2010–2019
Nhu Mì và Khiêm Tốn trong Lòng
Tháng Tư năm 2018


2:3

Nhu Mì và Khiêm Tốn trong Lòng

Sự nhu mì là một đặc tính chính yếu của Đấng Cứu Chuộc và được thể hiện qua cách đáp ứng ngay chính, sự sẵn lòng tuân theo, và sự kiềm chế bản thân mạnh mẽ.

Tôi vui mừng trước cơ hội thiêng liêng để được tán trợ các vị lãnh đạo của Giáo Hội, và tôi chân thành chào mừng Anh Cả Gong và Anh Cả Soares đến với Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ. Sự phục sự của những người đàn ông trung tín này sẽ ban phước cho các cá nhân và các gia đình trên khắp thế giới, và tôi phấn khởi để phục vụ với họ và học hỏi từ họ.

Tôi cầu nguyện Đức Thánh Linh sẽ giảng dạy và soi sáng chúng ta khi chúng ta cùng nhau học hỏi về một khía cạnh quan trọng của thiên tính của Đấng Cứu Rỗi1 mà mỗi chúng ta cần cố gắng để noi theo.

Tôi sẽ đưa ra một vài ví dụ làm nổi bật đặc tính giống như Đấng Ky Tô này trước khi xác định một thuộc tính cụ thể ở phần sau của sứ điệp của tôi. Xin hãy lắng nghe kỹ mỗi ví dụ và cùng tôi suy nghĩ những câu trả lời cho những câu hỏi mà tôi sẽ đặt ra.

Ví Dụ #1. Người Trai Trẻ Giàu Có và A Mu Léc

Trong Kinh Tân Ước, chúng ta học về một người trai trẻ giàu có mà đã hỏi Chúa Giê Su: “Theo thầy, tôi phải làm việc lành chi cho được sự sống đời đời?”2 Trước hết Đấng Cứu Rỗi đã khuyên răn người này hãy tuân giữ các giáo lệnh. Đức Thầy tiếp đó cho người này một yêu cầu nữa phù hợp với nhu cầu và hoàn cảnh riêng của anh ta.

“Đức Chúa [Giê Su] phán rằng: Nếu ngươi muốn được trọn vẹn, hãy đi bán hết gia tài mà bố thí cho kẻ nghèo nàn, thì ngươi sẽ có của quí ở trên trời; rồi hãy đến mà theo ta.

“Nhưng khi người trẻ nghe xong lời nầy, thì đi, bộ buồn bực; vì chàng có của cải nhiều lắm.”3

Hãy so sánh cách đáp ứng của người trai trẻ giàu có với kinh nghiệm của A Mu Léc được mô tả trong Sách Mặc Môn. A Mu Léc là một người siêng năng và giàu có với nhiều thân quyến và bạn bè.4 Ông mô tả bản thân mình là một người mà đã được kêu gọi nhiều lần nhưng đã không chịu nghe; một người được biết những sự việc của Thượng Đế nhưng đã không muốn biết.5 A Mu Léc về cơ bản là một người tốt, nhưng ông đã bị xao lãng bởi những mối bận tâm của thế gian giống như người trai trẻ giàu có được mô tả trong Kinh Tân Ước.

Mặc dù A Mu Léc trước đó đã chai đá trong lòng nhưng ông đã tuân theo lời nói của một thiên sứ, tiếp đón tiên tri An Ma vào nhà mình, và cho ông ăn uống. Ông đã được thức tỉnh về phần thuộc linh trong cuộc viếng thăm của An Ma và được kêu gọi để thuyết giảng phúc âm. A Mu Léc sau đó đã “vì lời của Thượng Đế mà bỏ hết tất cả vàng bạc và những vật quý giá của mình … [nên] ông bị những người từng là bạn bè của ông, và cả thân phụ và thân quyến của ông từ bỏ.”6

Anh chị em nghĩ lý do làm nên sự khác biệt giữa cách đáp ứng của người trai trẻ giàu có và A Mu Léc là gì?

