. Không một ai được định trước là sẽ thất bại. Tất cả mọi người đều có thể có được cuộc sống vĩnh cửu.9

Từ sự sửa phạt từ Thánh Linh tại bên giường của chị tôi, tôi đã học được một bài học lớn lao: rằng khi chúng ta thấy như Ngài thấy, chiến thắng của chúng ta sẽ là chiến thắng nhân đôi—sự cứu chuộc cho những người chúng ta tác động đến và sự cứu chuộc cho bản thân chúng ta.

Thứ hai, để mang lấy danh của Đấng Ky Tô, chúng ta không chỉ phải thấy như Thượng Đế thấy mà chúng ta còn phải làm công việc của Ngài và phục vụ như Ngài đã phục vụ. Chúng ta sống theo hai giáo lệnh lớn, tuân phục theo ý muốn của Thượng Đế, quy tụ Y Sơ Ra Ên, và để cho ánh sáng của chúng ta “soi trước mặt người ta.”10 Chúng ta tiếp nhận và sống theo các giao ước và giáo lễ của Giáo Hội phục hồi của Ngài.11 Khi chúng ta làm điều này, Chúa ban cho chúng ta quyền năng để ban phước cho bản thân chúng ta, gia đình chúng ta, và cuộc sống của những người khác.12 Hãy tự hỏi: “Tôi có biết bất kỳ ai mà không cần quyền năng của thiên thượng trong cuộc sống của họ không?”

Thượng Đế sẽ làm những điều kỳ diệu giữa chúng ta khi chúng ta thánh hóa bản thân mình.13 Chúng ta thánh hóa bản thân mình bằng cách thanh tẩy tấm lòng của mình.14 Chúng ta thanh tẩy tấm lòng của mình khi chúng ta nghe lời Ngài,15 hối cải tội lỗi của mình,16 trở nên được cải đạo,17 và yêu thương như Ngài yêu thương.18 Đấng Cứu Rỗi đã hỏi chúng ta: “Nếu các ngươi yêu những kẻ yêu mình, thì có được thưởng gì đâu?”19

Gần đây, tôi biết được về một kinh nghiệm trong cuộc đời của Anh Cả James E. Talmage mà đã khiến tôi dừng lại và suy ngẫm về cách tôi yêu thương và phục vụ những người xung quanh mình. Khi còn là một giáo sư trẻ, trước khi ông trở thành một Vị Sứ Đồ, trong đỉnh điểm của căn bệnh dịch bạch hầu chết người năm 1892, Anh Cả Talmage đã phát hiện ra một gia đình người lạ, không phải là tín hữu của Giáo Hội, sống gần ông và đang bị mắc căn bệnh này. Không ai muốn mạo hiểm bản thân mình để vào trong ngôi nhà bị nhiễm bệnh này. Tuy nhiên, Anh Cả Talmage ngay lập tức đã đến nhà của họ. Ông đã tìm thấy bốn đứa trẻ: một đứa bé hai tuổi rưỡi nằm chết trên giường, một đứa bé năm tuổi và một đứa bé mười tuổi đang trong cơn đau đớn, và một đứa bé mười ba tuổi yếu ớt. Cha mẹ của chúng thì đang phải gánh chịu nỗi đau khổ và sự suy nhược.

Anh Cả Talmage đã chăm lo cho cả người chết lẫn người sống, quét dọn các phòng, bỏ quần áo dơ bẩn ra ngoài, và đốt những miếng giẻ bẩn phủ đầy bệnh tật. Ông đã làm việc cả ngày và trở lại vào sáng hôm sau. Đứa bé mười tuổi đã mất trong đêm. Ông đã bồng đứa bé năm tuổi lên và ôm nó. Cô bé ho ra chất nhầy có máu lên đầy mặt và quần áo của ông. Ông đã viết: “Tôi không thể bỏ cô bé xuống được.” Và ông đã ôm cô bé cho đến khi cô bé chết trong tay ông. Ông đã giúp chôn ba đứa bé và sắp xếp thức ăn và quần áo sạch cho gia đình đau thương này. Trên đường về nhà, Anh Talmage đã vứt bỏ quần áo của mình, tắm trong dung dịch kẽm, cách ly bản thân khỏi gia đình mình, và chịu đựng một đợt tấn công nhẹ từ căn bệnh này.20

