2010
Các Phước Lành của Đền Thờ
2010


Các Phước Lành của Đền Thờ

Đền thờ cung ứng mục đích cho cuộc sống của chúng ta. Đền thờ mang sự bình an đến cho tâm hồn của chúng ta—chứ không phải sự bình an do loài người cung ứng mà là sự bình an đã được Vị Nam Tử của Thượng Đế hứa khi Ngài phán: “Ta để sự bình an lại cho các ngươi; ta ban sự bình an ta cho các ngươi.”

Trong đền thờ, chúng ta cảm thấy gần gũi với Chúa

Tôi nghĩ rằng không có chỗ nào trên thế gian mà tôi cảm thấy gần gũi Chúa hơn là tại một trong số các đền thờ thánh của Ngài. Để diễn giải một bài thơ:

Thiên thượng bao xa?

Không xa lắm đâu.

Trong đền thờ của Thượng Đế,

Thiên thượng ở ngay nơi chúng ta đang ở.

Chúa phán:

“Các ngươi chớ chứa của cải ở dưới đất, là nơi có sâu mối, ten rét làm hư, và kẻ trộm đào ngạch khoét vách mà lấy;

“Nhưng phải chứa của cải ở trên trời, là nơi chẳng có sâu mối, ten rét làm hư, cũng chẳng có kẻ trộm đào ngạch khoét vách mà lấy.

“Vì chưng của cải ngươi ở đâu, thì lòng ngươi cũng ở đó.”1

Đối với các tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô, đền thờ là nơi thiêng liêng nhất trên thế gian. Đó là nhà của Chúa và cũng giống như dòng chữ ghi ở bên ngoài đền thờ, đền thờ là “Thánh Cho Đức Giê Hô Va.”

Đền thờ nâng cao và tôn cao chúng ta

Kế hoạch quý báu của Thượng Đế được giảng dạy trong đền thờ. Chính là trong đền thờ mà các giao ước vĩnh cửu được lập. Đền thờ nâng cao, tôn cao chúng ta, là ngọn hải đăng cho tất cả mọi người được thấy và hướng dẫn chúng ta hướng đến vinh quang thiên thượng. Đó là nhà của Thượng Đế. Tất cả những điều xảy ra ở bên trong đền thờ đều nâng cao tinh thần và cao quý.

Đền thờ là dành cho gia đình, một trong những kho báu quý nhất chúng ta có trên trần thế. Chúa đã nói rõ ràng với chúng ta là những người cha, chỉ rõ rằng chúng ta có trách nhiệm để hết lòng yêu thương vợ mình và lo liệu cho họ cùng con cái của chúng ta. Ngài đã nói rõ rằng công việc cao quý nhất mà chúng ta là cha mẹ có thể làm được thực hiện trong nhà của chúng ta, và mái gia đình của chúng ta có thể là thiên thượng, nhất là khi hôn nhân của chúng ta được làm lễ gắn bó trong nhà của Thượng Đế.

Cố Anh Cả Matthew Cowley là một thành viên của Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ có lần nói về kinh nghiệm của một người ông vào một buổi trưa thứ Bảy khi ông dắt tay đứa cháu gái nhỏ của mình vào một ngày sinh nhật đi tham quan—không phải là sở thú hoặc đi xem xi nê mà đi đến khuôn viên đền thờ. Được người chăm sóc vườn tược đền thờ cho phép, hai ông cháu đi đến các cổng lớn của đền thờ. Ông đề nghị đứa cháu đặt tay của nó lên trên bức tường rắn chắc và rồi trên cánh cửa đồ sộ. Rồi ông dịu dàng nói với đứa cháu: “Hãy nhớ rằng ngày hôm nay con đã chạm tay vào đền thờ. Một ngày nào đó, con sẽ đi vào bên trong.” Món quà của ông cho đứa bé không phải là kẹo hoặc kem mà là một kinh nghiệm có ý nghĩa nhiều và trường cửu hơn—lòng biết ơn đối với ngôi nhà của Chúa. Đứa cháu gái đã chạm tay vào đền thờ và đền thờ đã ảnh hưởng đến cuộc sống của nó.

