“Những Người Đồng Tôi Tớ,” chương 7 của sách Các Thánh Hữu: Câu Chuyện về Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô trong Những Ngày Sau, Tập 1, Cờ Hiệu về Lẽ Thật, 1815–1846 (2018)
Chương 7: “Những Người Đồng Tôi Tớ”
Chương 7
Những Người Đồng Tôi Tớ
Mùa xuân năm 1829 lạnh và ướt át cho đến tận tháng Năm. Trong khi những người nông dân quanh vùng Harmony ở trong nhà, hoãn lại vụ mùa mùa xuân của họ cho đến khi thời tiết tốt hơn, thì Joseph và Oliver cố gắng dịch được càng nhiều biên sử càng tốt.1
Họ đang dịch đến một câu chuyện về điều đã xảy ra giữa dân Nê Phi và dân La Man khi Chúa Giê Su chết ở Giê Ru Sa Lem. Chuyện kể rằng nhiều trận động đất và những cơn bão dữ dội đã hủy diệt dân chúng và làm đổi dạng mặt đất. Một số thành phố chìm vào lòng đất, trong khi các thành phố khác thì bốc cháy và bị thiêu đốt. Sấm chớp rạch trên bầu trời trong hàng giờ và mặt trời biến mất, khiến bóng tối dày đặc bao trùm những người sống sót. Trong ba ngày người ta kêu la, khóc than cho những người thân đã chết của họ.2
Cuối cùng, tiếng nói của Chúa Giê Su Ky Tô xuyên thấu bóng tối. Ngài hỏi: “Giờ đây các ngươi không muốn trở về cùng ta, và hối cải tội lỗi và được cải đạo để ta có thể chữa lành cho các ngươi chăng?”3 Ngài lấy đi bóng tối, và dân chúng đã hối cải. Không lâu sau đó, nhiều người trong số họ tụ tập tại một đền thờ ở một xứ gọi là Phong Phú, nơi họ nói về những sự thay đổi kỳ diệu của xứ sở.4
Trong khi dân chúng nói chuyện với nhau, họ thấy Vị Nam Tử của Thượng Đế từ trên trời giáng xuống. Ngài phán rằng: “Ta là Giê Su Ky Tô, người mà các tiên tri đã làm chứng rằng sẽ đến với thế gian.”5 Ngài ở giữa họ trong một thời gian, giảng dạy phúc âm của Ngài, và truyền lệnh cho họ phải được làm phép báp têm bằng cách dìm mình dưới nước để được xá miễn tội lỗi.
Ngài tuyên phán: “Kẻ nào tin nơi ta và chịu phép báp têm thì sẽ được cứu. Chính họ là những người sẽ thừa hưởng vương quốc của Thượng Đế.”6 Trước khi thăng lên trời, Ngài ban cho những người nam ngay chính thẩm quyền để báp têm những ai sẽ tin nơi Ngài.7
Trong khi họ dịch, Joseph và Oliver bị tác động mạnh mẽ bởi những lời giảng dạy này. Giống như người anh trai Alvin, Joseph chưa bao giờ chịu phép báp têm, và ông muốn biết nhiều hơn về giáo lễ này và thẩm quyền cần có để thực hiện giáo lễ đó.8
Vào ngày 15 tháng Năm, năm 1829, những cơn mưa đã tạnh và Joseph cùng Oliver bước vào khu rừng gần Sông Susquehanna. Họ quỳ xuống và cầu vấn Thượng Đế về phép báp têm và sự xá miễn các tội lỗi. Trong khi họ đang cầu nguyện, tiếng nói của Đấng Cứu Rỗi phán bình an cho họ, và một vị thiên sứ xuất hiện trong một đám mây ánh sáng. Ông tự giới thiệu mình là Giăng Báp Tít và đặt tay lên đầu họ. Lòng họ tràn ngập niềm vui khi được bao bọc trong tình yêu thương của Thượng Đế.
Giăng phán rằng: “Hỡi các ngươi cũng là tôi tớ như ta, trong danh Đấng Mê Si, ta truyền giao cho các ngươi Chức Tư Tế A Rôn, là chức tư tế nắm giữ các chìa khóa phù trợ của các thiên sứ và của phúc âm về sự hối cải, và của phép báp têm bằng cách được dìm mình xuống nước để được xá miễn tội lỗi.”9
Tiếng nói của vị thiên sứ nhỏ nhẹ, nhưng nó dường như xuyên thấu tận tâm can Joseph và Oliver.10 Ông giải thích rằng Chức Tư Tế A Rôn cho họ thẩm quyền để thực hiện phép báp têm, và ông truyền lệnh cho họ báp têm cho nhau sau khi ông rời đi. Ông cũng nói rằng về sau họ sẽ nhận được thêm quyền năng chức tư tế, là quyền năng sẽ cho họ thẩm quyền để truyền giao ân tứ Đức Thánh Linh cho nhau và cho những người được họ báp têm.
