Giảng Dạy trong Nhà—Một Trách Nhiệm Đầy Niềm Vui và Thiêng Liêng
Tôi khẩn cầu sự giúp đỡ của thiên thượng khi chúng ta cố gắng trở thành những giảng viên giống như Đấng Ky Tô trong nhà mình.
Người vợ yêu quý của tôi, Julie, và tôi đã nuôi dạy sáu người con quý báu, và gần đây chúng đều đã dọn hết ra ngoài ở. Tôi thật sự nhớ cảm giác lúc nào cũng có chúng ở trong nhà. Tôi nhớ được học hỏi từ chúng và giảng dạy chúng.
Hôm nay, tôi dành bài nói chuyện của tôi cho tất cả các bậc cha mẹ và tất cả những ai mong muốn được trở thành cha mẹ. Nhiều anh chị em đang nuôi dạy con cái. Đối với nhiều người khác, thì thời điểm đó có lẽ sẽ chóng đến. Và đối với nhiều người khác nữa, thì việc làm cha mẹ có thể là một phước lành trong tương lai. Tôi cầu nguyện tất cả chúng ta đều nhận ra rằng trách nhiệm giảng dạy con cái là một trách nhiệm đầy niềm vui và thiêng liêng.1
Với tư cách là cha mẹ, chúng ta giới thiệu con cái mình biết về Cha Thiên Thượng và Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô. Chúng ta giúp chúng dâng lên lời cầu nguyện đầu tiên của mình. Chúng ta hướng dẫn và ủng hộ khi chúng bước vào con đường giao ước2 qua phép báp têm. Chúng ta giảng dạy chúng tuân giữ các lệnh truyền của Thượng Đế. Chúng ta giáo dục chúng về kế hoạch của Ngài dành cho con cái Ngài, và chúng ta giúp chúng nhận ra tiếng nói thì thầm của Đức Thánh Linh. Chúng ta kể cho chúng nghe những câu chuyện về các vị tiên tri thời xưa và khuyến khích chúng nghe theo các vị tiên tri tại thế. Chúng ta cầu nguyện cho chúng sẽ chiến thắng và đau đớn cùng chúng qua những thử thách của chúng. Chúng ta làm chứng cùng chúng về các phước lành đền thờ, và chúng ta cố gắng chuẩn bị thật tốt cho chúng để phục vụ truyền giáo toàn thời gian. Chúng ta đưa ra những lời khuyên dạy đầy yêu thương khi chúng trở thành cha mẹ. Nhưng—ngay cả khi đó—chúng ta sẽ không bao giờ ngừng làm cha mẹ của chúng. Chúng ta sẽ không bao giờ ngừng giảng dạy chúng. Chúng ta sẽ không bao giờ được giải nhiệm khỏi những sự kêu gọi vĩnh cửu này.
Hôm nay, chúng ta hãy suy ngẫm về một vài cơ hội tuyệt vời chúng ta có để giảng dạy con cái mình trong nhà.
Giảng Dạy trong Buổi Họp Tối Gia Đình
Chúng ta hãy bắt đầu với buổi họp tối gia đình, là một ưu tiên cao trong ngôi nhà đầy đức tin nơi tôi được nuôi dạy. Tôi không nhớ gì về những bài học cụ thể được giảng dạy trong buổi họp tối gia đình, nhưng tôi nhớ rằng chúng tôi không bao giờ bỏ lỡ một tuần nào hết.3 Tôi biết điều gì là quan trọng đối với cha mẹ tôi.4
Tôi nhớ về một trong những sinh hoạt ưa thích của tôi trong buổi họp tối gia đình. Cha tôi thường mời một đứa con của ông làm “Bài Kiểm Tra.” Ông đưa cho đứa con đó một loạt những hướng dẫn như: “Đầu tiên, đi vào bếp, rồi mở và đóng cửa tủ lạnh. Rồi chạy vào phòng cha và lấy một đôi vớ từ trong tủ quần áo của cha. Rồi quay lại đây, nhảy lên ba lần, và nói: ‘Cha ơi, con làm xong rồi!’”
Tôi thích sinh hoạt đó mỗi khi đến lượt tôi. Tôi muốn làm đúng chính xác theo từng bước, và tôi trân trọng giây phút tôi có thể nói: “Cha ơi, con làm xong rồi!” Sinh hoạt này giúp tôi xây đắp sự tự tin và làm một cậu bé hiếu động dễ dàng tập trung nghe Cha Mẹ giảng dạy nguyên tắc phúc âm hơn.