Có rất nhiều những mảnh đời xung quanh chúng ta đang nằm trong vòng nguy hiểm. Các Thánh Hữu mang lấy danh của Đấng Cứu Rỗi bằng cách trở nên thánh hóa và phục sự tất cả mọi người cho dù họ là ai đi nữa—nhiều mảnh đời sẽ được cứu khi chúng ta làm như vậy.21

Cuối cùng, tôi tin rằng để mang lấy danh của Ngài, chúng ta phải tin cậy nơi Ngài. Tại một buổi họp tôi đã tham dự vào một ngày Chủ Nhật nọ, một thiếu nữ đã hỏi một điều đại loại như sau: “Bạn trai của em và em vừa mới chia tay, và anh ấy chọn rời khỏi Giáo Hội. Anh ấy nói với em anh ấy chưa bao giờ hạnh phúc hơn. Làm sao lại có điều này được ạ?”

Đấng Cứu Rỗi đã trả lời câu hỏi này khi Ngài nói với dân Nê phi: “Nhưng nếu [cuộc sống của ngươi] không xây dựng trên phúc âm của ta mà lại xây dựng trên công việc của loài người, hay trên công việc của quỷ dữ, thì quả thật ta nói cho các ngươi hay, [các ngươi sẽ] chỉ vui mừng cho công việc của [các ngươi] có một thời gian mà thôi, rồi khi ngày cuối cùng đến.”22 Đơn giản là không có một niềm vui nào lâu dài bên ngoài phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô.

Tuy nhiên, tại buổi họp đó, tôi đã nghĩ về nhiều người tốt tôi biết đang vật lộn với những gánh nặng lớn lao và những lệnh truyền mà vô cùng khó khăn đối với họ. Tôi tự hỏi: “Đấng Cứu Rỗi sẽ nói gì nữa với họ?23 Tôi tin rằng Ngài sẽ hỏi: “Ngươi có tin ta không?”24 Với người phụ nữ bị bệnh về huyết, Ngài nói: “Đức tin ngươi đã chữa lành ngươi; hãy đi cho bình an.”25

Một trong những câu thánh thư yêu thích của tôi là Giăng 4:4: “Nhưng Ngài phải đi ngang qua vùng Sa Ma Ri.”

Tại sao tôi yêu thích câu thánh thư đó? Bởi vì Chúa Giê Su không cần phải đi qua vùng Sa Ma Ri. Những người Do Thái thời của Ngài ghét những người Sa Ma Ri và hành trình theo con đường xung quanh Sa Ma Ri. Nhưng Chúa Giê Su đã chọn để đi đến đó và lần đầu tiên tuyên bố trước toàn thế gian rằng Ngài là Đấng Mê Si đã được hứa. Đối với sứ điệp này, Ngài không những đã chọn một nhóm người bị ruồng bỏ, mà còn chọn một người phụ nữ—và không phải là bất kỳ người phụ nữ nào nhưng là một người phụ nữ đang sống trong tội lỗi—một người mà vào thời điểm đó được cho là tệ hại nhất trong những người tệ hại. Tôi tin rằng Chúa Giê Su đã làm điều này để mỗi người chúng ta có thể luôn hiểu được rằng tình yêu thương của Ngài lớn lao hơn những nỗi sợ hãi, vết thương, thói nghiện ngập, sự nghi ngờ, sự cám dỗ, tội lỗi, gia đình tan vỡ, sự căng thẳng và nỗi lo âu, căn bệnh kinh niên, sự nghèo khó, sự lạm dụng, nỗi tuyệt vọng, và nỗi cô đơn của chúng ta.26 Ngài muốn tất cả mọi người biết rằng không có gì và không có ai mà Ngài không thể chữa lành và mang lại niềm vui vĩnh cửu.27

Ân điển của Ngài là đủ.28 Một mình Ngài đã hạ mình xuống thấp hơn tất cả mọi vật. Quyền năng của Sự Chuộc Tội của Ngài là quyền năng khắc phục bất kỳ gánh nặng nào trong cuộc sống của chúng ta.29 Sứ điệp về người đàn bà tại cái giếng là Ngài biết hoàn cảnh cuộc sống của chúng ta30 và rằng chúng ta luôn có thể đi cùng với Ngài cho dù chúng ta đang ở đâu đi nữa. Đối với người đàn bà đó và đối với mỗi người chúng ta, Ngài phán: “Phàm ai uống nước ta sẽ cho, thì chẳng hề khát nữa; nhưng [sẽ thành] một mạch nước trong người đó văng ra cho đến sự sống đời đời.”31

