2010–2019
Lịch Sử Gia Đình và Công Việc Đền Thờ: Sự Gắn Bó và Chữa Lành
Tháng Tư năm 2018


2:3

Lịch Sử Gia Đình và Công Việc Đền Thờ: Sự Gắn Bó và Chữa Lành

Khi chúng ta thu thập lịch sử gia đình của mình và đi đến đền thờ thay cho tổ tiên mình, Thượng Đế sẽ làm tròn các phước lành đã được hứa ở cả hai bên bức màn che.

Các mối quan hệ gia đình có thể mang lại những kinh nghiệm đáng giá nhất nhưng đầy thử thách nhất cho chúng ta. Nhiều người trong chúng ta đã phải đối mặt với một số rạn nứt trong gia đình mình. Một sự rạn nứt như vậy đã xảy ra giữa hai người anh hùng của Sự Phục Hồi Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô trong những ngày sau này. Parley và Orson Pratt là hai anh em, là những người cải đạo đầu tiên, và là Các Vị Sứ Đồ được sắc phong. Mỗi người đối mặt với một thử thách đức tin nhưng đã vượt qua với một chứng ngôn không lay chuyển. Cả hai đều hy sinh và cống hiến lớn lao cho chính nghĩa của lẽ thật.

Parley Pratt

Trong thời gian các tín hữu ở Nauvoo, mối quan hệ của họ trở nên căng thẳng, mà đỉnh điểm là một cuộc đối đầu công khai, nảy lửa vào năm 1846. Một mối rạn nứt sâu đậm và dai dẳng xảy ra. Parley chủ động viết thư cho Orson để hàn gắn mối rạn nứt, nhưng Orson không hồi âm. Parley thôi không cố gắng nữa, cho rằng mối thông giao sẽ kết thúc vĩnh viễn, trừ khi do Orson tự chủ động hàn gắn.1

Orson Pratt

Một vài năm sau đó, vào tháng Ba năm 1853, Orson biết đến dự án xuất bản một quyển sách về các hậu duệ của William Pratt, là ông cố đầu tiên đến Hoa Kỳ của hai anh em. Orson bắt đầu khóc “như một đứa trẻ” khi ông nhìn thấy kho tàng quý báu này về lịch sử gia đình. Vô cùng xúc động, ông quyết tâm sửa chữa mối bất hòa với anh trai mình.

Orson viết cho Parley là: “Giờ đây anh trai yêu mến của em, không có bất cứ ai trong số các hậu duệ của Ông Tổ chúng ta, Trung Úy William Pratt, mà có mối quan tâm sâu sắc đến vậy về việc tìm kiếm các hậu duệ của ông bằng chúng ta.” Orson là một trong những người đầu tiên hiểu rằng Các Thánh Hữu Ngày Sau có trách nhiệm tìm kiếm và thu thập lịch sử gia đình để chúng ta có thể thực hiện các giáo lễ làm thay cho tổ tiên mình. Ông tiếp tục lá thư của mình: “Chúng ta biết rằng có bàn tay của Thượng Đế của tổ phụ chúng ta trong mọi việc này. … Em sẽ nài xin được tha thứ vì đã quá chậm trễ viết thư cho anh. … Em hy vọng anh sẽ tha thứ cho em.”2 Mặc cho những chứng ngôn vững vàng của họ, chính tình yêu thương của họ dành cho tổ tiên mình mới là động lực giúp chữa lành mối bất hòa, hàn gắn sự tổn thương, và tìm kiếm để được tha thứ cùng rộng lòng tha thứ.3

Khi Thượng Đế dẫn dắt chúng ta làm một việc, thì Ngài thường có nhiều mục đích để làm như vậy. Lịch sử gia đình và công việc đền thờ không chỉ dành cho người chết mà còn ban phước cho người sống nữa. Đối với Orson và Parley, việc đó đã làm tấm lòng họ quay trở về với nhau. Lịch sử gia đình và công việc đền thờ cung cấp quyền năng chữa lành cho điều cần được chữa lành.

