Lịch Sử của Đền Thờ
Trong thời xưa lẫn thời nay, dân giao ước của Chúa đã xem việc xây cất các đền thờ là công việc lao nhọc đòi hỏi cụ thể nơi họ.
Một Chỗ để Biệt Riêng
Khái niệm thiết yếu về đền thờ vẫn và luôn luôn là một chỗ được biệt riêng cho sự phục vụ được xem là thiêng liêng; trong một ý nghĩa giới hạn hơn, đền thờ là một tòa nhà được xây cất và dành riêng cho những nghi thức và nghi lễ thiêng liêng.
Từ La Tinh templum tương đương với từ Hê Bơ Rơ beth Elohim và có nghĩa là nơi trú ngụ của Thượng Đế; do đó nó có nghĩa thật sự là nhà của Chúa.
Những công trình kiến trúc như vậy đã được xây lên trong nhiều thời đại khác nhau, bởi những người thờ phượng thần tượng lẫn các tín đồ của Thượng Đế chân chính và hằng sống. Mặc dù những khu vực bên ngoài của các đền thờ như thế được sử dụng làm nơi hội họp và nghi lễ của công chúng, nhưng luôn luôn có những khu vực ở bên trong của đền thờ là nơi mà chỉ các thầy tế lễ có thẩm quyền mới có thể vào và người ta cho rằng có sự hiện diện của Thượng Đế trong đó. Đền thờ không bao giờ được xem là chỗ để hội họp thông thường của công chúng mà là những công trình kiến trúc thiêng liêng cho các nghi lễ long trọng nhất của hệ thống thờ phượng đặc biệt đó.
Đền Tạm của Y Sơ Ra Ên Thời Xưa
Thời xưa, trong số các dân tộc, dân Y Sơ Ra Ên nổi bật là những người xây cất các chốn thánh cho danh của Thượng Đế hằng sống. Sự phục vụ này được Đấng Giê Hô Va đòi hỏi một cách cụ thể nơi họ, là Đấng mà họ tự xưng là phục vụ Ngài. Lịch sử của Y Sơ Ra Ên là một dân tộc bắt đầu từ sách Xuất Ê Díp Tô Ký. Ngay sau khi họ thoát khỏi môi trường thờ thần tượng của dân Ai Cập, họ đã được đòi hỏi phải chuẩn bị một chốn thánh, trong đó Đức Giê Hô Va sẽ biểu hiện và cho biết về ý muốn của Ngài với tư cách là Chúa và Vua mà họ đã chấp nhận.
Đền tạm rất thiêng liêng đối với Y Sơ Ra Ên là chốn thánh của Đức Giê Hô Va. Đền tạm này đã được xây cất theo như kế hoạch và những đặc điểm kỹ thuật đã được mặc khải (xin xem Xuất Ê Díp Tô Ký 26–27). Đền tạm này là một cấu trúc thu nhỏ và di chuyển được, và tuy là một cái lều nhưng nó được làm bằng vật liệu tốt nhất, quý giá nhất và đắt tiền nhất mà người ta đã có. Tính chất ưu tú này là của lễ dâng của một dân tộc lên Chúa. Chính là trong mỗi phương diện cấu trúc tốt nhất của đền tạm đó mà người ta có thể dâng lên Chúa và Đức Giê Hô Va đã thánh hóa của lễ dâng đó bằng sự chấp nhận thiêng liêng của Ngài.
Sau khi Y Sơ Ra Ên đã được thiết lập trong đất hứa, sau bốn thập niên lang thang trong vùng hoang dã, cuối cùng dân giao ước đã chiếm hữu Ca Na An làm xứ của mình, đền tạm được đặt vào một chỗ ở Si Lô; và nơi đó các chi tộc tiến đến sự học biết ý muốn và lời của Thượng Đế (xin xem Giô Suê 18:1; 19:51; 21:2; Các Quan Xét 18:31; 1 Sa Mu Ên 1:3, 24; 4:3–4). Sau đó, đền tạm được dời đến Ga Ba Ôn (xin xem (see 1 Sử Ký 21:29; 2 Sử Ký 1:3) và về sau còn dời đến Thành Đa Vít, hay là Si Ôn (xin xem 2 Sa Mu Ên 6:12; 2 Sử Ký 5:2).
