2010–2019
Chăm Nom Các Linh Hồn
Tháng Mười năm 2018


15:11

Chăm Nom Các Linh Hồn

Chúng ta tìm đến những người khác với tình yêu thương bởi vì đó là điều mà Đấng Cứu Rỗi của chúng ta truyền lệnh cho chúng ta phải làm.

Trong cuộc trò chuyện gần đây với một người bạn của tôi, anh ấy đã kể với tôi rằng khi anh ấy còn trẻ, là một tín hữu mới được báp têm của Giáo Hội, anh ấy đột nhiên bắt đầu cảm thấy không được chào đón trong tiểu giáo khu của mình nữa. Những người truyền giáo giảng dạy anh ấy đã được thuyên chuyển đi nơi khác, và anh ấy cảm thấy như không ai quan tâm đến mình. Không có bạn bè trong tiểu giáo khu, anh ấy đã tìm đến những bạn bè cũ và cùng họ tham gia vào những sinh hoạt mà kéo anh ấy khỏi việc tham dự nhà thờ—đến nỗi anh ấy bắt đầu lạc khỏi đàn chiên. Với đôi mắt ướt lệ, anh ấy mô tả mình biết ơn sâu sắc như thế nào khi một tín hữu trong tiểu giáo khu đến phục sự anh và chân thành mời anh trở lại. Trong vòng vài tháng, anh ấy đã tích cực tham gia trong Giáo Hội, củng cố những người khác cũng như chính bản thân anh. Chúng ta chẳng rất biết ơn người chăn chiên ở Brazil, là người đã đi tìm kiếm chàng thanh niên này, Anh Cả Carlos A. Godoy, là người bây giờ đang ngồi phía sau tôi với tư cách là một thành viên trong Chủ Tịch Đoàn Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi sao?

Cách mà những nỗ lực nhỏ bé như vậy có thể có những kết quả vĩnh cửu thật đáng chú ý phải không? Lẽ thật này là cốt lõi trong những nỗ lực phục sự của Giáo Hội. Cha Thiên Thượng có thể biến những nỗ lực nhỏ bé, hằng ngày của chúng ta thành điều kỳ diệu. Mới chỉ sáu tháng từ khi Chủ Tịch Russell M. Nelson thông báo rằng “Chúa đã thực hiện những thay đổi quan trọng trong cách mà chúng ta chăm sóc lẫn nhau,”1 và giải thích: “Chúng ta sẽ thực hiện một phương pháp mới hơn, thiêng liêng hơn để chăm sóc và phục sự người khác. “Chúng ta sẽ đề cập đến những nỗ lực này một cách đơn giản là ‘phục sự.’”2

Chủ Tịch Nelson cũng giải thích: “Một điểm đặc biệt của Giáo Hội chân chính và sinh động của Chúa sẽ luôn luôn là một nỗ lực được tổ chức, được hướng dẫn để phục sự cho từng con cái của Thượng Đế và gia đình họ. Vì đó là Giáo Hội của Ngài, nên chúng ta với tư cách là các tôi tớ của Ngài sẽ phục sự cho từng người cũng giống như Ngài đã làm. Chúng ta sẽ phục sự trong danh Ngài, với quyền năng và thẩm quyền của Ngài, và với lòng nhân từ tử tế của Ngài.”3

Kể từ thông báo đó, sự đáp ứng của anh chị em thật đáng kinh ngạc! Chúng tôi đã nhận được những báo cáo về sự thành công lớn lao trong việc thực hiện những sự thay đổi này ở hầu hết mọi giáo khu trên thế giới như đã được hướng dẫn bởi vị tiên tri tại thế của chúng ta. Ví dụ, việc phục sự cho anh chị em đã được chỉ định cho các gia đình, cặp bạn đồng hành—kể cả thiếu niên và thiếu nữ—đã được tổ chức, và những cuộc phỏng vấn về việc phục sự đang diễn ra.