Với tư cách là các tín hữu Giáo Hội, chúng ta thật sự có một trách nhiệm đã được Thượng Đế chỉ định là tìm kiếm tổ tiên và thu thập lịch sử gia đình mình. Việc này có ý nghĩa nhiều hơn là một sở thích được khuyến khích, bởi vì các giáo lễ cứu rỗi thì cần thiết cho tất cả con cái của Thượng Đế.4 Chúng ta cần nhận biết được tổ tiên của chính mình là những người đã chết mà không nhận được các giáo lễ cứu rỗi. Chúng ta có thể làm thay các giáo lễ này cho họ trong đền thờ, và tổ tiên của chúng ta có thể chọn để chấp nhận các giáo lễ.5 Chúng ta cũng được khuyến khích để giúp các tín hữu trong tiểu giáo khu và giáo khu với các tên của gia đình họ. Thật đáng kinh ngạc rằng, qua lịch sử gia đình và công việc đền thờ, chúng ta có thể giúp cứu chuộc người chết.

Nhưng khi chúng ta tham dự vào lịch sử gia đình và công việc đền thờ ngày nay, chúng ta cũng đủ tư cách để nhận được các ân phước “chữa lành” đã được hứa bởi các tiên tri và sứ đồ.6 Những ân phước này cũng vô cùng đáng kinh ngạc bởi phạm vi, tính chất cụ thể, và kết quả của chúng trong cuộc sống trần thế. Bản liệt kê sau đây gồm có những ân phước này:

  • Gia tăng sự hiểu biết về Đấng Cứu Rỗi và sự hy sinh chuộc tội của Ngài;

  • Gia tăng ảnh hưởng của Đức Thánh Linh7 để cảm thấy sức mạnh và sự hướng dẫn cho chính cuộc sống của chúng ta;

  • Gia tăng đức tin, để sự cải đạo đến với Đấng Cứu Rỗi trở nên sâu sắc và tồn tại mãi mãi;

  • Gia tăng khả năng và động lực để học hỏi và hối cải8 nhờ có sự hiểu biết về chúng ta là ai, chúng ta đến từ đâu, và một tầm nhìn rõ ràng hơn về nơi chúng ta sẽ đi đến;

  • Gia tăng các ảnh hưởng để tôi luyện, thánh hóa, và làm ôn hòa tấm lòng chúng ta;

  • Gia tăng niềm vui khi được nâng cao khả năng để cảm thấy tình yêu thương của Chúa;

  • Gia tăng các phước lành cho gia đình, bất kể hoàn cảnh gia đình chúng ta ở hiện tại, quá khứ, hay tương lai hoặc cây phả hệ của chúng ta còn thiếu sót thế nào đi nữa;

  • Gia tăng tình yêu thương và lòng cảm kích cho tổ tiên và những người thân còn sống, để chúng ta không còn cảm thấy cô đơn;

  • Gia tăng quyền năng để nhận ra điều gì cần chữa lành và do đó, với sự giúp đỡ của Chúa, phục vụ người khác;

  • Gia tăng sự bảo vệ khỏi cám dỗ và ảnh hưởng mãnh liệt của kẻ nghịch thù; và

  • Gia tăng sự trợ giúp để hàn gắn các tấm lòng phiền muộn, tan vỡ, hoặc lo âu và giúp chữa lành vết thương lòng.9

Nếu anh chị em đã cầu xin bất cứ phước lành nào trong các phước lành này, thì hãy tham gia vào công việc lịch sử gia đình và công việc đền thờ. Khi làm như vậy, những lời cầu nguyện của anh chị em sẽ được đáp ứng. Khi các giáo lễ được thực hiện thay cho những người đã qua đời, thì con cái của Thượng Đế trên thế gian được chữa lành. Thảo nào Chủ Tịch Russell M. Nelson, trong sứ điệp đầu tiên của ông với tư cách là Chủ Tịch của Giáo Hội, đã tuyên bố: “Sự thờ phượng trong đền thờ và sự phục vụ của anh chị em trong đó thay cho tổ tiên của mình sẽ ban phước cho anh chị em với nhiều sự mặc khải và sự bình an cá nhân hơn và sẽ củng cố cam kết của anh chị em để ở lại trên con đường giao ước.”10