Đền Thờ của Sa Lô Môn
Đa Vít, vị vua thứ nhì của Y Sơ Ra Ên, muốn và dự định cất một ngôi nhà cho Chúa, vì ông tuyên bố rằng việc ông là vua mà lại ngự trong một lâu đài làm bằng cây tuyết tùng, trong khi chốn thánh của Thượng Đế chỉ là một cái lều (xin xem 2 Sa Mu Ên 7:2). Nhưng Chúa phán qua miệng của tiên tri Na Than, từ chối của lễ dâng được đề nghị đó, vì Đa Vít, vua của Y Sơ Ra Ên, mặc dù trong nhiều phương diện là một người hợp với lòng Thượng Đế, nhưng đã phạm tội; và tội lỗi của ông đã không được tha thứ (xin xem 2 Sa Mu Ên 7:1–13; 1 Sử Ký 28:2–3). Tuy nhiên, Đa Vít được cho phép thu góp vật liệu cho nhà của Chúa, nhưng tòa nhà này không phải do ông xây cất mà phải do con trai của ông là Sa Lô Môn xây cất.
Ngay sau khi Sa Lô Môn lên nối ngôi, ông bắt đầu xây cất đền thờ. Ông đặt nền trong năm thứ tư trị vì của mình và tòa nhà được hoàn tất trong vòng bảy năm rưỡi. Việc xây cất Đền Thờ Sa Lô Môn là sự kiện mở ra một kỷ nguyên mới, không những trong lịch sử của Y Sơ Ra Ên mà còn trong lịch sử của thế gian nữa.
Theo bảng niên đại đã được chấp nhận rộng rãi, ngôi đền thờ được hoàn tất vào khoảng 1005 trước công nguyên. Trong kiểu kiến trúc và kiểu xây cất, trong đồ án và tổn phí, ngôi đền thờ đó được biết là một trong những tòa nhà khác thường nhất trong lịch sử. Những buổi lễ cung hiến kéo dài bảy ngày—một tuần lễ thánh đầy vui mừng ở Y Sơ Ra Ên. Sự chấp nhận đầy ân điển của Chúa đã được biểu hiện trong mây phủ đầy các phòng thiêng liêng khi các thầy tế lễ rút lui, “vì sự vinh hiển của Đức Giê Hô Va đầy lấp đền của Đức Chúa Trời” (2 Sử Ký 5:14; xin xem thêm Xuất Ê Díp Tô Ký 40:35; 2 Sử Ký 7:1–2).
Sự Ô Uế trong Đền Thờ của Sa Lô Môn
Tính ưu việt vinh quang của công trình kiến trúc huy hoàng này chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn. Ba mươi bốn năm sau khi lễ cung hiến đền thờ và chỉ năm năm sau khi Sa Lô Mon qua đời, sự suy sụp của đền thờ bắt đầu; và sự suy sụp này chẳng mấy chốc biến thành tình trạng sụp đổ vì nạn cướp phá rồi cuối cùng trở thành một nơi bị xúc phạm thật sự. Sa Lô Môn đã bị dẫn dắt đi sai đường bởi mưu chước của những người đàn bà thờ thần tượng, và con đường sai quấy của ông đã gây ra cảnh bất chính ở Y Sơ Ra Ên. Chẳng mấy chốc đền thờ mất đi tính thiêng liêng của nó và Đức Giê Hô Va thôi không hiện diện để che chở Ngài ra khỏi nơi không còn thiêng liêng nữa.
Dân Ai Cập, là những người dân Y Sơ Ra Ên đã được giải thoát khỏi cảnh nô lệ của họ, một lần nữa được cho phép đàn áp dân Y Sơ Ra Ên. Si Sắc, vua Ai Cập, chiếm giữ thành Giê Ru Sa Lem, “lấy các châu báu của đền Đức Giê Hô Va” (1 Các Vua 14:25–26). Sự xúc phạm nơi chốn thánh này tiếp tục trong nhiều thế kỷ. Hai trăm mười sáu năm sau khi dân Ai Cập cướp phá, A Cha, vua Giu Đa, dời bàn thờ và hồ báp têm đi và chỉ để lại căn nhà nơi từng là đền thờ (xin xem 2 Các Vua 16:7–9, 17–18; xin xem thêm 2 Sử Ký 28:24–25). Về sau, Nê Bu Cát Nết Sa, vua Ba By Lôn, cướp đoạt hết đền thờ và thiêu hủy tòa nhà (xin xem 2 Sử Ký 36:18–19; xin xem thêm 2 Các Vua 24:13; 25:9).