Đền thờ mang sự bình an đến cho tâm hồn của chúng ta

Khi chúng ta chạm tay vào đền thờ và yêu mến đền thờ, cuộc sống của chúng ta sẽ phản ảnh đức tin của chúng ta. Khi chúng ta đi vào ngôi nhà thiêng liêng này cùng ghi nhớ các giao ước chúng ta lập trong đó, thì chúng ta sẽ có thể chịu đựng mọi thử thách và khắc phục mọi cám dỗ. Đền thờ cung ứng mục đích cho cuộc sống của chúng ta. Đền thờ mang sự bình an đến tâm hồn chúng ta— chứ không phải sự bình an do loài người cung ứng, mà là sự bình an đã được Vị Nam Tử của Thượng Đế hứa khi Ngài phán: “Ta để sự bình an lại cho các ngươi; ta ban sự bình an ta cho các ngươi. Lòng các ngươi chớ bối rối và đừng sợ hãi.”2

Có đức tin lớn lao ở giữa Các Thánh Hữu Ngày Sau. Chúa ban cho chúng ta cơ hội để xem chúng ta có tuân theo các lệnh truyền của Ngài không, chúng ta có đi theo con đường mà Chúa Giê Su ở Na Xa Rét đã đi không, chúng ta có yêu mến Chúa với tất cả tấm lòng, năng lực, tâm trí và sức mạnh cùng yêu thương người lân cận như bản thân mình không.3

Tôi tin ở câu châm ngôn “Hãy hết lòng tin cậy Đức Giê Hô Va, chớ nương cậy nơi sự thông sáng của con. Phàm trong các việc làm của con, khá nhận biết Ngài, thì Ngài sẽ chỉ dẫn các nẻo của con.”4

Điều đó luôn luôn là như vậy; và cũng sẽ luôn luôn như vậy. Nếu chúng ta làm bổn phận của mình và tin cậy trọn vẹn nơi Chúa, thì chúng ta sẽ đến các đền thờ của Ngài một cách đông đảo, không những thực hiện các giáo lễ của mình mà còn có đặc ân để làm công việc cho những người khác nữa. Chúng ta sẽ quỳ xuống tại bàn thờ thánh để thay mặt làm lễ gắn bó kết hợp các vợ chồng và con cái cho suốt thời vĩnh cửu. Các thiếu niên và thiếu nữ xứng đáng từ 12 tuổi trở lên có thể nhận giáo lễ thay cho những người đã chết mà không có các phước lành của phép báp têm. Điều này sẽ là ước muốn của Cha Thiên Thượng dành cho các anh chị em và tôi.

Một phép lạ xảy ra

Cách đây nhiều năm, một vị tộc trưởng khiêm nhường và trung tín, Anh Percy K. Fetzer, được kêu gọi để ban các phước lành tộc trưởng cho các tín hữu Giáo Hội sống ở bên kia Bức Màn Sắt.

Anh Fetzer đi đến nước Ba Lan trong những ngày khó khăn đó. Biên giới bị đóng kín và không một người dân nào được phép rời khỏi nước này. Anh Fetzer gặp Các Thánh Hữu Đức là những người đã bị kẹt lại ở đó khi các biên giới được xác định lại sau Đệ Nhị Thế Chiến và vùng đất nơi họ đang sống trở thành một phần của nước Ba Lan.

Người lãnh đạo của chúng ta trong số tất cả Các Thánh Hữu Đức là Anh Eric P. Konietz, anh sống ở đó với vợ con mình. Anh Fetzer ban cho Anh Chị Konietz và mấy đứa con lớn của họ các phước lành tộc trưởng.

Khi Anh Fetzer trở lại Hoa Kỳ, anh đã gọi điện thoại hỏi xem anh có thể đến thăm tôi được không. Khi ngồi trong văn phòng tôi, anh bắt đầu khóc. Anh nói: “Thưa Anh Monson, khi tôi đặt tay lên đầu của những người trong gia đình Konietz, tôi đã đưa ra những lời hứa không thể nào được ứng nghiệm. Tôi hứa với Anh Chị Konietz rằng họ sẽ có thể trở lại quê hương Đức của họ, họ sẽ không bị bắt giam bởi quyết định độc đoán của quốc gia chiếm đóng và rằng gia đình họ sẽ được làm lễ gắn bó với nhau trong ngôi nhà của Chúa. Tôi hứa với con trai của họ rằng nó sẽ đi truyền giáo, và tôi hứa với con gái của họ rằng nó sẽ kết hôn trong đền thờ thánh của Thượng Đế. Anh và tôi biết rằng vì các biên giới đã bị đóng, họ sẽ không thể nhận được sự ứng nghiệm của các phước lành đó. Tôi đã làm điều gì vậy?”

Tôi nói: “Anh Fetzer, tôi biết anh rất rõ đến mức tôi biết rằng anh đã làm đúng theo điều mà Cha Thiên Thượng muốn anh phải làm.” Hai chúng tôi quỳ xuống bên bàn làm việc của tôi và trút lòng mình cùng Cha Thiên Thượng, nói rõ rằng những lời hứa đã được ban cho một gia đình tận tụy đối với các phước lành của đền thờ của Thượng Đế và các phước lành khác nay đã bị khước từ đối với họ. Chỉ có Ngài mới có thể mang đến phép lạ chúng tôi cần.

