Sứ Điệp của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, tháng Hai năm 2018
Luôn Luôn Tưởng Nhớ Tới Ngài
Các anh chị em có thể cùng tôi tưởng tượng ra tiên tri Mô Rô Ni đang khắc những dòng chữ cuối cùng của Sách Mặc Môn trên các bảng khắc bằng vàng không? Ông cô đơn một mình. Ông đã nhìn thấy xứ sở, dân tộc và gia đình của ông sa ngã. Xứ của ông “liên miên xảy ra” chiến tranh (Mặc Môn 8:8). Tuy nhiên, ông đã có hy vọng, vì ông đã nhìn thấy thời kỳ của chúng ta! Và trong tất cả những điều ông đã có thể viết ra, thì ông đã mời chúng ta nên ghi nhớ, tưởng nhớ (xin xem Mô Rô Ni 10:3).
Chủ Tịch Spencer W. Kimball (1895–1985) rất thích dạy rằng từ quan trọng nhất trong từ điển có thể là ghi nhớ, tưởng nhớ. Vì chúng ta đã lập các giao ước với Thượng Đế, nên ông nói: “nhu cầu lớn nhất của chúng ta là ghi nhớ, tưởng nhớ” các giao ước này.1
Các anh chị em có thể tìm thấy từ ghi nhớ, tưởng nhớ trong suốt thánh thư. Khi Nê Phi khuyên nhủ các anh của mình, ông thường mời họ hãy ghi nhớ những lời của Chúa và nhớ rằng Thượng Đế đã cứu các tổ phụ của họ như thế nào (xin xem 1 Nê Phi 15:11, 25; 17:40).
Trong bài nói chuyện để từ biệt của mình, Vua Bên Gia Min đã bảy lần dùng từ ghi nhớ. Ông đã hy vọng rằng dân của ông sẽ ghi nhớ “sự vĩ đại của Thượng Đế, … cùng lòng nhân từ và sự nhịn nhục của Ngài” đối với họ (Mô Si A 4:11; xin xem thêm 2:41; 4:28, 30; 5:11–12).
Khi Đấng Cứu Rỗi lập nên Tiệc Thánh, Ngài đã mời các môn đồ của Ngài dự phần vào các biểu tượng “để tưởng nhớ” tới sự hy sinh của Ngài (Lu Ca 22:19). Trong mỗi lời cầu nguyện Tiệc Thánh mà các anh chị em và tôi nghe, từ luôn luôn ở trước từ ghi nhớ, tưởng nhớ (xin xem GLGƯ 20:77, 79).
Sứ điệp của tôi là một lời mời, thậm chí còn là một lời khẩn nài, để ghi nhớ, tưởng nhớ. Dưới đây là ba đề nghị về điều các anh chị em có thể ghi nhớ mỗi tuần khi dự phần vào các biểu tượng thiêng liêng của Tiệc Thánh. Tôi hy vọng rằng những đề nghị này sẽ hữu ích cho các anh chị em, như chúng đã hữu ích cho tôi.
Tưởng Nhớ tới Chúa Giê Su Ky Tô
Trước hết, hãy tưởng nhớ tới Đấng Cứu Rỗi. Hãy nhớ rằng Ngài là ai trong khi sống trên thế gian, Ngài đã nói như thế nào với người khác, và Ngài đã cho thấy lòng nhân từ như thế nào trong các hành động của Ngài. Hãy nhớ rằng Ngài đã dành ra thời gian với ai và Ngài đã dạy điều gì. Đấng Cứu Rỗi “đi từ nơi nọ qua chỗ kia làm phước” (Công Vụ Các Sứ Đồ 10:38). Ngài đến thăm người bệnh. Ngài đã cam kết để làm theo ý muốn của Cha Ngài.
Trên hết, chúng ta có thể nhớ tới cái giá mà Ngài đã trả, vì tình yêu thương của Ngài dành cho chúng ta, để loại bỏ vết nhơ của tội lỗi chúng ta. Khi chúng ta tưởng nhớ tới Ngài, ước muốn của chúng ta để noi theo Ngài sẽ gia tăng. Chúng ta sẽ muốn trở nên tử tế hơn một chút, tha thứ hơn một chút và sẵn lòng hơn để tìm kiếm ý muốn của Thượng Đế và làm theo.