Chủ Tịch Gordon B. Hinckley khuyên dạy: “Nếu anh chị em có bất cứ nghi ngờ gì về lợi ích của buổi họp tối gia đình, thì xin anh chị em hãy làm thử. Hãy tụ họp con cái lại gần mình, hãy giảng dạy chúng, hãy làm chứng cùng chúng, hãy cùng nhau đọc thánh thư và cùng vui với nhau.”5
Việc tổ chức buổi họp tối gia đình luôn luôn có sự đối lập.6 Dù thế nào đi nữa, tôi xin mời anh chị em hãy tìm cách vượt qua các trở ngại và ưu tiên cho buổi họp tối gia đình—và đảm bảo rằng đó là một kinh nghiệm vui vẻ.
Giảng Dạy Khi Cầu Nguyện Chung Gia Đình
Việc cầu nguyện chung gia đình là một cơ hội xuất sắc để giảng dạy.
Tôi thích cách cha của Chủ Tịch N. Eldon Tanner giảng dạy ông khi đang cầu nguyện chung gia đình. Chủ Tịch Tanner nói:
“Tôi nhớ một buổi tối nọ khi chúng tôi đang quỳ xuống cầu nguyện chung gia đình, cha tôi cầu nguyện lên Chúa: ‘Hôm nay Eldon đã làm một việc nó không nên làm; nó đã biết lỗi, và nếu Ngài tha thứ cho nó, thì nó sẽ không tái phạm nữa.’
“Điều đó khiến tôi quyết tâm không tái phạm nữa—hơn là một trận đòn có thể khiến tôi quyết tâm.”7
Khi còn là một cậu bé, tôi thỉnh thoảng cảm thấy bực bội vì dường như chúng tôi cầu nguyện chung gia đình quá nhiều. Tôi tự nghĩ: “Không phải chúng ta vừa cầu nguyện vài phút trước sao?” Bây giờ, khi đã làm cha, tôi biết chúng tôi không thể không cầu nguyện chung gia đình quá nhiều.8
Tôi đã luôn thấy ấn tượng với cách Cha Thiên Thượng giới thiệu Chúa Giê Su Ky Tô là Con Yêu Dấu của Ngài.9 Tôi thích được cầu nguyện đích danh cho các con tôi trong khi chúng lắng nghe tôi trình lên Cha Thiên Thượng rằng tôi yêu quý chúng biết dường nào. Dường như không có thời gian nào tốt hơn để bày tỏ tình yêu thương dành cho con cái hơn là khi cầu nguyện cùng chúng hay ban phước cho chúng. Khi gia đình quy tụ trong lời cầu nguyện khiêm nhường, thì những bài học mạnh mẽ và trường cửu được giảng dạy.
Giảng Dạy Khi Cơ Hội Đến
Cha mẹ giảng dạy con cái giống như một người bác sĩ trực ca. Chúng ta luôn cần phải sẵn sàng để giảng dạy con cái mình vì chúng ta không thể biết khi nào cơ hội giảng dạy sẽ đến.
Chúng ta cũng giống như Đấng Cứu Rỗi. Việc giảng dạy của Ngài thường “không xảy ra trong một nhà hội của dân Do Thái nhưng trong các bối cảnh không trịnh trọng, thường ngày—trong khi ăn một bữa ăn với các môn đồ của Ngài, kéo nước từ giếng, hoặc đi bộ ngang qua một cây vả.”10
Nhiều năm về trước, mẹ tôi đã chia sẻ rằng hai cuộc chuyện trò hay nhất của bà về phúc âm với anh trai tôi, Matt, là một lần trong khi bà đang xếp quần áo và lần kia trong khi bà đang chở anh đến nha sĩ. Một trong nhiều điều tôi khâm phục ở mẹ tôi là bà luôn sẵn sàng để giảng dạy con cái mình.
Bà không bao giờ ngừng giảng dạy con cái cả. Khi tôi phục vụ với tư cách là giám trợ, mẹ tôi, lúc đó đã 78 tuổi, nói với tôi rằng tôi cần phải đi cắt tóc. Bà biết tôi cần phải là một tấm gương, và bà không ngần ngại khuyên tôi làm thế. Mẹ, con yêu mẹ!
