Tình Yêu Thương Thiêng Liêng trong Kế Hoạch của Cha Thiên Thượng
Mục đích của giáo lý và chính sách của Giáo Hội phục hồi này là để chuẩn bị con cái của Thượng Đế cho sự cứu rỗi trong thượng thiên giới và sự tôn cao ở mức độ cao nhất.
Kế hoạch phúc âm cho thấy tình thương yêu của Cha Thiên Thượng dành cho tất cả con cái của Ngài. Để hiểu điều này, chúng ta phải cố gắng hiểu kế hoạch và các lệnh truyền của Ngài. Ngài thương yêu con cái của Ngài đến nỗi đã gửi Con Độc Sinh của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, để trở thành Đấng Cứu Rỗi và Đấng Cứu Chuộc của chúng ta, để chịu đau đớn và chết cho chúng ta. Trong Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô đã được phục hồi, chúng ta có được sự hiểu biết độc đáo về kế hoạch của Cha Thiên Thượng. Điều này cho chúng ta một cách nhìn khác về mục đích của cuộc sống trần thế, sự phán xét thiêng liêng theo sau nó, và số mệnh vinh quang cuối cùng của tất cả con cái của Thượng Đế.
Tôi yêu thương các anh chị em. Tôi yêu thương tất cả con cái của Thượng Đế. Khi Chúa Giê Su được người ta hỏi: “Trong luật pháp, điều răn nào là lớn hơn hết?” Ngài đã dạy rằng việc yêu thương Thượng Đế và yêu thương người lân cận là trên hết trong các lệnh truyền lớn lao của Thượng Đế.1 Các lệnh truyền đó là trên hết bởi vì chúng mời gọi chúng ta phát triển phần thuộc linh bằng việc tìm cách noi theo tình thương yêu của Thượng Đế dành cho chúng ta. Tôi mong rằng tất cả chúng ta đều hiểu rõ hơn về giáo lý và chính sách đầy nhân từ mà Cha Thiên Thượng và Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, đã thiết lập trong Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô. Điều tôi nói ở đây nhằm làm rõ cách tình thương yêu của Thượng Đế giải thích giáo lý đó và các chính sách được soi dẫn của Giáo Hội.
I.
Một sự hiểu lầm phổ biến về sự phán xét cuối cùng sau cuộc sống trần thế là rằng những người tốt sẽ đến một nơi gọi là thiên đường và những người xấu sẽ đến nơi vĩnh viễn gọi là địa ngục. Giả định sai lầm về hai điểm đến cuối cùng duy nhất này ngụ ý rằng những người không thể tuân giữ tất cả các lệnh truyền cần thiết để lên thiên đường sẽ phải vĩnh viễn xuống địa ngục.
Cha Thiên Thượng nhân từ có một kế hoạch tốt hơn cho con cái của Ngài. Giáo lý được mặc khải trong Giáo Hội phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô dạy rằng tất cả con cái của Thượng Đế—với một số ngoại lệ quá giới hạn để nói đến ở đây—cuối cùng sẽ đến một vương quốc vinh quang.2 Chúa Giê Su đã dạy: “Trong nhà Cha ta có nhiều chỗ ở”3. Qua sự mặc khải hiện đại, chúng ta biết rằng các chỗ ở này thuộc về ba vương quốc vinh quang khác nhau. Vào Ngày Phán Xét Cuối Cùng, mỗi người chúng ta sẽ được phán xét tùy theo việc làm và mong muốn trong lòng mình.4 Trước ngày đó, chúng ta sẽ cần phải chịu đau khổ cho những tội lỗi mà chúng ta chưa hối cải. Thánh thư nói rõ về điều đó.5 Sau đó, Vị Phán Quan ngay chính sẽ cho chúng ta sống ở một trong các vương quốc vinh quang đó. Do đó, như chúng ta biết từ mặc khải hiện đại, tất cả “sẽ được xét xử … , và mọi người sẽ nhận được vị thế của mình tùy theo việc làm của người ấy, lãnh vực thống trị của người ấy trong những gian nhà đã được chuẩn bị sẵn.”6
Chúa đã chọn để mặc khải tương đối ít về hai trong số các vương quốc vinh quang này. Ngược lại, Chúa đã mặc khải nhiều điều về vương quốc vinh quang cao nhất, mà Kinh Thánh đã miêu tả là “vinh quang của mặt trời.”7
Trong vinh quang “thượng thiên”8 có ba mức độ.9 Mức độ cao nhất là sự tôn cao trong thượng thiên giới, nơi chúng ta có thể trở thành giống như Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô. Để giúp chúng ta phát triển các đức tính như Thượng Đế và sự thay đổi bản thân cần thiết để đạt được tiềm năng thiêng liêng của mình, Chúa đã mặc khải giáo lý và thiết lập lệnh truyền dựa trên luật pháp vĩnh cửu. Đây là điều chúng ta dạy trong Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô bởi vì mục đích của giáo lý và chính sách trong Giáo Hội phục hồi này là nhằm chuẩn bị con cái của Thượng Đế cho sự cứu rỗi trong vinh quang thượng thiên và, cụ thể hơn, là cho sự tôn cao ở mức độ cao nhất.
