2013
Làm Giỏi Phần Vụ của Mình
Tháng Mười năm 2013


Làm Giỏi Phần Vụ của Mình

Từ buổi họp đặc biệt fireside của Hệ Thống Giáo Dục của Giáo Hội dành cho các thành niên trẻ tuổi được đưa ra tại Brigham Young University–Idaho vào ngày 4 tháng Ba năm 2012. Để có được toàn bộ bài nói chuyện này bằng tiếng Anh, xin vào trang mạng lds.org/broadcasts/archive/ces-devotionals/2012/01?lang=eng.

Anh Cả Quentin L. Cook

Hãy sống ngay chính. Xây dựng một gia đình. Tìm ra một cách thích hợp để chu cấp. Phục vụ khi được kêu gọi. Chuẩn bị để gặp Thượng Đế.

Chủ Tịch David O. McKay (1873–1970) thường kể lại một câu chuyện đã xảy ra trong khi ông là một người truyền giáo đang phục vụ ở Scotland. Ông cảm thấy nhớ nhà sau khi đi truyền giáo được một thời gian ngắn và dành ra một vài giờ đồng hồ đi tham quan Tòa Lâu Đài Stirling gần đó. Khi ông và người bạn đồng hành của mình trở về từ tòa lâu đài đó, họ đi ngang qua một tòa nhà nơi có tảng đá ở trên cửa được khắc một câu thường được người ta cho là của Shakespeare: “Cho Dù Ta Là Ai Đi Nữa thì Cũng Nên Làm Giỏi Phần Vụ của Mình.”

Khi nhắc lại kinh nghiệm này, Chủ Tịch McKay giải thích: “Tôi tự nói với mình hoặc với Thánh Linh ở trong tôi: ‘Ta là tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô. Hơn nữa, ta hiện đang ở đây với tư cách là một người đại diện của Chúa Giê Su Ky Tô. Ta đã chấp nhận trách nhiệm làm một người đại diện của Giáo Hội.’ Rồi tôi nghĩ [về] điều chúng tôi đã làm buổi sáng đó. Chúng tôi đã đi tham quan; chúng tôi đã được hướng dẫn và biết thông tin về lịch sử, đúng thế, và tôi đã rất phấn khởi về điều đó. … Tuy nhiên, đó không phải là công việc truyền giáo. … Tôi đã chấp nhận sứ điệp ban cho mình được khắc trên tảng đá đó và từ giây phút đó, chúng tôi đã cố gắng làm phần vụ của mình với tư cách là những người truyền giáo ở Scotland.”1

Sứ điệp này rất là quan trọng và có một ảnh hưởng như vậy đối với Chủ Tịch McKay nên ông đã sử dụng sứ điệp đó để làm điều soi dẫn suốt cuộc sống còn lại của mình. Ông quyết tâm rằng cho dù có trách nhiệm gì đi nữa thì ông cũng sẽ cố gắng hết sức.

Tránh Hành Động theo Cá Tính

Khi thấy tiềm năng to lớn và tốt lành mà các em thuộc thế hệ trẻ hơn của Giáo hội có được, thì mối quan tâm của tôi về tương lai của các em là gì? Tôi có thể đưa ra cho các em lời khuyên nào? Trước hết, các em sẽ có áp lực nặng nề để hành động theo cá tính—thậm chí còn đeo một mặt nạ nữa—và trở thành một người nào đó không thật sự phản ảnh con người của các em hoặc con người mà các em muốn trở thành.

Trong lịch sử ban đầu của Giáo Hội, Tiên Tri Joseph, Emma và hai đứa con sinh đôi 11 tháng của họ, Joseph và Julia đang ở Hiram, Ohio trong nhà của John và Alice Johnson. Cả hai đứa con của họ đều mắc bệnh sởi. Joseph và đứa con trai nhỏ của ông đang ngủ trên một cái giường gầm gần cửa trước.

Trong đêm đó, một nhóm người mặt sơn đen xông vào cửa và lôi Vị Tiên Tri ra ngoài, ở đó họ đã đánh đập ông và tạt nhựa đường vào người ông và Sidney Rigdon.