Một vị tiên tri thuở ban đầu cũng đã tiên đoán về các phước lành cho cả người sống và người chết.11 Một thiên sứ đã cho Ê Xê Chi Ên thấy một khải tượng về một đền thờ với dòng nước tuôn chảy ra khỏi đó. Ê Xê Chi Ên đã được cho biết rằng:

“Những nước này chảy [ra] … xuống nơi đồng bằng, và chảy về biển [chết] … , [và] nước biển sự trở nên ngọt.

“Khắp nơi nào sông ấy chảy đến, thì mọi vật hay sống, tức là vật động trong nước, đều sẽ được sống; … nước biển trở nên ngọt, và khắp nơi nào sông ấy chảy đến thì mọi vật sống ở đó.”12

Có hai đặc tính của dòng nước rất đáng để ý đến. Trước hết, mặc dù dòng chảy nhỏ không có nhánh sông phụ, nó phát triển thành một con sông hùng vĩ, trở nên càng rộng hơn và sâu hơn khi nó càng chảy đi xa hơn. Một điều gì đó tương tự xảy ra với các phước lành mà chảy ra từ đền thờ khi các cá nhân được gắn bó thành gia đình. Sự phát triển đầy ý nghĩa xảy ra cho các thế hệ trước đó và sau đó khi họ có được các giáo lễ gắn bó ràng buộc các gia đình với nhau.

Thứ hai, dòng sông hồi phục mọi thứ mà nó chạm đến. Các phước lành của đền thờ cũng như vậy khi có một khả năng chữa lành đáng kinh ngạc. Các phước lành đền thờ có thể chữa lành tấm lòng và cuộc sống và gia đình.

Con trai Todd của Betty

Tôi xin chia sẻ một ví dụ. Vào năm 1999 một thiếu niên tên là Todd bị ngã quỵ vì bị đứt một mạch máu não. Mặc dù Todd và gia đình em là tín hữu của Giáo Hội, họ tham dự không đều đặn, và không ai có kinh nghiệm về các phước lành của đền thờ. Vào đêm cuối cùng của cuộc đời Todd, mẹ của em, Betty, ngồi cạnh giường vuốt ve bàn tay em và nói: “Todd, nếu con thật sự phải chết, thì mẹ hứa rằng công việc đền thờ của con chắc chắn phải được thực hiện.” Sáng hôm sau, Todd được bác sĩ tuyên bố là bị chết não. Các nhà giải phẫu ghép tim của Todd cho bệnh nhân của tôi, một người phi thường tên Rod.

Một vài tháng sau ca phẫu thuật cấy ghép, Rod biết về danh tính của gia đình người đã hiến tặng tim cho mình và bắt đầu liên lạc với họ. Khoảng hai năm sau đó, mẹ của Todd, Betty, mời Rod đến hiện diện khi bà đi đền thờ lần đầu tiên. Rod và Betty lần đầu gặp nhau trong căn phòng thượng thiên của Đền Thờ St. George Utah.

Một thời gian sau, cha của Todd—chồng của Betty—qua đời. Một vài năm sau đó, Betty mời Rod đại diện thay cho con trai quá cố của bà để nhận các giáo lễ đền thờ cho em ấy. Rod đã rất biết ơn để làm điều đó, và các giáo lễ làm thay đã dẫn đến một nghi lễ quan trọng nhất diễn ra trong căn phòng làm lễ gắn bó ở Đền Thờ St. George Utah. Betty được làm lễ gắn bó với người chồng quá cố của mình, khi quỳ ngang qua bàn thờ đối diện với cháu trai mình là một người làm thay giáo lễ. Rồi, với nước mắt chảy dài xuống má, bà gật đầu ra hiệu cho Rod đến cùng họ tại bàn thờ. Rod quỳ xuống bên họ, là người làm thay cho con trai bà, Todd, mà trái tim của em ấy vẫn đang đập bên trong lồng ngực của Rod. Todd, người hiến tặng tim cho Rod, khi ấy đã được làm lễ gắn bó với cha mẹ em cho suốt thời vĩnh cửu. Mẹ của Todd đã giữ lời hứa bà đã hứa với đứa con trai đang hấp hối nhiều năm về trước.