Trong bất kỳ cuộc hành trình nào trong cuộc sống, tại sao anh chị em lại bao giờ quay lưng với Đấng Cứu Rỗi duy nhất, là đấng có tất cả quyền năng để chữa lành và giải thoát cho anh chị em? Bất kỳ cái giá anh chị em phải trả để tin cậy nơi Ngài là gì thì đều hoàn toàn xứng đáng. Các anh chị em thân mến của tôi, chúng ta hãy chọn để gia tăng đức tin của mình nơi Cha Thiên Thượng và Đấng Cứu Rỗi của chúng ta, Chúa Giê Su Ky Tô.

Từ trong sâu thẳm tâm hồn mình, tôi làm chứng rằng Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô là Giáo Hội của Đấng Cứu Rỗi, được hướng dẫn bởi Đấng Ky Tô hằng sống qua một vị tiên tri tại thế. Lời cầu nguyện của tôi là chúng ta sẽ trung tín mang lấy danh của Chúa Giê Su Ky Tô—bằng cách thấy như Ngài thấy, bằng cách phục vụ như Ngài đã phục vụ, và bằng cách tin tưởng rằng ân điển của Ngài là đủ để mang chúng ta về nhà và đến niềm vui vĩnh cửu. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Xin xem 3 Nê Phi 27:3–8.

  2. Xin xem 3 Nê Phi 27:5–6; xin xem thêm Giáo Lý và Giao Ước 20:77 và giao ước Tiệc Thánh.

  3. Xin xem Dallin H. Oaks, His Holy Name (năm 1998) để nghiên cứu tổng quan về việc mang lấy danh của Đấng Ky Tô và làm một nhân chứng về danh của Chúa Giê Su Ky Tô.

  4. Xin xem Mô Si A 5:2–3. Một phần của sự thay đổi lớn lao trong tấm lòng của những người dân của Vua Bên Gia Min mà đã mang lấy danh của Đấng Ky Tô là mắt của họ được mở ra để thấy “những viễn cảnh lớn lao.” Những người thừa hưởng vương quốc thượng thiên là những cá nhân “trông thấy như họ được trông thấy” (Giáo Lý và Giao Ước 76:94).

  5. Những Lời Giảng Dạy của Các Vị Chủ Tịch Giáo Hội: Joseph Smith (năm 2007), trang 434.

  6. Brigham Young, Discourse, trong Journal of Discourses, 8:37.

  7. Discourses of Brigham Young, John A. Widtsoe tuyển chọn (năm 1954), trang 278.

  8. Xin xem 3 Nê Phi 17:7.

  9. Xin xem Giăng 3:14–17; Công Vụ Các Sứ Đồ 10:34; 1 Nê Phi 17:35; 2 Nê Phi 26:33; Giáo Lý và Giao Ước 50:41–42; Môi Se 1:39. Anh cả D. Todd Christofferson đã giảng dạy: “Với sự tin tưởng, chúng ta làm chứng rằng Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô đã đoán trước và cuối cùng, sẽ bù đắp tất cả những điều thiếu thốn và mất mát cho những người hướng tới Ngài. Không một ai bị tiền định để nhận được ít hơn tất cả những gì mà Đức Chúa Cha dành cho con cái của Ngài” (“Tại Sao Chúng Ta Phải Kết Hôn và Có Gia Đình,” Liahona, tháng Năm năm 2015, trang 52).

  10. Xin xem Ma Thi Ơ 5:14–16; 22:35–40; Mô Si A 3:19; Giáo Lý và Giao Ước 50:13–14; 133:5; xin xem thêm Russell M. Nelson, “Sự Quy Tụ Dân Y Sơ Ra Ên Đã Bị Phân Tán,” Liahona, tháng Mười Một năm 2006, trang 79–81.

  11. Xin xem Lê Vi Ký 18:4; 2 Nê Phi 31:5–12; Giáo Lý và Giao Ước 1:12–16; 136:4; Những Tín Điều 1:3–4.

  12. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 84:20–21; 110:9.

  13. Xin xem Giô Suê 3:5; Giáo Lý và Giao Ước 43:16; xin xem thêm Giăng 17:19. Đấng Cứu Rỗi đã thánh hóa bản thân Ngài để có quyền năng ban phước cho chúng ta.