Phần bi thảm nhất của cuộc khủng bố này là bé Joseph bị bỏ ngoài trời ban đêm khi cha của nó bị lôi ra ngoài. Do đó, nó đã chết một vài ngày sau đó.2

Những người tham gia vào Sự Tuẫn Đạo của Vị Tiên Tri và anh Hyrum của ông cũng đã sơn mặt để cố gắng giấu diếm tông tích thật của họ.3

Trong thời chúng ta, khi việc ẩn danh là dễ dàng hơn bao giờ hết, thì có những nguyên tắc quan trọng gồm có việc không đeo mặt nạ và “trung thành với đức tin mà các vị tuẫn đạo đã chết cho đức tin đó.”4

Một trong những sự bảo vệ quan trọng nhất của chúng ta để chống lại việc chọn những điều xấu là không đeo bất cứ mặt nạ nào để ngụy trang cả. Nếu có bao giờ các em thấy muốn làm như vậy, thì xin biết rằng đó là một dấu hiệu rất nguy hiểm và một trong những công cụ của kẻ nghịch thù là muốn các em làm một điều gì đó mà các em không nên làm.

Việc giấu giếm tông tích của mình là điều rất thông thường ngày nay khi ẩn danh viết trực tuyến những điều thù oán, cay độc, cố chấp. Một số người gọi điều đó là cường điệu.

Sứ Đồ Phao Lô viết:

“Anh em chớ mắc lừa: bạn bè xấu làm hư thói nết tốt.

“Hãy tỉnh biết, theo cách công bình, và chớ phạm tội; vì có người không biết Đức Chúa Trời chút nào, tôi nói vậy để anh em hổ thẹn” (1 Cô Rinh Tô 15:33–34).

Rõ ràng là những sự truyền đạt thông tin xấu xa không phải là một vấn đề cư xử xấu. Nếu vấn đề cư xử này được thực hành bởi Các Thánh Hữu Ngày Sau thì nó có thể có ảnh hưởng bất lợi đến những người không hiểu biết về Thượng Đế hay có một chứng ngôn về Đấng Cứu Rỗi.

Bất cứ việc sử dụng Internet nào nhằm mục đích bắt nạt, làm hại thanh danh, hoặc hủy hoại uy tín của một người thì đều đáng bị khiển trách. Điều chúng ta đang thấy trong xã hội là khi người ta đeo mặt nạ ẩn danh, thì có thể họ đang tham gia vào một hành vi đầy sức hủy diệt đối với cuộc nói chuyện lễ độ. Điều này cũng vi phạm các nguyên tắc cơ bản mà Đấng Cứu Rỗi đã giảng dạy.

Đấng Cứu Rỗi giải thích rằng Ngài đã không đến để xét đoán mà là cứu rỗi thế gian. Rồi Ngài mô tả ý nghĩa của sự xét đoán là gì:

“Vả, sự đoán xét đó là như vầy: sự sáng đã đến thế gian, mà người ta ưa sự tối tăm hơn sự sáng, vì việc làm của họ là xấu xa.

“Bởi vì phàm ai làm ác thì ghét sự sáng và không đến cùng sự sáng, e rằng công việc của mình phải trách móc chăng.

“Nhưng kẻ nào làm theo lẽ thật thì đến cùng sự sáng, hầu cho các việc của mình được bày tỏ ra, vì đã làm trong Đức Chúa Trời.” (Giăng 3:19–21; xin xem thêm các câu 17–18).

Người ngay chính không cần đeo mặt nạ để giấu giếm tông tích của mình.

Hành Động theo Sự Tin Tưởng Chân Chính của Mình

Các em hành động theo sự tin tưởng chân chính của mình bằng cách dành thời giờ vào những điều sẽ xây đắp và phát triển cá tính của mình cùng giúp mình trở nên giống như Đấng Ky Tô hơn. Tôi hy vọng rằng không một ai trong các em xem cuộc sống chính yếu là vui đùa và trò chơi mà thay vì thế, là thời gian “để chuẩn bị gặp Thượng Đế” (An Ma 34:32).

Một tấm gương tuyệt vời về việc làm phần vụ của mình và sử dụng thời giờ một cách thích hợp được cho thấy qua cuộc sống của Anh Cả L. Tom Perry khi ông là một thành viên của lực lượng chiếm đóng của Hoa Kỳ ở Nhật Bản vào cuối Đệ Nhị Thế Chiến. Anh Cả Perry đã chia sẻ câu chuyện này khi ông thu âm lời chứng đặc biệt của mình về Đấng Cứu Rỗi.

