Liahona
Những Kho Báu Lớn Nhất của Tôi
Tháng Một năm 2024


“Những Kho Báu Lớn Nhất của Tôi,” Liahona, tháng Một năm 2024.

Tiếng Nói của Thánh Hữu Ngày Sau

Những Kho Báu Lớn Nhất của Tôi

Việc giả vờ làm một Thánh Hữu Ngày Sau đã dẫn đến phép báp têm của tôi và một cuộc sống mới trong phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô.

những bàn tay đang chuẩn bị thức ăn, với quyển Sách Mặc Môn nằm gần bên

Hình ảnh minh họa do Ben Simonsen thực hiện

Tôi sống và làm việc với tư cách là một đầu bếp. Tôi đi khắp thế giới để nấu ăn trong những khách sạn sang trọng và trên các du thuyền. Tôi thuộc vào đội ngũ các đầu bếp tuyệt vời đã giành chiến thắng trong nhiều cuộc thi ẩm thực quốc tế.

Có lần, tôi xa nhà trong ba năm. Mẹ tôi thường gọi tôi trong nước mắt và bảo tôi hãy về nhà.

Một ngày nọ ở Milan, Ý, nơi tôi đã ký hợp đồng nấu ăn tại một khách sạn, tôi gặp những người truyền giáo toàn thời gian trong một trạm xe điện ngầm đông đúc. Họ nói cho tôi biết về Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô và chia sẻ một số nguyên tắc phúc âm. Tôi đặc biệt thích điều họ đã dạy tôi về gia đình.

Những người truyền giáo đưa cho tôi một quyển Sách Mặc Môn và mời tôi cầu nguyện về sách đó. Họ cũng đưa cho tôi một cuốn sách nhỏ với những hướng dẫn về cách cầu nguyện.

Tôi vui vẻ trở lại phòng khách sạn của mình, cầu nguyện, và bắt đầu đọc. Càng đọc Sách Mặc Môn, tôi càng muốn đọc thêm. Rủi thay, công việc làm đã ngăn cản tôi gặp lại những người truyền giáo. Khi hợp đồng khách sạn của tôi kết thúc, tôi trở về nhà ở Bari, nơi tôi bắt đầu nấu ăn cho một khách sạn khác.

Một ngày nọ tại nhà hàng của khách sạn, một đầu bếp khác, vì những lý do không phù hợp, đã cố gắng hẹn hò với một số nữ phục vụ bàn ở đó. Ông tức giận vì các nữ phục vụ này, là những Thánh Hữu Ngày Sau, đã từ chối hẹn hò với ông.

Khi nhớ lại những người truyền giáo tôi đã gặp ở Milan, tôi nói với người đầu bếp đó rằng các nữ phục vụ bàn có quyền từ chối ông ấy.

Ông ấy hỏi: “Vậy, anh cũng là người Mặc Môn à?”.

Vì tôi thích các nguyên tắc mà những người truyền giáo đã dạy cho tôi và vì tôi cảm thấy hợp lý khi bênh vực cho các nữ phục vụ bàn, nên tôi đáp: “Vâng.”

Lần tiếp theo khi người đầu bếp đó gặp các nữ phục vụ bàn, ông nói với họ rằng tôi là một Thánh Hữu Ngày Sau. Họ rất phấn khởi. Khi chúng tôi tụ họp lại để ăn trưa, họ bắt đầu hỏi tôi về Giáo Hội tại Milan. Tôi kể với họ về thành phố đó và rằng tôi đã gặp những người truyền giáo ở đó. Khi bữa ăn trưa của chúng tôi đến, tôi với tay lấy một ly rượu ở trên bàn.

Một trong các nữ phục vụ bàn hỏi: “Tại sao anh lại uống rượu vậy?”.

“Việc đó có gì sai hay sao?” Tôi nói.

Một nữ phục vụ bàn khác hỏi: “Anh có phải là tín hữu tích cực không?”.

“Nghĩa là sao?” Tôi nói.

Họ hỏi: “Anh mặc quần áo như thế nào vào ngày anh chịu phép báp têm?”.

Tôi nói với họ: “Tôi không nhớ”. “Lúc đó tôi mới được một tháng tuổi.”

Họ vô cùng tức giận vì họ nghĩ rằng tôi đang chế nhạo họ. Tôi bảo đảm với họ là tôi không có ý đó. Tôi thú nhận rằng tôi không phải là tín hữu của Giáo Hội, nhưng tôi nói với họ rằng tôi thích Sách Mặc Môn và các nguyên tắc phúc âm mà tôi đã học được. Rồi tôi hỏi làm thế nào tôi có thể tìm hiểu thêm về nhà thờ của họ.

Các nữ phục vụ bàn nhanh chóng giới thiệu tôi với những người truyền giáo. Họ khó có thể tin rằng tôi đã hoàn thành các buổi thảo luận và chịu phép báp têm.

cha mẹ với hai đứa con trai

Ảnh gia đình do nhã ý của tác giả

Sau khi chịu phép báp têm, cuộc sống của tôi đã thay đổi. Tôi đã biết được rằng mình không thể sống theo thế gian và sống theo phúc âm cùng một lúc. Tôi đã biết được rằng công việc không phải là điều quan trọng nhất trong cuộc sống. Tôi đã biết được rằng Chúa và gia đình tôi phải được ưu tiên. Cuối cùng, tôi hiểu nỗi buồn mà mẹ tôi cảm thấy khi tôi vắng mặt, và tôi đã xin bà tha lỗi cho tôi.

Tôi ngừng việc du lịch khắp thế giới, kết hôn trong Đền Thờ Bern Switzerland, lập gia đình, và nhận việc nấu ăn tại một bệnh viện địa phương, nơi mà tôi đã sử dụng tài năng của mình để giúp những người bệnh hồi phục. Bây giờ tôi phụ trách nhân sự tại bệnh viện đó. Làm việc tại địa phương cho tôi thời gian để cống hiến cho gia đình và các chức vụ kêu gọi của mình trong Giáo Hội.

Từ ngày tôi đi đền thờ và nhận được lễ thiên ân của mình hai năm sau khi chịu phép báp têm, tôi đã yêu thích sự thiêng liêng của đền thờ và công việc ở đó. Khi cha tôi qua đời bốn năm sau đó, tôi rất đau khổ. Ông là người hùng của tôi. Nhờ vào phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô, tôi biết rằng ông vẫn sống.

Khi bước vào phòng thượng thiên giới sau khi thực hiện giáo lễ làm thay cho cha tôi, tôi đã cảm nhận được cái ôm của ông. Vào lúc đó, tôi biết rằng cha tôi đã chấp nhận phúc âm và tình yêu thương mà Chúa dành cho con cái của Ngài.

Chúng ta, các Thánh Hữu Ngày Sau, có phước lành để biết phúc âm chân chính. Tôi biết ơn về cách mà điều đó đã thay đổi cuộc sống của tôi. Phúc âm là nơi tôi tìm thấy hạnh phúc đích thực. Phúc âm và gia đình tôi là những kho báu lớn nhất của tôi.