Điều then chốt chính là các giao ước được lập và các phước lành được hứa cho những người trung tín trong đền thờ của Thượng Đế. Điều này giải thích việc chúng ta xây dựng đền thờ trên khắp thế giới, là chủ đề của bài hát tuyệt vời mà ca đoàn vừa hát. Một số người không hiểu hết về sự nhấn mạnh này, vì không hiểu rằng các giao ước và giáo lễ trong đền thờ hướng chúng ta đến việc đạt được sự tôn cao. Điều này chỉ có thể được hiểu trong bối cảnh của lẽ thật được phục hồi về ba mức độ vinh quang. Vì tình thương yêu lớn lao của Cha Thiên Thượng cho tất cả con cái của Ngài, Ngài đã ban cho các vương quốc vinh quang khác—như Anh Cả Quentin L. Cook giải thích hôm qua—và tất cả các vương quốc này đều tuyệt vời hơn sự hiểu biết của chúng ta.10
Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô làm cho tất cả những điều này có thể thành hiện thực. Ngài đã mặc khải rằng Ngài “vinh danh Đức Chúa Cha, và cứu rỗi tất cả những công trình do tay Ngài tạo ra.”11 Sự cứu rỗi ấy được ban cho qua các vương quốc vinh quang khác nhau. Từ sự mặc khải hiện đại, chúng ta biết rằng “tất cả các vương quốc đều có luật pháp ban hành.”12 Đặc biệt là:
“Kẻ nào không thể tuân theo luật pháp của vương quốc thượng thiên thì không thể đương nổi vinh quang thượng thiên được.
“Và kẻ nào không thể tuân theo luật pháp của vương quốc trung thiên thì cũng không thể đương nổi vinh quang trung thiên được.
“Và kẻ nào không thể tuân theo luật pháp của vương quốc hạ thiên thì cũng không thể đương nổi vinh quang hạ thiên được.”13
Nói cách khác, các vương quốc vinh quang mà chúng ta tiếp nhận trong Ngày Phán Xét Cuối Cùng được xác định qua những luật pháp mà chúng ta chọn tuân theo trong kế hoạch yêu thương của Cha Thiên Thượng. Theo kế hoạch đó có nhiều vương quốc để tất cả con cái của Ngài đều có thể được xếp vào một vương quốc nơi họ có thể “đương nổi.”
II.
Những lời giảng dạy và chính sách trong Giáo Hội phục hồi của Chúa áp dụng các lẽ thật vĩnh cửu này theo cách chỉ có thể được hiểu đầy đủ trong bối cảnh kế hoạch yêu thương của Cha Thiên Thượng dành cho tất cả con cái của Ngài.
Do đó, chúng ta tôn trọng quyền tự do cá nhân. Hầu hết mọi người đều nhận thức được những nỗ lực lớn lao của Giáo Hội này để thúc đẩy tự do tôn giáo. Các nỗ lực này nhằm thúc đẩy kế hoạch của Cha Thiên Thượng chúng ta. Chúng ta cố gắng giúp đỡ tất cả con cái của Ngài—không chỉ riêng các tín hữu của chúng ta—được tận hưởng quyền tự do quý giá để lựa chọn.