Tôi không nghĩ đó là một sự trùng hợp ngẫu nhiên từ lời thông báo sáu tháng trước đến thông báo được mặc khải hôm qua—“một sự cân bằng và mối liên hệ mới giữa việc giảng dạy phúc âm trong nhà và trong Giáo Hội”4—thông báo được mặc khải về việc phục sự đã được đưa ra. Bắt đầu vào tháng Một, khi chúng ta dành ra ít thời gian hơn trong việc thờ phượng ở nhà thờ, tất cả những điều chúng ta đã học trong việc phục sự sẽ giúp chúng ta cân bằng lại giờ trống đó bằng một kinh nghiệm cao quý và thánh thiện hơn trong ngày Sa Bát, kinh nghiệm ngày Sa Bát đặt mái gia đình làm trọng tâm với gia đình và những người thân yêu.

Với những cấu trúc tổ chức thích hợp này, chúng ta có thể hỏi: “Làm sao chúng ta biết mình đang phục sự theo cách của Chúa? Chúng ta có đang phụ giúp Đấng Chăn Lành theo cách Ngài muốn không?”

Trong một cuộc thảo luận gần đây, Chủ Tịch Henry B. Eyring đã khen ngợi các Thánh Hữu trong việc thích ứng với những thay đổi đáng kể này và cũng bày tỏ niềm hi vọng chân thành của ông là các tín hữu sẽ nhận ra rằng việc phục sự có ý nghĩa nhiều hơn “chỉ là việc tử tế.”4 Điều đó không có ý nói rằng việc tử tế là không quan trọng, nhưng những người hiểu tinh thần thật sự của việc phục sự nhận ra rằng nó vượt xa hơn chỉ là việc tử tế rất nhiều. Nếu được làm theo cách của Chúa, việc phục sự có thể có ảnh hưởng tốt lâu dài tiếp tục suốt thời vĩnh cửu, như sự phục sự đã đến với Anh Cả Godoy.

“Đấng Cứu Rỗi đã cho thấy ý nghĩa của việc phục sự qua tấm gương của Ngài khi Ngài phục vụ vì tình yêu thương. … Ngài … giảng dạy, cầu nguyện, an ủi, và ban phước những người xung quanh, mời gọi tất cả theo Ngài. … Khi các tín hữu Giáo Hội phục sự [bằng cách thức cao quý hơn và thánh thiện hơn], họ thành tâm tìm kiếm để phục vụ như cách mà Ngài sẽ làm—để … ‘luôn luôn trông coi giáo hội cũng như sát cánh và củng cố họ,’ ‘thăm viếng tư gia của mỗi tín hữu,’ và giúp mỗi người trở thành một môn đồ chân chính của Chúa Giê Su Ky Tô.”5

Chúng ta hiểu rằng người chăn chiên chân chính yêu quý chiên của mình, biết tên từng con chiên một và “có sự chú ý cá nhân” nơi chúng.6

Đàn cừu trên núi

Bạn của tôi đã dành cuộc đời mình để chăn nuôi, làm công việc vất vả chăn nuôi gia súc và cừu trong dãy núi Rocky Mountains lởm chởm. Một lần anh ấy chia sẻ với tôi về những khó khăn và nguy hiểm liên quan đến việc chăn nuôi cừu. Anh ấy mô tả rằng vào đầu mùa xuân, khi tuyết ở trên dãy núi rộng lớn đã tan gần hết, anh ấy lùa đàn chiên gần 2000 con của gia đình lên núi cho mùa hè. Ở đó, anh ấy trông coi đàn cừu đến cuối thu, khi chúng được di chuyển từ khu chăn thả mùa hè sang khu chăn thả mùa đông trong sa mạc. Anh ấy mô tả việc chăm sóc cho một đàn cừu đông đảo là khó khăn như thế nào, đòi hỏi phải thức khuya dậy sớm—thức dậy trước khi mặt trời mọc và kết thúc khi tối muộn. Anh ấy không thể làm việc đó một mình được.