Sau khi Giăng Báp Tít rời đi, Joseph và Oliver đi ra sông và bước xuống nước. Joseph báp têm cho Oliver trước, và ngay khi vừa ra khỏi nước, Oliver bắt đầu tiên tri về những điều sẽ sớm xảy ra. Rồi Oliver báp têm cho Joseph, là người khi vừa đứng lên từ dòng sông đã tiên tri về sự trỗi dậy của giáo hội của Đấng Ky Tô, là giáo hội mà Chúa đã hứa sẽ thiết lập ở giữa họ.11
Làm theo những chỉ thị của Giăng Báp Tít, họ quay trở lại khu rừng và sắc phong cho nhau Chức Tư Tế A Rôn. Trong khi học tập Kinh Thánh, cũng như trong khi phiên dịch biên sử cổ xưa, Joseph và Oliver thường đọc về thẩm quyền để hành động trong danh của Thượng Đế. Giờ đây họ đã mang lấy thẩm quyền đó cho chính mình.
Tiếp theo lễ báp têm của họ, Joseph và Oliver nhận thấy rằng thánh thư mà từng có vẻ khó hiểu và bí ẩn đột nhiên trở nên rõ ràng hơn. Lẽ thật và sự hiểu biết tràn vào tâm trí họ.12
Ở New York, người bạn David Whitmer của Oliver đang háo hức để học hỏi thêm về công việc của Joseph. Mặc dù David sống ở Fayette, cách Manchester khoảng bốn mươi tám cây số, ông và Oliver đã trở thành bạn bè trong thời gian Oliver dạy học và sống cùng gia đình Smith. Họ thường nói về các bảng khắc bằng vàng, và khi Oliver chuyển đến Harmony, ông đã hứa sẽ viết thư cho David về việc phiên dịch.
Những lá thư bắt đầu đến sau một thời gian ngắn. Oliver viết rằng Joseph biết các chi tiết trong cuộc đời của ông mà không ai biết được ngoại trừ qua sự mặc khải từ Thượng Đế. Ông mô tả những lời nói của Chúa với Joseph và bản dịch của biên sử. Trong một lá thư, Oliver chia sẻ một ít câu trong bản dịch, và làm chứng về tính trung thực của bản dịch đó.
Một lá thư khác báo cho David rằng ý muốn của Thượng Đế cho David là hãy mang ngựa và xe kéo đến Harmony để giúp Joseph, Emma, và Oliver chuyển đến nhà gia đình Whitmer ở Fayette, nơi mà họ sẽ hoàn tất bản dịch.13 Dân chúng ở Harmony đã không còn chào đón gia đình Smith nữa. Một vài người thậm chí còn đe dọa tấn công họ, và nếu không phải vì ảnh hưởng của gia đình của Emma, thì họ có thể đã bị đả thương nghiêm trọng.14
David chia sẻ những lá thư của Oliver với cha mẹ và anh chị em của mình, là những người đồng ý chào đón Joseph, Emma, và Oliver vào nhà họ. Gia đình Whitmer là hậu duệ của những người định cư nói tiếng Đức trong vùng và họ nổi tiếng về tính siêng năng làm việc cùng lòng hiếu thảo. Nông trại của họ đủ gần nhà gia đình Smith để có thể đến thăm nhưng cũng đủ xa để ngăn bọn cướp đến quấy rầy họ.15
David muốn đi đến Harmony ngay lập tức, nhưng cha của ông nhắc rằng ông còn nhiều việc nặng nhọc phải làm trong hai ngày trước khi ông có thể rời đi. Lúc đó đang là mùa gieo trồng, David cần phải cày tám héc ta ruộng và rải vôi cho đất thêm màu mỡ để lúa mì có thể phát triển. Cha ông nói rằng trước tiên ông cần phải cầu nguyện để xem có nhất thiết phải đi ngay không.
David nghe theo lời khuyên của cha mình, và khi ông cầu nguyện, ông cảm thấy Thánh Linh nói với mình phải hoàn tất công việc của ông ở nhà trước khi đi đến Harmony.