Ví Dụ #2. Pha Hô Ran

Trong suốt khoảng thời gian chiến tranh đầy hiểm nguy được mô tả trong Sách Mặc Môn, đã có một sự trao đổi qua thư tín giữa Mô Rô Ni, vị đội trưởng của đội quân Nê Phi, và Pha Hô Ran, vị trưởng phán quan và vị cai trị trong xứ. Mô Rô Ni, với quân đội của ông đang hứng chịu khó khăn vì thiếu sự trợ giúp từ chính phủ, đã viết cho Pha Hô Ran “để kết tội”7 và lên án ông cùng những vị lãnh đạo chung với ông là vô tâm, lười biếng, thờ ơ và thậm chí là những kẻ phản bội.8

Pha Hô Ran đáng lẽ đã dễ dàng phẫn nộ đối với Mô Rô Ni và luận điệu không đúng của ông, nhưng ông đã chọn không để bị phật lòng. Ông ấy đã trả lời một cách đầy lòng trắc ẩn và mô tả một cuộc bạo loạn chống lại chính phủ mà Mô Rô Ni không hay biết. Và rồi Pha Hô Ran đã tuyên bố:

“Này, tôi nói cho anh hay, hỡi anh Mô Rô Ni, tôi không vui sướng trong những nỗi đau khổ lớn lao của anh, phải, nó đã làm cho tâm hồn tôi phiền muộn. …

“… Và giờ đây, trong bức thư của anh, anh đã chỉ trích tôi, nhưng việc đó không quan hệ gì; tôi không tức giận, trái lại tôi rất sung sướng về lòng cao thượng của tâm hồn anh.”9

Anh chị em nghĩ tại sao Pha Hô Ran đã có một câu trả lời đầy nhẫn nại với lời cáo buộc của Mô Rô Ni?

Ví Dụ #3. Chủ Tịch Russell M. Nelson và Chủ Tịch Henry B. Eyring

Trong đại hội trung ương sáu tháng về trước, Chủ Tịch Russell M. Nelson đã mô tả cách đáp ứng của ông cho lời mời gọi của Chủ Tịch Thomas S. Monson là để nghiên cứu, suy ngẫm, và áp dụng những lẽ thật chứa đựng trong Sách Mặc Môn. Chủ Tịch Nelson đã nói: “Tôi đã cố gắng tuân theo lời khuyên dạy của ông. Trong số những điều khác, tôi đã lập danh sách những điều làm nên Sách Mặc Môn, những điều sách xác nhận, những điều sách bác bỏ, những điều sách làm tròn, những điều sách làm sáng tỏ, và những điều sách biểu lộ. Nhìn vào Sách Mặc Môn qua những thấu kính đó là một sự thực hành sáng suốt và soi dẫn! Tôi xin giới thiệu điều đó cho mỗi anh chị em.”10

Chủ Tịch Henry B. Eyring cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của lời yêu cầu của Chủ Tịch Monson trong cuộc sống của ông. Ông cho biết:

“Tôi đã đọc Sách Mặc Môn mỗi ngày trong hơn 50 năm qua. Vì lẽ đó, tôi có lý do để nghĩ rằng lời nói của Chủ Tịch Monson là dành cho người khác. Nhưng, giống như nhiều anh chị em, tôi đã cảm thấy được sự khích lệ của vị tiên tri và lời hứa của ông mời gọi tôi nỗ lực nhiều hơn nữa. …

“Kết quả tốt lành dành cho tôi và cho nhiều anh chị em, là điều mà vị tiên tri đã hứa.”11

Anh chị em nghĩ điều gì giải thích được cho cách đáp ứng nhanh chóng và chân thành với sự mời gọi của Chủ Tịch Monson từ hai vị lãnh đạo của Giáo Hội của Chúa này?