“Tôi thuộc trong số những đợt Lính Thủy Đánh Bộ đầu tiên đi đến nước Nhật tiếp theo bản ký kết hiệp ước hòa bình tiếp theo Đệ Nhị Thế Chiến. Khi chúng tôi đi vào thành phố Nagasaki bị tàn phá, thì đó là một trong số những kinh nghiệm buồn nhất của đời tôi. Một phần lớn thành phố đã bị hoàn toàn tàn phá. Một số người chết chưa được chôn cất. Là quân chiếm đóng, chúng tôi đặt bộ chỉ huy và đi làm việc.

“Tình thế rất ảm đạm và một vài người chúng tôi muốn ban phát thêm. Chúng tôi đi đến vị tuyên úy của sư đoàn và xin phép giúp xây cất lại các nhà thờ Ky Tô giáo. Vì những hạn chế của chính quyền trong thời chiến nên các nhà thờ hầu như ngừng hoạt động. Một vài tòa nhà của họ bị hư hại nặng nề. Một nhóm người chúng tôi tình nguyện sửa sang và trát vôi lại những ngôi giáo đường này trong thời gian nghỉ của mình để các ngôi giáo đường này được sẵn sàng tổ chức lại thánh lễ Ky Tô giáo.

“… Chúng tôi tìm ra các mục sư đã không thể phục vụ trong những năm tháng chiến tranh và khuyến khích họ trở lại phục vụ giáo hội của họ. Chúng tôi có một kinh nghiệm kỳ lạ với những người này khi một lần nữa họ được tự do để thực hành niềm tin Ky Tô giáo của họ.

“Một sự kiện làm tôi nhớ mãi đã xảy ra khi chúng tôi sắp rời Nagasaki để trở về nhà. Khi lên chiếc xe lửa chở chúng tôi ra tàu để trở về nhà, chúng tôi đã bị những người lính thủy đánh bộ khác chọc ghẹo rất nhiều. Họ có những cô bạn gái đến nói lời từ giã với họ. Họ cười nhạo chúng tôi và cho biết rằng chúng tôi đã bỏ lỡ cuộc vui ở Nhật. Chúng tôi hoàn toàn lãng phí thời gian của mình để làm việc và trét vôi các bức tường.

“Ngay lúc họ đang chọc ghẹo dữ dội thì trên một ngọn đồi nhỏ gần trạm xe lửa xuất hiện khoảng 200 người Nhật Ky Tô hữu cao quý này từ các nhà thờ mà chúng tôi đã sửa sang, cùng hát bài ca ‘Onward, Christian Soldiers (Hãy Tiến Lên, Các Chiến Sĩ Ky Tô Hữu). Họ đi xuống và cho chúng tôi rất nhiều quà. Rồi họ đứng dọc bên đường ray. Và khi chiếc xe lửa bắt đầu chạy, chúng tôi giơ tay ra và sờ vào ngón tay của họ khi chúng tôi đi. Chúng tôi không thể nói chuyện; cảm xúc của chúng tôi quá mạnh mẽ. Nhưng chúng tôi biết ơn rằng trong một khía cạnh rất nhỏ, chúng tôi đã có thể giúp tái lập Ky Tô giáo trong một quốc gia sau chiến tranh.”5

Xin hãy suy ngẫm và chủ động trong việc chọn lựa cách các em sử dụng thời giờ của mình. Như các em có thể thấy từ tấm gương của Anh Cả Perry, tôi không nói về việc tỏ ra sùng đạo hay trung tín ở bề ngoài. Điều đó có thể làm cho các em và Giáo Hội bị đặt vào tình trạng ngượng ngùng. Tôi nói về việc các em trở thành con người các em cần phải trở thành.

Đặt Ra Mục Tiêu Thích Đáng

Lời khuyên thứ ba của tôi liên quan đến một số mục tiêu mà các em nên xem xét. Vào khoảng cùng thời gian Anh Cả Perry đang ở Nhật Bản với binh chủng lính thủy đánh bộ thì Chủ Tịch Boyd K. Packer, Chủ Tịch Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ, cũng phục vụ ở Nhật Bản trong không quân vào cuối Đệ Nhị Thế Chiến.

