Tất Cả Đều Nhằm Vào Việc Chăm Lo cho Các Tín Hữu
Tất cả Giáo Hội đều nhằm vào việc chăm lo cho các anh chị em, các môn đồ của Chúa—những người yêu thương và noi theo Ngài, và những người đã mang danh Ngài qua giao ước.
Trong khi chuẩn bị cho việc xây dựng đền thờ Paris France tráng lệ, tôi đã có một kinh nghiệm mà sẽ không bao giờ quên. Vào năm 2010, khi mảnh đất dùng để xây dựng đền thờ được tìm thấy, thị trưởng của thành phố đã yêu cầu gặp chúng tôi để biết thêm về Giáo Hội của chúng ta. Cuộc gặp này là một bước cực kỳ quan trọng trong việc nhận được giấy phép xây dựng. Chúng tôi đã chuẩn bị tỉ mỉ một bài trình bày có thêm vài bức ảnh ấn tượng về các đền thờ Thánh Hữu Ngày Sau. Hy vọng thiết tha nhất của tôi là vẻ đẹp kiến trúc của các đền thờ sẽ đủ để thuyết phục vị thị trưởng ủng hộ dự án của chúng tôi.
Thật ngạc nhiên, vị thị trưởng cho biết rằng thay vì xem bài trình bày của chúng tôi, ông ấy và đoàn của mình thích tiến hành sự tìm hiểu của chính họ để tìm ra chính xác chúng ta là giáo hội như thế nào. Tháng tiếp theo, chúng tôi đã được mời trở lại để nghe một báo cáo đưa ra bởi một ủy viên hội đồng thành phố, người đã từng là một giáo sư về lịch sử tôn giáo. Chị ấy nói: “Trên hết, chúng tôi muốn biết những tín hữu trong Giáo Hội các bạn là ai. Đầu tiên, chúng tôi tham dự một buổi lễ Tiệc Thánh của các bạn. Chúng tôi ngồi phía sau của giáo đường và cẩn thận quan sát mọi người trong giáo đoàn và những điều họ làm. Sau đó chúng tôi gặp với hàng xóm của các bạn—những người sống xung quanh trung tâm giáo khu của các bạn—và chúng tôi đã hỏi họ những người Mặc Môn các bạn là người như thế nào.”
“Vậy kết luận của chị là gì?” Tôi đã hỏi và cảm thấy một chút lo lắng. Chị ấy đáp lại: “Chúng tôi khám phá ra rằng Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô gần gũi với giáo hội nguyên thủy của Chúa Giê Su Ky Tô nhất, hơn bất kỳ giáo hội nào khác mà chúng tôi biết.” Tôi gần như phản đối bằng cách nói: “Điều đó không hoàn toàn chính xác! Không phải là giáo hội gần gũi nhất; mà là Giáo Hội của Đấng Ky Tô—là cùng một Giáo Hội, Giáo Hội chân chính!” Nhưng tôi kìm mình lại và thay vào đó dâng lên một lời cầu nguyện thầm vì biết ơn. Vị thị trưởng sau đó khuyên chúng tôi rằng, dựa trên những tìm hiểu của họ, ông ấy và đoàn của mình không phản đối việc xây dựng một đền thờ trong cộng đồng của họ.
Hôm nay, khi tôi nghĩ về kinh nghiệm kỳ diệu đó, tôi cảm thấy biết ơn về sự thông sáng và tinh thần sáng suốt của vị thị trưởng. Ông ấy biết rằng điều cốt yếu để hiểu Giáo Hội không phải là nhìn vẻ bề ngoài của những tòa nhà hay kể cả một tổ chức được tổ chức tốt mà là thông qua hàng triệu tín hữu trung tín, là những người cố gắng mỗi ngày để noi theo tấm gương của Chúa Giê Su Ky Tô.
Định nghĩa về Giáo Hội có thể trích dẫn từ một đoạn trong Sách Mặc Môn nói rằng: “Và những ai [có nghĩa là những môn đồ của Chúa] chịu phép báp têm trong danh Chúa Giê Su đều được gọi là giáo hội Đấng Ky Tô.”1
Nói cách khác, tất cả Giáo Hội đều là về con người. Tất cả nhằm vào việc chăm lo cho các anh chị em, các môn đồ của Chúa—những người yêu thương và noi theo Ngài, và những người đã mang danh Ngài qua giao ước.
Chủ Tịch Russell M. Nelson có lần đã so sánh Giáo Hội với một chiếc ô tô đẹp. Tất cả chúng ta đều thích khi chiếc xe của mình sạch sẽ và sáng bóng. Nhưng mục đích của chiếc ô tô không phải để trở thành một cỗ máy lôi cuốn; mục đích của nó là để vận chuyển người ở trong xe.2 Trong cùng một cách thức, chúng ta, với tư cách là tín hữu của Giáo Hội, biết ơn có được những địa điểm thờ phượng sạch sẽ và được duy trì tốt, và chúng ta cũng vui hưởng việc có được những chương trình hoạt động tốt. Nhưng những điều đó đơn thuần chỉ là những hệ thống hỗ trợ mà thôi. Mục đích của chúng ta là để mời gọi mỗi người con trai và con gái của Thượng Đế đến cùng Đấng Ky Tô và để hướng dẫn người ấy dọc theo con đường giao ước. Không có điều gì quan trọng hơn. Tất cả công việc của chúng ta đều là về con người và các giao ước.
