“2 Nê Phi 25: Được Chúa Giê Su Ky Tô Cứu Rỗi”, Sách Hướng Dẫn dành cho Giảng Viên về Sách Mặc Môn (năm 2024)
“2 Nê Phi 25”, Sách Hướng Dẫn dành cho Giảng Viên về Sách Mặc Môn
2 Nê Phi 25
Được Chúa Giê Su Ky Tô Cứu Rỗi
Có người nào từng giải thoát hoặc giải cứu em khỏi một tình huống khó khăn chưa? Em cảm thấy như thế nào về người đó sau khi được giúp đỡ? Sau khi nhấn mạnh tầm quan trọng của những lời giảng dạy từ các vị tiên tri, Nê Phi đã làm chứng rằng chỉ có Chúa Giê Su Ky Tô mới có quyền năng để cứu rỗi tất cả mọi người. Bài học này sẽ giúp em hiểu được cách em được cứu rỗi nhờ ân điển của Chúa Giê Su Ky Tô.
Cách thức duy nhất chúng ta có thể được cứu rỗi
-
Em có thể nghĩ ra một thời điểm khi em hoặc người nào đó mà em biết đã được giải cứu hoặc được cứu giúp không? Điều gì đã xảy ra? Em đã cảm thấy như thế nào?
Trong 2 Nê Phi 25, Nê Phi nhắc nhở dân của mình rằng các vị tiên tri đã làm chứng rằng Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Mê Si, có nghĩa là Đấng Chịu Xức Dầu hoặc Đấng Giải Cứu, của tất cả mọi người (xin xem Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Đấng Mê Si”, scriptures.ChurchofJesusChrist.org). Nê Phi đã ghi chép lại rằng mặc dù người Do Thái sẽ bị phân tán vì sự không tin tưởng của họ, nhưng nếu họ tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô, thì Chúa sẽ quy tụ và “phục hồi [họ] khỏi trạng thái lạc lối và sa ngã” (2 Nê Phi 25:15–17).
Đọc 2 Nê Phi 25:18–20, tìm kiếm những điều Nê Phi đã dạy về việc người Do Thái (và tất cả con cái của Thượng Đế) sẽ được cứu rỗi ra sao. Có thể là hữu ích để biết rằng trong thánh thư, từ danh có thể được sử dụng để tượng trưng cho quyền uy hoặc thẩm quyền của một người. Điều này đặc biệt đúng khi đề cập đến Đấng Cứu Rỗi.
-
Chúa Giê Su Ky Tô cứu chúng ta khỏi điều gì?
-
Nếu chúng ta không có một Đấng Cứu Rỗi thì sẽ như thế nào?
Được cứu rỗi bởi ân điển
Đọc 2 Nê Phi 25:23, tìm kiếm cách Chúa Giê Su Ky Tô đã cứu chúng ta.
-
Em có thể hỏi một số câu hỏi gì để hiểu sâu hơn về những lời dạy của Nê Phi trong câu 23?
Tài liệu sau đây có thể giúp trả lời những câu hỏi em có thể có về câu 23.
Ân điển là sự giúp đỡ hoặc sức mạnh thiêng liêng được ban cho chúng ta qua Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô. …
Ân điển là một ân tứ từ Cha Thiên Thượng ban cho qua Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô. Từ ân điển, như được sử dụng trong thánh thư, chủ yếu chỉ quyền năng làm cho có khả năng và sự chữa lành thuộc linh có được qua lòng thương xót và tình thương yêu của Chúa Giê Su Ky Tô. (Gospel Topics, “Grace”, topics.ChurchofJesusChrist.org)
Chủ Tịch Dieter F. Uchtdorf, khi đó thuộc Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, đã giải thích:
Tôi tự hỏi nếu đôi khi chúng ta giải thích sai cụm từ “sau khi chúng ta đã làm tất cả những gì chúng ta có thể làm”. Chúng ta phải hiểu rằng “sau khi” không có nghĩa là “bởi vì”.
Chúng ta không được cứu rỗi “bởi vì” tất cả những gì mình có thể làm. Bất cứ ai trong chúng ta có làm tất cả những gì mình có thể làm chưa? Thượng Đế có chờ đợi cho đến khi chúng ta đã tận dụng mọi nỗ lực trước khi Ngài can thiệp vào cuộc sống của chúng ta với ân điển cứu rỗi của Ngài không?
Nhiều người cảm thấy nản lòng vì họ luôn luôn thất bại. Họ tự biết rằng “tinh thần thì muốn lắm, mà xác thịt thì yếu đuối” [Ma Thi Ơ 26:41]. Họ cất cao tiếng nói với Nê Phi trong việc tuyên bố: “Lòng tôi sầu khổ vì xác thịt của tôi” [2 Nê Phi 4:17].
Tôi chắc chắn rằng Nê Phi đã biết rằng ân điển của Đấng Cứu Rỗi cho phép và làm cho chúng ta có khả năng để khắc phục tội lỗi [xin xem An Ma 34:31]. Đây là lý do tại sao Nê Phi lao nhọc rất cần mẫn để thuyết phục con cái và anh em của mình phải “tin vào Đấng Ky Tô, và để được hòa hiệp với Thượng Đế” [2 Nê Phi 25:23].
Xét cho cùng, đó là điều chúng ta có thể làm! Và đó là nhiệm vụ của chúng ta trên trần thế! …
Ngày hôm nay và mãi mãi, ân điển của Thượng Đế dành cho tất cả mọi người có tấm lòng đau khổ và tâm hồn thống hối [xin xem 3 Nê Phi 9:19–20]. (Dieter F. Uchtdorf, “Ân Tứ về Ân Điển”, Liahona, tháng Năm năm 2015, trang 110)
Hãy suy ngẫm một chút về những điều em đã học được rằng Chúa Giê Su Ky Tô là cách thức duy nhất để em có thể được cứu rỗi. Sứ điệp hoặc lẽ thật nào là quan trọng nhất đối với em hoặc khiến em muốn tán tụng Chúa Giê Su Ky Tô? Em cảm thấy được thúc giục để làm điều gì nhờ vào những điều em đã học và cảm nhận? Em có thể muốn ghi lại những suy nghĩ này trong nhật ký ghi chép việc học tập.
Hân Hoan nơi Đấng Ky Tô
Vì Nê Phi biết về ân điển và quyền năng cứu rỗi của Đấng Cứu Rỗi, ông viết ra để giúp người khác tin vào Đấng Ky Tô. Đọc 2 Nê Phi 25:26 và tìm kiếm những điều chúng ta có thể làm để giúp những người khác tin vào Chúa Giê Su Ky Tô. Em có thể muốn đánh dấu các từ chỉ hành động khác nhau được sử dụng trong câu này.
-
Những từ nào trong câu này nổi bật với em?
-
Cuộc sống của em đã được ảnh hưởng như thế nào bởi những điều người khác chia sẻ về Chúa Giê Su Ky Tô?
-
Làm thế nào mà mối quan hệ của em với Chúa Giê Su Ky Tô có thể được củng cố bằng cách chia sẻ những cảm nhận cá nhân về Ngài với những người khác?