Vào buổi sáng hôm sau, David bước ra đồng và thấy những luống đất sẫm màu trong đất mà tối hôm trước chưa được cày xới. Khi xem xét cánh đồng kỹ hơn, ông thấy rằng khoảng tám héc ta ruộng đã được cày xới trong đêm, và cái cày đang đợi ông ở luống cuối cùng, sẵn sàng cho ông hoàn tất công việc.
Cha của David vô cùng sửng sốt khi biết về điều đã xảy ra. Ông nói: “Phải có một bàn tay đầy quyền năng trong việc này, và cha nghĩ là con nên đi xuống Pennsylvania ngay khi vôi của con đã rải xong.”
David làm việc siêng năng để cày phần ruộng còn lại và chuẩn bị đất cho một vụ gieo trồng thành công. Khi xong việc, ông thắng những con ngựa khỏe mạnh nhất vào xe kéo rồi thẳng tiến đến Harmony sớm hơn mong đợi.16
Khi Joseph, Emma, và Oliver chuyển đến Fayette, thì mẹ của David trở nên vô cùng bận rộn. Mary Whitmer và chồng của bà, Peter, có tám người con từ mười lăm đến ba mươi tuổi vẫn đang sống trong nhà, và một vài người con sống ở gần đó. Việc chăm sóc cho những nhu cầu của họ cũng đủ khiến Mary bận bịu cả ngày, và ba người khách của gia đình càng thêm nhiều việc cho bà. Mary có đức tin vào sự kêu gọi của Joseph và không than phiền, nhưng bà trở nên mệt mỏi.17
Mùa hè năm đó ở Fayette rất nóng nực và ngột ngạt. Trong khi Mary giặt đồ và chuẩn bị thức ăn, thì Joseph đọc bản dịch trong một căn phòng trên lầu. Oliver thường chép cho ông, nhưng thỉnh thoảng Emma hoặc một trong những người nhà Whitmer chép thay.18 Đôi khi, khi Joseph và Oliver mệt mỏi vì căng thẳng khi phiên dịch, họ sẽ đi dạo đến một cái hồ gần đó và ném đá trượt trên mặt nước.
Mary có rất ít thời gian để thư giãn, lại phải làm thêm việc nên sự căng thẳng dồn lên bà thật khó mà chịu nổi.
Một ngày nọ, trong khi bà đang ở ngoài chuồng gia súc nơi vắt sữa bò, bà trông thấy một người đàn ông tóc bạc với một cái túi lủng lẳng trên vai. Sự xuất hiện đột ngột của ông làm bà sợ, nhưng khi ông tiến đến gần, ông nói chuyện với bà bằng một giọng êm ái giúp bà bình tĩnh lại.
Ông nói: “Ta tên là Mô Rô Ni. Ngươi đã trở nên rất mệt nhọc với tất cả những công việc thêm mà ngươi phải làm.” Ông bỏ cái túi ra khỏi vai mình, và Mary nhìn ông bắt đầu mở cái túi ra.19
Ông tiếp tục nói: “Ngươi rất thành tín và chuyên tâm trong công việc của mình. Do đó, điều thích đáng là ngươi nên nhận được một lời chứng mà sẽ có thể giúp củng cố đức tin của ngươi.”20
Mô Rô Ni mở cái túi và lấy ra các bảng khắc bằng vàng. Ông cầm các bảng khắc trước mặt bà và mở các trang ra để bà có thể thấy những chữ viết trên đó. Sau khi ông lật trang cuối cùng, ông khẩn nài bà hãy kiên nhẫn và thành tín trong khi bà mang cái gánh nặng thêm đó trong một ít lâu nữa thôi. Ông hứa rằng bà sẽ được ban phước vì điều đó.21
Người đàn ông lớn tuổi biến mất sau đó trong thoáng chốc, để lại Mary một mình. Bà vẫn có việc phải làm, nhưng điều đó không còn làm phiền bà nữa.22
Tại nông trại nhà Whitmer, Joseph phiên dịch rất nhanh, nhưng cũng có một số ngày đầy thử thách. Tâm trí của ông sẽ suy nghĩ mông lung về các vấn đề khác, và ông không thể tập trung vào những việc thuộc linh.23 Căn nhà nhỏ của gia đình Whitmer luôn luôn bận rộn và đầy những điều gây xao lãng. Việc chuyển đến đó đồng nghĩa với việc từ bỏ sự riêng tư tương đối mà ông và Emma thích có được khi ở Harmony.