Là một người cha, tôi được thúc đẩy phải tự học và suy ngẫm thánh thư để có thể trả lời khi các con và các cháu tôi bất thình lình đưa ra một cơ hội để tôi giảng dạy chúng.11 “Một số những giây phút giảng dạy tốt nhất bắt đầu với một câu hỏi hay mối bận tâm trong lòng của một [người thân trong gia đình].”12 Chúng ta có lắng nghe trong những giây phút đó không?13
Tôi thích lời mời của Sứ Đồ Phi E Rơ: “Hãy thường thường sẵn sàng để trả lời mọi kẻ [và tôi thêm vào, mọi trẻ em] hỏi lẽ về sự trông cậy trong anh em.”14
Khi tôi còn là một cậu thiếu niên, cha tôi và tôi thích thách thức nhau để xem ai bắt tay chặt hơn. Chúng tôi xiết tay nhau càng chặt càng tốt đế bắt người kia phải nhăn mặt vì đau. Trò chơi này bây giờ không còn vui như hồi đó nữa. Sau một trận đấu như vậy, cha tôi nhìn vào mắt tôi và nói: “Con trai, con có đôi bàn tay rất mạnh. Cha hy vọng đôi tay con sẽ luôn luôn mạnh mẽ để không chạm vào một người thiếu nữ một cách không đứng đắn.” Ông sau đó mời tôi hãy giữ mình luôn thanh sạch về mặt đạo đức và giúp người khác làm như vậy.
Anh Cả Douglas L. Callister chia sẻ về cha ông: “Một ngày nọ, khi đang đi từ chỗ làm việc về nhà, cha tôi đột nhiên nói: ‘Hôm nay cha đã đóng tiền thập phân. Cha đã viết “xin cám ơn” lên tờ chi phiếu đóng tiền thập phân. Cha rất biết ơn Chúa vì đã ban phước cho gia đình chúng ta.’”
Anh Cả Callister sau đó tôn vinh người cha-người thầy của ông: “Ông đã giảng dạy cả hành động và thái độ của sự vâng lời.”15
Tôi nghĩ thật là điều khôn ngoan để chúng ta thường xuyên tự hỏi: “Mình sẽ giảng dạy, hay mình đang giảng dạy, điều gì qua hành động và thái độ vâng lời của mình?”
Giảng Dạy Khi Học Thánh Thư với Gia Đình
Việc học thánh thư với gia đình là một nơi lý tưởng để giảng dạy giáo lý trong nhà.
Chủ Tịch Russell M. Nelson nói: “Cha mẹ không chỉ cần phải bám chặt lấy lời của Chúa, nhưng họ còn có một sự ủy thác thiêng liêng phải giảng dạy nó cho con cái họ.”16
Khi Julie và tôi nuôi dạy con cái, chúng tôi cố gắng làm sao cho kiên định và sáng tạo. Một năm nọ, chúng tôi quyết định đọc Sách Mặc Môn bằng tiếng Tây Ban Nha cùng cả gia đình. Có phải vì thế mà Chúa đã kêu gọi mỗi đứa con đã phục vụ truyền giáo toàn thời gian của chúng tôi đến các phái bộ truyền giáo nói tiếng Tây Ban Nha chăng? Es posible [Có thể chứ].
Tôi vô cùng cảm kích khi Anh Brian K. Ashton chia sẻ với tôi rằng anh và cha anh đã cùng nhau đọc từng trang một trong Sách Mặc Môn trong suốt năm cuối cấp ba của anh. Anh Ashton yêu thích thánh thư. Chúng được viết vào trong tâm trí và trong tấm lòng anh. Cha anh đã gieo trồng hạt giống đó khi Anh Ashton mới chỉ là một cậu thiếu niên, và hạt giống đó17 đã nảy mầm thành một cái cây có rễ ăn sâu của lẽ thật. Anh Ashton đã làm thế với những người con lớn của anh.18 Đứa con trai tám tuổi của anh gần đây hỏi anh: “Cha ơi, khi nào con mới được đọc sách Mặc Môn với cha?”