Người chăn chiên giàu kinh nghiệm với đàn chiên

Những người khác đã giúp trông coi đàn cừu, kể cả việc kết hợp những người làm việc giàu kinh nghiệm được hỗ trợ bởi những người trẻ tuổi hơn, là những người được lợi ích từ sự khôn ngoan của những người bạn đồng hành của họ. Anh ấy cũng dựa vào hai con ngựa già, hai con ngựa non đang huấn luyện, hai con chó già chăn cừu và hai hay ba con chó con chăn cừu. Trong suốt mùa hè, bạn của tôi và đội của anh ấy đã đối mặt với gió và mưa bão, ốm đau, thương tích, hạn hán và gần như tất cả những khó khăn mà anh chị em có thể tưởng tượng được. Một số năm họ phải chở nước suốt mùa hè chỉ để giữ đàn cừu sống sót. Sau đó, hằng năm vào cuối mùa thu, khi thời tiết mùa đông đến gần và đàn cừu được lùa ra khỏi núi và đếm, thường có khoảng hơn 200 con bị sót hoặc mất tích.

Chăn cừu
Đàn cừu

Đàn chiên 2000 con được chăn trong dãy núi vào đầu xuân đã giảm xuống dưới 1800 con. Hầu hết những con chiên bị mất không phải do đau ốm hay chết tự nhiên mà do động vật ăn thịt như sư tử núi hoặc chó sói. Những động vật ăn thịt này thường tìm những con cừu lạc khỏi sự an toàn của đàn cừu, đi khỏi sự bảo vệ của người chăn của chúng. Anh chị em có thể suy ngẫm một chút về điều tôi vừa kể, theo văn cảnh thuộc linh không? Ai là người chăn chiên? Ai là đàn chiên? Ai hỗ trợ người chăn chiên?

Đấng Chăn Hiền Lành

Chính Chúa Giê Su đã phán: ″Ta là người chăn hiền lành, ta quen chiên ta, … ta vì chiên ta phó sự sống mình.”7

Chúa Giê Su đang chăm sóc chiên của Ngài

Vị tiên tri Nê Phi cũng dạy như vậy, rằng Chúa Giê Su “sẽ nuôi dưỡng đàn chiên của Ngài, và nơi Ngài chúng sẽ tìm thấy đồng cỏ.”8 Tôi tìm thấy sự bình an vĩnh cửu trong việc biết rằng “Đức Giê Hô Va là Đấng chăn giữ tôi”9 và rằng Ngài biết và chăm sóc mỗi người chúng ta. Khi chúng ta đương đầu với gió và mưa bão, bệnh tật, thương tích và hạn hán, Chúa—Đấng chăn giữ chúng ta—sẽ phục sự chúng ta. Ngài sẽ phục hồi linh hồn chúng ta.

Giống như người bạn của tôi trông coi đàn cừu của anh ấy với sự hỗ trợ của những người giàu kinh nghiệm và ít kinh nghiệm, những con ngựa và chó chăn cừu, Chúa cũng đòi hỏi sự trợ giúp trong công việc khó khăn là chăm sóc cho những con chiên trong đàn chiên của Ngài.

Chúa Giê Su Ky Tô đang phục sự

Là con cái của Cha Thiên Thượng yêu mến và là chiên trong đàn chiên của Ngài, chúng ta vui hưởng phước lành của việc được Chúa Giê Su Ky Tô phục sự từng cá nhân. Đồng thời, chúng ta có trách nhiệm để cung cấp sự trợ giúp công việc phục sự cho những người khác xung quanh mình với vai trò là những người chăn chiên. Chúng ta lưu ý những lời của Chúa để “phục vụ ta và sẽ tiến bước trong danh ta, và … quy tụ các con chiên của ta lại.”10