Tương tự như vậy, đôi khi chúng ta được hỏi tại sao chúng ta gửi những người truyền giáo đến nhiều quốc gia như vậy, thậm chí đến những nơi theo Ky Tô Giáo. Mọi người cũng hỏi tại sao chúng ta cung cấp nguồn viện trợ nhân đạo khổng lồ cho những người không phải là tín hữu Giáo Hội mà không liên kết việc này với các nỗ lực truyền giáo. Chúng ta làm như vậy vì Chúa phán dạy chúng ta phải quý trọng tất cả con cái của Ngài như các anh chị em của mình, và chúng ta muốn chia sẻ những dư dật về mặt vật chất lẫn tinh thần với mọi người.
Giáo lý vĩnh cửu cũng mang lại một quan điểm đặc biệt về con cái. Qua quan điểm này, chúng ta xem việc cưu mang và nuôi dưỡng con cái như một phần của kế hoạch thiêng liêng. Đó là một nghĩa vụ thiêng liêng và hoan hỉ cho những người được trao quyền để tham gia. Vì thế, chúng ta được truyền lệnh phải giảng dạy và bênh vực cho các nguyên tắc và lối thực hành mà cung ứng những điều kiện tốt nhất cho sự phát triển và hạnh phúc của con cái dưới kế hoạch của Thượng Đế.
III.
Cuối cùng, Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô được biết đến chính xác là một Giáo Hội đặt gia đình làm trọng tâm. Nhưng thực tế không phải ai cũng hiểu là việc đặt trọng tâm vào gia đình không chỉ giới hạn cho các mối quan hệ trần thế. Mối quan hệ vĩnh cửu cũng là nền tảng của thuyết thần học của chúng ta. Sứ mệnh của Giáo Hội phục hồi là để giúp tất cả con cái của Thượng Đế hội đủ điều kiện để nhận được vận mệnh cuối cùng của họ theo như ý muốn của Thượng Đế. Nhờ sự cứu chuộc có được qua Sự Chuộc Tội của Đấng Ky Tô, tất cả có thể đạt được cuộc sống vĩnh cửu (sự tôn cao trong thượng thiên giới), mà Mẹ Ê Va đã tuyên bố rằng “Thượng Đế ban cho tất cả những ai biết vâng lời.”14 Điều này còn hơn cả sự cứu rỗi. Chủ Tịch Russell M. Nelson đã nhắc nhở chúng ta rằng “trong kế hoạch vĩnh cửu của Thượng Đế, sự cứu rỗi là một vấn đề cá nhân; [nhưng] sự tôn cao là một vấn đề gia đình.”15
Điều cơ bản đối với chúng ta là lời mặc khải từ Thượng Đế rằng sự tôn cao chỉ có thể đạt được qua sự trung tín với các giao ước hôn nhân vĩnh cửu giữa một người nam và một người nữ.16 Giáo lý thiêng liêng đó chính là lý do tại sao chúng ta giảng dạy rằng “phái tính là một đặc điểm cơ bản của từng người cho riêng nguồn gốc và mục đích về trạng thái tiền dương thế, hữu diệt và vĩnh cửu.”17
Đó cũng là lý do tại sao Chúa đã phán bảo Giáo Hội phục hồi của Ngài phải chống lại các áp lực xã hội và pháp lý để rút lui khỏi giáo lý của Ngài về hôn nhân giữa một người nam và một người nữ, và phải chống lại những thay đổi nhằm đồng nhất hóa sự khác biệt giữa nam và nữ hoặc gây nhầm lẫn hoặc thay đổi giới tính.