Rod và Kim trong ngày kết hôn của họ

Nhưng câu chuyện không dừng lại ở đó. Mười lăm năm sau khi được cấy ghép tim, Rod đã đính hôn và sắp kết hôn nên đã yêu cầu tôi thực hiện lễ gắn bó hôn nhân trong Đền Thờ Provo Utah. Trong ngày cưới của họ, tôi gặp Rod và cô dâu tuyệt vời của em, Kim, trong căn phòng cạnh phòng làm lễ gắn bó, nơi gia đình và bạn bè thân thiết của họ đang đợi. Sau khi thăm hỏi ngắn với Rod và Kim, tôi hỏi họ có bất cứ câu hỏi nào không.

Rod nói: “Vâng. Gia đình người hiến tặng của cháu ở đây và muốn được gặp chú.”

Tôi không ngờ đến việc này và hỏi: “Ý cháu là họ đang ở đây à? Bây giờ à?”

Rod đáp: “Vâng.”

Tôi bước ra ngoài và gọi gia đình đó ra khỏi phòng làm lễ gắn bó. Betty, con gái của bà, và con rể của bà đến cùng chúng tôi. Rod chào Betty bằng một cái ôm, cảm ơn bà vì đã đến, và rồi giới thiệu tôi với bà. Rod nói: “Cô Betty, đây là Anh Cả Renlund. Chú ấy là vị bác sĩ đã chăm sóc cho trái tim của con trai cô trong rất nhiều năm.” Bà bước ngang qua phòng và ôm chầm lấy tôi. Và trong một vài phút kế tiếp, mọi người ôm lấy nhau và khóc vì vui mừng.

Sau khi lấy lại bình tĩnh, chúng tôi đi vào căn phòng làm lễ gắn bó, nơi Rod và Kim được làm lễ gắn bó cho thời tại thế lẫn suốt thời vĩnh cửu. Rod, Kim, Betty, và tôi có thể làm chứng rằng thiên thượng ở rất gần, rằng có những người khác ở đấy cùng chúng tôi vào ngày đó là những người mà đã qua đời trước.

Thượng Đế, trong khả năng vô hạn của Ngài, gắn bó và chữa lành cá nhân và gia đình dẫu cho có thảm kịch, mất mát, và khó khăn. Đôi khi chúng ta so sánh những cảm giác chúng ta trải qua trong đền thờ như là có một cái nhìn thoáng qua về thiên thượng.13 Vào ngày đó trong Đền Thờ Provo Utah, câu phát biểu của C. S. Lewis có ý nghĩa đặc biệt với tôi: “[Những người hữu diệt] nói về một vài đớn đau tạm thời là ‘Không hạnh phúc nào trong tương lai có thể bù đắp được,” mà không biết rằng Thiên Thượng, một khi đạt được, sẽ đảo ngược điều thống khổ chúng ta trải qua trên trần thế thành vinh quang. … Những Người Được Phước sẽ nói: ‘Chúng tôi chưa bao giờ sống ở nơi nào khác ngoại trừ ở Thiên Thượng.’”14

Thượng Đế sẽ thêm sức, giúp đỡ, và nâng đỡ chúng ta;15 và Ngài sẽ thánh hóa chúng ta qua những nỗi đau đớn sầu khổ nhất.16 Khi chúng ta thu thập lịch sử gia đình của mình và đi đến đền thờ thay cho tổ tiên mình, Thượng Đế sẽ làm tròn các phước lành đã được hứa ở cả hai bên bức màn che. Tương tự như vậy, chúng ta được phước khi giúp đỡ người khác trong tiểu giáo khu và giáo khu để làm điều này. Các tín hữu không sống gần đền thờ cũng nhận được các phước lành này bằng cách tham gia vào công việc lịch sử gia đình, thu thập tên của các tổ tiên họ để các giáo lễ đền thờ được thực hiện.