Vào một buổi sáng, trong khi ông sẵn sàng để phiên dịch, Joseph trở nên bực bội với Emma. Sau đó, khi ông gặp Oliver và David trong căn phòng trên lầu nơi họ làm việc, ông đã không thể dịch được dù chỉ một từ.
Ông rời khỏi phòng và bước ra ngoài vườn cây. Ông ở đó trong khoảng một giờ, để cầu nguyện. Khi ông quay về, ông xin lỗi Emma và xin được tha thứ. Rồi ông quay trở lại phiên dịch như bình thường.24
Giờ đây ông đang phiên dịch phần cuối của biên sử, được biết đến là các bảng khắc Nê Phi nhỏ, là phần mà thật ra đóng vai trò mở đầu cho quyển sách. Các bảng khắc nhỏ cho thấy phần lịch sử tương tự với phần mà ông và Martin đã dịch và bị mất, và kể về một người thanh niên trẻ tuổi có tên Nê Phi, là người cùng với gia đình của ông đã được Thượng Đế dẫn ra khỏi Giê Ru Sa Lem và đưa đến một vùng đất hứa mới. Điều này giải thích nguồn gốc của biên sử và những cuộc đấu tranh đầu tiên giữa dân Nê Phi và dân La Man. Quan trọng hơn, các bảng khắc này mang một lời chứng mạnh mẽ về Chúa Giê Su Ky Tô và Sự Chuộc Tội của Ngài.
Khi Joseph dịch chữ viết trên bảng khắc cuối cùng, ông thấy rằng nó giải thích mục đích của biên sử và đã đặt cho nó một tựa đề, Sách Mặc Môn, theo tên của vị tiên tri-sử gia thời xưa là người đã biên soạn quyển sách.25
Kể từ khi ông bắt đầu phiên dịch Sách Mặc Môn, Joseph đã học hỏi nhiều về vai trò tương lai của ông trong công việc của Thượng Đế. Trong những trang sách này, ông nhận ra những lời giảng dạy cơ bản mà ông đã học được từ Kinh Thánh cũng như các lẽ thật mới cùng những hiểu biết sâu sắc về Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm của Ngài. Ông cũng khám phá ra các đoạn thánh thư về những ngày sau tiên tri về một vị tiên kiến chọn lọc có tên Joseph, là người sẽ làm sáng tỏ lời của Chúa và phục hồi những sự hiểu biết và các giao ước đã mất.26
Trong biên sử, ông học được rằng Nê Phi đã giải thích rõ hơn lời tiên tri của Ê Sai về một quyển sách bị niêm phong mà những nhà học giả không thể đọc được. Khi Joseph đọc lời tiên tri, ông nghĩ về cuộc gặp của Martin Harris với Giáo Sư Anthon. Việc này khẳng định rằng chỉ Thượng Đế mới có thể mang quyển sách ra khỏi lòng đất và thiết lập giáo hội của Đấng Ky Tô trong những ngày sau cùng.27
Khi Joseph và những người bạn của ông hoàn tất việc phiên dịch, tâm trí của họ hướng về một lời hứa mà Chúa đã ban cho trong Sách Mặc Môn và trong những điều mặc khải của Ngài—đó là cho ba nhân chứng thấy các bảng khắc. Cha mẹ của Joseph cùng Martin Harris đang đến thăm trang trại nhà Whitmer lúc đó, và một buổi sáng nọ Martin, Oliver, và David khẩn nài Joseph cho họ làm các nhân chứng. Joseph cầu nguyện và Chúa đáp ứng, nói rằng nếu họ dựa vào Ngài với cả tấm lòng và cam kết để làm chứng về lẽ thật, thì họ có thể thấy các bảng khắc.28
Joseph đặc biệt nhắc Martin rằng: “Bác phải khiêm nhường hạ mình trước Thượng Đế trong ngày này, và, nếu có thể, bác sẽ có được sự tha thứ các tội lỗi của mình.”29
Sau đó, Joseph dẫn ba người đàn ông vào khu rừng gần nhà Whitmer. Họ quỳ xuống, và mỗi người lần lượt cầu nguyện để được cho thấy các bảng khắc, nhưng không có gì xảy ra. Họ cố gắng lần thứ hai, nhưng vẫn không có gì xảy ra. Cuối cùng, Martin đứng lên và đi ra khỏi họ, nói rằng ông là lý do khiến các cổng thiên thượng vẫn đóng.