Hãy Ghi Nhớ Điều Các Anh Chị Em Cần Phải Làm Tốt Hơn
Thật khó để nghĩ về Đấng Cứu Rỗi—sự thanh sạch và hoàn thiện của Ngài—mà lại không nghĩ đến sự thiếu sót và không hoàn hảo của chúng ta khi so sánh. Chúng ta đã lập các giao ước để tuân theo các lệnh truyền của Ngài, nhưng chúng ta thường không đáp ứng được tiêu chuẩn cao này. Nhưng Đấng Cứu Rỗi đã biết điều này sẽ xảy ra, đó là lý do tại sao Ngài đã ban cho chúng ta giáo lễ Tiệc Thánh.
Tiệc Thánh bắt nguồn từ việc thực hành các của lễ hy sinh trong Kinh Cựu Ước, gồm có việc thú tội (xin xem Lê Vi Ký 5:5). Chúng ta không còn dâng các con vật làm của lễ hy sinh nữa nhưng chúng ta vẫn có thể từ bỏ tội lỗi của mình. Thánh thư gọi điều này là của lễ hy sinh về “một tấm lòng đau khổ và một tâm hồn thống hối” (3 Nê Phi 9:20). Đến với Tiệc Thánh bằng một tấm lòng hối cải (xin xem GLGƯ 59:12; Mô Rô Ni 6:2). Khi làm như vậy, các anh chị em sẽ nhận được sự tha thứ tội lỗi, và các anh chị em sẽ không đi lạc khỏi con đường dẫn trở về với Thượng Đế.
Hãy Ghi Nhớ Sự Tiến Triển Các Anh Chị Em Đang Có
Khi các anh chị em kiểm điểm cuộc sống của mình trong thời gian giáo lễ Tiệc Thánh, tôi hy vọng rằng những ý nghĩ của các anh chị em không những tập trung vào những điều các anh chị em đã làm sai mà còn vào những điều mà các anh chị em đã làm đúng nữa—những giây phút mà các anh chị em cảm thấy rằng Cha Thiên Thượng và Đấng Cứu Rỗi đã hài lòng với các anh chị em. Các anh chị em còn có thể dành ra một giây phút trong thời gian Tiệc Thánh để cầu xin Thượng Đế giúp các anh chị em thấy được những điều đó. Nếu các anh chị em làm như vậy, tôi hứa rằng các anh chị em sẽ cảm thấy một điều gì đó. Các anh chị em sẽ cảm thấy hy vọng.
Khi tôi đã làm điều này rồi, thì Thánh Linh đã cam đoan với tôi rằng mặc dù tôi chưa được hoàn hảo nhưng con người của tôi hôm nay tốt hơn con người của tôi ngày hôm qua. Và điều này mang đến cho tôi sự tin tưởng rằng, nhờ vào Đấng Cứu Rỗi, nên con người của tôi có thể còn tốt hơn ngày mai nữa.
Luôn luôn là một thời gian dài, và nó hàm ý rất nhiều nỗ lực tập trung. Các anh chị em biết được từ kinh nghiệm rằng thật là khó biết bao để luôn luôn cố tình suy nghĩ về một điều nào đó. Nhưng cho dù các anh chị em giữ đúng lời hứa của mình đến đâu đi nữa để luôn tưởng nhớ đến Ngài, thì Ngài cũng luôn nhớ tới các anh chị em.
Đấng Cứu Rỗi biết những thử thách của các anh chị em. Ngài biết những nỗi lo lắng của đời sống đè nặng trên tâm trí của các anh chị em là như thế nào. Ngài biết các anh chị em cần phước lành đến từ việc luôn tưởng nhớ tới Ngài và tuân theo Ngài cấp bách như thế nào—“để [các anh chị em] có thể luôn được Thánh Linh của Ngài ở cùng [các anh chị em]” (GLGƯ 20:77; sự nhấn mạnh được thêm vào).
Vì vậy, Ngài chào đón các anh chị em trở lại mỗi tuần tại bàn Tiệc Thánh, một lần nữa ban cho các anh chị em cơ hội để làm chứng trước mặt Ngài rằng các anh chị em sẽ luôn tưởng nhớ tới Ngài.
© 2018 by Intellectual Reserve, Inc. All rights reserved. In tại Hoa Kỳ. Phê chuẩn bản tiếng Anh: 6/17. Phê chuẩn bản dịch: 6/17. Bản dịch First Presidency Message, February 2018. Vietnamese. 15046 435