2021
Phục Sự Những Người Bị Giam Giữ trong Tù
Tháng Một năm 2021


Phục Sự Những Người Bị Giam Giữ trong Tù

Giá trị của một người không bị giảm bớt bởi tội phạm.

collage image showing four different pictures of life in prison

Hình ảnh của Getty Images

Hiện giờ, có hơn 10 triệu người đang bị giam giữ trong các nhà tù hoặc nhà lao trên toàn thế giới.1 Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng yêu thương mọi người và hiểu rõ mọi khó khăn đã yêu cầu chúng ta phải phục sự cho tất cả con cái của Cha Thiên Thượng—kể cả những người đang bị giam giữ trong tù. “Lúc ấy, người công bình sẽ thưa rằng: Lạy Chúa, khi nào chúng tôi đã thấy Chúa … bị tù, mà đi thăm viếng Chúa?

“Vua sẽ trả lời rằng: Quả thật, ta nói cùng các ngươi, hễ các ngươi đã làm việc đó cho một người trong những người rất hèn mọn nầy của anh em ta, ấy là đã làm cho chính mình ta vậy” (Ma Thi Ơ 25:36–40).

Làm thế nào chúng ta có thể làm điều mà Đấng Cứu Rỗi đã yêu cầu và an toàn phục sự cho những người đang bị giam giữ trong tù? Bài viết này cung cấp các nguyên tắc cơ bản để bắt đầu. Thành tâm thảo luận với các vị lãnh đạo Giáo Hội địa phương về điều gì là thích hợp và khôn ngoan với khu vực của anh chị em

Những Người Cùng Là Con Cái của Thượng Đế

Tuy các hệ thống tòa án là khác nhau nhưng vấn đề khó khăn trong việc giam giữ đều giống nhau giữa các quốc gia và các nền văn hóa. Doug Richens quản lý chương trình giúp đỡ các tín hữu Giáo Hội bị giam giữ trong tù. Anh ấy cũng phối hợp với các nhóm tôn giáo và các nhóm cộng đồng khác để giúp đỡ những người bị ảnh hưởng bởi việc giam giữ bất kể lý lịch hay quan điểm tôn giáo của họ.

Anh Richens nói: “Một quan điểm rập khuôn phổ biến về những người bị giam giữ trong tù là tất cả họ đều không đáng tin cậy, hung tợn và nguy hiểm.” . “Tuy nhiên, tôi đã thấy rằng đa số họ đều không như vậy. Đa số họ đều cảm thấy hối hận vì hành động của mình. Họ đang cố gắng thoát ra khỏi những lựa chọn xấu trong quá khứ và sống một cuộc sống tốt lành.”

Ở một số quốc gia, có đến một nửa số công dân có một thân quyến đã bị giam giữ trong tù.2 Những anh chị em ruột thịt, cha mẹ và con cái bị giam giữ trong tù này—ngoài việc được xác định bởi bất cứ mối quan hệ trần thế nào—cũng đều là con cái của Thượng Đế.

Sự Phán Xét Trần Thế và Vĩnh Cửu

Mặc dù cuộc sống đòi hỏi chúng ta phải xét đoán nhưng Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô là hai Đấng duy nhất mới có thể phán xét một cách chính xác một người nào đó dựa trên tình huống, hành động và ước muốn của họ (xin xem 1 Sa Mu Ên 16:7). Sự phán xét chính xác đó chắc chắn sẽ xem xét các hoàn cảnh mà mỗi người sinh ra trong đó đã gia tăng khả năng bị tống giam chẳng hạn như thảm trạng trong gia đình, sự nghèo khó từ đời này sang đời khác thói quen sử dụng ma túy, v.v. Nhiều yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến khả năng của một người để có những lựa chọn tốt, kể cả sức khỏe và sự an lạc của họ.3 Mặc dù là điều quan trọng cho xã hội để thực thi luật pháp và giữ cho cộng đồng được an toàn nhưng chúng ta có thể làm như vậy với lòng trắc ẩn và một quan điểm vĩnh cửu cùng nhận biết rằng có rất nhiều điều chúng ta không thể hiểu được.

Tanja Schaffer, 1 tín hữu của Giáo Hội đã làm việc tại một văn phòng pháp lý trước khi thành lập một nhóm vận động vì quyền lợi của tù nhân, nói: “Hãy suy nghĩ về cảm giác của anh chị em nếu anh chị em bị phê phán trong suốt cuộc đời còn lại của mình dựa trên điều tệ hại nhất mà anh chị em đã từng làm. “Tùy thuộc vào Chúa để tha thứ cho ai mà Ngài sẽ tha thứ, nhưng Ngài truyền lệnh cho chúng ta phải tha thứ cho mọi người” (xin xem Ma Thi Ơ 18:21–22).