Joseph, Oliver, và David cầu nguyện lại, và một vị thiên sứ mau chóng hiện đến trong ánh sáng rực rỡ phía trên họ.30 Ông cầm các bảng khắc trong tay và mở ra từng trang một, cho họ thấy các ký tự được khắc trên mỗi trang. Một chiếc bàn xuất hiện cạnh vị thiên sứ, và trên đó là các đồ vật cổ xưa được mô tả trong Sách Mặc Môn: các dụng cụ phiên dịch, tấm áo giáp che ngực, một thanh gươm, và chiếc la bàn kỳ diệu đã hướng dẫn gia đình Nê Phi đi từ Giê Ru Sa Lem đến đất hứa.
Họ nghe tiếng nói của Chúa phán rằng: “Những bảng khắc này đã được cho thấy bằng quyền năng của Thượng Đế, và chúng đã được dịch ra bởi quyền năng của Thượng Đế. Bản dịch của những bảng khắc này mà các ngươi đã thấy là chính xác, và Ta ra lệnh cho các ngươi làm chứng về những gì các ngươi nghe và thấy bây giờ.”31
Khi vị thiên sứ rời đi, Joseph đi sâu hơn vào rừng và tìm thấy Martin đang quỳ xuống. Martin nói với ông rằng ông chưa nhận được một lời chứng từ Chúa, nhưng ông vẫn muốn thấy các bảng khắc. Ông yêu cầu Joseph cầu nguyện với ông. Joseph quỳ xuống cạnh ông, và trước khi họ nói được nửa lời, họ đã thấy cùng vị thiên sứ đó đang trưng bày các bảng khắc và những đồ vật cổ xưa khác.
“Đủ rồi! Đủ rồi!” Martin khóc. “Mắt của tôi đã thấy được! Mắt của tôi đã thấy được!”32
Joseph và Ba Nhân Chứng quay về nhà Whitmer vào buối xế chiều hôm đó. Mary Whitmer đang trò chuyện với cha mẹ của Joseph khi Joseph chạy ào vào phòng. Ông kêu lên: “Cha ơi! Mẹ ơi! Cha mẹ không biết con vui mừng đến thế nào đâu!”
Ông ngồi xuống cạnh mẹ của mình. Ông nói: “Chúa đã khiến cho ba người nữa được thấy các bảng khắc ngoài con ra. Họ tự biết cho chính họ rằng con không làm việc gì để lừa gạt mọi người.”
Ông cảm thấy như thể gánh nặng đã được nhấc khỏi đôi vai mình. Ông bảo: “Họ giờ đây sẽ phải mang lấy một phần gánh nặng đó. Con không còn phải cô đơn hoàn toàn trên thế gian này nữa.”
Martin là người tiếp theo bước vào phòng, cũng muốn phát khóc vì vui mừng. Ông kêu lên: “Giờ thì tôi đã thấy một thiên sứ từ trời! Tôi chúc phúc Thượng Đế trong sự chân thành của tấm lòng mình rằng Ngài đã hạ cố để cho tôi—ngay cả tôi—được làm một nhân chứng cho sự vĩ đại của công việc Ngài!”33
Một vài ngày sau đó, gia đình Whitmer gặp gia đình Smith tại trang trại của họ ở Manchester. Biết rằng Chúa đã hứa để lập những lời nói của Ngài “bởi miệng những nhân chứng mà Ngài thấy thích hợp,” Joseph đi vào khu rừng với cha của mình, Hyrum, và Samuel, cùng bốn anh em trai của David Whitmer—Christian, Jacob, Peter Jr., và John—cùng người anh rể của họ là Hiram Page.34
Tám người đàn ông đã tụ họp tại một nơi mà gia đình Smith thường đến để cầu nguyện riêng. Với sự cho phép của Chúa, Joseph mang các bảng khắc ra và cho cả nhóm xem. Họ không thấy một thiên sứ như Ba Nhân Chứng, nhưng Joseph cho họ cầm biên sử trong tay, mở các trang, và xem xét các chữ viết cổ xưa trên đó. Việc cầm các bảng khắc đã xác nhận đức tin của họ rằng chứng ngôn của Joseph về vị thiên sứ và biên sử cổ xưa là chân thật.35
Giờ đây khi việc phiên dịch đã xong và ông đã có các nhân chứng ủng hộ chứng ngôn phi thường của mình, Joseph không còn cần các bảng khắc nữa. Sau khi những người đàn ông rời khỏi khu rừng và quay trở về căn nhà, vị thiên sứ xuất hiện và Joseph trao trả biên sử thiêng liêng cho ông gìn giữ.36