2021
Việc Nghiên Cứu Lịch Sử Giáo Hội Củng Cố Đức Tin của Tôi Như Thế Nào
Tháng Một năm 2021


Việc Nghiên Cứu Lịch Sử Giáo Hội Củng Cố Đức Tin của Tôi Như Thế Nào

illustration of African woman with basket on head

Hình ảnh của Getty Images

Khi còn là học sinh trung học ở Nam Phi, tôi rất thích học môn lịch sử. Khi đi học đại học, tôi đã nhận được bằng cấp về lịch sử. Là một học viên trong lớp giáo lý và sau đó là viện giáo lý, tôi rất thích tất cả các khóa học của mình, nhưng tôi đặc biệt thích Giáo Lý và Giao Ước vì sách đó đã giới thiệu cho tôi về lịch sử Giáo Hội. Trong những năm qua, tôi đã thích đọc những cuốn sách về lịch sử Giáo Hội—ngay cả những cuốn sách mà đề cập đến những đề tài rất khó trong lịch sử của chúng ta. Khi tôi tiếp tục tìm hiểu lịch sử Giáo Hội từ nhiều nguồn gốc khác nhau thì đức tin của tôi được củng cố. Dưới đây là ba cách để điều đó xảy ra.

Lịch sử Giáo Hội cung ứng quan điểm cho tôi, nhất là khi nói đến các thực hành trong quá khứ, kể cả những hạn chế về chức tư tế và các phước lành đền thờ. Khi tôi mới biết rằng có một thời gian mà những người nam da đen bị hạn chế trong việc nắm giữ chức tư tế thì đức tin của tôi đã bị lung lay. Làm thế nào Giáo Hội mà tôi yêu thích lại có thể từ chối không ban chức tư tế cho người da đen? Một số người đã cố gắng cho tôi thấy những lời giải thích mà họ cho là thuộc giáo lý hoặc thánh thư. Những lời giải thích này rất khó hiểu và gây bối rối.

Theo thời gian, chính lời giải thích về mặt lịch sử mới là hợp lý và mang đến sự an ủi. Ví dụ, phần giới thiệu về mặt lịch sử trong Tuyên Ngôn Chính Thức 2 giải thích rằng Joseph Smith đã quả thực sắc phong một vài người nam da đen nhưng các vị lãnh đạo Giáo Hội đã ngừng truyền giao chức tư tế cho người da đen ngay từ đầu trong lịch sử Giáo Hội. Sau đó, phần ấy đưa ra lời tuyên bố quan trọng này: “Các hồ sơ ghi chép của Giáo Hội không đưa ra lời giải thích rõ ràng nào về nguồn gốc của lối thực hành này.”1 Các bài viết trong Các Đề Tài Phúc Âm2 và các sách học khác của Giáo Hội cung cấp thêm chi tiết và bối cảnh lịch sử.3 Những lời giải thích về mặt lịch sử này đã trở nên rất có ý nghĩa đối với tôi và củng cố đức tin của tôi.

Lịch sử Giáo Hội giúp tôi biết ơn những người đã qua đời. Điều này là đặc biệt đúng khi ta xem xét những đóng góp mà các tín hữu dường như “bình thường” đã thực hiện. Ví dụ, những giáo đường đầu tiên có thể được xây cất trên khắp Nam Phi, Zimbabwe và Zambia trong những thập niên 1950 và 1960 là nhờ vào những đóng góp của các tín hữu. Việc tiếp nhận các giáo lễ đền thờ đã đòi hỏi sự hy sinh còn lớn hơn nữa. Vì biết rằng sẽ phải mất hàng thập niên trước khi họ có thể có các đền thờ ở châu Phi nên nhiều tín hữu đã bán tài sản của họ, kể cả nhà của họ, để có tiền đi đến đền thờ và tham gia vào các giáo lễ thiêng liêng đó. Giáo Hội trên lục địa châu Phi được xây dựng dựa trên đức tin của những tín hữu đầu tiên này là những người nghèo khó nhưng đã hy sinh rất nhiều. Khi tôi đọc những điều ghi chép về họ thì đức tin của tôi được củng cố và sự sẵn lòng hy sinh của tôi được gia tăng.

illustration of African continent

Lịch sử Giáo Hội khuyến khích tôi trở thành người siêng năng hơn trong việc lưu giữ những điều ghi chép. Các vị lãnh đạo Giáo Hội đã khuyến khích việc ghi chép nhật ký. Tại sao? Vì lịch sử của Giáo Hội là một biên sử “về nếp sống, đức tin, và việc làm” của các tín hữu Giáo Hội (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 85:2). Bất cứ khi nào tôi đọc lịch sử Giáo Hội, chẳng hạn như tài liệu lịch sử mới, Các Thánh Hữu, thì tôi có ấn tượng rằng những tập này chỉ có thể có được nhờ vào các nhật ký, thư từ và những biên sử khác của các tín hữu bình thường trong Giáo Hội. Các câu chuyện chân thật do chính họ kể lại khuyến khích tôi trở thành một người ghi chép nhật ký siêng năng hơn, do đó giúp các nhà sử học trong tương lai có tư liệu về một lịch sử trung thực của Giáo Hội ở Châu Phi.

Ngoài ra còn có một phước lành cá nhân hơn từ việc đọc lịch sử Giáo Hội và cố gắng lưu giữ những điều ghi chép riêng của tôi. Như Chủ Tịch Henry B. Eyring, Đệ Nhị Cố Vấn trong Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, đã dạy: “Tôi được phước để thấy và ghi nhớ bàn tay của Chúa trong cuộc sống của tôi và cuộc sống của những người trong gia đình tôi.4 Sự hồi tưởng này củng cố chứng ngôn của tôi và gia tăng khả năng của tôi để đối phó với những thách thức trong cuộc sống của tôi. Khi tôi ghi chép nhật ký của mình và suy nghĩ về những điều được ghi chép cẩn thận của các tín hữu khác trong Giáo Hội thì tôi bắt đầu thấy những mẫu mực vĩ đại của Chúa khi Ngài phục hồi Giáo Hội và vương quốc của Ngài trong những ngày sau.

Những bài học này và nhiều bài học khác nữa có được từ việc nghiên cứu lịch sử Giáo Hội đã đóng góp rất nhiều cho sự phát triển phần thuộc linh của tôi. Những bài học này cũng đã mang đến cho tôi can đảm để bảo vệ đức tin của mình vì tôi hiểu lý do tại sao chúng ta làm điều chúng ta làm. Việc biết được bối cảnh lịch sử của nhiều lối thực hành và niềm tin của chúng ta đã làm cho tôi trở thành một giảng viên tận tâm hơn và một môn đồ tốt hơn.

Ghi Chú

  1. Xin xem lời giới thiệu Bản Tuyên Ngôn Chính Thức 2.

  2. Xin xem “Race and the Priesthood,” Gospel Topics (Các Đề Tài Phúc Âm), topics.ChurchofJesusChrist.org.

  3. Xin xem ví dụ, Foundations of the Restoration (sách học của Hệ Thống Giáo Dục của Giáo Hội), năm 2016, chương 26.

  4. Xin xem Henry B. Eyring, “Ôi Hãy Ghi Nhớ, Hãy Ghi Nhớ,” Liahona, tháng Mười Một năm 2007, trang 66–69.

Hình ảnh của Getty Images