2012
Được Thượng Đế Kêu Gọi và Các Tín Hữu Tán Trợ
tháng Sáu năm 2012


Sứ Điệp của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, tháng Sáu năm 2011

Được Thượng Đế Kêu Gọi và Các Tín Hữu Tán Trợ

Hình Ảnh
Chủ Tịch Henry B. Eyring

Là các tín hữu của Giáo Hội, chúng ta thường được mời tán trợ những người được kêu gọi phục vụ. Cách đây nhiều năm, có một sinh viên 18 tuổi đã cho tôi thấy việc tán trợ các tôi tớ của Chúa có ý nghĩa gì. Tôi vẫn còn được phước bởi tấm gương khiêm nhường của cậu ta.

Cậu ta mới vừa bắt đầu năm thứ nhất đại học. Cậu ta chịu phép báp têm chưa được một năm trước khi rời nhà để bắt đầu đi học tại một trường đại học lớn. Tôi phục vụ với tư cách là giám trợ của cậu ta ở nơi đó.

Khi niên học bắt đầu, tôi đã có một cuộc phỏng vấn ngắn với cậu ta trong văn phòng giám trợ. Tôi không nhớ nhiều về cuộc trò chuyện lần đầu tiên mà cậu ta nói về những thử thách của mình trong một chỗ mới, nhưng tôi sẽ không bao giờ quên cuộc trò chuyện lần thứ hai của chúng tôi.

Cậu ta yêu cầu được gặp tôi trong văn phòng của tôi. Tôi rất ngạc nhiên khi cậu ta nói: “Chúng ta có thể cầu nguyện chung được không và em có thể dâng lời cầu nguyện được không ạ?” Tôi định nói rằng tôi đã cầu nguyện rồi và mong rằng cậu ta cũng đã cầu nguyện rồi. Thay vì thế tôi đồng ý.

Cậu ta bắt đầu cầu nguyện với một chứng ngôn rằng cậu ta biết vị giám trợ đã được Thượng Đế kêu gọi. Cậu ta cầu xin Thượng Đế cho tôi biết cậu ta nên làm điều gì để có được kết quả thuộc linh lớn lao. Người thanh niên ấy thưa với Thượng Đế rằng cậu biết chắc rằng vị giám trợ đã biết về các nhu cầu của cậu và sẽ được ban cho lời khuyên dạy mà cậu cần phải nghe.

Trong khi cậu ta nói, thì những nguy hiểm cụ thể mà cậu đang đối phó hiện đến với tâm trí tôi. Lời khuyên dạy rất giản dị nhưng được đưa ra rất rõ ràng: cầu nguyện luôn luôn, tuân theo các lệnh truyền và không lo sợ.

Người thanh niên đó, chỉ một năm trong Giáo Hội, đã dạy bằng tấm gương về điều Thượng Đế có thể làm với một vị lãnh đạo khi vị ấy được tán trợ bởi đức tin và những lời cầu nguyện của những người mà vị ấy được kêu gọi để hướng dẫn. Người thanh niên đó đã cho tôi thấy quyền năng của luật ưng thuận chung trong Giáo Hội (xin xem GLGƯ 26:2). Mặc dù Chúa kêu gọi các tôi tớ của Ngài bằng sự mặc khải, nhưng họ chỉ có thể thực hiện chức năng sau khi đã được tán trợ bởi những người mà họ đã được kêu gọi để phục vụ.

Bằng việc biểu quyết tán trợ của mình, chúng ta đã lập ra những lời hứa long trọng. Chúng ta hứa phải cầu nguyện cho các tôi tớ của Chúa và Ngài sẽ hướng dẫn và củng cố họ (xin xem GLGƯ 93:51). Chúng ta hứa sẽ tìm kiếm và trông mong được cảm thấy sự soi dẫn từ Thượng Đế trong lời khuyên dạy của họ và bất cứ khi nào họ hành động trong sự kêu gọi của mình (xin xem GLGƯ 1:38).