Đền Thờ của Xô Rô Ba Bên
Như vậy, khoảng 600 năm trước khi sự giáng sinh của Chúa chúng ta, Y Sơ Ra Ên đã không có đền thờ. Dân chúng trở thành những người thờ thần tượng và hoàn toàn tà ác, rồi Chúa bác bỏ họ và chốn thánh của họ. Vương quốc Y Sơ Ra Ên, gồm có khoảng 10 trong số 12 chi tộc, đã bị dân A Si Ri chinh phục khoảng 721 trước công nguyên, và một thế kỷ sau, vương quốc Giu Đa bị dân Ba Bi Lôn đánh bại. Trong 70 năm, dân Giu Đa—về sau được biết là dân Do Thái—ở trong cảnh tù đày, như đã được đoán trước (xin xem Giê Rê Mi 25:11–12; 29:10).
Rồi, dưới sự cai trị thân thiện của Si Ru (xin xem Ê Xơ Ra 1, 2) và Đa Ri Út (xin xem Ê Xơ Ra 6), họ được phép trở về Giê Ru Sa Lem và một lần nữa dựng lên một đền thờ theo như đức tin của họ. Để ghi nhớ người điều khiển công việc xây cất đền thờ, ngôi đền thờ được phục hồi đó được biết trong lịch sử là Đền Thờ của Xô Rô Ba Bên. Mặc dù kém hơn rất nhiều về mặt dồi dào trau chuốt và đồ đạc so với Đền Thờ của Sa Lô Môn nguy nga lộng lẫy, nhưng ngôi đền thờ này là ngôi đền thờ tốt nhất mà người ta có thể xây, và Chúa đã chấp nhận ngôi đền thờ này là của lễ dâng tượng trưng cho tình yêu thương cũng như lòng tận tụy của các con cái giao ước của Ngài.
Đền Thờ của Hê Rốt
Khoảng 16 năm trước khi Đấng Ky Tô giáng sinh, Hê Rốt I, vua xứ Giu Đê, bắt đầu tái thiết Đền Thờ Xô Rô Ba Bên lúc bấy giờ bị hư hại và nói chung đổ nát. Công trình kiến trúc đó đã tồn tại trong năm thế kỷ và chắc chắn là nó đã trở thành đống gạch vụn lớn vì sự tàn phá của thời gian.
Nhiều sự kiện trong thời thơ ấu của Đấng Cứu Rỗi liên quan đến Đền Thờ của Hê Rốt. Hiển nhiên là thánh thư cho biết rằng mặc dù Ngài phản đối việc đồi bại và sử dụng thương mại làm vi phạm tính thiêng liêng của đền thờ, nhưng Đấng Ky Tô công nhận và ghi nhận tính thiêng liêng của khuôn viên đền thờ. Với bất cứ danh nào mà đền thờ đã được biết đến thì đền thờ đối với Ngài là nhà của Chúa.
Sự hủy diệt hoàn toàn của đền thờ đã được Chúa tiên đoán trong khi Ngài còn sống trên thế gian (xin xem Ma Thi Ơ 24:1–2; Mác 13:1–2; Lu Ca 21:6). Trong năm 70 sau công nguyên đền thờ bị thiêu hủy hoàn toàn song song với sự chiếm giữ thành Giê Ru Sa Lem của dân Rô Ma dưới thời trị vì của Tít.
Đền Thờ ở Châu Mỹ Thời Xưa
Đền Thờ của Hê Rốt là ngôi đền thờ cuối cùng được xây lên ở Đông Bán Cầu trong thời xưa. Từ lúc tòa nhà vĩ đại đó bị hủy diệt cho đến thời kỳ tái thiết Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô vào thế kỷ 19, biên sử độc nhất của chúng ta về việc xây cất đền thờ được đề cập đến như trong Sách Mặc Môn, tức là xác nhận rằng đền thờ được xây lên ở nơi mà giờ đây được biết đến là lục địa Châu Mỹ, nhưng chúng ta chỉ có một ít chi tiết về việc xây cất và ít thông tin hơn về các giáo lễ đã được thực hiện bên trong các đền thờ ở miền tây này. Dân chúng xây cất một đền thờ khoảng 570 năm trước công nguyên, và chúng ta biết được rằng đền thờ này rập theo khuôn mẫu Đền Thờ của Sa Lô Môn, mặc dù nó kém hơn công trình xây cất huy hoàng đó về vẻ hùng vĩ và tổn phí (xin xem 2 Nê Phi 5:16).