Phép lạ xảy ra. Một hiệp ước được ký kết giữa những người lãnh đạo chính quyền Ba Lan và những người lãnh đạo Cộng Hòa Liên Bang Đức, cho phép người dân Đức bị kẹt lại trong khu vực đó được di chuyển đến Tây Đức. Anh Chị Konietz và con cái của họ di chuyển đến Tây Đức, rồi Anh Konietz trở thành giám trợ của tiểu giáo khu nơi họ sinh sống.

Cả gia đình Konietz đi đến đền thờ thánh ở Thụy Sĩ. Và ai là vị chủ tịch đền thờ chào đón họ trong bộ com lê màu trắng với đôi tay dang rộng? Không ai khác ngoài Percy Fetzer—vị tộc trưởng đã đưa ra lời hứa cho họ. Giờ đây, với tư cách là chủ tịch Đền Thờ Bern Switzerland, anh đã chào đón họ đến nhà của Chúa, cùng sự ứng nghiệm của lời hứa đó, và làm lễ gắn bó cho cặp vợ chồng đó với nhau và con cái với cha mẹ của chúng.

Cuối cùng đứa con gái của họ đã kết hôn trong nhà của Chúa. Đứa con trai nhận được sự kêu gọi và phục vụ truyền giáo toàn thời gian.

“Chúng cháu hẹn gặp ông trong đền thờ nhé!”

Đối với một số chúng ta, cuộc hành trình đến đền thờ chỉ cách một vài khu phố. Đối với những người khác, phải vượt đại dương và đi nhiều kilômét đường trước khi họ bước vào đền thờ thánh của Thượng Đế.

Cách đây một vài năm, trước khi đền thờ ở Nam Phi hoàn thành, trong khi tham dự một đại hội giáo hạt lúc bấy giờ ở Salisbury, Rhodesia, tôi đã gặp vị chủ tịch giáo hạt, Reginald J. Nield. Vị chủ tịch và vợ ông cùng mấy đứa con gái yêu kiều của họ gặp tôi khi tôi bước vào giáo đường. Họ giải thích với tôi rằng họ đã dành dụm phương tiện và chuẩn bị cho cái ngày họ có thể hành trình đến đền thờ của Chúa. Nhưng ôi, đền thờ xa xôi quá.

Vào lúc kết thúc cuộc họp, bốn đứa con gái yêu kiều hỏi tôi về đền thờ: “Đền thờ như thế nào vậy?” Chúng cháu chỉ thấy hình thôi.” “Chúng ta sẽ cảm thấy như thế nào khi bước vào đền thờ?” “Chúng ta sẽ nhớ điều gì nhất?” Tôi đã có cơ hội để nói chuyện với bốn đứa con gái đó về nhà của Chúa trong khoảng một giờ đồng hồ. Khi tôi đi ra phi trường, chúng đã vẫy tay từ giã và đứa con gái nhỏ nhất nói: “Chúng cháu hẹn gặp ông trong đền thờ nhé!”

Một năm sau, tôi có cơ hội chào đón gia đình Nield trong Đền Thờ Salt Lake. Trong căn phòng làm lễ gắn bó yên tĩnh, tôi có đặc ân kết hợp Anh Chị Nield cho thời vĩnh cửu lẫn thời tại thế. Rồi các cánh cửa mở ra và mỗi đứa con gái xinh đẹp mặc quần áo trắng tinh, bước vào phòng. Chúng ôm chặt mẹ rồi cha chúng. Nước mắt đọng trên mi họ và lòng họ tràn đầy biết ơn. Chúng tôi thấy thật gần với thiên thượng. Giờ đây, mỗi người có thể nói: “Bây giờ chúng ta là một gia đình vĩnh cửu.”

Đây là phước lành kỳ diệu đang chờ đợi những người đến đền thờ. Cầu xin cho mỗi người chúng ta sống cuộc sống xứng đáng với bàn tay trong sạch và tấm lòng thanh khiết để cho đền thờ có thể ảnh hưởng đến cuộc sống và gia đình của chúng ta.

Thiên thượng bao xa? Tôi làm chứng rằng trong các đền thờ thánh, thiên thượng không hề ở xa—vì chính là trong những nơi thiêng liêng này mà trời và đất họp lại và Cha Thiên Thượng ban các phước lành lớn lao nhất cho con cái của Ngài.

Đền Thờ St. George Utah. Được làm lễ cung hiến vào ngày 6 tháng Tư năm 1877. Được làm lễ tái cung hiến vào ngày 11 tháng Mười Một năm 1975

Đền Thờ Manila Philippines. Được làm lễ cung hiến vào ngày 25 tháng Chín năm 1984.

Đền Thờ Bountiful Utah. Được làm lễ cung hiến vào ngày 8 tháng Giêng năm 1995.

Đền Thờ Bern Switzerland. Được làm lễ cung hiến vào ngày 11 tháng Chín năm 1955. Được làm lễ tái cung hiến vào ngày 23 tháng Mười năm 1992.

Phòng làm lễ gắn bó, Đền Thờ Salt Lake.