Vào năm 2004, tôi đi theo Chủ Tịch Packer và những người khác đến Nhật Bản. Ông đã có cơ hội để hồi tưởng lại một số giai đoạn của ông và ngẫm nghĩ về một số kinh nghiệm cùng những quyết định ông đã đưa ra vào lúc đó. Với sự cho phép của ông, tôi chia sẻ với các em vài ý nghĩ và cảm tưởng của ông.

Chủ Tịch Packer mô tả những kinh nghiệm xảy ra trên một hòn đảo nằm ngoài khơi bờ biển Okinawa. Ông coi nơi đây là ngọn núi của ông trong vùng hoang dã. Việc chuẩn bị riêng của ông và gặp gỡ với các tín hữu khác đã gia tăng sự tin tưởng của ông trong việc giảng dạy phúc âm. Điều ông vẫn còn thiếu là sự xác nhận—sự hiểu biết chắc chắn về điều ông đã bắt đầu cảm nhận được là chân chính.

Người viết tiểu sử của Chủ Tịch Packer nhấn mạnh đến điều đã xảy ra: “Ngược lại với sự bình an của sự xác nhận mà ông đã tìm kiếm, ông đối diện với địa ngục của chiến tranh chống lại người vô tội. Để tìm kiếm nơi tĩnh mịch và thời gian để suy nghĩ, một ngày nọ, ông đã leo lên một cái gò nhô cao lên trên mặt biển. Nơi đó, ông đã tìm thấy phần còn lại của ngôi nhà tranh bị hủy hoại của nông dân, thửa ruộng khoai lang bị bỏ hoang ở bên cạnh. Và ở giữa cây cối đang chết rủ, ông thấy xác chết của một người mẹ và hai đứa con của bà. Cảnh tượng đó làm cho lòng ông vô cùng buồn bã lẫn lộn với cảm giác yêu thương đối với gia đình của ông và đối với tất cả mọi gia đình.”6

Rồi sau đó, ông đi vào bên trong một cái hầm tạm, nơi đó ông đã trầm ngâm, suy ngẫm và cầu nguyện. Khi nhìn lại sự kiện này, Chủ Tịch Packer đã mô tả điều tôi thường gọi là một kinh nghiệm thuộc linh được xác nhận. Ông cảm thấy soi dẫn về điều ông nên làm với cuộc sống của mình. Dĩ nhiên, ông không hề biết rằng ông sẽ nhận được sự kêu gọi cao quý và thiêng liêng ông hiện đang nắm giữ. Ông có thể nhìn thấy là ông muốn làm giảng viên, tập trung vào những điều giảng dạy của Đấng Cứu Rỗi. Ông quyết tâm rằng mình sẽ sống một cuộc sống ngay chính.

Trong một cách sâu xa, ông hiểu rằng ông sẽ phải tìm kiếm một người vợ ngay chính và họ sẽ cùng nhau nuôi nấng một gia đình đông con. Người lính trẻ này nhận biết rằng sự lựa chọn nghề nghiệp của mình sẽ mang đến phần đền bù khiêm tốn và người bạn đời tuyệt vời của mình sẽ cần phải chia sẻ cùng những điều ưu tiên và sẵn lòng sống mà không có một số thứ vật chất nào đó. Chị Donna Packer chính là người bạn đời tuyệt vời của Chủ Tịch Packer. Họ không bao giờ dư thừa tiền bạc nhưng họ không cảm thấy bị thiếu thốn trong bất cứ phương diện nào. Họ nuôi dạy 10 đứa con và họ đã phải hy sinh. Họ hiện có 60 đứa cháu và hơn 80 đứa chắt.

Tôi chia sẻ câu chuyện có thật này với các em vì các mục tiêu của chúng ta thường dựa vào những gì thế gian quý trọng. Các yếu tố thiết yếu thật sự khá giản dị đối với các tín hữu đã nhận được các giáo lễ cứu rỗi. Hãy sống ngay chính. Xây dựng gia đình. Tìm ra một cách thích hợp để chu cấp. Phục vụ khi được kêu gọi. Chuẩn bị để gặp Thượng Đế.

Đấng Cứu Rỗi dạy rằng “sự sống của người ta không phải cốt tại của cải mình dư dật đâu” (Lu Ca 12:15).