  14. Xin xem Hê La Man 3:35; Giáo Lý và Giao Ước 12:6–9; 88:74.

  15. Xin xem Joseph Smith—Lịch Sử 1:17, lệnh truyền đầu tiên Thượng Đế ban cho Tiên Tri Joseph Smith trong khải tượng; xin xem thêm 2 Nê Phi 9:29; 3 Nê Phi 28:34.

  16. Xin xem Mác 1:15; Công Vụ Các Sứ Đồ 3:19; An Ma 5:33; 42:22; Giáo Lý và Giao Ước 19:4–20. Suy ngẫm thêm hai suy nghĩ này về tội lỗi. Thứ nhất, Hugh Nibley viết: “Tội lỗi là sự hoang phí. Nó là việc anh chị em làm điều này khi mình nên làm những điều khác tốt hơn nữa mà anh chị em có khả năng để làm” (Approaching Zion, Don E. Norton biên soạn [năm 1989], trang 66). Mẹ của John Wesley, Susanna Wesley, đã viết cho con trai của bà: “Hãy tuân theo nguyên tắc này. Tránh bất cứ điều gì làm suy yếu lý trí của con, làm suy yếu tính dịu dàng của lương tâm con, che khuất ý thức của con về Thượng Đế, làm giảm bớt lòng nhiệt tình của con đối với những sự việc thuộc linh, … bất cứ điều gì gia tăng … quyền hạn của thể xác đối với tâm trí; điều đó là tội lỗi đối với con, cho dù nó có dường như là ngây thơ đến chừng nào” (Susanna Wesley: The Complete Writings, Charles Wallace Jr. biên soạn [năm 1997], trang 109).

  17. Xin xem Lu Ca 22:32; 3 Nê Phi 9:11, 20.

  18. Xin xem Giăng 13:2–15, 34. Vào đêm trước Sự Chuộc Tội của Ngài, Đấng Cứu Rỗi đã rửa chân cho người đã phản bội Ngài, cho người đã chối bỏ Ngài, và cho những người khác mà đã ngủ trong những giờ phút Ngài cần đến họ nhất. Ngài sau đó đã giảng dạy: “Ta ban cho các ngươi một điều răn mới, nghĩa là các ngươi phải yêu nhau; như ta đã yêu các ngươi thể nào, thì các ngươi cũng hãy yêu nhau thể ấy.”

  19. Ma Thi Ơ 5:46.

  20. Xin xem John R. Talmage, The Talmage Story: Life of James E. Talmage—Educator, Scientist, Apostle (năm 1972), trang 112–114.

  21. Xin xem An Ma 10:22–23; 62:40.

  22. 3 Nê Phi 27:11.

  23. Trong Ma Thi Ơ 11:28, 30, Chúa đã phán: “Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ. … Vì ách ta dễ chịu và gánh ta nhẹ nhàng.” Cũng suy ngẫm thêm 2 Cô Rinh Tô 12:7–9: Phao Lô đã mô tả sự chịu đựng là “cái dằm xóc vào thịt,” mà ông ước rằng có thể được lấy bỏ ra. Nhưng Chúa phán rằng: “Ân điển ta đủ cho ngươi rồi, vì sức mạnh của ta nên trọn vẹn trong sự yếu đuối.” Xin xem thêm Ê The 12:27.

  24. Xin xem Mô Si A 7:33; 29:20; Hê La Man 12:1; Giáo Lý và Giao Ước 124:87.

  25. Xin xem Lu Ca 8:43–48; Mác 5:25–34. Người phụ nữ bị bệnh về huyết đang tuyệt vọng và không còn sự lựa chọn nào nữa. Bà ấy đã phải chịu đựng suốt 12 năm, đã hao tốn hết tiền bạc mình có cho thầy thuốc, và bệnh tình thì càng trầm trọng hơn. Bị đuổi khỏi đám dân và gia đình của mình, bà ấy đã có chủ định chen qua khỏi đám đông và lao đến Đấng Cứu Rỗi. Bà có sự tin cậy và đức tin hoàn toàn nơi Đấng Cứu Rỗi, và Ngài cảm thấy bà chạm vào áo Ngài. Do đức tin đó, Ngài lập tức chữa lành hoàn toàn cho bà. Rồi Ngài gọi bà là “con gái.” Bà không còn là một người bị ruồng bỏ nữa mà là một người trong gia đình của Thượng Đế. Sự chữa lành của bà là về thể xác, xã hội, tình cảm và tinh thần. Những thử thách có thể kéo dài nhiều năm hoặc cả một đời người, nhưng lời hứa của Ngài về sự chữa lành là chắc chắn và tuyệt đối.