Chủ Tịch Nelson đã khuyến cáo: “Chúng ta có thể được soi dẫn suốt ngày về những kinh nghiệm đền thờ và lịch sử gia đình mà những người khác đã có. Nhưng chúng ta cần phải làm điều gì đó để thực sự tự mình cảm nhận được niềm vui.” Ông nói tiếp: “Tôi mời anh chị em hãy thành tâm cân nhắc về loại hy sinh nào—tốt nhất là một sự hy sinh về thời giờ—anh chị em có thể dành ra để làm thêm công việc đền thờ và lịch sử gia đình trong năm nay.”17 Khi anh chị em chấp nhận lời mời của Chủ Tịch Nelson, anh chị em sẽ khám phá, thu thập, và kết nối gia đình của mình. Thêm vào đó, các phước lành sẽ tuôn chảy xuống anh chị em và gia đình anh chị em giống như dòng sông mà Ê Xê Chi Ên đã nói đến. Anh chị em sẽ tìm thấy sự chữa lành cho điều cần được chữa lành.

Orson và Parley Pratt đã cảm nhận được các tác dụng chữa lành và gắn bó của lịch sử gia đình và công việc đền thờ vào đầu gian kỳ này. Betty, gia đình của bà, và Rod đã có được kinh nghiệm này. Anh chị em cũng có thể có. Qua sự hy sinh chuộc tội của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô ban những phước lành này cho tất cả, cả người chết lẫn người sống. Nhờ những phước lành này, chúng ta sẽ thấy rằng chúng ta, nói một cách ẩn dụ: “chưa bao giờ sống ở nơi nào khác ngoại trừ … Thiên Thượng.”18 Tôi cũng làm chứng như thế, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.

Ghi Chú

  1. Xin xem Parley P. Pratt to Orson Pratt, ngày 25 tháng Năm năm 1853, Orson Pratt Family Collection, Church History Library; trong Terryl L. Givens and Matthew J. Grow, Parley P. Pratt: The Apostle Paul of Mormonism (2011), trang 319.

  2. Orson Pratt to Parley P. Pratt, ngày 10 tháng Ba năm 1853, Parley P. Pratt Collection, Church History Library, Salt Lake City; trong Givens and Grow, Parley P. Pratt, trang 319.

  3. Điều đặc biệt là, Orson Pratt không chỉ giúp xuất bản quyển sách về các hậu duệ của William Pratt, mà một vài năm sau đó, vào năm 1870, Orson Pratt và gia đình ông thực hiện hơn 2.600 phép báp têm làm thay cho người chết tại Endowment House ở Thành Phố Salt Lake cho những người trong quyển sách đó đã qua đời (xin xem Breck England, The Life and Thought of Orson Pratt [1985], trang 247).

  4. Xin xem Joseph Smith, History of the Church, 6:312–13.

  5. Xin xem “Names Submitted for Temple Ordinances,” thư của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, ngày 29 tháng Hai năm 2012. Các tên của tổ tiên mà được nộp cho các giáo lễ đền thờ làm thay cần phải có quan hệ họ hàng với người nộp tên. Trong mọi trường hợp, không ngoại lệ, các tín hữu Giáo Hội không được nộp bất cứ họ tên của bất cứ người nào từ các nhóm không được phép, chẳng hạn như những người có danh tiếng và các nạn nhân trong cuộc tàn sát người Do Thái vào thời Hitler.