Tôi không nghĩ rằng những cách đáp ứng mạnh mẽ về phần thuộc linh của A Mu Léc, Pha Hô Ra, Chủ Tịch Nelson, và Chủ Tịch Eyring là kết quả của chỉ một đặc tính giống Đấng Ky Tô thôi. Tất nhiên, nhiều thuộc tính và kinh nghiệm có mối tương quan với nhau đã dẫn tới sự trưởng thành về mặt thuộc linh được thể hiện trong cuộc sống của bốn người tôi tớ cao quý này. Nhưng Đấng Cứu Rỗi và các vị tiên tri của Ngài đã làm nổi bật đặc tính thiết yếu mà tất cả chúng ta cần hiểu trọn vẹn hơn và cố gắng làm nó trở thành một phần của cuộc sống mình.

Sự Nhu Mì

Xin hãy chú ý đến tính cách mà Chúa đã sử dụng để mô tả chính Ngài trong câu thánh thư sau đây: “Ta có lòng nhu mì, khiêm nhường; nên hãy gánh lấy ách của ta, và học theo ta; thì linh hồn các ngươi sẽ được yên nghỉ.”12

Chúng ta được chỉ dẫn rằng Đấng Cứu Rỗi đã chọn để nhấn mạnh sự nhu mì trong số tất cả các thuộc tính và đức hạnh mà Ngài đã có thể lựa chọn.

Một khuôn mẫu tương tự được minh chứng trong một điều mặc khải cho Tiên Tri Joseph Smith năm 1829. Chúa đã phán: “Hãy học hỏi nơi ta và lắng nghe những lời của ta; hãy bước đi trong sự nhu mì của Thánh Linh ta, rồi ngươi sẽ có được sự bình an trong ta.”13

Sự nhu mì là một đặc tính chính yếu của Đấng Cứu Chuộc và được thể hiện qua cách đáp ứng ngay chính, sự sẵn lòng tuân theo, và sự kiềm chế bản thân mạnh mẽ. Đặc tính này giúp chúng ta hiểu thêm một cách trọn vẹn hơn từng cách phản ứng của A Mu Léc, Pha Hô Ran, Chủ Tịch Nelson, và Chủ Tịch Eyring.

Ví dụ, Chủ Tịch Nelson và Chủ Tịch Eyring đã đáp ứng một cách ngay chính và nhanh chóng trước lời khuyến khích của Chủ Tịch Monson để đọc và nghiên cứu Sách Mặc Môn. Mặc dù cả hai ông đều đang phục vụ trong những vị trí quan trọng và đáng chú ý ở trong Giáo Hội và đã nghiên cứu thánh thư một cách bao quát trong nhiều thập niên nhưng họ vẫn đáp ứng không một chút ngần ngại hoặc vị kỷ.

A Mu Léc đã sẵn lòng tuân phục theo ý muốn của Thượng Đế, chấp nhận sự kêu gọi để thuyết giảng phúc âm, và bỏ lại đằng sau cuộc sống thoải mái và những mối quan hệ thân thiết. Và Pha Hô Ran đã được ban phước với sự thấu hiểu và một sự kiềm chế mạnh mẽ để hành động thay vì phản ứng khi ông giải thích cho Mô Rô Ni về những thử thách đang nảy sinh từ cuộc bạo loạn chống lại chính phủ.

Đức tính nhu mì giống Chúa Giê Su thường bị hiểu lầm trong thế giới hiện đại của chúng ta. Sự nhu mì là mạnh mẽ, chứ không phải là yếu đuối; chủ động, chứ không phải là bị động; can đảm, chứ không phải nhút nhát; tự chủ, chứ không phải là quá mức; khiêm nhường, chứ không phải là tự phụ; nhã nhặn, chứ không phải là thô lỗ. Một người nhu mì không dễ bị khiêu khích, không giả dối, hay không hống hách và nhanh chóng công nhận những thành tựu của những người khác.