Lời hứa đó sẽ cần phải được thường xuyên tái lập trong lòng chúng ta. Giảng viên Trường Chủ Nhật của các anh chị em sẽ cố gắng giảng dạy bằng Thánh Linh, nhưng cũng như các anh chị em, người giảng viên của các anh chị em có thể làm những điều lầm lỗi ở trước lớp học. Tuy nhiên, các anh chị em có thể quyết định lắng nghe và theo dõi những giây phút mình có thể cảm nhận được sự soi dẫn đến. Rồi đến lúc, các anh chị em sẽ nhận thấy có ít lỗi lầm hơn và nhiều bằng chứng hơn rằng Thượng Đế đang hỗ trợ người giảng viên đó.

Khi giơ tay lên để tán trợ một người, chúng ta cam kết cố gắng thực hiện bất cứ mục đích nào của Chúa mà người ấy được kêu gọi để hoàn thành. Khi con cái chúng tôi còn nhỏ, vợ tôi được kêu gọi giảng dạy các trẻ nhỏ trong tiểu giáo khu của chúng tôi. Tôi không những giơ tay lên để tán trợ vợ tôi mà tôi còn cầu nguyện cho vợ tôi và rồi xin phép được giúp đỡ vợ tôi. Các bài học tôi nhận được về việc biết ơn những điều các phụ nữ làm và về tình yêu thương của Chúa dành cho trẻ em vẫn còn ban phước cho gia đình và cuộc sống của tôi.

Mới gần đây tôi đã nói chuyện với người thanh niên đó, là người đã tán trợ vị giám trợ của mình cách đây nhiều năm. Tôi được biết rằng Chúa và các tín hữu đã tán trợ người ấy trong sự kêu gọi của người ấy là người truyền giáo, chủ tịch giáo khu và người cha. Người ấy đã nói khi cuộc chuyện trò của chúng tôi kết thúc: “Tôi vẫn cầu nguyện cho ông mỗi ngày đấy.”

Chúng ta có thể quyết tâm cầu nguyện hằng ngày cho một người nào đó được Thượng Đế kêu gọi để phục vụ chúng ta. Chúng ta có thể cám ơn một người nào đó đã ban phước cho mình bằng sự phục vụ của người ấy. Chúng ta có thể quyết định tình nguyện khi một người nào đó mà chúng ta đã tán trợ đang yêu cầu được giúp đỡ.1

Những người ủng hộ các tôi tớ của Chúa trong vương quốc của Ngài sẽ được nâng đỡ bởi quyền năng vô song của Ngài. Chúng ta đều cần phước lành đó.

Ghi Chú

  1. Xin xem Teachings of Presidents of the Church: Joseph F. Smith (1998), 211–12.

Giảng Dạy từ Sứ Điệp Này

Sau khi chia sẻ sứ điệp này, hãy cân nhắc việc đọc lời trích dẫn sau đây: “Chúa sẽ làm cho các anh chị em thành một công cụ trong tay Ngài nếu các anh chị em khiêm nhường, trung tín và siêng năng. … Các anh chị em sẽ nhận được thêm sức mạnh khi các anh chị em được tán trợ bởi giáo đoàn và được phong nhiệm” (Teaching, No Greater Call [1999], 20). Yêu cầu gia đình các anh em giảng dạy đứng xung quanh một vật nặng nề và yêu cầu một người cố gắng nhấc nó lên. Mời những người khác trong gia đình đó giúp nhấc vật đó lên, mỗi lần như vậy thêm vào một người. Thảo luận điều gì xảy ra khi mọi người đều giúp đỡ. Hãy cân nhắc việc nhấn mạnh đến lời khuyên dạy của Chủ Tịch Eyring về những cách thiết thực mà chúng ta có thể tán trợ những người khác trong sự kêu gọi của họ.

In