“Sự Nhu Mì của Người Đàn Bà ở Ca Na An,” Liahona, tháng Chín năm 2023.
Các Phép Lạ của Chúa Giê Su
Sự Nhu Mì của Người Đàn Bà ở Ca Na An
Vai trò của đức tin và sự nhu mì là gì trong việc tìm kiếm các phép lạ mà chúng ta cần?
Trong vô số những tương tác mà Chúa Giê Su Ky Tô chắc hẳn đã có trong giáo vụ trần thế của Ngài, có một tương tác rất dễ bỏ qua vì nó rất ngắn ngủi và đôi lần bị hiểu sai: người đàn bà ở Ca Na An được mô tả trong Ma Thi Ơ 15:21–28.
Tuy nhiên, với một số ngữ cảnh bổ sung, chúng ta có thể học được những lẽ thật tuyệt vời về lòng kiên nhẫn và trắc ẩn của Chúa Giê Su Ky Tô khi chúng ta biết rõ về người đàn bà có đức tin và sự nhu mì mẫu mực nhưng ít được nhắc tới này.
Bối Cảnh
Trong Ma Thi Ơ 14, chúng ta học được rằng Đấng Cứu Rỗi đã biết về sự qua đời của Giăng Báp Tít, người đã bị chém đầu do sự xúi giục của Hê Rô Đia. Khi nghe tin về sự qua đời của người anh họ mình, Chúa Giê Su đã cố gắng lui về “nơi đồng vắng” bằng thuyền, có lẽ là để khóc than, nhưng đoàn dân đông đúc đã đi bộ theo Ngài (xin xem Ma Thi Ơ 14:13). Để thể hiện lòng trắc ẩn lớn lao, Đấng Ky Tô dành cả ngày với đoàn dân và thậm chí còn thực hiện một trong các phép lạ phi thường của Ngài, cho đám đông hàng ngàn người ăn chỉ với năm cái bánh và hai con cá (xin xem Ma Thi Ơ 14:15–21).
Đêm đó, Đấng Cứu Rỗi đã thực hiện phép lạ vĩ đại thứ hai. Ngài đã đi lên núi, xa khỏi các môn đồ Ngài, để cầu nguyện. Các môn đồ Ngài đi lên một con thuyền, mà sau đó bị bao quanh bởi Biển Ga Li Lê, tròng trành bởi sóng gió. “Xong rồi, … Đức Chúa [Giê Su] đi bộ trên mặt biển mà đến cùng môn đồ,” khiến các môn đồ phải thốt lên: “Thầy thật là Con Đức Chúa Trời.” (Xin xem Ma Thi Ơ 14:23–25, 33.)
Kế đó Chúa Giê Su đi lên phía bắc từ Ga Li Lê đến bờ biển Ty Rơ và Si Đôn, là nước Li Ban ngày nay. Chắc hẳn Ngài đang tìm kiếm “sự yên nghỉ, chỗ hẻo lánh, cơ hội thích hợp để giảng dạy Mười Hai Vị Sứ Đồ,” mà đã lảng tránh Ngài.1 Chính tại đây mà có “một người đàn bà xứ Ca Na An, từ xứ ấy đến, mà kêu lên rằng: Lạy Chúa, là con cháu vua Đa Vít, xin thương xót tôi cùng! Con gái tôi mắc quỉ ám, khốn cực lắm” (Ma Thi Ơ 15:22).
Người Đàn Bà ở Ca Na An
Điều đáng chú ý là người đàn bà ấy đã đến gặp Chúa Giê Su. Bà là người Ca Na An, “người ngoại đạo hay tà giáo bẩm sinh,” dân Ca Na An “bị người Do Thái đặc biệt coi thường.”2 Tuy nhiên, đức tin của bà nơi quyền năng của Chúa Giê Su Ky Tô và tình yêu thương của bà dành cho con gái mình đã thôi thúc bà khẩn nài Đấng Cứu Rỗi giúp đỡ. Anh Cả James E. Talmage (1862–1933) thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã giải thích: “Sự thực rằng bà đã gọi Chúa Giê Su là Con Trai của Đa Vít chứng tỏ bà tin rằng Ngài là Đấng Mê Si của Y Sơ Ra Ên.”3
Mặc dù chúng ta biết rất ít về người mẹ Dân Ngoại này, chúng ta có thể phỏng đoán rằng đức tin của bà cũng giống như của các phụ nữ khác được nhắc đến trong Kinh Tân Ước. Giống như người đàn bà “bị bệnh mất huyết” (Mác 5:25), Ma Ri và Ma Thê ở Bê Tha Ni, và Ma Ri Ma Đơ Len, người đàn bà Ca Na An đặt trọn niềm tin vào Đấng Cứu Rỗi. Bà đã có một sự hiểu biết rõ ràng và đầy tin tưởng về Ngài là ai.
Thoạt đầu, Chúa Giê Su đã không đáp lại bà. Các môn đồ đã khuyến khích Ngài đuổi bà ấy đi vì bà làm phiền họ, và họ nhận thấy rằng bà đang làm phiền Ngài trong khi Ngài đang tìm kiếm sự yên tĩnh.4
Cuối cùng, Chúa Giê Su bèn trả lời. Khi giải thích sự im lặng trước đó của Ngài, Ngài phán: “Ta chịu sai đến đây, chỉ vì các con chiên lạc mất của nhà Y Sơ Ra Ên đó thôi” (Ma Thi Ơ 15:24).