Mặc dù sự khiêm nhường bao gồm việc phụ thuộc vào Thượng Đế và thường xuyên cần đến sự hướng dẫn và trợ giúp của Ngài, nhưng một đặc điểm nổi bật của sự nhu mì là sự tiếp thu về mặt thuộc linh cụ thể trong việc học cả từ Đức Thánh Linh lẫn từ những người có ít khả năng, kinh nghiệm hay học vấn hơn, những người mà không nắm giữ các vị trí quan trọng, hay những người có vẻ không có gì nhiều để đóng góp. Hãy nhớ lại Na A Man, quan tổng binh của vua Sy Ri, đã khắc phục sự kiêu ngạo của mình và nhu mì chấp nhận lời khuyên của người đầy tớ để tuân theo tiên tri Ê Li Sê và tắm dưới sông Giô Đanh bảy lần.14 Sự nhu mì là nguồn bảo vệ chính yếu khỏi sự kiêu ngạo mù quáng mà thường là do danh tiếng, địa vị, quyền lực, sự giàu sang và nịnh bợ gây ra.

Sự Nhu Mì—một Thuộc Tính Giống Như Đấng Ky Tô và Một Ân Tứ Thuộc Linh

Sự nhu mì là một thuộc tính được phát triển thông qua ước muốn, qua lối thực hành ngay chính quyền tự quyết về mặt đạo đức, và luôn cố gắng được xá miễn tội lỗi của mình.15 Đó là một ân tứ thuộc linh mà thích đáng cho mỗi chúng ta có thể tìm kiếm.16 Tuy nhiên, chúng ta nên nhớ mục đích mà một phước lành như thế được ban cho, đó là vì lợi ích và để phục vụ cho con cái của Thượng Đế.17

Khi chúng ta đến và theo Đấng Cứu Rỗi, chúng ta ngày càng dần dần có thể trở nên giống Ngài hơn. Chúng ta được Thánh Linh cho sự kỷ luật bản thân và một cử chỉ điềm tĩnh và kiên định. Vì vậy, với tư cách là các môn đồ của Đức Thầy chúng ta trở nên nhu mì chứ không phải là làm ra vẻ nhu mì.

“Môi Se được học cả sự khôn ngoan của người Ê Díp Tô, lời nói và việc làm đều có tài năng.”18 Vả ông “là người rất khiêm hòa hơn mọi người trên thế gian.”19 Sự hiểu biết và năng lực của ông đã có thể làm cho ông trở nên kiêu ngạo. Thay vào đó, thuộc tính và ân tứ thuộc linh về lòng nhu mì mà ông được ban phước cho đã làm giảm bớt sự kiêu ngạo trong cuộc sống của ông và gia tăng khả năng của Môi Se để trở thành một công cụ giúp đạt được những mục đích của Thượng Đế.

Đức Thầy là một Tấm Gương về Sự Nhu Mì

Tấm gương vĩ đại và ý nghĩa nhất của sự nhu mì được tìm thấy trong cuộc đời của chính Đấng Cứu Rỗi.

Đấng Cứu Chuộc Vĩ Đại, Đấng “hạ mình xuống thấp hơn tất cả mọi vật”20 và chịu đựng, đổ máu, và chết để “làm cho chúng ta sạch mọi điều gian ác,”21 đã ân cần rửa chân cho các môn đồ của Ngài.22 Sự nhu mì như vậy là một đặc tính riêng biệt của Chúa với tư cách là một người tôi tớ và một vị lãnh đạo.

Chúa Giê Su nêu lên một tấm gương vĩ đại nhất về sự đáp ứng ngay chính và sẵn lòng tuân phục khi Ngài chịu đau đớn ở Vườn Ghết Sê Ma Nê.

“Khi đã đến nơi đó, Ngài phán cùng [môn đồ] rằng, Hãy cầu nguyện, hầu cho các ngươi khỏi sa vào sự cám dỗ.