Khi Chúa phục sinh biểu hiện cùng dân Nê Phi trên lục địa ở phương tây, Ngài thấy họ quy tụ lại quanh đền thờ (xin xem 3 Nê Phi 11:1–10).
Tuy nhiên, Sách Mặc Môn không đề cập đến các đền thờ ngay cả về sau lúc đền thờ ở Giê Ru Sa Lem bị hủy diệt; và, hơn nữa, dân tộc Nê Phi đi đến chỗ kết thúc trong vòng khoảng bốn thế kỷ sau thời Đấng Ky Tô. Do đó, điều hiển nhiên là các đền thờ ở cả hai tây bán cầu đều không còn tồn tại trong thời kỳ ban đầu của Sự Bội Giáo và khái niệm chính về đền thờ là một nơi riêng biệt với các tòa nhà khác đã tàn lụi ở giữa nhân loại.
Sự Bội Giáo và Sự Phục Hồi
Trong nhiều thế kỷ, không có chốn thánh nào được dâng lên Chúa; quả thật, dường như nhu cầu như vậy không hề được nhận ra. Đúng vậy, nhiều tòa nhà được xây lên, phần lớn các tòa nhà tốn kém và vĩ đại. Trong số những tòa nhà này, một số đã được cung hiến cho Phi E Rơ và Phao Lô, cho Gia Cơ và Giăng; những tòa nhà khác cho Ma Ri Ma Đơ Len và Nữ Đồng Trinh; nhưng không có một tòa nhà nào được xây lên bởi thẩm quyền và tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô để làm rạng danh Ngài. Trong số nhiều giáo đường và điện thờ, nhà thờ và thánh đường, Con của Người không có chỗ riêng của Ngài.
Cho đến khi phúc âm được phục hồi vào thế kỷ thứ 19, với quyền năng và đặc ân xưa của phúc âm, thánh chức tư tế mới được biểu hiện một lần nữa ở giữa loài người. Và hãy nhớ rằng thẩm quyền để nói và hành động trong danh của Thượng Đế là thiết yếu đối với một đền thờ, và một đền thờ mất hiệu lực nếu không có thẩm quyền thiêng liêng của thánh chức tư tế. Phúc âm của thời xưa được phục hồi trên thế gian và luật pháp xưa được tái lập nhờ vào Joseph Smith. Theo thời gian, qua giáo vụ của Vị Tiên Tri, Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô được tổ chức và thiết lập bởi những biểu hiện của quyền năng thiêng liêng.
Các Đền Thờ Ngày Sau
Trong thời kỳ ban đầu của lịch sử Giáo Hội, Giáo Hội này bắt đầu lo xây cất một đền thờ (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 36:8; 42:36; 133:2). Vào ngày đầu tháng Sáu năm 1833, trong một điều mặc khải cho Tiên Tri Joseph Smith, Chúa đã chỉ dẫn việc xây cất ngôi nhà thánh ngay lập tức, trong đó Ngài đã hứa ban cho các tôi tớ được chọn lựa của Ngài với quyền năng và thẩm quyền (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 95). Các tín hữu đáp ứng sự kêu gọi một cách sẵn lòng và tận tâm. Bất chấp hoàn cảnh nghèo khó cùng cực và nỗi đe dọa của cảnh ngược đãi, công việc cũng được hoàn thành, và vào tháng Ba năm 1836, ngôi đền thờ đầu tiên của thời cận đại được làm lễ cung hiến tại Kirtland, Ohio (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 109). Những buổi lễ cung hiến được đánh dấu bởi những biểu hiện thiêng liêng có thể so sánh với những biểu hiện đi kèm theo với ngôi đền thờ đầu tiên của thời xưa, và trong những dịp về sau, các nhân vật thiên thượng hiện đến ở bên trong các khu vực thiêng liêng với những điều mặc khải về ý muốn của thiên thượng cho loài người. Nơi đó, một lần nữa người ta nghe và trông thấy Chúa Giê Su (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 110:1–10).