Nguyên tắc phán xét hoàn chỉnh của Thượng Đế cũng có thể là nguồn an ủi cho các nạn nhân của tội phạm. Đôi khi những người làm tổn thương kẻ khác không bao giờ bị trừng phạt trên thế gian. Nạn nhân có thể phải chịu đựng rất lâu sau khi án tù của thủ phạm đã kết thúc. Nhiều người bị ảnh hưởng bởi sự tống giam vừa là nạn nhân vừa là thủ phạm vào những thời điểm khác nhau, nhắc nhở chúng ta rằng cuộc sống là một mạng lưới phức tạp các mối quan hệ và quyết định mà ảnh hưởng đến người khác. Chúng ta có thể tìm thấy sự an ủi khi tin tưởng rằng Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô hiểu hết tất cả những điều đó. Sự phán xét của hai Ngài sẽ hoàn chỉnh. Sự chữa lành mà hai Ngài đã ban cho—cả người vô tội lẫn người hối cải—sẽ trọn vẹn (xin xem Khải Huyền 21:4).

Tấm Gương Yêu Thương của Các Vị Lãnh Đạo

Anh Cả Gerrit W. Gong thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã mô tả một buổi họp nơi mà mọi người xung quanh ông đều mặc đồ màu trắng. Có tiếng hát và lời cầu nguyện cùng tràn đầy tình yêu thương của Thượng Đế.4 Trái ngược với những gì mà nhiều người trong chúng ta có thể hình dung thì đây không phải là một buổi họp trong đền thờ. Đây là một chuyến viếng thăm phục sự tại một nhà tù nơi mà áo liền quần màu trắng là bộ đồng phục tiêu chuẩn.

Anh Richens làm chứng và mô tả cách mà một vị lãnh đạo tặng quyển tạp chí Giáo Hội của mình cho một người tù mà ông ấy đến thăm mỗi tháng: “Các vị lãnh đạo của Giáo Hội quan tâm đến tất cả những người bị ảnh hưởng bởi tội ác và sự giam giữ.” “Họ thường xuyên đến thăm những người bị giam giữ trong tù, hỗ trợ gia đình họ và dịu dàng chăm sóc các nạn nhân.”

Các giáo vụ cải huấn là trách nhiệm của chủ tịch giáo khu, làm việc với các lãnh đạo tiểu giáo khu để giải quyết các nhu cầu của những người trong khu vực của họ. Các vị lãnh đạo giáo khu của anh chị em đang làm gì để phục sự và chia sẻ các sứ điệp nâng cao tinh thần với các tín hữu bị giam giữ trong tù? Ở một số nơi, các tín hữu Giáo Hội có thể được kêu gọi đến thăm và giảng dạy cho những người bị giam giữ trong tù. Anh Richens nói rằng thông thường các tín hữu nào được kêu gọi để hỗ trợ thì rất lo lắng lúc ban đầu nhưng sau đó họ thấy sự kêu gọi đó có ý nghĩa đến mức họ không bao giờ muốn được giải nhiệm.

Anh nói: “Đó là sự tin đạo thanh sạch” (xin xem Gia Cơ 1:27).

Mặc dù không nên cảm thấy áp lực để đi thăm những người bị giam giữ trong tù mà mình không biết nhưng có những cách khác mà chúng ta có thể phục sự một cách an toàn. Đây là một vài ví dụ:

  • Gồm những người bị giam giữ trong tù vào trong những lời cầu nguyện của anh chị em, nhất là bất cứ ai mà anh chị em biết tên. Sự cầu nguyện có sức mạnh lớn lao!

  • Hỏi thăm các nhà tù hoặc các nhà giam địa phương để xem họ có cần nhận các đồ đạc quyên tặng không. Các vật dụng thủ công như đan móc, sách vở, các tác phẩm nghệ thuật và nghiên cứu tìm kiếm lịch sử gia đình được cho phép ở nhiều cơ sở.

  • Nếu anh chị em biết người nào bị giam giữ trong tù thì hãy viết cho họ những lá thư nâng cao tinh thần. Đưa ra những lựa chọn an toàn, khôn ngoan trong khi giao tiếp. Tuân theo Thánh Linh và duy trì những giới hạn thích hợp.

  • Đối xử với những người trong gia đình của những người bị giam giữ trong tù—nhất là con cái—bằng tình yêu thương, sự tôn trọng và hòa nhập. Hãy nhớ rằng những người trong gia đình nói chung cũng là nạn nhân vô tội. Đức Thánh Linh có thể giúp chúng ta biết cách tốt nhất để phục sự tất cả những người trong gia đình.

woman sitting on bed and praying

Đức Thánh Linh Không Bị Giới Hạn

Sự giam giữ trong tù có thể là một khoảng thời gian vô cùng khó khăn trong cuộc sống của một người. Nhưng Đức Thánh Linh không bị ngăn giữ bởi những bức tường, chấn song hay xiềng xích. Sự cầu nguyện, học thánh thư và lòng khiêm nhường có thể mời gọi sự hiện diện đầy an ủi của Ngài một cách nhanh chóng ở bên trong cũng như bên ngoài phòng giam. Nhờ vào điều này nên nhà tù có thể trở thành một nơi đầy phép lạ.