Thật tuyệt vời rằng cái tên mà đã được ban cho qua sự mặc khải cho Giáo Hội phục hồi gắn kết hai yếu tố quan trọng nhất trong mỗi giao ước phúc âm phải không? Đầu tiên là danh của Chúa Giê Su Ky Tô. Giáo Hội này thuộc về Ngài, và Sự Chuộc Tội đã được thánh hóa và các giao ước của Ngài là con đường duy nhất dẫn đến sự cứu rỗi và sự tôn cao. Cái tên thứ hai ám chỉ chúng ta: Các Thánh Hữu, hay nói cách khác, là các nhân chứng của Ngài và các môn đồ của Ngài.
Tôi đã học được tầm quan trọng của việc tập trung vào con người khi tôi phục vụ với tư cách là một chủ tịch giáo khu ở Pháp. Khi bắt đầu sự phục vụ của mình, tôi đã nghĩ đến một số mục tiêu đầy tham vọng cho giáo khu: thành lập những tiểu giáo khu mới, xây dựng những nhà hội mới và kể cả việc xây dựng một đền thờ trong khu vực của chúng tôi. Khi tôi được giải nhiệm sáu năm sau, không hề có mục tiêu nào đạt được. Điều này có thể được cảm thấy như một sự thất bại hoàn toàn, ngoại trừ trong suốt sáu năm đó, những mục tiêu của tôi đã trở nên hoàn toàn khác.
Khi tôi ngồi trên bục chủ tọa vào ngày tôi được giải nhiệm, tôi đã ngập tràn một cảm giác sâu sắc về lòng biết ơn và sự hoàn thành. Tôi nhìn vào gương mặt của hàng trăm tín hữu tham dự. Tôi có thể nhớ lại những kinh nghiệm thuộc linh liên quan đến mỗi người trong số họ.
Có những anh chị em đã bước vào nước báp têm, những người mà tôi đã ký giấy giới thiệu đầu tiên cho họ để họ có thể nhận được những giáo lễ thiêng liêng của đền thờ, và những người trẻ tuổi và những cặp vợ chồng mà tôi đã sắc phong hoặc giải nhiệm với tư cách là những người truyền giáo toàn thời gian. Có nhiều người khác mà tôi đã phục sự khi họ gặp phải những thử thách và nghịch cảnh trong cuộc sống của mình. Tôi cảm thấy tình anh em mãnh liệt đối với mỗi người họ. Tôi đã tìm thấy niềm vui thanh khiết trong việc phục vụ họ và vui mừng trước sự gia tăng lòng trung thành và đức tin của họ nơi Đấng Cứu Rỗi.
Chủ tịch M. Russell Ballard đã dạy: “Điều quan trọng nhất trong các trách nhiệm trong Giáo Hội của chúng ta không phải là những con số thống kê được báo cáo hoặc những buổi họp được tổ chức mà là mỗi cá nhân—được phục sự từng người một giống như Đấng Cứu Rỗi đã làm—được nâng đỡ và khuyến khích và cuối cùng được thay đổi.”3
Các anh chị em yêu dấu của tôi, chúng ta có tích cực trong phúc âm không, hay chúng ta chỉ đơn thuần là bận rộn trong việc làm tròn các công việc của Giáo Hội? Điều cốt yếu là noi theo gương của Đấng Cứu Rỗi trong tất cả mọi điều. Nếu chúng ta làm như vậy, thì tự nhiên chúng ta sẽ tập trung vào việc cứu rỗi các cá nhân hơn việc thực thi công việc và hoàn tất các chương trình.
Anh chị em đã bao giờ tự hỏi sẽ như thế nào nếu Đấng Cứu Rỗi thăm viếng tiểu giáo khu hay chi nhánh của mình vào chủ nhật tới không? Ngài sẽ làm gì? Ngài sẽ nóng lòng để biết những công cụ trực quan có đủ tốt không hay những chiếc ghế có được đặt đúng vị trí trong phòng học không? Hay Ngài sẽ tìm một ai đó mà Ngài có thể yêu thương, giảng dạy và ban phước? Có lẽ Ngài sẽ tìm ra một tín hữu mới hoặc một người bạn để chào đón, một người anh chị em đau ốm đang cần được an ủi, hay một người trẻ tuổi gặp khó khăn với chứng ngôn cần được nâng đỡ và khuyến khích.