Lời phán của Đấng Cứu Rỗi càng làm cho việc người đàn bà Dân Ngoại này đến tìm kiếm phước lành cho con gái của mình càng đáng kinh ngạc hơn nữa. Bà không phải là người đàn bà ở Y Sơ Ra Ên, nhưng bằng cách nào đó bà biết rằng Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Mê Si, một Vị Vua. Và mặc dù Ngài đã phán rõ rằng sứ mệnh của Ngài là dành cho người Do Thái ở Y Sơ Ra Ên, nhưng người đàn bà này đã có đức tin rằng Ngài sẽ chữa lành cho con gái bà. Trong sự nhu mì, bà sấp mình dưới chân Ngài để công nhận vương quyền và quyền năng của Ngài (xin xem Mác 7:25), “thờ phượng Ngài,” và một lần nữa nài nì: “Lạy Chúa, xin Chúa giúp tôi cùng!” (Ma Thi Ơ 15:25).
Sự Nhu Mì và Các Phép Lạ
Trong một câu trả lời mà dường như khắc nghiệt đối với các môn đồ thời hiện đại, Chúa Giê Su đáp rằng: “Không nên lấy bánh của con cái mà quăng cho chó con ăn” (Ma Thi Ơ 15:26). Các học giả Kinh Thánh đã giải thích rằng, trong sự so sánh này, “con cái” là dân Do Thái và “con chó” là Dân Ngoại.
Nói cách khác, bổn phận chính của Đấng Ky Tô là đối với dân Do Thái. Ngài phải cho họ ăn—hoặc là ban cho họ phúc âm trước tiên—rồi sau đó họ phải cho ăn hoặc giảng dạy cho các dân còn lại trên thế gian. Anh Cả Talmage giải thích: “Những lời phán đó, nghe có vẻ như khắc nghiệt đối với chúng ta, đã được người đàn bà ấy hiểu trong tinh thần theo ý định của Chúa. … Chắc hẳn người đàn bà ấy đã không cảm thấy phật lòng về sự so sánh đó.”5
Một lần nữa, lời đáp lại của người đàn bà tốt bụng này thật cảm động, phi thường, và nhu mì: “Lạy Chúa, thật như vậy, song mấy con chó con ăn những miếng bánh vụn trên bàn chủ nó rớt xuống” (Ma Thi Ơ 15:27).
Người đàn bà tràn đầy đức tin này đã không hề nao núng. Thay vì chọn để bị phật lòng, bà đã chọn đức tin. Phản ứng của bà là cách thể hiện niềm hy vọng ngay cả trong những miếng bánh vụn. Thật là một đức tin phi thường để tin tưởng rằng một miếng bánh vụn từ trên bàn của Đấng Cứu Rỗi cũng sẽ đủ để vượt qua bất cứ điều gì mà khiến con gái bà khổ sở. Phản ứng của người mẹ trung tín này cho thấy lòng khiêm nhường và nhu mì.
Anh Cả David A. Bednar thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã giải thích sự nhu mì là “mạnh mẽ, chứ không phải yếu đuối; chủ động, chứ không phải là bị động; can đảm, chứ không phải nhút nhát.”6 Người đàn bà ở Ca Na An quả thật rất mạnh mẽ, chủ động, và can đảm trong việc tuyên bố đức tin của mình rằng dù chỉ một chút quyền năng của Đấng Cứu Rỗi cũng đủ rồi.
Cuối cùng, Chúa Giê Su Ky Tô đáp lại bằng một câu trả lời đầy quyền năng và quen thuộc: “Hỡi đờn bà kia, ngươi có đức tin lớn; việc phải xảy ra theo ý ngươi muốn!” Sự thể hiện rằng Ngài quý trọng và chấp nhận mỗi người chúng ta trong cuộc hành trình của mình để đến cùng Ngài được tiếp tục ghi lại trong đoạn thánh thư bằng sự bảo đảm rằng “cũng một giờ đó, con gái người liền được lành.” (Ma Thi Ơ 15:28).
Chúng Ta Có Thể Học Hỏi Được Điều Gì?
Anh Cả Talmage nhận xét: “Lòng kiên trì đáng khen ngợi của người đàn bà ấy được dựa trên đức tin mà vượt qua những trở ngại hiển nhiên và chịu đựng ngay cả khi nản lòng.”7
Loại đức tin bền bỉ đó nơi Chúa Giê Su Ky Tô chính là những điều mà vị tiên tri của chúng ta, Chủ Tịch Russell M. Nelson, đã khuyên bảo chúng ta cần phát triển: “Đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô là quyền năng lớn nhất dành cho chúng ta trong cuộc sống này. Kẻ nào tin thì mọi việc đều được cả.”8
Tôi ca tụng người đàn bà ở Ca Na An là người rất mạnh mẽ, chủ động tích cực, can đảm, và kiên trì trong việc khẳng định đức tin của mình nơi Chúa Giê Su Ky Tô với tư cách là Đấng Cứu Rỗi, Đấng Mê Si, và Vị Vua. Bà là một tấm gương trong Kinh Tân Ước về đức tin và sự nhu mì mà cần phải có ở tất cả các môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô. Một cách không hề nao núng, chúng ta hãy kiên trì theo đuổi loại đức tin đó ở “thầy tế lễ thượng phẩm của những điều tốt lành sau này” (Hê Bơ Rơ 9:11).