Xây Dựng Quốc Gia và Cộng Đồng của Các Em

Ngoài các thuộc tính, đức tin và quyết định cá nhân ra, nếu các em là thế hệ mà các em cần phải thuộc vào, thì các em sẽ xây dựng quốc gia của mình và cộng đồng nơi mình sinh sống. Thế hệ của các em sẽ cần bảo vệ sự ngay chính và tự do tôn giáo. Di sản Do Thái-Ky Tô giáo mà chúng ta thừa hưởng không những là quý báu mà còn thiết yếu đối với kế hoạch của Cha Thiên Thượng nữa. Chúng ta cần phải giữ gìn di sản này cho các thế hệ mai sau. Chúng ta cần phải liên kết với những người tốt, kể cả những người thuộc mọi tín ngưỡng—nhất là những người cảm thấy chịu trách nhiệm đối với Thượng Đế về hành vi của họ. Đây là những người sẽ hiểu lời khuyên bảo rằng “cho dù ta là ai đi nữa thì cũng nên làm giỏi phần vụ của mình.” Việc các giá trị của Do Thái-Ky Tô giáo và sự tự do tôn giáo càng ngày càng gia tăng một cách thành công sẽ đánh dấu thế hệ của các em là thế hệ trọng đại, và điều đó cần phải là như vậy.

Với những thử thách trên thế giới ngày nay, Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn và Nhóm Túc Số Mười Hai đã đặc biệt quan tâm đến việc các em nên tham gia một cách thích hợp vào diễn tiến chính trị nơi quốc gia các em đang sinh sống. Giáo Hội giữ thái độ trung lập trong những cuộc tranh cử chính trị và không ủng hộ bất cứ ứng cử viên hay đảng phái nào. Tuy nhiên, chúng ta thật sự trông mong rằng các tín hữu của chúng ta sẽ tham gia trọn vẹn trong việc hỗ trợ các ứng cử viên và đảng phái tùy theo sự lựa chọn của họ dựa vào các nguyên tắc mà sẽ bảo vệ chính quyền tốt. Giáo lý của chúng ta rất rõ ràng: “phải siêng năng tìm kiếm những người chân thật và khôn ngoan” (GLGƯ 98:10).

Chúng tôi tin tưởng nhiều vào các em. Giới lãnh đạo của Giáo Hội thật sự tin rằng các em có thể xây đắp Vương Quốc không hề giống như bất cứ thế hệ nào trước đây. Các em không những có tình yêu thương và sự tin tưởng của chúng tôi mà còn có những lời cầu nguyện và phước lành của chúng tôi nữa. Chúng tôi biết rằng sự thành công của thế hệ các em là thiết yếu đối với việc tổ chức liên tục của Giáo Hội và sự tăng trưởng của vương quốc. Chúng tôi cầu nguyện rằng các em sẽ làm giỏi phần vụ của mình khi các em tránh đeo mặt nạ ngụy trang, hành động theo đúng nguồn gốc của mình, đặt ra các mục tiêu thích hợp cùng xây dựng quốc gia và cộng đồng nơi mình sinh sống.

Ghi Chú

  1. David O. McKay, trong Francis M. Gibbons, David O. McKay: Apostle to the World, Prophet of God (1986), 45.

  2. Xin xem Mark L. Staker, “Remembering Hiram, Ohio,” Ensign, tháng Mười năm 2002, 32, 35.

  3. Xin xem Những Lời Giảng Dạy của Các Vị Chủ Tịch Giáo Hội: Joseph Smith (2007), 24.

  4. “True to the Faith,” Hymns, số 254.

  5. L. Tom Perry, trong “Niềm Vui—cho Chúng Ta và Những Người Khác—Đến từ Việc Noi Theo Đấng Cứu Rỗi,” http://lds.org/prophets-and-apostles/what-are-prophets-testimonies?lang=eng.

  6. Lucile C. Tate, Boyd K. Packer: A Watchman on the Tower (1995), 58–59.

Hình của Anh Cả Quentin L. Cook do Craig Dimond chụp; hình ảnh do Scott Davis minh họa

Anh Cả L. Tom Perry làm giỏi phần vụ của ông trong khi đóng quân ở Nhật Bản.

Hình của Anh Cả L. Tom Perry © IRI

Chủ Tịch Boyd K. Packer đã được ban phước vì đã đặt ra các mục tiêu ngay chính.

Hình của Chủ Tịch Boyd K. Packer, cấm sao chụp lại