Trong vòng hai năm từ lúc làm lễ cung hiến, Đền Thờ Kirtland bị bỏ bê bởi những người xây cất đền thờ đó; họ bị bắt buộc phải chạy trốn vì sự ngược đãi, và với sự ra đi của họ, ngôi đền thờ thiêng liêng trở thành một ngôi nhà bình thường.
Đầu tiên, Các Thánh Hữu Ngày Sau di cư đến Missouri và về sau đến Nauvoo, Illinois. Họ mới vừa định cư ở nơi trú ngụ mới thì họ nghe có một tiếng nói mặc khải kêu gọi dân Giáo Hội xây cất ngôi nhà thiêng liêng cho danh của Thượng Đế một lần nữa.
Mặc dù điều hiển nhiên là họ sẽ bị bắt buộc phải chạy trốn một lần nữa, và mặc dù họ biết rằng đền thờ chẳng bao lâu sẽ bị bỏ phế sau khi hoàn tất, nhưng họ đã lao nhọc với sức mạnh và chuyên cần để hoàn thành cùng trang bị đồ đạc cho công trình kiến trúc đó một cách thích hợp. Đền thờ được làm lễ cung hiến vào ngày 30 tháng Tư năm 1846, nhưng cuộc di cư của các tín hữu đã bắt đầu ngay cả trước khi hoàn thành tòa nhà đó.
Đền thờ bị bỏ phế bởi những người sống trong cảnh nghèo khó và bằng sự hy sinh đã xây cất lên. Vào tháng Mười Một năm 1848, đền thờ bị cố ý thiêu hủy và vào tháng Năm năm 1850, một cơn bão đã thổi sập những bức tường đen đủi còn lại.
Vào ngày 24 tháng Bảy năm 1847, những người tiền phong Mặc Môn thiết lập một khu định cư mà giờ đây là Salt Lake City. Một vài ngày sau, Brigham Young, vị tiên tri và vị lãnh đạo, đã chỉ ra một chỗ mọc đầy cây ngải đắng và đập vào nơi mặt đất khô cằn đó với cây gậy của ông, rồi nói: “Nơi đây sẽ là đền thờ của Thượng Đế chúng ta.” Nơi này giờ đây là khuôn viên đền thờ xinh đẹp mà chung quanh đó là thành phố đã phát triển. Đền Thờ Salt Lake được xây cất trong 40 năm; viên đá vòm được đặt vào ngày 6 tháng Tư năm 1892, và ngôi đền thờ hoàn thành được làm lễ cung hiến một năm sau đó.
Nhiệm Vụ Thiêng Liêng
Trong thời xưa lẫn thời nay, dân giao ước của Chúa đã xem việc xây cất đền thờ là công việc lao nhọc đòi hỏi cụ thể nơi họ. Rõ ràng là một đền thờ quan trọng hơn một giáo đường hay nhà thờ, hơn một nhà hội hay thánh đường; đó là một công trình kiến trúc được xây lên làm nhà của Chúa, thiêng liêng đối với sự giao tiếp gần gũi nhất giữa Chúa và thánh chức tư tế, cũng như được dành cho các giáo lễ cao quý nhất và thiêng liêng nhất. Hơn nữa. để thật sự là một đền thờ thánh—được Thượng Đế chấp nhận và được Ngài công nhận là nhà của Ngài—thì sự hiến dâng phải được kêu gọi và của lễ lẫn người dâng hiến cần phải xứng đáng.
Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô tuyên bố rằng người sở hữu thánh chức tư tế đã được phục hồi một lần nữa trên thế gian và được giao phó cho nhiệm vụ thiêng liêng để xây cất cùng bảo trì các ngôi đền thờ được làm lễ cung hiến cho tôn danh và sự phục vụ Thượng Đế chân chính và hằng sống, cũng như để thực hiện các giáo lễ của chức tư tế ở bên trong các công trình kiến trúc thiêng liêng đó, mà hiệu quả của điều đó sẽ ràng buộc ở dưới thế gian lẫn ở bên kia mộ phần.