  6. Xin xem Dallin H. Oaks, “In Wisdom and Order,” Tambuli, tháng Mười Hai năm 1989, trang 18–23; D. Todd Christofferson, “The Redemption of the Dead and the Testimony of Jesus,” Liahona, tháng Một năm 2001, trang 10–13; Boyd K. Packer, “Your Family History: Getting Started,” Liahona, tháng Tám năm 2003, 12–17; Thomas S. Monson, “Những Lẽ Thật Bất Biến về Thời Gian Đổi Thay,” Liahona, tháng Năm năm 2005, trang 19–22; Henry B. Eyring, “Đồng Tâm Đoàn Kết,” Liahona, tháng Năm năm 2005, trang 77–80; M. Russell Ballard, “Đức Tin, Gia Đình, Những Dữ Kiện, và Kết Quả,” Liahona, tháng Mười Một năm 2007, trang 25–27; Russell M. Nelson, “Sự Cứu Rỗi và Sự Tôn Cao,” Liahona, tháng Năm năm 2008, trang 7–10; Russell M. Nelson, “Các Thế Hệ Liên Kết trong Tình Yêu Thương,” Liahona, tháng Năm năm 2010, trang 91–94; David A. Bednar, “Lòng Con Cái Sẽ Trở Lại,” Liahona, tháng Mười Một năm 2011, trang 24–27; Richard G. Scott, Niềm Vui Cứu Chuộc Người Chết,” Liahona, tháng Mười Một năm 2012, trang 93–95; Quentin L. Cook, “Rễ và Nhánh,” Liahona, tháng Năm năm 2014, trang 44–48; Thomas S. Monson, “Gấp Rút Làm Công Việc,” Liahona, tháng Sáu năm 2014, trang 4–5; Henry B. Eyring, “Lời Hứa về Việc Xoay Lòng Trở Lại,” Liahona, tháng Bảy năm 2014, trang 4–5; David A. Bednar, “Người Truyền Giáo, Lịch Sử Gia Đình, và Công Việc Đền Thờ,” Liahona, tháng Mười năm 2014, trang 14–19 ; Neil L. Andersen, “‘My Days’ of Temples and Technology,” Liahona, tháng Hai năm 2015, trang 26–33; Neil L. Andersen, “Sharing the Temple Challenge,” Family Discovery Day, tháng Hai năm 2015, LDS.org; Quentin L. Cook, “The Joy of Family History Work,” Liahona, tháng Hai năm 2016, trang 22–27; Gary E. Stevenson, “Các Chìa Khóa và Thẩm Quyền Chức Tư Tế Ở Đâu? Liahona, tháng Năm năm 2016, trang 29–32; Dieter F. Uchtdorf, “Lời Khen Ngợi Những Người Bảo Vệ Gìn Giữ,” Liahona, tháng Năm năm 2016, trang 77–80; Quentin L. Cook, “Hãy Tưởng Tượng Mình ở trong Đền Thờ,” Liahona, tháng Năm năm 2016, trang 97–101; Dale G. Renlund, Ruth L. Renlund, and Ashley R. Renlund, “Family History and Temple Blessings,” Liahona, tháng Hai năm 2017, 34–39; Dallin H. Oaks and Kristen M. Oaks, “Connected to Eternal Families,” Family Discovery Day, tháng Ba năm 2018, LDS.org.

  7. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 109:15.

  8. Xin xem Giáo Lý và Giao Ước 109:21.

  9. Xin xem Boyd K. Packer, “Balm of Gilead,” Ensign, tháng Mười Một năm 1987, 16–18; Giê Rê Mi 8:22; 51:8.

  10. Russell M. Nelson, “Khi Chúng Ta Cùng Tiến Bước với Nhau,” Liahona, tháng Tư năm 2018, trang 7.

  11. Xin xem Ê Xê Chi Ên 40–47; Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Ê Xê Chi Ên.”

  12. Ê Xê Chi Ên 47:8–9.

  13. Xin xem Spencer W. Kimball, “Glimpses of Heaven,” Ensign, tháng Mười Hai năm 1971, trang 36–37.

  14. C. S. Lewis, The Great Divorce: A Dream (2001), 69.

  15. Xin xem Ê Sai 41:10.

  16. Xin xem “Tìm Đâu Cho Thấy một Nền Vững Vàng,” Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 6.

  17. Russell M. Nelson và Wendy W. Nelson, “Mở Các Tầng Trời qua Công Việc Đền Thờ và Lịch Sử Gia Đình,” Liahona, tháng Mười năm 2017, trang 19.

  18. Lewis, The Great Divorce, 69.