Ai là người chăn chiên? Tất cả mọi người nam, người nữ và trẻ em trong vương quốc của Thượng Đế đều là người chăn chiên. Không cần thiết phải có một sự kêu gọi nào. Từ khoảnh khắc chúng ta bước ra khỏi nước báp têm, chúng ta được ủy nhiệm để làm công việc này. Chúng ta tìm đến những người khác với tình yêu thương bởi vì đó là điều mà Đấng Cứu Rỗi của chúng ta truyền lệnh cho chúng ta phải làm. An Ma đã nhấn mạnh: “Vì trong số các người, có người chăn chiên nào có nhiều chiên mà lại không canh chừng để chó sói khỏi vào ăn thịt đàn chiên của mình không? … Người ấy không đuổi nó ra chăng?”11 Bất kỳ khi nào những người lân cận của chúng ta gặp khó khăn về vật chất hay thuộc linh, chúng ta nhanh chóng trợ giúp họ. Chúng ta mang gánh nặng lẫn cho nhau để cho chúng có thể được nhẹ nhàng. Chúng ta than khóc với những ai than khóc. Chúng ta an ủi những ai cần được an ủi.12 Chúa kỳ vọng điều này từ chúng ta. Và sẽ đến lúc chúng ta chịu trách nhiệm cho sự chăm sóc của chúng ta trong việc phục sự đàn chiên của Ngài.13

Người bạn chăn cừu của tôi đã chia sẻ một yếu tố quan trọng khác trong việc trông coi đàn cừu trên khu chăn thả. Anh ấy nói rằng những con cừu bị lạc đặc biệt dễ bị hại bởi nguy hiểm của động vật ăn thịt. Thực tế, có tới 15 phần trăm tổng số thời gian của anh ấy và đội của anh đã được dành cho việc tìm kiếm cừu bị thất lạc. Họ tìm được cừu bị thất lạc càng sớm, trước khi chúng đi lạc quá xa khỏi đàn, thì dường như chúng càng ít bị làm hại. Việc giải cứu cừu bị mất đòi hỏi nhiều sự kiên nhẫn và kỷ luật.

Vài năm trước, tôi tìm thấy một bài viết trên tờ báo địa phương hay đến nỗi tôi đã giữ nó lại. Hàng tít trang đầu viết: “Chú Chó Quyết Tâm Sẽ Không Bỏ Rơi Cừu Bị Lạc.”14 Bài báo này mô tả về một đàn cừu nhỏ thuộc về một khu chăn thả không xa đất của bạn tôi mà vì lý do nào đó bị bỏ lại phía sau trên khu chăn thả mùa hè của chúng. Hai hoặc ba tháng sau, chúng bị mắc kẹt và tuyết rơi trên dãy núi. Khi các con cừu bị bỏ lại phía sau, chú chó chăn cừu đã ở lại với chúng, vì đó là bổn phận của nó để trông coi và bảo vệ đàn cừu. Nó không từ bỏ việc trông coi! Nó ở lại đó—đi vòng quanh những con cừu nhiều tháng trong thời tiết lạnh và tuyết rơi, phục vụ với vai trò bảo vệ chống lại chó sói, sư tử núi, hay bất kỳ loài động vật ăn thịt nào khác có thể làm hại các con cừu đó. Nó ở đó cho đến khi nó có khả năng dẫn dắt hay lùa chúng trở về an toàn trong sự bảo vệ của người chăn và đàn cừu. Bức hình được chụp ở trang đầu bài báo cho phép một người nhìn thấy cá tính trong đôi mắt và thái độ của con chó chăn cừu này.

Cá tính trong đôi mắt và thái độ của con chó chăn cừu

Trong Kinh Tân Ước, chúng ta tìm thấy một câu chuyện ngụ ngôn và một sự hướng dẫn từ Đấng Cứu Rỗi mà cung cấp một sự hiểu biết sâu sắc hơn liên quan đến trách nhiệm của chúng ta với tư cách là những người chăn, những người anh em và chị em phục sự, của chiên lạc:

“Trong các ngươi ai là người có một trăm con chiên, nếu mất một con, mà không để chín mươi chín con nơi đồng vắng, đặng đi tìm con đã mất cho kỳ được sao?