Giảng Dạy bằng Tấm Gương
Cuối cùng, cách thức giảng dạy con cái có tác động mạnh mẽ nhất chính là bằng tấm gương của chúng ta. Chúng ta được khuyên dạy phải “lấy lời nói, nết làm, sự yêu thương, đức tin và sự tinh sạch mà làm gương cho các tín đồ.”19
Trong một chuyến đi gần đây, Julie và tôi đi đến nhà thờ và đã thấy câu thánh thư này được áp dụng. Một người thanh niên, sắp sửa đi truyền giáo, đã nói chuyện trong lễ Tiệc Thánh.
Em nói: “Tất cả các anh chị em nghĩ rằng ở nhà thờ cha em là một người tốt, nhưng …” Em dừng lại, và tôi nóng lòng tự hỏi em sẽ nói điều gì tiếp theo. Em tiếp tục và nói: “Ở nhà ông là một người tốt hơn.”
Sau đó, tôi đã cám ơn người thanh niên này về lời tôn vinh đầy soi dẫn em dành cho cha em. Rồi tôi tìm hiểu được cha em chính là vị giám trợ của tiểu giáo khu. Tuy vị giám trợ này đã trung tín phục vụ tiểu giáo khu của ông, nhưng con trai ông cảm thấy công việc tốt nhất ông đã làm là ở nhà.20
Anh Cả D. Todd Christofferson khuyên dạy: “Chúng ta có nhiều cơ hội để giảng dạy … thế hệ đang vươn lên, và chúng ta nên dành ý nghĩ và nỗ lực tốt nhất của mình để tận dụng những cơ hội này. Trên hết, chúng ta phải tiếp tục khuyến khích và giúp đỡ cha mẹ trở thành những người giảng viên tốt hơn và phù hợp hơn … đặc biệt là bằng tấm gương.”21
Đó là cách Đấng Cứu Rỗi giảng dạy.22
Năm ngoái, trong một kỳ nghỉ cùng với hai đứa con nhỏ nhất, Julie đề nghị chúng tôi thực hiện phép báp têm thay cho người chết ở cả Đền Thờ St. George và Đền Thờ San Diego. Tôi ta thán—trong lòng—và nghĩ: “Chúng ta đi đến đền thờ ở nhà, và bây giờ là kỳ nghỉ của chúng ta mà. Tại sao chúng ta không làm điều gì đó giống như một kỳ nghỉ hơn?” Sau phép báp têm, Julie muốn chụp hình bên ngoài đền thờ. Tôi thầm lặng ta thán—một lần nữa. Anh chị em có thể đoán điều gì xảy ra tiếp theo: chúng tôi đi chụp hình.
Julie muốn các con chúng tôi có những kỷ niệm chúng tôi giúp đỡ những tổ tiên của mình như thế nào, và tôi cũng thế. Chúng tôi không cần có một bài học nghiêm túc về tầm quan trọng của đền thờ. Chúng tôi đang sống theo bài học đó—nhờ có một người mẹ yêu mến đền thờ và muốn con cái mình cũng chia sẻ tình yêu thương đó.
Khi cha mẹ trân trọng lẫn nhau và đưa ra những tấm gương ngay chính, thì con cái được phước vĩnh cửu.
Kết Luận
Đối với tất cả anh chị em đang cố gắng làm tất cả những gì mình có thể để giảng dạy trong nhà mình, cầu xin anh chị em sẽ tìm thấy sự bình an và niềm vui trong những nỗ lực của mình. Và nếu anh chị em cảm thấy mình cần cải thiện bản thân hay sự chuẩn bị kỹ càng hơn, thì xin hãy khiêm nhường đáp ứng khi Thánh Linh thúc giục và ràng buộc anh chị em hành động.23
Anh Cả L. Tom Perry nói: “Sự lành mạnh của bất cứ xã hội nào, hạnh phúc của dân trong xã hội đó, sự thịnh vượng và bình an của họ đều có nguồn gốc chung trong việc giảng dạy con cái trong nhà.”24
Vâng, tổ ấm của tôi hiện đang trống trải, nhưng tôi vẫn sẵn sàng để giảng dạy, vẫn háo hức tìm kiếm các cơ hội quý báu để giảng dạy những đứa con đã trưởng thành của tôi, rồi các con của chúng, và một ngày nào đó, tôi hy vọng, những đứa con của những đứa cháu này.
Tôi khẩn cầu sự giúp đỡ của thiên thượng khi chúng ta cố gắng trở thành những giảng viên giống như Đấng Ky Tô trong nhà mình. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.