Portia Louder, một tín hữu của Giáo Hội đã viết bài đăng trên blog trong khi bị giam giữ trong tù, mô tả thời gian ở tù của chị ấy là một hành trình khó khăn của đức tin và sự khám phá bản thân. Chị ấy viết: “Tôi đã trải qua một số khó khăn khá nghiêm trọng trong cuộc sống của mình nhưng tôi có thể cảm thấy bản thân mình được chữa lành qua một tình yêu thương không thể diễn tả được.” “Bất cứ thử thách nào anh chị em đang trải qua ngay bây giờ, bất cứ nơi nào anh chị em đang đi trong cuộc hành trình của mình, thì cũng xin đừng bỏ cuộc!”

Garff Cannon là người đã phục vụ với tư cách là chủ tịch chi nhánh trong một nhà tù, mô tả cách mà Thánh Linh đã thúc giục ông nói chuyện tử tế với một tù nhân cứng lòng đã sống một cuộc sống khó khăn. Người này nói: “Những gì anh vừa nói với tôi là những lời tử tế nhất tôi đã từng nghe trong đời tôi.” “Tôi không hề nhớ là đã từng nghe những lời tử tế và đầy quan tâm. Xin cám ơn anh.″ Họ kết thúc chuyến viếng thăm của họ bằng lời cầu nguyện đầu tiên mà người đàn ông này đã không được nghe trong nhiều năm.

Anh Cannon làm chứng: “Vâng, Đức Thánh Linh chắc chắn đang ở trong các cơ sở cải huấn.” “Con cái của Thượng Đế đang ở đó và Ngài muốn họ trở lại.”

Thượng Đế đưa ra những lời hứa mạnh mẽ cho tất cả những ai chọn noi theo Ngài, cho dù lần đầu tiên chúng ta tìm hiểu về Ngài trong Trường Chủ Nhật hay trong một nhà tù. Như trong Ê Xê Chi Ên 36:26 dạy: “Ta sẽ ban lòng mới cho các ngươi, và đặt thần mới trong các ngươi.”

Việc Tái Hội Nhập Xã Hội Là Điều Vô Cùng Khó Khăn

Giá trị của một người không bị giảm bớt bởi tội ác (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 18:10). Khi một người nào đó mong muốn thay đổi để trở thành con người tốt hơn, chúng ta có để cho họ tăng trưởng và được tha thứ không?

Khi một người nào đó mong muốn thay đổi để trở thành con người tốt hơn, chúng ta có để cho họ tăng trưởng và được tha thứ không? “Đôi khi những cá nhân bị giam giữ trong tù cảm thấy được Chúa tha thứ từ lâu trước khi họ được chính phủ, xã hội hay thậm chí một số tín hữu của Giáo Hội tha thứ.”

Việc tái hội nhập xã hội sau khi bị giam giữ trong tù là điều khó khăn. Những người đã bị giam giữ trong tù thường gặp khó khăn khi kiếm việc làm hoặc nhà ở. Chúng ta có thể giúp họ tìm thấy sự an toàn ở những nơi bổ ích và theo đuổi những sở thích lành mạnh. Có lẽ điều quan trọng nhất chúng ta có thể làm là trở thành một người bạn tích cực biết củng cố. Khi Joseph Smith nói về sự cải cách nhà tù trong khi tranh cử tổng thống, ông đã dạy rằng “sự nghiêm ngặt và cách ly sẽ không bao giờ hữu ích nhiều để cải cách khuynh hướng của con người cho bằng lý trí và tình bạn.”5

Lòng Trắc Ẩn Tạo Ra Sự Khác Biệt

Giu Đe khuyến khích Các Thánh Hữu phải “có lòng thương” (Giu Đe 1:23). Những lời này của ông lặp lại lời khẩn nài của Đấng Cứu Rỗi để nhớ tới những người đang ở trong tù. Chúng ta sẽ đáp ứng những lời mời gọi này như thế nào? Chúng ta hãy nỗ lực để nuôi dưỡng những người bị giam giữ trong tù và gia đình của họ, với lòng nhân từ của Thượng Đế. Lòng trắc ẩn của chúng ta có thể tạo ra sự khác biệt.

Ghi Chú

  1. Xin xem “World Prison Population List: Eleventh Edition,” National Institute of Corrections, nicic.gov.

  2. Xin xem “Half of Americans Have Family Members Who Have Been Incarcerated,” ngày 11 tháng Mười Hai năm 2018, Equal Justice Initiative, eji.org/news.

  3. Xin xem “Traumatic Brain Injury in Criminal Justice,” University of Denver, du.edu/tbi.

  4. Buổi họp đặc biệt Giáng Sinh của Sở Chức Tư Tế và Gia Đình, tháng Mười Hai năm 2019.

  5. “Joseph Smith as a Statesman,” Improvement Era, tháng Năm năm 1920, trang 649.