Lớp học nào Chúa Giê Su sẽ viếng thăm? Tôi không ngạc nhiên nếu Ngài viếng thăm các trẻ em trong Hội Thiếu Nhi trước tiên. Có lẽ Ngài sẽ quỳ xuống và nói chuyện trực tiếp với chúng. Ngài sẽ bày tỏ tình yêu thương của Ngài cho chúng, kể cho chúng nghe những câu chuyện, khen ngợi những bức tranh mà chúng vẽ và làm chứng về Đức Chúa Cha của Ngài trên Thiên Thượng. Thái độ của Ngài sẽ đơn giản, thành thật và không giả dối. Chúng ta có thể làm như vậy không?
Tôi hứa với anh chị em rằng khi anh chị em cố gắng để được ở trong lịch trình của Chúa, thì không có gì quan trọng hơn là tìm kiếm những người mà anh chị em có thể giúp đỡ và ban phước. Ở nhà thờ anh chị em sẽ tập trung vào việc giảng dạy mọi người và cảm động tấm lòng họ. Mối quan tâm của anh chị em là để thúc đẩy một kinh nghiệm thuộc linh thay vì tổ chức một sinh hoạt hoàn hảo, để phục sự những tín hữu của anh chị em thay vì đánh dấu số lần thăm viếng mà anh chị em đã làm. Điều đó không phải là về anh chị em mà là về họ, những người chúng ta gọi là anh em và chị em của mình.
Đôi khi chúng ta nói về việc đi nhà thờ. Nhưng Giáo Hội còn hơn là một tòa nhà hay một địa điểm cụ thể. Giáo Hội chân chính và sinh động trong những ngôi nhà khiêm tốn ở những nơi xa xôi nhất cũng như tại trụ sở Giáo Hội ở Salt Lake City này. Chính Chúa đã phán: “Vì nơi nào có hai ba người nhơn danh ta nhóm nhau lại, thì ta ở giữa họ.”4
Chúng ta mang theo Giáo Hội bên mình đi khắp mọi nơi: đi làm, đi đến trường, trong kỳ nghỉ và đặc biệt là trong nhà của chúng ta. Chính sự hiện diện và ảnh hưởng của chúng ta có thể đủ để chúng ta trở thành một chỗ thánh thiện.
Tôi nhớ một cuộc trò chuyện mà tôi đã có với một người bạn không phải là tín hữu trong giáo hội chúng ta. Anh ấy đã ngạc nhiên khi biết rằng bất kỳ người nam xứng đáng nào của Giáo Hội chúng ta đều có thể nhận được chức tư tế. Anh ấy hỏi: “Nhưng có bao nhiêu người nắm giữ chức tư tế trong tiểu giáo khu của anh?”
Tôi trả lời: “Khoảng 30 đến 40 người.”
Cảm thấy bối rối, anh ấy tiếp tục: “Trong giáo đoàn của tôi, chúng tôi chỉ có một thầy tư tế. Tại sao các anh lại cần nhiều thầy tư tế vào sáng Chủ Nhật vậy?”
Bị cuốn hút bởi câu hỏi của anh ấy, tôi cảm thấy được soi dẫn để trả lời: “Tôi đồng ý với anh. Tôi không nghĩ chúng tôi cần nhiều người nắm giữ chức tư tế như vậy ở nhà thờ vào ngày Chủ Nhật. Nhưng chúng tôi cần có một người nắm giữ chức tư tế ở mọi nhà. Và khi không có chức tư tế trong một ngôi nhà, những người nắm giữ chức tư tế khác được kêu gọi để bảo vệ và phục sự gia đình đó.”
Giáo Hội của chúng ta không phải là giáo hội mà anh chị em chỉ tham dự vào ngày Chủ Nhật. Sự thờ phượng của chúng ta tiếp tục mỗi ngày trong tuần, ở bất kỳ nơi đâu và trong bất kỳ việc gì. Ngôi nhà của chúng ta đặc biệt là “nơi thiêng liêng nhất trong đức tin của chúng ta.”5 Trong nhà của mình, thường xuyên nhất chúng ta cầu nguyện, chúng ta ban phước, chúng ta học hỏi, chúng ta giảng dạy lời của Thượng Đế và chúng ta phục vụ với tình yêu thương thanh khiết. Tôi có thể làm chứng từ kinh nghiệm cá nhân rằng ngôi nhà của chúng ta là nơi thiêng liêng mà Thánh Linh có thể ngự trong đó—cũng giống như, và đôi khi thậm chí còn nhiều hơn là những nơi thờ phượng chính thức của chúng ta.
Tôi xin làm chứng rằng Giáo Hội này là Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô. Sức mạnh và sức sống của Giáo Hội đến từ những hành động hằng ngày của hàng triệu môn đồ của Ngài, là những người cố gắng mỗi ngày để noi theo tấm gương hoàn hảo của Ngài bằng cách chăm sóc cho những người khác. Đấng Ky Tô hằng sống, và Ngài hướng dẫn Giáo Hội này. Chủ Tịch Russell M. Nelson là vị tiên tri mà Ngài đã chọn để lãnh đạo và hướng dẫn chúng ta ngày nay. Tôi làm chứng những điều này trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.