Các lập trường của Giáo Hội phục hồi về những điều cơ bản này thường gây ra sự chống đối. Chúng tôi hiểu điều đó. Kế hoạch của Cha Thiên Thượng cho phép “sự tương phản trong mọi sự việc,”18 và sự chống đối mãnh liệt nhất của Sa Tan nhắm vào bất cứ điều gì quan trọng nhất đối với kế hoạch đó. Do đó, hắn cố gắng chống đối sự tiến triển đến sự tôn cao bằng cách bóp méo hôn nhân, và không khuyến khích sinh con, hoặc làm nhầm lẫn giới tính. Tuy nhiên, chúng tôi hiểu rằng về lâu dài, mục đích và kế hoạch thiêng liêng của Cha Thiên Thượng nhân từ sẽ không thay đổi. Hoàn cảnh cá nhân có thể thay đổi, và kế hoạch của Thượng Đế đảm bảo rằng về lâu dài, những người trung tín tuân giữ giao ước của họ sẽ có cơ hội nhằm hội đủ điều kiện để đạt được mọi phước lành được hứa.19
Một lời giảng dạy có giá trị đặc biệt để giúp chúng ta chuẩn bị cho cuộc sống vĩnh cửu, “ân tứ lớn lao nhất trong tất cả mọi ân tứ của Thượng Đế,”20 là bản tuyên ngôn về gia đình năm 1995.21 Dĩ nhiên, những lời tuyên bố trong bản tuyên ngôn đó có thể khác biệt với một số luật pháp, lối sống, và sự tán thành của thế gian, chẳng hạn như việc sống thử và hôn nhân đồng giới. Những người không hoàn toàn hiểu kế hoạch nhân từ của Đức Chúa Cha dành cho con cái Ngài có thể xem bản tuyên ngôn về gia đình này không hơn gì một tuyên bố về chính sách mà có thể được thay đổi. Trái lại, chúng tôi khẳng định rằng bản tuyên ngôn về gia đình, được dựa trên giáo lý không thể thay đổi, vạch rõ kiểu mối quan hệ gia đình mà trong đó phần quan trọng nhất của sự phát triển vĩnh cửu của chúng ta có thể xảy ra.
Đó chính là bối cảnh của giáo lý và chính sách độc đáo trong Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô được phục hồi.
IV.
Trong nhiều mối quan hệ và hoàn cảnh của cuộc sống hữu diệt, mỗi người chúng ta đều phải sống với những khác biệt. Với tư cách là các môn đồ của Đấng Ky Tô mà phải thương yêu những người lân cận mình, chúng ta nên sống chan hòa với những người khác niềm tin với chúng ta. Tất cả chúng ta đều là con cái của Cha Thiên Thượng nhân từ. Ngài đã định sẵn cuộc sống sau khi chết và cuối cùng là một vương quốc vinh quang cho tất cả chúng ta. Thượng Đế mong muốn tất cả chúng ta cố gắng đạt được những phước lành cao nhất Ngài có thể ban cho bằng cách tuân giữ các lệnh truyền, giao ước, và giáo lễ cao nhất của Ngài, mà đỉnh điểm là ở trong những đền thờ thánh của Ngài đang được xây dựng trên khắp thế giới. Chúng ta phải cố gắng chia sẻ các lẽ thật vĩnh cửu này với người khác. Nhưng với tình yêu thương dành cho tất cả những người lân cận mình, chúng ta phải luôn chấp nhận quyết định của họ. Như một vị tiên tri trong Sách Mặc Môn đã dạy, chúng ta phải tiến tới, có “tình yêu thương Thượng Đế và mọi người.”22
Như Chủ Tịch Russell M. Nelson đã tuyên bố trong đại hội kỳ trước: “Chưa từng có thời điểm nào trong lịch sử thế giới mà sự hiểu biết về Đấng Cứu Rỗi của chúng ta lại thiết yếu và xác đáng hơn đối với mỗi con người. … Giáo lý thuần khiết của Đấng Ky Tô là đầy quyền năng. Giáo lý này thay đổi cuộc sống của mọi người nào hiểu và cố gắng áp dụng giáo lý đó trong cuộc sống của mình.”23
Tôi cầu mong rằng tất cả chúng ta đều có thể thực hiện giáo lý thiêng liêng đó trong chính cuộc sống của mình, trong tôn danh Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.