  26. Xin xem Lu Ca 4:21; Giăng 4:6–26. Lu Ca, không phải là Giăng, ghi chép rằng vào lúc ban đầu trong giáo vụ của Chúa Giê Su, Ngài đã đến nhà thờ phượng của Ngài ở Na Xa Rét, đọc một đoạn từ lời tiên tri của Ê Sai về Đấng Mê Si rồi Ngài phán: “Hôm nay đã được ứng nghiệm lời Kinh Thánh mà các ngươi mới vừa nghe đó.” Đây là lần đầu tiên được ghi chép lại mà Đấng Cứu Rỗi nói về bản thân Ngài với tư cách là Đấng Mê Si. Tuy nhiên, tại cái giếng Gia Cốp, Giăng đã ghi chép lại lần đầu tiên Chúa phán bảo Ngài là Đấng Mê Si ở nơi công cộng. Trong bối cảnh này, vì người Sa Ma Ri được xem là những người không phải người Do Thái nên Chúa Giê Su cũng dạy rằng phúc âm của Ngài là cho tất cả, cả người Do Thái lẫn Dân Ngoại. Lời tuyên phán này xảy ra lúc “giờ thứ sáu,” hoặc là lúc trưa, khi mà trái đất nhận được ánh sáng nhiều nhất từ mặt trời. Cái giếng Gia Cốp cũng nằm ở trong thung lũng cạnh chính nơi mà dân Y Sơ Ra Ên xưa đã lập giao ước trịnh trọng với Chúa sau khi vào đất hứa. Một điều thú vị là một bên của thung lũng là một núi khô cằn và bên kia là một ngọn núi đầy những con suối nước mang lại sự sống.

  27. Anh Cả Neal A. Maxwell đã giảng dạy: “Khi ở trong những tình huống căng thẳng, chúng ta tự hỏi liệu mình còn có gì để cho đi, chúng ta có thể được an ủi để biết rằng Thượng Đế, Đấng biết một cách hoàn hảo khả năng của chúng ta, đã đặt chúng ta ở đây để thành công. Không một ai được tiền định để thất bại hay là để tà ác. … Khi cảm thấy quá sức mình, chúng ta hãy nhớ lại lời đảm bảo rằng Thượng Đế sẽ không đưa ra những thử thách quá sức cho chúng ta” (“Meeting the Challenges of Today” [buổi họp đặc biệt devotional tại trường đại học Brigham Young University, ngày 10 tháng Mười năm 1978], trang 9, speeches.byu.edu).

  28. Chủ Tịch Russell M. Nelson đã giảng dạy:

    “Đến một ngày nào đó, các em sẽ trình diện trước Đấng Cứu Rỗi. Lòng của các em sẽ tràn đầy cảm xúc đến rơi lệ khi ở trong sự hiện diện thiêng liêng của Ngài. Các em sẽ rất khó tìm ra những lời cảm tạ Ngài vì Ngài đã chuộc trả tội lỗi của các em, đã tha thứ cho các em về bất cứ sự tàn nhẫn nào của các em đối với người khác, để chữa lành cho các em khỏi những thương tích và bất công của cuộc đời này.

    “Các em sẽ cám ơn Ngài vì đã thêm sức cho các em để làm điều không thể làm được, để biến những yếu kém của các em thành những ưu điểm, và để làm cho các em có thể sống với Ngài và gia đình của các em vĩnh viễn. Danh tính của Ngài, Sự Chuộc Tội của Ngài, và các thuộc tính của Ngài sẽ trở nên riêng tư và thực sự cho các em” (“Các Vị Tiên Tri, Sự Lãnh Đạo và Luật Pháp Thiêng Liêng” [worldwide devotional for young adults, ngày 8 tháng Một năm 2017], broadcasts.lds.org).

  29. Xin xem Ê Sai 53:3–5; An Ma 7:11–13; Giáo Lý và Giao Ước 122:5–9.

  30. Xin xem Joseph Smith—Lịch Sử 1:17; Elaine S. Dalton, “Ngài Biết Đích Danh Các Em,” Liahona, tháng Năm năm 2005, trang 109–111.

  31. Giăng 4:14.