“Khi đã kiếm được, thì vui mừng vác nó lên vai.

“Đoạn, về đến nhà, kêu bạn hữu và kẻ lân cận, mà rằng: Hãy chung vui với ta, vì ta đã tìm được con chiên bị mất.”15

Khi chúng ta tóm tắt bài học được dạy trong câu chuyện ngụ ngôn này, chúng ta tìm thấy lời khuyên có giá trị sau đây:

  1. Chúng ta nhận biết chiên lạc.

  2. Chúng ta tìm kiếm chúng cho đến khi tìm thấy.

  3. Khi chúng được tìm thấy, chúng ta có thể vác chúng lên vai để mang về nhà.

  4. Chúng ta kêu gọi bạn bè đến chung vui cho sự trở về của chúng.

Anh chị em thân mến, những thử thách lớn lao nhất và những phần thưởng lớn lao nhất của chúng ta có thể đến khi chúng ta phục sự chiên lạc. Các tín hữu của Giáo Hội trong Sách Mặc Môn “[đã] chăm sóc dân của họ và nuôi dưỡng họ bằng những điều thuộc về sự ngay chính.”16 Chúng ta có thể noi theo tấm gương của họ và nhớ rằng việc phục sự “được dẫn dắt bởi Thánh Linh, … linh động, và được tùy chỉnh theo các nhu cầu của mỗi tín hữu.” Cũng là điều quan trọng để chúng ta “tìm cách giúp đỡ các cá nhân và gia đình chuẩn bị cho các giáo lễ tiếp theo của họ, tuân giữ các giao ước [của họ] … , và trở nên tự lực.”17

Mỗi linh hồn đều quý giá đối với Cha Thiên Thượng của chúng ta. Lời mời gọi cá nhân của Ngài để phục sự có giá trị và tầm quan trọng tột bậc đối với Ngài, vì đây là công việc và sự vinh quang của Ngài. Đây thực sự là công việc của sự vĩnh cửu. Mỗi người trong số các con cái của Ngài đều có tiềm năng vô giá trong mắt của Ngài. Ngài yêu thương anh chị em vượt quá khả năng thấu hiểu của anh chị em. Giống như con chó chăn chiên tận tụy, Ngài sẽ ở lại trên núi để bảo vệ anh chị em vượt qua gió, mưa bão, tuyết và những khó khăn khác nữa.

Chủ Tịch Russell M. Nelson đã dạy chúng ta vào đại hội trước: “Sứ điệp của chúng ta gửi cho thế giới [và tôi xin thêm vào: ‘cho những người chúng ta phục sự’] rất giản dị và chân thành: chúng ta mời tất cả các con cái của Thượng Đế ở cả hai bên bức màn che đến cùng Đấng Cứu Rỗi của họ, tiếp nhận các phước lành của đền thờ thánh, có được niềm vui lâu dài và hội đủ điều kiện cho cuộc sống vĩnh cửu.”18

Tôi hi vọng rằng chúng ta sẽ đặt mục tiêu cao hơn cho quan điểm mang tính tiên tri này, để chúng ta có thể mang nhiều người đến đến thờ và cuối cùng là đến với Đấng Cứu Rỗi của chúng ta, Chúa Giê Su Ky Tô. Ngài không kỳ vọng chúng ta thực hiện những phép lạ. Ngài chỉ yêu cầu chúng ta mang anh chị em của mình đến với Ngài, vì Ngài có quyền năng để cứu chuộc mọi người. Khi chúng ta làm như vậy, chúng ta có thể và sẽ được đảm bảo với lời hứa này: “Khi Đấng làm đầu các kẻ chăn chiên hiện ra, anh em sẽ được mão triều thiên vinh hiển, chẳng hề tàn héo.”19 Tôi làm chứng về điều này—và về Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Cứu Rỗi và Đấng Cứu Chuộc của chúng ta—trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.