“Người cha quỳ xuống và cầu nguyện,

“Rằng: Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén nầy khỏi tôi! Dầu vậy, xin ý Cha được nên, chớ không theo ý tôi.”23

Sự nhu mì của Đấng Cứu Rỗi trong kinh nghiệm thiết yếu vĩnh cửu và đau đớn này cho mỗi chúng ta thấy tầm quan trọng của việc đặt sự khôn ngoan của Thượng Đế lên trên sự khôn ngoan của riêng mình.

Sự kiên định trong việc Chúa sẵn lòng tuân phục và kiềm chế bản thân mạnh mẽ vừa gây ấn tượng và giảng dạy cho tất cả chúng ta. Khi một đội quân trang bị vũ khí của những lính canh đền thờ và lính La Mã đến Vườn Ghết Sê Ma Nê để bắt Chúa Giê Su, Phi E Rơ đã rút gươm của mình và chém đứt tai phải của đầy tớ của thầy cả thượng phẩm.24 Đấng Cứu Rỗi sau đó đã chạm vào tai của người đầy tớ và chữa lành cho hắn.25 Xin hãy chú ý rằng Ngài đã ban phước cho kẻ đang cố bắt Ngài sử dụng chính quyền năng thiên thượng mà đã có thể ngăn chặn việc Ngài bị bắt và bị đóng đinh.

Cũng hãy lưu ý đến cách Đức Thầy bị lên án và kết tội trước Phi Lát để bị đóng đinh.26 Chúa Giê Su đã phán trong lúc Ngài bị phản bội: “Ngươi tưởng ta không có thể xin Cha ta lập tức cho ta hơn mười hai đạo thiên sứ sao?”27 Tuy vậy “Đấng Phán Xét Vĩnh Cửu của người sống lẫn người chết”28 nghịch lý thay đã bị phán xét trước một viên chức được bổ nhiệm tạm thời. “Song [Đức Chúa Giê Su] không đáp lại một lời gì, đến nỗi làm cho quan tổng đốc lấy làm lạ lắm.”29 Sự nhu mì của Đấng Cứu Rỗi được minh chứng trong cách đáp ứng, sự kiềm chế mạnh mẽ, và không sử dụng quyền năng vô hạn của Ngài cho lợi ích cá nhân.

Lời Hứa và Chứng Ngôn

Mặc Môn xác định sự nhu mì là nền tảng mà từ đó tất cả những khả năng và ân tứ thuộc linh phát sinh.

“Vậy nên, nếu một người có đức tin thì người đó cần phải có hy vọng; vì nếu không có đức tin thì không thể có bất cứ hy vọng gì.

“Và lại nữa, này, tôi nói cho các người hay rằng, một người không thể có đức tin và hy vọng nếu người đó không nhu mì và không khiêm tốn trong lòng.

“Vì nếu không được như vậy thì đức tin và hy vọng của người đó đều trở nên vô bổ, vì không ai được chấp nhận trước mặt Thượng Đế ngoài những người nhu mì và khiêm tốn trong lòng; và nếu một người nhu mì và khiêm tốn trong lòng, và thú nhận, bởi quyền năng của Đức Thánh Linh, rằng Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô, thì người đó cần phải có lòng bác ái; vì nếu không có lòng bác ái thì người đó chẳng ra gì cả, vậy nên người đó cần phải có lòng bác ái.”30

Đấng Cứu Rỗi đã phán: “Phước cho những kẻ nhu mì, vì sẽ hưởng được đất.”31 Sự nhu mì là một phần thiết yếu của thiên tính và có thể nhận được và phát triển trong cuộc sống của chúng ta nhờ vào và thông qua Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi.

Tôi làm chứng rằng Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Cứu Rỗi và Đấng Cứu Chuộc của chúng ta. Và tôi hứa rằng Ngài sẽ dẫn dắt, bảo vệ, và củng cố chúng ta khi chúng ta đi trong sự nhu mì của Thánh Linh của Ngài. Tôi tuyên bố lời chứng chắc chắn của mình về các lẽ thật và các lời hứa này trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.